LTS : Tranh chấp đất đai hiện nay ở Việt Nam không còn là một bí mật quốc gia hay một vấn đề nhạy cảm cấm bàn đến. Cho dù bị cấm đoán và ngăn cản, những tin tức về cuộc đấu tranh bảo vệ đất và ruộng vườn của nông dân chống lại những cường hào ác bá địa phương và quân đội đã được loan truyền nhanh chóng cả trong lẫn ngoài nước.
Qua những tin và hình ảnh nhận được, người ta thấy những người dân quê Việt Nam không còn sợ hãi như trước, không những thế họ còn biết tổ chức và quy tụ quanh một địa bàn để bảo vệ phương tiện sống của thôn làng. Lực lượng an ninh được cử đến đàn áp và giải tỏa đất cho những tập đoàn địa ốc quốc nội và Trung Quốc vào xây cất. Trước đây và bây giờ, những tư bản đỏ (tỷ phú đô la) của chế độ và giới tài phiệt Trung Quốc đội lốt công ty Việt Nam đã không ngừng truy tìm những vùng đất tốt có trị giá thương mại cao để xây dựng nhà cửa và cơ ngơi rồi bán lại với giá cao gấp ngàn lần sau khi trưng thu đất đai của nông dân và ngư dân Việt Nam.
Lần này những quan tham và tư bản đỏ đã đi quá xa, không còn tìm được đất tốt ở trung tâm của thành phố lớn, họ đi lần vào những vùng ngoại ô, cạnh nhiều con sông và dọc bờ biển để chiếm thêm đất, dưới danh nghĩa quốc phòng hay an ninh. Trên những vùng đất mới này, các sứ quân địa phương và giới quan tham đã và đang gặp phải sự chống đối quyết liệt của những người nông dân không còn gì để mất.
Một cách tóm tắt, giới tài phiệt địa ốc chỉ cấu với của quan tham (cắc ké địa phương) để ký những hợp đồng tương nhượng không qua thương lượng với những nông dân đang sinh sống trên những mảnh đất đó. Đến ngày và giờ thi hành dự án hay hợp đồng, họ đưa xe ủi và nhân công vào xây dựng và khai thác, nhưng lần này họ gặp phải sự chống đối mãnh liệt của người nông dân. Như thường lệ, các chính quyền địa phương (huyện, xã, tỉnh, thành phố) cử lực lượng an ninh và cảnh sát cơ động đế giải tỏa và bắt những người cầm đầu, thế là xong. Rắn mất đầu thì quan tham tha hồ tự tung tự tác.
Một yếu tố mà phía chính quyền cộng sản không lường trước được là những thành phần an ninh, công an và cảnh sát cơ động được cử đến phần lớn là những con em của những gia đình nông dân địa phương đang bị chiếm đoạt đất. Những thanh niên này không thể trấn áp chính gia đình của họ hay người thân của họ, do đó tình trạng cứ nhùn nhằng, chính quyền chỉ biết hăm dọa, cô lập và gây chia rẽ, họ chỉ chực chờ phong trào bảo vệ đất mệt mỏi thì đưa người vào tiến chiếm.
Nhưng tình hình hiện nay không còn như trước. Những phương tiện thông tin hiện đại đang đưa những vụ cưỡng chế, trấn áp ra trước ánh sáng công luận. Con cháu những nông dân Việt Nam ngày nay biết sử dụng kỹ thuật thông tin hiện đại và tự phát kết hợp lại cùng nhau để kêu cứu và tố cáo bất công.
Cho dù chính quyền cộng sản Việt Nam hiện nay đang cố gắng bịt miệng và trói tay những công ty chuyên tải thông tin quốc tế như Yahoo, Google, Facebook, Twitter, nhưng chỉ là dã tràng xe cát. Khi một thông tin bị xóa đi thì hàng chục thông tin khác sẽ hiện lên. Những cường quốc kỹ thuật như Trung Quốc, Nga còn không kềm chế được thông tin lề trái thì làm sao chính quyền cộng sản Việt Nam có thể làm được. Ý định thành lập một trang mạng xã hội đậc trưng Việt Nam dưới quyền kiểm soát của nhà nước là một "utopie".
