Khánh Hòa, VNTB, 03/11/2020
Ở Việt Nam có một cơ quan hành chính mang tên Tổng cục Phòng, chống thiên tai, là tổ chức thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý nhà nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng, chống thiên tai, đê điều trong phạm vi cả nước ; tổ chức thực hiện các hoạt động dịch vụ công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục theo quy định của pháp luật.
Tổng cục Phòng, chống thiên tai có một tổ chức trực thuộc mang tên Vụ Quản lý thiên tai cộng đồng. Vụ này có chức năng tham mưu, tổng hợp giúp Tổng Cục trưởng quản lý nhà nước về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng và truyền thông về phòng, chống thiên tai thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Tổng cục.
Trên thực tế, thì ở đây tên gọi phù hợp cần có là "Quản trị thiên tai". Theo đó, quá trình quản lý rủi ro thiên tai gồm ba giai đoạn chính :
Thứ nhất, phòng ngừa. Các hoạt động chuẩn bị được tiến hành trước khi thiên tai xảy ra ;
Thứ hai, ứng phó. Những hoạt động tiến hành trong khi thiên tai xảy ra bao gồm cả công tác cứu trợ ;
Thứ ba, khắc phục hậu quả. Các hoạt động tiến hành sau khi thiên tai xảy ra.
Thực chất thì quản lý thiên tai không chỉ bao gồm ứng phó và giảm nhẹ thiên tai. Đây là một quá trình mang tính hệ thống nhằm giảm nhẹ những ảnh hưởng tiêu cực và các hậu quả do thiên tai gây ra, với mục đích : Giảm thiểu tổn thất thông qua công tác chuẩn bị và ứng phó hiệu quả ; Làm cho việc phục hồi hiệu quả và bền vững hơn.
Với tâm thế "Quản trị thiên tai" nên ở Trung Quốc đã lập hẳn "Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp" (MEM) được coi là một "siêu bộ" trong Quốc vụ viện Trung Quốc (bộ trưởng hiện là ông Vương Ngọc Phổ, người Liêu Ninh), với nguồn lực và quyền lực tập hợp từ 13 cơ quan thuộc các bộ khác nhau trước đó.
Chức năng quyền hạn của MEM ghi rõ, bộ có quyền "xử lý và làm rõ mối quan hệ giữa ứng phó và giảm nhẹ thiên tai", và "chỉ huy công tác giảm nhẹ thiên tai trong hỏa hoạn, lũ lụt, hạn hán, động đất, và các thiên tai khác". Bộ cũng sẽ có quyền hạn xem xét các rủi ro mang tính tương thuộc của thiên tai trong một tầm nhìn dài hạn, điều luôn tối quan trọng với công tác ứng phó thiên tai, do hầu như không có thảm họa tự nhiên nào xảy ra đơn lẻ : "họa vô đơn chí".
Theo kết quả tổng kết thiệt hại đầu tháng 9 – 2020 của Bộ Quản lý tình trạng khẩn cấp Trung Quốc, lũ đã tràn về 28 tỉnh thành, với hơn 70 triệu người bị ảnh hưởng và gây ra thiệt hại kinh tế trực tiếp là hơn 214 tỉ nhân dân tệ (CNY - 1 nhân dân tệ = 3.500 đồng). Số người dân phải di dời tăng 47,3% so với trung bình 5 năm gần nhất, lên đến gần 4,7 triệu người, song số tử vong giảm 49,8%, với 271 người chết và mất tích.
Ngay từ năm 1998, Sách trắng quốc phòng Trung Quốc đã nhấn mạnh nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ và ứng phó thiên tai như một trụ cột của quân đội. Theo đó, PLA (Quân đội giải phóng nhân dân Trung Quốc) có trách nhiệm "giải cứu và sơ tán dân chúng mắc kẹt vì thiên tai ; đảm bảo an toàn cho các cơ sở hạ tầng quan trọng ; bảo đảm tài sản và trang thiết bị ; tham gia vào các chiến dịch đặc biệt như sửa chữa cầu, đường, hầm khẩn cấp, tìm kiếm cứu nạn trên biển, kiểm soát dịch bệnh, và hỗ trợ y tế ; loại bỏ và kiểm soát các mối đe dọa lớn ; và hỗ trợ chính quyền địa phương tái thiết hậu thiên tai".
Các chiến dịch quân sự không phục vụ chiến tranh được quy định thành trách nhiệm bắt buộc với PLA, và đưa vào đánh giá năng lực tác chiến. PLA cũng đã điều chỉnh chương trình huấn luyện, cơ chế chỉ huy – mệnh lệnh và quy trình triển khai quân tương ứng theo đó, tăng cường chuyên môn ứng phó thiên tai cho các lực lượng chuyên trách, và đẩy mạnh những hoạt động nhân đạo/đối phó thiên tai.
