Bộ trưởng công an thừa nhận nhiều cán bộ dùng bằng giả - cách gì xóa bỏ ?
Diễm Thi, RFA, 10/11/2020
Tại phiên chất vấn của đại biểu quốc hội hôm 9 tháng 11 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận rằng ngay trong đội ngũ cán bộ có nhiều người sử dụng giấy tờ giả.
Các đại biểu đứng hát Quốc ca trong lễ bế mạc Đại hội Đảng toàn quốc tại Hà Nội ngày 28/01/2016. Reuters
xTình trạng mua bán giấy tờ giả và các website quảng bá dịch vụ làm giấy tờ giả, chứng chỉ giả diễn ra công khai trên mạng. Vì sao một dịch vụ bất hợp pháp như vậy lại diễn ra công khai dù Việt Nam đã có Luật An Ninh Mạng, là điều dư luận thắc mắc.
Giáo sư Đặng Hùng Võ cho biết, bản thân ông rất nhiều lần nhận được những lời chào mời làm các loại bằng cấp giả qua tin nhắn vào điện thoại di động. Ông nêu nhận xét về việc này :
"Việt Nam hiện nay có chính sách quản lý an ninh mạng, thế nhưng việc rao làm bằng giả trên mạng không bị xử lý vẫn tồn tại. Điều đó cho thấy hình như an ninh mạng ở Việt Nam chỉ tập trung vào một số điểm chứ không phải tập trung để xây dựng cái đạo đức xã hội".
Luật An Ninh Mạng có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2019. Luật này quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng ; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khẳng định, về mặt pháp luật, Việt Nam không dung túng cho việc làm và sử dụng bằng cấp, giấy tờ giả. Nhưng sự thật thì việc làm giả vẫn tràn lan vì "có cầu thì có cung". Ông giải thích :
"Ở Việt Nam cũng không chấp nhận chuyện bằng giả. Vẫn có quy định để chế tài việc làm giả những giấy chứng nhận, tài liệu của Nhà nước. Đó là tội hình sự nặng chứ không nhẹ đâu.
Nhưng rõ ràng là có cầu thì mới có cung. Tức là phải có người cần thì những dịch vụ cung cấp bằng giả mới phát sinh. Điều đáng nói là không chỉ người dân có nhu cầu bằng giả mà chính cán bộ là đối tượng mua bằng cấp giả khá nhiều. Họ cần bằng cấp để thăng quan tiến chức hoặc hợp thức hóa cái chức vụ hiện hành của họ".
Theo Bộ trưởng Tô Lâm thì tất cả các loại giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe đều có thể làm giả một cách tinh vi, không thể phát hiện bằng mắt thường. Các cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây làm giấy tờ và chứng chỉ giả có quy mô rất lớn. Tuy vậy, tình trạng mua bán bằng đại học giả, chứng chỉ giả vẫn diễn ra công khai rất nhiều năm qua. Không ít người đã sử dụng những tấm bằng giả này để hoàn thiện hồ sơ xin việc, chứng minh trình độ học vấn.
Nhu cầu sử dụng bằng cấp giả
Chuyện học giả, bằng thật hay học giả, bằng giả là chuyện không hiếm trong xã hội ở mọi lĩnh vực nhưng lại không dễ phát hiện. Tiến sĩ - Bác sĩ Võ Xuân Sơn, từng công tác tại Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết, có những trường hợp dùng bằng cấp giả vẫn không bị phát hiện do lầm lẫn với những bác sĩ học thật, bằng cấp thật nhưng trình độ chuyên môn quá kém. Ông nói :
"Thường thì bằng giả trong ngành y dễ bị phát hiện vì người bác sĩ đưa ra những cái không đúng bài bản. Nhưng trên thực tế cũng có nhiều trường hợp dù được đạo tạo chính quy nhưng cũng xử lý không bài bản, không chất lượng nên nhiều khi những trường hợp bằng giả mình cũng khó biết, đôi khi không phát hiện ra được".
