Tiền bạc, danh vọng và kể cả uy tín lẫy lừng trên thế giới không còn là những lá bùa hộ mạng cho những người giàu có tại Trung Quốc. Phải chăng đó là nét đặc thù của nền kinh tế thị trường theo mô hình xã hội chủ nghĩa của Bắc Kinh ? Trung Quốc là nơi quy tụ nhiều nhà tỷ phú nhất thế giới nhưng nhiều người trong số đó gặp tai ương.
Nhân viên bảo vệ trước cửa nhà một đại gia Trung Quốc tại Thượng Hải. AP
Nhà báo người Anh Gideon Rachman trên tờ Financial Times ngày 29/11/2021 trong bài viết mang tựa đề Tại sao giới tinh hoa ở Trung Quốc đang trên con đường đầy chông gai ? nhắc lại một thống kê khá xưa được báo China Daily cung cấp, ở thời điểm năm 2011, "15 tỷ phú bị sát hại, 17 người tự vẫn, 7 chết vì tai nạn 14 trong số đó bị tử hình và 19 người chết vì bệnh tật".
Đó là chuyện của một chục năm trước. Tháng 3/2021 trang mạng Hồ Nhuận Hurun.net công bố danh sách các nhà tỷ phú Trung Quốc trong năm 2020. Vào thời điểm mà cả thế giới lao đao vì một con virus nhỏ thì Trung Quốc có thêm 253 doanh nhân tham gia câu lạc bộ khép kín của các đại gia bạc tỷ.
Tính cả tại Hoa lục lẫn Hồng Kông, Trung Quốc dẫn đầu thế giới, với 992 người trong danh sách này. Về số lượng, Trung Quốc có đông tỷ phú hơn so với cả Mỹ (696 người) và Ấn Độ (177 người) cộng lại. Vẫn theo số liệu của trang mạng Trung Quốc này, điều thú vị là lần đầu tiên, không một ông vua địa ốc nào có tên trong số 10 tài sản lớn nhất tại Hoa lục. Thí dụ như trong trường hợp của sáng lập viên tập đoàn Evergrande, Hứa Gia Ấn (Xu Jiayin) : đang từ là người giàu có nhất tại Trung Quốc năm 2017, trong bảng xếp hạng 2020, ông này bị đẩy xuống hạng thứ 70 do khủng hoảng vì nợ nần.
Còn bản thân tỷ phú Hồng Kông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), chủ báo Apple Daily, tài sản đã bị phong tỏa và đang phải ngồi tù vì luật an ninh quốc gia Bắc Kinh áp đặt tại đặc khu hành chính này.
Hiếm nơi nào trên thế giới mà những nhà tài phiệt, những cái tên tuổi trong làng giải trí, hay của giới truyền thông, thể thao, dù có là niềm tự hào của đất nước, cũng chịu nhiều tai ương như trên quê hương của Mao Trạch Đông.
Nhà báo trên tờ Financial Times kể lại trường hợp cụ thể của một đồng nghiệp Trung Quốc rất nổi tiếng trên đài truyền hình tại Hoa lục, là phóng viên trẻ Nhuệ Thành Cương (Rui Chenggang) mà ông đã gặp hồi năm 2014 tại Diễn đàn Kinh tế thế giới Davos. Nhưng chỉ một sớm một chiều, ngôi sao trên màn ảnh nhỏ đó không bao giờ còn được xuất hiện trước công chúng. Giờ đây đến lượt nữ vận động viên quần vợt Bành Súy mất tích rồi xuất hiện trở lại nhưng "tương lai chẳng có gì là chắc chắn" cho dù thế giới đã lên tiếng đòi Bắc Kinh trả lời "Bành Súy đang ở đâu ?".
Tác giả bài báo, Gideon Rachman ghi nhận : tại Trung Quốc "những người giàu có, nổi tiếng và quyền lực đều dễ sa cơ, dễ bị thất sủng dễ mất tích hay gặp phải những gì còn tệ hơn thế nữa". Tháng 9/2021 một người "tay trắng dựng lên cơ đồ", trở thành tỷ phú bất động sản, là ông Thẩm Đống (Desmond Shum) đã cho ra mắt một cuốn sách mang tên Red Roulette trong đó ông kể lại thăng trầm của chính mình. Cùng với vợ là bà Đoàn Vĩ Hồng (Whitney Duan) họ từng dễ dàng chi ra 100.000 đô la tiền rượu trong một bữa ăn ở Paris. Họ phát đạt nhờ có được những chiếc ô dù rất tốt. Điểm tựa thứ nhất của bà là một người thế lực trong giới "áp-phe". Thế nhưng, gió đã xoay chiều khi nhân vật đó "mất tích rồi bị tử hình".
Nhưng tại Trung Quốc, để thành công bắt buộc phải có một điểm tựa về chính trị. Vị ân nhân đó của cặp vợ chồng tỷ phú Thẩm Đống-Đoàn Vĩ Hồng là ông Tôn Chính Tài (Sun Zhengcai) người có lúc được coi là có triển vọng kế vị ông Tập Cận Bình. Nhưng rồi họ Tôn bị khai trừ khỏi Đảng, năm 2018 lãnh án chung thân vì tội tham nhũng.
Một mối quan hệ nguy hiểm khác của bà Đoàn Vĩ Hồng chính là phu nhân cựu thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo. Bản thân cựu lãnh đạo Trung Quốc này cũng đang trong tầm ngắm của chế độ từ khi ông ra mắt hồi ký về mẹ ông. Cuốn sách đó bị coi như một lời chỉ trích gián tiếp nhắm vào Tập Cận Bình và ấn phẩm này đã nhanh chóng biến mất khỏi các hiệu sách, cũng như trên các cổng vào tìm kiếm thông tin trên mạng.