Trong những ngày sắp tới, những vụ chiếm đoạt đất đai bất chính ở Việt Nam sẽ được đưa ra ánh sáng ngày càng nhiều hơn nữa. Đây là những ung nhọt của xã hội Việt Nam, và những mụn ung nhọt này đang đến ngày phát tác hàng loạt. Khi phong trào bảo vệ đất đai và nguồn sống của người dân Việt Nam lan rộng trên khắp cả nước, sự tồn tại của chế độ đang được đếm ngược.
Nguyễn Văn Huy
*******************
Dân biểu tình đòi minh bạch việc bồi thường (RFA, 20/04/2017)
Một số người dân xã Xuân Hội huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh vào 10 giờ sáng ngày 20 tháng 4, kéo nhau đến trụ sở ủy ban nhân dân xã biểu tình đòi bồi thường thỏa đáng do thảm họa môi trường mà Formosa gây nên.
Hàng ngàn người dân tụ tập tại UBND huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh hôm 3/4/2017. Courtesy of danquyenvn
Mạng Việt Nam Thời báo dẫn nguồn tin riêng cho biết đây là lần đầu tiên người dân xã Xuân Hội đứng lên biểu tình. Họ mang theo thuyền, thúng và ngư lưới cụ đến ủy ban xã để phản ánh rằng người không đáng được nhận đền bù thì lại đền bù còn người đáng được nhận thì lại không được và cho rằng danh sách đền bù không minh bạch.
Tin cho biết thêm rằng cuộc biểu tình lần này không có sự can thiệp của an ninh và các cán bộ xã đã lẩn trốn, chỉ cho lãnh đạo cấp thấp ra đối thoại với dân. Cuộc biểu tình được cho biết là kết thúc lúc 12g.
Xã Xuân Hội nằm cách nhà máy Formosa khoảng 100 km. Được biết trước khi xảy ra thảm họa nghề biển vùng này rất phát triển, người dân có cuộc sống khấm khá. Nhưng từ khi xảy ra thảm họa đời sống của bà con lâm vào cảnh khốn khó.
**********************
Chủ đất ném bom xăng vào lực lượng cưỡng chế (RFA, 20/04/2017)
Đất của ông Nguyễn Văn Bé ở Kiên Giang bị cưỡng chế hôm 20/4/2017. Courtesy of vietnamnet.vn
Sáng thứ Năm 20 tháng Tư, công an ở Phú Quốc, Kiên Giang bị ném bom xăng khi đến thu hồi đất của một hộ dân ở Gành Dầu, Bãi Dài.
Đó là đất của ông Nguyễn Văn Bé ở ven Bãi Dài mà theo lời chủ tịch ủy ban nhân dân xã Gành Dầu, bà Lê Thị Hằng, thì phải thu hồi để làm bãi tắm công cộng. Bà Hằng cho biết khu đất này được tiền đền bù thấp hơn một hộ dân khác 200 triệu Đồng là do diện tích đất trại của ông nhỏ hơn.
Chủ hộ Nguyễn Văn Bé và người nhà đã phản ứng bằng cách ném chai lọ có chứa xăng vào lực lượng cưỡng chế gờm khoảng 100 người.
Tin nói sau khi được thuyết phục thì ông Nguyễn Văn Bé bằng lòng giao đất, tuy nhiên yêu cầu hỗ trợ 500 triệu Đồng của ông không được chấp thuận.
Bà chủ tịch ủy ban nhân dân xã Gành Dầu ở Phú Quốc giải thích là nếu làm theo yêu cầu của ông Nguyễn Văn Bé thì các hộ dân khác sẽ khiếu nại. Vẫn theo lời bà, để giúp ông Bé ởn định cuộc sống, xã đồng ý cho ông mượn trên 3.000 mét vuông đất trong khu tái định cư với thời hạn một năm.
