Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Asanzo : niềm tin bị đánh tráo

Cánh Cò, RFA, 24/06/2019

Khi câu chuyện của Asanzo lên trang nhất của báo Tuổi Trẻ, người Việt Nam gần như bất động trước sự lừa đảo quá trắng trợn của một tập đoàn nổi tiếng. Asanzo từng được xem như một niềm hãnh diện của hàng hóa chất lượng cao của Việt Nam qua những sản phẩm có vị thế công nghiệp là xu hướng phát triển của đất nước đúng theo slogan "công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

asanzo1

Tập đoàn Asanzo bị Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tước danh hiệu hàng Việt Nam chất lương cao. Ảnh : Dân Trí.

Nhìn dưới đôi mắt của một doanh nghiệp thì việc mua sản phẩm của Trung Quốc lột Bar code thay bằng dòng chữ Made in Việt Nam là chuyện bình thường đối với những thương buôn mua đứt bán đoạn, tiền trao cháo múc rồi ai về nhà nấy. Thế nhưng đối với một doanh nghiệp lên tới cỡ "tập đoàn" thì hành vi này nghiêm trọng dù nhìn chúng ở góc độ nào cũng thấy vi phạm luật pháp, cho dù luật pháp Việt Nam chưa hoàn thiện như các nước tiên tiến cũng không có chỗ cho hành vi lừa đảo và che mắt cả một tập thể người tiêu dùng hơn 90 triệu người.

Asanzo bị tờ Tuổi Trẻ theo dõi trong nhiều tháng và ba bài báo liên tiếp bóc trần con đường mà sản phẩm của nó từ lúc nhập vào Việt Nam qua đường tiểu ngạch cho tới nhập kho, lột Bar code, thêm vào Made in Vietnam, đóng gói lại rồi xuất xưởng cho các đại lý….con đường qua nhiều giai đoạn nhưng được lót ổ từ khi những chiếc container chở đầy ắp máy lạnh, TV, hàng điện máy của Trung Quốc đã dán sẵn nhãn sản phẩm mang tên Asanzo cho đơn vị đặt hàng tại thành phố. Con đường ấy ai biết và bao che đang được giới chức hữu trách điều tra và kết quả cho dù thế nào thì người tiêu thụ sản phẩm Asanzo cũng là người thiệt thòi nhất.

Cái thiệt thòi không phải là đồng tiền mà là sói mòn lòng tin khi đặt vào một doanh nghiệp bán hàng Việt Nam cao cấp. Niềm tin ấy mang theo kiêu hãnh và sự cổ võ cho khuôn mặt Việt trên thương trường thế giới. Asanzo buôn bán hàng giả cho người Việt, vốn bị nhiều thứ giả trong cuộc sống khuấy cho đảo điên, bề bộn hàng ngày.

Có người ví von Asanzo "treo đầu Việt bán thịt Tàu" cũng không sai mấy, chỉ có điều cái đầu Việt ngày càng được truyền thông, lãnh đạo cao cấp nâng lên tận trời khiến cho nó ngày một phình to ra đến nỗi trở thành dị dạng so với ngày đầu tiên nó được giới thiệu một cách e dè và khá khiêm tốn. Lẽ nào truyền thông lẫn các cấp lãnh đạo từng tiếp tay cho nó biến dạng lại phủi tay khi bộ mặt thật của nó lộ ra một cách trơ tráo và đáng buồn như vậy ?

Asanzo không phải là trường hợp duy nhất, trước nó là Khải Silk cũng từng làm cho truyền thông có đề tài bàn luận khi doanh nghiệp này mua lụa của Trung Quốc về thay nhãn Made in Vietnam, bán lẫn lộn với lụa Việt Nam, vốn khó sản xuất mà giá thành lại cao, tung ra thị trướng với những lời có cánh. Vương quốc của Khải Silk sụp đổ nhưng ông vua ấy vẫn còn thời gian thu góp của cải về quê làm "người tử tế".

Nếu Khải Silk bị chế tài bởi pháp luật thì có lẽ ngăn được phần nào con quái vật Asanzo tung hoành trong suốt bao năm nay. Pháp luật không với tay tới sự lừa đảo của Khải Silk bởi không có người chính thức đâm đơn kiện trước tòa án. Viện kiểm sát, cơ quan điều tra xem chuyện lừa đảo này là nhỏ hay đã đưa tay ra cứu Khải Silk để nhận lại sự biết ơn thì không ai biết. Người ta chỉ biết rằng sự im lặng đồng lõa ấy đã tạo cơ hội cho Asanzo cũng như nhiều doanh nghiệp chưa bị lộ khác.

