Tình trạng nhà ở xã hội "lọt" vào tay "người giàu" (nghĩa là người có thu nhập cao) đã xảy ra từ nhiều năm qua dù nhiều đề xuất đã được đưa ra nhằm "lấy lại" các suất mua nhà ở xã hội cho đúng đối tượng được thụ hưởng là "người nghèo" (người có thu nhập thấp).
Đẩy mạnh nguồn cung nhà ở xã hội - Ảnh minh họa
Giành giật suất mua
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh, dù luật đã quy định khá rõ điều kiện cũng như đối tượng nào có thể mua, thuê mua, thuê nhà ở xã hội, nhưng thực tế, phần lớn nhà ở xã hội lại rơi vào tay người giàu do quy định của pháp luật có nhiều khe hở.
Một người mua bán bất động sản, không muốn nêu tên, nói với RFA sáng ngày 1 tháng 5 :
"Trong bối cảnh của Việt Nam hiện hay cũng như từ vài chục năm qua, người nghèo rất khó tiếp cận những căn nhà dành cho họ, gọi là nhà ở xã hội. Theo tôi, nó có những lý do khiến nhà ở xã hội rơi vào tay người giàu. Thứ nhất là do cách quản lý của chính quyền. Họ quản lý theo kiểu ban phát thời bao cấp. Họ toa rập (cấu kết-pv) với người giàu để những người này có tên trong danh sách người nghèo. Thứ hai, không có chính sách trả góp cho người nghèo. Điều này không thể thực hiện được vì đồng tiền Việt Nam mất giá kinh khủng khiến các chủ đầu tư và các ngân hàng không dám cho vay".
Bà Thi, từng làm tổ trưởng dân phố ở quận 3 phân tích với RFA nguyên nhân khiến nhà ở xã hội không đến tay người nghèo :
"Chính phủ cấp quỹ cho những người nghèo không có nhà ở, những người thu nhập thấp, những người bị giải tỏa nhà. Những người này sẽ nộp đơn để được xét duyệt mua theo tiêu chuẩn rất rẻ, có khi được cho không. Ví dụ căn nhà giá 100 triệu thì được mua với giá chỉ năm triệu. Vấn đề là suất đó phải được địa phương, được công an khu vực xác nhận mới được nộp lên chính phủ xem xét. Nhưng khi xuống tới địa phương thì những suất này lọt vào tay người nhà cán bộ từ cấp quận xuống tới cấp tổ dân phố để xét ưu tiên.
Do đó người thật sự nghèo sẽ mất cơ hội. Một khi thủ trưởng đã ký duyệt thì ở dưới có biết cũng chẳng làm gì được. Nó cũng tương tự như cứu trợ vậy. Địa phương nó vẫn ưu tiên cho người thân của nó trước dù chưa chắc họ đói khổ. Đó là nỗi bức xúc của người nghèo".
Có ý kiến cho rằng, hiện nay có quá nhiều cơ quan chi phối việc xét duyệt, lập danh sách, bán nhà ở xã hội, khiến thủ tục rườm rà, thời gian hợp thức hóa các thủ tục kéo dài. Cũng có trường hợp dự án đang xây phải ngưng, đến khi xây xong thì giá nhà tăng cao không phù hợp cho người nghèo nữa, dẫn đến xét duyệt không đúng đối tượng. Ngoài ra, còn một lý do nữa khiến người nghèo không thể sở hữu nhà ở xã hội vì giá nhà, giá đất quá cao so với thu nhập của người nghèo.
Theo báo cáo từ Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cả nước có khoảng 500 dự án nhà ở xã hội đã được triển khai. Trong đó, 71 dự án đã hoàn thành với quy mô gần 38.000 căn, đạt 8,9% kế hoạch giai đoạn 2021 - 2025.
Giải pháp
Về vấn đề này, thạc sĩ Ngô Gia Hoàng được truyền thông nhà nước dẫn lời cho rằng, "việc đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dường như chỉ là một giải pháp tình thế để các doanh nghiệp tư nhân giải quyết tình trạng tồn kho hoặc để được tiếp cận các chính sách ưu đãi về tài chính nhằm duy trì hoạt động trong bối cảnh ảm đạm của thị trường bất động sản. Mặt khác, do chỉ chú trọng đến mục tiêu lợi nhuận nên các doanh nghiệp sẽ không quan tâm đến việc nhà ở xã hội đã xây dựng có được phân phối đúng đối tượng hay không, từ đó dẫn đến việc trục lợi chính sách và nhà ở xã hội rơi vào tay người giàu"
Để tránh tình trạng nhà ở xã hội rơi vào tay người giàu như lâu nay, Thành phố Hồ Chí Minh mới đây ban hành quy chế phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc cung cấp, bán nhà ở xã hội cho đúng đối tượng.
