Hà Nội vẫn rất giỏi trong việc bày ra những điều sáng sủa trong các nhà giam, vốn mang nhiều tai tiếng về sự khắc nghiệt và bạo hành, theo nhiều nhận định của giới tranh đấu cho nhân quyền. Tháng 7/2020, theo báo Guardian cho biết, Việt Nam đã mời 5 nhà báo thuộc Liên Hiệp Châu Âu đi thăm vài trại giam, nhằm thuyết phục rằng nhà tù ở Việt Nam là một nơi đủ tốt, không như quốc tế vẫn tố cáo, và vẫn luôn cải thiện.
Một tù nhân xếp gạch. Các cựu tù nhân đã nói rằng họ được bảo làm việc sẽ giảm thời gian ngồi tù của họ. Ảnh : Chris Humphrey
Lý do của lời mời này, là sau khi EVFTA đã được ký kết giữa hai bên, Việt Nam phải có những hành động, chứng minh cho các cam kết với EU về vấn đề nhân quyền và trại giam, mà vốn các điều khoản này nằm trong các giao ước về thương mại.
Theo báo, Guardian lúc này ở Việt Nam có khoảng 100.000 tù nhân. Đó là con số mà nhà nước Việt Nam thông báo ra thế giới.
Việc mời các nhà báo của Liên minh, Châu Âu đến Việt Nam, nhằm chứng minh rằng Hà Nội đã thực thi đúng công ước số 105 của tổ chức ILO (Tổ chức Lao động Quốc tế ) về vấn đề chống cưỡng bức lao động trong trại giam. Nơi mà các nhà báo được mời đến là một trại giam kinh tế và hình sự ở Thủ Đức, cách Saigon khoảng 100km. Dĩ nhiên, nơi này hoàn toàn khác với trại giam Gia Trung hay ở số 6 Nghệ An, cũng như những người được tiếp xúc và phỏng vấn với các nhà báo EU đã được sắp đặt trước, không phải là Nguyễn Viết Dũng hay Nguyễn Văn Hóa.
Briton Joe Hui, 63 tuổi, người đang chịu án tù chung thân vì tội ăn cắp 700.000 USD của chính phủ Việt Nam, là một trong những người được chọn lựa để nói chuyện với các nhà báo. Ông Hui khẳng định rằng cuộc sống trong tù rất tốt, và nếu biết vâng lời, thì cái gì cũng thuận lợi.
Nói với các nhà báo EU, ông Hồ Thành Đình, Cục trưởng Cảnh sát quản lý trại giam Việt Nam, đã phủ nhận một cách dứt khoát về những cáo buộc tra tấn hoặc ngược đãi vì động cơ chính trị. Nhưng cũng không có một tù nhân chính trị nào được tiếp xúc với các nhà báo này để chứng minh hùng hồn hơn điều mà ông Hồ Thành Đình nói.
Theo công bố của Amnesty International hồi tháng 5/2019, tù nhân lương tâm bị bỏ tù một cách bất công trên khắp Việt Nam đã tăng lên 128, mà theo tổ chức này, là dấu hiệu của một cuộc đàn áp ngày càng tăng đối với hoạt động ôn hòa.
Tài liệu này cũng nói các điều kiện giam giữ vẫn còn kinh khủng, với bằng chứng các tù nhân bị tra tấn và bị đối xử tàn tệ, thường xuyên bị giam giữ và bị biệt giam, giữ trong điều kiện tồi tàn, và từ chối chăm sóc y tế, nước sạch và không khí trong lành.