70% đơn khiếu nại lên quốc hội đều liên quan đến các vấn đề về đất đai, là thông tin được trưởng Ban Dân Nguyện Nguyễn Thanh Hải đưa ra trong buổi họp ngày 17 tháng tư vừa qua ở quốc hội.
Đây là cuộc họp của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội nhằm chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 sắp tới, và bà Nguyễn Thanh Hải cho biết mỗi tuần Ban Dân Nguyện nhận được khoảng 500 đơn, trong đó số lượng khiếu nại việc cưỡng chế, trưng thu mặt bằng, đền bù đất đai chiếm 70%.
Bà Nguyễn Thanh Hải còn đề nghị là báo cáo tiếp dân cũng như xử lý đơn thư khiếu nại nên được trình bày tại hội trường quốc hội thay vì chỉ thảo luận tại Thường Vụ Quốc Hội và gởi đến đại biểu quốc hội như hiện nay.
Theo bà trưởng Ban Dân Nguyện này, quá trình giám sát cho thấy nhiều bất cập, có tình trạng né tránh tiếp dân, không nghiêm túc trong việc thực hiện giải quyết đơn thư khiếu nại ở địa phương, dẫn đến nguy cơ mất an ninh trật tự ngay tại địa phương đó.
*************************
Đồng Tâm chưa xong, lại có đụng độ vì đất ở Bắc Ninh (VOA, 20/04/2017)
Cuộc đụng độ giữa dân và nhà chức trách tại thôn Vọng Đông, xã Yên Trung, huyện Yên Phong, Bắc Ninh, ngày 20/4/2017. (Facebook)
Một số người dân ở một thôn của tỉnh Bắc Ninh đưa thông tin lên mạng xã hội cho hay trong ngày 20/4 đã có đụng độ giữa dân và nhà chức trách do tranh chấp đất đai.
Địa điểm xảy ra đụng độ là thôn Vọng Đông, xã Yên Trung thuộc huyện Yên Phong của tỉnh. Nơi này chỉ cách ranh giới với Hà Nội chưa đầy 10 kilomet.
Thông tin của người dân trên Facebook, được nhiều nhà hoạt động vì tiến bộ xã hội chia sẻ, chứa các bức ảnh và video cho thấy nhiều người dân và cảnh sát cơ động đã đối đầu. Số người của cả hai bên ước tính lên đến hàng ngàn người.
Người dân nói chính quyền đã tìm cách "thu hồi đất với giá đền bù rẻ mạt" ở khu ruộng 14 mẫu có tên là Đồng Cốc. Họ khẳng định vẫn canh tác ở đó và nộp thuế đầy đủ qua nhiều thế hệ.
Dẫn luật đất đai, người dân xác định đất của họ là ruộng lâu dài. Nhưng vì một lý do nào đó còn chưa được làm sáng tỏ, cách đây 3 năm, ông trưởng thôn – người nay đã từ chức – đã ký một biên bản "biến" khu đất đó thành ruộng công ích.
Việc làm này không thông qua một cuộc họp với dân, không có sự đồng ý và chữ ký của dân. Họ khẳng định sự thay đổi này là sai Luật đất đai 2013. Điều này dẫn đến hậu quả là khi chính quyền dự định lấy khu đất hơn 50,000m2 của Vọng Đông để làm một khu công nghiệp, người dân có thể bị thiệt hại khoảng 22 tỷ đồng (gần 1 triệu đôla).
Thời gian gần đây, người dân đã gửi đơn khiếu kiện. Chính quyền đã tìm cách đối thoại. Nhưng hai bên không đạt được thỏa thuận do người dân không chấp nhận mức giá đền bù mới đề xuất là 21.000 đồng/m2.
Ngày 20/4, hàng trăm cảnh sát cơ động đã "cưỡng chế" khu đất. Xô xát đã xảy ra nhưng đến cuối ngày, chính quyền chưa lấy được đất.