Một người từng kinh doanh bất động sản, yêu cầu ẩn danh, nêu giải pháp :
"Do Luật đất đai đã quy định "Đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý", nên theo tôi, đây là căn cứ quan trọng nhất để nhà nước mạnh dạn quốc hữu hóa toàn bộ những dự án bỏ hoang, những dự án dang dở từ hàng chục năm qua. Nhà nước sẽ trưng mua với cái giá lấy lệ rồi sau đó phân phối cho những người thật sự nghèo bằng cách hóa giá cho họ.
Nếu thực hiện đồng loạt trên toàn quốc thì ngoài cái lợi là người nghèo thật sự sẽ có nhà, còn một cái lợi nữa là nhà nước sẽ kéo giảm giá nhà, giá đất xuống. Hiện nay giá nhà, giá đất đang cao một cách bất hợp lý so với thu nhập của tuyệt đại đa số người nghèo".
Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, trước nay, nhu cầu về nhà ở đối với người dân trong nước rất cao, nhưng họ không thể nào sở hữu được vì giá bán bất động sản trong nước đã bị các tập đoàn kinh doanh bất động sản với mục đích thu lợi tối đa đã thổi giá cao đến mức vô lý, cao hơn cả các quốc gia có nền kinh tế phát triển khiến cho người dân trong nước không thể nào mua được nhà để ở, ổn định cuộc sống. Ông nêu giải pháp :
"Giải pháp không chỉ ngoài quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường, mà chính quyền cũng có thể tác động bằng chính sách, như buộc các nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh bất động sản phải dành một tỷ lệ nhất định cho nhà ở xã hội, dành cho người dân có thu nhập thấp, hoặc thay thế bằng tiền đóng góp để các công ty công ích thuộc chính quyền xây dựng nhà ở, cho thuê hay bán cho người dân có nhu cầu.
Tuy nhiên, với việc chính quyền cho tu chính Luật Đất Đai mới vào tháng 01/2024 theo sự lũng đoạn chính sách của các tập đoàn xây dựng bất động sản, nhắm đến năm triệu người Việt định cư ở nước ngoài để giải quyết nguồn bất động sản đang bị ứ đọng trong nước. Do đó, tôi e rằng nhu cầu về nhà ở của người dân có thu nhập thấp vẫn bị đặt ngoài lề chính sách".
Cũng theo Luật sư Mạnh, vài năm trở lại đây, khi nền kinh tế yếu kém khiến cho sức mua giảm dần, thị trường bất động sản theo đó cũng bị đóng băng chính là cơ hội để nền kinh tế thị trường tự điều chỉnh giá nhà phù hợp để người dân trong nước có cơ hội mua được nhà ở với giá cả hợp lý.
Nguồn : RFA, 01/05/2024
Tuần qua, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về một sự kiện : Một Trung tá sĩ quan cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu hộ Cứu nạn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhận nhà ở xã hội do các mạnh thường quân và Công an đóng goáp. Đó là căn hộ ALB-01-20, diện tích 41,5m2, tọa lạc tại khu nhà ở xã hội Lê Thành An Lạc (số 233 đường Lê Tấn Bê, phường An Lạc, quận Bình Tân).
Buổi giao, nhận nhà ở xã hội này được mô tả khá lâm ly, bi đát…
Một Trung tá sĩ quan cảnh sát Phòng Cháy chữa cháy và Cứu hộ Cứu nạn ở Thành phố Hồ Chí Minh đã được nhận nhà ở xã hội do các mạnh thường quân và Công an đóng góp.