Trao đổi với mẹ Nấm, tức tù nhân lương Tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, người từng bị gọi án 10 năm tù giam vào năm 2017 vì đăng các bài viết coi là chống phá nhà nước. Tờ Guardian tường thuật rằng bà Quỳnh nói rằng hầu hết tất cả những tù nhân chính trị khi bước vào nhà giam luôn luôn bị ngược đãi. Thậm chí phụ nữ không được cấp phát những vật dụng vệ sinh cá nhân hàng tháng theo nhu cầu. Ngoài ra nhiều người cũng bị buộc phải làm những việc ngoài ý muốn và bị đánh đập. Bà Quỳnh may mắn đã được Hoa Kỳ can thiệp để ra khỏi nhà tù sớm.
Một trường hợp tương tự là luật sư Lê Công Định, người bị kết án 5 năm tù vào năm 2009, được ra tù của năm 2013. Ông Định xác nhận về những tình trạng tồi tệ trong nhà tù, và nói cán bộ trại giam thường lạm dụng sức lao động của các tù nhân, dùng tù nhân để sản xuất và làm dịch vụ mà tiền công thì những người này không hề được hưởng.
Lao động cưỡng bức hay ngược đãi tù nhân là một trong những vấn nạn mà cả thế giới được quan tâm và dùng nó như là một giá trị đạo đức, để có thể kết nối với nhau trong việc làm ăn. Và dù lấy cớ hay thật lòng, thì giá trị này vẫn còn quan trọng trong nhiều thập niên để ràng buộc nhau.
Cũng cùng vào lúc mà các nhà báo của Liên minh Châu Âu đến Việt Nam, người ta được biết rằng dịch giả và nhà báo Lê Anh Hùng, vì những tố cáo công khai về tham nhũng và các chính sách sai lầm của Nhà nước Việt Nam, đã bị bắt giữ hơn 2 năm. Nhưng để hóa giải tất cả những điều đó hơn là đưa ra tòa, thì Hà Nội đã tìm cách đẩy anh vào nhà thương điên ở Hà Nội với những liều thuốc bí mật, nhằm phế bỏ toàn bộ tri thức và trí nhớ của nhà tranh đấu này.
Không thấy các nhà báo này đề nghị đến gặp Trần Huỳnh Duy Thức, một trong những cái tên quen thuộc của Châu Âu, đã được nhắc đi nhắc lại liên tục và thậm chí đưa lên bàn cân trong việc ký kết Hiệp định EVFTA. Kể từ cuối năm 2018, sau khi nước Đức hạ giọng về vấn đề Trịnh Xuân Thanh và đẩy mạnh việc làm ăn thương mại với Việt Nam, nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy thức cũng như nhiều tù nhân lương tâm khác ở Việt Nam, chỉ còn là một cái bóng mờ, đằng sau những bức tranh đẹp mà Hà Nội giới thiệu ra bên ngoài.
Trong một thế giới mà lợi ích là ưu tiên, việc quan sát của năm nhà báo Liên minh Châu Âu có thể là một thể thức ngoại giao bổn phận và tới đó cũng là đủ. Số phận của một vài con người ở Việt Nam, có lẽ cũng không quan trọng bằng kết quả của một hợp đồng của giới cầm quyền. Vì thịnh vượng, thế giới đang đi đến xu hướng bắt tay nhau thật chặt và cười tươi, cố tình quên lãng vùng bóng tối phía sau, vẫn luôn làm lấm lem mọi câu chuyện.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 18/07/2020 (tuankhanh's blog)
Lời kể của chị Kim Thanh, vợ của tù nhân Trương Minh Đức tại trại giam Thanh Chương, Nghệ An, là một điểm nhấn tàn bạo khó tin về hệ thống nhà tù tại Việt Nam. Chuyện thật mới mẻ, chỉ vào giữa tháng 6/2019 thôi, chỉ chưa đầy nửa năm, sau khi đại diện của Nhà nước Việt Nam khẳng định trước Liên Hợp Quốc rằng không có chuyện đối xử tàn tệ hay tra tấn tù nhân.