Asanzo chính là khuôn mặt của xã hội Việt Nam hiện nay. Báo chí thi nhau ca tụng khi nó vừa lớn mạnh, nhiều chương trình hỗ trợ, tâng bốc nó để xác nhận vị trí đầu đàn mà nó đang nghiễm nhiên mang trên vai, dân chúng đua nhau mua các sản phẩm mà họ được nghe, thấy trên các trang quảng cáo…..dòng chảy lừa đảo ấy mang lợi nhuận cho Asanzo đã đành, nguồn lợi lớn lao hơn đang chảy vào túi người Trung Quốc, ngồi bên kia biên giới ung dung đếm nhân dân tệ đã được chuyển đổi từ đồng tiền máu thịt của người tiêu dùng Việt Nam.

Hàng Trung Quốc vốn mang tiếng mau hư, sẵn sàng phản chủ bất cứ lúc nào vì vậy khi dán nhãn : "Hàng Việt Nam sản xuất theo công nghệ Nhật Bản", ông chủ Asanzo chỉ làm thêm một động thái kích thích mà người Việt nào cũng có sẵn trong máu "hàng Nhật là nhất thế giới" để đối trọng lại với tai tiếng mà Trung Quốc đang mang trên mình.

Sau bao nhiêu năm chạy theo hàng giá rẻ của Trung Quốc người Việt từ từ nhận ra rẻ nhưng không bền thì mắc hơn cả giá cao nhiều lần. Nhiều gia đình Việt Nam đã dứt khoát nói không với hàng Trung Quốc và mạnh dạn ủng hộ hàng Việt Nam cao cấp. Sự ủng hộ ấy nay lại bị Asanzo dắt mũi khiến cho hàng loạt mặt hàng cao cấp khác của Việt Nam bị ảnh hưởng lây và vì vậy không ít ý tưởng thoát hàng giả, hàng rẻ tiền của Trung Quốc mà nhiều doanh nghiệp đang hướng tới bị chặn đứng một cách oan uổng.

Cho tới nay chính quyền vẫn giữ im lặng, báo chí len lén gỡ bỏ những bài viết ca tụng Asanzo lẫn chủ nhân của nó. Người dân theo dõi với tâm trạng lạc lõng không định hướng, hàng điện máy Asanzo vẫn nằm trên kệ của nhiều đại lý… dòng chảy kỳ lạ của câu chuyện không biết sẽ diễn tiến tiếp như thế nào nhưng xem ra người ta không để ý mấy tới cái gọi là số phận hàng hóa Việt Nam vốn nuôi sống hàng triệu gia đình đang lây lất chống lại cơn sóng dữ từ Trung Quốc.

Và nhất là sự giả trá. Asanzo đã đẩy nó lên một tầm cao mới. 

Cánh Cò

Nguồn : RFA, 24/06/2019 (canhco's blog)

*****************

Hàng Trung Quốc đội lốt hàng Việt chất lượng cao qua vụ Asanzo

Trung Khang, RFA, 24/026/2019

Vào ngày 21/6/2019, báo Tuổi Trẻ trong nước cho công bố loạt bài Điều tra : ‘Asanzo - hàng Trung Quốc 'đội lốt' hàng Việt’. Loạt bài này gây chấn động trong dư luận vì theo quảng cáo của Asanzo thì công ty này sử dụng 'đỉnh cao công nghệ Nhật Bản' để sản xuất hàng điện tử gia dụng và sản phẩm của Asanzo được chứng nhận ‘Hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn’.

asanzo2

Công nhân công ty Asanzo đang làm việc. (Ảnh minh họa) - Courtesy kinhtemoitruong.vn

Theo phóng sự của báo Tuổi Trẻ thì vào cuối năm 2018, hải quan từng phát hiện một doanh nghiệp nhập lò nướng thủy tinh nhãn hiệu Asanzo từ Trung Quốc khai báo gian dối. Từ thông tin này, sự thật dần hé lộ, không chỉ nhập hàng nguyên chiếc khai báo linh kiện, nay Asanzo còn gỡ tem ‘made in China’ rồi dán đè tem ‘xuất xứ Việt Nam’ lên sản phẩm bán ra thị trường.