Theo một số nhà quan sát thì chuyện sử dụng bằng cấp giả trong hàng ngũ cán bộ đa số là để thăng quan tiến chức, bởi hệ thống đề bạt cán bộ xưa nay vẫn chú trọng đến quy trình và tiêu chí hình thức. Nhiều thông tư, quyết định của các bộ ngành Nhà nước ghi rõ các tiêu chuẩn bắt buộc về giáo dục đối với cán bộ, công viên chức. Ví dụ trong Thông tư 1204/QĐ-BNV ban hành ngày 19/11/2012 của Bộ Nội vụ có ghi rõ tiêu chuẩn chức danh đối với các bậc lãnh đạo của bộ này phải có trình độ giáo dục từ cấp đại học trở lên. Hay cũng một quyết định khác của Bộ này yêu cầu tất cả các giám đốc sở tại các tỉnh thành phải có bằng đại học trở lên.
Giáo sư Đặng Hùng Võ nhận định :
"Trong tất cả mọi lĩnh vực thì thứ nhất, câu chuyện bằng giả nó gắn với việc lên chức. Ai cũng thủ một cái bằng để nói mình có trình độ thì sẽ thuận lợi hơn trong viêc chuyện cất nhắc cương vị, chức vụ. Thứ hai, nhiều doanh nghiệp đặt ra tiêu chuẩn phải có bằng cấp loại này loại kia. Thứ ba, một số người cũng thích oai, chẳng hạn thích có chức danh tiến sĩ mà không học thì phải kiếm bằng giả.
Cuộc sống bây giờ nó cũng lung tung như thế nên giả hay thật thì người ta trông chờ vào đạo đức con người thôi. Chứ làm một cái bằng giả thì không khó trong thời buổi hiện nay. Tôi cho rằng pháp luật có tác động của nó nhưng cái gốc của vấn đề vẫn là đạo đức".
Ông Đặng Hùng Võ kết luận rằng, những người sử dụng bằng giả chắc chắn là những người đạo đức kém, đạo đức tồi. Một người như thế mà vào cương vị lãnh đạo thì chắc chắn sẽ gây hại cho dân. Ông cho đó là sự xuống cấp về mặt đạo đức.
Làm sao xóa nạn làm và sử dụng bằng giả ?
Trong quy định của pháp luật hiện hành, không có định nghĩa cụ thể về việc thế nào là giấy tờ giả. Pháp luật hiện hành không quy định một mức xử phạt hành chính chung đối với việc sử dụng các giấy tờ, bằng cấp giả. Người vi phạm có thể bị xử phạt hành chính theo từng lĩnh vực cụ thể, phụ thuộc vào loại giấy tờ giả mà họ sử dụng.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm thì cho rằng, trước nay người sử dụng giấy tờ giả chỉ bị xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự. Bây giờ đã đến lúc cần xử lý hình sự.
Theo ông Đặng Hùng Võ thì việc này không khó vì bằng cấp thật sẽ có hồ sơ lưu và được quản lý. Nếu làm mạnh tay và làm tới nơi tới chốn thì sẽ phát hiện hết những trường hợp sử dụng bằng cấp giả để thăng tiến. Vấn đề là có muốn làm hay không mà thôi.
Luật sư Đặng Đình Mạnh cũng nêu quan điểm của ông về một giải pháp có thể làm :
"Theo tôi thì phải tổng thanh tra, kiểm tra toàn bộ bằng cấp của cán bộ. Nếu có bằng cấp giả thì phải xử lý. Khi họ thấy bằng cấp giả không còn che giấu được như lâu nay thì lúc đó cái "cầu" không còn dẫn đến cái "cung" cũng sẽ hết. Chỉ còn cách đó thôi.
Không thể nào cứ tiếp tục gian dối nhau, cứ xuê xoa cho nhau. Trong cơ quan Nhà nước họ thường có sự xuê xoa cho nhau. Nếu người sếp trong phòng có sử dụng bằng cấp giả thì đương nhiên họ cũng tránh né việc kiểm tra hay đưa vấn đề bằng giả ra với nhân viên của họ được".
Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, các cá nhân có hành vi sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sử dụng con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, bị phạt tiền từ 30 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm, hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 2 năm.