Ước tính có khoảng 200.000 tội phạm đang bị giam giữ trong các nhà tù Việt Nam
"Chắc anh không thể còn về được để gặp em", nhà báo tự do Trương Minh Đức, người bị tuyên án 12 năm tù với tội danh "hoạt động nhằm lật đổ chính quyền". Nhân vật bị nhận định với tội danh ghê gớm đó đã vô số lần bị an ninh thường phục đánh đập đến nhập viện, bị câu lưu, giam tù 5 năm trước đó do đã viết bài ủng hộ cho giới công nhân bị đàn áp, bị bóc lột bởi giới chủ cũng như bày tỏ quan điểm về một Việt Nam cần một chính quyền tốt hơn.
Chị Kim Thanh kể lại lời nhắn này trong sự thảng thốt. Người tù chính trị ở Việt Nam thường phải chọn mãn hạn ra tù như một kẻ bị bẻ gãy ý chí, sống chấp nhận nhục nhằn với quản giáo, hoặc không còn là mình nếu sống theo luật pháp và quyền con người trong một trại giam. Anh Trương Minh Đức được nói lại với gia đình những điều này, khi anh và thầy Đào Quang Thực, ông Nguyễn Văn Túc cùng tuyệt thực phản đối sự đối đãi tàn tệ trong trại giam này. Đã hơn 2 tuần lễ của cuộc tuyệt thực này diễn ra – điều cùng cục mà những người tù nhân lớn tuổi này quyết phải làm – là bởi họ đã yêu cầu, kêu gọi bằng tiếng nói con người.
Mùa hè ở Nghệ An, nơi những cành lá oằn mình cháy xém trước sự thiêu đốt lên đến hơn 40 độ. Thì nơi nhà giam thấp, mái tôn, nhiều người bị giam chung, sức nóng có thể lên hơn 43-45 độ. Nhưng không có quạt, phòng giam nghẹt thở không có quạt để xua bớt sức nóng. Khi mọi người xin mở quạt, thì giám thị đáp nhanh là "quạt hỏng". Nhưng đó chỉ là một lý do để không cải thiện tình hình, kéo dài sự hành hạ mà mục đích là bóp chết dần sức sống của những tù nhân bệnh tật và cao tuổi.
Tù nhân lương tâm Trương Minh Đức Courtesy of Duc Minh Truong
Câu chuyện của tù nhân Trương Minh Đức, Đào Quang Thực và Nguyễn Văn Túc chỉ là một góc nhỏ của nấm mồ khồng lồ mang tên trại giam, trại cải tạo dành cho người Việt trên đất nước hiện nay.
Đã có quá nhiều câu chuyện kể, nối tiếp và kinh hoàng, từ cái chết của thầy giáo Đinh Đăng Định, Huỳnh Anh Trí, mục sư Tin Lành Ksor Xiem… rồi những người bị tra tấn trong tù một cách tàn bạo như mục sư Nguyễn Công Chính, Hoàng Bình, Nguyễn Văn Hóa, Nguyễn Viết Dũng… Thậm chí những nghi vấn về thức ăn có chủ đích tàn phá sức khỏe người bị giam giữ cũng đã được phát đi từ Trần Hoàng Phúc, Trần Huỳnh Duy Thức… khiến lịch sử về nhà tù và thái độ ứng xử của một nhà nước với tù nhân bất đồng chính kiến đã ngày càng được phác thảo rõ hơn.
Và nếu tất cả đang diễn ra đồng bộ mở mọi trại giam, mọi quản giáo và mọi thời điểm, bất kỳ ai cũng có thể nhìn thấy đó hoàn toàn có tính hệ thống chứ không thể là của một vài cá nhân có thói quen tàn bạo – như kiểu Thượng tướng Lê Quý Vương từng trả lời trước Liên Hợp Quốc về công ước chống tra tấn, vào tháng 11/2018, là có sai lầm của một vài cá nhân cán bộ.
