Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có 6 loại cán bộ, đảng viên sẽ bị loại khỏi thành phần Ban Chấp hành Trung ương đảng khóa XIV, nhưng tiêu chuẩn người được chọn "vẫn cũ như trái đất".

canbo1

Ban lãnh đạo chủ chốt tham gia Đảng ủy Công an Trung ương ngày 4/6/2021

Trưởng Tiểu ban nhân sự khóa đảng XIV, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng liệt kê, theo thứ tự phổ biến trên Đài Tiếng nói Việt Nam (Voice of Vietnam, VOV) ngày 14/03/2024 :

6 loại cán bộ sẽ bị loại khỏi Trung ương

Thứ nhất, là bản lĩnh chính trị không vững vàng ; không kiên định đường lối, quan điểm của Đảng ; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, xu nịnh, chạy chọt, tham nhũng, quan liêu, cục bộ, vận động cho cá nhân, phe cánh, lợi ích nhóm ; thiếu chính kiến, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không đấu tranh.

"Bản lĩnh chính trị, đường lối, quan điểm của Đảng" là phải "tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Đồng thời "xây dựng đất nước trên nền tảng" này.

Thứ hai, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, mị dân, chuyên quyền, độc đoán ; không công bằng, công minh trong đánh giá, sử dụng cán bộ, trù dập người thẳng thắn đấu tranh, phê bình.

Thứ ba là người để nội bộ mất đoàn kết nghiêm trọng hoặc để xảy ra tham nhũng, thất thoát, vụ việc tiêu cực lớn ở địa phương, cơ quan, đơn vị.

Hai điều trong loại thứ ba này lấy "trách nhiệm của người đứng đầu" làm thước do lường cho khả năng lãnh đạo.

Thứ tư là cán bộ không chịu nghiên cứu học hỏi ; bảo thủ, trì trệ, làm việc kém hiệu quả, nói nhiều làm ít, nói không đi đôi với làm ; ý thức kỷ luật kém, không chấp hành sự điều động, phân công của tổ chức, uy tín giảm sút.

Loại cán bộ này từng bị lên án" lười học tập và nghiên cứu Nghị quyết Đảng", hoặc có thái độ phản biện đi ngược lại đường lối Đảng.

Thứ năm là kê khai tài sản không trung thực, có biểu hiện giàu nhanh, nhiều nhà, nhiều đất, nhiều tài sản khác mà không giải trình rõ được nguồn gốc ; bản thân hoặc vợ, chồng, con có lối sống thiếu gương mẫu, lợi dụng chức quyền để thu lợi bất chính.

Đây mới chính là loại cán bộ tham nhũng, nhưng ai cũng biết tham nhũng là nền tảng gắn kết sự trung thành của đảng viên với Đảng (còn Đảng còn mình), chính vì thế tham nhũng cũng là căn bệnh kinh niên không chữa trị được của Đảng cộng sản Việt Nam. Vì vậy tham nhũng đã trở thành "điều kiện để tồn tại" trong xã hội. Do đó việc lấy lại tài sản tham nhũng chỉ đạt 32,5%.

Thứ sáu là người vi phạm quy định về lịch sử chính trị hoặc chính trị hiện nay.

Loại cán bộ này từng bị kết án đã công khai phê bình, chỉ trích chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối cai trị độc tài của đảng. Họ còn bị lên án "ngoảnh măt làm ngơ" trước những chỉ trích đảng.

Vì vậy, ông Nguyễn Phú Trọng kêu gọi Ban tổ chức đảng chọn cán bộ theo các tiêu chuẩn như sau : "phải thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội".

Ngoài ra, bản thân đảng viên cũng cần phải chứng minh "tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo ; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật ; gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân ; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới".

Những tiêu chuẩn vừa kể xem ra "rất lý tưởng" và "nghe xuôi tai", nhưng không phải là những điều mới lạ.

Chuyện khóa 13

Ngược lại, tại kỳ Đại hội đảng khóa 13 năm 2021, Ban Chấp hành Trung ương khóa 12 cũng đã đặt ra tiêu chuẫn chọn người cho khóa 13 như sau : "Có tinh thần yêu nước sâu sắc, có bản lĩnh chính trị vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, Cương lĩnh, đường lối của Đảng, Hiến pháp của Nhà nước và lợi ích của quốc gia - dân tộc…".

Họ cũng cần phải : "Có ý chí chiến đấu cao, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm thù địch, sai trái, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ; gương mẫu thực hiện nguyên tắc, kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nói đi đôi với làm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động, làm việc có hiệu quả".

Đặc biệt thời đó, khi tình trạng "chia rẽ" trong nội bộ Đảng đã công khai, Ban lãnh đạo đảng Đức phải ra chỉ thị : "Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 phải là một tập thể thật sự đoàn kết, trong sạch, vững mạnh, thống nhất ý chí và hành động, có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội ; tiêu biểu về trí tuệ, có tầm nhìn chiến lược, có tư duy đổi mới, sáng tạo ; tiêu biểu cho toàn Đảng về tính chiến đấu, tính kỷ luật…".