Ông Lê Văn Triết, nguyên Bộ trưởng Thương Mại, khi trao đổi với RFA hôm 24/6, đưa ra nhận định về thông tin vừa nêu :

"Cái đó tôi nghĩ là bậy, mình lột nhãn người ta rồi mình dán nhãn mình, như thế là việc kinh doanh không chính đáng. Bị phát hiện sẽ phải bị trừng phạt, mà nặng thì theo tôi là mệt mỏi chứ không hề đơn giản. Dù cách nói của anh như thế nào nhưng bản chất của vấn đề là anh làm ăn không sòng phẳng, nên không sớm thì muộn sẽ bị trừng phạt. Nếu ranh mãnh thì có thể có cái lọt, nhưng tôi nghĩ đi đêm có ngày gặp ma".

Đây không phải lần đầu tiên một nhãn hiệu có tiếng tại Việt Nam dùng hàng Trung Quốc giả danh Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao. Vào tháng 10 năm 2017, công ty Khải Silk bị cho là lừa gạt khách hàng vì nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác thương hiệu ‘Khaisilk-Made in Vietnam’ và bán với giá cao đã gây chấn động dư luận. Hành vi gian dối này ảnh hưởng xấu đến môi trường kinh doanh của Việt Nam như thế nào ?

Theo nguyên Bộ trưởng Thương mại, Lê Văn Triết, việc này sẽ ảnh hưởng rất lớn :

"Hành vi đó là chết cho Việt Nam, làm sao mà Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao mà lột nhãn người ta dán nhãn mình, mà cái của người ta có phải ‘chất lượng cao’ đâu mà mình dám đưa vào của mình là ‘chất lượng cao’".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương, hiện sống tại Hà Nội, việc các doanh nghiệp nhập nguyên phụ liệu Trung Quốc về sản xuất là phổ biến tại Việt nam. Ông cho biết, riêng ngành hàng may mặc của Việt Nam hiện nhập khoảng 40% nguyên phụ liệu của Trung Quốc, vì giá rẻ bất ngờ. Ông nói tiếp :

"Việc Asanzo nhập phụ kiện Trung Quốc về lắp ráp cũng nằm trong xu thế như vậy. Chỉ có điều Asanzo lại không gia công thêm, giá trị gia tăng trên đất Việt Nam của Asanzo là quá thấp, mà lại bóc mác ‘Made in China’ và dán mác ‘Made in Vietnam’ vào. Đấy là sự gian lận thương mại, vi phạm quy định về thương hiệu, nhãn hiệu, cần được xử lý…".

asanzo3

Công nhân công ty Asanzo đang làm việc. (Ảnh minh họa) Courtesy TP

Chủ một doanh nghiệp phân phối hóa mỹ phẩm ở Sài Gòn không muốn nêu tên cho biết, đây là một kiểu làm ăn gian lận phổ biến ở Việt Nam, đã xảy ra từ lâu lắm rồi. Người tiêu dùng ở Việt Nam ai biết thì né, không biết thì phải chịu thôi. Ông nói tiếp :

"Ngòai Asanzo còn có những thương hiệu như máy quạt Sun House, Media… họ vẫn để nhãn mác Việt họ bán trong khi xuất xứ Trung Quốc rõ ràng. Đó là bề nổi, còn những lĩnh vực chìm bên trong như lĩnh vực mình phân phối là hóa mỹ phẩm, thì gần như 99% đối tác mua nguyên liệu Trung Quốc rồi về nhà làm, thay đổi nhãn mác thành nhãn Việt hết. Thậm chí có những người Trung Quốc qua bên này mời doanh nghiệp hóa mỹ phẩm, họ chỉ cần mình đứng tên, còn họ làm cho mình hết sản phẩm, bao bì, nhãn mác, tiếng Việt luôn, mình chỉ việc đứng tên. Thật sự là vậy đó".

Theo Tiến sĩ Lê Đăng Doanh, trong thực tế có nhiều hơn một Asanzo, do đó việc kiểm soát cần được tăng cường. Cần phát huy hơn nữa vai trò của các hiệp hội nghề, tức là hiệp hội do các doanh nghiệp tổ chức lại, tự giám sát, sẽ có hiệu quả hơn… Còn Tổ chức Hàng Việt Nam Chất Lượng Cao thì Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng phải rút kinh nghiệm từ chuyện này và có các quy trình giám sát nghiêm ngặt hơn.

