Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mercredi, 11 octobre 2017 14:42

Nhạo báng tôn giáo từ bao giờ ?

"Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong trong các bộ đồ nội y, thậm chí có "người mẫu" nam đính hình cây Thánh giá bên phần hông trái, ngay cạnh bộ phận nhạy cảm của cơ thể…" (trích từ RFA).

nhao0

Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo

Vấn đề nhạo báng tôn giáo có từ bao giờ ? Thiết nghĩ lúc này cũng nên có câu hỏi như vậy và ai là kẻ nhạo báng tôn giáo nặng nề nhất ? Bởi những câu hỏi này làm rõ hơn vấn đề tự do tôn giáo cũng như nó cho thấy tầm mức văn hóa của người Việt đang ở đâu trong thế giới văn minh này.

Ở câu hỏi thứ nhất : Tôn giáo bị nhạo báng từ bao giờ ? Đương nhiên câu hỏi đã được khuôn giới trong địa hạt tôn giáo Việt Nam, nó không thể lan man ra tôn giáo khu vực hay quốc tế được. Và sự thật là tôn giáo tại Việt Nam luôn bị nhạo báng hoặc lợi dụng từ thời phong kiến cho đến thời kỳ độc tài Cộng sản xã hội chủ nghĩa.

Nếu như thời phong kiến, cảm thấy tôn giáo nào có lợi cho sự tồn vong của triều đại, người ta sẽ tìm cách biến tôn giáo đó thành quốc giáo và phổ biến, áp đặt nó trên toàn cõi, bất kì tôn giáo nào khác với "quốc giáo" đều bị đàn áp, chèn ép và tẩy chay. Điều này cho thấy khi người ta thiết lập một hệ thống quốc giáo cũng đồng nghĩa với một thứ tôn giáo độc tài, cực đoan, độc đoán, chuyên quyền đã phủ màu lên đời sống nhân dân. Và người dân không có tự do tôn giáo, không có quyền lựa chọn cho đức tin. Cũng trong chế độ phong kiến, khi thấy tôn giáo không có lợi cho chính trị, người ta sẵn sàng nhạo báng, đàn áp tôn giáo, vua chúa sẵn sàng róc mía trên đầu sư hay bêu đầu cha xứ.

Đến thời độc tài cộng sản xã hội chủ nghĩa, mọi chuyện có phần tinh vi hơn, xảo quyệt hơn. Những tôn giáo nào không có lợi cho nhà độc tài, họ tìm mọi cách để tiêu diệt, xóa dấu, những tôn giáo nào có thể lợi dụng được, họ tìm cách đầu tư, ủng hộ, cổ xúy và quốc doanh hóa tôn giáo đó để biến nó thành một phần trong hệ thống tuyên truyền của họ. Tình trạng các sư quốc doanh hoặc một số cha xứ quốc doanh sẵn sàng rêu rao như một cái loa phường về tính ưu việt của chế độ cộng sản xã hội chủ nghĩa là một bằng chứng đáng xấu hổ về việc tôn giáo bị chính trị lợi dụng.

Với chính trị, tôn giáo mãi mãi là một phương tiện để truyền bá tư tưởng của kẻ tự xem mình là chính thống, mãi mãi là vậy, sẽ không bao giờ có tự do tôn giáo ở nhà nước phong kiến và cộng sản độc tài. Ngay cả những quốc gia dân chủ giả cầy, tôn giáo cũng bị lợi dụng ráo riết bởi đảng thắng thế, đảng cai trị. Bởi tự do tôn giáo chỉ xảy ra khi nào nó không bị thổi hơi chính trị vào bên trong. Nhưng tại Việt Nam, tìm ra tự do tôn giáo chẳng khác nào tìm kim đáy biển. Bởi tôn giáo tại Việt Nam đã bị chính trị hóa bằng những giáo hội, giáo đoàn do nhà nước quản lý và cai trị. Mọi phát biểu của các cao niên,chức sắc tôn giáo đều bị kiểm duyệt bởi cơ quan tuyên giáo nhà nước. Vậy thì làm sao có tự do tôn giáo ? Vấn đề là tôn giáo bị lợi dụng như thế nào và bị nhạo báng ra sao ?

Nói về nhạo báng, xúc phạm tôn giáo, câu chuyện các thanh niên ở Hà Nội chơi trò diễn thời trang gắn biểu tượng tôn giáo vào những vùng nhạy cảm chỉ là chuyện mới nhất, nổi cộm và có tính "xã hội hóa" nhất so với rất rất nhiều chuyện nhạo báng tôn giáo. Ví dụ dễ thấy nhất trong nhạo báng tôn giáo, có lẽ là việc đúc tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và đặt nó vào vị trí ngang với các đấng giáo chủ trong các tôn giáo, treo hình ông này ngang với hình của các đấng giáo chủ ngay tại các cơ sở tôn giáo. Đây mới là sự nhạo báng đáng sợ nhất. Bởi không thể nào biến một ông Cộng sản từng có nhiều tội lỗi trong cải cách ruộng đất, đấu tố… thành một ông Phật và xếp ông ta ngồi ngang với bậc giáo chủ tôn giáo. Đó là chuyện không những xúc phạm, nhạo báng tôn giáo mà còn là sự phỉ báng công khai đối với tôn giáo. Nhưng người ta vẫn làm đấy thôi. Mà không ai làm ngoài những người có chức sắc trong tôn giáo.