Ngoài ra, Đảng còn khuyên cán bộ nguồn phải : "Gắn bó mật thiết với nhân dân, biết lắng nghe, tự phê bình và phê bình nghiêm túc, quy tụ được sự đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân ; đủ uy tín, năng lực lãnh đạo đất nước trong thời kỳ mới… Có phẩm chất đạo đức và lối sống trong sáng, gương mẫu, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tín nhiệm… Bản thân không tham nhũng, quan liêu, cơ hội, vụ lợi, tham vọng quyền lực và kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực, quan liêu, tham nhũng ; không để vợ, chồng, con, người thân lợi dụng chức quyền để trục lợi…".

Trong thực tế có bao nhiêu đảng viên nguồn và cơ sở tuân thủ những lời khuyên này ? Gần như tất cả đều làm ngược lại.

Thời Nguyễn Phú Trọng

Nên biết ông Nguyễn Phú Trọng đã nắm chức Tổng bí thư đảng từ khóa 11 năm 2011. Đến năm 2013, ông phát động chiến dịch "đốt lò" chống tham nhũng và thanh trừng nội bộ đảng. Thành công lớn nhất của ông Trọng là đã loại được đối thủ chính trị hàng đầu, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, từ khóa đảng 12.

Ông Trọng củng cố thêm quyền hành sau khi loại được hai Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. Ba ông này đều có khả năng thay ông Trọng trong chức vụ Tổng bí thư.

Tuy nhiên, sự thành công của ông Trọng cũng gây khó khăn cho chính cá nhân ông vì muốn tồn tại, ông phải tìm sự ủng hộ của các lực lượng võ trang gồm Quân đội, Công an và Dân quân tự vệ. Do đó vai trò chính trị của Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm và Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang ngày càng lớn mạnh.

Ngoài ba lực lượng này, ông Trọng cũng cần có sau lưng lực lượng thanh niên, nhưng đội ngũ này cũng phân tán, và nhiều người đã tỏ ra "ngại Đảng, xa Đoàn", không tích cực với sinh hoạt đảng đoàn.

Thêm vào đó, tính "máu thịt giữa đảng và dân" cũng phai dần, lạnh nhạt. Đảng tiếp tục mất đoàn kết và công tác chống tham nhũng vẫn giậm chân tại chỗ. Trong khi chủ trương được gọi là "đổi mới" tư duy và hành động theo phương châm "nói và làm" trong nội bộ đảng từ khóa đảng 12 đến nay vẫn tiếp tục bị làm ngơ khiến Ban lãnh đạo đảng lúng túng và đang quơ gào, hối thúc đoàn kết giữa những phe phái không còn gì để chia sẻ với nhau. Tại sao ?

Lý do rất đơn giản, nhân sự "đảng viên nguồn" không còn là "then chốt" của then chốt nữa mà là một gánh nặng cho nhân dân và một đe dọa cho bản thân những người lãnh đạo đảng.

Phạm Trần

(05/05/2024)

Published in Diễn đàn

Đài RFA có bài "Quy hoạch cán bộ chiến lược khóa XIV : Bổn cũ soạn lại", phát hành ngày 9/10/2023. Trong có đoạn : "Ông Nguyễn Phú Trọng – Tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam, khi phát biểu bế mạc Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII cho biết "Quy hoạch cán bộ chiến lược khóa XIV sẽ làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ…", cùng với ý kiến của nhiều người đang sinh sống tại Việt Nam, đều nghĩ rằng, nhân sự cấp cao cho những kỳ Đại Hội Đảng không có gì mới và không có hy vọng gì vào những nhân sự cấp cao, dù được gọi là "lựa chọn kỹ càng", cùng số liệu thực tế : "...trong nhiệm kỳ 2021-2026, đã có 113 cán bộ cấp cao thuộc diện trung ương quản lý bị xử lý kỷ luật chỉ trong năm năm nhiệm kỳ đại hội 12. Trong đó có bốn ủy viên, nguyên ủy viên Bộ chính trị ; 27 ủy viên, nguyên ủy viên trung ương đảng ; 30 sĩ quan cấp tướng…" [1].

nhansu1

Không có nền tảng Triết học

Kể từ khi Đảng cộng sản Việt Nam phôi thai, hình thành, rồi thành công qua "Cách Mạng Tháng Tám" và trở thành "Bên Thắng Cuộc" vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 cho đến nay, họ luôn khẳng định "trung thành với chủ nghĩa Mác - Lê-nin". 

Khởi từ năm 2005, Đảng cộng sản Việt Nam bắt đầu có [2] "phong trào học và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" qua kết luận của Hội nghị Trung ương, mang số 39-KL/TW ngày 30/8/2005. Sau đó, ngày 15/5/2016, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" (Chỉ thị 05). Điều này có nghĩa, cái gọi là "tư tưởng Hồ Chí Minh" vừa mới được những đảng viên cao cấp nhứt phát hiện cách đây 7 năm (!).