Thành tích công tác
Báo chí nhà nước khai thác sự kiện này ở nhiều mặt, nào là tâm tư, suy nghĩ và xúc động của viên sĩ quan cảnh sát khi được nhận nhà ở xã hội, nào là những cống hiện và thành tích của viên sĩ quan đã 22 năm công tác trong ngành công an, cứu được bao nhiêu người ra sao, anh dũng thế nào, thậm chí anh ta đã là thành viên của đoàn cứu hộ Quốc tế mà Việt Nam vừa đưa đi tham gia cứu nạn tại trận động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Cũng như thường lệ, khi báo chí viết về chiến công của công an, báo chí Việt Nam cũng không ngần ngại tô, vẽ nên những chiến công chỉ có trong… tưởng tượng, những chiến công mà thường chỉ xảy ra trong sự tưởng tượng mơ hồ của các phóng viên mà thôi. Mà sự tưởng tượng, nhiều khi lại quá phong phú. Chẳng hạn, tờ báo Pháp luật viết : "Trung tá Thành là người đã kiên trì đào bới và phát hiện dấu vết sự sống của nạn nhân và kết hợp với lực lượng cứu nạn, cứu hộ quốc tế đưa nạn nhân còn sống ra khỏi toà nhà đã sụp đổ hoàn toàn và tìm được 14 thi thể nạn nhân, đưa ra ngoài". Nghĩa là viên Trung tá này đã kết hợp với cứu hộ quốc tế, đưa được nạn nhân còn sống ra khỏi tòa nhà đã sụp đổ hoàn toàn, đó là 14 thi thể (sic). Có điều là tờ báo không nêu rõ trong số 14 thi thể đó, có mấy thi thể… còn sống ?
Thậm chí, Đại tá Huỳnh Quang Tâm, Trưởng phòng Phòng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ - Công an Sài Gòn nhận xét : "Đồng chí Nguyễn Chí Thành phải nói đây là một đồng chí rất là đặc biệt và đã cứu sống được hàng trăm người từ cõi chết trở về". Nghĩa là với thành tích cùng lực lượng cứu hộ quốc tế đưa được 14 thi thể nạn nhân động đất, thì cũng có nghĩa là anh ta "đã cứu sống được hàng trăm người từ cõi chết trở về".
Quả là bó tay với những thành tích đáng nể kể trên.
Nghèo có tiếng và nhà ở xã hội
Nhà ở xã hội, được định nghĩa là : "Nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở theo quy định của Luật nhà ở. Tức nhà nước sẽ hỗ trợ cho các dự án nhà ở xã hội, người mua nhà sẽ được hưởng mức giá ưu đãi hơn so với những căn hộ thuộc diện thương mại".
Theo quy định của luật pháp thì những đối tượng được nhận nhà ở xã hội, nghĩa là nhà ở có sự hỗ trợ của nhà nước, có nghĩa là có tiền dân trong đó. Thông thường, những đối tượng này thường được báo chí đưa lên là những gia đình theo quy định rằng : "Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị. Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp"… là chính.
Nhà ở xã hội thường được để cấp cho những người già, neo đơn, không nơi nương tựa, không có thu nhập, không được sự quan tâm nhiều của xã hội và không có khả năng để tự lập cuộc sống của mình, để lo cho mình nơi ăn, chốn ở như những người khác. Thường những đối tượng đó là những người lang thang, cơ nhỡ và thậm chí là những người thiểu năng trí tuệ hoặc bị khuyết tật nào đó ảnh hưởng nặng nề đến sự tự sinh tồn của họ.
Thế nên, cái chuyện một sĩ quan cảnh sát có chức vụ, quyền hạn và quá trình công tác lâu năm với nhiều thành tích như vậy mà lại nghèo khó đến mức đi nhận nhà ở xã hội thì quả là sự lạ.
Thậm chí, khi được tặng nhà ở xã hội, viên sĩ quan bật khóc và báo chí khai thác triệt để chi tiết này như sau : Tờ Thanh niên viết : "Niềm mơ ước cả cuộc đời. Cảm xúc vỡ òa sau 22 năm chờ đợi, phát biểu trong lễ trao tặng nhà được Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức, trung tá Nguyễn Chí Thành bật khóc chia sẻ : "Đây là niềm mơ ước lớn nhất của vợ chồng em".