Nhà hoạt động Đường Văn Thái, người sống ở Hà Nội cách Vọng Đông 5 km và có bạn bè là người địa phương gửi nhờ đăng thông tin lên Facebook, cho VOA biết thêm :
"Hiện nay là bà con đã ra về và nhà cầm quyền của Bắc Ninh đã bắt bớ khoảng 10 người, đánh bị thương một cụ già và đánh một người dân bị gẫy tay. Có nghĩa là giải tán đám đông đấy thôi, còn hiện tại bà con vẫn cắm chốt ở vùng đất đó. Chính quyền chưa lấy [đất], hiện nay bà con cũng quyết tử để giữ đất. Thậm chí họ đã mua những quan tài, họ đang đốt hương ở sẵn ngoài đó. Họ dựng lều, dựng trại ở khu đất đó để giữ đất".
VOA đã cố liên lạc với các quan chức địa phương để kiểm chứng thông tin vào chiều muộn cùng ngày, song không có kết quả.
Vụ việc mới nhất này xảy ra vào lúc đối đầu cũng liên quan đến tranh chấp đất đai ở xã Đồng Tâm, cách trung tâm Hà Nội hơn 30 km, vẫn bế tắc trong 6 ngày qua. Người dân ở Đồng Tâm đã chống trả một nỗ lực cưỡng chế đất từ ngày 15/4. Hiện giờ, họ cố thủ trong thôn Hoành, cầm giữ 20 người gồm nhiều cảnh sát cơ động và một số cán bộ địa phương.
Nhà chức trách trong những ngày qua đã không cho báo chí chính thống đăng các bài chi tiết về vụ Đồng Tâm, trong khi mạng xã hội có nhiều thông tin không được kiểm chứng, thậm chí trái ngược nhau, về những diễn biến ở đó.
Tuy nhiên, ông Đường Văn Thái cho hay người dân ở Vọng Đông, Bắc Ninh, không hề biết về vụ Đồng Tâm :
"Hầu như mọi người không biết. Hầu như là mọi người dân ở đây là họ rất là thuần túy bởi vì ở đây là cái vùng nông nghiệp thuần túy. Và họ cũng ít va chạm với mạng xã hội. Bởi vì ở xung quanh khu vực đó là dân làm làng nghề. Họ suốt ngày cắm đầu vào công việc nên cũng ít để ý chuyện mạng xã hội. Cho nên thông tin lan tỏa nó rất là hạn chế".
Ông Thái từng làm việc cho Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng và Ủy ban Nhân dân Huyện Đông Anh, nhưng đã từ bỏ đảng và nghỉ việc nhà nước năm 2015 do thấy những bất công trong các hoạt động thu hồi và đền bù đất đai của nhà nước. Hiện nay ông tích cực hoạt động vì quyền đất đai của người dân.
Tranh chấp đất đai ở Việt Nam đã liên tiếp xảy ra trong những năm gần đây, thậm chí có vụ dẫn đến bạo lực chết người như ở Đắc Nông hồi tháng 10/2016. Nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu đã kêu gọi quốc hội sửa luật đất đai, công nhận quyền tư hữu, cũng như rà soát lại các quy định về thu hồi và bồi thường.
********************
Cưỡng chế đất ở Bắc Ninh (RFA, 20/04/2017)
Công an, cảnh sát cưỡng chế đất ở Bắc Ninh sáng 20/4/2017. Photo : Thái Văn Đường
Gần 1000 người gồm công an và lực lượng chức năng thực hiện cưỡng chế thu hồi 14 mẫu đất tại thôn Vọng Đông, xã Yên Trung huyện Yên Phong, Bắc Ninh. Tin được truyền đi trên trang cá nhân của Facebooker Thái Văn Đường vào khoảng 6 giờ chiều ngày 20 tháng 4.
Những hình ảnh và video clips do người này đăng tải cho thấy rất nhiều cảnh sát cơ động mang khiên chắn và đội mũ bảo vệ tập trung vào khu đất của thôn Vọng Đông.
Cũng từ nguồn tin này, vào ngày 19/4/2017, chính quyền đã cử nhiều công an về làng và dọa vào 6h30 sáng ngày 20/4/2017 sẽ cưỡng chế. Nhưng do tình hình dân căng thẳng, chính quyền dùng biện pháp mời dân đến họp để thương lượng, sau đó hơn 500 cảnh sát cơ động vào cưỡng chế người dân mà không có thông báo. Tin cho biết có người già bị ngất và gãy tay, có số người bị bắt lên xe với lý do quay phim, chụp hình.
