Triệu Tử Long, VNTB, 18/09/2021
Đe dọa thâm hụt tài khóa ngân sách quốc gia
Theo vị Bộ trưởng Tài chính, thu ngân sách năm 2021 được Quốc hội phê chuẩn là 1.343 ngàn tỷ đồng, đến nay đã thu đạt 77% dự toán và ngành tài chính phấn đấu đạt 100%, đồng thời vẫn hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
"Tôi khẳng định ngân sách nhà nước bảo đảm đầy đủ cho các nhiệm vụ chi đã được Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ giao" – Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, nhấn mạnh.
Tuy nhiên – vẫn theo ông Hồ Đức Phớc, khoản dự phòng ngân sách đã được sử dụng hết.
Theo Luật Ngân sách, khoản dự phòng chiếm từ 2 – 4% tổng dự toán ngân sách. Năm 2021 được giao 17.500 tỷ đồng dự phòng ngân sách. Do sử dụng cho công tác phòng chống dịch Covid-19 cho nên khoản dự phòng này đã hết.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan đã thực hiện tiết kiệm tối thiểu 50% kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước, tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2021 để bổ sung nguồn cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các nhiệm vụ cần thiết khác.
Đến nay, đã tiết kiệm từ nguồn chi thường xuyên được khoảng 14.620 tỷ đồng.
"Do đó, Bộ Tài chính đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép chuyển khoản tiết kiệm này để bổ sung nguồn dự phòng ngân sách trung ương năm 2021, cấp cho các bộ, cơ quan, địa phương phục vụ công tác phòng chống dịch hiệu quả nhất. Năm 2022, sẽ có khoản ngân sách riêng cho phòng chống dịch" – Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho hay như vậy.
Những giải thích mang tính trấn an ở trên của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc, cho thấy đây là hệ lụy đến từ dịch bệnh Covid -19, vốn dĩ đã gây nên khủng hoảng kinh tế và xã hội nghiêm trọng trên thế giới. Hệ lụy tất yếu là sự thâm hụt tài khóa trong ngân sách quốc gia. Nợ công ngày càng tăng do bội chi ngân sách chính phủ có thể khiến quốc gia mất khả năng thanh khoản và vỡ nợ, điều này tác động xấu lên tăng trưởng và phát triển kinh tế, mức sống của người dân, và ổn định xã hội.
Có tham nhũng y tế hay không ?
Ngày 14-9-2021, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Tổng kiểm toán Nhà nước về công tác năm 2021, người đứng đầu Quốc hội, Chủ tịch Vương Đình Huệ đã yêu cầu cần thiết thực hiện kiểm toán việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực phòng, chống dịch Covid-19, qua việc cần bổ sung thêm vào kế hoạch kiểm toán ngân sách trong năm 2022 của Kiểm toán Nhà nước.
"Mục đích sử dụng và hiệu quả thế nào ? Chúng ta là nước nghèo, chống dịch phải hiệu quả nhưng chi phí thấp, phải tiết kiệm chi phí. Mà cái này có thể phải trường kỳ kháng chiến chứ không phải ngày một, ngày hai. Mẫu xét nghiệm đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào ? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều", ông Huệ phân tích.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cần tập trung mọi nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch, từ tài lực, nhân lực, vật lực là đúng, đây là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhưng sử dụng phải tiết kiệm, đúng mục tiêu, kể cả nguồn lực nhà nước và các nguồn lực xã hội chúng ta huy động.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị trong năm 2022, Kiểm toán cũng cần đánh giá việc thực thi chính sách các gói hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, xem quy định có hợp lý không, tổ chức thực hiện thế nào, có đúng mục đích không ?
"Vừa rồi sử dụng nguồn lực rất nhiều nhưng đối tượng nào được hưởng ? Cách thức sử dụng và mục tiêu sử dụng thế nào ? Chính sách của chúng ta rất ưu việt nhưng quá trình thực thi có thể có những chính sách chưa phù hợp hoàn toàn, cần làm rõ để chúng ta còn rút kinh nghiệm. Quá trình thực hiện có trục lợi chính sách hay không thì phải chỉ rõ ra", ông Huệ nêu.
