Loan Thảo, VNTB, 16/11/2020
Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của Mỹ có viết : "Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng rằng tạo hoá đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền được sống, quyền được tự do, và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Như vậy, quyền con người – dù được nhìn nhận dưới góc độ nào, đều được hiểu là những quyền tự nhiên cơ bản của con người, không thể bị tước đoạt, chiếm giữ bởi bất cứ ai và bất cứ thế lực nào.
Một vài ghi nhận về nhân quyền trong các bản hiến pháp của nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 21 ghi nhận : "Nhân dân có quyền phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia".
Tuy nhiên, do là bản Hiến pháp đầu tiên nên Hiến pháp 1946 cũng có những hạn chế nhất định như : đồng nhất quyền con người với quyền công dân, nền sơ học cưỡng bách và không học phí,… đó là lý do vì sao Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng :
"Bản Hiến pháp chưa hoàn toàn, nhưng nó đã làm nên theo một hoàn cảnh thực tế. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới, nước Việt Nam là một nước độc lập. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới biết dân tộc Việt Nam đã có đủ mọi quyền tự do. Hiến pháp đó đã tuyên bố với thế giới : phụ nữ đã được đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân… Hiến pháp đó cũng đã nêu một tinh thần đoàn kết chặt chẽ giữa các dân tộc Việt Nam và một tinh thần liêm khiết, công bình của các dân tộc".
Hiến pháp năm 1959 bao gồm 10 chương 112 Điều, trong đó Quyền và Nghĩa vụ của công dân được quy định tại chương III (thay vì chương II như Hiến pháp 1946) bao gồm 21 Điều (từ Điều 22 đến 42).
So với Hiến pháp 1946 thì Hiến pháp 1959 đã bổ sung những quy định mới về quyền con người như : Quyền khiếu nại tố cáo với cơ quan Nhà nước (Điều 29), Quyền làm việc (Điều 30), Quyền nghỉ ngơi (Điều 31).
Bên cạnh quy định quyền, Hiến pháp 1959 cũng quy định cụ thể những nghĩa vụ cơ bản của công dân.
Một điều đáng lưu ý, Hiến pháp 1946 đề cao vai trò của nhân dân trong quá trình lập hiến, theo đó nhân dân có quyền phúc quyết Hiến pháp – phúc quyết để thực thi quyền làm chủ đất nước và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia.
Tuy nhiên, Hiến pháp 1959, 1980 và 1992 sau này đều bãi bỏ quyền này. Đây là một quyền dân chủ trực tiếp rất quan trọng của công dân và nên được khôi phục lại.
Về nhân quyền, mà cụ thể là về quyền bình đẳng, được thể hiện qua các bản Hiến pháp như sau : nếu như Hiến pháp năm 1946 quy định tại Điều 6 đến Điều 9 trong đó có các nội dung là :
"Tất cả công dân Việt Nam đều ngang quyền về mọi phương diện : chính trị, kinh tế, văn hoá. Tất cả công dân Việt Nam đều bình đẳng trước pháp luật, đều được tham gia chính quyền và công cuộc kiến quốc tuỳ theo tài năng và đức hạnh của mình. Ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, những quốc dân thiểu số được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến kịp trình độ chung. Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện", thì đến Hiến pháp năm 1980, đối với Quyền bình đẳng nam, nữ (Điều 63), Hiến pháp bổ sung bốn điểm mới : một là, Nhà nước và xã hội có nghĩa vụ chăm lo nâng cao trình độ chính trị, văn hóa, khoa học, kỹ thuật và nghề nghiệp của phụ nữ để phát huy vai trò của phụ nữ trong xã hội ;
hai là, Nhà nước cần hoạch định chính sách lao động phù hợp với điều kiện của phụ nữ ; ba là, xã viên hợp tác xã cũng được hưởng phụ cấp sinh đẻ ; bốn là, Nhà nước và xã hội phải chăm lo phát triển các nhà hộ sinh, nhà trẻ, lớp mẫu giáo, các nhà ăn công cộng và những cơ sở phúc lợi khác.
Không chỉ là nội dung ngày càng hoàn thiện, mà số lượng các điều khoản ở Hiến pháp 1980 cũng nhiều hơn so với bản Hiến pháp trước. Nếu trước đây, ở Hiến pháp năm 1946 chỉ có 18 Điều quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân thì ở Hiến pháp năm 1959 là 21 Điều và Hiến pháp năm 1980 là 29 Điều.
Mặc dù ở Hiến pháp 1980 có những điểm tiến bộ hơn trong việc ghi nhận nhân quyền so với hai bản Hiến pháp trước, tuy nhiên, ở bản Hiến pháp này, người ta vẫn thấy một số bất cập như khi quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân vẫn còn hạn chế, cách quy định các quyền trong Hiến pháp 1980 theo tư duy cũ, thể hiện tư tưởng "Nhà nước ban phát quyền" cho dân.