Như vậy, ngay cả quân đội như PLA cũng không tâm thế "chống" như Việt Nam, mà đó là biết "ứng phó" theo những nguyên tắc quản trị thiên tai chung : "phòng" để "tránh", chứ không phải để "chống" !
Con người không thể ngăn chặn thiên tai, nhưng có thể ngăn nó biến thành một thảm họa, bằng cách giảm thiểu tác động, nghiên cứu về nguy cơ, hợp tác với nhau, xem xét các chính sách và giúp cộng đồng có khả năng chống chọi tốt hơn ; tăng cường đầu tư, quy hoạch đô thị tốt hơn, nâng cao nhận thức, cập nhật kiến thức khoa học, giáo dục, sự tham gia của cộng đồng… sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng và tiết kiệm tiền bạc.
Nói cách khác, việc xây dựng hệ thống quản lý tốt rủi ro thiên tai sẽ góp phần bảo đảm một tương lai thịnh vượng và an toàn. Đây chính là điều mà "Đảng – Nhà nước" của Việt Nam cần cầu thị để có những thay đổi thích hợp trong quản trị quốc gia.
Khánh Hòa
Nguồn : VNTB, 03/11/2020
**********************
Hiền Vương, VNTB, 03/11/2020
Ngày 2/11, tại buổi thảo luận tổ về tình hình kinh tế – xã hội theo chương trình kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã đề cập đến vấn đề quản lý an toàn, vận hành hồ chứa thủy điện.
Theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong bối cảnh thay đổi thời tiết, biến đổi khí hậu với tính dị thường và cực đoan ngày càng lớn, chúng ta đã chứng kiến những cơn bão liên tục đổ bộ vào miền Trung, kèm theo đó là lượng mưa lớn và kéo dài.
"Do đó, việc ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và và bão lụt, bảo đảm an toàn của hồ thủy điện, hồ chứa nước, hồ thủy lợi là nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của Chính phủ với các bộ ngành" – Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, nói.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã dẫn báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng chống thiên tai Trung ương để nói về tính dị thường và cực đoan của thời tiết. Theo đó, tại miền Trung có khu vực có lúc lưu lượng mưa đạt đến đỉnh 2.000 mm thậm chí 3.000 mm.
"Với thời gian lưu bão lâu và lượng mưa lớn, liên tục tại khu vực miền Trung, trong khi đây là khu vực địa chất yếu dẫn đến hiện tượng đất lở, sụt lở gây tai nạn rất thương tâm như tại Rào Trăng 3, Trà Leng…" – lãnh đạo Bộ Công Thương đánh giá.
Chia sẻ về quy hoạch và vận hành thủy điện nhỏ và vừa trên các hệ thống sông ở miền Trung và Tây Nguyên, Tiến sĩ Tô Văn Trường – chuyên gia độc lập về tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi Miền Nam, biện giải : "Khu vực miền Trung với điều kiện tự nhiên mưa lũ lớn, lại có địa hình lòng sông hẹp và độ dốc dọc lớn, qua nghiên cứu cho thấy việc xây dựng các hồ chứa để chống lũ lớn là rất khó khăn do phải xây dựng đập rất cao, không khả thi về kinh tế và tác động tiêu cực lớn đối với môi trường – xã hội".
Tiến sĩ Tô Văn Trường cho biết. đối với các công trình thủy điện vừa và nhỏ, do chủ yếu nằm trên các lưu vực sông nhánh hoặc suối với diện tích lưu vực nhỏ, độ dốc lớn với dung tích hồ chứa rất nhỏ nên hiệu quả cắt giảm lũ không đáng kể.
Tiến sĩ Toán học Nguyễn Ngọc Chu cho rằng trên thực tế, thông qua việc xây dựng thủy điện nhỏ có tiềm ẩn tình trạng lợi dụng việc phá rừng xây thủy điện để khai thác gỗ. Thủy điện nhỏ là thuộc địa phương quản lý nên việc kiểm tra cũng phụ thuộc vào địa phương nên khi làm thủy điện nhỏ, người ta còn nghĩ đến việc lấy thêm rừng.
"Quy hoạch năng lượng thủy điện khoảng 25.500 MW, trong khi các nhà máy đang vận hành đã sản xuất được 18.500 MW ; dự kiến 143 dự án đang triển khai có công suất khoảng 1.800 MW. Như vậy, còn khoảng 5.000 MW trong quy hoạch – đây rõ ràng là con số quá nhỏ và chúng ta hoàn toàn có thể thay thế được từ nguồn năng lượng khác thay vì hướng vào thủy điện" – ông Chu phân tích.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và môi trường, ông Trần Hồng Hà có ý kiến mang tính trung dung : "Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nói về vấn đề này. Quan điểm của Bộ Tài nguyên và môi trường là đối với các nhà máy thủy điện phụ thuộc vào thiết kế nó mới đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu.
