Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 25 janvier 2023 16:10

Tôi không bao giờ có Tết nữa

Đó là cái Tết xa nhà đầu tiên năm 1967, tôi nhập ngũ vào bộ đội. Ra đi từ tháng 3 năm đó tôi được biên chế vào đoàn 4 binh chủng thông tin VTĐ đóng quân ở huyện Yên Dũng tỉnh Hà Bắc (nay là Bắc Giang).

tet0

Đến nay đã đất nước hòa bình đã hơn 50 năm những thông tin của nhà nước về anh tôi vẫn là con số không. Tôi làm mọi cách tìm kiếm nhưng câu trả lời vẫn chỉ là "hy sinh ở mặt trận phía nam" !

Chúng tôi không có doanh trại mà đơn vị bố trí từng nhóm 2, 3 đến 5 người ở lẫn trong các nhà dân.

Ngày 23 Tết trong khi dân hối hả sắm Tết thì 21g có lệnh báo động, chúng tôi vội vã thu lượm quân trang, vũ khí, máy móc chạy ra sân hợp tác xã tập hợp nhận lệnh hành quân rồi cả hai trung đội lặng lẽ đi trong đêm tối vô định.Chúng tôi lầm lũi đi khi qua khi đường đất đoạn lại đường nhựa không hiểu là đi đâu. 2g đến một quả đồi cây cỏ rậm rạp đói, mệt thì được lệnh chuẩn bị "chiến đấu". Đài tôi (một đài 15W có 6-10 báo vụ tương đương một tiểu đội) trong đêm tối mỗi người một việc, người trèo cây mắc ăng ten, người đào hầm kê bàn, đặt máy, người vơ củi nấu cơm…khẩn trương chuyển phát điện về đơn vị ở Bắc Giang đúng giờ như chiến đấu thật.

Tôi liên lạc xong phiên của mình với đơn vị ở Yên Dũng là ca cuối cùng. Bỏ máy trở ra khỏi hầm dã chiến trời rạng sáng bụng đói, miệng khát đắng đã thấy mùi cơm, mọi người xúm vào ăn gần xong. Đến lượt tôi, lùa miếng cơm chỉ với nước thịt hộp loãng mà sao nó ngọt, ngon vô cùng… Đến bát thứ 2 thì trời sáng rõ. Tôi thấy trong những miếng cơm lại lốm đốm cái gì đen đen, tôi bẻ ra day day thì hóa ra mấy con nòng nọc bị nấu gần nát, cụt đuôi. Hóa ra ban đêm cậu nấu cơm lấy phải vũng nước trâu đằm ngay bờ đồi. Lúc ấy tôi mới cảm giác thấy hơi tanh tanh…

8g30 vội vã thu nhặt quân trang, ăng ten, máy móc lại hành quân tiếp cũng chẳng biết đi đâu,chỉ thấy càng đi thì càng qua nhiều loại đường sá, đồi núi. Đến chiều tối thì đến địa phận Hữu Lũng (Lạng Sơn) chúng tôi len lỏi trên những con đường mòn dốc nối dốc, hai bên toàn núi đá hùng vĩ, rừng cây âm u. Đêm đó mắc võng ngủ dưới tán rừng xen lẫn nương rẫy. Sáng hôm sau ăn cơm xong bắt đầu cuộc hành quân vào "Trường Sơn". Đó là vượt qua 36 con đèo hiểm trở chỉ trong một ngày. Nghe nói từ những năm 1945 giới quân sự Nhật đã tìm ra con đường khủng khiếp này để rèn quân và nó xứng đáng là thao trường lý tưởng để quân đội làm quen trước khi vượt Trường Sơn vào nam. 

Những cái dốc cỡ 35-40 độ phải ngẩng mặt lên mới nhìn thấy phía trước, gót giày anh đi trước giáp mặt anh đi sau… Tôi phải bám vào những gốc cây, mảnh đá tai mèo để "cẩu" thân mình cùng với ba lô, chiếc máy thu, phát 15w, tất cả cỡ 35kg lên phía trước. Đến 16h chúng tôi cũng xuống thung lũng qua mấy cái bản đường lầy lội giày ngập trong bùn trộn phân trâu, lợn, chân tay tê cóng không còn cảm giác. 