Bộ trưởng Bộ Công an thừa nhận nhiều cán bộ sử dụng giấy tờ giả
RFA, 09/11/2020
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm thừa nhận rằng ngay trong đội ngũ cán bộ có nhiều người sử dụng giấy tờ giả. Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn phát biểu của ông Tô Lâm tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội hôm ngày 9 tháng 11 về tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng.
Buổi lễ cấp bằng giáo sư và phó giáo sư tổ chức tại Văn Miếu, Hà Nội ngày 24 tháng 12 năm 2012. Ảnh minh họa. AFP
Cụ thể tình trạng mua bán giấy tờ giả trên mạng và tình trạng giả mạo các trang website quảng bá các dịch vụ làm giấy tờ, chứng chỉ giả diễn ra công khai. Bộ trưởng Tô Lâm cho biết cơ quan chức năng đã triệt phá nhiều tổ chức, đường dây làm giấy tờ và chứng chỉ giả có quy mô rất lớn. Tất cả các loại giấy tờ, chứng chỉ, kể cả bằng tốt nghiệp các trường đại học, bằng lái xe đều có thể làm giả.
Hôm 5 tháng 10 vừa qua, Ủy ban kiểm tra tỉnh Lai Châu đã ra quyết định khai trừ ra khỏi đảng với hàng loạt công an cấp huyện do vi phạm qui định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ và ma tuý.
Tin cho biết Ủy ban kiểm tra huyện ủy Tam Đường đã ra quyết định khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Phùng Quang Tuyến - Bí thư Chi bộ Xây dựng phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, Đảng bộ Công an huyện Tam Đường, do ông này đã vi phạm nghiêm trọng trong thực hiện quy định về sử dụng văn bằng, chứng chỉ.
Ủy ban kiểm tra huyện cũng đã thi hành kỷ luật khai trừ ra khỏi Đảng đối với ba công an huyện là ông Lê Văn Hồng, Phan Văn Luân, và ông Phạm Đức Hùng.
Ông Tô Lâm cho rằng, trước nay người sử dụng giấy tờ giả chỉ bị xử lý hành chính, ít khi xử lý hình sự. Bây giờ đã đến lúc cần xử lý hình sự.
RFA, 10/11/2020
Phát biểu tại buổi thảo luận ở tổ chiều 10/11 về các văn kiện trình Đại hội Đảng XIII, Đại biểu Quốc hội Đào Thanh Hải, Phó giám đốc Công an Hà Nội, cho biết sau một loạt vụ việc xảy ra thời gian qua, nhiều cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo. Vẫn theo ông Hải, tình trạng này không chỉ xảy ra ở một phạm vi nhỏ mà đang diễn ra ở tất cả cấp, ngành, địa phương.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Quốc hội Việt Nam hôm 23/10/2018 - Reuters
Giáo sư Nguyễn Đình Cống, người có hơn 30 năm tuổi Đảng, đã từ bỏ Đảng vào năm 2016 đồng tình với phát biểu của người đại diện đoàn Hà Nội.
"Lời phát biểu ấy nói lên đúng sự thật. Nhiều người đảng viên, cán bộ không có khả năng sáng tạo, không có khả năng suy nghĩ mới và chỉ làm theo chỉ thị cấp trên. Còn một số ít có khả năng suy nghĩ vấn đề mới, vấn đề bất hợp lý nhưng người ta không dám nói, phải giữ kín trong lòng".
Với kinh nghiệm là một viên chức đang hoạt động trong ngành giáo dục, Thầy Đỗ Việt Khoa từ Hà Nội nêu ra nguyên nhân vì sao cán bộ đảng viên không dám đổi mới, sáng tạo :
"Một chính quyền dựa trên sự bất nhất, bảo kê lẫn nhau để họ cùng chung mục đích là hưởng quyền lợi nhưng bên ngoài lại nói bảo vệ đảng, tức độc quyền. Nên sinh ra cán bộ, đảng viên nước nổi thì nổi theo chứ không bao giờ đi trước, sáng tạo, chiến đấu với những cái sai trong nội bộ đảng, hay đột phá khoa học kỹ thuật, công nghệ, xã hội, chính trị. Họ không bao giờ làm và có thể họ nhìn thấy cũng không làm. Đấy là chuyện tất yếu của bộ máy đã duy trì quá lâu thể chế một đảng, một chính quyền không có sự giám sát, đấu tranh thanh lọc của người dân.
