Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Điện thoại của tổng thống Pháp có thể đã bị Morocco nghe lén

Thụy My, RFI, 21/07/2021

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron bị nước ngoài nghe lén điện thoại ? Câu hỏi này được đặt ra sau khi báo chí đưa tin nguyên thủ Pháp và nhiều thành viên nội các nằm trong danh sách các mục tiêu tiềm tàng của phần mềm gián điệp Pegasus - được một số Nhà nước sử dụng để theo dõi các nhân vật quan trọng.

pega1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang gọi điện thoại tại thượng đỉnh Châu Âu ở Bruxelles, Bỉ, ngày 20/07/2020.  AP - John Thys

Nhật báo Le Monde và Radio France - nằm trong nhóm 17 cơ quan truyền thông được tham khảo danh sách do mạng lưới nhà báo Forbidden Stories và tổ chức phi chính phủ Amnesty International cung cấp - hôm qua, 20/07/2021, đã tiết lộ thông tin nói trên.

Cụ thể, một trong những số điện thoại của tổng thống Macron nằm trong danh sách những đối tượng có thể bị theo dõi, nghe lén. Đồng thời, số điện thoại của cựu thủ tướng Pháp Edouard Philippe và 14 thành viên chính phủ cũng "nằm trong danh sách các số được một cơ quan an ninh của Nhà nước Morocco sử dụng phần mềm gián điệp Pegasus chọn lựa, có thể là để theo dõi". Giám đốc Forbidden Stories, ông Laurent Richard giải thích trên kênh LCI, tất nhiên là không thể kiểm tra kỹ thuật trên điện thoại của tổng thống để xem có bị Pegasus xâm nhập hay không, nhưng ít nhất cũng cho thấy phía Morocco đã có ý định nghe lén.

Trả lời AFP, điện Elysée cho biết : "Nếu việc này được chứng minh, thì rõ ràng rất nghiêm trọng, tiết lộ của báo chí sẽ được làm rõ". Phía vương quốc Morocco phủ nhận liên can trong vụ gián điệp này.

Le Monde và Radio France cho hay, vào thời điểm những con số này được chọn ra, ngoài thủ tướng Edouard Philippe và vợ, trong danh sách còn có các bộ trưởng quan trọng như ngoại trưởng Jean-Yves Le Drian, bộ trưởng Nội Vụ Christophe Castaner, các bộ trưởng Kinh Tế Tài Chính, chủ tịch Quốc hội, các chính khách thuộc nhiều đảng khác nhau.

Một quốc vương, 3 tổng thống, 7 thủ tướng trong danh sách

Không chỉ các thành viên chính phủ Pháp mà theo Radio France, quốc vương Morocco Mohammed VI cùng với những người thân cận cũng "nằm trong danh sách các mục tiêu tiềm tàng" ; và theo Washington Post, còn có cả tổng thống Irak (Barham Saleh), tổng thống Nam Phi (Cyril Ramaphosa). Tổng cộng vào lúc danh sách được lập ra có bảy thủ tướng, trong đó có ba thủ tướng hiện vẫn đương nhiệm của Pakistan (Imran Khan), Ai Cập (Mostafa Madbouli), Morocco (Madbouli Saad-Eddine El Othmani).

Forbidden Stories và Amnesty International nắm trong tay 50.000 số điện thoại, được các khách hàng của công ty Israel NSO (bán phần mềm Pegasus) chọn lựa để theo dõi từ năm 2016, và đã chia sẻ cho nhóm 17 cơ quan thông tấn quốc tế. Sự kiện được tiết lộ hôm Chủ nhật 18/07.

Trước khi tin tổng thống Emmanuel Macron có thể bị nghe lén điện thoại được đưa ra, tư pháp Pháp hôm qua 20/07 đã mở điều tra theo đơn kiện của các nhà báo bị Morocco theo dõi nhờ phần mềm Pegasus. Thủ tướng Pháp Jean Castex nói rằng hiện thời cuộc điều tra chưa đạt được kết quả.

Tổng thống Pháp thường xuyên sử dụng điện thoại, coi đó là phương tiện để làm việc, điều hành đất nước ; có thể thấy hai chiếc iPhone được đặt cạnh Emmanuel Macron trong bức chân dung chính thức của ông.