Báo chí thi nhau đăng những tiêu đề giật gân : "Trung tá Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy được trao nhà ở xã hội", "Trung tá cảnh sát bật khóc khi được tặng nhà ở xã hội" ; "Chiến sĩ cảnh sát tham gia cứu nạn, cứu hộ tại Thổ Nhĩ Kỳ bật khóc khi được trao tặng nhà ở xã hội" ; "Cảnh sát cứu hộ cứu nạn 'nghèo có tiếng' bật khóc vì được tặng nhà"
Ngoài những chi tiết về cái sự thành công, thành tích của viên sĩ quan cảnh sát này, thì qua báo chí, người ta chú ý một điều sau : Viên sĩ quan Cảnh sát có chức vụ, quyền hạn và nhiều thành tích, công tác lâu năm, vậy mà hơn vài chục năm nay lại vẫn cứ chờ đợi, hy vọng một ngôi nhà xã hội, nghĩa là ngôi nhà mà có trong đó ngân sách nhà nước, có tiền tài trợ của các mạnh thường quân, nghĩa là anh ta thuộc diện hộ nghèo và rất nghèo không đủ khả năng để lo cho mình, cho con cái nơi ở và để cuộc sống vất vả, gian nan.
Sở dĩ câu chuyện được báo chí đưa tin rầm rộ như là một hiện tượng lạ, bởi nhân vật chính ở đây là một sĩ quan cảnh sát với hàm Trung tá, chức vụ Đội phó của Công an Sài Gòn lại phải đi nhận nhà ở xã hội.
Nghĩa là công an cũng có những người nghèo ?
Bởi trong xã hội Việt Nam hiện nay, một trong những nghề "Hot" nhất lại chính là nghề công an. Và ai cũng biết rằng để chạy được vào ngành công an là con số hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng hối lộ, chạy chọt còn chưa xong. Không cần đi vào chi tiết, chỉ qua những thông tin báo chí về những vụ lừa đảo chạy vào ngành công an với những số tiền khổng lồ, đã cho biết thực trạng của hiện tượng này trong xã hội. Mà những vụ lừa đảo này không ít.
Mới đây nhất, ngày 15/3, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, đơn vị vừa bắt giữ hai đối tượng là Dương Trung Dũng và Trần Thị Hồng về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản lừa đảo xin việc vào ngành công an, an ninh hàng không, chuyển công tác… để chiếm đoạt hơn 11 tỷ đồng.
Trước đó, ngày 27/10/2022, TAND TP Hà Nội tuyên phạt bị cáo Đặng Ngọc Hải (40 tuổi, cựu đội trưởng an ninh thuộc Công an huyện Phúc Thọ, Hà Nội) 13 năm tù về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hải đã "khoe" có khả năng xin cho người khác vào học, làm việc trong ngành công an hoặc chuyển công tác, lừa chiếm đoạt hơn 3 tỉ đồng của các bị hại.
Chỉ vậy thôi đủ để biết ngành công an có gì hấp dẫn và vì sao người ta đổ vào đó tiền tỉ hối lộ để chạy vào đó mà vẫn chưa được.
Và người ta thấy trong xã hội Việt Nam từ thành phố đến nông thôn, đã là nhà công an thì bề thế, giàu có và đủ mọi thứ xa xỉ như là chuyện bình thường.
Vậy việc một Trung tá, đội phó Cảnh sát lại phải nhận nhà ở xã hội sau 22 năm chờ đợi và mơ ước, nói lên điều gì ở đây ?
Ai cũng biết điều này, lực lượng Công an, là lực lượng được đảng ưu ái số một, được coi là "thanh kiếm, lá chắn" của đảng. Do vậy nhận được mọi ưu đãi đủ mọi mặt. Mức lương cơ bản của Trung tá Cảnh sát hiện nay là 9.834.000 VNĐ. Ngoài lương, anh ta có các loại phụ cấp chức vụ, phụ cấp ngoài giờ, làm thêm, độc hại… đủ thứ trên đời. Chưa kể đến những thứ là đặc trưng của cái ngành "thanh kiếm, lá chắn của đảng" này được hưởng đủ mọi thứ phụ cấp, ưu tiên… như quần áo, quân trang quân dụng được cấp từ đôi tất đôi giày đi dưới chân cho đến những đồng tiền đóng cho con đi học, tiền công ích của gia đình đóng góp tại địa phương… đủ cả.
Ấy vậy mà Trung tá Nguyễn Chí Thành vẫn là người thuộc hạng nghèo đói đến mức không thể lo nổi cho mình lại nhờ và chờ đợi nhà ở xã hội ?
Những câu hỏi và câu trả lời
Vậy thì những người khác cũng trong lực lượng công an, với cấp bậc thấp hơn và không chức vụ quyền hạn để được nhận thêm phụ cấp và các khoản khác thì họ sống ra sao nếu sống chân chính ?