Nhìn từ "thần tốc" Hà Nội
Số liệu trên trang web Sở Y tế Hà Nội cho biết, về công tác lấy mẫu xét nghiệm, tính đến 12g00 ngày 14-9-2021, toàn thành phố đã lấy được 3.128.380 mẫu, phát hiện 19 ca dương tính. Cụ thể, số mẫu gộp xét nghiệm PCR là 2.311.514, có 1.114.197 mẫu âm tính và 14 mẫu dương tính, số còn lại đang chờ kết quả.
Trong số 816.866 mẫu test nhanh kháng nguyên, có 47 mẫu dương tính, sau đó được lấy mẫu lại xét nghiệm PCR, kết quả có 05 ca dương tính.
Thử tính chi phí hoạt động công khai từ số liệu kể trên bằng bài toán học trò cấp 1 : Chi phí Test RT-PCR (lấy mẫu 100.000 đ/mẫu, xét nghiệm 634.000 đ/mẫu gộp, tạm tính mẫu gộp là 10.
2.311.514 * 100.000 = 231.154.400.000 đồng
2.311.514 * 634.000/10 = 146.549.987.600 đồng
Chi phí test nhanh (238.000 đồng/ mẫu)
816.866 * 238.000 = 194.414.108.000 đồng, Đơn giá lấy theo qui định của Bộ Y tế tại Công văn số 4356/BYT-KHTC ngày 28-5-2021.
Tổng chi phí cả 2 phương pháp : 572.115.495.000 đồng (năm trăm bảy mươi hai tỷ một trăm mười lăm triệu bốn trăm chín mươi lăm ngàn đồng).
Kết quả : Phát hiện được 19 F0.
Vậy chi phí để phát hiện 1 F0 là : 572.115.495.000 đồng/19 ca = 30.111.341.874 đồng /ca, tức là : Cuộc "thần tốc xét nghiệm" ở Hà Nội với kết quả bắt được 19 ca F0, cho ra chi phí để Hà Nội ‘bắt’ 1 F0 là 30,13 tỷ VNĐ.
Tính toán trên là chưa kể chi phí các nguồn lực khác của của cả xã hội phục vụ cho việc tổ chức xét nghiệm. Chi phí ngầm không tính được do tổ chức "thần tốc" có thể là nguồn lây nhiễm mới. Cũng chưa tính thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội trong thời gian này…
Mới chỉ đơn cử Hà Nội qua tính toán kể trên, có thể lý giải phần nào nguyên do vì sao ngân sách dự phòng năm 2021 lại sớm cạn kiệt như thông báo của Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc.
Ngân sách, hay ngân sách dự phòng, 'gần như không còn đồng nào' ?
Trân Văn, VOA, 17/09/2021
Nhiều người bàng hoàng khi nghe ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào !
Ông Hồ Đức Phớc – Bộ trưởng Tài chính báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội Ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào ! Hình minh họa.
Song song với thông tin động trời ấy, trong cuộc họp giữa chính phủ với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16 tháng 9, ông Phớc nói thêm rằng :Chính phủ không còn tiền hỗ trợ cho hàng chục ngàn quân nhân, công an đang tham gia chống dịch ở Bình Dương, Đồng Nai và giờ chỉ trông vào khoản dư ra từ tiết kiệm chi, khoảng 14.620 tỉ (1) !
Độc giả của một số cơ quan truyền thông chính thức đã bày tỏ nhiều nhận xét khác nhau trên diễn đàn của các cơ quan truyền thông này về những thông tin về đề cập. Không ai giấu được sự lo âu. Một số độc giả của tờ Tuổi Trẻ như Hoi - bình thế này :Cứ chống Covid-19 như hiện nay - phong tỏa, test nhanh toàn thành phố thì ngân sách lớncỡ nào cũng không chịu nổi. Vấn đề bây giờ là hạn chế phong tỏa để cho các doanh nghiệp sản xuất có nguồn thu, đừng làm xét nghiệm tràn lan, vừa tốn kém, vừa không hiệu quả. Có như vậy ngân sách mới kham nổi ! Hoặc như Ngoc – so sánh thế này :Nhà mình cũng vậy, gần như không còn đồng nào. Sau30/9, nếu tiếptục giãn cách là đói thật sự.