Thụy My

*********************

Vụ Pegasus và khoảng trống trong quy định pháp lý quốc tế

Anh Vũ, RFI, 20/07/2021

Các phát giác liên quan đến việc sử dụng phần mềm Pegasus để theo dõi các nhà đấu tranh, nhà chính trị và nhà báo ở nhiều nước đã để lộ ra một khoảng trống luật pháp quốc tế trong lĩnh vực bảo vệ thông tin. Tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) đòi hỏi phải có một khung luật thích hợp, nhưng điều này lại vấp phải những lợi ích quốc gia.

pega2

Vụ phát giác phần mềm gián điệp qua điện thoại di động của NSO Group đang gây rúng động dư luận quốc tế.  AFP – Jack Guez

Hàng chục nhà báo từ France24, Mediapart, AFP của Pháp hay của các hãng truyền thông lớn của Mỹ như CNN hay Wall Street Journal bị các chính phủ chuyên chế theo dõi gián điệp nhờ phần mềm Pegasus, một sản phẩm công nghệ số hết sức tinh vi của công ty Israel NSO Group. Phát giác của Forbidden Stories và Amnesty International, tung ra từ hôm Chủ Nhật 18/07 đang làm rúng động dư luận cũng như chính phủ khắp nơi trên thế giới.

"Việc này phải được kiểm tra", nếu có thực thì "đó là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được", ngay hôm sau, bà chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen đã tuyên bố như trên khi đang công du Praha, Cộng Hòa Séc.  Phát ngôn viên chính phủ Pháp Gabriel Attal cũng khẳng định trên sóng đài phát thanh Franceinfo rằng "Đó là những sự việc cực kỳ sốc và nếu đúng thì cực kỳ nghiêm trọng". Quan chức Pháp nói thêm, chắc chắn sẽ cần phải có các điều tra làm sáng tỏ sự việc.

Chưa cần phải có phản ứng ở cấp độ ngoại giao, ít nhất có hai cơ quan truyền thông Pháp nạn nhân trực tiếp của vụ việc là Mediapart và tuần báo trào phúng Le Canard enchainé, hôm qua đã thông báo, sẽ khởi kiện tại Paris sau các điều tra khẳng định điện thoại của một số nhà báo của họ đã bị chính quyền Morocco theo dõi. Tuy nhiên các đơn kiện như vậy có thể sẽ vấp phải nhiều trở ngại khi vấn đề liên quan đến các yếu tố nước ngoài.

Luật sư Luc-Marie Augagneur, chuyên về luật liên quan đến công nghệ thông tin mới giải thích : "Sẽ không đơn giản cho thẩm phán thụ lý vì sẽ bắt buộc phải khởi động các quy định hợp tác pháp lý với những nước có liên quan. Vấn đề ở đây liên quan đến các Nhà nước. Khó tưởng tượng ra được Israel hay những nước như Morocco hợp tác đầy đủ trong điều tra".

Lệnh tạm dừng mua bán thiết bị giám sát theo dõi ?

Cũng như Hungary bị nêu danh trong các phát giác, Morocco đã nhanh chóng ra thông cáo phủ nhận các thông tin cho rằng các cơ quan mật vụ của vương quốc này đã xâm nhập vào máy điện thoại của nhiều nhân vật chính trị trong và ngoài nước và những quan chức của nhiềuc tổ chức quốc tế thông qua phần mềm gián điệp Pegasus.

Sẽ phải mất nhiều năm để điều tra. Tháng 6 vừa qua, tư pháp của Pháp đã khởi tố 4 lãnh đạo công ty Pháp Amesys/Nexa, vì đã bán một phần mềm theo dõi thông tin cho chính quyền Kadhafi của Libya và cho Ai Cập của tổng thống Sissi. Quyết định trên chỉ được đưa ra sau 8 năm thụ lý điều tra vụ việc.

Trong khi chờ đợi, các nhà bảo vệ nhân quyền hy vọng vụ Pegasus sẽ tạo một bước đột phá trong nhiều chính phủ. Tổ chức phi chính phủ Ân Xá Quốc Tế đã trực tiếp tham gia vào cuộc điều tra về Pegasus. Họ đã phân tích những dữ liệu điện thoại là nạn nhân của vụ gián điệp mạng này để sau đó chuyển cho các đối tác truyền thông của Forbidden Stories. Amnesty International cho rằng phải khẩn cấp "huy động tối đa công dân và chính phủ các nước" trong cuộc đấu tranh này.

"Giờ đây việc mua bán và chuyển giao công nghệ các thiết bị giám sát diễn ra không hề được kiểm soát, điều chỉnh, đây là điều đáng tiếc… Chúng tôi đề nghị các quốc gia cho triển khai một hệ thống pháp lý để quản lý việc mua bán và chuyển giao các thiết bị như vậy", bà Katia Roux, một người có trách nhiệm của Amnesty International nhấn mạnh.

Hiện tại, việc xuất khẩu vũ khí quy ước và các thiết bị cũng như công nghệ có tính năng sử dụng kép, trong quân sự và dân sự, vẫn có thể được điều chỉnh  bởi Cam kết Wassenaar, thiết lập năm 1996. Có điều là chỉ có 42 quốc gia ký cam kết, Israel, Morocco và Hungary không tham gia. Ngoài ra khái niệm cụ thể trong văn kiện này về những thiết bị có thể sử dụng cùng lúc hai mục đích không dùng được cho trường hợp phần mềm Pegasus.