Báo tài chính Anh, Financial Times đương nhiên chú ý nhiều đến trường hợp của nhà tỷ phú Mã Vân (Jack Ma). Dù đã trở thành ông vua trong ngành mua bán trên mạng, là doanh nhân nước ngoài đầu tiên bắt tay tỷ phú Mỹ Donald Trump khi ông vừa đắc cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, là một ngôi sao trên các diễn đàn kinh tế uy tín của thế giới, số phận ông chủ Alibaba vẫn trong tay Đảng cộng sản Trung Quốc.
Chỉ một lời chỉ trích cung cách quản lý của Nhà nước hồi tháng 10/2020 cũng đủ để họ Mã trở thành "một cái bóng". Cũng tác giả bài báo, Gideon Rachman, cho rằng, lẽ ra Bắc Kinh phải hãnh diện vì ông Mạnh Hoành Vĩ (Meng Hongwei) người Trung Quốc đầu tiên lãnh đạo cơ quan Cảnh sát Quốc tế, Interpol nhưng rồi trong một chuyến về nước năm 2018 ông này đã "biệt vô âm tín" trước khi bị buộc tôi tham nhũng và lãnh án hơn 13 năm tù.
Tóm lại tại Trung Quốc "không một ai được an toàn" dù có là những ngôi sao đầy triển vọng trên chính trường, dù là biểu tượng của sự thành công tại một quốc gia đã vươn lên đến đỉnh cao trong một số lĩnh vực như thể thao như trường hợp của vận động viên Bành Súy, hay nghệ thuật như giải thưởng dương cầm Chopin, nhạc sĩ Lý Vân Địch (Yindi Li)…
Cũng nhà báo Rachman lưu ý độc giả về mô hình kinh tế khá đặc biệt của Trung Quốc : nơi mà "các hoạt động kinh doanh phải dựa vào những mối liên hệ (với các quan chức trong guồng máy lãnh đạo)" vì vậy mà mọi người đều nằm trong "vùng xám" như trường hợp của cặp vợ chồng tỷ phú địa ốc Thẩm Đống. Các doanh nhân Trung Quốc thành đạt cũng nhờ có sự nâng đỡ của Đảng, nhưng tất cả đều có thể tan vỡ cũng chính vì hệ thống từng giúp họ ngồi trên những núi bạc.
Mở lại với báo cáo chính thức của China Daily năm 2011 : tờ báo này tổng kết 72 tỷ phú Trung Quốc đều gặp tai ương, không bị tù đầy, tử hình thì cũng gặp tai nạn. Đó là không kể trường hợp cố lãnh đạo tập đoàn HNA.
Báo Libération (tháng 3/2019) đã có bài điều tra về cái chết đáng ngờ của ông Vương Kiện (Wang Jian), 56 tuổi, chủ tịch HNA hoạt động trong ngành tài chính, khách sạn, hàng không … Họ Vương đã chết trong một "tai nạn" tại vùng Lubéron, miền nam nước Pháp. Cảnh sát điều tra nói đến một "cái chết ngu xuẩn" khi nhà tỷ phú Trung Quốc này "ngã từ trên một bức tường cao 8 mét" trong lúc ông cầm ống kính để chụp hình.
Nhưng tại Hoa Kỳ, một tỷ phú Trung Quốc khác, là ông Quách Văn Quý (Guo Wengui) quả quyết đây là một vụ "ám sát chính trị" bởi Vương Kiện "biết quá nhiều về liên hệ mờ ám giữa tập đoàn do ông điều hành với chính quyền Bắc Kinh- đặc biệt là về vai trò của Vương Kỳ Sơn, cánh tay mặt của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình".
Điều tra của báo Libération khi đó nhắc lại : HNA trên danh nghĩa là một tập đoàn tư nhân, là biểu tượng thành công của tư bản đỏ Trung Quốc, trị giá "hàng trăm tỷ đô la" nhưng bản thân tập đoàn này lại "nợ nần chồng chất". Tổng nợ của công ty ước tính khoảng 90 tỷ đô la tương đương với "250% doanh thu của tập đoàn".
Trước cái chết đáng ngờ của lãnh đạo HNA ở miền nam nước Pháp thì tại Macao, một nhà tài phiệt Trung Quốc khác đã chết vì "ngã từ chung cư" và tai nạn xảy ra trước ngày Macao khánh thành cây cầu nối liền sòng bạc lớn nhất Châu Á này với Hoa Lục.
Về phần tỷ phú Mã Vân, ông chủ Alibaba có lẽ linh cảm hậu vận không hay của những đại gia Trung Quốc nên đã sớm thông báo về hưu non, vậy mà vẫn không tránh khỏi búa rìu của Bắc Kinh. Người ta không còn thấy Jack Ma xuất hiện trên các diễn đàn kinh tế thế giới bên cạnh những Bill Gates hay Jeff Bezos, Elon Musk... Alibaba và những chi nhánh của nhà phân phối trên mạng này liên tục "lãnh đòn" trong nỗ lực của chính quyền Trung Quốc đưa "công nghệ kỹ thuật số vào khuôn phép".
Trông người lại nghĩ đến ta : những nhà tỷ phú mới nổi lên tại Trung Quốc như Trương Nhất Minh (Zhang Yiming) sáng lập viên Bytedance, rút được kinh nghiêm gì từ những người đi trước hay không ? Mới 38 tuổi, không hiểu rằng tài sản 53 tỷ đô la của anh có độ bền tới mức độ nào ?
Thanh Hà
Nguồn : RFI, 03/12/2021