Trong khi đó, triết học Marx-Lenin mà họ đưa vào Việt Nam và bảo rằng là kim chỉ nam của họ có nói rất rõ đấu tranh, giải quyết mâu thuẫn là động lực để phát triển xã hội. Thực tế thì các quan chức đó tiêu diệt mọi cuộc đấu tranh, mọi sáng tạo, mọi thay đổi, ý kiến góp ý".
Đại biểu Đào Thanh Hải khi nói trước phiên thảo luận ngày 10/11 cho hay nghị quyết có nêu đổi mới sáng tạo, đột phá để hoàn thành mục tiêu yêu cầu của nghị quyết. Dù vậy, ông nhìn nhận trong đổi mới sáng tạo và đột phá, ranh giới giữa đúng và sai rất mong manh, thậm chí "vô cùng mong manh".
Đồng tình với quan điểm nêu trên, Giáo sư Nguyễn Đình Cống nhận định :
"Hiện nay giữa cái đúng cái sai mong manh, nói câu đó đúng nhưng ai đánh giá ? Hiện nay chưa có lực lượng nào đánh giá. Muốn như thế thì phải đưa ra để đối thoại, tự do ngôn luận, trao đổi, anh viết báo này tôi viết báo kia rồi mọi người đến xem hoặc có đối thoại. Đằng này tự do ngôn luận không có, đối thoại không ai tổ chức thì việc đánh giá đúng sai là tùy quan điểm mỗi người, khó lắm. Người ta có câu sáng đúng chiều sai ngày mai lại đúng".
Còn theo ông Vũ Minh Trí, trước đây từng là cán bộ Tổng cục Tình báo quốc phòng Tổng cục II lại có đề xuất như sau :
"Tôi nghĩ tự họ đánh giá với nhau thì sẽ không chính xác vì tất cả bọn họ, trên dưới trước sau đều cùng một giuộc. Tôi nghĩ tiêu chuẩn duy nhất và chính xác là phải để người dân chúng tôi đánh giá".
Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cho biết có nhiều ý kiến góp ý về cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới được đưa ra trong buổi hội thảo chiều ngày 10/11.
Cụ thể, theo Phó giám đốc Công an Hà Nội, nghị quyết Đại hội Đảng cần nhấn mạnh vấn đề bảo vệ cán bộ vì tình hình hiện nay cho thấy khi cán bộ đổi mới sáng tạo, nếu làm được thì khen, nhưng nếu không làm được thì quy trách nhiệm rất nặng nề, dù nguyên nhân không thành công có thể do khách quan đem lại.
Do đó, thiếu tướng Đào Thanh Hải cho rằng nếu không bảo vệ được cán bộ thì chắc chắn không ai sáng tạo, không ai dám đổi mới, đột phá.
Sau khi nghe trình bày, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ sau đó đã đề nghị thư ký nhấn mạnh nội dung có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ dám làm, đổi mới sáng tạo vì lợi ích chung.
Theo Giáo sư Nguyễn Đình Cống, hiện tại chính phủ Hà Nội vẫn chưa có cơ chế, tổ chức, hay lực lượng nào bảo vệ cho người dám nghĩ, dám làm, dám ra ngoài khuôn khổ. Ông nêu lên thực tế :
"Nếu như đang ở trong Đảng thì bị kỷ luật Đảng, bị điều cấm đảng viên ràng buộc mà người ta phải theo. Còn nếu không thể chấp nhận những điều ấy thì tốt nhất là ra khỏi Đảng, khi đó có thể hành động như một công dân. Nếu còn ở trong tổ chức, còn ở trong Đảng, đang làm việc với nhà nước thì buộc lòng phải thực thi nghĩa vụ mà trong điều lệ của Đảng, kỷ luật của Đảng có nói cấm không được nói ngược lại điều lệ Đảng, Marx-Lenin, cấm không được làm việc này việc nọ, nếu làm thì bị kỷ luật".