Ngày hôm sau chúng tôi đi Thất Khê vì thấy cột cây số trên đường viết thế. Đúng 29 Tết chúng tôi đến đóng quân ở một quả đồi toàn cây hồi, hoa thơm hắc, trời lạnh thấu xương. Ai cũng mệt mỏi, hốc hác, đói, rét, áo quần một màu bùn, đất, cổ, vai áo bóng nhẫy vì hành quân cả mấy ngày không tắm giặt. Đã thế vừa đặt ba lô lại phải ngay lập tức đào hầm, dựng lán mắc ăng ten, triển khai máy móc để tập liên lạc cho kịp phiên quy định từ trước. Tết ấy ngoài tí thịt hộp nấu loãng như canh chúng tôi có thêm rau bắp cải và những phong bánh khảo do bà con địa phương tặng. Đây là đặc sản ở vùng Thất Khê (Lạng Sơn).

Hết tuần, hết Tết ở cái rừng hồi hoang vu, những cơn gió hú lạnh thấu xương chúng tôi lại hành quân qua bao đèo dốc núi đồi hùng vĩ về Bắc Giang. Buổi sáng còn ngẩn mặt ngắm "quan san" nhưng buổi chiều thì ai cũng cúi mặt phì phò lê từng bước.

Trùng trùng xứ Lạng là đây

Loanh quanh những núi, ngất mây những thành

Bạt ngàn núi bát ngát xanh

Những hang là động, những thành trơ trơ

Sáng ngày núi cũng nên thơ

Hành quân cuối buổi chẳng mơ mộng gì

Ngỡ ngàng những mỗi bước chân đi.

Gian truân in dấu những thi vị đường…

Tết gian truân đầu tiên ấy với tôi nhưng không thấm gì với những gì tôi biết sau này : Đêm 30 Tết Mậu Thân khi chúng tôi co ro ở rừng hồi Thất Khê thì anh trai tôi, Nguyễn Hữu Phước lầm lũi trong đêm tối tập kích sân bay Kon Tum, bị phản kích bằng pháo, M16, đại liên, xe tăng cả tiểu đoàn thương vong trong đó có anh tôi. Trận ấy chỉ sống sót mấy anh y tá, nuôi quân. Đến nay gia đình tôi cũng không thể tìm được anh vì theo anh Mưu lính hậu cần quê xã Lãng Công cùng đơn vị sống sót về về kể : Tiểu đoàn anh tôi bị phản kích,không thể tiến vào bên trong sân bay và bị tổn thất gần hết. 

Trong ánh chớp của đạn pháo anh Mưu nhìn thấy anh tôi bị thương rất nặng, không ngồi dậy được và cuối cùng chỉ vài người ở vòng ngoài thoát được ra. Ta thua nên xác bộ đội do bên Việt Nam Cộng Hòa xử lý và hàng trăm xác người chắc được ủi xuống chỗ nào đó và lấp đi, "tìm sao được". Đến nay đã đất nước hòa bình đã hơn 50 năm những thông tin của nhà nước về anh tôi vẫn là con số không. Tôi làm mọi cách tìm kiếm nhưng câu trả lời vẫn chỉ là "hy sinh ở mặt trận phía nam" !

Lại một cái Tết nữa, ngoài nỗi buồn số phận anh tôi lại thêm nối xót xa với nhiều bạn bè yêu dân, yêu nước đang bị giam cầm, tù đày với cuộc sống khắc nghiệt trong các nhà tù nhỏ.

Từ đó, tôi không bao giờ có Tết nữa.

Nguyễn Đình Ấm

Nguồn : VNTB, 25/01/2023

Additional Info

  • Author Nguyễn Đình Ấm
Published in Diễn đàn