Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Từ Châu Á tới Châu Phi, từ London sang Berlin, các đại diện của Trung Quốc đã gây ra một loạt cơn bão ngoại giao với thái độ khiêu khích, hiếu thắng, bất cứ lúc nào mà nước họ bị tố cáo là không minh bạch, hay không hành động kịp thời để ngăn chặn sự lây lan của virus Sars CoV2 để dịch bệnh trở thành đại dịch toàn cầu.

nuoclon1

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng tại cuộc họp báo thường ngày ở Bắc Kinh, ngày 18/3/2020. Ít nhất 13 nhà báo Mỹ sắp bị trục xuất khỏi Trung Quốc để đáp trả hành động của TT Mỹ, hạn chế thị thực cho truyền thông nhà nước Trung Quốc ở Hoa Kỳ.

Bản tin AP nói về thế hệ mới các nhà ngoại giao của Trung Quốc dựa theo hình ảnh "Chiến binh Sói" - theo tựa đề phim ‘Wolf Warrior’ rất ăn khách ở Trung Quốc, với nhân vật chính trong phim là một người hùng Trung Quốc, tay không diệt bạo tàn ở Châu Phi và Đông Nam Á - tương tự như người hùng Rambo của Mỹ, nhưng những kẻ gian trong phim lẽ dĩ nhiên là người Mỹ.

Chính sách ngoại giao hung hăng hơn của Trung Quốc đã được xây dựng trong nhiều năm dưới quyền lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, khi ông Tập gạt sang một bên cách tiếp cận của cựu lãnh tụ Đặng Tiểu Bình, khuyên Trung Quốc nên giấu tham vọng của mình để chờ thời.

Ngược lại, ông Tập hối thúc thế hệ mới các nhà ngoại giao Trung Quốc nên theo đuổi "nền ngoại giao nước lớn với đặc điểm Trung Hoa".

Qua đó, ông Tập kêu gọi Trung Quốc giành lại "vị trí lịch sử" của minh trong cương vị một cường quốc thế giới.

"Thời kỳ Trung Quốc phải phục tòng các nước khác đã qua từ lâu", tờ Hoàn cầu Thời báo viết, "Nhân dân Trung Quốc không còn hài lòng với giọng điệu ngoại giao yếu đuối nữa". Tại Thụy điển, một nhà báo viết về tác động của hệ thống chính trị độc đảng Trung Quốc với cách nước này đáp ứng trước cuộc khủng hoảng do virus Cúm Vũ Hán gây ra, đã bị chỉ trích trên trang web của đại sứ quán Trung Quốc.

Đại sứ Trung Quốc tại Thụy Điển Gui Congyou tỏ thái độ thiếu tôn trọng đối với các nhà báo Thụy Điển, so sánh họ như một "võ sĩ hạng nhẹ đang tìm cách gây hấn với võ sĩ hạng nặng Trung Quốc".

Dưới sự lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, Bắc Kinh đã phát động các nỗ lực có phối hợp để uốn nắn hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài. Bắt chước nước Nga, Bắc Kinh sử dụng hàng ngàn bot để tải thông điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc, theo Twitter. Đồng thời, Trung Quốc bơm tiền vào truyền thông nhà nước với những chương trình phát đi bằng hàng chục ngôn ngữ.

Tại Thái Lan, đại sứ Trung Quốc đã dùng Facebook mô tả những người chỉ trích Trung Quốc là "thiếu tôn trọng trong cuộc tranh cãi về nguồn gốc virus Cúm Vũ Hán, và "phản bội lịch sử" khi nói tới tình trạng ở Hong Kong và Đài Loan.

Ông Xi Minzner, một chuyên gia về chính trị Trung Quốc tại Trường Luật Fordham, New York, nói ông Tập rõ ràng ưu tiên tiến cử các nhà ngoại giao "chiến binh sói".

Những nhà ngoại giao Trung Quốc thế hệ mới này là người không ngần ngại dùng những ngôn ngữ không mấy ngoại giao như một công cụ để thu hút sự chú ý của những người ở trong nước, bất kể tác động đối với hình ảnh của Trung Quốc ở nước sở tại.

Nhưng ở nước ngoài, thái độ nghênh ngang và những phát biểu hung hăng của các nhà ngoại giao Trung Quốc bị lên án nặng nề.

