Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Pháp : Giới nghiệp đoàn "mạnh hơn" sau phong trào chống luật hưu trí

Chiến thắng của phe đòi độc lập trong cuộc bầu cử địa phương tại quần đảo Polynésie (Pháp), ở Thái Bình Dương gây lo ngại cho chính quyền trung ương. Nguy cơ sản phẩm Trung Quốc tràn ngập thị trường điện gió Châu Âu. Liên hệ nguy hiểm giữa trí thông minh nhân tạo và chính trị là chủ đề trang nhất của báo chí Pháp hôm nay. Nguy cơ bạo lực gia tăng trong nước trong bối cảnh đối đầu giữa chính quyền và phong trào chống luật hưu trí vẫn là chủ đề của đa số các báo.

syndicat1

Biểu tình phản đối chủ trương giải tán phong trào môi trường Les Soulevements de la Terre, ở Angoulême, miền tây nước Pháp, ngày 19/04/2023. AFP – Yohan Bonnet

Trang nhất Le Monde chạy tựa : "Sau ngày mùng một tháng Năm, chính quyền muốn sang trang". Về tình hình chung, nhật báo Pháp cho biết các nghiệp đoàn đã thành công trong việc "đoàn kết" xuống đường ngày 01/05, cho dù không huy động được một làn sóng tham gia đông đảo như hy vọng. Chính phủ "muốn sang trang" nhưng các nghiệp đoàn không muốn "sang trang". Hôm qua, 02/05, liên hiệp các nghiệp đoàn quyết định một mặt tiếp tục phong trào, mặt khác xem xét trả lời lời mời của chính phủ thảo luận về "một số vấn đề xã hội".

"Nước Pháp thầm lặng" chống nước Pháp khua chiêng gõ mõ

Theo Le Monde, về phía chính quyền, tổng thống Macron muốn dựa vào sự ủng hộ của "Nước Pháp thầm lặng" để gạt nỗi giận dữ (của phong trào phản kháng) ra bên lề. Le Monde có bài mô tả chiến thuật của tổng thống Pháp, đối lập một cách không chính thức giữa hai phần của nước Pháp, một "Nước Pháp thầm lặng" và một nước Pháp đang sôi sục với phong trào phản kháng. Trong lần đi thực địa ngày 20/04, bị phản đối bằng với một "dàn nhạc xoong nồi", tổng thống Macron cam kết không đối thoại với những ai muốn dùng âm thanh ầm ĩ để lấn át người khác. "Một ranh giới được vạch ra giữa những người phản kháng dữ dội nhất và phần còn lại của nước Pháp, được coi là đa số thầm lặng, sẵn sàng ủng hộ ông".

Về cuộc đối đầu giữa chính phủ và các nghiệp đoàn, bài xã luận hôm nay của Le Monde lấy tựa đề "Các nghiệp đoàn vẫn là bên chiến thắng". Theo Le Monde, các nghiệp đoàn đã thành công với ngày hành động thứ 13 chống luật nâng tuổi về hưu lên 64. Kể từ ngày 19/01, các nghiệp đoàn đã liên tục duy trì được đoàn kết trong bối cảnh phức tạp, với lạm phát leo thang, ảnh hưởng lớn đến đời sống người lao động, giới hạn khả năng bãi công. Đối với Le Monde, việc các nghiệp đoàn không thể buộc tổng thống phải lùi bước, bất chấp đa số dân Pháp ủng hộ phong trào, là điều "bất công".

"Mùa xuân" của các nghiệp đoàn

Tình hình hiện tại khó cho phép kéo dài phong trào. Trong quá khứ, việc các phong trào không đạt mục đích thường dẫn đến việc các lãnh đạo mất uy tín. Tuy nhiên, đối với Le Monde, với phong trào lần này, "các nghiệp đoàn trên thực tế đã trở nên mạnh mẽ hơn từ cuộc xung đột về cải cách hưu trí". Ba điểm chủ yếu cho thấy điều này. Thứ nhất là đông đảo người lao động đăng ký tham gia các nghiệp đoàn. Thứ hai là phong trào đã không để đảng cực hữu của Marine Le Pen thao túng. Điểm quan trọng thứ ba là các nghiệp đoàn đã thúc đẩy được các phối hợp tập thể, cùng với việc mở đường cho thế hệ mới nổi lên, như trường hợp của hai nghiệp đoàn chính CFDT và CGT.