Còn trên mạng xã hội, song song với việc bày tỏ những nhận xét cá nhân, nhiều người chia sẻ nhận định của bà Vũ Kim Hạnh – Rất nguy : Ngân sách cạn kiệt !
Mới một tháng rưỡi trước, ngày 30/7/2021, báo chí đăng : "Ngân sách nhà nước bội thu gần 62 nghìn tỷ đồng sau 7 tháng".
Còn sau đây là thông tin mới : "Sáng hôm nay, báo cáo trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết "hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào". Đây là thông tin chính thống, chứ không phải do đồn thổi. Tài chính doanh nghiệp, cơ quan của của Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, và cả trên tờ Thời báo Tài chính, cơ quan của Bộ Tài chính.
Và trước đó chỉ một ngày, trên mạng xã hội có bài toán về câu chuyện có thể có liên quan nhân quả như sau :
Xài sang hơn cả Mỹ để bắt F0
Hà Nội vừa thông báo đến 14/9 đã phát hiện được 19 ca F0 từ cộng đồng qua xét nghiệm sàng lọc từ 3.128.380 mẫu, trong số này có : 2.311.514 mẫu xét nghiệm RT-PCR và 816.866 mẫu xét nghiệm nhanh kháng nguyên.
Thử tính chi phí hoạt động công khai này bằng bài toán học sinh cấp 1 :
Chi phí Test RT-PCR (lấy mẫu 100.000đ/mẫu, xét nghiệm 634.000/mẫu gộp, tạm tính mẫu gộp là 10).
2.311.514 x 100.000 = 231.154.400.000 đ
2.311.514 x 634.000/10= 146.549.987.600 đ
Chi phí Test nhanh (238.000 đ/mẫu) : 816.866 x 238.000 = 194.414.108.000đ (Đơn giá lấy theo qui định của Bộ Y tế tại Côngvăn số 4356/BYT-KHTC ngày 28/5/2021). Tổng chi phí cả hai phương pháp : 572.115.495.000đ (năm trăm bảy mươi hai tỷ, một trăm mười lăm triệu, bốn trăm chín mươi lăm ngàn đồng).
Kết quả : Phát hiện được 19 F0.
Vậy chi phí để phát hiện 1 F0 là : 572.115.495.000 đ/19 ca = 30.111.341.874 đ/ca tức là : Cuộc "xét nghiệmthần tốc" ở Hà Nội với kết quả bắt được 19 ca F0, cho ra chi phí để Hà Nội bắt 1 F0 là 30,13 tỉ đồng.
Chưa tính chi phí các nguồn lực khác của cả xã hội phuc vụ cho việc tổ chức xét nghiệm. Chi phí ngầm không tính được do tổ chức "thần tốc" có thể là nguồn lây nhiễm mới. Cũng chưa tính thiệt hại kinh tế do giãn cách xã hội trong thời gian này.
Cách đây ba hôm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ có trả lời phỏng vấn một hãng thông tấn quốc tế, ông có nói : Trong việc kiểm toán hoạt động của nhà nước, nay cần thêm vào nội dung kiểm toán về việc "huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19", và cụ thể ông đề cập : "Mẫu (xét nghiệm) đơn, mẫu gộp thế nào, test nhanh thế nào ? Một mẫu xét nghiệm PCR mất nhiều tiền, đắt hơn vắc xin nhiều".
PS : Chúng ta không ai chống xét nghiệm. Nhưng không có nước nào trên thế giới, ngoại trừ Trung Quốc có hạ tầng dữ liệu và mục đích khác, dám "chơi sang" một cách bất chấp như thế này (không cần tính toán chọn mẫu để tiết kiệm và có hiệu quả thật). Và đây là một cuộc xét nghiệm ở một địa phương thôi. Trên cả nước, đã có bao nhiêu cuộc xét nghiệm "hào phóng" và bất chấp.
