Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

lundi, 10 août 2020 15:38

Một khúc ruột thừa

Lênh đênh muôn dặm nước non

Dạt vào ao cạn

vẫn còn lênh đênh 

BèoPhùng Cung

campu1

Tôi tình cờ nghe được một mẩu đối thoại lạ tai, ngăn ngắn của một cặp vợ chồng người quen (còn trẻ) ở quê nhà :

- Lý do nào để anh quyết định tham gia đấu tranh ?

- Vì 3 cô gái điếm người Việt ở Campuchia… Vì chứng kiến những phận đời vỡ nát ấy mà anh muốn góp phần nhỏ bé vào cuộc đổi thay đất nước. Hy vọng đất nước mình khá hơn, có dân chủ, có tự do để không còn những cô gái Việt Nam phải sang xứ người làm điếm. Không còn cảnh người Việt phải sống tha hương, chịu mọi khổ sở, thiệt thòi, hoặc chết thảm nơi xứ người nữa. Đơn giản thế thôi" (Phạm Thanh Nghiên, "Chuyện Kể Của Chồng ").

Mấy năm qua, tôi ngủ trong những cái khách sạn tồi tàn ở Phnom Penh nhiều hơn ở nhà mình nên biết rằng Campuchia không chỉ có ba (hay ba ngàn) "cô gái Việt Nam phải sang xứ người làm điếm". Nơi đây cũng không chỉ có ba chục ngàn (hay ba trăm ngàn) người Việt đang "phải sống tha hương, chịu mọi khổ sở, thiệt thòi".

Theo tường trình của MIROR (Minority Rights Organization) hiện có khoảng năm phần trăm, hay 750.000  người gốc Việt, đang sinh sống ở đất Miên. Đây là nhóm dân thiểu số đông đảo nhất nơi xứ sở này. Hầu hết họ đều là dân ngụ cư, không khai sinh, không căn cước, không được quyền tiếp cận với bất cứ dịch vụ xã hội nào, và (tất nhiên) không có quyền sở hữu tài sản hay đất đai gì ráo. Do thế, phần lớn kiều bào ở Miên (theo như cách gọi rất lịch sự của Đại Sứ Quán Việt Nam ở Phnom Penh) đều sống lênh bênh – rầy đây, mai đó – trên những túp lều nổi xung quanh Biển Hồ, hoặc dọc theo những nhánh sông phụ thuộc.

Họ sống ra sao ?

Từ Chong Khneas, ký giả Thiên Ân tường thuật :

"Những Việt kiều Campuchia này nghèo khó cả về điều kiện sinh sống lẫn chính sách mà chính quyền đưa ra để hỗ trợ. Trên vùng nước mênh mông dơ bẩn, các gia đình người Việt sống ngoài vòng pháp luật với nhau, trẻ em không có giấy tờ nên cũng chẳng thể học lên cao được mà chỉ ngừng lại ở hết bậc tiểu học.

Vùng nước ở làng nổi Chong Khneas bị ô nhiễm rất nặng. Nước có màu đen và bốc mùi hôi tanh, cả trẻ con và người lớn đều dùng nước đấy để sinh hoạt để rồi chất thải sau khi sử dụng cũng được xả thẳng xuống ngay tại đó. Trẻ nhỏ phụ cha mẹ đánh bắt cá để kiếm miếng ăn sống qua ngày….

Anh Som Borak sinh ra và lớn lên tại làng, cho biết : ‘Tại đây chúng tôi không phân biệt người Việt, người Khmer, người Chăm hay người Hồi giáo. Chúng tôi sống cùng nhau ở ven bờ sông nhưng không thể lên mặt đất vì chỉ có mặt nước là chứa chấp chúng tôi, không phải mất tiền khi sống ở đây".

Sự bao dung của sông nước, tiếc thay, không kéo dài mãi mãi. Khí hậu biến đổi, và vô số những con đập thượng nguồn của sông Mê Kông, đang xua đuổi những Việt Kiều ở Campuchia (như Som Borak) ra khỏi Biển Hồ :

- The New York Times : "At a Campuchian Lake, a Climate Crisis Unfolds"

- Reuters : "No room on water, no home on land for Campuchia's ethnic Vietnamese"

- VOA : "Water But No Fish’ : Campuchia Faces Possible Food Crisis"

- The Guardian : "Mekong basin's vanishing fish signal tough times ahead in Campuchia"

- RFI : "Cá Biển Hồ giảm mạnh, hồi kết được báo trước của làng nổi Cam Bốt"

- RFA : "Người Việt ở Biển Hồ sẽ về đâu ?"

campu2

Câu trả lời có thể tìm được qua một mẩu tin ngắn trên mạng Soha  (đọc được vào hôm 1/08/2020) xin ghi lại toàn văn, không thiếu một chữ :

"Trạm kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã phát hiện và ngăn chặn 7 hộ gia đình gốc Việt với 41 người băng phương tiện thủy. Sáng 1/8, Thiếu tá Huỳnh Chiến Thắng, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương, Bộ đội Biên phòng An Giang cho biết, Đơn vị vừa phát hiện, ngăn chặn 41 người nhập cảnh trái phép  từ Campuchia về Việt Nam.

Ngày 31/07, Tổ công tác của Trạm kiểm soát thuộc Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã phát hiện và ngăn chặn 7 hộ gia đình với 41 người, trong đó có 20 người lớn và 21 trẻ em nhập cảnh trái phép vào Việt Nam bằng phương tiện thủy ; 7 hộ gia đình này là người gốc Việt (tnt in đậm) đã sang Campuchia sinh sống nhiều năm tại tỉnh Siem Reap và tỉnh Pur Sát. Thời gian gần đây do cuộc sống gặp khó khăn, nên số hộ dân này đã trốn về Việt Nam.