Le Monde kết luận với âm hưởng đầy lạc quan : "Không khí mùa xuân này của các nghiệp đoàn tương phản hoàn toàn với tình trạng hoàng hôn của chính phủ, đang tiếp tục phải trả giá đắt, do việc sử dụng điều 49.3 để thông qua một cải cách rất mất lòng dân. (…) Nếu các nghiệp đoàn tiếp tục hành động đoàn kết và nếu họ đặt mục tiêu cao, các nghiệp đoàn có một cơ hội thực sự để lấy lại uy tín cho nền dân chủ xã hội".

Giới chủ Pháp chìa tay với nghiệp đoàn để "tránh bị gạt sang lề"

Về cuộc khủng hoảng hiện nay tại Pháp, nhật báo kinh tế Les Echos quan tâm nhiều hơn đến thái độ của giới chủ. Theo Les Echos, giới chủ đang "chìa bàn tay ra với giới nghiệp đoàn" để không bị trở thành người ngoài cuộc. Vì sao giới chủ có nguy cơ trở thành bên ngoài cuộc ? Les Echos giải thích : Sau ngày hành động thứ 13 "thành công" (ngày 01/05), liên hiệp các nghiệp đoàn đã quyết định tổ chức ngày hành động thứ 14 vào ngày 06/06, tức hai ngày trước khi nhóm dân biểu LIOT đề xuất một kiến nghị bác bỏ luật cải cách hưu trí của chính phủ.

Cách đây hơn một tháng (ngày 20/03), một đề xuất khác của LIOT theo hướng này chỉ thiếu 9 phiếu là đủ để bác bỏ luật và lật đổ chính phủ. Les Echos đánh giá, quyết định tổ chức ngày hành động thứ 14 nói trên vào dịp này là "một tín hiệu rõ ràng" từ phía các nghiệp đoàn : Không chấp nhận sang trang luật hưu trí nâng tuổi về hưu lên 64. Các nghiệp đoàn sẽ đoàn kết gửi đến chính phủ một số yêu sách chung, liên quan đến lao động, việc làm. Theo Les Echos, lo ngại chính phủ sẽ "nhân nhượng quá nhiều", các tổ chức của giới chủ như Medef, CPME và U2P, đã đề nghị gặp gỡ sớm nhất các nghiệp đoàn để thương lượng về các chủ đề này.

Ba lý do khiến các nghiệp đoàn hy vọng

Les Echos vạch ra "ba lý do cuối cùng" khiến phe phản đối luật nâng tuổi về hưu lên 64 tiếp tục nuôi hy vọng. Thứ nhất là quyết định của Hội Đồng Bảo Hiến hôm nay 03/05 về đề xuất tổ chức trưng cầu dân ý, theo thể thức RIP, do một nhóm nghị sĩ cánh tả tại Thượng Viện đề xuất. Thứ hai là kiến nghị bác bỏ luật của nhóm dân biểu LIOT ở Hạ Viện đã nói ở trên. Và thứ ba là việc khiếu nại lên Tham Chính Viện nhằm ngăn cản các thông tư thực thi luật. Khoảng 35 thông tư dự kiến sẽ được ban hành. Việc khiếu nại, nếu không cho phép ngăn cản, cũng có thể dẫn đến trì hoãn cải cách.

"Cuộc ly hôn" giữa giới trẻ Pháp và tổng thống Macron

Như vậy, mong muốn sang trang phong trào phản kháng chống luật hưu trí của chính phủ ắt hẳn sẽ không sớm diễn ra. Không khí chính trị xã hội tại Pháp những tuần và những tháng tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục căng thẳng. Nhật báo thiên hữu Le Figaro có bài về "Giữa tổng thống và giới trẻ : cuộc ly hôn không thể vãn hồi". Theo Le Figaro, nếu như danh hiệu "tổng thống của giới trẻ" là có thể rất phù hợp với Macron, ứng cử viên tổng thống trẻ nhất. Emmanuel Macron có đầy đủ tố chất để "quyến rũ" thành phần được coi là "rất khó huy động".

