Hoài Nguyễn, VNTB, 04/07/2021
Nhà báo Mai Phan Lợi, Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng – viết tắt MEC, bị khởi tố và bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế
Nhìn từ vụ án Hải ‘Điếu cày’
Một vụ án tạm gọi ‘kinh điển’ cho tình huống pháp lý nói trên, đó là vụ án Hải ‘Điếu cày’.
Trung tuần tháng 07/2008, báo chí đồng loạt đưa tin công an quận 3 – Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp đề nghị truy tố đối với ông Nguyễn Văn Hải, sinh năm 1952, ngụ tại 57/3-4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, người được biết đến với blog mang tên "Điếu cày" cùng vợ là bà Dương Thị Tân, sinh năm 1958 về tội danh "trốn thuế".
Trước đó, vào ngày 21/4/2008, Công an quận 3 đã thực hiện lệnh khám xét 2 nơi ở của vợ chồng ông Hải. Đồng thời khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Hải, phát lệnh cấm di chuyển khỏi nơi cư trú đối với bà Dương Thị Tân. Lý do, ông Hải cùng vợ đã không kê khai trung thực việc cho thuê hai căn nhà tại địa chỉ 57/3-4 Phạm Ngọc Thạch, phường 6, quận 3, nhằm trốn thuế giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp…, với số tiền hơn 400 triệu đồng.
Cái kết của vụ án trốn thuế này, chắc không cần chi tiết ở đây.
Một vụ án khác tại Hà Nội
Ngày 27/12/2012, Cơ quan cảnh sát điều tra – Công an thành phố Hà Nội đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Lê Quốc Quân, sinh năm 1971, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam, trụ sở tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. Ông Quân là luật sư.
Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố ông Lê Quốc Quân về hành vi trốn thuế theo điều 161 Bộ luật hình sự. Kết quả điều tra ban đầu xác định, từ khi thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Việt Nam năm 2001 đến 2012, công ty này đã có 13 lần thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, lần cuối cùng vào ngày 5/6/2012. Công ty này có ngành nghề kinh doanh là cập nhật, tìm kiếm, lưu trữ, xử lý dữ liệu, dịch vụ nghiên cứu và cung cấp thông tin thị trường.
Phía công an nói rằng lợi dụng pháp nhân trên, ông Lê Quốc Quân đã trực tiếp chỉ đạo nhân viên dưới quyền tìm một số cán bộ, chuyên gia kinh tế để lấy thông tin cá nhân, sau đó làm các hợp đồng thuê chuyên gia tư vấn, cộng tác viên khống nhằm mục đích để hợp thức việc tăng chi phí của công ty, rồi sau đó làm thủ tục kê khai với Cơ quan Thuế nhằm trốn thuế thu nhập doanh nghiệp. Cơ quan chức năng cho rằng ông Quân đã trốn thuế với tổng số tiền là 437.500.000 đồng.
Ngày 2/10/2013, Tòa án thành phố Hà Nội đã tuyên án ông Quân 30 tháng tù vì tội Trốn thuế theo Điều 161 Bộ Luật Hình sự.
Brad Adams, giám đốc khu vực Á Châu của HRW, trong thông cáo ra ngày 16/2 tuyên bố : "Người dân ở Việt Nam cũng như trên thế giới đang theo dõi tình hình nhân quyền Việt Nam cặn kẽ hơn bao giờ hết, xem có biến chuyển tích cực gì như nhà nước hứa hẹn hay không".
"Một tòa án thực sự độc lập sẽ bãi bỏ bản án với Lê Quốc Quân, phục hồi toàn bộ quyền hành nghề luật sư của ông và cho phép ông tiếp tục công việc với tư cách một trong những nhân vật bảo vệ nhân quyền quyết tâm nhất Việt Nam".
Thông cáo của HRW cũng chỉ ra rằng ông Quân bị bắt hôm 27/12/2012, chỉ hơn một tuần sau khi ông có bài viết chỉ trích Điều 4 Hiến pháp về quyền lực tối cao của Đảng cộng sản trên BBC Tiếng Việt .
Chuyện hôm nay
Luật sư Đặng Đình Bách, sinh năm 1978, trú tại B6-04 Hateco, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội, là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững, đã bị khởi tố, bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế.
Cùng thời gian này, nhà báo Mai Phan Lợi, sinh năm 1971, Chủ tịch Hội đồng sáng lập, Chủ tịch Hội đồng khoa học Trung tâm Truyền thông giáo dục cộng đồng – viết tắt MEC, cũng bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hà Nội ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt tạm giam 3 tháng về tội trốn thuế, quy định tại Điều 200 Bộ luật Hình sự.
Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp cũng đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
‘Bộ đôi’ Đặng Đình Bách – Mai Phan Lợi thường xuyên có các ý kiến phản biện bài bản về các chính sách của Đảng và Nhà nước. Chọn ‘bịt miệng’ họ bằng tội trốn thuế, có thể là lựa chọn khôn ngoan trong yêu cầu trấn áp.
Tuy nhiên theo những gì mà báo chí nêu ngắn gọn, thì hành vi trốn thuế ở đây là ‘cá nhân’ thực hiện, hay ‘pháp nhân thương mại’ thực hiện ? Nếu là ‘cá nhân’, thì bắt bỏ tù, nhưng có thể bỏ tù ‘pháp nhân thương mại’ bằng cách nào ?