***
Ngày 13/9/2021, được chính phủ hỗ trợ, hệ thống truyền thông chính thức, đồng loạt phát hình, tường thuật rộng rãi về cuộc họp trực tuyến giữa ông Phạm Minh Chính - Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo 26 huyện, thị xã và lãnh đạo 317 phường, xã, thị trấn của hai tỉnh này.
Sau khi Thủ tướng biểu hiện ông rất sốt ruột, rất quyết liệt, không chỉ báo giới mà ngay cả mạng xã hội cũng chỉ trịch kịch liệt sự lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạohệ thống chính trị, hệ thống công quyền địa phương, đặc biệt là hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở Kiên Giang, ngày 16/9/2021 – lúc cảnh báoNgân sách Trung ương gần như không còn đồng nào đã được phát – chính quyền tỉnh Kiên Giang cho biết sẽ chi 128 tỉ để xét nghiệm diện rộng (3) !
Ông Tầm Dương viết thế này sau sự kiện đó :Hôm trước Thủ tướng họp trực tuyến nói với Bí thư KiênGiang rằng Không biết thì nói không biết, hôm nay tỉnh ấy vâng lệnh, biết rõ nên nói sẽ chi 128 tỷ VND để test đại trà. Sau Sài Gòn, Hà Nội lại tới Kiên Giang, cả nước hơn 60 tỉnh thành, test đại trà thì số mục khả quan nghe qua là biết.
Có người thật thà hỏi kit(bộ xét nghiệm) ở đâu mà lắm thế nhỉ ? Đáp- Mớ kit Việt Nam đang sở hữu thuộc dòng kit Thạch Sanh, xài bao nhiêu cũng không hết. Mai kia có kỷ niệm gì đó, đại hội gì đó, là ví dụ thế, nhân dân cả nước hân hoan phấn khởi chào đón lại test suốt một lượt. Test xong ai âm tính ra đường cho đông vui, ai dương tính ở nhà vẫn phất cờ căng biểu ngữ hô khẩu hiệu, há chẳng ầm ĩ ru ?
Có người lo xa nói : Ngoáy nhiều như thế lỡ dân Việt toang mũi thì sao ? Đáp- Tìm được cái may trong cái rủi mới là bậc đại trí. Về khoản chống dịch yên dân thì Việt Nam hơi kém nhưng bù lại về khoản thẩm mỹ vá mũi thì Việt Nam sẽ thu thập được nhiều kinh nghiệm, lo gì không sánh vai được với liệt quốc Á, Âu ?
Có người cầu toàn hỏi : Thế sẽ tuyên truyền thế nào, cổ động thế nào ? Đáp- Tuyên truyền thì nội dung là Ngoáy mũi Toàn dân. Trước đó thêm các danh từ như Phong trào, Ngày hội, Tuần lễ, Chiến dịch nữa, cái gì chẳng được. Cổ động ngoài việc nêu ra mục đích xác định còn phải mang tính chất cụ thể và thái độ khẳng định, sẽ căng một biểu ngữ ở tất cả các Trạm Ngoáy mũi Quốc gia trên toàn quốc, trên ghi rõ như sau :
Đây là nơi ngoáy mũi tầm soát người nhiễm Covid, nhiễm ít ngoáy ít, nhiễm nhiều ngoáy nhiều, không nhiễm cũng ngoáy.
***
Chỉ đạo : "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" là Thủ tướng. Chỉ đạo biến mỗi phường xã thành một pháo đài cũng là Thủ tướng. Xét nghiệm thần tốc trên diện rộng là yêu cầu từ Thủ tướng. Nếu Thủ tướng không lôi Kiên Giang ra nẹt để biểu diễn rất sốt ruột, rất quyết liệt, có lẽ Kiên Giang không chi 128 tỉ chỉ để xét nghiệm. Nếu hệ thống truyền thông chính thức không loan báo, giữa đêm, Thủ tướng vẫn gọi điện thoại cật vấn Bí thư thị trấn, Chủ tịch huyện ở An Giang, có lẽ chính quyền tỉnh này không hối hả thúc giục các cơ quan hành chính dưới quyền của mình kiên quyết thực hiện giới nghiêm ở khu vực bịphong tỏa.