Tuy nhiên, trong hiện tại, một bộ phận giới trẻ Pháp "đang trở nên triệt để hơn", theo ghi nhận của nhà xã hội học Olivier Galland. Nhiều người trong số họ tham gia vào cuộc phản kháng chống cải cách hưu trí. Việc chính phủ mượn đến điều 49.3 để ra luật càng khiến một bộ phận giới trẻ coi chính phủ là "độc đoán". Dù sao, nhà xã hội học cũng lưu ý là nên nhìn nhận đúng về tầm mức của thái độ bất bình nói trên của giới trẻ. Đối với chuyên gia Frédéric Dabi, Viện IFOP, thái độ mất niềm tin vào chính trị của giới trẻ cũng tương tự với gần như các thành phần khác trong xã hội. Và trước khi ông Macron đắc cử, quyết định "không bỏ phiếu" đã là lựa chọn số một của giới trẻ Pháp.

Bạo lực gia tăng, chính quyền không thể vô can

Căng thẳng chính trị xã hội kéo dài tạo không khí thuận lợi cho bạo lực gia tăng. Nhật báo công giáo La Croix hôm nay dành các hồ sơ chính cho chủ đề này. Bài xã luận "Bạo lực, hãy đừng coi đây là chuyện bình thường". Như thường lệ, bài xã luận tuy rất ngắn của La Croix cô đúc nhiều vấn đề cốt yếu.

La Croix nói đến "bạo lực" nào ? Về mặt hiện tượng, bạo lực trước hết liên quan đến các hành động phá hoại, các đụng độ giữa cảnh sát và một số phần tử, bên lề các cuộc biểu tình. La Croix lên án bạo lực, khi nhấn mạnh rằng đây là điều không thể chấp nhận được trong một Nhà nước pháp quyền. Hành động bạo lực này lại càng trở nên nguy hiểm, khi một số phần tử tranh đấu muốn làm như vậy để đẩy phía cảnh sát đến chỗ "phải đàn áp mạnh hơn".

Tuy nhiên, nhật báo công giáo cũng đề xuất một góc nhìn khác, chỉ rõ trách nhiệm thuộc về cả phía chính quyền. Theo La Croix, công chúng cần có "thái độ thận trọng" trước nhận định của thủ tướng Elisabeth Borne, về việc "bạo lực đã chuyển sang một nấc mới" với những gì diễn ra bên lề cuộc tuần hành ngày 01/05. La Croix nhấn mạnh, bên cạnh trách nhiệm dùng lực lượng an ninh để duy trì trật tự, với tư cách là bên có "độc quyền sử dụng quyền lực/bạo lực" vì lý do nêu trên, Nhà nước không thể vô can khi để bạo lực phản kháng bùng phát. Chính quyền phải có trách nhiệm hành động theo hướng "giảm căng thẳng". Và "độc quyền sử dụng bạo lực của chính quyền" chỉ hợp thức khi chính quyền hành động vì lợi ích chung.

"Soulèvement de la Terre" : Lý do thành công của hiệp hội phản kháng

Hồ sơ trang nhất của nhật báo công giáo hôm nay cũng liên quan đến bạo lực phản kháng trong nội bộ xã hội Pháp. Hình ảnh trang nhất của La Croix là một cuộc phản kháng dự án xây dựng xa lộ A69 giữa Toulouse và Castres, ngày 22/04, với hình ảnh một thanh niên đứng đầu đoàn biểu tình, mặt che kín với khăn màu xanh đen.

La Croix cho biết Sắc lệnh giải tán hiệp hội "Soulèvement de la Terre" (Sự nổi dậy của Trái đất) đã không được trình ra sáng nay tại Hội đồng Bộ trưởng cho thấy chính quyền đang gặp khó khăn trong việc ngăn chặn phong trào tranh đấu triệt để vì Sinh thái. Kể từ khi bộ trưởng Nội Vụ Gerald Darmanin tuyên bố cần giải tán phong trào vì sinh thái này, đã bốn cuộc họp của hội đồng bộ trưởng, mà sắc lệnh vẫn chưa được trình ra.