Như các nhà máy thủy điện lớn hiện nay giải quyết rất tốt bài toán về cắt lũ, điều tiết để cung cấp nước cho mùa hạn còn những thủy điện nhỏ thì không đáp ứng được yêu cầu đó. Như vậy, các nhà máy thủy điện phải tuân thủ quy chế về điều tiết, đảm bảo an toàn.
Ở góc độ Bộ Tài nguyên và môi trường thì thủy điện bao giờ cũng có 2 mặt. Chúng ta không khuyến khích phát triển bằng mọi giá thủy điện nhỏ. Chúng ta đã giảm được trên 400 các thủy điện nhỏ trong thời gian vừa qua. Quốc hội đã khóa XIII thảo luận, Bộ Tài nguyên và môi trường và các bộ, ngành đã tham mưu cắt giảm thủy điện nhỏ. Trong thời gian sắp tới, chúng ta hết sức thận trọng khi xây các thủy điện con".
Mặc dù, chưa có sự thống nhất chung quốc tế về định nghĩa thế nào là thủy điện quy mô nhỏ. Ở Canada, thủy điện nhỏ được xác định từ 20 – 15 MW, ở Mỹ và Việt Nam là dưới 30 MW, nhưng phần lớn các nước trên thế giới định nghĩa thủy điện nhỏ có công suất lắp máy là 10 MW.
Đáng chú ý, các nước trên thế giới hiện nay xem thủy điện nhỏ như một dạng năng lượng sạch. Nguyên nhân là do những công trình này được xây dựng trên các sông suối nhỏ ở vùng núi, chỉ có các đập chắn nhỏ, không tạo nên các hồ chứa, không làm ngập đất đai, không làm thay đổi sinh thái dòng sông, không phải di dân, tái định cư, không phá rừng hoặc rất ít tác động đến rừng.
Đại diện Bộ Công thương nhìn nhận ở Việt Nam, đa số nhà máy thủy điện nhỏ nhưng được xây dựng trên sông suối những con đập cao, tạo nên hồ chứa lớn để tận dụng, tăng công suất phát điện. Do vậy các công trình này dù nhỏ nhưng vẫn đang lấy đi rất nhiều diện tích rừng, và gây ra những tác động xấu đến môi trường. Điều này hoàn toàn trái với tiêu chí của một thủy điện nhỏ được xem là một dạng năng lượng sạch như các nước trên thế giới.
Đơn cử như thủy điện Rào Trăng 3, công suất 11 MW, về sau thay đổi thiết kế, nâng công suất lắp máy lên 13 MW, dự án đã được Bộ Tài nguyên và môi trường phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm 2019, diện tích đất sử dụng là hơn 46 ha, trong đó có nhiều diện tích là rừng.
Hay thủy điện nhỏ Hố Hô (14 MW tại giáp ranh Quảng Bình – Hà Tĩnh). Dự án được xây ở thượng nguồn sông Ngàn Sâu, khống chế diện tích lưu vực 278,6 km2, có đập cao đến 49m, hồ chứa có diện tích 265,26 ha, dung tích 38 triệu m3.
Trong lúc đó thì địa chất Miền Trung là đất yếu. Khi mưa lớn thì nguy cơ trượt đất, sạt lở rất cao. Bình thường đã như thế rồi, khi có tác động san đất, xẻ núi, làm đường, xây dựng, đặc biệt là các công trình thủy điện thì lại càng tác động đến kết cấu địa hình, nguy cơ càng lớn hơn.
Rừng bị lấy đi quá nhiều cũng là nguyên nhân làm cho lũ lụt ngày càng gia tăng. Theo nhiều chuyên gia, thủy điện có thể không làm tăng lũ, nhưng rừng bị mất đi khiến lũ dữ hơn và tàn phá nặng nề hơn. Lũ lụt xảy ra thường xuyên và tàn khốc hơn còn do các nhà máy thủy điện xả lũ vì nguy cơ vỡ đập trong mùa mưa bão.
Những ngày này, người dân miền Trung gồng mình chống chọi với những đợt mưa lũ lịch sử liên tiếp, đã chịu thiệt hại nghiêm trọng cả người và tài sản. Nguyên nhân chính được lý giải là bởi thiên tai ngày càng cực đoan và khó lường. Nhưng đâu chỉ có thế ! Hàng loạt thủy điện nhỏ xả lũ cấp tập, khiến những dòng nước cuồn cuộn thêm xiết, cuốn phăng mọi thứ trên đường từ thượng nguồn đổ về hạ du.