Vậy thì những cán bộ công chức các ngành khác như Giáo dục, Y tế… với mức lương chỉ bằng một nửa lương Công an nếu cùng thời gian công tác và thậm chí đào tạo còn lâu hơn, gian nan hơn thì họ sẽ sống như thế nào ?
Vậy thì những người dân thấp cổ bé họng, mà các công an, CSGT đang ngày đêm giăng bẫy, để nhận tiền mãi lộ của họ, với cuộc sống một nắng hai sương, nhặt từng đồng cắc bằng lao động bán mình trên ruộng đồng đồi núi, trên bãi rác hoặc đi bán vé số, ăn xin.. thì họ sẽ sống ra sao ? Ai lo nhà ở xã hội cho họ ?
Và nhất là ở trong xã hội hiện nay, những sĩ quan thậm chí chưa lên đến cấp hàm Trung Tá, chưa có chức vụ, vẫn cứ giàu có và tiền của không ai sánh kịp, thì tiền bạc đó từ đâu ra ? Khắp nơi từ Bắc đến Nam, báo chí đã mô tả về những biệt thự, về những cơ ngơi, tài sản của các sĩ quan công an, các quan chức cộng sản khủng khiếp mà người ta khó có thể tưởng tượng. (Hẳn nhiên là báo chí chỉ dám đăng về tài sản của các quan chức đã ngã ngựa mà thôi. Còn các quan chức đang tại vị hoặc "chưa bị lộ" thì vẫn cứ… thanh liêm và gương mẫu).
Và con đường nào để các quan chức cộng sản có những tài sản, cơ ngơi đó, thì đó là "bí mật nhà nước" cho đến khi bị lộ. Để trả lời những câu hỏi nêu trên, lướt qua mấy tờ báo Việt Nam người ta sẽ thấy được từ đâu mà những người khác trong ngành công an không chỉ sống tốt, sống khỏe, nhà cửa cao rộng đàng hoàng mà còn giàu có.
Nếu ai đã đọc báo chí Việt Nam sẽ thấy những cơ ngơi đồ sộ lấn đường địa phương của Đỗ Hữu Ca ở Hải Phòng như thế nào. Để rồi hết thấy khó hiểu khi báo chí rầm rộ đưa tin : Chỉ một vụ, với lời hứa chạy án, Ca đã nhận 35 tỷ bỏ túi mà không hề làm gì.
Người ta cũng sẽ thấy khó hiểu khi một Nguyễn Đức Chung, một đứa nhà quê ra thành phố, rồi học hành và làm sĩ quan Giám đốc Công an Hà Nội, gương mẫu, liêm khiết chuyên rao giảng đạo đức Hồ Chí Minh đến vậy làm sao có tiền của để nôi con đi học ở Mỹ, rồi còn hàng loạt nhà cửa, tài sản để rồi bị kê biên một lúc 3 tài sản, đất đai. Và câu hỏi chỉ được trả lời khi anh ta bị bắt và liên tiếp ra trước vành móng ngựa đến bây giờ chưa xong.
Sẽ không ngạc nhiên khi đọc những câu trả lời trên mặt báo như sau : "Cựu đại úy và cựu trung tá công an lập 47 công ty để buôn lậu". "Cựu cán bộ công an bị bắt vì cùng vợ lừa đảo hơn 23 tỉ đồng", "Cựu công an cầm đầu đường dây làm "sổ đỏ" giả đánh tráo sổ thật để lừa đảo" ; "Cựu công an lừa tiền tỷ 'chạy án' của đồng nghiệp" ; "Cựu công an lừa 7 người hơn 3 tỉ đồng, lãnh 13 năm tù" ; "Cựu công an lãnh án tù vì lừa 'chạy' cho người khác vào Học viện Cảnh sát 1 tỷ đồng" ; "Cựu thượng úy công an 'gài bẫy' ném ma túy vào ôtô người khác để lấy tiền"…
Nên lưu ý rằng ở đây tất cả đều là "Cựu Công an"… bởi khi đã bị lộ, thì lãnh đạo sẽ kịp thời đuổi ra dân để đội ngũ công an của đảng luôn luôn sạch khi chưa bị lộ.
Và câu chuyện trên đưa ra một lời giải đáp, đó là ngay cả khi ở trong ngành Công an, Cảnh sát, nếu sống chân chính, không ăn cắp, không tham nhũng, nhận hối lộ thì họ vẫn đói như thường.