Ông Vũ Minh Trí lại có cách nhìn nhận khác :
"Tôi nghĩ tất cả những người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm thì họ sẽ biết cách tự bảo vệ, chẳng ai làm gì được họ. Còn việc có người phát biểu như vừa nói chỉ chứng tỏ một điều rằng những người như vậy (dám nghĩ, dám làm) là thiểu số ít trong xã hội Việt Nam hiện nay. Vì vậy có một người như vậy thì lập tức sẽ có người tấn công, sẽ bị tẩy chay, bị trù dập… và họ có nhu cầu được bảo vệ. Tôi nói thật rằng trong toàn bộ số cán bộ hiện nay tôi nghĩ rằng có đốt đuốc tìm thì cũng chẳng có người cán bộ nào theo tiêu chuẩn người dân bình thường chúng tôi mong muốn".
Kêu gọi cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sáng tạo, đổi mới, dám nghĩ, dám làm đang được nêu lên rộng rãi thời gian gần đây.
Ông Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng trước đây cũng đã cho rằng "trong lãnh đạo, điều hành, tổ chức thực hiện, phải có quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, thật sự năng động, sáng tạo, chú trọng tạo đột phá để phát triển ; coi trọng chất lượng, hiệu quả thực tế của công việc và đề cao trách nhiệm người đứng đầu" trong bài viết "Chuẩn bị và tiến hành thật tốt Đại hội XIII của Đảng, đưa đất nước bước vào một giai đoạn phát triển mới" của ông.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia quan sát cho rằng trong tình hình hiện nay, có thể các cán bộ dám nghĩ, nhưng chuyện dám làm lại là vấn đề khó nói khác !
Nguồn : RFA, 10/11/2020
**********************
Thủ tướng Việt Nam giao các bộ ‘nghiên cứu, xử lý’ cơ chế xin-cho sinh ra tham nhũng
VOA, 10/11/2020
Thủ tướng Việt Nam mới đây ra công văn giao một số bộ nghiên cứu, xử lý cơ chế xin-cho vốn bị xem là cái gốc của nạn tham nhũng.
Công văn của Văn phòng Chính phủ hôm 9/11/2020 về "nghiên cứu, xử lý" cơ chế xin cho.
Học giả Võ Đại Lược, người nêu lên vấn đề này, nói với VOA rằng ông hoan nghênh việc Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lắng nghe ý kiến của ông và nhanh chóng có động thái ban đầu.
Tuy nhiên, giáo sư-tiến sĩ Võ Đại Lược cho rằng do tính chất của hệ thống chính trị Việt Nam, việc điều chỉnh cơ chế "sẽ không diễn ra ngày một ngày hai".
Hôm 9/11, trang Facebook chính thức của chính phủ Việt Nam đăng một công văn dẫn lại lời ông Lược nói trên báo Tiền Phong rằng "cơ chế xin-cho vốn là cái gốc đẻ ra tham nhũng", và dù gần đây nhà chức trách chống tham nhũng "rất mạnh", song "mới chỉ giải quyết hệ quả, chứ chưa giải quyết nguồn gốc".
Tiếp đến, công văn của Văn phòng Chính phủ truyền đạt rằng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ và một số bộ, ngành khác "nghiên cứu, làm rõ" nội dung báo đã đăng để "có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật".
Công văn đăng trên trang Thông tin Chính phủ nhận được 3.700 phản ứng yêu, thích, với nhiều bình luận bày tỏ đồng tình rằng cần xử lý, thậm chí phải "khai tử" cơ chế xin-cho vì nó "rất dễ" dẫn đến tham nhũng, "làm hỏng cán bộ" và "gây mất công bằng".
Bản thân là người chỉ ra vấn đề, giáo sư-tiến sĩ Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới, đưa ra nhận xét với VOA về động thái của người đứng đầu chính phủ Việt Nam :
"Chính phủ tiếp thu ý kiến đóng góp từ giới học giả là điều tốt. Tôi hoan nghênh việc thủ tướng lắng nghe, có ý kiến, ra chỉ thị xử lý. Riêng việc thủ tướng tiếp thu, đề nghị các bộ xử lý tôi cho đã là một sự tiến bộ rồi".