Vậy mà chẳng hiểu sao ngay sau đó, Thủ tướng lại chỉ trích phong tỏa :Có một khu phố thôi, phong tỏa luôn cả xã, cả phường. Có một xã thôi, phong tỏa luôn cả huyện. Phong tỏa để làm gì thì không đặt ra, không có mục tiêu, không có lộ trình, không có biện pháp. Cứ phong tỏa 14 ngày xong thấy có F0 lang thang trong cộng đồng lại phong tỏa rồi lại tiếp tục phong tỏa Tôi mới hỏi tiếp tục phong tỏa đến bao giờ ? Tôi mới nói anh em bây giờ phải làm lại. Nói phải rất rõ. Làm sao nói phải thật là giản dị. Khoa học ở chỗ giản dị, làm sao cho dễ hiểu, dễ nhớ, dễ làm, dễ giám sát, dễ kiểm tra, dễ đánh giá (5).
Dứt khoát Thủ tướng vẫn vô sự sau khi chỉ đạo xuôi rôi phê phán ngược. Xuôi rồi ngược, ngược rồi lại xuôi không chỉ khiến hậu quả của đại dịch thêm tồi tệ. Sự rối rắm, bất cập trong quản trị, điều hành đã trình diện thêm một hậu quả nữa vừa được chính phủ xác nhận :Ngân sách Trung ương gần như không còn đồng nào !
Dẫu có thế nào thì Thủ tướng vẫn thế, vẫn là một ngôi sao sáng, vẫn đang truyền dẫn phong cách làm việc mới (6) !
Trân Văn
Nguồn : VOA, 17/09/2021
Chú thích
(2) https://www.facebook.com/vu.k.hanh.52/posts/10159974232286122
(3) https://www.facebook.com/profile.php?id=100036818401918
(4) https://tuoitre.vn/cuoc-goi-luc-nua-dem-cua-thu-tuong-20210915231837202.htm
(5) https://www.youtube.com/watch?v=IEU3WtBnwXE
(6) https://cand.com.vn/thoi-su/truyen-dan-phong-cach-lam-viec-moi-tu-nguoi-dung-dau-chinh-phu-i628153/
Bộ trưởng tài chính : "Ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào"
RFA, 17/09/2021
Bộ trưởng Tài chính Việt Nam Hồ Đức Phớc tiết lộ trong cuộc họp với Ủy ban Thường vụ Quốc hội hôm 16/9 rằng ngân sách Nhà nước đang rất eo hẹp, đến mức "gần như không còn đồng nào".
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước ở Hà Nội và tấm biển trước văn phòng Ngân hàng Vietcombank - Reuters
Theo ông Phớc thì nguồn thu từ thuế đã giảm một nửa do các biện pháp phong tỏa và giãn cách xã hội nhằm chống dịch Covid-19.
Trong đó, đáng chú ý nhất là Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh tập trung nhiều khu công nghiệp ở phía nam, vốn là nguồn cung thuế lớn nhất nước, lại đang bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh.
Cũng theo ông Phớc thì việc ngân sách eo hẹp đã khiến cho việc cung cấp chi phí chống dịch cho lực lượng công an và quân đội gặp khó khăn. Tuy nhiên, trên thực tế, chỉ riêng trong năm nay thì chính phủ đã hai lần cấp ngân sách chống dịch cho Bộ Công an với số tiền tổng cộng là 689 tỷ đồng.
Thông tin về ngân sách nhà nước được ông Bộ trưởng Tài chính đưa ra trong bối cảnh các gói, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đang được bàn thảo, qua đây có thể hiểu rằng khả năng hỗ trợ doanh nghiệp của Nhà nước là rất hạn chế do tình hình tài chính eo hẹp.
Tuy nhiên, ông Phớc cũng cho rằng điều cần kíp nhất hiện giờ là tìm cách để giúp các doanh nghiệp quay trở lại hoạt động càng sớm càng tốt.