Và ngược lại : Những kẻ ở trong ngành công an mà giàu có, nhà cao cửa rộng của cải dư thừa thì hẳn nhiên cũng từ ăn cắp, tham nhũng, nhận hối lộ mà ra. Với ngành công an, cái ngành mà được cấp kinh phí vô biên, tiền của như nước, không ai dám kiểm tra, không ai soi mói mà còn vậy, thì nói chung, cả xã hội quy luật đó càng rõ ràng hơn.
Và việc tìm bọn tham nhũng, cướp bóc của dân, chẳng cần tìm ở đâu cho khó khăn, cứ nhìn thu nhập và tài sản của họ thì rất rõ.
J.B Nguyễn Hữu Vinh
Tại một hội nghị hôm 1/8/2022, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, loại hình nhà ở giá thấp được nhà nước trợ cấp. Đại diện các công ty bất động sản tư nhân có mặt tại hội nghị đã có phản hồi tích cực trước kế hoạch này. Cụ thể, các tập đoàn như Vingroup, Sun Group, Him Lam, Bitexco và Novaland đăng ký xây dựng tổng cộng 1,2 triệu căn hộ xã hội trong vòng 8 năm tới.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng được ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, loại hình nhà ở giá thấp được nhà nước trợ cấp.
Kế hoạch này là nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân và người có thu nhập thấp trong bối cảnh giá nhà ở tăng cao và nguồn cung thiếu hụt. Một báo cáo gần đây của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho thấy giá bất động sản có xu hướng tăng kể từ năm 2014, với mức tăng trung bình hàng năm là 10%. Trong tháng 4 năm 2022, giá trung bình của căn hộ mới ở Thành phố Hồ Chí Minh, trung tâm thương mại của cả nước, đạt 64 triệu đồng (2.780 đô la Mỹ)/m2. Tại Hà Nội, con số tương ứng là 45 triệu đồng (1.960 USD)/m2. Với GDP bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức 3.694 USD vào năm 2021, giá bất động sản tăng cao đồng nghĩa với việc sở hữu một căn hộ ở các thành phố lớn là một giấc mơ xa vời đối với hầu hết người lao động và người có thu nhập thấp. Do đó, việc xây dựng các căn hộ bình dân, được bán với giá trung bình 15 triệu đồng (640 USD)/m2, là một nhiệm vụ cấp bách đối với chính phủ Việt Nam. Thế nhưng kế hoạch phát triển nhà ở xã hội cho giai đoạn 2011-2020 mới chỉ đạt 41%, tương đương 104.200 căn hộ.
Đảng Cộng sản Việt Nam vẫn giữ vững quyền lực của mình mặc dù thực hiện cải cách thị trường tự do từ năm 1986, một phần là nhờ nhấn mạnh việc xây dựng "nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa". Tuy vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh khái niệm này, "định hướng xã hội chủ nghĩa" thường được hiểu là gắn với mục tiêu của Đảng nhằm cân bằng phát triển kinh tế với công bằng xã hội và bình đẳng thu nhập. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề cập trong một bài viết năm 2021, Việt Nam phải phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và bình đẳng xã hội, không để làm gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Tầm nhìn này được thể hiện qua khẩu hiệu "không bỏ ai lại phía sau" thường xuyên được các nhà lãnh đạo Đảng nhắc đến trong các phát biểu gần đây khi nói về chiến lược phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam.
Do đó, đảm bảo giá nhà ở phải chăng sẽ giúp củng cố tính chính danh chính trị của Đảng, đặc biệt là đối với người lao động và những người có thu nhập thấp. Điều này cũng sẽ làm tăng uy tín của Thủ tướng Phạm Minh Chính, người được coi là một trong những ứng viên cho vị trí Tổng bí thư tại Đại hội toàn quốc lần thứ 14 của Đảng vào năm 2026. Ông đã kêu gọi các tập đoàn tư nhân thực hiện cam kết phát triển 1,2 triệu căn hộ nhà ở xã hội đưa ra tại hội nghị.
Đây không phải là lần đầu tiên khu vực tư nhân đóng góp vào một mục tiêu quốc gia. Ví dụ, trong đại dịch Covid-19, nhiều tập đoàn tư nhân, bao gồm Vingroup, Sun Group, Sovico và Vạn Thịnh Phát, đã tài trợ xây dựng bệnh viện dã chiến, ủng hộ và sản xuất thiết bị y tế, hoặc đóng góp tài chính cho các chương trình tiêm chủng quốc gia.