La Croix không kết tội tổ chức đang bị bộ Nội Vụ đe dọa giải tán, mà tìm cách giải thích về nguồn cơn câu chuyện. Nhật báo công giáo có bài tổng thuật công phu về lịch sử đã dẫn đến "thành công" của hiệp hội "Soulèvement de la Terre" (Sự nổi dậy của Trái đất) trong việc gây dựng được một hình ảnh tích cực trong xã hội. Theo một ghi nhận của cơ quan an ninh nội địa Pháp, vào tháng 11/2022, ảnh hưởng gia tăng của phong trào Sự nổi dậy của Trái đất có liên quan với cuộc đại khủng hoảng khí hậu, các thành viên của tổ chức này đã "khéo léo thuyết phục được những người tranh đấu vốn quen với các hành động bất tuân dân sự chuyển sang chiến thuật kháng chiến dân sự (résistance civile)".

Hiệp hội Sự nổi dậy của Trái đất cũng thu hút được các chuyên gia khoa học hàng đầu tham gia vào ủy ban ủng hộ hiệp hội cho thấy khả năng "ảnh hưởng" và "thu hút" của phong trào này. Việc nhà khí hậu học hàng đầu Valérie ­Masson-Delmotte, đồng chủ tịch GIEC (nhóm chuyên gia liên chính phủ của Liên Hiệp Quốc về khí hậu) lên tiếng ủng hộ hiệp hội "thực thi quyền tự do ngôn luận" của mình "đã buộc nhiều thành viên chính phủ phải suy nghĩ", theo La Croix.

Cội nguồn của xu thế quyết liệt hơn của giới môi trường

Cũng trong số báo hôm nay, La Croix có một bài viết đáng chú ý khác, tìm cách giải thích vì sao giới bảo vệ môi trường lại ngày càng có các hành động triệt để hơn. Một trong những lý do chính được nêu ra là "sự rạn nứt ngày càng lớn chính quyền và các hiệp hội truyền thống", trong bối cảnh nhiệt độ trái đất tiếp tục gia tăng nhanh chóng, bất chấp các cam kết của các nước, của giới kinh tế, nhằm hạn chế khí thải. Nhiệt độ hiện giờ đã tăng 1,1°C so với thời tiền công nghiệp. Càng gần đến cái mốc tăng hơn 1,5°C, không khí xã hội ắt hẳn sẽ càng căng thẳng hơn.

Theo nhà chính trị học Cécile Blatrix, AgroParisTech, từ mươi năm nay, sự tin tưởng giữa hai phía giảm mạnh. Điều này khiến cho các vấn đề sinh thái khó lòng được xem xét một cách bình tĩnh. Theo chủ tịch Hiệp hội FNE (France Nature Environnement), không tin vào chính quyền, giới trẻ chuyển từ bất tuân dân sự phi bạo lực sang các hành động phá hoại, bạo lực hơn". Điều mà nhà hoạt động môi trường này lo ngại là giai đoạn tiếp theo của leo thang, "sẽ là các hành động tấn công có trọng điểm hơn nhắm vào một số cá nhân, đặc biệt là những người có thẩm quyền trong chính quyền hay trong khu vực tư nhân".

"Gió" Trung Quốc đánh bạt "gió" Châu Âu

Đe dọa Trung Quốc với kinh tế Châu Âu trong lĩnh vực điện gió là chủ đề trang nhất của nhật báo Les Echos. Dù muốn dù không cuộc cạnh tranh hướng đến nề kinh tế hậu năng lượng hóa thạch đã là một thực tế. Dẫn đầu trong cuộc đua này trong nhiều lĩnh vực là Trung Quốc. Theo Les Echos, tiếp theo thắng lợi trong lĩnh vực điện mặt trời, "chỉ trong vài năm đã thôn tính thị trường sản xuất pin năng lượng mặt trời (Châu Âu)", nay đến lượt trận chiến điện gió. Theo Les Echos, Trung Quốc đã bật mạnh nhờ thị trường nội địa khổng lồ, hiện tại tập đoàn điện gió Trung Quốc Goldwin đã cạnh tranh ngang ngửa với quán quân trong lĩnh vực này là tập đoàn Đan Mạch Vestas.