Không chỉ trong nhà giam, mà cách hành xử bên ngoài với dân thường ở các trại tạm giam, nhục hình điều tra, thậm chí khi không có lệnh khởi tố… cũng là những hình ảnh khác nhức nhối về một nhà nước Việt Nam tự ứng cử vào ghế Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc. Ngay cả với câu trả lời các sai lầm thuộc về cá nhân cán bộ - người ta phải tự đặt câu hỏi, vì sao ngành công an Việt Nam – đặc biệt là trong trại giam lại tuyển dụng nhiều kiểu người tàn bạo và phi nhân tính như vậy ?
Có rất nhiều thứ để người ta phải ngẫm nghĩ về đạo đức của một nhà cầm quyền, dẫu đó là loại đạo đức giả hiệu. Từ sau năm 1989 đến nay, thế giới vẫn chưa bao giờ ngừng thu thập các tài liệu về các vụ tra tấn thể chất và chà đạp tinh thần con người trong các nhà tù cộng sản ở Ba Lan, Đức, Romania, Nga… những kẻ thi hành nhiệm vụ cho đến những kẻ ra lệnh vẫn luôn được gọi tên và đưa ra xét xử. Nhưng điểm chung của tất cả các trại giam và phạm nhân chính trị ấy đều có chung một đặc điểm là một bên thì cố bẻ gãy ý chí, thậm chí bào mòn sức sống của tù nhân bằng mọi cách. Một bên thì cố giữ lại phần nhân tính của mình để dành lại cho quê hương mai sau không còn cộng sản – mà điều ấy chắc chắn sẽ đến. Nột bật hơn hết, là trò kỳ quái, khi đã kết án, các trại giam và các quản giáo xay thịt luôn buộc các phạm nhân phải viết bản nhận tội và tự thú thành khẩn trong những năm tháng bị giam hãm.
Nhiều ví dụ ở Việt Nam cũng đang cho thấy điều đó, tương tự.
Khi bạn đọc được những dòng chữ này. Ở Việt Nam, vẫn còn ai đó đang tuyệt thực. Vẫn có ai đó đang bị chà đạp tinh thần hay thân thể trong các trại giam. Và ở đâu đó, vẫn còn những con người Việt Nam luôn muốn sống với luật pháp, với tư duy văn minh và đòi một làn gió cho mình, bất chấp nhà cầm quyền có thể chối bỏ hay che lấp những số phận đó.
Nếu bạn là yêu sự công bằng. Yêu sự tồn tại đường hoàng của con cái mình trong tương lai, ở một quốc gia tiến bộ và có quyền con người, bạn cần lắng nghe thấy họ, và lên tiếng cho những người như ông Trương Minh Đức, Đào Quang Thực, Nguyễn Văn Hóa, Hoàng Binh, Nguyễn Trung Tôn, Trần Hoàng Phúc, Phan kim Khánh… rất nhiều ở Việt Nam lúc này, không thể kế hết. Bạn cần lên tiếng cho những con người đang chịu tù đày – dù đúng hay sai đi nữa – vì nơi đó không phải là để dành cho việc hủy diệt nhân tính.
Bạn hãy lên tiếng, kể cả khi tôi không có thể lên tiếng cùng bạn, như ngày hôm nay.
Tuấn Khanh
Nguồn : RFA, 23/06/2019
Nhà tù Đức cũng như nhà tù Hòa Lan nổi tiếng là nhân đạo. Ở đó không có biệt giam, nếu bắt buộc phải áp dụng chỉ là một vài tiếng hay nhiều lắm là một ngày. Những phạm nhân không phải mặc đồng phục trại giam. Dân tình Hòa Lan còn chế diễu khi được biết phạm nhân được phép coi phim sex trong trại giam. Các mức án nhẹ nhưng đánh vào lòng tự trọng của những con người tôn trọng sự thật, nhân quyền và trật tự công cộng.