Điều này cần được giải quyết một cách căn cơ chứ không thể dừng lại ở nội dung của những phiên họp hành ‘rút kinh nghiệm’.
Trên thực tế, thủy điện nhỏ vẫn đang mọc tràn lan. Theo kết quả rà soát, đến nay, số lượng thủy điện nhỏ đã đưa vào vận hành phát điện là 342 công trình (tổng công suất 3.582MW), số lượng đang tiếp tục được thi công xây dựng là 158 dự án (2.122MW) ; khoảng 300 dự án (3.121MW) đang được nghiên cứu đầu tư ; chưa nghiên cứu đầu tư là 69 dự án (hơn 622MW).
Hiền Vương
Nguồn : VNTB, 03/11/2020
Câu trả lời dễ được cho là ‘phạm thượng’, và cũng dễ đối mặt với án hình sự về tội danh nào đó cho chuyện đơm đặt, gây mất uy tín lãnh đạo.
Các đại biểu đạt đồng thuận cao tại đại hội đại biểu lần thứ 22 Đảng bộ huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ảnh : Tổ Quốc
Bài viết này xin được ‘chấp nhặt’ đôi nhận định của chính khách từng trong bộ máy công quyền, qua đó để bạn đọc có thể lựa chọn một lý giải thích hợp.
"Người có đức mà không có tài thì dễ trì trệ ; người có tài mà không có đức thì dễ hỗn loạn. Ở đời hỗn loạn còn khổ hơn trì trệ – nguyên Bộ trưởng Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp viết" – trích bài báo "Cái tài của người lãnh đạo là quy tụ nhân tài", đăng trên báo điện tử VietnamNet (1).
Viết tắt của Thông tin và truyền thông là Thông tin và Truyền thông. Người đứng đầu một bộ chuyên trách về tin tức như vậy, ắt am tường cả những điều nên và không nên nói chốn hậu trường chính trị.
Cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp, viết : "Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Có tài mà không có đức thì làm việc gì cũng rối. Đức là điều kiện cần, tài là điều kiện đủ. Đức là vùng đất tốt, tài là hạt giống tốt. Hạt giống tốt gieo trên vùng đất tốt sẽ cho năng suất cao nhất. Đức là sự tín nhiệm của dân. Tài là sự kính trọng của dân. Cha ông ta đã dạy : "Quan đần dân khổ". Sẽ rất khó để tìm ra một mô hình quan dốt mà dân sướng".
Trên báo điện tử VietnamNet, chuyên mục "Thời sự chống tham nhũng" có bài báo thể loại tường thuật, "Kỷ luật sáu ủy viên, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, Trung ương trong nửa năm" (2).
Mở đầu bài báo là "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho biết, trong 6 tháng đầu năm, đã kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị ; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng". (…)
"Điều này khẳng định mạnh mẽ quyết tâm chống tham nhũng "không có vùng cấm, không có ngoại lệ" của Đảng, Nhà nước ; kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng, góp phần phục vụ công tác nhân sự đại hội đảng các cấp, được nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói".
Nội dung các phát biểu này là tường thuật về phiên họp thứ 18 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tiến hành kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác 6 tháng đầu năm 2020 ; cho ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2020.
Theo đó, từ sau phiên họp thứ 17 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng đến nay, đã xử lý dứt điểm 6 vụ án, bổ sung mới 1 vụ án ; khởi tố mới 13 vụ án/16 bị can ; phục hồi điều tra 3 vụ án/5 bị can ; mở rộng điều tra, khởi tố thêm 55 bị can trong 11 vụ án ; kết thúc điều tra 11 vụ án/63 bị can ; ban hành cáo trạng truy tố 7 vụ án/44 bị can ; xét xử sơ thẩm 9 vụ án/27 bị cáo, xét xử phúc thẩm 6 vụ án/47 bị cáo.
Thử dừng lại mốc thời gian 6 tháng đầu năm, khi cả nước căng mình chống đại dịch Covid, thì Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng do Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đứng đầu, đã kịp kỷ luật 1 ủy viên Bộ Chính trị, 1 nguyên ủy viên Bộ Chính trị ; 4 ủy viên, nguyên ủy viên Trung ương Đảng. Như vậy, có thể coi đây là cái tài của người lãnh đạo trong việc trị tham nhũng ?
Gác qua mọi định kiến chính trị, khi đã gọi là một người có tài lãnh đạo, thì người đó cần hiểu rõ các phần việc chức trách của từng cơ quan trong bộ máy quản trị quốc gia.