"Hiểm họa xanh" Trung Quốc : Châu Âu cần bứt phá

Bài xã luận của Les Echos, nhan đề "Hiểm họa xanh" (ngụ ý nói đến cạnh tranh của các ngành công nghiệp hướng sang kinh tế Xanh), điểm lại lịch sử cạnh tranh hơn thế kỷ nay giữa phương Tây và Trung Quốc. "Hiểm họa xanh" nhắc đến cụm từ "Hiểm họa da vàng" là một cụm từ mang tính phân biệt chủng tộc từng được dùng trước đây để nói về đe dọa dân số Trung Quốc. Theo Les Echos, Trung Quốc đang biến bước ngoặt chuyển sang nền kinh tế xanh trở thành vũ khí để chinh phục thế giới. Trong bối cảnh này, Hoa Kỳ đã quyết định chuyển hướng cạnh tranh trực tiếp chống Trung Quốc. Liên Âu có thị trường nội địa khổng lồ nhưng khả năng hành động còn yếu do các mục tiêu và chiến lược đôi khi mâu thuẫn giữa các thành viên. Theo Les Echos, Liên Âu cần hành động khẩn cấp vào thời điểm quyết định này.

Trung Quốc gia tăng kiểm soát xã hội nhờ công nghệ

Vẫn về Trung Quốc, Le Figaro có bài viết trả lời phỏng vấn đáng chú ý của nhà báo Pháp gốc Hoa Zhu Linzhang, về kỷ nguyên kiểm soát toàn diện xã hội tại Trung Quốc mở ra từ khi Tập Cận Bình lên cầm quyền. Nhà báo Zhu Linzhang phân tích về các công nghệ mới cho phép chế độ Trung Quốc kiểm soát ngày càng chặt hơn dân chúng. Nhà báo Zhu Linzhang làm việc cho Courrier International từ mươi năm nay, và là một nhà báo Pháp hiếm hoi gốc Trung Quốc. Trong cuốn sách mới "Xã hội nằm dưới sự kiểm soát Made in China", ông mô tả đời sống hàng ngày của người dân Trung Quốc, đa số chấp nhận sự kiểm soát của Đảng. An ninh là một lý do cơ bản được đưa ra để biện minh cho việc kiểm soát này.

Mối liên hệ nguy hiểm giữa trí thông minh nhân tạo và chính trị cũng là hồ sơ chính của Libération hôm nay.

Ukraine tăng cường tấn công hậu phương Nga trước phản công

Ukraine liên tục tổ chức tấn công, phá hoại tại khu vực biên giới với Nga và bán đảo Crimea là một chủ đề trang nhất của Le Monde. Theo một phát biểu của bộ trưởng quốc phòng Ukraine Oleksil Reznikov, hôm 01/05, trên truyền hình Nhà nước, Quân đội Ukraine đã hoàn tất việc chuẩn bị phản công mùa xuân, nhưng quyết định "thời điểm tấn công, cách thức tấn công" phụ thuộc vào các chỉ huy chiến trường.

Phim tài liệu : Cuộc chiến đòi công lý cho nạn nhân chế độc tài Syria

Trong lĩnh vực điện ảnh, La Croix chú ý đến bộ phim tài liệu "Les Âmes perdues", vừa ra mắt tại Pháp, nói về cuộc chiến đòi công lý của các thân nhân của những nạn nhân của chế độ độc tài Assad, Syria. La Croix đánh giá phim của hai nhà báo Stéphane Malterre và Garance Le Caisne là "xác đáng", các tác giả thấu cảm nỗi lòng của những người trong cuộc.

Trọng Thành

Additional Info

  • Author Trọng Thành
Published in Quốc tế

Miền Bắc trước đây theo mô hình Xô viết, mọi người đều làm công cho nhà nước và đoàn ngũ hóa trong một tổ chức chính trị trực thuộc Đảng cộng sản được gọi là công đoàn.

congdoan1

Lễ khai mạc Đại hội lần thứ 12 Công đoàn Nhà nước Việt Nam ngày 24/09/2018 - Ảnh minh họa (vn.com)

Ngày nay kinh tế, xã hội và cả chính trị Việt Nam đã thay đổi, nhưng nhiệm vụ của công đoàn vẫn tồn tại như ngày nào.