Ngoại trưởng Pháp triệu tập Đại sứ Trung Quốc sau khi sứ quán Trung Quốc ra tuyên bố chỉ trích các nhân viên làm việc tại các viện dưởng lão Pháp đã "chạy trốn, để mặc cho những người già chết vì đói và bệnh tật".

Hoa Kỳ phản đối sau khi đại diện Trung Quốc đưa lên Twitter những tố cáo không có cơ sở hay chứng cớ vu vạ cho quân đội Mỹ "có thể đã mang virus tới Vũ Hán".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đặt nghi vấn về cách đáp ứng của Bắc Kinh, nói rằng "rõ ràng là có những điều xảy ra mà chúng ta không biết tới". Nhà ngoại giao hàng đầu của Anh thì nói "không có chuyện mọi sự như cũ với Trung Quốc" sau đại dịch.

Các quan chức Trung Quốc giận dữ về điều mà họ cho là tính đạo đức giả của các nước phương Tây. Họ nói Tổng thống Trump và các nhà lãnh đạo tây phương khác đã làm ngơ khi dịch bệnh sắp trở thành đại dịch, để rồi sau đó đổ lỗi cho Trung Quốc khi virus lan tới nước họ.

Le Point tuần này có bài xã luận đáng chú ý của nhà bình luận Nicolas Baverez mang tựa đề : "Trung Quốc và hiệu ứng gậy ông đập lưng ông".

nuoclon2

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 10/03/2020 lần đầu tiên đến thăm một bệnh viện Vũ Hán, gần 2 tháng sau khi chính thức công bố dịch, phong tỏa Vũ Hán.

Bài viết so sánh đại dịch Cúm Vũ Hán, bùng lên từ Trung Quốc rồi lan khắp thế giới hiện nay, với cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ nước Mỹ năm 2008. Nhà báo Le Point nhận định : Giống như Hoa Kỳ, thoạt tiên, chính quyền Trung Quốc đã được hưởng lợi từ cuộc khủng hoảng xuất phát từ nước mình. Tuy nhiên, cũng tương tự như nước Mỹ đã phải gánh chịu "làn sóng dân túy bùng lên" sau khủng hoảng, giờ đây chính quyền Trung Quốc "có thể sẽ phải chứng kiến vị thế của Trung Quốc bị suy yếu do trách nhiệm của Bắc Kinh, trong giai đoạn bệnh dịch xuất hiện và khi đại dịch lan rộng khắp thế giới". 

Cuộc khủng hoảng y tế hiện nay, mà Bắc Kinh cố gắng chứng minh đã "xử lý một cách mẫu mực", cho thấy rõ "bản chất toàn trị của chế độ Trung Quốc, gắn liền với chính sách tuyên truyền dối trá, và một Nhà nước bạo lực". Giờ đây công luận thế giới bắt đầu hiểu rằng "dịch bệnh đã bị bưng bít hơn hai tháng trời, một giai đoạn có ý nghĩa quyết định, khiến dịch lan rộng". Số lượng người nhiễm virus và người chết bị bóp méo.

Lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã làm đúng những lời tổ sư Mao Trạch Đông để lại : Bóp méo sự thật theo đòi hỏi của thực tế. Bắc Kinh đã không tính đến những người chết vì Cúm Vũ Hán tại gia đình. Theo thống kê mới điều chỉnh, số người chết tại gia đình chiếm 1/3 tổng số người thiệt mạng. Tuy nhiên, con số người chết thực sự có thể lên đến ít nhất 25.000 người, so với số chính thức 4.632 hiện nay. Bởi, theo chính một số nghiên cứu dịch tễ học Trung Quốc, số người vừa chết vì Cúm Vũ Hán, vừa chết do bệnh khác chiếm đến 72% người qua đời tại các bệnh viện Vũ Hán. Cho đến nay, Bắc Kinh chỉ chấp nhận thống kê số người chết duy nhất vì bệnh Cúm Vũ Hán. 

Đại dịch Cúm Vũ Hán cũng phơi bày tình trạng kiểm soát công dân bằng kỹ thuật số, ngày càng sát sao tại Trung Quốc.