Liên quan đến án tham nhũng trong đảng chính trị, thì đó là phần việc độc lập của viện kiểm sát, tòa án. Nếu như người đứng đầu ở đảng chính trị can dự vào việc kiểu như "thống nhất quan điểm xử lý", hóa ra sắp tới đây là những phiên xét xử với mức án dạng ‘bỏ túi’ của ‘báo cáo án’ – ‘duyệt án’ – ‘trao đổi án’ rất quen thuộc trong hệ thống tố tụng ở Việt Nam.
Chưa vội đao to búa lớn đến tận cấp trung ương Bộ Chính trị, giới thầy cãi ở Việt Nam luôn phải thúc thủ đối với những vụ án mà đã được lãnh đạo cấp địa phương đánh tiếng trước "yêu cầu phải xử nặng, hoặc phải xử nhẹ…". Dĩ nhiên tòa, viện kiểm sát, công an thì ai đủ gan để mà cãi lại lãnh đạo đây ?
Công an thì chắc chắn là không. Bởi vì lãnh đạo công an tỉnh muốn được đề bạt thì cũng phải hiệp y với tỉnh ủy. Cán bộ viện kiểm sát, tòa án cũng thế. Nếu như cấp ủy đảng chính quyền địa phương có ý kiến không đồng thuận, thì việc bổ nhiệm coi như chấm dứt…
Trở lại với bài viết của cựu bộ trưởng Lê Doãn Hợp : "Một cán bộ có tài là phải có sản phẩm cụ thể được đo đếm qua từng chức danh lãnh đạo của mình. Đảng ta có một số cán bộ đi qua khá nhiều chức danh nhưng chưa rõ sản phẩm, thành quả được tạo ra như : mức tăng thu ngân sách, giá trị sản xuất tăng thêm, công trình phúc lợi công cộng để lại, đội ngũ cán bộ trưởng thành được dân tín nhiệm cao v.v…".
Giả dụ như ở đại hội lần thứ 13 của đảng cộng sản Việt Nam, thiên hạ chứng kiến hình ảnh vị tổng bí thư hôm nay bất chợt lâm cảnh rủ áo công hầu khanh tướng, thì phải chăng lịch sử sẽ chỉ ghi nhận ông là người đốt lò vĩ đại nhất của đảng ?
Trong suốt hai nhiệm kỳ làm người đứng đầu, thành quả chung cuộc ở những năm cuối nhiệm kỳ, là đã đưa rất nhiều đồng chí của mình vào cảnh tù tội. Vậy, đây là người lãnh đạo có tài ra sao, nếu hiểu từ cách lập luận của một đảng viên – cựu bộ trưởng Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp ?
***
"Có một thực tế là : Một số sai phạm của cán bộ dân đều biết mà các cơ quan công quyền của chúng ta lại biết quá muộn, đến lúc đổ vỡ buộc phải xử lý thì tổn thất quá lớn cả thiệt hại về kinh tế, mất cán bộ và suy giảm niềm tin của dân với Đảng. Tất cả đều do bệnh né tránh hữu khuynh của cán bộ không dám nói vì thiếu dũng khí và bản lĩnh" – cựu bộ trưởng bộ Thông tin và truyền thông Lê Doãn Hợp, nhận định trước thềm Đại hội 13 của Đảng.
Xuân Minh
Nguồn : VNTB, 27/07/2020
Chú thích :
(1)https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/cai-tai-cua-nguoi-lanh-dao-la-quy-tu-nhan-tai-660286.html
(2)https://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/chong-tham-nhung/ky-luat-6-uy-vien-nguyen-uy-vien-bo-chinh-tri-trung-uong-trong-nua-nam-660745.html
Diễn đàn "Người Việt có tầm ảnh hưởng toàn cầu" (Vietnam Global Leaders Forum - VGLF) lần đầu tiên được tổ chức ở Paris - Pháp vào hai ngày 30 và 31/3 vừa rồi, với sự tham dự của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã cho thấy một dấu hiệu thực sự tích cực trong chiến lược thu hút nhân tài, một chiến lược lâu dài của Việt Nam suốt nhiều năm qua.
Đánh giá đúng vai trò của người Việt ở hải ngoại, trân trọng tài năng và đóng góp của họ cho thế giới là một bước mở để nhân tài nhận ra rằng Chính phủ đang trọng vọng họ thế nào.
Vì sao nhân tài bỏ chạy ? - "Không có nhân tài thì không thể phát triển đất nước. Nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì càng khiến đất nước suy yếu" (Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc). Ảnh minh họa
Từ thông điệp "chọn người tài chứ không chọn người nhà" đến khẳng định gần đây nhất của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc rằng : "Không có nhân tài thì không thể phát triển đất nước. Nhưng có nhân tài rồi mà không trọng dụng thì càng khiến đất nước suy yếu".