Tham gia Hiệp định CPTPP, Hà Nội sẽ phải chấp nhận hoạt động của các nghiệp đoàn đại diện cho người lao động nhưng "không làm chính trị", nghĩa là không chịu sự lãnh đạo của Đảng cộng sản.

Như vậy Hà Nội đang chấp nhận 3 bước lùi : thứ nhất về tư tưởng "đấu tranh giai cấp" ; thứ hai là nới lỏng kiểm soát tầng lớp lao động ; và quan trọng nhất là Đảng cộng sản mất quyền trực tiếp lãnh đạo.

Quốc tế về quyền lao động…

Việt Nam đã gia nhập Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vào tháng 6/1950, nhưng Hà Nội vẫn chưa ký nhiều Công ước quy định về quyền lao động, như Công ước số 87 và 98 về tự do liên kết và thương lượng tập thể, là những quyền đã được hầu hết các nước thành viên ILO và Liên Hợp Quốc công nhận.

Khi gia nhập WTO vào 1/2007, Hà Nội đã hứa sẽ ký và thực thi hai Công ước nói trên nhưng đến nay vẫn không thực hiện.

Tranh tụng quyền lao động

Tham gia CPTPP, Hà Nội sẽ có 5 năm không bị trừng phạt thương mại đối với việc thành lập các nghiệp đoàn và 7 năm các nghiệp đoàn được liên kết với nhau.

Trong vòng 5 năm, Hà Nội cũng phải để các nghiệp đoàn thực hiện việc đàm phán thỏa thuận lao động tập thể về tiền lương, về thời giờ làm việc, về thời giờ nghỉ ngơi và các quyền lợi khác.

Nếu Hà Nội vi phạm các điều khoản đã ký nghiệp đoàn tại Việt Nam không có quyền khởi kiện, chỉ có chính phủ 10 quốc gia CPTPP còn lại mới có quyền kiện đòi Hà Nội thực hiện.

Việc vi phạm quyền lao động sẽ ảnh hưởng đến thị trường lao động và quyền lợi nghiệp đoàn 10 quốc gia còn lại, vì thế các nghiệp đoàn Việt Nam có thể làm việc với các nghiệp đoàn tại ít nhất 1 quốc gia có chân trong CPTPP, vận động chính phủ nước họ khởi kiện.

Hay nghiệp đoàn Việt Nam tổ chức tổng đình công trực tiếp tố cáo và vận động chính phủ các quốc gia khác khởi kiện.

Thủ tục khá nhiêu khê nên muốn mang lại kết quả, các nghiệp đoàn tại Việt Nam cần xây dựng liên kết chặt chẽ với nghiệp đoàn quốc tế.

Ngay cả việc chính phủ quốc gia khác có thành công trong việc kiện tụng, việc trừng phạt Hà Nội còn tùy thuộc vào quan điểm chính trị và ngoại giao của nước họ, nên họ có thể chọn thỏa hiệp với Hà Nội vì một lợi ích kinh tế hay chính trị nào đó mà bỏ qua việc trừng phạt.

Những người hoạt động nghiệp đoàn cần biết rõ giới hạn này để đừng hoàn toàn kỳ vọng vào các quốc gia khác trong CPTPP.

Thị trường lao động Việt Nam…

Vào đầu năm 2016, Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho biết Việt Nam có 23 triệu nông dân, trong khi tổng cộng 11 nước TPP (cả Mỹ) chỉ có 20,5 triệu nông dân.

Tính trung bình nông dân trồng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long thu nhập không quá 100 Mỹ Kim mỗi tháng, trong khi lợi tức trung bình của công nhân Việt Nam vào khoảng 250 Mỹ Kim mỗi tháng.

Tỷ lệ chênh lệch thu nhập là 2,5 lần và số thặng dư nhân lực tại nông thôn cũng rất cao khiến nông dân di cư đến các khu công nghiệp kiếm việc làm.

