"Biến đổi không ngừng" là một quy luật tất yếu của tự nhiên và xã hội. Theo thời gian, luôn có những cái cũ mất đi và những cái mới ra đời. Ví dụ nhiều thập niên trước đây, muốn chụp ảnh, người ta phải mua phim âm bản Kodak, mỗi cuộn 36 tấm, gắn vào máy ảnh để chụp, rồi mang đến tiệm ảnh để rửa, và nếu gặp may, tức là tiệm ảnh không bị cúp điện, thì phải chờ khoảng nửa giờ sau mới có ảnh.
Mỗi tháng chỉ bán được có 5 xe, thì làm sao mà đánh bại Tesla của bọn tư bản được ?
Từ khi công nghệ chụp ảnh kỹ thuật số ra đời, người ta không cần mua phim âm bản nữa, và cũng chẳng còn mức giới hạn 36 tấm nào cả. Với máy ảnh kỹ thuật số, ta cứ chụp bao nhiêu tấm tùy thích, rồi lưu chúng vào thẻ nhớ thành các files, và có thể dễ dàng in các files ấy ra bao nhiêu tấm ảnh tùy thích, mà không cần mang ra tiệm ảnh. Thậm chí ngày nay, máy ảnh kỹ thuật số này, được tích hợp luôn vào điện thoại thông minh, nên chỉ cần sở hữu một chú "dế yêu" là có thể chụp hình, quay phim lúc nào cũng được (nhưng chớ có chĩa máy vào các chiến sĩ cảnh sát giao thông mà quay, khi các anh đang nhận một "vật giống nhx tiền" từ người vi phạm bị thổi phạt, kẻo lại lãnh hậu quả kinh hoàng như Lê Chí Thành !). Thế là ngành sản xuất phim âm bản lụi tàn, và các tiệm rửa ảnh cũng gần như tuyệt chủng.
Trong lĩnh vực nghề nghiệp cũng vậy, khi thế giới không ngừng tiến hóa thì sẽ có những nghề nghiệp bị mất đi, do quy luật đào thải tự nhiên, đồng thời, có những nghề nghiệp mới được ra đời để đáp ứng những nhu cầu mới. Chẳng hạn thời bao cấp, thì có nghề bơm bút bi trước cổng trường học, là vì thị trường lúc ấy chưa mở cửa, nên vật chất cực kỳ khan hiếm, có những món đồ mà dù có tiền chưa chắc đã mua được, nên sở hữu một cây bút bi là rất quý, khi nào dùng hết mực thì mang ra cổng trường cho thợ bút bi bơm mực vào, để xài tiếp, chứ không có vứt đi. Sau này, khi Việt Nam thực hiện chính sách mở cửa, triển khai một nền kinh tế thị trường, lai giống giữa tư bản và cộng sản, thì hàng hóa nhập khẩu tràn vào, cứ có tiền là muốn mua cái gì cũng có. Bút bi trở thành chuyện nhỏ, xài hết mực thì quăng, mua cây mới, nên nghề bơm mực bút bi cũng không còn nữa.
Nói đến chuyện nghề nghiệp ở Việt Nam thì phải gọi là muôn hình vạn trạng. Có những cái nghề thuộc vào hàng "độc lạ Việt Nam" mà thật sự không biết làm sao giải thích cho thế giới văn minh hiểu được bản chất của nó là gì, vì không thể tìm ra một khái niệm tương đồng nào cả. Ví dụ như cái nghề mỗi đêm chui vào quan tài nằm cho đến sáng, rồi chui ra nhận tiền công, thì thế giới văn minh không thể hiểu nổi sao người chủ tiệm bán quan tài lại lấy đâu ra cái niềm tin hết sức ghê rợn là, nếu thuê một thằng còn sống nhăn răng chui vào nằm trong quan tài qua đêm, rồi thắp nhang khấn vái cầu xin trời phật cho có người chết, thì thể nào ngày mai cũng sẽ có khách đến mua quan tài ! (cần gì phải thế ? vái ông thủ tướng đi, chỉ nội một cái chỉ thị 16, thần tốc quyết liệt của ổng thôi, là mấy ông bán quan tài mệt xỉu rồi, thấy chưa ?). Ngoài ra, còn có những nghề thuộc thể loại môi giới, gọi nôm na là "cò", thì cũng rất khó mà giải thích. Ví dụ "cò" mua bán thận, "cò" hiến máu nhân đạo, "cò" triệt sản, "cò" lấy chồng Đài Loan, "cò" xuất khẩu lao động… kể ra thì chắc mấy ngày cũng chưa hết ! Nhưng để đơn giản hóa, chỉ cần phân chia cái danh mục nghề nghiệp bất tận này thành 2 thể loại : hợp pháp và phi pháp là đủ rồi.