Hơn nữa, trong thế giới thông tin tình báo, chạy đua công nghệ đang trở thành thách thức chính giữa các quốc gia thì khó có thể thấy được những tiến bộ trong lĩnh vực bảo vệ nhân quyền trên phạm vi quốc tế. Israel vẫn để mặc công ty NSO Group của họ tự do làm ăn với bất kỳ khách hàng nào.

Không có quyết tâm chính trị 

Sau những phát hiện lần đầu, năm 2019 Amnesty International đã khởi kiện Bộ Quốc phòng Israel để cấm NSO Group xuất khẩu sản phẩm "gián điệp mạng". Nhưng tư pháp Israel đã bác bỏ đơn kiện này hồi tháng 7/2020, đồng thời nhấn mạnh cần phải đẩy mạnh minh bạch hóa lĩnh vực giám sát và tăng cường trách nhiệm pháp lý của các tác nhân trong lĩnh vực.

Cảm thấy hoàn toàn vô can, NSO Group tiếp tục thu lợi từ những vi phạm nhân quyền. Không có chuyển biến gì từ đó đến nay. Đầu năm nay, công ty NSO đã công bố một báo cáo nhằm công khai các hoạt động của họ. Nhưng cuộc điều tra mới đây đã phủ nhận hoàn toàn các tuyên bố của NSO. Trong khi công ty khẳng định hành động trong sự tôn trọng các quyền cơ bản, trên thực tế hãng tiếp tục hợp tác bí mật với các quốc gia đang theo dõi những nhà báo và nhà hoạt động.

Hôm 19/07, tập đoàn NSO đã bác bỏ các cáo buộc từ cuộc điều tra của hiệp hội truyền thông quốc tế. Theo NSO, những thông tin của cuộc điều tra chứa đựng "đầy rẫy những suy đoán sai và lý thuyết không xác thực".

Nhưng ngoài Israel hay các quốc gia là khách hàng của NSO Group, liệu có khả năng các nước phương Tây như Pháp, tháng 7 tới sẽ làm nắm quyền chủ tịch luân phiên Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, có nắm bắt vấn đề này hay không ? Bà Katia Roux của Amnesty International nhận thấy "hiện giờ không có quyết tâm chính trị nào để điều chỉnh hoạt động trong lĩnh vực này".

 Vấn đề bán vũ khí và các sản phẩm thiết bị có mục đích sử dụng kép trong quân sự và dân sự vẫn là chủ đề nhạy cảm, nhất là khi các tác nhân Pháp đã cắm chân trên thị trường theo dõi trên không gian mạng. Được France 24 đặt vấn đề, phủ tổng thống Pháp, bộ Châu Âu và ngoại giao Pháp đều từ chối trả lời. Các thiết bị công nghệ số để kiểm soát dữ liệu thông tin giờ được coi như là "vũ khí" mới trên không gian mạng đang được nhiều nước phát triển đầu tư mạnh. Quản lý mục đích sử dụng các công cụ này cũng là vấn đề mới mẻ.

(Theo France24.com)

Anh Vũ (tóm lược)

**********************

Vụ Pegasus : Nhiều phản ứng phẫn nộ và khiếu nại trên thế giới

Thùy Dương, RFI, 20/07/2021

Vụ tai tiếng dọ thám bằng phần mềm Pegasus do NSO Group của Israel cung cấp mà tổ chức Forbidden Stories có trụ sở tại Pháp và nhiều cơ quan truyền thông đối tác tiết lộ vào hôm 18/07/2021 đã gây nhiều phản ứng phẫn nộ trên thế giới.

pega3

Gần 15.000 người Mexico, bao gồm các nhà báo và các nhà hoạt động nhân quyền, đã bị theo dõi thông qua phần mềm Pegasus. AFP – Alfredo Estrella

AFP cho biết nhiều tổ chức bảo vệ nhân quyền, các cơ quan truyền thông, Liên Hiệp Châu Âu cũng như chính phủ nhiều nước hôm qua đã tỏ thái độ phản đối mạnh mẽ về vụ dọ thám nhắm vào điện thoại di động của hơn 50.000 người tại hơn 20 quốc gia. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu, Ursula Von der Leyen, hôm qua coi đó là những hành vi "không thể chấp nhận được". Còn cao ủy nhân quyền Liên Hiệp Quốc, Michelle Bachelet, kêu gọi phải có những quy định tốt hơn về công nghệ giám sát và chuyển giao những công nghệ này, những khuôn khổ pháp lý bảo đảm tôn trong nhân quyền.