Nhà tù ở Đức
Khi cho phép tù nhân một được tự lập một phần trong trại giam, mục đích của nhà tù Châu Âu là để cho cung cấp cho tù nhân những kỹ năng họ cần để tồn tại ở bên ngoài sau khi ra tù. Một quan chức Mỹ đến thăm một nhà tù ở Đức đã từng nói, "Nếu đối xử với các tù nhân như con người, họ sẽ hành động như con người".
Ngày 25/07/2018 Tòa thượng thẩm Berlin đã tuyên án 3 năm 10 tháng tù cho bị cáo Nguyễn Hải Long, 47 tuổi, về 2 tội trạng : Hoạt động gián điệp chống lại Nhà nước Đức, và hỗ trợ cưỡng đoạt tự do của 2 nạn nhân Trịnh Xuân Thanh và Đỗ Thị Minh Phương trên lãnh thổ nước Đức.
Một điều chắc chắn rằng nhà tù nơi mà Nguyễn Hải Long phải ngồi gỡ lịch trong vòng 3 năm 10 tháng sẽ khác hẳn với nhà tù mà nhà nước Việt Nam dành cho những người bị xử cùng một tội danh là "hoạt động chống lại/chống phá nhà nước".
Ở trong nhà tù Đức, Long sẽ có được phòng riêng dù chỉ là một giường đơn nhưng sẽ có đầy đủ các tiện nghi tối thiểu và còn có cả máy sưởi. Long còn có chìa khóa riêng cho phòng giam, và quản giáo muốn vào còn phải gõ cửa xin phép vì yêu cầu tôn trọng quyền riêng tư của phạm nhân. Trong trại giam sẽ có cả phòng tập thể dục, thư viện, máy tính có kết nối internet. Long còn phải làm việc và theo học các khóa học theo yêu cầu.
Nếu đổi lại là một phiên tòa Việt Nam, Long sẽ không được quyền mướn 2 luật sư bào chữa, không được quyền thương lượng, không phải qua các cuộc xử kéo dài vài ba tháng mà sẽ chỉ là một phiên toàn gọn lẹ bỏ túi với một hai phiên xử chóng vánh. Và sau đó bản án dành cho Long sẽ ít nhất là 10 năm tù giam.
Trong khi bị giam giữ Long sẽ nhồi nhét trong một phòng giam với vài chục người khác, ngủ trên nền xi măng ; nhà vệ sinh hay nhà tắm chỉ là một cái lỗ trên sàn, nước phải tự hứng đem tới để xài theo như lời của Will Nguyễn đã tường thuật lại khi vừa đặt chân xuống sân bay Houston đầu tháng 8 năm 2018 sau khi được phóng thích khỏi nhà tù Chí Hòa ở Việt Nam.
Will Nguyễn cũng cho biết rằng vì là công dân Mỹ, và cả thế giới đang nhìn vào nên trong 40 ngày ở Chí Hòa cán bộ trại giam đã không dám làm một điều gì bất lợi cho Will Nguyễn. Dù bị còng tay khi ra toà, Will Nguyễn còn được mặc quần áo tinh tươm, áo sơ mi còn nguyên nếp gấp, không bị xô đẩy hay bị công an kèm chặt khi lên xuống xe để ra hầu toà.
Những người Việt Nam khác, không có cái may mắn của Nguyễn Hải Long hay Will Nguyễn chỉ vì khốn khổ thay họ là người Việt với quốc tịch Việt Nam và bị tòa án Việt Nam xét xử ngay trên đất Việt.
Những người Việt Nam ấy không may mắn từ khi mới bị triệu tập lên đồn công an. Công an Việt Nam vẫn không bao giờ thừa nhận việc bức cung, nhục hình phạm nhân ; nhưng lại có những người lên đồn công an rồi bỗng nhiên lại lăn ra chết. Danh sách nạn nhân chết ở đồn công an lên đến con số hàng trăm.