Như vậy, nếu nói về những kẻ nhạo báng tôn giao thì có vẻ như chính những chức sắc tôn giáo nhà nước cũng như sự mượn tay, lợi dụng tôn giáo để tuyên truyền của người cộng sản là những kẻ nhạo báng tôn giáo mạnh nhất. Và việc nhạo báng này được làm trong một chiến lược ngầm có tên tảng băng trôi, vừa nổi 30% để người ta đủ nhìn thấy một phần, vừa giấu 70% ý đồ chính trị và biến tôn giáo thành con tốt chính trị phía bên dưới.

Việc các thanh niên Hà Nội tổ chức thời trang nhạo báng Thiên Chúa Giáo hay một số tay cờ đỏ, dư luận viên công kích các tôn giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Phật Giáo Thống Nhất, Ki Tô, Tin Lành… đều chỉ là phần nổi, phần 30% chính sách mượn tay tôn giáo đã được xã hội hóa, được công khai. Và đương nhiên bàn tay đạo diễn những trò này mới đáng sợ, chứ những người trẻ bồng bột hay những người trẻ ham vui, những người trẻ hăng hái và manh động đã thực hiện một vai nào đó trong trò chơi mượn tay tôn giáo… Suy cho cùng, họ chỉ là con tốt, là nạn nhân của một cuộc chơi lớn và là nạn nhân của chính tính cách, số phận của họ.

Có thể nói rằng câu chuyện làm bức xúc mấy ngày nay về việc thời trang mạo phạm, nhạo báng tôn giáo chỉ là một phần rất nhỏ trong cả một tiến trình dài lợi dụng, nhạo báng và đập bỏ tôn giáo tại Việt Nam. Bởi đừng bao giờ ngây thơ tin rằng Việt Nam cộng sản xã hội chủ nghĩa có tự do tôn giáo. Tôn giáo chỉ tự do thực sự khi không có bất kì tôn giáo nào được chọn làm quốc giáo và không có bất kì đảng phái chính trị nào xem mình là vĩ đại, tồn tại mãi mãi, sống mãi để rồi mượn hoạt động tôn giáo phục vụ tuyên truyền như một loại thuốc trường sinh.

Không, người ta đã lợi dụng và nhạo báng tôn giáo ngay từ trứng nước, bởi ngay cả ông tổ của chủ nghĩa Cộng sản như Karl Marx cũng chỉ xem "tôn giáo là thuốc phiện của nhân loại". Không hơn không kém !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 11/10/2017

(VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Một buổi biểu diễn thời trang tại Fame Club, ở Hà Nội vào gặp phải sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng Công giáo và dư luận vì bị cho là có hành vi xúc phạm tôn giáo một cách nghiêm trọng.

thoitrang1

Hình ảnh buổi trình diễn thời trang bị cho là xúc phạm Công giáo, diễn ra vào tối ngày 08/10/2017, tại Fame Club, Hà Nội. Courtesy : Facebook Thanh Niên Công Giáo

Phỉ báng tôn giáo

Buổi trình diễn thời trang vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club, ở quận Hòan Kiếm, Hà Nội do một nhóm thanh niên nam nữ biểu diễn với trang phục hở hang kèm theo các biểu tượng của Công giáo. Họ đeo chuỗi mân côi, đội khăn giống nữ tu, nhưng phô bày thân thể trong trong các bộ đồ nội y, thậm chí có "người mẫu" nam đính hình cây Thánh giá bên phần hông trái, ngay cạnh bộ phận nhạy cảm của cơ thể.

Đài RFA ghi nhận rất nhiều giáo dân Công giáo lẫn cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ trước những hình ảnh trong buổi trình diễn thời trang vừa nêu vì họ cho rằng đây là một sự khiêu khích và nhục mạ trắng trợn đối với những người có niềm tin vào Thiên Chúa.

 "Rõ ràng ngay cả những người không phải Ki-tô giáo cũng phẫn nộ với những hình ảnh đó ; huống chi là những người theo đạo Ki-tô. Đối với niềm tin của họ thì thánh giá và các tu phục của người tu hành là những cái thiêng liêng, không thể nào đem ra đùa giỡn được. Còn ở đây, họ không chỉ đùa giỡn mà họ còn phỉ báng bằng cách là họ cố tình sử dụng các biểu tượng của Ki-tô giáo : thánh giá, chuỗi mân côi và các phẩm phục của tu sĩ nam nữ. Cái lúp của các soeur thì họ đội trên đầu, nhưng áo thì họ mặc với kiểu bikini rất phản cảm rồi còn nhảy nhót. Những hình ảnh như vậy không thể nào chấp nhận được".