Vào ngày 21 tháng 6 năm 2019, sau loạt bài của báo Tuổi Trẻ về gian lận của Asanzo, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã cho báo chí biết việc tước ngay quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao đối với doanh nghiệp ASANZO

Bà Vũ Kim Hạnh, chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã nhận lỗi với người tiêu dùng và các doanh nghiệp làm ăn chân chính về sai sót này.

Theo bà Hạnh, hành vi nhập hàng Trung Quốc ghi xuất xứ Việt Nam đã gây tổn thương nghiêm trọng đến niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam vào hàng Việt, và ảnh hưởng xấu tới uy tín chương trình hàng Việt Nam chất lượng cao.

Bà Hạnh cũng giải thích rõ thêm chỉ có 2 sản phẩm của Asanzo được chứng nhận hàng Việt Nam chất lượng cao là : Tivi và Thiết bị Smart Box (cục bắt tín hiệu truyền hình mặt đất), còn các sản phẩm khác của Asanzo không được người tiêu dùng bình chọn.

Anh Hoa Thanh Vo, một người dân tại Sài Gòn khi trao đổi với phóng viên RFA qua tin nhắn liên quan vấn đề này đưa ra nhận định :

"Nhà Nước Việt Nam hiện nay làm ra rất nhiều cơ quan để phòng chống hàng giả, tôi có thể ví như thế này ‘chỉ cần con ruồi bay qua họ đã biết con đực hay cái’. Vậy tại sao sao hàng Trung Quốc mang nhãn Việt vẫn tồn tại nhiều năm (!?)".

Nguyên Bộ trưởng Thương Mại, Lê Văn Triết, cho rằng nhà nước phải có chính sách rất rõ ràng về đầu tư. Theo ông, vấn đề này rất đa dạng và phức tạp, mà chính sách nhà nước đưa ra chưa tương ứng. Ông nói tiếp :

"Đó là phần nhà nước, còn phần doanh nghiệp thì phải đi vào con đường làm ăn chân chính, không dối trá, tắc trách, tráo trở… Làm ăn làm sao cho thật đàn hoàng, đường lối kinh doanh của mình phải được sát lập trong tất cả các doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào hám lợi làm những chuyện đó thì nhà nước phải có những chế tài. Nếu không có chế tài thì người ta cứ lợi dụng những chuyện như thế để làm giàu. Đã có biết bao nhiêu người và doanh nghiệp làm như vậy mà không bị chế tài, không bị trừng phạt. Tôi cho rằng nhà nước phải chịu trách nhiệm, tức là phải hết sức quyết liệt, chứ không thể nói miệng.Hội nghị đến nói cho nhiều rồi về mạnh ai nấy làm thì không được".

Cho đến cuối ngày 24/6/2019, theo trang thông tin chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chính thức có văn bản yêu cầu Bộ Tài chính, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan xác minh việc Công ty cổ phần Điện tử Asanzo nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại nước khác gắn nhãn xuất xứ Việt Nam để bán ra thị trường Việt Nam.

Theo Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh, Công ty cổ phần Điện tử Asanzo hoạt động theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố Hồ Chí Minh cấp ngày 20/10/2016, sản xuất, kinh doanh các mặt hàng như : smart TV, bếp hồng ngoại, bình đun nước, lò nướng, nồi cơm điện, lò vi sóng, máy xay sinh tố, bàn ủi, máy lạnh, quạt, quạt làm mát và điện thoại đi động.

Trung Khang

Nguồn : RFA, 24/06/2019

*******************

Bộ Công thương Việt Nam ‘khẩn trương kiểm tra’ vụ Asanzo

BBC, 24/06/2019

Bộ trưởng Bộ Công thương Việt Nam Trần Tuấn Anh chỉ đạo tất cả các đơn vị có liên quan trong Bộ rà soát, đánh giá cụ thể về vụ việc của Công ty Asanzo đang gây xôn xao.

asanzo4

Ông Phạm Văn Tam là chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Asanzo

Trước đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Công thương và các cơ quan liên quan "khẩn trương kiểm tra" vụ Asanzo.