Đầu tháng 5 năm 2017, ông Nguyễn Hữu Tấn được công an Vĩnh Long cho biết "trong khi bị giam, ông Tấn đã lấy dao rọc giấy của điều tra viên khi ông ta vắng mặt để tự tử".
Ngô Chí Tâm (40 tuổi) đến công an phường "làm việc" và đã tử vong vì "đã thắt cổ bằng dây thun quần" tháng 6 năm 2017 tại công an phường Tam Bình, Sài Gòn.
Võ Tấn Minh chết bất thường ngày 8 tháng Chín, 2017 tại nhà tạm giữ công an thành phố Phan Rang-Tháp Chàm tỉnh Ninh Thuận. Công an tung tin Võ Tấn Minh chết vì "đánh nhau" với các tù nhân khác nhằm che giấu các dấu tích nhục hình trên người nạn nhân.
Hứa Hoàng Anh, 35 tuổi, được phát hiện đã tử vong sau khi cán bộ công an tỉnh Kiên Giang tới nhà ông làm việc ngày 2 tháng 8 năm 2018. Phía công an một lần nữa lại nói ông Hoàng Anh tự sát.
Những người bị đưa vào trại giam, nhất là các tù nhân lương tâm, bất đồng chính kiến thì sẽ bị đe doạ, ngược đãi, khủng bố tinh thần hay biệt giam bằng những cách mà không ai có thể nghĩ là có thể sẽ tàn ác được hơn như vậy.
Người ta đã nghe nói đến việc Mẹ Nấm không được mặc quần lót và sử dụng băng vệ sinh, bị các phạm nhân cùng phòng khủng bố bằng ngôn từ, ngược đãi đến độ phải tuyệt thực để phản đối.
Hay mới đây là những người bị giam trong trại giam Biên Hòa vì tội tham gia biểu tình phải đối luật đặc khu ngày 10/6/2018 bị đe doạ cho giam chung với những người bị bệnh HIV nếu kháng cáo mức án đã tuyên là án tù từ 8 đến 18 tháng về tội "gây rối trật tự công cộng".
Chính phủ Việt Nam dĩ nhiên luôn phủ nhận việc ngược đãi, hành hạ tù nhân. Nhưng chỉ cần nhìn những người tù chính trị/ tù nhân lương tâm ra khỏi tù thì sẽ biết rõ họ đã phải trải qua những ngày tháng ra sao trong tù. Ra tù rồi còn phải đối diện những năm quản chế, bị triệt đường sống khi sức khoẻ đã bị giảm sút kinh khủng sau những năm tháng tù đày.
Tính người có phải đã tuyệt chủng trong trại giam và đồn công an ? Chắc chắn là không vì Will Nguyễn là bằng chứng phạm nhân không hề bị ngược đãi trong trại giam. Nhưng mà tính người trong trại giam chỉ áp dụng một cách có chọn lọc, chỉ dành cho những người gốc Việt không có cuốn hộ chiếu màu xanh lá cây.
Cần phải đối xử với tù nhân như một con người trong trại giam ở Việt Nam như ở Đức và Hòa Lan ? Vẽ chuyện ! Đã vô tù, thì chẳng còn là con người, có khi lại còn thua cả chó.
Phương Thảo
Nguồn : VNTB, 12/08/2018
Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng tham dự một buổi tường trình tại Quốc Hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24/10/2017 để vận động cho tự do tôn giáo của Việt Nam, nhân dịp Tổng thống Donald Trump sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam vào trung tuần tháng 11 tới đây và Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN sau đó.
Mục sư Nguyễn Công Chính và vợ, bà Trần Thị Hồng tại buổi tường trình ở Quốc Hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24/10/2017. Photo : RFA
Lên tiếng với Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm Dân Biểu quan tâm các vấn đề của Việt Nam (Congressional Caucus on Vietnam) vào chiều ngày 24 tháng 10 năm 2017, Mục sư Nguyễn Công Chính, người bị tuyên án 11 năm tù vì tội "phá hoại đoàn kết dân tộc" và được phóng thích đến Mỹ tị nạn tôn giáo hồi cuối tháng 7, nói rằng nhà cầm quyền Việt Nam dùng nhà tù để giết những người không có tội.