Em chỉ nắm được họ đưa gần 1000 lực lượng vào cưỡng chế. Bà con đã cắm chốt, cắm lều, dựng bạc ở ngoài khu đất bị thu hồi nhiều ngày nay rồi. bà con mua sẵn cả mấy cái quan tài đã đốt hương sẵn để ngoài đó. khi lực lượng vào đánh thương 1 cụ già và đánh gãy tay 1 người dân, bắt đi những người quay phim chụp ảnh.
Theo nội dung ghi trên trang cá nhân của Thái Văn Đường, Thôn Vọng Đông có khu ruộng có tên là đồng Cốc với diện tích là 14 mẫu (tương ứng 5,040 m2). Đây là khu ruộng tốt nhất của thôn với sản lượng cao so với các khu ruộng khác. Chính quyền cấp xã và các tổ chức liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng nhiều lần yêu cầu người dân bàn giao số đất trên nhưng người dân không đồng ý với tiền đề bù là 21,000 đồng/m2.
***********************
Cưỡng chế đất bằng vòi rồng, bắt 11 người dân (RFA, 19/04/2017)
Cơ quan chức năng dùng vòi rồng để cưỡng chế đất tại tỉnh Lai Châu hôm 19/4/2017. Photo courtesy of baonhandan
11 người dân bị bắt giữ trong một vụ cưỡng chế đất tại Lai Châu vào sáng thứ Ba, ngày 18 tháng Tư.
Báo giới trong nước đưa tin trong ngày 19 tháng Tư cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh Lai Châu ra quyết định tiến hành cưỡng chế đối với 4 gia đình, đang cư ngụ tại tổ dân phố số 23, tại phường Đông Phong, thành phố Lai Châu do lấn chiếm hơn 60 mét vuông đất của một gia đình hàng xóm và lấn chiếm gần 1000 mét vuông đất công thuộc dự án đã thu hồi, hiện thuộc sự quản lý của Ủy ban Nhân dân phường Đông Phong.
11 thành viên của năm gia đình vừa nêu bị bắt giữ trong vụ cưỡng chế đất diễn ra vào sáng ngày 18 tháng Tư vì bị cáo buộc chống người thi hành công vụ, làm cho hơn chục người của lực lượng cưỡng chế bị thương.
Ngoài thông tin do truyền thông Nhà nước loan đi như vừa nêu, vào ngày 18 tháng tư một video clip về vụ cưỡng chế được đưa lên mạng xã hội cho thấy cảnh cơ quan chức năng dùng vòi rồng để tiến hành biện pháp cưỡng chế ; trong khi có tiếng phản đối của người trong cuộc.
**********************
Bắc Ninh còn nóng hơn Mỹ Đức (tin riêng, 20/04/2017)
Hôm 20/04/2017 đã có gần 1.000 người trong đó (công an và lực lượng chức năng) đã vào khu đất 14 mẫu của thôn Vọng Đông xã Yên Trung huyện Yên Phong, Bắc Ninh để cưỡng chế với lý do thu hồi đất mà người dân không được đền bù đồng nào.
Công an, cơ động, giao thông đều chốt chặn ở các ngả đường dẫn tới Vọng Đông, Yên Phong, Bắc Ninh
Thôn Vọng Đông chúng tôi có khu ruộng có tên là đồng Cốc, nơi người dẫn đã trồng trọt canh tác bao đời nay. Với diện tích là 14 mẫu (tương ứng 5,040 m2). Đây là khu ruộng tốt nhất của thôn – nơi mang về sản lượng tốt nhất so với các khu ruộng khác. Số ruộng này theo luật đất đai thì là ruộng lâu dài của dân chứ không phải là ruộng công ích. Người dân thôn Vọng Đông vẫn đóng thuế, sản lượng đầy đủ.