Tranh cãi bắt đầu từ khi báo Tuổi Trẻ có loạt bài nói công ty cổ phần điện tử Asanzo Việt Nam nhập khẩu sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc nhưng gắn nhãn xuất xứ Việt Nam.

Cũng có câu hỏi về việc nhập khẩu các linh kiện sản phẩm của công ty này và mức thuế mà Công ty Asanzo đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh đã yêu cầu các cơ quan như Cục Xuất nhập khẩu, Cục Công nghiệp…tiến hành kiểm tra.

Thông cáo của Bộ này nói các đơn vị phải báo cáo kết quả "trong thời gian sớm nhất".

Trang web chính thức của Asanzo hôm 24/6 ra thông cáo trả lời về cáo buộc của báo Tuổi Trẻ.

Asanzo nói báo Tuổi Trẻ "có thể gây hiểu lầm về thương hiệu và sản phẩm mang thương hiệu Asanzo".

Thông cáo này nói Asanzo sử dụng linh kiện, nguyên liệu từ các nhà cung cấp "có chất lượng, giá tốt" ở trong nước và ngoại nhập.

Asanzo khẳng định : "Các linh kiện, nguyên liệu, sản phẩm mà Asanzo nhập khẩu đều thực hiện theo đúng quy định của các cơ quan quản lý nhà nước".

Ông Phạm Văn Tam là chủ tịch kiêm nhà sáng lập tập đoàn Asanzo.

Nội địa hóa ?

Trong bài mới nhất của Tuổi Trẻ, tờ này tường thuật buổi gặp báo Tuổi Trẻ của ông Phạm Văn Tam hôm 22/6.

Theo tờ này, ông Tam nói với báo Tuổi Trẻ rằng tỉ lệ nội địa hóa của tivi Asanzo không phải tính trên từng món linh kiện mà ông tính trên giá tiền hóa đơn đầu vào.

"Nghĩa là trên giá tiền sản phẩm mua vào để làm ra một cái tivi. Nếu tính trên hóa đơn thì giá trị tỉ lệ linh kiện nhập khẩu từ 60-70%. Còn lại khoảng 30-40% là nội địa".

Khi được hỏi tỉ lệ nội địa gồm những gì ? Ông Tam cho biết : "Đó là vỏ nhựa, dây nguồn điện, thùng xốp, bao bì giấy, nhân công lắp ráp... Mấy cái này mình được phép cộng vào. Mình tính thế thôi chứ không muốn tính nhiều hơn, rồi công bố là nội địa hóa đến 80-90%".

Báo Tuổi Trẻ nói họ thắc mắc rằng nếu tỉ lệ nội địa hóa tính trên giá trị gồm những món như vậy thì tỉ lệ linh kiện nhập khẩu gần như 99% ?

Cũng theo tờ này, ông Tam trả lời họ : "Đúng. Gần như là mình nhập 100%. Bên mình chỉ là khâu đầu - cuối, mình ráp lên, kiểm tra sản phẩm đạt thì cho ra thị trường".

Liên quan phản ánh của Tuổi Trẻ về việc Asanzo ghi xuất xứ Việt Nam, made in Việt Nam trên sản phẩm bán ra thị trường, ông Tam chia sẻ : "Bản thân tôi cảm nhận là Asanzo tự lắp ráp rồi có các nhà cung cấp Việt Nam họ cung cấp thì mình ghi xuất xứ Việt Nam. Chứ chưa có văn bản nào ghi chính thức, hướng dẫn các doanh nghiệp như chúng tôi là hàng lưu hành nội địa có được ghi xuất xứ Việt Nam hay không ?"

"Tôi có tìm hiểu, nhưng cơ quan nhà nước chỉ hướng dẫn với hàng xuất khẩu chứ không nói hàng tiêu thụ nội địa", ông Tam nói, theo tờ Tuổi Trẻ.

*******************

Công nghệ ốc vít, hàng Trung Quốc thành hàng Việt chất lượng cao lừa dân

Trần Thủy, VietnamNet, 25/06/2019

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc rồi tháo rời thành linh kiện nhập về, hoặc bắt tay nhau chia ra nhập một số bộ phận của cùng nhà sản xuất về lắp ráp ghi Made in Vietnam, vừa trốn thuế vừa lừa người tiêu dùng.

