Liệu Việt Nam có chấp nhận thả tù ‘án xâm phạm an ninh quốc gia’ ?
Nguyễn Nam, VNTB, 05/04/2020
Bài báo trên trang Việt Nam Thời Báo đã cho biết như trên (1). Trang Việt Nam Thời Báo còn có bài viết đưa ra con số cụ thể, "Theo số liệu thống kê của tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD), cho đến ngày 31/3/2020, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự" (2).
"Tù nhân lương tâm" là cụm từ không nằm trong bất kỳ văn bản tố tụng hình sự nào ở Việt Nam. Tương tự, ở Việt Nam không có tội danh về ‘tù chính trị’. Tuy nhiên dùng từ ‘tù chính trị’ (loại trừ về hành vi khủng bố) lại được nhìn nhận là phù hợp với Bộ luật hình sự, Chương 13 : Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ điều 108 đến điều 122.
Về lập luận tố tụng cho dấu hiệu pháp lý của nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia là những hành vi xâm phạm đến sự tồn tại, vững mạnh của chính quyền nhân dân, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, xâm phạm chế độ xã hội chủ nghĩa, xâm phạm an ninh đối nội và đối ngoại của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Với cách hiểu như trên cho thấy yếu tố chính dẫn đến các hành vi cáo buộc, là đương sự không đồng tình với chế độ chính trị hiện tại. Việc không đồng tình này có thể chỉ dừng ở bước của quyền tự do chính trị cá nhân là ‘nghĩ trong đầu’, vẫn có thể bị cáo buộc rằng đây là hành vi của chuẩn bị phạm tội, tức là giai đoạn người phạm tội có hành vi tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc thực hiện tội phạm, nhưng chưa bắt đầu thực hiện tội phạm đó (3).
Việc không đồng tình chế độ chính trị hiện hành cũng có thể chuyển sang bước lên tiếng yêu cầu cải tổ đường hướng chính trị, và có thể cả chuyện kiên quyết đòi hỏi phải chấm dứt sự độc quyền toàn trị.
Dù là ở giai đoạn nào đi nữa, thì nếu đã có ý phủ nhận chế độ chính trị hiện hành, cá nhân đó có thể vướng vòng tố tụng hình sự với những cáo buộc nặng nhẹ khác nhau, và tất cả đều có điểm chung là họ không được quyền có sự tham gia của luật sư bảo vệ khi chưa kết thúc điều tra vụ án.
Như vậy, từ cách hiểu quen thuộc ở trên trong nhóm tội danh thuộc Chương 13 : Các tội xâm phạm an ninh quốc gia, từ điều 108 đến điều 122 của Bộ luật hình sự, cho thấy yêu cầu ‘thả tù chính trị’ mà CIVICUS đặt ra với Việt Nam gần như là khó thể được chấp thuận. Và con số "đang giam giữ ít nhất 240 tù nhân lương tâm trong các nhà tù hoặc các hình thức giam giữ tương tự" như tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền đã thống kê cho thấy nếu vì lý do ‘thả tù’ để ngừa lây lan đại dịch Covid-19, có lẽ cần mở rộng hơn nữa đối với những nhóm tội danh khác.
Tuy nhiên nếu xét trên tinh thần của yếu tố nhân đạo trước đại dịch Covid-19, cần thiết có các lệnh đặc xá đối với những ‘tù nhân chính trị’ không liên quan đến hành vi ‘khủng bố’ (4).
Nguyễn Nam
Nguồn : VNTB, 05/04/2020
Chú thích :
(1)https://vietnamthoibao.org/vntb-civicus-yeu-cau-viet-nam-tha-tu-chinh-tri-de-ngan-ngua-lay-lan-dich-benh/
(2)https://vietnamthoibao.org/vntb-to-chuc-nguoi-bao-ve-nhan-quyen-viet-nam-dang-giam-giu-242-tu-nhan-luong-tam/
(3) Theo điều 14 Bộ luật hình sự đã sửa đổi, bổ sung theo Luật số 12/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự năm 2015, thì chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm trừ trường hợp quy định tại điều 109, điểm a khoản 2 điều 113 hoặc điểm a khoản 2 điều 299 của Bộ luật hình sự.