Cụ thể :
Từ 1982 – 1988 chia lao động nhà nước thu sản lượng phải trả 80 – 90 kg/sào
Từ 1988 – 1993 chia theo 5 hạng mức nhà nước thu sản lượng 80 – 90 kg/sào
Từ 1993 – 1999 chia là 7 loại nhà nước thu sản lượng 80 – 90 kg/sào
Từ 1999 – 2004 chia thành 1 hạng vẫn thu thuế theo sản lượng 80 – 90 kg/sào.
Từ 2004 – 2014, hợp tác xã chia cho mỗi khẩu 2 thước.
Sự tham nhũng hại dân bắt đầu từ đây.
Người dân đã dựng lán trại để canh đất và mang theo cả quan tài vào canh khu đồng Cốc.
Năm 2014, khu trường mẫu giáo của thôn bị dột nát, ông trưởng thôn và bí thư(từ đây gọi là "kẻ hại dân") họp dân mượn khu đất đồng Cốc bán thầu 03 (ba năm) lấy tiền sửa chữa. Theo nghị quyết họp dân, trong quá trình bán thầu, nếu khu công nghiệp về thì phải trả lại cho dân.
Khi hợp đồng bán thầu mới 1,5 năm thì tỉnh và huyện Yên Phong mở rộng khu công nghiệp Yên Phong. Hai kẻ hại dân đã "tự ý" ký biên bản biến số ruộng 14 mẫu trên thành "ruộng công ích" để bán mà không tổ chức họp dân – không có sự đồng ý, chữ ký của dân. Trong khi số ruộng công ích theo luật đất đai là 5% thì thôn Vọng Đông đã có thừa. Việc biến số ruộng trên thành đất công ích khiến cho giá trị đền bù mỗi sào chỉ là 30 triệu đồng. Trong khi giá trị thực là 158 triệu/sào. Người dân Vọng Đông đang có nguy cơ lớn mất trắng số tiền lên đến xấp xỉ 22 tỷ đồng. Việc biến 14 mẫu ruộng ở đồng Cốc là sự vi phạm trắng trợn luật pháp. Tạo ra sự bức xúc rất lớn trong dân. Hiện nay ông bí thư đã phải từ chức.
Việc chính quyền xã Yên Trung đưa số ruộng khu đồng Cốc vào diện đất công ích là sai với luật đất đai 2013.
Chính quyền cấp xã và các tổ chức liên quan đến việc đền bù giải phóng mặt bằng nhiều lần yêu cầu người dân bàn giao số đất trên nhưng không được người dân đồng ý. Sau nhiều lần đối thoại, cơ quan liên quan có nghị định mới bổ sung chi trả với giá 21,000 đồng/m2 là quá rẻ mạt làm cho nhân dân vô cùng bức xúc.
Những người dân đứng lên đại diện cho người dân lo việc đối thoại, khởi kiện đã nhận được nhiều yêu cầu từ phía chính quyền, công an dừng việc đấu tranh cho người dân, nhưng với sự việc sai pháp luật và ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người dân thôn Vọng Đông, những người đại diện thôn Vọng Đông đã không thỏa hiệp nên có lúc còn bị bóng gió đe dọa.
Ngày 19/4/2017, chính quyền đã cử nhiều công an về làng và dọa 6h30 sáng ngày 20/4/2017 vễ cưỡng chế san đất. Nhưng do tình hình dân căng thẳng, chính quyền đã giả bộ hòa hoãn lừa dân trưa về họp để thương lượng , sau đó hơn 500 Cảnh sát cơ động đã vào cưỡng chế người dân mà không đọc tuyên bố thông qua dân. Có một số người già bị ngất và gãy tay. Một số người bị bắt lên xe và quay phim chụp hình.
Lòng người dân thôn Vọng Đông đang vô cùng bức xúc. Người dân đã dựng lán trại để canh đất và mang theo cả quan tài vào canh khu đồng Cốc. Người dân thà theo kiện đến cùng chứ không chịu mất đất.
Nguồn fb. Quyet Ho, Chau Văn Điện và Thái Văn Đường