Công nghệ vặn ốc vít

Ông Phạm Thành Trí từng là chủ nhân của thương hiệu tivi VVC, đã thôi kinh doanh sản phẩm này cách đây hơn 10 năm, cho hay Quảng Châu, Phật Sơn, Thâm Quyến, thuộc tỉnh Quảng Đông nhiều năm trước là trung tâm lớn về sản xuất hàng gia dụng tại Trung Quốc .

Tại đây có những cơ sở sản xuất tivi, điều hòa, tủ lạnh,... có thể đáp ứng nhu cầu khách hàng từ A-Z. Nếu khách hàng muốn mua một số linh kiện để lắp cho sản phẩm của mình họ cũng có thể đáp ứng, nếu mua sản phẩm hoàn chỉnh họ cũng sẵn sàng. Nếu khách hàng muốn có thiết kế riêng về sản phẩm nhưng không có khả năng thực hiện, họ cũng nhiệt tình "giúp đỡ".

asanzo5

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đặt hàng sản xuất tại Trung Quốc rồi tháo rời thành một vài nhóm linh kiện nhập về nước.

Có rất nhiều doanh nghiệp từ các tỉnh xa xôi của Trung Quốc như Sơn Đông, Thanh Hải,... cũng đến đây đặt hàng rồi mang về điạ phương tiêu thụ. Đa số các doanh nghiệp này chỉ nắm thương hiệu, còn từ thiết kế đến sản xuất ra sản phẩm cuối cùng đều trông cậy vào nhà cung cấp.

Ngoài cung cấp cho các doanh nghiệp trong nước, các nhà máy ở đây cũng bán cho những doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Việt Nam. Như đã biết, ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam rất yếu kém, vì vậy việc tìm mua những linh kiện trong nước là không thể, có chăng chỉ là vỏ các ton, hộp xốp và một vài chi tiết nhựa giản đơn.

Cho nên, các doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng phải mua tất cả từ nhà cung cấp nước ngoài. Điều này ai cũng rõ. Không nhất thiết phải sản xuất tất cả tại Việt Nam, nhưng vấn đề quan trọng là các doanh nghiệp phải làm chủ về công nghệ, nắm về thiết kế sản phẩm, rồi đặt mua linh kiện từ các nhà cung cấp nước ngoài theo ý mình, phục vụ cho việc lắp ráp sản phẩm.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp nhỏ Việt Nam không làm chủ được công nghệ, không thiết kế được sản phẩm nên phải nhờ toàn bộ nhà cung cấp làm cho. Khách hàng có thể đặt họ sản xuất ra một chiếc tivi hoàn chỉnh, nhưng không lắp thành sản phẩm mà để ở dạng rời, đóng gói xuất về Việt Nam, sau đó mới lắp ráp. Những sản phẩm này còn được nhà sản xuất đánh dấu sẵn vị trí, để khi về cứ nhìn vào đó mà vặn ốc vít cho thuận tiện. Thậm chí cả bao bì, muốn in tiếng Việt như thế nào, họ cũng sẵn sàng làm hết.

asanzo6

Nhiều mặt hàng lắp ráp ở Việt Nam thực chất toàn linh kiện do Trung Quốc sản xuất 

Cho đến nay, nhiều doanh nghiệp kinh doanh hàng tiêu dùng của Việt Nam vẫn làm theo cách này. Có những doanh nghiệp không hề có nhà máy, không sản xuất bất cứ thứ gì trong nước, nhưng hàng năm vẫn cho ra thị trường hàng trăm ngàn chiếc tivi, máy điều hòa,... Sản phẩm như vậy không thể coi là hàng sản xuất tại Việt Nam, nhưng vẫn ghi Made in Viet Nam. Vì thế, nếu Asanzo ghi trên sản phẩm là Made by Asanzo thì có lẽ không vấn đề gì, bởi câu chuyện OEM (sản xuất theo thiết bị gốc) đang phổ biến trên thế giới.