Thủ tướng Phúc là người trực tiếp điều hành kinh tế và ông thấy quá rõ vấn đề, giáo sư-tiến sĩ Lược nói thêm.
Học giả kỳ cựu này phân tích với VOA rằng có 2 lĩnh vực nhức nhối nhất cần có đột phá để giảm mạnh hoặc loại bỏ cơ chế xin-cho là đất đai và doanh nghiệp nhà nước.
Trong lĩnh vực đất đai, Hiến pháp và luật pháp hiện hành của Việt Nam quy định "đất đai thuộc sở hữu toàn dân", hay nói cách khác, "nhà nước quyết định hết", giáo sư-tiến sĩ Võ Đại Lược nói.
Để thay đổi, phải chyển sang cơ chế thị trường, đất đai trên toàn Việt Nam phải quy hoạch lại, ông Lược nói.
Theo đó, những phần đất để làm cơ sở hạ tầng hay dịch vụ công của quốc gia "cần quy hoạch riêng ra" ; các cá nhân, tập thể và các pháp nhân khác phải có quyền sở hữu đất đai rõ ràng, nhà nước hoặc ai khác lấy đất phải đền bù theo luật, theo giá thị trường, không còn chuyện đền bù theo giá quá rẻ, gây ra phản đối, tranh chấp.
Về doanh nghiệp nhà nước, theo giáo sư-tiến sĩ Lược, nếu nhà nước vẫn giữ quan điểm kinh tế nhà nước là chủ đạo, được ưu tiên nhất, chiếm tỉ trọng lớn trong nền kinh tế cả nước, điều này dẫn đến không tránh khỏi lãng phí, thất thoát, tham nhũng.
Để giải quyết 2 vấn đề kể trên, học giả từng là Viện trưởng Viện Kinh tế Thế giới khẳng định giới hoạch định chính sách của Việt Nam phải đổi mới tư duy và quan điểm về phát triển đất nước, từ đó dẫn đến thay đổi về cơ chế, chính sách.
Tuy nhiên, ông Võ Đại Lược nhận định với VOA rằng mặc dù Thủ tướng Phúc phát đi tín hiệu đáng khích lệ song việc thay đổi sẽ không sớm diễn ra và không dễ dàng.
Lý do là các chuyên gia và các bộ, ngành chỉ có thể đưa ra các kiến nghị, còn quyết định nằm ở lãnh đạo cấp cao của Đảng cộng sản. Ông Lược nói :
"Liệu quan điểm kinh tế có thay đổi gì không. Từ thay đổi quan điểm, cần sửa đổi Hiến pháp, phải sửa Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp… liên quan đến nhiều vấn đề. Những vấn đề đấy Đại hội 13 này của đảng phải giải quyết, phải ở tầm những người có quyền ra quyết định, chứ không phải ở tầm các chuyên gia, các bộ".
Học giả Võ Đại Lược chia sẻ thêm rằng ông quan sát thấy một điều đáng mừng là Cổng Thông tin của Đảng cộng sản cũng đăng ý kiến của ông, cho thấy đảng "chưa bác bỏ" đề xuất của ông.
Mặc dù vậy, khi được VOA hỏi liệu Đại hội Đảng lần thứ 13 sắp diễn ra vào đầu năm 2021 có đem lại những thay đổi cần thiết hay không, giáo sư-tiến sĩ Lược nói hiện vẫn "hơi sớm" để đưa ra một tiên liệu, và ông cho rằng việc đảng "tiếp thu, xử lý không phải ngày một ngày hai được".
Nguồn : VOA, 10/11/2020
**********************
Khắc phục sự xuống cấp đạo đức xã hội bằng "đức - trí - thể - mỹ" : liệu có đủ ?
RFA, 09/11/2020
Trong kỳ họp thứ mười, Quốc hội khóa XIV chiều 9/11, Phó Thủ tướng Việt Nam Vũ Đức Đam khi trả lời chất vấn của một số đại biểu về tình trạng đạo đức xã hội của một bộ phận xuống cấp, đã nhìn nhận đây là vấn đề rất lớn, liên quan đến mọi tổ chức, người dân.