Thủ tướng nhấn mạnh, Đảng và Nhà nước luôn coi trọng đội ngũ trí thức, nhân tài ; luôn mong muốn phát huy tốt nhất tiềm năng của đội ngũ tri thức trong và ngoài nước để trở thành nguồn lực, sức mạnh cho phát triển đất nước, nâng cao hơn nữa vị thế quốc gia.
Song, Thủ tướng cũng không khỏi băn khoăn, trăn trở về chuyện sử dụng nhân tài như thế nào và làm sao để trí tuệ, năng lực người Việt được tỏa sáng, đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước. Thủ tướng nói, đó là vấn đề lớn.
Hiện nay, những chính sách, chiến lược để thu hút người tài đã bắt đầu được đề cập và triển khai khá mạnh mẽ ở nhiều nơi. Như ở Thành phố Hồ Chí Minh, người có tài năng đặc biệt sẽ được thưởng thấp nhất là 50 triệu đồng và tối đa là một tỷ. Hàng loạt các địa phương khác cũng có chính sách "trải thảm đỏ" cho nhân tài.
Chúng ta thỉnh thoảng cũng đọc được ở đâu đó rằng, có những trí thức trẻ sẵn sàng từ bỏ thu nhập ngất ngưởng ở xứ người để trở về phục vụ đất nước… Đó là một tín hiệu mới tích cực.
Nhưng song song với đó, chúng ta vẫn phải nhìn nhận một thực tế rằng, vấn đề thu hút nhân tài và giữ chân nhân tài vẫn là một vấn đề nhiều trăn trở. Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ về trường hợp của Giáo sư Trương Nguyện Thành vì không đủ chuẩn làm hiệu trưởng Trường Đại học Hoa Sen (theo Luật Giáo dục của Việt Nam) nên ông đã khăn gói trở về Mỹ. Nhiều người đánh giá rằng, đây là một sự đáng tiếc của ngành giáo dục và gây mất niềm tin đối với việc thu hút nhân tài của Việt Nam.
Sự việc đáng tiếc của "Giáo sư quần đùi" cho thấy một thực tế đang tồn tại rằng, một mặt ta nói thu hút nhân tài là tạo cơ chế để nhân tài phát huy nhưng một mặt, ta lại đang bắt nhân tài phải "chui" vào cái cơ chế hiện hữu của mình. Đó là một nghịch lý mà nó sẽ khiến cho những người khác ở bên ngoài nhìn vào đánh giá.
Ví như một người như Giáo sư Trương Nguyện Thành còn không được làm hiệu trưởng của một trường đại học tư ở Việt Nam, trong khi ông ấy có thể làm hiệu trưởng ở Mỹ được thì… !
"Trải thảm đỏ cho nhân tài về nước", người ta đã nói về điều này hàng chục năm qua, nhưng cho đến nay nhiều nhân tài vẫn không thể nhìn thấy "thảm đỏ" đó là như thế nào ? Phải chăng những chính sách thu hút nhân tài của chúng ta chưa đúng ? Giáo sư Trương Nguyện Thành và rất nhiều nhân tài khác cần gì ? Vì sao họ "tắc đường" và quyết định không ở lại Việt Nam ? Có phải vì chính sách đãi ngộ kém ?
Tất nhiên trước tiên, chính sách đãi ngộ phải đủ để nhân tài yên tâm cống hiến. Song, đó không phải là điều kiện đủ để giữ chân nhân tài bởi nếu nói về đãi ngộ thì các công ty tư nhân, công ty nước ngoài, các tập đoàn kinh tế lớn sẽ có chế độ tốt hơn rất nhiều so với khu vực nhà nước.
Như vậy, cách giữ chân nhân tài phải là những thứ khác chứ không liên quan đến tiền. Đó có thể là cách quản lí, sử dụng nhân tài, là môi trường làm việc có tính kích thích để họ cống hiến, thậm chí để họ chủ động và sáng tạo trong công việc ; có chiến lược hoạch định để nhân tài thăng tiến…
Trong một lần đến Việt Nam diễn thuyết, "cha đẻ marketing hiện đại" Philip Kotler, từng nhấn mạnh rằng : Để thu hút khách hàng tốn 1, nhưng để giữ chân khách hàng tốn đến 3. Giữ chân khách hàng, hay giữ chân nhân tài, đều khó hơn việc thu hút.