Về lý thuyết khi thị trường lao động bão hòa tiền lương sẽ quyết định bằng năng suất lao động và sẽ tương đương giữa các nước theo kinh tế thị trường.

Nhưng trên thực tế như Samsung sản xuất gia công theo dây chuyền được cài đặt với một tốc độ cố định, nên bất kể người làm việc trên dây chuyền là người nước nào thì năng suất lao động và sản lượng sản xuất đều như nhau.

Nhưng lương của công nhân Việt Nam chỉ bằng 30% lương công nhân Nam Hàn và chỉ bằng 1/2 lương công nhân Trung Quốc.

Nhằm thu hút đầu tư, Hà Nội sẽ tiếp tục kềm hãm mức lương tối thiểu để mức lương công nhân Việt Nam luôn thấp nhất trong số 10 quốc gia tham gia CPTPP.

Thị trường lao động lại luôn biến đổi. Samsung đã từng rời hầu hết các cơ xưởng từ Trung Quốc sang Việt Nam, Samsung có thể lại rời sang Bắc Hàn do lương công nhân rẻ hơn lại cùng một dân tộc, một ngôn ngữ và như thế sẽ ảnh hưởng nặng đến nhu cầu nhân dụng Việt Nam.

Các hoạt động kinh tế thì càng ngày càng đa dạng mỗi ngành nghề trong mỗi thời điểm lại có mức cung và cầu khác nhau.

Giới lãnh đạo nghiệp đoàn vì thế ngoài khả năng biết đàm phán còn cần kiến thức để hiểu rõ thị trường nhân dụng trong từng giai đoạn cũng như hiểu rõ về sách lược kinh tế của Việt Nam và thế giới.

Nghiệp đoàn độc lập với đảng chính trị

Nghiệp đoàn là tổ chức đại diện quyền lợi những người có chung một ngành nghề, như nghiệp đoàn thợ dệt, nghiệp đoàn thợ mỏ, nghiệp đoàn tiểu thương, nghiệp đoàn nông dân, nghiệp đoàn giáo chức, nghiệp đoàn báo chí, nghiệp đoàn công chức…

Gia nhập CPTPP, không chỉ người lao động phổ thông mới được quyền lập nghiệp đoàn mà cả những người lao động trí óc, văn phòng cũng có chung quyền lợi.

Vì thế nghiệp đoàn cần phải thực sự độc lập với tất cả các đảng phái chính trị.

Nghiệp đoàn phải do người lao động đứng ra thành lập, được người lao động nuôi dưỡng và phải luôn luôn đấu tranh cho quyền lợi người lao động.

Mỗi nghiệp đoàn cần có nội quy sinh hoạt, với đường lối đấu tranh công khai và rõ ràng phù hợp với luật pháp hiện hành.

Các nghiệp đoàn trên nguyên tắc là cạnh tranh với công đoàn nhằm phục vụ tốt cho người lao động, nên cần tránh lọt vào thế đối đầu với công đoàn không mang lại lợi ích thiết thực.

Những người lãnh đạo nghiệp đoàn ngoài sự hiểu biết và tài năng còn phải là người được người lao động thương yêu, tin tưởng và bầu lên qua những cuộc bầu cử dân chủ.

Như thế họ mới chính danh để đại diện người lao động thương lượng với cả chủ nhân lẫn nhà nước.

Họ cũng cần có khả năng và kinh nghiệm làm việc với các nghiệp đoàn khác, các chính phủ và các tổ chức quốc tế.

Về lâu dài Việt Nam sẽ tạo nên một tầng lớp lãnh đạo nghiệp đoàn khác hẳn với tầng lớp lãnh đạo công đoàn mà đa số là cán bộ công chức được Đảng cộng sản giao cho công tác tuyên truyền vận động chính trị.

Dư luận hiện đang rất lo âu về việc Hà Nội sẽ lập ra các nghiệp đoàn hình thức vẫn chịu sự kiểm soát của Đảng cộng sản.