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam trả lời chất vấn của đại biểu ngày 9/11/2020. Ảnh chụp màn hình VTV
Truyền thông Nhà nước Việt Nam trong bản tin đăng tải cùng ngày dẫn lời ông Phó Thủ tướng xác nhận thực tế "nhiều tài liệu nói là xuống cấp đáng báo động, thể hiện rõ ở tội phạm, ở tệ nạn, ở việc các hành vi bị đồng tiền chi phối hay là gian dối, không trung thực, biểu hiện ở một số giá trị văn hóa truyền thống bị mai một…".
Nói rõ hơn về sự xuống cấp đạo đức vừa nêu, Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, nhà xã hội học hiện đang công tác tại Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam vào tối 9/11 cho rằng việc đồng tiền chi phối là đáng nói nhất. Bà đưa ra nguyên nhân :
"Dùng tiền chi phối bao quát hơn, không phải chỉ là tham nhũng nhưng trong đó nặng nhất là tham nhũng. Tôi nghĩ nó là hệ quả của nền kinh tế thị trường khi mà người ta lúc nào cũng định hướng theo kinh tế thị trường, tức theo đồng tiền, thì xã hội đề cao đồng tiền. Trước đây thời bao cấp sẽ khác, bây giờ thì cái gì cũng có 2 mặt, khi chạy theo kinh tế thị trường thì nền kinh tế phát triển hơn, mọi người năng động hơn và có động lực để làm việc và phát triển hơn. Mặt trái của nó thì có những cái người ta đề cao đồng tiền và dùng tiền để đạt được ước muốn của họ thì tôi thấy điều đấy có thật sự".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Mạc Văn Trang, người từng có hơn 30 năm công tác ở Viện Khoa học Giáo dục trước khi về hưu vào năm 2002 cho rằng hư hỏng trong quan chức là chính, từ đó ảnh hưởng đến đời sống xã hội.
"Cơ bản trong đạo đức ở đây là tham lam, trộm cướp, dối trá, lừa đảo, ăn cắp, ăn cướp, tàn phá tài nguyên quốc gia, xã hội. Đấy là những cái rất lớn. Rường cột quốc gia mà tham nhũng, không chỉ tham nhũng mà còn ăn chơi, trụy lạc, rượu chè, du hí, lãng phí đủ trò thể hiện xuống cấp đạo đức ở đội ngũ cán bộ. Đội ngũ cán bộ đảng viên, rường cột của quốc gia, xã hội mà như thế thì ảnh hưởng đến tất cả tầng lớp xã hội, ảnh hưởng đến mọi người dân. Người ta thấy quan làm bừa như vậy thì dân cũng làm bừa, quan dối trá thì dân cũng dối trá, quan thì tham dân thì gian, ảnh hướng đến tất cả mọi mặt. Giá trị hệ thống cơ bản của xã hội bị đảo lộn thì đạo đức lụn bại".
Tuy nhiên, Phó Giáo sư Tiến sĩ Mặc Văn Trang cũng cho rằng bên cạnh những sự xuống cấp xã hội, thì vẫn còn một điều may mắn cho dân tộc Việt là truyền thống đạo đức tình nghĩa dân tộc vẫn được lưu giữ trong lòng nhân dân.
Điều Phó Giáo sư Tiến sĩ Mặc Văn Trang vừa nêu ra cũng được ông Vũ Đức Đam nhắc đến trong phiên họp Quốc hội ngày 9/11. Theo ông Đam, mọi người nên nhìn theo 2 mặt một cách công bằng, bên cạnh những xuống cấp mà ông đã nêu thì những giá trị, truyền thống đạo đức tốt đẹp của dân tộc và con người Việt Nam bao gồm lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc ; tình yêu thương đồng loại, thương người ; sự thân thiện, cởi mở ; yêu lao động, chịu thương chịu khó ; tinh thần vươn lên và đức hiếu học... vẫn còn.