Tuy nhiên, theo tinh thần Hiến pháp của các nước phát triển thì các quyền con người là bẩm sinh, vốn có của mỗi cá nhân con người, không ai có thể vi phạm và không chủ thể nào có thể ban phát. Nhà nước phải có trách nhiệm thừa nhận và đảm bảo những quyền đó được thực hiện trên thực tế. Như vậy, cách tiếp cận của Hiến pháp Việt Nam hoàn toàn khác với cách tiếp cận Hiến pháp của các nước phát triển.
Một điểm hạn chế nữa ở bản Hiến pháp này là không thừa nhận sở hữu cá nhân. Có lẽ do quan niệm quá giản đơn và vội vàng nên các Hiến pháp năm 1959 và năm 1980 đã không thừa nhận sở hữu tư nhân.
Hiến pháp năm 1992 đã thừa nhận quyền tư hữu như là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân.
Tuy vậy, trong điều kiện toàn cầu hóa hiện nay, những quy định về nhân quyền của Hiến pháp 1992 đã có một số điều không còn phù hợp cần thay đổi nó thể hiện qua các bất cập sau :
Thứ nhất, quyền con người đồng nghĩa với quyền công dân như quy định ở Điều 50 của Hiến pháp 1992 là thiếu chính xác, dễ gây nên sự hiểu lầm rằng ở Việt Nam, chỉ công dân Việt Nam mới có quyền con người, còn những người ngoại quốc thì không. Việc quy định như vậy đã trái với quy định về nhân quyền của thế giới, bởi lẽ nhân quyền là quyền tự nhiên, bất kỳ ai sinh ra cũng có mà không bị phân biệt giới tính, dân tộc…
Thứ hai, có thể nhận thấy trong các quy định của Hiến pháp Việt Nam là nhân quyền được quy định theo cách thức được Nhà nước thừa nhận. Điều này dễ gây hiểu nhầm rằng Nhân quyền là một quyền được Nhà nước ban phát cho người dân.
Các quy định này rất dễ nhận thấy trong chương về Quyền và Nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp Việt Nam, như các Điều 53, Điều 54, 56, 57, 58… của Hiến pháp năm 1992 đều quy định dưới dạng Nhà nước thừa nhận các quyền cho công dân một cách chủ quan duy ý chí, không phải là người dân được hưởng các quyền đó một cách mặc nhiên.
Cách quy định này hoàn toàn khác cách tiếp cận của Hiến pháp các nước phát triển. Quyền của công dân là những quyền thuộc về tạo hóa ban cho con người, không ai có thể vi phạm hay có quyền ban phát cho người khác. Nhà nước phải có trách nhiệm đảm bảo cho những quyền đó được thực hiện trên thực tế.
Từ thực tiễn pháp luật, cao nhất là Hiến pháp cũng như khoa học pháp lý cho thấy, ở Việt Nam đang chấp nhận quan điểm tính tương đối của quyền con người.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Hiến pháp 2013, quyền con người cũng có thể bị hạn chế trong những trường hợp nhất định. Xét về bản chất hạn chế quyền con người là giải quyết sự cân bằng giữa quyền lợi cá nhân và quyền lợi của người khác và của xã hội.
Việc hạn chế quyền con người có thể gây ra hệ quả : (i) xâm phạm đến quyền con người, nếu sự hạn chế này nếu phạm vi của nó quá rộng, và thủ tục thiếu chặt chẽ và tùy tiện ; (ii) quyền lợi của xã hội, quyền lợi của các nhân khác bị xâm phạm nếu quyền con người không bị hạn chế. Chính vì vậy, việc hạn chế quyền con người phải được thực hiện bằng cơ chế đồng bộ, rõ ràng, vận hành trôi chảy.
Việc xây dựng, vận hành cơ chế đó phải dựa trên nền tảng những quan điểm mang tính chất nền tảng, chỉ đạo gọi là các nguyên tắc vận hành của cơ chế hạn chạn chế quyền con người.
Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948, đã quy định nguyên tắc hạn chế quyền con người này tại Điều 29 : "Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ".
Mục đích của việc hạn chế quyền con người là bảo vệ tốt quyền con người có đạt được hay không phụ thuộc vào nhiều yếu tố trong đó có yêu cầu cần có cơ chế để thực hiện.
Cơ chế hạn chế quyền con người là đa dạng với các mức độ khác nhau, do các chủ thể khác nhau thực hiện. Việc hoàn thiện cơ chế hạn chế quyền con người có ý nghĩa rất lớn trong bối cảnh Việt Nam hiện nay.
