Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Trong khung cảnh kho dự trữ ngoại hối của Ngân hàng nhà nước bất ngờ tăng vọt đến 63 tỷ USD và đồng tiền Việt Nam bất thần trượt giá vài phần trăm so với đô la, chỉ mới qua nửa đầu năm 2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 60,4 tỷ đồng, tăng gần gấp rưỡi so với con số 41,8 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và đã hoàn thành kế hoạch lợi nhuận cả năm 2018.

intien1

Năm 2018, nhà máy In Tiền Quốc Gia ở Việt Nam đã đạt mức lợi nhuận sau thuế gần 60,4 tỷ đồng - Hình minh họa : Getty Images)

Vì sao có được thành tích phi mã như thế ?

Thu 4 tỷ đồng/ngày nhờ in tiền !

Nhà máy In Tiền Quốc Gia là một doanh nghiệp rất "đặc thù xã hội chủ nghĩa", hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, do Ngân hàng nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Ngành nghề kinh doanh chính của nhà máy này là in, đúc tiền, sản xuất vàng miếng, vật phẩm, lưu niệm bằng vàng và các loại giấy tờ có giá theo kế hoạch được giao của thống đốc Ngân hàng nhà nước.

Vào năm 2017, một tờ báo trong nước rút tít đầy ẩn ý : "Nhờ in tiền, mỗi ngày nhà máy In Tiền Quốc Gia thu về 4 tỷ đồng".

Không có lý do chủ yếu nào khác để tạo ra lợi nhuận đột biến cho nhà máy In tiền Quốc Gia trong những năm gần đây, mà bằng chứng rõ nhất là báo cáo tài chính của doanh nghiệp này trong năm 2017 và nửa đầu năm 2018 đã cho thấy phần "lợi nhuận khác" chỉ chiếm khoảng 1-1,5% so với tổng lợi nhuận sau thuế. Chẳng hạn sau nửa đầu năm 2018, phần lợi nhuận khác của nhà máy In Tiền Quốc Gia chỉ có 737 triệu đồng.

Trong khi nhà máy In Tiền Quốc Gia đột biến lợi nhuận như thế, giới cán bộ hưu trí lại thường phản ánh nhận được lương hưu với nhiều tờ tiền có mệnh giá 500.000 đồng, mới cứng và chắc chắn chưa được lưu hành ngoài thị trường.

Không chỉ giới hưu trí và công chức, những người thường xuyên giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng rất thường chứng kiến cảnh nhiều xe chở tiền mới cứng được đưa tới các ngân hàng.

In đến 500.000 tỷ đồng mỗi năm ?

Dù đến nay chính phủ và Ngân hàng nhà nước vẫn tuyệt nhiên không chịu đả động, hoặc cố tình giấu kín động thái in tiền thông qua công cụ nhà máy In Tiền Quốc Gia, nhưng bản thân những con số dư nợ cho vay trong hệ thống ngân hàng đã phản ánh cơ bản nguồn cơn "vì sao tiền đồng tràn ngập thừa mứa trong ngân hàng", "vì sao Thủ tướng Phúc phải chỉ đạo quyết liệt tăng trưởng tín dụng (cho vay) đến 21% trong năm 2017 khi bất chấp lạm phát ?", và "tiền từ đâu ra".

Vào năm 2008, tổng dư nợ cho vay của khối ngân hàng là 2,3 triệu tỷ đồng, nhưng đến cuối năm 2016 đã lên đến hơn 6 triệu tỷ đồng, chưa kể tồn khoảng 1,2 triệu tỷ đồng, tức lượng tiền mặt lưu thông trên thị trường cho đến cuối năm 2016 đã gấp gần 3 lần 10 năm trước. Phải chăng một cách tương ứng, lượng tiền được Ngân hàng nhà nước cho in và bổ sung vào lưu thông đã có thể vào khoảng 500.000 tỷ đồng mỗi năm, tức phần "lạm phát in tiền" đã chiếm đến 10-15% hàng năm – một tỉ lệ in tiền rất cao so với tỉ lệ in tiền bình quân của các nước phương Tây ?

Vậy nguồn cơn nào đã khiến "đảng và nhà nước ta" phải cắm đầu in tiền, in ồ ạt mà bất chấp lạm phát thực tế (chứ không phải lạm phát báo cáo luôn dưới 5%) có thể vọt đến vài ba chục phần trăm hàng năm và đẩy dân tình vào cảnh đuổi giá ngày càng khốn quẫn ?

Vào năm 2017, nếu không tính đến phần bán vốn Tổng Công Ty Rượu Bia – nước giải khát (Sabeco), thu được chẵn 5 tỷ USD, tương đương 110.000 tỷ đồng, kết quả thu ngân sách năm 2017 chỉ là 1.173 ngàn tỷ đồng, tức chỉ đạt 96,8% dự toán thu đầu năm 2017.