Trước sự hiện diện của Dân Biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ và hai Dân Biểu Zoe Lofgren, Lou Correa cùng những hội đoàn và đại diện các tổ chức tôn giáo thuộc cộng đồng người Việt tại Mỹ, Mục sư Nguyễn Công Chính tường trình trường hợp của ông cùng gia đình là nạn nhân của tình trạng vi phạm tự do tôn giáo tại Việt Nam suốt 37 năm qua.
Mục sư Nguyễn Công Chính nêu ra các bằng chứng bao gồm nhà thờ của Hiệp hội Thông công Tin lành các Dân tộc Việt Nam, mà ông là người sáng lập, bị giật sập vào năm 2003, một số nhà thờ ở vùng Tây Nam Bộ và Tây Nguyên Bắc Bộ cũng chung số phận, 300 cuốn kinh thánh bị tịch thu. Bên cạnh đó còn có hơn 100 nhà thờ ở Cao Nguyên bị đóng cửa. Mục sư Nguyễn Công Chính bị sách nhiễu, bắt bớ dưới nhiều hình thức và ông cũng như nhiều tù nhân khác còn bị hành hạ một cách "tàn độc" trong thời gian hơn 6 năm tù đày mà ông đã trải qua. Mục sư Nguyễn Công Chính nói tại buổi tường trình :
"Tôi bị bắt vào tù năm 2011 và suốt 6 năm 4 tháng tôi ở trong tù thì đều bị biệt giam. Họ bỏ miểng chai vào thức ăn của tôi. Các anh em tù nhân cũng phát hiện trong đồ ăn có kẽm gai và có hóa chất độc hại mà không thể biết là chất gì. Nhưng chính mắt tôi thấy đã có nhiều anh em tù ngã xuống chết. Và thân nhân gia đình họ xin mang xác về thì không được phép, mà chôn trong trại giam cho đến khi hết án mới cho lấy xác. Tôi nhận thấy cùng là người Việt Nam với nhau, nhưng Cộng Sản hành xử đối với dân chúng, đặc biệt là đối với các tù nhân lương tâm, tôn giáo và chính trị một cách tàn độc".
Không chỉ bản hân bị hành hạ nơi ngục tù mà gia đình của Mục sư Nguyễn Công Chính ở bên ngoài cũng thường xuyên bị theo dõi và sách nhiễu về mọi mặt trong cuộc sống. Vợ của ông, bà Trần Thị Hồng từng bị đuổi ra khỏi bệnh viện ngay sau khi sinh con chỉ vài giờ đồng hồ. Bà Hồng cũng bị đánh đập tại trụ sở phường, ngay sau buổi chính quyền địa phương yêu cầu bà đến làm việc, liên quan bà đã gặp gỡ với phái đoàn Hoa Kỳ đặc trách tự do tôn giáo hồi cuối tháng 4 năm 2016. Chính quyền còn đe dọa không cho bà tiếp xúc với các phái đoàn ngoại giao nước ngoài. Nhấn mạnh tại buổi tường trình vào chiều ngày 24 tháng 10 ở Quốc Hội Hoa Kỳ, bà Trần Thị Hồng nói rằng còn rất nhiều phụ nữ ở Việt Nam đang phải đối diện với hòan cảnh tương tự của mình.
Mục Sư Nguyễn Công Chính (thứ sáu từ phải) và gia đình được đồng hương đón tiếp tại phi trường Los Angeles. Courtesy : nguoiviet
Mục sư Nguyễn Công Chính cùng vợ kêu gọi vận động phái đoàn của Tổng thống Donald trump lên tiếng về tình trạng đàn áp tôn giáo của nhà cầm quyền Hà Nội, khi đến Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) vào trung tuần tháng 11 tới đây và kêu gọi Bộ Ngoại Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì vi phạm tự do tôn giáo một cách nghiêm trọng.