Tư tưởng là nền tảng quan trọng nhứt cho bất kỳ một chủ nghĩa nào phôi thai và hình thành. Nói cách khác, tư tưởng là nền tảng cho một trường phái Triết học (dù Đông hay Tây). Triết học không phải là nghiên cứu cái gì, mà Triết học giúp con người cách thức nghiên cứu. Điều này có nghĩa, Triết học là môn khoa học trừu tượng, không phải môn khoa học cụ thể.

Triết học là nền tảng cho các môn khoa học khác, nó ứng dụng vào mọi lĩnh vực, từ tự nhiên như vũ trụ học, thiên văn học, cho tới con người như chính trị học, luật học, y học Hai tính chất quan trọng nhứt của Triết học : 

1. Phải có tính vận động

2. Phải có sự tác động lẫn nhau và tác động đa chiều của hai hay mọi hiện tượng sự vật xung quanh.

Khi nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã xác định "trung thành" với Triết học Mác - Lê-nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh, tức là họ đã phạm vào tính vận động. Điều này có nghĩa tư tưởng của toàn bộ các đảng viên cao cấp nhứt đều đứng yên rồi. Ngoài ra, tổ chức Đảng cộng sản Việt Nam cũng phạm vào tính tác động lẫn nhau - tác động đa chiều, bởi vì có một đảng thì làm gì có sự tác động. Điều này chính là sự lý giải rõ ràng - dễ hiểu, vì sự đơn giản của Triết học với hai tính quan trọng nhứt, như kể trên. 

Ngoài ra, dù theo bất cứ trường phái Triết nào, các nhà Hiền triết thuở xa xưa cũng như các Triết gia sau này, đều phải thừa nhận, Triết học không có tính độc tôn. Trong khi đó, Đảng cộng sản Việt Nam duy trì mô hình độc đảng, rõ ràng họ đã phạm vào tính không có độc tôn. Triết học cũng không có sự trung thành, nếu phải gọi tên "trung thành", Triết học chỉ trung thành với thực tế. Một thực tế dễ nhận biết của Triết học ứng dụng, đó là nơi nào có sáng tạo và phát minh, nơi đó đang có một nền tảng Triết học lành mạnh.

Nền tảng văn hóa - giáo dục phi triết lý

Từ hai đặc tính quan trọng nhứt về Triết học nói trên, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam với suốt chiều dài lịch sử, từ khi thành lập nhà nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa vào ngày 2/9/1945, đến nay gần 80 năm, vấn đề nhân sự qua các kỳ Đại hội Đảng vẫn không thể tạo ra bất kỳ một yếu tố mới nào, về lựa chọn con người, cho các vị trí cao cấp nhứt cho đến vị trí thấp nhứt trong các phường - xã. Bởi lẽ đơn giản, tất cả họ đều phải chịu sự đánh giá bất di bất dịch mang tên "trung thành" với chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Trong khi đó, chủ nghĩa Mác - Lê-nin đã sai từ đầu về tư tưởng, đủ để hình thành nên một trường phái Triết học, do yếu tố dễ thấy : Hoàn toàn đứng yên - Một dạng chết cứng về tư tưởng, mà tất cả các đảng viên cộng sản trên thế giới nói chung và đảng viên Đảng cộng sản Việt Nam nói riêng, không hề hay biết.

Chính vì lẽ đó, suốt chiều dài hàng chục năm qua, hai lãnh vực văn hóa - giáo dục, vốn chi phối trên mọi lãnh vực khác, Đảng cộng sản Việt Nam chỉ loay hoay trong "cái khuôn" Mác - Lê-nin định sẵn và sau này thêm vô "tư tưởng Hồ Chí Minh", nhưng giới nghiên cứu không tìm thấy, "tư tưởng" của ông Hồ có những gì mới hoặc lạ và độc đáo, đủ để gọi là "một tưởng" cả (!).

Chính từ nền tảng văn hóa - giáo dục phi triết lý như vậy, nên khái niệm "đạo đức người cộng sản" như đầm lầy hạn hẹp với những chuẩn mực, vốn rất bình thường của thế giới và Việt Nam cả ngàn năm qua.

Kết

Chính từ tư tưởng phản Triết học và nền tảng văn hóa - giáo dục phi triết lý, cho nên nhân sự cấp siêu cao, đến cấp cao, cấp trung và cấp thấp "không có gì mới", dù có tổ chức thêm vài kỳ đại hội đảng cũng hoàn toàn cũ như cách đây gần 80 năm về trước. Có lẽ người cộng sản Việt Nam không hiểu cho lắm, về cặp phạm trù Triết học "Nội dung - Hình thức", với bộ veston - cà vạt và áo dài sặc sỡ (Hình thức) nhưng không thể thay đổi tư tưởng (Nội dung) của họ. 

Nguyễn Ngọc Già

Nguồn : RFA, 11/10/2023

[1] https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/strategic-cadre-planning-term-xi...

[2] https://tuyengiao.vn/theo-guong-bac/hanh-trinh-tu-chi-thi-06-den-chi-thi...

Published in Diễn đàn