Sự vụ được diễn giải
Theo quy định tại Điều 75 Bộ luật dân sự 2015thì khái niệm pháp nhân thương mại được quy định cụ thể như sau : Pháp nhân thương mại là pháp nhân có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho các thành viên ; Pháp nhân thương mại bao gồm doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế khác ; Việc thành lập, hoạt động và chấm dứt pháp nhân thương mại được thực hiện theo quy định của Bộ luật này, Luật doanh nghiệp và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Khoản 1 Điều 74 Bộ luật dân sự 2015 quy định một tổ chức được công nhận là pháp nhân khi có đủ các điều kiện sau đây : Được thành lập theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan ; Có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 83 của Bộ luật dân sự 2015 ; Có tài sản độc lập với cá nhân, pháp nhân khác và tự chịu trách nhiệm bằng tài sản của mình ; Nhân danh mình tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập.
Điều 200 "Tội trốn thuế" của Bộ luật Hình sự (tu chỉnh 2017), có ghi :
"Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau :
a) Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng ;
b) Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng ;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm ;
d) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn ;
đ) Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm".
‘Pháp nhân thương mại’ phạm tội thì ai sẽ ở tù ?
Pháp nhân tham gia vào các quan hệ pháp luật thông qua các hoạt động của mình, mọi hoạt động của pháp nhân được tiến hành thông qua hành vi của những cá nhân người đại diện hợp pháp của pháp nhân.
Hành vi của những cá nhân này không tạo ra quyền và nghĩa vụ cho họ, mà nhân danh pháp nhân, tạo ra các quyền và nghĩa vụ cho pháp nhân.
Như vậy, pháp nhân được xem như là một cá nhân tách biệt với các thành viên và chủ sở hữu của nó.
Nếu pháp nhân một khi không được coi là chủ thể của tội phạm, tức là mọi hành vi, việc làm của pháp nhân cho dù có nguy hiểm cho xã hội đến đâu cũng không được coi là tội phạm và không bị xử lý hình sự thì các quan hệ xã hội bị xâm hại sẽ không được bảo vệ.
Do vậy, việc đặt pháp nhân vào chủ thể và bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu pháp nhân vi phạm theo quy định của luật là hoàn toàn chính xác.
Vậy, câu hỏi được đặt ra, khi pháp nhân bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì hình thức xử lý và chế tài áp dụng sẽ như thế nào, vì suy cho cùng pháp nhân cũng là một tổ chức, pháp luật không thể "bỏ tù" cả một tổ chức được.
Từ dông dài kể trên, cho thấy rất có thể sau thời gian tạm giam, luật sư Đặng Đình Bách và nhà báo Mai Phan Lợi sẽ được trả tự do, vì nếu có trốn thuế ở đây, thì phải là ‘pháp nhân thương mại’, chứ cá nhân chỉ có thể liên quan đến thuế thu nhập cá nhân mà thôi.
Hoài Nguyễn
Nguồn : VNTB, 04/07/2021
**********************
Nhà báo Mai Phan Lợi bị khởi tố, bắt giam với cáo buộc trốn thuế
RFA, 02/07/2021
Nhà báo Mai Phan Lợi vừa bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội khởi tố và bắt giam hôm 2/7 với cáo buộc trốn thuế theo Điều 200 Bộ Luật Hình sự. Truyền thông Nhà nước loan tin vào cùng ngày.
Nhà báo Mai Phan Lợi - Facebook nhân vật
Ngoài ông Lợi, Công an Hà Nội cũng khởi tố thêm một bị can khác nhưng danh tính chưa được công bố.
Nhà báo Mai Phan Lợi từng là Phó tổng thư ký toà soạn, trưởng văn phòng đại diện báo Pháp luật TPHCM tại Hà Nội.
Vào năm 2016, ông Lợi bị thu hồi thẻ nhà báo sau khi tiến hành một cuộc thăm dò trên một diễn đàn trên Facebook về vụ máy bay CASA 212 của quân đội Việt Nam mất tích.
Theo quyết định của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc rút thẻ nhà báo của ông Lợi, Bộ này cáo buộc ông Lợi đã "xúc phạm nghiêm trọng danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, gây tổn thương sâu sắc đến gia đình, người thân, đồng đội của những cán bộ, chiến sỹ gặp nạn khi đang làm nhiệm vụ ; làm tổn hại đến uy tín của đội ngũ những người làm báo"
Ông Lợi sau đó đã lên diễn đàn Nhà Báo Trẻ trên Facebook mà ông là quản trị viên để thông báo là ông sẽ kiểm điểm một cách thành khẩn, nghiêm túc và chờ đợi những hậu quả khác mà sai lầm do ông gây nên.
Nhà báo Mai Phan Lợi cũng là người thường xuyên tổ chức các buổi toạ đàm trực tuyến trên mạng xã hội Facebook (nhóm Góc nhìn Báo chí - Công dân)với các chuyên gia trong nước về nhiều vấn đề kinh tế, xã hội và môi trường.
Ông Mai Phan Lợi cũng một trong sáu người đại diện cho một số tổ chức xã hội dân sự Việt Nam gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Hà Nội vào tháng 5 năm 2016.
Nguồn : RFA, 02/07/2021