Kết quả 96,8% thu ngân sách năm 2017 không những không được xem là thành tích mà còn bị coi là một thất bại, bởi đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, thu ngân sách quốc gia không đạt so với dự toán. Cũng là năm thứ ba liên tiếp, thu ngân sách từ khối trung ương không đạt dự toán.

Đó chính là nguồn cơn sâu xa và cay đắng về việc tại sao trong năm 2018, chính phủ phải tiếp tục đè dân thu thuế và tìm cách "bán mình" tại một số tập đoàn được xem là "bò sữa" luôn mang lại lợi ích cho chính thể và cầm hơi cho đảng cầm quyền, khiến cho tăng giá và thuế má trở thành một trong những biểu đạt cực đoan nhất trong giai đoạn cuối của một cơ chế cưỡng bức và cưỡng đoạt ở Việt Nam.

Nhưng đè đầu dân thu thuế là một biện pháp rất dễ dẫn tới phản kháng xã hội trên diện rộng, không chỉ ở tầng lớp dân nghèo mà cả tầng lớp cán bộ hưu trí. Trong năm 2017, âm mưu tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) của "Bộ Bóp Cổ" (một cách gọi của dân về Bộ Tài Chính) đã bị dư luận và báo chí phản ứng dữ dội. Sức dân đã cạn, chẳng còn gì để "khoan" nữa.

Lẽ dĩ nhiên trong hoàn cảnh khốn quẫn ấy, đảng cầm quyền rất có thể đã ngầm chỉ đạo cho Ngân hàng nhà nước – cơ quan có chức năng in tiền – để in tiền ồ ạt và lấy tiền đó để trả lương cho đội ngũ công chức viên chức mà có ít nhất 30% trong đó "không làm gì cả nhưng vẫn đều đều lãnh lương".

Dân tình xác xơ

Trong những cuộc họp chính phủ gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc – người vẫn còn là đương kim thủ tướng – đã không giấu được vẻ sốt ruột khi thấy tiền tràn ngập trong kho bạc nhà nước và trong hệ thống các ngân hàng thương mại nhưng tốc độ đẩy tiền ra lưu thông lại quá chậm chạp.

Giờ đây, khối ngân hàng thương mại đang mang trên mình sứ mệnh phải cấp tốc đẩy ra thị trường một lượng tiền khổng lồ lên tới 1,2 triệu tỷ đồng.

Nhưng cơ chế in tiền ồ ạt tất yếu sẽ kéo theo một danh nghĩa mới : "kiến tạo lạm phát", dẫn đến lạm phát thực tế và cơn bão giá cả trên thị trường và khiến nền kinh tế mất thăng bằng nghiêm trọng.

Dù muốn hay không, việc đồng Nhân Dân Tệ của Trung Quốc bị trượt giá gần 10% so với đồng đô la trong thời gian gần đây đã buộc chính phủ Việt Nam phải phá giá đồng VND ít nhất vài ba phần trăm, hầu cân bằng doanh thu xuất khẩu hàng nông – hải sản từ Việt Nam sang Trung Quốc, và cũng là thêm một hy vọng "lượm mót" đô la trôi nổi trong dân nhằm có tiền trả nợ nước ngoài – từ 8 đến 10 tỷ USD hàng năm.

Còn tại nhiều chợ đầu mối ở Sài Gòn và Hà Nội, giá thịt thà và rau củ cứ tăng đều đặn 30-40% mỗi năm, chưa kể tăng gấp đôi vào những sự kiện tăng lương, tăng giá xăng dầu, tăng giá điện hay tăng giá đô la… Người nghèo và công nhân ngày càng ăn uống kham khổ, trong lúc số tỷ phú đô la và số quan chức có tài sản trên 100 triệu USD ở Việt Nam vẫn tăng tiến không ngừng và thuộc nhóm tăng mạnh nhất trên thế giới.

Trong khi đó, doanh nghiệp vừa đặc thù vừa độc quyền xã hội chủ nghĩa là nhà máy In Tiền Quốc Gia vẫn ung dung in tiền, kể cả việc doanh nghiệp này được ưu ái giữ lại một khoản tiền lớn in ra để… gửi ngân hàng lấy lãi.

Số lãi ấy hẳn đã cống hiến một phần rất lớn vào thành tích "lợi nhuận nửa đầu năm 2018 đã đạt kế hoạch lợi nhuận cả năm" của nhà máy In Tiền Quốc Gia, bất chấp một nghịch lý rất lớn hiện hình trong nội tình ngân sách và hệ thống ngân hàng Việt Nam : tiền đồng thừa ứ và đang "kiến tạo" lạm phát dần phi mã, nhưng tiền đô la ngày càng khan hiếm để chẳng bao lâu nữa sẽ góp thêm một kích thích tố đẩy lạm phát tăng vọt khiến dân tình càng thêm xác xơ. 

 Phạm Chí Dũng

Nguồn : Người Việt, 09/09/2018

Published in Diễn đàn