Những nghề hợp pháp thì không nói làm gì, riêng những nghề phi pháp, bị pháp luật cấm, thì gần đây, đang có trào lưu, bị gọi là "tặc". Ví dụ, một nghề phi pháp đang nở rộ ở Việt Nam trong mấy năm qua, là nghề bắt trộm chó, thì được đặt tên là "cẩu tặc". Còn nghề hút trộm cát dưới đáy sông vào ban đêm bằng ghe thuyền, thì bị gọi là "cát tặc". Nếu anh là chủ một tiệm vá xe đang ế ẩm, anh đợi lúc vắng người, lén rải đinh xuống khu vực xung quanh, để làm thủng ruột xe người đi đường, tạo ra cho tiệm mình nguồn khách hàng phong phú, thì anh bị gọi là "đinh tặc".
Nếu bây giờ mà ngồi liệt kê cho đầy đủ các thể loại "tặc" như thế, đang hiện hành nhan nhản trong xã hội Việt Nam, trên con đường kiên định tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì úi giời ơi, có mà đến tết Công-gô mới hết. Thí dụ, cái thằng chuyên đi ăn trộm cây kiểng đắt tiền đem bán, thì bị gọi là "kiểng tặc" ; một anh kiến thức IT đầy mình, đi hack tài khoản ngân hàng của người ta để chiếm đoạt tiền, thì bị gọi là "tin tặc" ; một thằng chuyên đi trộm xe máy của người dân mang bán, thì bị gọi là "xế tặc", thế còn một tay mua bán chứng khoán đại bịp như Quyết còi FLC, khiến nhiều cổ đông sạt nghiệp, thì gọi là gì ? Là "chứng khoán tặc" à ?
Ngoài ra, còn có những anh to gan, mở hàng loạt công ty, nhưng chẳng làm ăn gì cả, chỉ mua bán hóa đơn VAT lòng vòng, để làm thủ tục hoàn thuế VAT 10% cho những giao dịch không có thật, mà chỉ tồn tại trên chứng từ, thế mà cũng kiếm bạc tỷ ! Vậy, các ông bạn ma mãnh này bị gọi là gì, "hóa đơn tặc" à ? Còn bọn tội phạm lừa bán người ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao" thì sao ? Gọi chúng là gì nhỉ ? Là "nhân tặc" à ? Thôi thì để cánh nhà báo quốc doanh đặt tên, dưới sự chỉ đạo tài tình sáng suốt của ban tuyên giáo !
Riêng các quan chức chính phủ, xua quân vào cưỡng đoạt các khu đất "vàng" của dân, trị giá bạc tỷ, như Thủ Thiêm, Đồng Tâm… để rút cuộc, làm dự án phân lô bán nền, với giá trên trời, thì gọi là gì ? Chẳng lẽ gọi là "thổ tặc" ? Nhưng mấy ông này làm theo đúng Luật đất đai 2013 hẳn hoi, chứ không hề phi pháp. Cái luật ấy nói rằng đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý. Nhà nước muốn lấy chỗ nào thì lấy, đền bù cho chủ đất theo khung giá do nhà nước quy định. Cho nên đố ai dám gọi các ông ấy là "tặc" mà không bị an ninh sờ gáy.
Tuy nhiên hôm qua, trên chuyến bay về lại Việt Nam, sau khi được mời qua Anh quốc viếng nữ hoàng Elizabeth (Á, tôi bắt đầu chém gió như các bác lãnh đạo !), tôi lướt mạng đọc tin cho qua thời gian, thì bỗng thấy cái thông tin nóng hổi sau, nên muốn chia sẻ với mọi người :
222222222222222222222
Hãy lưu ý cột "Giá pin", tức cột thứ 3, quý vị có thấy gì không ?