Có thể, chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài vào bộ máy công quyền hay các cơ quan khoa học, sự nghiệp ở các địa phương hiện nay là khá tốt. Song, phải chăng chúng ta vẫn đang có một sự nhầm lẫn giữa thu hút bằng chế độ đãi ngộ và chuyện tạo môi trường để giữ chân họ ?
Năm trước, thống kê về chiến lược thu hút nhân tài ở Đà Nẵng đã có một sự phản hồi rất buồn, lần lượt có hàng chục người tài đã… bỏ chạy ! Mặc dù báo cáo của các sở ngành, đơn vị liên quan đều cho rằng đã "bố trí công việc phù hợp với trình độ, chuyên ngành đào tạo, các học viên đều hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ".
Nhưng đó chỉ là ý từ một phía, còn câu hỏi đặt ra là : Vậy thì vì sao vẫn có nhiều nhân tài sẵn sàng từ bỏ chế độ được đãi ngộ để ra bên ngoài ? Phải chăng những người có năng lực, có chí tiến thủ thật sự nhìn thấy môi trường làm việc không còn phù hợp thì phải tìm hướng đi mới để phát triển khả năng thay vì ở lại chỗ cũ để ngày càng mai một ?!
Vậy thứ mà người tài cần nhất là môi trường để phát huy hết khả năng, tạo dựng sự nghiệp, danh tiếng cho bản thân chứ không phải vì tiền. Và đó cũng đang là cái thiếu của nhiều nơi.
Trong một hội thảo về thu hút nhân tài diễn ra trong năm 2018, một trí thức đã nói rằng, yếu tố môi trường làm việc cực kỳ quan trọng. Anh lấy ví dụ, Silicon Valley thành công được là vì không chỉ có một nhóm nghiên cứu, mà mỗi công ty có hàng chục nhóm nghiên cứu.
Ở đó, có hàng chục công ty lớn, hàng nghìn công ty nhỏ, cộng thêm các trường đại học lớn ở xung quanh. Nó là cả một môi trường, chứ không phải một người hay một công ty.
Từ chuyện nhiều người tài ở Đà Nẵng và nhiều chuyện khác về nhân tài, có thể rút ra một điều, môi trường làm việc với nhân tài mới là yếu tố giữ chân được họ. Nhưng tiếc rằng, trong các đề án thu hút nhân tài của nhiều tỉnh thành hiện nay chỉ thấy kèm theo mức thưởng, hỗ trợ ban đầu chứ chưa thấy đề án nào hứa hẹn một môi trường làm việc chuyên nghiệp cả.
Tạo dựng được môi trường làm việc thông thoáng cho nhân tài còn quan trọng hơn quy định về mức thưởng, phụ cấp. Nhân tài, nếu không có đất để dụng võ thì cũng sẽ trở thành vô dụng và họ phải tháo chạy là chuyện đương nhiên !
Hoàng Lãm
Nguồn : An Ninh Thế Giới, 13/04/2019
Tránh bỏ sót nhân tài và để lọt lưới những kẻ bất tài, vô hạnh, rồi kéo bè, kéo cánh, tạo thành ê kíp gia đình trị...
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội Lê Thanh Vân tỏ rõ lo lắng về công tác cán bộ hiện nay. Từ quan sát ông đúc rút, công tác cán bộ đang bộc lộ nhiều vấn đề đáng quan ngại, mà từ trước đến nay chưa từng diễn ra.
Vì sao cán bộ không đủ chất lượng như Trịnh Xuân Thanh lại dễ dàng lọt qua bao nhiêu vòng, có cả một quy trình hợp thức hóa ? Rồi chuyện cả họ làm quan, đề bạt, bổ nhiệm không khách quan... tất cả cần có giải pháp ngăn chặn.
"Nếu không đẩy lùi cho đến khi chấm dứt thì cơ chế chính trị của Đảng, Nhà nước sẽ bị tác động rất mạnh, đe dọa sự tồn vong của chế độ" - ông chia sẻ.
Đại biểu quốc hội Lê Thanh Vân. Ảnh : Hoàng Anh
Quy định còn có kẽ hở
Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến công tác cán bộ đang nổi lên nhiều vấn đề chưa từng có như ông vừa đúc rút ?
- Nguyên nhân sâu xa chính là ý thức chính trị, tinh thần yêu nước, trách nhiệm vì cái chung trong mỗi cán bộ chưa cao. Cái tôi còn quá lớn.
Cái tôi thể hiện ở việc tự đề cao vai trò của mình, lòng tham và sự nhũng nhiễu thông qua công tác cán bộ. Cái tôi là vơ vét về cho mình, cho gia đình, họ hàng mình, trước hết là quyền lợi về chính trị, sau đó là trục lợi trong việc bố trí sắp xếp nhân sự.