Phù phép thành hàng Việt Nam

Cái chết ở đây là cứ bóc nhãn Made in China để ghi Made in Vietnam vào, thậm chí còn gửi hồ sơ xin công nhận là hàng Việt Nam chất lượng cao. Vì sao phải làm như vậy ? Bởi vì như vậy mới bán được hàng, nếu ghi Made in China thì rất khó bán. Hơn nữa, nhập linh kiện về lắp ráp thì được hưởng thuế thấp hơn nhập sản phẩm nguyên chiếc. Làm theo cách này sẽ né được thuế, về nước chỉ cần công nghệ vặn ốc vít là ra đời sản phẩm. Nhưng với cách làm này, các doanh nghiệp đang lừa dối người tiêu dùng và gian lận những khoản thuế lớn, giúp giữ giá bán thấp mới tiêu thụ được hàng hóa. Nếu chiếc tivi Asanzo đang bán 3,8 triệu đồng mà nhập nguyên chiếc, chắc chắn giá sẽ cao hơn từ 15-20% nên khó cạnh tranh.

Cũng không chỉ có hàng tiêu dùng, các sản phẩm thời trang, dệt may cũng tương tự. Câu chuyên của Khaisilk là ví dụ, không có vùng nguyên liệu dâu tằm, không có nhà máy dệt lụa, mà vẫn có lụa Việt Nam để bán. Cuối cùng hóa ra là mua lụa Trung Quốc, bóc nhãn Made in China thay bằng Made in Vietnam.

Cách làm này không hề bền vững và lâu dài. Bởi muốn bán được hàng tiêu dùng thì cần phải quảng cáo nhiều. Quảng cáo mà nói hàng Trung Quốc thì khó bán, nói hàng Việt Nam mới bán được, nhưng cuối cùng sẽ lòi ra. Vậy hàng Việt Nam sản xuất ở đâu, giá trị của Việt Nam trong đó là gì, sẽ không trả lời được, ông Trí nhấn mạnh.

Tuy nhiên, ở đây còn những bất cập. Theo ông Trí, trước đây, muốn lắp ráp tivi tại Việt Nam, dây chuyền phải được các cơ quan chức năng kiểm tra đánh giá, đạt tiêu chuẩn mới cấp phép.

"Chúng tôi không có dây chuyền phải thuê công ty Viettronic Đống Đa và Viettronic Thủ Đức để lắp sản phẩm. Câu hỏi là những dây chuyền lắp ráp như của Asanzo, đã được kiểm tra, đánh giá đủ điều kiện chưa và có cấp phép hay chưa ? Nếu đủ điều kiện và có giấy phép thì mới được lắp ráp và hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện", ông Trí nghi ngờ.

Bên cạnh đó, chính sách của chúng ta không khuyến khích doanh nghiệp gia tăng sản xuất trong nước mà chỉ khuyến khích nhập linh kiện về láp ráp. Nhập linh kiện về thì được hưởng thuế thấp hơn nhập sản phẩm nguyên chiếc, vì vậy doanh nghiệp cứ nhập linh kiện thôi. Đúng ra, cần phải có chính sách như đánh thuế nhập khẩu dựa trên giá trị hóa đơn nhập khẩu. Tức là cùng một mức thuế, nhưng nếu doanh nghiệp nhập 100% bộ linh sẽ khác với doanh nghiệp chỉ nhập 50% bộ linh kiện, còn 50% mua trong nước. Như vậy mua trong nước càng nhiều thì số tiền thuế càng thấp, có như vậy mới thúc đẩy doanh nghiệp phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Về phía Bộ Công thương mới đây cũng cho biết, hiện tượng gian lận thương mại thông qua ghi nhãn xuất xứ hàng hóa sản xuất tại Việt Nam ngày càng gia tăng. Nhiều sản phẩm, hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài, hoặc đặt gia công tại nước ngoài, nhưng lại gắn mác là hàng Made in Vietnam để gian lận thương mại, lừa người tiêu dùng.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng quy định về hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý với mục tiêu phòng chống gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa và bảo vệ người tiêu dùng. Việc ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam nên được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, tự kê khai. Tuy nhiên, khi cá nhân, tổ chức thực hiện ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam, hàng hóa bắt buộc phải đáp ứng tiêu chí và phải chứng minh việc đáp ứng tiêu chí đó khi được yêu cầu. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức ghi công đoạn sản xuất tại Việt Nam thì phải chứng minh được việc hàng hóa trải qua công đoạn sản xuất, gia công có phát sinh giá trị tại Việt Nam.

Trần Thủy

Nguồn : VietnamNet, 25/06/2019

Published in Diễn đàn