Điều này dễ dàng xảy ra vì thế trong thời gian tới có thể có 3 hình thức hoạt động khác nhau :

1) công đoàn nhà nước làm nhiệm vụ chính trị cho Đảng cộng sản ;

2) nghiệp đoàn trong khuôn khổ giới hạn thương lượng với giới chủ ; và

3) những người hoạt động nghiệp đoàn âm thầm tổ chức biểu tình và đình công.

Biểu tình, đình công…

Từ khi Hà Nội tham gia kinh tế thị trường năm 1990 đã có hơn 6.000 cuộc đình công, tất cả đều tự phát và hầu hết mang lại kết quả tốt, đặc biệt là 2 cuộc tổng đình công phản đối chính sách của Hà Nội.

Vào dịp cuối năm 2005, diễn ra nhiều cuộc đình công đòi tăng mức lương tối thiểu cho công nhân tại các doanh nghiệp nước ngoài, có cuộc đình công lên đến năm, sáu chục ngàn công nhân tham dự.

Thủ tướng Phan Văn Khải đã nhanh chóng đáp ứng yêu cầu bằng cách ký chỉ thị tăng mức lương tối thiểu lên 40 phần trăm.

Cuối tháng 3/2015 nhiều cuộc đình công liên tục diễn ra tại khu công nghiệp Sài Gòn, Bình Dương, Tiền Giang, Tây Ninh, Long An… phản đối chính sách bảo hiểm xã hội đã được Quốc hội thông qua.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng ngay tức thì tuyên bố sẽ đáp ứng nguyện vọng công nhân bằng cách kiến nghị lên Quốc hội sửa đổi Luật Bảo hiểm Xã hội.

6.000 cuộc đình công mang lại kết quả cho thấy sức mạnh của người lao động trong việc thương lượng với chủ nhân và nhà nước.

Một số cuộc đình công khi chấm dứt, công nhân đứng ra tổ chức đã bị sa thải và một số người sau đó bị bắt.

Một số trường hợp rõ ràng có những liên kết tổ chức nhưng công đoàn và nhà nước vẫn không kiểm soát được.

Theo hướng dẫn của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) luật lao động sẽ phải thay đổi, để khi có 50% cộng 1 thành viên ban chấp hành đồng ý biểu tình hay đình công thì nghiệp đoàn có quyền tiến hành.

Trong 7 năm đầu và thậm chí khi nhà cầm quyền Hà Nội chưa thay đổi cách nhìn về biểu tình và đình công thì bên trong các cơ sở doanh nghiệp luôn có những người lao động sẵn sàng khởi xướng và tổ chức các cuộc đình công.

Thực tế cũng cho thấy các cuộc biểu tình nhiều khi lên đến hằng trăm ngàn người tham dự nhưng đã nhanh chóng tàn lụi, nên cũng đừng kỳ vọng các cuộc biểu tình sẽ thay đổi thể chế như đã từng xảy ra ở Ba Lan.

Hướng tới tự do

Rõ ràng Việt Nam đang từng bước thay đổi, nghiệp đoàn "không làm chính trị" sẽ chính thức hoạt động, nhưng sức mạnh của tầng lớp lao động về cả kinh tế lẫn chính trị đều luôn bị Đảng cộng sản kềm hãm.

Muốn xã hội phát triển toàn diện và công bằng Việt Nam lại cần có những chính sách những đạo luật tiến bộ. Muốn thế cần có những đấu tranh nghị trường, đấu tranh giữa các đảng chính trị với nhau.

Khi Việt Nam có tự do và có đa đảng, các nghiệp đoàn mới tạo quyền lực chính trị bằng cách ủng hộ các chính đảng có chính sách xã hội tiến bộ phục vụ cho quyền lợi tầng lớp lao động nghèo. Hoặc ủng hộ những chính đảng đề ra những chính sách có lợi cho các thành viên trong từng nghiệp đoàn.

Những người hoạt động nghiệp đoàn ngày nay sẽ vượt qua những thử thách, rút tỉa những kinh nghiệm để trở thành những người lãnh đạo đóng góp cho một Việt Nam tự do, dân chủ, và tạo công bằng cho xã hội.

Melbourne, Úc Đại Lợi, 22/11/2018

Nguyễn Quang Duy

Published in Diễn đàn