Tuy nhiên, sự vắng mặt của các doanh nghiệp nhà nước tại hội nghị về nhà ở xã hội là điều đáng chú ý, bởi lâu nay các doanh nghiệp nhà nước đã được Đảng và Nhà nước coi là công cụ thiết yếu để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế – xã hội. Điều này phản ánh tầm quan trọng ngày càng tăng của khu vực kinh tế tư nhân và mối quan hệ ngày càng chặt chẽ giữa giới tinh hoa chính trị và giới doanh nghiệp tư nhân ở Việt Nam. Năm 2017, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Nghị quyết số 10 về phát triển khu vực tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Văn kiện Đại hội lần thứ 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vào năm 2021 cũng nhấn mạnh việc cần phải phát triển các tập đoàn tư nhân có sức cạnh tranh quốc tế, một phiên bản Việt Nam của các đại tập đoàn (chaebol) Hàn Quốc. Những công ty tư nhân lớn này được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng thông qua đổi mới và ứng dụng công nghệ, giảm bớt sự phụ thuộc quá mức của Việt Nam vào đầu tư nước ngoài, và tiếp nhận vai trò đầu tàu từ khu vực quốc doanh còn nhiều yếu kém trong việc dẫn dắt sự phát triển kinh tế của đất nước.
Các nhà tài phiệt Việt Nam có được một phần đáng kể thành công trong kinh doanh là nhờ mối quan hệ với giới tinh hoa chính trị, những người có thể tạo điều kiện cho họ tiếp cận các chính sách ưu đãi hoặc nguồn lực công, đặc biệt là đất đai. Sự giàu có và vị thế của các nhà tài phiệt được bảo đảm miễn là họ trung thành với Đảng, đóng góp vào các mục tiêu kinh tế – xã hội và chính trị của Đảng, đồng thời tránh các hành vi có thể làm suy yếu an ninh kinh tế của đất nước.
Điều này dẫn đến sự hình thành của một "mối quan hệ cộng sinh", theo đó giới tinh hoa chính trị Việt Nam và giới tài phiệt ủng hộ các mục tiêu của nhau. Đối với giới tinh hoa chính trị, đó là tính chính danh ; còn đối với giới tài phiệt, đó là tích lũy tư bản.
Tuy nhiên, triển vọng của kế hoạch xây nhà ở xã hội là không chắc chắn. Đại diện các doanh nghiệp có mặt tại hội nghị đã thúc giục chính phủ tháo gỡ các nút thắt về quy định và các rào cản quan liêu đang cản trở phát triển nhà ở xã hội. Nhưng ngay cả khi chính phủ giải quyết được những vấn đề này, thì cũng không chắc sẽ có những thay đổi kịp thời. Do đó, việc thi công chậm tiến độ hoàn toàn có thể xảy ra. Các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cũng sẽ cần phải cải thiện quy hoạch đô thị ở các khu nhà ở xã hội. Trong khi các căn hộ bình dân ở các khu vực gần trung tâm các thành phố nhận được nhu cầu cao thì những căn hộ ở khu vực ngoại thành không thu hút được người mua do cơ sở hạ tầng và tiện ích xã hội kém phát triển.
Nếu xét bản năng tìm kiếm lợi nhuận của các doanh nghiệp tư nhân, cam kết lâu dài của họ đối với các chương trình phát triển nhà ở xã hội của chính phủ là điều không chắc chắn. Do đó, ngoài việc huy động các nguồn lực tư nhân, Chính phủ Việt Nam cũng cần tìm ra các cơ chế sử dụng nguồn vốn nhà nước và do chính phủ quản lý để đảm bảo sự thành công của kế hoạch phát triển nhà ở xã hội. Trên khía cạnh này, chính phủ Việt Nam có thể học hỏi từ mô hình Cục Nhà ở và Phát triển (HDB) của Singapore, một mô hình hiệu quả đã được thời gian kiểm chứng.
Lê Hồng Hiệp & Phan Xuân Dũng
Nguồn : Nghiên cứu quốc tế, 26/08/2022
Một phiên bản tiếng Anh của bài viết đã được xuất bản trên Fulcrum.sg.