Một số ngân hàng rút vốn
Theo thông tin từ báo chí Việt Nam, vào tháng Giêng năm nay, 2018, một ngân hàng Mỹ là Standard Chartered đã bán toàn bộ 8,75% cổ phần của mình trong liên doanh với Ngân hàng Á Châu của Việt Nam.
Ngân hàng Hong Kong và Thượng Hải, tại Hà Nội. Ảnh chụp tháng 8/2011. AFP
Trong năm 2017, người ta cũng nhận thấy hai ngân hàng có tên tuổi của nước ngoài là BNP Paribas của Pháp, HSBC của Hongkong, và Commonwealth của Úc cũng bán cổ phần của mình trong các liên doanh với những ngân hàng địa phương của Việt Nam.
Ông Nguyễn Trí Hiếu, một chuyên gia ngân hàng hiện sống trong nước, nói với tờ báo mạng Vnexpress bảng tiếng Anh một số nguyên nhân khiến cho các ngân hàng có tên tuổi của nước ngoài phải rút vốn đó là môi trường kinh doanh không thuận lợi do sự trùng lắp của nhiều vấn đề pháp lý, và điều thứ hai là các ngân hàng này bị hạn chế ở tỉ lệ cổ phần tối đa trong các liên doanh là 30%.
Hồi giữa năm 2017, khi trả lời phỏng vấn đài RFA ông Hiếu có nói rằng ông tiếc cho thời kỳ các ngân hàng lớn nước ngoài vào Việt Nam cách đây 20 năm, nhưng hiện nay hoạt động của họ rất hạn chế tại đất nước này.
Ngân hàng nước ngoài sẽ vẫn hoạt động mạnh tại Việt Nam
Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý rằng các ngân hàng nước ngoài đang rút ra khỏi Việt Nam.
Một chuyên gia ngân hàng sống tại Sài Gòn là ông Huỳnh Bửu Sơn nói với chúng tôi :
"Tôi nghĩ đây cũng là những chuyện thông thường thôi, có thể là những mảng hoạt động nào đó của một ngân hàng nước ngoài, họ nhượng lại cho một ngân hàng khác quan tâm đến mảng đó, chứ chắc chắn không có việc ngân hàng nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam".
Ông Sơn phân tích rằng mặt dù nền kinh tế Việt Nam hiện đang có nhiều mặt chưa được tốt, nhưng có xu hướng phát triển, và sắp tới đây với việc ký kết thỏa thuận mậu dịch xuyên Thái Bình Dương gồm 11 quốc gia, Việt Nam là một thị trường hứa hẹn cho ngành ngân hàng.
Ông Sơn đồng ý rằng việc qui định mức trần tối đa về cổ phần của các đối tác nước ngoài ở một ngân hàng thương mại Việt Nam cũng là điều gây trở ngại cho hoạt động của họ, nhưng theo phán đoán của ông thì mức trần này sẽ được Ngân hàng nhà nước nâng lên trong tương lai.
Hiện nay theo qui định thì tổng số vốn của các đối tác nước ngoài tại các liên doanh ngân hàng thương mại là 30%.
Trong một buổi làm việc với các quĩ đầu tư Hong Kong tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có nói rằng ông có thể quyết định tăng mức trần giới hạn cổ phần nước ngoài tại các ngân hàng thương mại Việt Nam lên hơn 30%.
Theo ông Sơn thì việc tạo nên mức trần qui định này là do sự lo ngại của Nhà nước Việt Nam về việc mất kiểm soát của mình đối với các tổ chức ngân hàng và tín dụng trong nước. Tuy vậy ông cũng nêu ý kiến của một số chuyên gia nói rằng nếu muốn Việt Nam hội nhập nhiều vào nền kinh tế thế giới thì điều đó là điều không đáng ngại.
Chúng tôi có tiếp xúc với một người phụ trách một phòng nghiệp vụ tại một ngân hàng nước ngoài tại Sài Gòn, xin được không nêu danh tánh, thì chị cho biết rằng các ngân hàng nước ngoài hiện nay tại Việt Nam được đối xử bình đẳng về mặt luật pháp với các ngân hàng trong nước.
"Tuy nhiên ở một số mặt ngân hàng nước ngoài không cạnh tranh được là bởi vì hệ thống ngân hàng trong nước hiện nay cũng rất mạnh, mà tôi nghĩ đó là một tín hiệu tốt về mặt kinh tế. Họ hoàn toàn có thể cạnh tranh với ngân hàng nước ngoài. Có một điều họ khó cạnh tranh là những khách hàng quốc tế. Những khách hàng này nằm ở khắp nơi, và thường họ chọn ngân hàng nước ngoài".
Chị cho biết thêm là các ngân hàng nước ngoài thua các ngân hàng Việt Nam trong thị trường bán lẻ, tức là dành cho những khách hàng cá nhân, gửi tiền tiết kiệm.
Ông Huỳnh Bửu Sơn nêu nhận xét của ông về sự khó khăn của các ngân hàng nước ngoài khi cạnh tranh với các ngân hàng địa phương của Việt Nam :
"Thực ra những chi nhánh ngân hàng thương mại nước ngoài hoạt động tại Việt Nam bị hạn chế rất nhiều trong việc cho các doanh nghiệp Việt Nam vay, đặc biệt là các dự án lớn, nó tùy thuộc số vốn đăng ký của họ, cũng như khả năng huy động vốn của họ trong nước. Mà thật ra so với các ngân hàng Việt Nam đã hoạt động lâu, ví dụ như Vietcombank chẳng hạn, thì những ngân hàng nước ngoài ở đây thật sự là nhỏ thôi".
Nhận xét tổng quát về sự hiện diện của các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam trong hơn 20 năm qua ông Huỳnh Bửu Sơn nói tiếp :
"Sự hiện diện của họ là một sự thúc đẩy cho các ngân hàng Việt Nam cố gắng cải tiến về mặt công nghệ, về mặt kỹ năng quản lý. Thêm vào đó là có sự đan xem về vốn đầu tư, tức là những ngân hàng nước ngoài trong quá trình phát triển cũng có xu hướng mua các cổ phần của các ngân hàng thương mại ở đây. Họ không chỉ mang đến đồng vốn mà còn mang lại công nghệ ngân hàng, về kiến thức, về nhân sự".
Khi được hỏi về các vụ án ngân hàng tại Việt Nam vừa qua, cũng như những tuyên bố sẽ sắp xếp lại hoạt động ngân hàng tại Việt Nam trong thời gian qua, ông Huỳnh Bửu Sơn cho rằng đó là những điều cần làm, nhưng phải thận trọng để duy trì sự ổn định và lòng tin của người dân vào hệ thống ngân hàng của Việt Nam, và ông khẳng định một lần nữa rằng sẽ không có chuyện các ngân hàng nước ngoài rút vốn ra khỏi Việt Nam.
Còn ông Farhan Faruqui, Giám đốc điều hành của nhóm ngân hàng ANZ, có hoạt động tại Việt Nam và vừa bán các khách hàng lẻ sang cho một ngân hàng Hàn Quốc, trả lời báo chí Việt Nam rằng ANZ vẫn tiếp tục hoạt động Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực cho các tập đoàn lớn vay tiền, trong cả vùng lưu vực sông Mekong chứ không riêng Việt Nam.
Kính Hòa
Nguồn : RFA, 28/02/2018