Người dân xếp hàng nhận đồ cứu trợ ở Hải Lăng, Quảng Trị hôm 16/10/2020 AFP
Phó Thủ tướng đất nước hình chữ S cho biết đã có những giải pháp rất hiệu quả, như việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Ngoài ra, ông Vũ Đức Đam cũng nhắc đến một số phương pháp để khắc phục, nâng cao đạo đức xã hội, như việc phải nâng cao nhận thức toàn xã hội về tốt - xấu ; kết hợp giữa giáo dục, tuyên truyền, vận động các phong trào với luật hóa việc xử lý các hành vi vi phạm ; đề cao sự nêu gương ở mọi cấp, mọi ngành, "đảng viên đi trước, làng nước đi sau" và đặc biệt lưu ý 4 chữ "đức - trí - thể - mỹ"…
PGiáo sư Tiến sĩ Mạc Văn Trang đưa ra nhận định về những giải pháp vừa nêu như sau :
"Ông Vũ Đức Đam nói như vậy thì tư duy cũ quá không thể nào hiểu được. Chuyện ‘đức - trí - thể - mỹ’ từ thời phục hưng ở Châu Âu mấy trăm năm trước người ta nói rồi, có gì mới đâu, từ thời thực dân đế quốc đến thời nay cũng thế. Giáo dục nhà trường dạy đức dục, trí dục, thể dục, mỹ dục, Việt Nam còn thêm giáo dục quốc phòng, quân sự, đủ thứ hết. Lúc nào nhà trường chẳng đề ra giáo dục chân - thiện - mỹ, đức - trí - thể - mỹ nhưng cuối cùng nhìn vào thực tế nó có thành hiện thực hóa được đâu".
Từ Nha Trang, Nhà báo độc lập Võ Văn Tạo nhận định về những giải pháp mà ông Phó Thủ tướng đề ra ngày 9/11 :
"Tôi cho rằng những biện pháp nêu lại cũ rích, chẳng qua là khẩu hiện mấy ông lớn nêu ra trước đây thì giờ ông này nêu lại cho có tính chất hình thức và tỏ ra trung thành với đường lối của mấy ông Marx - Lê (Lenin). Thực ra những câu đó họ nói một đằng làm một nẻo, ít người có chức có quyền mà liêm khiết. Đó cũng là một trong những tệ nạn của xã hội vì những người lãnh đạo mà nói một đằng làm một nẻo thì làm sao cứu vãn xã hội".
Cụ thể, theo nhà báo Võ Văn Tạo, nhắc đến ‘đảng viên đi trước, làng nước đi sau’ thì thực tế trong những năm gần đây đảng viên cao cấp, ủy viên trung ương đảng, thậm chí ủy viên Bộ Chính trị bị xử lý kỷ luật, vào tù rất nhiều. Ông cho rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, xã hội người nào quan tâm đều biết rằng những ông đó xấu số bị lộ, chứ hầu như cán bộ đảng viên có chức có quyền ai cũng chấm mút tham ô, không kiểu này cũng kiểu khác, nhận hối lộ.
Do đó, nhà báo Võ Văn Tạo cho rằng :
"Không biết họ có cách gì khác không, chứ theo những câu sáo rỗng, sáo mòn lâu nay mà ông Vũ Đức Đam nhắc đến biện pháp đó thì hoàn toàn không có tác dụng".
Còn theo Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương, giải pháp đưa ra mặc dù cũ và vẫn đang được áp dụng, nhưng nếu để có thêm tác dụng thì cần thêm giải pháp khác vì chỉ như vậy thì chưa đủ. Nguyên nhân được bà cho rằng sự kiểm soát trong thời thị trường hiện nay lỏng lẻo hơn thời bao cấp nên người ta dễ vượt ra ngoài những chuẩn mực hơn.
"Cần có những giải pháp khác nữa ví dụ như tăng cường vai trò của pháp luật, người dân sống theo pháp luật và pháp luật phải nghiêm minh hơn. Quan trọng là pháp luật được thực hiện nghiêm minh chứ không phải vì một thế lực, đế chế nào đấy dùng đồng tiền hay quyền lực để xóa bỏ ranh giới pháp luật".
Nguồn : RFA, 09/11/2020