Bắc Kinh có chính sách chi đến một triệu nhân dân tệ cho tất cả doanh nghiệp nào phát triển một dự án kỹ thuật số liên quan đến dịch bệnh. Ví dụ như thiết lập các "hộ chiếu y tế" cho tài xế tắc-xi hay giới tài xế nói chung, do tập đoàn Alibaba quản lý. Việc sử dụng máy bay không người lái để kiểm soát công dân, kiểm soát việc đi lại, kỹ thuật nhận dạng người qua võng mạc hay tập hợp thông tin về sức khỏe người dân, hoàn toàn không cần tính đến sự chấp thuận của các công dân. Tình trạng kiểm soát gia tăng là một trong những nguyên nhân khiến người dân Trung Quốc hiện nay dè dặt trong việc tiêu thụ, bên cạnh các nguyên nhân khác như sợ thất nghiệp, bị hạ lương. Kinh tế Trung Quốc hiện nay đang trong tình trạng mất cân đối cung - cầu nghiêm trọng, một bên là sản xuất bị bắt buộc phải nối lại (với hoạt động bằng 90% so với trước), bên kia là nhu cầu bị cắt đến một nửa (do nhu cầu nội địa không tăng mạnh, cũng như nhu cầu bên ngoài, do kinh tế thế giới tê liệt). 

Về mặt địa chính trị, trước mắt Trung Quốc đang ở thế thượng phong trong khủng hoảng hiện nay, trong một bối cảnh chưa từng có kể từ năm 1945, khi Hoa Kỳ hoàn toàn rút khỏi cuộc chơi. Đối với Bắc Kinh, đại dịch cho thấy thế giới đang ngừng "phương Tây hoá", các nền dân chủ thể hiện đang bất lực, còn Trung Quốc củng cố quan hệ với các quốc gia đang trỗi dậy, bằng ngoại giao y tế (cung cấp ồ ạt trang thiết bị y tế), đầu tư thông qua các dự án Con Đường Tơ Lụa Mới, và kiểm soát các định chế đa phương, đầu tiên là Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO). Thế nhưng, theo Le Point, đại dịch này làm nổi bất tính chất tương phản sâu xa, đằng sau "thế thượng phong bên ngoài của Trung Quốc", một quốc gia có nền công nghệ phát triển, là các hành xử "rất cổ hủ". Những thiệt hại ghê gớm cho thế giới hiện nay đang làm dấy lên những đòi hỏi phải khởi kiện Trung Quốc.

Quan hệ với Trung Quốc xấu đi vì Cúm Vũ Hán, Thụy Điển đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng.

Thụy Điển đã thông báo đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng, trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên đóng cửa tất cả các trung tâm đầy tai tiếng này.

Trang tin Guancha của Trung Quốc ngày 24/4 dẫn tin của báo Anh The Times ngày 21/4, cho biết Thụy Điển đã đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng và trở thành quốc gia Châu Âu đầu tiên đóng cửa hoàn toàn mọi Viện Khổng Tử.

Viện Khổng Tử được sáng lập năm 2004 và là một tổ chức được thành lập bởi Văn phòng quốc gia Trung Quốc lãnh đạo quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc trên khắp thế giới (gọi tắt là Hán Biện) để quảng bá ngôn ngữ Trung Quốc.

Năm 2005, Trung Quốc đã đặt Viện Khổng Tử đầu tiên tại Đại học Stockholm ở Thụy Điển và là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Châu Âu. Học viện này đã đóng cửa vào năm 2015.

Vào thời điểm đó, trang web của Đại học Stockholm đã giải thích rằng tình hình hiện nay đã khác với 10 năm trước. Vào thời điểm đó, việc nhà trường giao tiếp với Trung Quốc là rất quan trọng. "Bây giờ chúng tôi có các cấp độ trao đổi học thuật hoàn toàn khác với Trung Quốc. Sự hợp tác như vậy là không cần thiết nữa" - Ông Astid Soderbergh Widding, Phó Hiệu trưởng trường, nói với nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter : "Nói chung, việc đặt một học viện được tài trợ bởi một quốc gia khác trong khuôn khổ một trường đại học là một cách làm có vấn đề".

Trong 6 tháng qua, việc đóng cửa Học viện Khổng Tử của Thụy Điển đã được đẩy nhanh. Vào tháng 12 năm ngoái, Thụy Điển đã đóng cửa toàn bộ 4 Viện Khổng Tử ở nước này, chỉ giữ lại lớp học của một Viện Khổng Tử ở thành phố phía nam Falkenberg. Nhưng bắt đầu từ tuần trước, lớp học này cũng đã bị đóng cửa nốt.