Tầm mức nghiêm trọng của vụ việc đã khiến một số cơ quan truyền thông tại Pháp  kêu gọi chính quyền tiến hành điều tra, một số khác, trong đó có báo Le Canard enchaîné và trang tin độc lập Mediapart khiếu nại sau khi có thông tin nhiều nhà báo của họ bị dọ thám tại Morocco.

France 24 cho biết trong danh sách các nhà báo bị dọ thám mà Forbidden Stories và Amnesty International tiết lộ, có nhiều người tại Morocco, Saudi Arabia và Mexico. Nhưng chính phủ Morocco, hôm qua 19/07, trong một thông báo, đã thẳng thừng bác bỏ thông tin nói trên và gọi đó là những "điều dối trá". Tại Hungary, chính quyền của thủ tướng Victor Orban cũng phủ nhận việc dùng Pegasus để dọ thám các nhà báo. Dưới thời Orban, trong thời gian qua, tự do báo chí tại Hung ngày càng suy giảm.

Ấn Độ : Hơn 1.000 ngàn người thuộc mọi thành phần xã hội dân sự bị dọ thám

Nhìn sang Châu Á, chính phủ Ấn Độ có thể cũng đã sử dụng rộng rãi phần mềm gián điệp Pegasus để dọ thám hơn 1.000 ngàn nhà báo, nhà tranh đấu nhân quyền, luật sư, doanh nhân… thuộc mọi thành phần xã hội dân sự. Theo danh sách mà tổ chức Pháp Forbidden Stories và các cơ quan truyền thông đối tác tiết lộ, có 40 nhà báo Ấn Độ, đa số đang xử lý các chủ đề nhạy cảm có liên quan đến chính phủ Ấn Độ.

Thông tín viên Sébastien Farcis tại New Delhi trao đổi với một nhà báo Ấn Độ và gửi về bài tường trình :

"Swati Chaturvedi là một phóng viên điều tra từ khoảng 20 năm nay, vì thế bà đã tiết lộ rất nhiều thông tin khiến chính phủ hiện tại khó xử. Đặc biệt, mới đây bà đã viết một cuốn sách có tên "I am a troll", mô tả chi tiết cách đảng BJP cầm quyền quấy rối trên mạng internet những người thuộc phe đối lập. Cũng chính trong suốt hai năm điều tra của bà, từ năm 2018 đến năm 2019, phần mềm Pegasus dường như đã được cài đặt trên điện thoại của nhà báo này để dọ thám bà.

Nhà báo Swati Chaturvedi nói : "Do công việc của tôi, tôi đã quen với việc bị giám sát. Nhưng hoạt động gián điệp này xâm phạm quá nhiều : họ đã tiếp cận được vào micro và caméra trên điện thoại của tôi, đây là một sự xâm phạm khủng khiếp nhắm vào đời sống riêng tư của tôi. Và đó là điều rất nguy hại, bởi vì khi truy cập vào hộp thư điện tử của tôi, họ có thể cài vào nhiều yếu tố để cáo buộc tôi là khủng bố".

Kịch bản đó đã xảy ra : 8 nhà tranh đấu, luật sư và học giả Ấn Độ mới đây đã bị bắt vì mưu đồ khủng bố, căn cứ vào các tài liệu được tìm thấy trong máy tính của họ. Những tài liệu này có thể do tin tặc cài vào. Chính phủ Ấn Độ khẳng định không chỉ đạo bất kỳ hoạt động gián điệp bất hợp pháp nào, nhưng cũng chưa bao giờ phủ nhận là đã mua phần mềm Pegasus".

Thùy Dương

********************

Phần mềm gián điệp Pegasus là gì ?

RFI tiếng Việt, 20/07/2021

Một phần mềm do công ty NSO của Israel triển khai nhằm đánh cắp thông tin và theo dõi người sử dụng điện thoại thông minh, vừa bị cuộc điều tra của liên minh 17 hãng truyền thông quốc tế phát giác. Pegasus là gì? Làm sao có thể xâm nhập vào điện thoại di động ?

RFI tiếng Việt, 20/7/2021

*********************

Pegasus, vụ bê bối lớn gián điệp mạng

RFI, 20/07/2021

Một cuộc điều tra của liên minh 17 hãng truyền thông quốc tế vừa phát giác một vụ việc gián điệp thông tin trên quy mô toàn cầu, thông qua phần mềm có tên gọi Pagasus do một công ty của Israel phát triển. Một loạt các nhà báo, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và có thể cả nhiều lãnh đạo chính phủ trở thành mục tiêu theo dõi của Pegasus. Đây là vụ bê bối gián điệp công nghệ cao lớn nhất từ sau vụ phát giác của Edward Snowden mà thế giới biết đến.

RFI tiếng Việt, 20/07/2021

Published in Diễn đàn