(4) Bộ luật hình sự : Điều 299 (Tội khủng bố) ; Điều 300 (Tội tài trợ khủng bố) ; Điều 301 (Tội bắt cóc con tin) ; Điều 302 (Tội cướp biển) ; Điều 303 (Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia).
*********************
Ngăn mầm họa bằng nghĩa đồng bào
Ngân Bình, VNTB, 05/04/2020
Vùng dân tộc thiểu số đã và đang là “lõi nghèo của cả nước”
Một nhóm cướp nhắm mục tiêu vào cửa hàng tiện ích.
Một người, theo thông tin lan truyền trên mạng xã hội, đã tự vẫn vì không còn tiền để sinh sống.
Khi xã hội gặp biến cố vì thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh thì các mầm mống ‘loạn ly’ có cơ hội trỗi dậy.
Những mầm mống ‘loạn’ đang diễn ra trong xã hội hiện tại và có thể bùng phát nếu tình hình không chuyển biến tích cực. Trong khi đó, nhóm người bán vé số sẽ ‘dừng hoạt động’ trong vòng 2 tuần để đồng hành cùng chính phủ trong chỉ thị ‘cách ly xã hội’.
Xã hội Việt Nam đang bước vào giai đoạn đầu của ‘đóng băng’, lộ trình cần thiết để ngăn chặn dịch Covid-19 lan rộng.
Trước 0h ngày 1/4/2020, người dân đổ xô đi mua hàng tích trữ, gồm cả xăng dầu. Họ vẫn còn có thể đủ sức cầm cự trong 2 tuần, nhưng đó không phải là tất cả. Nhóm người dễ bị tổn thương, điển hình là người già và trẻ em buộc phải lao động để mưu sinh giờ đây có thể phải đứng trước một cận cảnh không hề dễ chịu : đầu tiên là tiền đâu.
Tại phía Nam, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra một chính sách hết sức kịp thời và đầy tính nhân văn khi hỗ trợ những người bán vé số có được số tiền để sống qua thời gian khốn khó này. Nhưng còn các tỉnh thành khác thì sao ? Nguồn chi ngân sách dành cho những người lao động cực thấp và độ tuổi trên trung niên sẽ như thế nào ? Đó là một bài toán không hề đơn giản trong hoàn cảnh ngân khố quốc gia còn nhiều vấn đề, nhưng không phải vì thế mà nhóm người dễ bị tổn thương bị bỏ rơi.
Không ai bị bỏ lại trong dịch bệnh này là nguyên tắc nhân đạo và nghĩa đồng bào mà chính phủ có thể nhấn mạnh trong mọi chủ trương, chính sách liên quan đến phòng chống dịch. Chỉ cần chính phủ trọng tâm kêu gọi hỗ trợ mạnh mẽ cho lớp người nghèo khó, bần cùng trong xã hội thì người viết tin rằng con số mà xã hội quyên góp không chỉ dừng ở mức 100 tỷ đồng. Nói cách khác - nếu chính phủ thực tâm theo đuổi nghĩa đồng bào bằng lời kêu gọi tâm huyết thì đồng bào sẽ kết đoàn để cùng nhau nhường cơm sẻ áo.
Lúc này đây, huy động nguồn lực từ các cá nhân, hội đoàn xã hội trong nước là cực kỳ cần thiết để đảm bảo nguồn tài chính hữu hiệu trong hỗ trợ người nghèo ‘thở’ qua cơn dịch bệnh này.
Mùa dịch bệnh này là bài kiểm tra hữu hiệu về tình đoàn kết dân tộc, nghĩa đồng bào và uy tín của chính phủ. Ngoài quỹ hỗ trợ cho nhóm người dễ tổn thương trong xã hội, chính phủ có thể tiến hành các biện pháp khác như giãn nợ cho người vay hay yêu cầu các chủ cho thuê phòng trọ giảm chi phí thuê đối với nhóm người lao động có thu nhập thấp. Bằng cách này, người lao động mới có thể sống sót được qua mùa dịch, và lòng tin cùng nghĩa đồng bào mới thực sự gia tăng trong xã hội Việt Nam.
Chính phủ hãy lên tiếng và lưu tâm, cả xã hội sẽ cùng nhau góp sức để vượt qua cơn đại dịch này.
Ngân Bình
Nguồn : VNTB, 05/04/2020