Ông Bjorn Jerden, người phụ trách các dự án Châu Á của Swedish Institute of International Affairs (Viện nghiên cứu các vấn đề quốc tế Thụy Điển), cho biết điều này cho thấy sự thay đổi trong thái độ của Thụy Điển đối với Trung Quốc.

Trang web National Review của Hoa Kỳ ngày 23/4 đã phân tích, sau khi dịch bệnh Cúm Vũ Hánbùng phát, quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc ngày càng xấu đi. Trong hoàn cảnh như vậy, Thụy Điển đã chọn cách đóng cửa Viện Khổng Tử cuối cùng.

Hồi tháng 2/2019, Lục Khảng, một người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói, hoạt động và quản lý hàng ngày của Viện Khổng Tử ở Thụy Điển là "hợp pháp, hợp quy, công khai và minh bạch, đóng góp quan trọng vào việc thúc đẩy trao đổi văn hóa". Ông ta chỉ trích : "Việc chính trị hóa chương trình trao đổi giáo dục bình thường này cho thấy tư duy Chiến tranh Lạnh điển hình và cũng phản ánh sự thiếu tự tin của họ ở một mức độ nhất định".

National Review cũng lưu ý rằng mối quan hệ giữa Thụy Điển và Trung Quốc đã xấu đi từ trước khi xuất hiện dịch bệnh Cúm Vũ Hán. Vào tháng 11/2019, Trung Quốc đã bắt giữ Quế Dân Hải (Gui Minhai), một người kinh doanh sách ở Hồng Kông có quốc tịch Thụy Điển. Hiệp hội PEN (Văn bút quốc tế) Thụy Điển sau đó đã trao cho Quế Dân Hải giải thưởng Tuchollsky Prize 2019. Trung Quốc sau đó đã áp đặt các lệnh trừng phạt thương mại đối với Thụy Điển. Một số chuyên gia nhận xét rằng h

Từ năm 2004, chính phủ Trung Quốc đã thành lập nhiều Viện Khổng Tử ở nhiều trường đại học ở nước ngoài. Lý do được họ đưa ra là để thúc đẩy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Nhưng các quan chức chính phủ Mỹ và một số quốc gia đã chỉ ra rằng các Viện Khổng Tử này là công cụ tuyên truyền của chính phủ Trung Quốc.

Giám đốc FBI Christopher Ray nói trong một phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ hồi năm ngoái rằng Viện Khổng Tử "có một mô thức gián điệp đáng kể" và là một phần của chính phủ Trung Quốc nhằm thúc đẩy quyền lực mềm và mở rộng ảnh hưởng. Ông nói rằng các dự án của Viện Khổng Tử cũng cho phép chính phủ Trung Quốc hạn chế tự do học thuật và tiến hành kiểm duyệt.

Một báo cáo điều tra năm 2019 của Ủy ban Điều tra Thượng viện Hoa Kỳ cho biết, từ tháng 1/2012 đến tháng 6/2018, tổng cộng 15 trường học của Mỹ đã nhận được 15,47 triệu USD từ Hán Biện, nhưng kết quả rà soát hồ sơ tài chính của ủy ban này đối với 100 trường đại học có Viện Khổng Tử, cho thấy Hán Biện trực tiếp cung cấp cho các trường ở Mỹ hơn 110 triệu USD tiền quỹ, vượt xa báo cáo của trường.

Gần đây, nhiều trường đại học Mỹ đã liên tiếp chấm dứt hợp tác với Viện Khổng Tử Trung Quốc, trong đó có Đại học Maryland, nơi mở Viện Khổng Tử đầu tiên ở Bắc Mỹ.

Từ khắp nơi trên thế giới, phong trào xóa bỏ Viện Khổng Tử của Trung Quốc đang diễn ra, qua đây nhà cầm quyền tại Hà Nội sẽ có một bài học sâu sắc, để đối xử thích hợp hơn với cuộc xâm lăng văn hóa từ Trung Quốc đang tràn vào Việt Nam.

Hoàng Lan (Hà Nội)

Nguồn : Thoibao.de, 27/04/2020

Additional Info

  • Author Hoàng Lan
Published in Diễn đàn