Rõ ràng, tình hình rất đáng cảnh báo ở cấp độ cao, nên việc chăm lo, củng cố công tác chính trị, tư tưởng, xây dựng hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước có lẽ là mối lo đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải tập trung giải quyết.
Gốc rễ của mọi công việc chính là cán bộ, an nguy xã tắc cũng chính là cán bộ.
Có kẽ hở nào từ các quy định của pháp luật dẫn đến hiện tượng nổi cộm trong công tác cán bộ năm qua không ?
- Thể chế và các quy định của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước đã đề cập khá toàn diện về công tác tổ chức, cán bộ của bộ máy. Nhưng, người vận hành quy định ấy không trong về cái tâm, không sáng về cái trí, cộng với sự tác động của nhiều lợi ích dẫn đến công tác nhân sự còn nhiều sai phạm.
Một là, người ta nhận thức không đầy đủ, suy nghĩ còn giản đơn, dẫn đến làm sai quy định. Đây là lỗi vô ý, phản ánh chất lượng, năng lực cán bộ chưa đạt yêu cầu.
Hai là, người ta biết rõ các quy định, nhưng luồn lách, hợp thức hóa và bây giờ đang trở thành điều mà dư luận chế nhạo, đó là "đúng quy trình". Đây là lỗi chủ quan, cố ý làm trái.
Ba là, một số quy định của Đảng, Nhà nước còn thiếu chặt chẽ, có kẽ hở, nên bị lạm dụng.
Có những sai phạm đã tích lũy từ trước, có những sai phạm đang diễn ra, nếu không ngăn chặn kịp thời, sẽ là nguy cơ gây hậu quả khó lường trong công tác cán bộ.
Vì vậy, bên cạnh việc thể chế hóa nghị quyết trung ương 4 khóa 12, phải đẩy mạnh việc chỉnh đốn công tác tổ chức.
Cán bộ có tài phải hội tụ 3 yếu tố
Để chỉnh đốn công tác tổ chức cán bộ, cần có giải pháp và hành động như thế nào ?
- Trước mắt, cần rà soát lại các văn bản của Đảng, của Nhà nước về quy trình phát hiện, lựa chọn, bố trí, sử dụng cán bộ. Đặc biệt, khâu đánh giá cán bộ phải công khai, công bằng và công minh.
Để có cơ sở đánh giá chính xác tài năng và phẩm hạnh của cán bộ, phải xây dựng các bộ tiêu chí về năng lực trình độ, phẩm chất ; các tiêu chí về tài năng, sự cam kết hoàn thành nhiệm vụ và sự cống hiến "chí công vô tư", "thượng tôn pháp luật".
Tôi rất tâm đắc với lý thuyết về nhân tài 3C (Talent Formula) của Giáo sư người Mỹ Dave Ulrich, Đại học Michigan. Đó là competence - năng lực, contribution - cống hiến và commitment - cam kết.
Rõ ràng, một cán bộ có năng lực và cao hơn nữa là có tài năng, thì phải hội tụ 3 yếu tố đó. Ở chừng mực nào đấy, 3 yếu tố này phản ánh được quy trình phát hiện, lựa chọn để trọng dụng nhân tài.
Nếu chúng ta tiến cử chung chung với việc tập thể tiến cử thông qua bỏ phiếu, mà tập thể đó không trong sáng thì làm sao có thể chọn đúng nhân tài ? Dân chủ phải khách quan trong sáng, còn dân chủ bè phái thì rất nguy hại.
Ở địa phương, nếu tập thể ban thường vụ cấp ủy giới thiệu ban chấp hành khóa mới để Đại học bầu, thì phải xem tập thể ban thường vụ ấy có mâu thuẫn, bất hòa, có lợi ích nhóm không. Đặc biệt là vai trò của bí thư tỉnh ủy với trách nhiệm trước Đảng về công tác nhân sự.
Cấp trên phải có nhiều kênh để kiểm tra, giám sát tính minh bạch, không nên tin hẳn vào đề cử của ban thường vụ, ban chấp hành cấp dưới, nhất là ở những nơi có tai tiếng mà báo chí và dư luận đã phanh phui.
Đặc biệt là nhân sự chủ chốt ở các tỉnh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý càng phải xem xét hết sức cẩn trọng, để tránh bỏ sót nhân tài và để lọt lưới những kẻ bất tài, vô hạnh, rồi kéo bè, kéo cánh, tạo thành một ê kíp gia đình trị, hay nhóm lợi ích. Điều này là vô cùng nguy hiểm.
Muốn vậy, phải công tâm lắng nghe dư luận của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở địa phương.
Thu Hằng - Hồng Nhì
Nguồn : VietnamNet, 03/01/2017