Trước tình hình đàn áp tôn giáo tại Việt Nam, qua nhân chứng là vợ chồng của Mục sư Nguyễn Công Chính và phản ánh của các tổ chức tôn giáo từ trong nước, như Phật giáo Việt Nam Thống nhất, Phật giáo Hòa Hảo thuần túy, Cao Đài… Linh mục Thomas Reese, thành viên Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) phát biểu tại buổi tường trình rằng USCIRF yêu cầu Hành pháp Hoa Kỳ cần thiết phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC, như là một biện pháp ràng buộc Chính quyền Hà Nội để cho người dân được theo đuổi và thực hành niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo đúng với chuẩn mực quốc tế về tự do tôn giáo ; đồng thời phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm, như Luật sư Nguyễn Văn Đài, Luật sư Nguyễn Bắc Truyển…và chấm dứt sách nhiễu các lãnh đạo tôn giáo cũng như đánh đập và bắt bớ họ. Linh mục Thomas Reese nói với RFA lý do vì sao Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ yêu cầu cần phải đưa Việt Nam trở lại danh sách CPC :
"Chúng tôi yêu cầu Hành pháp Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC). Chúng tôi cho rằng thật là sai lầm khi đã có quyết định loại Việt Nam ra khỏi danh sách này. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ nghĩ rằng như thế là cách để khuyến khích Việt Nam tiếp tục cải thiện tình hình tự do tôn giáo. Tuy nhiên, Ủy hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF), trong đó tôi là thành viên, nhận thấy sau khi Việt Nam không còn trong danh sách CPC thì Chính quyền Hà Nội đã không quan tâm đến tự do tôn giáo ở đất nước họ nữa".
Có mặt tại buổi tường trình tại Quốc hội Hoa Kỳ vào chiều ngày 24 tháng 10, Tiến sĩ Nguyễn Đình Thắng cho Đài Á Châu Tự Do biết tổ chức BPSOS cũng tháp tùng với vợ chồng Mục sư Nguyễn Công Chính gặp gỡ giới chức Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và đại diện của Nhà Trắng để vận động đưa Việt Nam vào danh sách CPC và :
"Thứ nhất, vận động trả tự do cho các tù nhân tôn giáo mà hiện nay chúng tôi có danh sách gần 100 người. Thứ hai, vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, với sự hiện diện của Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng để đưa một số giới chức của Chính quyền Việt Nam vào danh sách bị chế tài theo Luật Magnitsky Toàn cầu. Bởi vì một số giới chức đó mà chúng tôi lập danh sách đầu tiên dựa trên hồ sơ của cặp vợ chồng Mục sư Nguyễn Công Chính và bà Trần Thị Hồng".
Kết thúc buổi tường trình do Ủy hội Nhân quyền Tom Lantos và Nhóm Dân Biểu quan tâm các vấn đề của Việt Nam tổ chức, Dân Biểu Lou Correa nói rằng ba yêu cầu vừa nêu sẽ được đề cập với Tổng thống Trump trước khi ông lên đường sang Việt Nam trong tháng 11 và thông điệp mạnh mẽ mà các Dân Biểu Mỹ muốn Tổng thống Trump chuyển đến Chính phủ Việt Nam, như lời khẳng định của Chủ tịch Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Hoa Kỳ, Dân Biểu Ed Royce rằng mối quan hệ Việt-Mỹ sẽ càng thắt chặt như hai quốc gia mong đợi cũng như tăng cường hợp tác nhiều hơn nữa với điều kiện Hà Nội cần phải có những biểu hiện tích cực hơn trong tôn trọng nhân quyền và tôn trọng tự do tôn giáo tại đất nước Việt Nam.
Hòa Ái
Nguồn : RFA, 25/10/2017