Viên pin giá thấp nhất cũng 384 triệu đồng, với mức lương công nhân thì có tiết kiệm cả đời cũng chưa chắc mua nổi. Nhưng nó là linh kiện không thể thiếu được của ôtô điện, vì nếu mất viên pin này, thì ôtô chẳng hơn gì đống sắt vô dụng.
Giả sử mỗi tháng, hãng xe vinh quang muôn năm này, bán được 1 nghìn ôtô điện, thì sẽ có 1 nghìn viên pin đắt giá như thế đi kèm, nghĩa là một số tiền siêu to khổng lồ lang thang trên đường phố.
Các anh "cẩu tặc" nghĩ sao ? các anh đi trộm chó suốt đêm kiếm được bao nhiêu tiền ? 1 triệu hay 2 triệu ? có khi chả kiếm được gì, lại còn bị dân chúng rượt đuổi, vây đánh cho lên bờ xuống ruộng. Nhìn bảng giá hấp dẫn này, các anh có nghĩ đến việc đổi nghề không ? Từ "cẩu tặc" chuyển sang thành "pin tặc" ? viên pin trị giá 384 triệu đồng, các anh mang đi bán 100 triệu đồng, liệu có ai mua không ? Ngay cả những thằng bẻ trộm gương chiếu hậu ôtô, mang ra chợ trời mà còn tiêu thụ được, thì hỏi viên pin giá trị thế này, có khó tiêu thụ hay không ?
Phải chăng nghề "cẩu tặc", vốn giúp tên tuổi Việt Nam "nổi danh" trên trường quốc tế, sắp đến lúc thoái trào ?
Này các ông an ninh ! Tôi không có xúi giục các anh "cẩu tặc" làm bậy gì đâu nhé ! Tôi chỉ đặt câu hỏi để họ cân nhắc mà thôi. Thí dụ, tôi nói với một anh bạn "Ngân hàng Vietcombank kìa ! Vào cướp đi !" mà anh ấy làm thật, thì tôi bị xem là "xúi giục người khác phạm tội". Nhưng nếu tôi hỏi anh ta "anh có định cướp ngân hàng này không ?" thì đấy không phải là xúi giục, mà chỉ là thắc mắc, OK ?
Mặc dù ngành ôtô điện, rõ ràng đang mở ra một "cơ hội nghề nghiệp" mới, đầy triển vọng, tuy nhiên, các anh "cẩu tặc" chớ vội mừng, vì theo số liệu thống kê, doanh số bán ra rất "hẻo", hiện nay, mỗi tháng chỉ bán được 5 xe ! Thế thì làm sao đủ hấp dẫn để các anh đổi sang nghề "pin tặc" ?
Thượng tọa Thích Nhật Từ ! Lúc này đẹp trai, phong độ dữ ha !
Sau khi tống được ông cụ Lê Tùng Vân, 92 tuổi, vô tù, thầy mập lên được mấy kí lô vậy thầy ? Chúc mừng, chúc mừng…
Phải công nhận thầy đi tu theo đạo Phật, mà làm youtube hay quá xá, anh em xe ôm coi kênh của thầy, phát ghiền luôn. Khoái nhất là cái bài giảng của thầy về tình dục. Anh em xe ôm mạn phép tặng thầy câu thơ này :
"Bần tăng là kẻ tu hành,
Nói về gái gú, ai rành hơn tui ?"
Xin lỗi, đến lúc thầy phải ra tay rồi ! Trước đây, chùa Giác Ngộ của thầy, đã từng tổ chức lễ cầu nguyện rất hoành tráng, cho vaccine nội địa Nanocovax, được chính phủ phê duyệt, để mang ra tiêm chích cho toàn dân, đúng không ? Vậy bây giờ, thầy có định đăng đàn, cầu nguyện cho ôtô điện nội địa, buôn bán đắt hàng, gia tăng doanh số hay không ? Chứ mỗi tháng chỉ bán được có 5 xe, thì làm sao mà đánh bại Tesla của bọn tư bản được, hả thầy ?
Chí Quang
Nguồn : VNTB, 20/09/2022