Để tiếp tục hoàn thiện cơ chế hạn chế quyền con người, cần có những quan điểm chỉ đạo để quá trình xây dựng, thực hiện các cơ chế hạn chế quyền con người vận hành hướng tới mục tiêu bảo vệ tốt hơn quyền con người trên thực tế chứ không phải dừng lại ở các mỹ từ chính sách.
Loan Thảo
Nguồn : VNTB, 16/11/2020
*********************
Hiền Lương, VNTB, 16/11/2020
Đảng và Nhà nước làm sai thì xin lỗi, dân làm trái ý Đảng và Nhà nước thì vào tù : thật giản dị và giản đơn !
Bàn luận về quyền tự do dân chủ ở Việt Nam, cho đến nay vẫn là nhạy cảm, dễ bị chụp chiếc mũ hình sự hóa. Với sự dè dặt đó, người viết xin được ghi nhận ý kiến từ một số trí thức đảng viên về vấn đề dân chủ.
Trước hết, đó là những hạn chế cơ bản về bảo đảm quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân ở Việt Nam, như : Các quyền con người, quyền tự do dân chủ của công dân được Hiến pháp ghi nhận, song vẫn chưa được thể chế hóa đầy đủ để đảm bảo thực hiện trên thực tế ;
Pháp luật về chế độ bảo hộ của Nhà nước đối với các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân nói chung, nhất là bảo hộ các quyền của công dân trước các cơ quan tư pháp nói riêng, vẫn chưa được bảo đảm ; Pháp luật về thủ tục thực hiện các quyền công dân còn nặng quản lý của Nhà nước, tạo khó khăn cho công dân thực hiện quyền nhất là thực hiện các quyền trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, dân sự ;…
Một trong những biện pháp cụ thể được nhấn mạnh là cần đổi mới tư duy về dân chủ. Không thể đổi mới thực sự, và thực hiện một cách thực chất tư duy pháp lý mới về nhân quyền, nếu không đổi mới tư duy về dân chủ.
Một trong những yêu cầu đổi mới tư duy về dân chủ là tạo ra các diễn đàn cho người dân và cán bộ bày tỏ quan điểm, cùng đóng góp ý kiến giải quyết các vấn đề đặt ra của đất nước, trong đó có vấn đề dân chủ, nhân quyền.
Đơn cử, việc thành lập nhóm xã hội dân sự có tên Hội Nhà báo độc lập Việt Nam, sở dĩ không thể tuân thủ pháp luật về thủ tục hành chính, vì bộ thủ tục này giới hạn về quyền thành lập hội được quy định tại Điều 25, Hiến pháp 2013.
Trên thực tế, Hội Nhà báo độc lập Việt Nam là một tập họp những công dân cùng chung về lựa chọn thể loại báo chí để làm kênh phản biện – đối thoại với các nhà hoạch định chính sách. Đây cũng là câu chuyện về quyền giám sát của cơ quan dân cử, của công dân được biểu hiện dưới hình thức nhóm xã hội dân sự thành lập công khai, tên tuổi cụ thể và các ý kiến bày tỏ bằng quyến Hiến định về quyền tự do biểu đạt của công dân.
Trong lãnh vực chính trị, có thể nhận thấy quyền bình đẳng trước pháp luật vẫn còn là vấn đề tiếp tục bàn luận về yếu tố "tự do – dân chủ".
Đơn cử, Bộ luật Tố tụng dân sự chưa có tiêu chí cụ thể, dẫn đến sự tùy tiện của Tòa án trong việc cho phép hoặc không cho phép tham gia đại diện hoặc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự.
Còn với Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, nhìn chung lại chưa thể hiện được các lĩnh vực mà người dân được bình đẳng trước pháp luật quy định trong Hiến pháp năm 2013. Đối với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, rõ ràng là chưa thể hiện được tinh thần của Hiến pháp 2013 về việc không phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Đáng chú ý là cho đến nay Việt Nam tiếp tục chần chừ ban hành Luật Biểu tình, quy định về quyền biểu tình. Do vậy, trên thực tế việc xử lý hành chính hoặc truy tố hình sự những hành vi này được vận dụng quy định về hành vi gây rối trật tự công cộng.
Những dẫn chứng cho nhận xét trên, đó là từ các phiên tòa hình sự xét xử liên quan đến nhóm tội danh "Lợi dụng quyền tự do dân chủ…".
Như vậy, từ một số ghi nhận ở trên, cho thấy rất cần đến việc bảo đảm sự tương thích giữa các quy định của pháp luật Việt Nam với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên, thể hiện sự tôn trọng cam kết quốc tế của Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai việc thực hiện các điều ước quốc tế trong thực tiễn.
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 16/11/2020