Thiếu tá Huỳnh Chiến Thắng cho biết, mặc dù những người dân này đều là gốc Việt (tnt in đậm) tuy nhiên tất cả đều không có giấy tờ hợp pháp, nên Đồn Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép. Đồng thời tuyên truyền vận động họ quay trở lại Campuchia tiếp tục làm ăn, sinh sống, nhất là trong thời gian dịch Covid–19 đang diễn biến phức tạp./.".

Dù bản tin này cũng đã được phổ biến trên rất nhiều báo/đài nhà nước (VOV Tuổi Trẻ Công Luận Dân Trí Pháp Luật Tiền Phong Biên Phòng Công An Nhân Dân  …) cùng với hình ảnh và video đính kèm, từ hơn một tuần qua nhưng tuyệt nhiên không có phản ứng của bất cứ một giới hữu trách hay một vị đại biều dân cử nào cả. Dư luận cũng lặng thinh. Trong tất cả những cơ quan truyền thông (thượng dẫn) chỉ có một phản hồi duy nhất của độc giả Lê Bình, đọc được trên báo Tuổi Trẻ , như sau : "Chắc hẳn họ là người Việt nhưng lưu lạc làm ăn bên Campuchia lâu rồi. Họ không có gì chứng minh có quốc tịch Việt Nam, chính quyền Campuchia cũng không cấp cho họ giấy tờ gì để sống hợp pháp yên ổn bên đó. Đẩy họ về nghe ra thì đúng luật pháp và trong lúc dịch dã... nhưng nghĩ lại thì thấy đau lòng...".

Tôi e là không có một điều luật nào cho phép "đồn biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đã tiến hành lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính về hành vi xuất, nhập cảnh trái phép" đối với những công dân gốc Việt trở về từ Campuchia "do cuộc sống gặp khó khăn". Tôi cũng không tin rằng có một đạo luật nào của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm ngăn cấm người Việt trở về quê hương bản quán của mình.

Chả biết Thiếu tá Huỳnh Chiến Thắng nhân danh ai, hoặc lấy tư cách gì để "tuyên truyền vận động họ quay trở lại Campuchia tiếp tục làm ăn, sinh sống !". Ông biết gì về cảnh đời cùng quẫn của những người Việt lênh đênh trên Biển Hồ khi nước đã cạn (và cá không còn) và căn cứ vào đâu mà dám đẩy họ trở về chốn cũ ?

Nếu lấy dịch bệnh làm lý cớ thì rõ ràng là cơ quan chức năng của tỉnh An Giang không hiểu rõ hiện tình. Theo tường trình của Worlddometers  (đọc được vào hôm 08/08/2020, khi tôi đang viết những dòng chữ này) thì theo con số người vướng Coronavirus ở Campuchia là 246, hồi phục 215, và không ai tử vong vì cúm Tầu ráo trọi. Nếu lo xa vì sự lây lan chăng nữa thì cách ly là giải pháp, chứ không thể xua đuổi họ một cách tuyệt tình và bất nhân như thế.

Đây là một cách ứng xử hoàn toàn tùy tiện, vô trách nhiệm, và vô luật pháp của chính quyền địa phương tỉnh An Giang nhưng đã được công luận cả trong lẫn ngoài nước im lặng đồng tình.

Sao thế ? Kiều bào hay Việt kiều ở Campuchia không phải là người Việt chăng ? Ai có quyền ngăn cấm họ trở lại cố hương khi đã tuyệt đường sinh sống nơi đất lạ, xứ người ?

Tôi rất tâm đắc khi đọc được cả trăm bài báo hùng hồn lên tiếng bênh vực người tù Hồ Duy Hải, nhất là những dòng chữ (in hoa) vô cùng thống thiết trên nhiều trang FB :

- HỒ DUY HẢI VÔ TỘI, NẾU ĐỂ CHÁU HẢI CHẾT OAN THÌ CHÚNG TA TRỞ THÀNH NHỮNG KẺ CÓ TỘI

- KHÔNG CÂM NÍN KHI CÔNG LÝ BỊ CHÀ ĐẠP

Sự kiện xẩy ra trong ngày 31/07/2020 vừa qua với 7 gia đình gồm 41 người, trong đó có 20 người lớn và 21 trẻ em bị khước từ quyền hồi hương thì liệu có được xem là một trường hợp mà công lý cũng bị chà đạp hay không ?

Mà nào có riêng chi thân phận của 41 sinh linh lớn bé mang dòng máu Việt. Biển Hồ cạn nước, tình hữu nghị Việt/Miên cũng đang cạn dần theo. Rồi ra, trong số 750.000 kiều bào ở Campuchia thì ít nhất cũng phải có đến một nửa sẽ phải tìm đường trở về cố quốc.

Chứ họ còn nơi nào để mà dung thân nữa ?

Đây là một vấn đề lớn, cần cả một ủy ban đặc nhiệm và chuyên trách, với những kế hoạch ngắn hạn cũng như dài hạn vì có thể ảnh hưởng đến cả những thế hệ sau. Tuy thế, chính phủ hiện hành ở Việt Nam chỉ quan tâm đến những khúc ruột xa (ngàn dặm) chứ tuyệt nhiên không thèm ngó ngàng chi đến khúc ruột (thừa) ở cạnh bên. Hy vọng còn lại của cộng đồng người Việt ở Campuchia hiện nay, có chăng, chỉ còn có thể đặt vào vòng tay nhân ái của đồng bào họ ở trong cũng như ngoài nước. Vòng tay này, xem chừng, cũng hơi bị hẹp !

Tưởng Năng Tiến

Nguồn : RFA, 08/08/2020 (tuongnangtien's blog)

Additional Info

  • Author Tưởng Năng Tiến
Published in Diễn đàn