Vụ khủng hoảng Evergrande đang làm náo động thị trường chứng khoán thế giới những ngày qua vì ai cũng lo sợ tập đoàn địa ốc khổng lồ Trung Quốc phá sản sẽ dẫn đến một cơn bão tài chính, như đã từng xảy ra với ngân hàng Mỹ Lehman Brothers hồi năm 2008.
Những dự án bất động sản của Evergrande tại Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh chụp ngày 15/09/2021. AP - Andy Wong
Tập đoàn bất động sản này, hiện mắc nợ tới 300 tỷ đô la, đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ, kéo theo những hậu quả kinh tế mang tính toàn cầu. Những gì đang diễn ra với Evergrande cũng mang những dấu hiệu báo bão như hồi 2008 : Một công ty có tầm cỡ quốc tế mắc nợ nặng, đang chực sụp đổ và cuốn theo cả một phần hệ thống tài chính. Đó chính là điểm khởi đầu của cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính mà thế giới biết đến năm 2008, khi ngân hàng đầu tư Lehman Brothers bị phá sản ở Hoa Kỳ. Giờ đây ở cách nước Mỹ nửa vòng trái đất, tập đoàn bất động sản Trung Quốc cũng đang làm thế giới tài chính lo ngại.
Tên đầy đủ của tập đoàn là Evergrande Real Estate Group. Đây là nhà thầu bất động sản Trung Quốc lớn thứ 2 trong nước. Thành lập năm 1996, công ty đã phát triển nhanh chóng, không ngừng lớn mạnh để đến năm 2009 có mặt trên thị trường chứng khoán Hồng Kông. Evergrande niêm yết vốn 7,6 tỷ euro, trong lúc thị trường bất động sản ở Trung Quốc đang sôi sục. Chủ của tập đoàn là Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin), một người tự mình gây dựng sự nghiệp, từ nghèo khó trở thành người giàu nhất Châu Á năm 2017.
Không hài lòng với ngành xây dựng, Evergrande đã đa dạng hóa đầu tư vào các lĩnh vực như chế tạo xe hơi điện, du lịch, nước đóng chai, bảo hiểm, y tế, inernet… và cả bóng đá. Evergrande, trở thành một tập đoàn quan trọng hàng đầu của Trung Quốc, còn mơ ước sẽ xây dựng một công viên giải trí lớn hơn cả Disney hiện nay.
Hiện tại, Evergrande sử dụng 200 nghìn nhân viên. Nhưng trên thực tế có đến 3,8 triệu lao động phụ thuộc trực tiếp vào các hoạt động của công ty này.
Để đầu tư vào đủ các lĩnh vực nói trên, Evergrande chỉ có thể đi vay. Năm ngoái, Bắc Kinh đã ban hành các biện pháp thắt chặt quản lý, buộc các nhà thầu bất động sản phải cắt giảm bớt vay nợ. Các nhà thầu bị cấm bán các dự án bất động sản khi chưa hoàn thành. Bán nhà từ trên dự án là mô hình kinh tế chủ yếu của Evergrande.
Tập đoàn giờ đây không có khả năng chi trả các khoản vay và ngày 23/09 này đến hạn phải trả hai khoản nợ lớn. Nhiều nhà phân tích dự đoán tập đoàn không còn khả năng chi trả, dù Evergrande vẫn còn được hưởng ân hạn 30 ngày.
Những lo lắng xung quanh Evergrande không phải là mới. Từ nhiều năm qua, tập đoàn vẫn gánh nợ lớn. Năm 2012, văn phòng Citron Research đã cảnh báo về tình hình tài chính của tập đoàn, tố cáo Evergrande cung cấp thông tin sai lệch cho các nhà đầu tư. Cuối cùng, chính Citro Research bị một tòa án ở Hồng Kông kết án vì tội đưa tin thất thiệt.
Nhưng khối nợ của Evergrand tiếp tục lớn thêm, nhất là vào năm 2015, khi Trung Quốc bị khủng hoảng tài chính. Khi đó, Evergrande đã phải tiếp tục đi vay để trả nợ. Hàng tỷ đô la không đủ giúp Evergrande trang trải nợ nần. Năm ngoái, khủng hoảng dịch Covid-19 đã giáng thêm đòn nặng nề mới vào tập đoàn, với việc hàng loạt trung tâm thương mại mà Evergrande quản lý bị buộc phải đóng cửa. Chính phủ thúc ép tập đoàn bán đứt tài sản để thanh toán nợ, nhưng không tìm được người mua.
Ngay từ đầu tuần này, thị trường chứng khoán trên khắp thế giới đã chao đảo. Mọi cái nhìn đều hướng về phía chính phủ Bắc Kinh. Bất động sản là một động cơ chủ yếu của nền kinh tế Trung Quốc, chiếm tới 1/4 GDP và đang đóng vai trò quyết định trong việc phục hồi kinh tế Trung Quốc sau đại dịch. Một tập đoàn lớn như Evergrande bị phá sản sẽ gây một tác động rất lớn cho toàn bộ nền kinh tế. Evergrande là một tập đoàn tư nhân, Bắc Kinh có thể không cảm thấy có trách nhiệm phải cứu nó khỏi bị phá sản. Đó cũng là cách để cho các công ty lớn hiểu rằng họ không thể trông cậy vào Nhà nước để được cứu trợ. Phần lớn các chuyên gia đều nhận định Nhà nước không muốn người Trung Quốc đã mua bất động sản bị thiệt hại.
Hệ lụy đầu tiên của việc Evergrande phá sản sẽ rơi vào chủ nợ. Một phần lớn khối nợ khổng lồ của Evergrande là do các ngân hàng Trung Quốc nắm giữ, bản thân các ngân hàng này cũng bán lại nợ đó cho bên thứ 3. Nếu đổ vỡ xảy ra, đây sẽ là một cơn địa chấn liên hoàn với toàn bộ hệ thống kinh tế lớn thứ 2 thế giới, có thể kéo theo sự sụp đổ của một số cơ sở kinh tế khác nữa.
Hậu quả của phá sản thì có nhiều, từ các khách hàng đầu tư vào dự án bất động sản, đến các nhà thầu khác ở trong nước. Ngoài Trung Quốc, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng cho Evergrande vay tiền. Trong trường hợp tập đoàn này phá sản và phải cấu trúc lại nợ, họ sẽ là những người được bồi thường thiệt hại cuối cùng.
Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích không tin kịch bản của Lehman Brothers có thể tái diễn với Evergrande. Không loại trừ Bắc kinh sẽ có phản ứng ở phút chót, tránh kịch bản tồi tệ nhất gây ra rối loạn xã hội.
Anh Vũ
Nguồn : RFI, 22/09/2021