Nguồn : RFA, 17/09/2021
Bộ Tài chính nói gì về thông tin "ngân sách Trung ương gần như không còn" ?
Bích Diệp, Dân Trí, 17/09/2021
Bộ Tài chính đã lên tiếng "nói lại cho rõ" thông tin cho rằng ngân sách khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ còn chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoản đang trình dự toán.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (Ảnh : VGP).
Ngày 16/9, tại phiên họp thứ 3, Ủy ban Thường vụ quốc hội (Ủy ban thường vụ Quốc hội) đã xem xét dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19.
Theo Bộ Tài chính, về nội dung này có nhiều thông tin báo chí nêu : Ngân sách rất khó khăn, ngân sách Trung ương gần như không còn, hiện chỉ chờ vào nguồn tiết kiệm chi và khoảng 14.620 tỷ đồng đang trình Ủy ban thường vụ Quốc hội điều chỉnh dự toán thì mới chi được.
Được biết, thông tin báo chí dẫn phát ngôn của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc khi báo cáo với Ủy ban thường vụ Quốc hội.
Tuy nhiên, trong văn bản phản hồi của Bộ Tài chính được phát hành ngay chiều nay (17/9), cơ quan này cho rằng thông tin trên làm độc giả hiểu sai tình hình ngân sách Nhà nước.
Nói lại một lần nữa cho rõ, Bộ Tài chính cho biết, tại cuộc họp Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 16/9 với nội dung bàn về việc ban hành chính sách miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh khó khăn do đại dịch Covid-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội là hiện nay ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết. Trong khi đó, nhu cầu chi cho công tác phòng chống dịch đối với các lực lượng tham gia phòng chống dịch như công an, quân đội và các địa phương là rất lớn.
Do đó, Chính phủ đã trình Ủy ban thường vụ Quốc hội cho phép chuyển nguồn tiết kiệm chi thường xuyên 14.620 tỷ đồng điều chỉnh vào dự phòng ngân sách Trung ương để thực hiện các nhiệm vụ chi cấp bách cho công tác phòng chống dịch Covid-19.
Trao đổi thêm với phóng viên Dân trí, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, hiện tại, đề xuất này đã được trình lên Ủy ban thường vụ Quốc hội và có thể trong tuần tới sẽ được xem xét thông qua. Trong thời gian chờ phê duyệt và trong bối cảnh ngân sách dự phòng Trung ương (17.500 tỷ đồng) đã chi hết thì các địa phương và các đơn vị vẫn sử dụng nguồn tài chính đã chi từ trước để cân đối.
Về tình hình cán cân ngân sách, theo báo cáo của Bộ Tài chính, trong giai đoạn 8 tháng đầu năm, mặc dù bối cảnh vĩ mô bất lợi song thu ngân sách vẫn ước đạt hơn 1 triệu tỷ đồng, đạt gần 75% kế hoạch thu cả năm nay, và tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thu nội địa ước đạt trên 820.000 tỷ đồng (tăng 12% so cùng kỳ).
Trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đánh giá kết quả thu ngân sách trên là tích cực nhờ nguồn thu tăng đột biến tại các lĩnh vực như ngân hàng, chứng khoán, bất động sản, ô tô.
Tại phiên họp hôm qua, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tính chung các giải pháp đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ thực hiện theo thẩm quyền và các giải pháp như đề xuất, số tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân năm 2021 là khoảng 140.000 tỷ đồng. Ông chia sẻ, hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp cũng đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa.
"Vào lúc khó khăn này, đây chính là 'một miếng khi đói bằng một gói khi no' để hỗ trợ doanh nghiệp", Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nói. Về một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, Ngân hàng nhà nước đã đề nghị không triển khai. Ngân hàng nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc quản lý thuế giá trị gia tăng, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.
Được biết, sau khi xem xét, thảo luận, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã thống nhất thông qua việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19. Dự kiến sau khi các cơ quan tiếp thu hoàn thiện, Nghị quyết sẽ được ký ban hành trước ngày 1/10.
Bích Diệp
Nguồn : Dân Trí, 17/09/2021