Trên các trang mạng xã hội, nhiều giáo dân Công giáo kêu gọi chính quyền phải xử lý vụ việc đến nơi đến chốn. Vì nếu như không thì đó là bằng chứng của bước tiếp theo nhà cầm quyền Hà Nội sử dụng hình thức tấn công nhắm vào Công giáo bằng tư tưởng và văn hóa sau các đợt côn đồ mang danh "Cờ Đỏ" gây rối, đập phá, đe dọa các linh mục, nhà thờ và giáo xứ như ở Giáo hạt Đông Tháp, tỉnh Nghệ An hay Giáo xứ Thọ Hòa, tỉnh Đồng Nai. Cựu tù nhân lương tâm Trần Minh Nhật, một giáo dân Công Giáo viết trên Facebook rằng "Việt Nam đã ký kết vào Công ước Quốc tế và có các điều luật chống việc xâm phạm quyền tự do tôn giáo tín ngưỡng. Tuy nhiên, trong thực tế thì tình trạng kỳ thị và hạn chế quyền tự do tâm linh lại phổ biến đến mức được bảo kê".

Đài Á Châu Tự Do cũng ghi nhận trong mấy ngày qua, rất nhiều người lên tiếng đề nghị yêu cầu cơ quan chức năng xử lý hành vi phỉ báng tôn giáo như thế của nhóm thanh niên "người mẫu" trong buổi biểu diễn vào tối ngày 8 tháng 10 tại Fame Club.

Đâu là tự do biểu đạt ?

Báo Phụ Nữ Online vào ngày 10 tháng 10 dẫn lời của Giám đốc Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết đã nắm được thông tin vụ việc và hiện đang chờ báo cáo kết quả kiểm tra nơi xảy ra sự việc. Ông Tô Văn Động nói rằng nếu như buổi trình diễn thời trang đúng như những hình ảnh lan truyền trên mạng xã hội thì Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội sẽ xử lý thỏa đáng và nghiêm khắc.

Mặc dù Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội nhanh chóng phản hồi trước sự bức xúc của cộng đồng giáo dân Công giáo cũng như của dư luận, một số người quan tâm thông tin vụ việc cho rằng không ủng hộ Sở Văn Hóa-Thông tin Hà Nội xử lý hành chính đối với hành vi này, một khi có kết quả điều tra xác đáng. Facebooker Phạm Lê Vương Các đăng tải chia sẻ trong ngày 10 tháng 10 trên tài khoản cá nhân, với bài viết có tựa đề "Đâu là ranh giới giữa tự do biểu đạt và sự phỉ báng tôn giáo ?", đã nhấn mạnh chức năng "thẩm định tư tưởng và cấp phép hoạt động nghệ thuật" của các cơ quan quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại Việt Nam bị lên án do trái với tiêu chuẩn của quyền tự do, vì thế không nên áp dụng "tiêu chuẩn kép" yêu cầu Sở Văn hóa-Thông tin Hà Nội tiếp tục dùng chức năng "thẩm định và cấp phép" để bảo vệ quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng qua vụ việc liên quan buổi trình diễn thời trang tại Fame Club.

Facebooker Phạm Lê Vương Các viết rằng hy vọng vụ việc này sẽ có những tranh luận mạnh dạn, bình đẳng và cởi mở trên tinh thần dân chủ, không chỉ trên cộng đồng mạng mà ở cả tòa án, nhằm taọ nên một tiền lệ tốt trong việc đặt ra ranh giới rõ ràng hơn giữa quyền tự do biểu đạt và quyền tự do tôn giáo.

Một số những linh mục và giáo dân mà RFA tiếp xúc cũng có đồng quan điểm với Facebooker Phạm Lê Vương Các. Họ tin rằng tiếng nói của các tổ chức tôn giáo phản đối hình thức biểu diễn xúc phạm nghiêm trọng đến tín ngưỡng, tâm linh sẽ được mạnh mẽ hơn bằng việc khởi kiện các buổi biểu diễn nghệ thuật như thế.

Trong khi đó, không ít người theo dõi vụ việc khẳng định với Đài Á Châu Tự Do họ ủng hộ quyền tự do biểu đạt, đặc biệt trong tự do tư tưởng biểu diễn nghệ thuật, nhưng cần phải tuân thủ tiêu chuẩn chung của văn hóa Việt, như ý kiến của một cô giáo nghỉ hưu :"Dù rằng họ được sự cho phép muốn làm gì thì làm, nhưng họ phải dựa theo tiêu chuẩn chung ; đó là đảm bảo mỹ quan, thuần phong mỹ tục và tôn trọng đối với tín ngưỡng của người khác".

Hòa Ái, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 10/10/2017

Published in Diễn đàn