Các nhà khoa học của Việt Nam dường như vẫn đang thờ ơ… bỏ qua đề tài thiết thực phục vụ dân sinh
Đồ đạc trong nhà một người dân ‘tự nhiên’ bốc cháy liên tục… - Video minh họa : đồ đạc tự cháy tại Đồng Tháp, Hậu Giang và Long An
Từ cuối tháng 11/2022, lo sợ đồ đạc trong nhà bỗng nhiên bốc cháy nên ông Nguyễn Văn Mừng, ngụ xã Hiệp Hưng, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang chuẩn bị sẵn vài xô nước, phòng khi có cháy thì kịp chữa, tránh ngọn lửa lan rộng.
Theo ông Mừng, các vật dụng dễ bắt lửa như nhựa hay vải đều cháy. Quần áo, mền gối, bình nước hay ống hút ngày nào cũng bốc cháy từ 4 đến 5 lần, có những ngày khoảng 10 lần.
Hiện tượng lạ này xảy ra vào ban ngày cho đến khoảng 22 giờ, đến lúc tắt đèn đi ngủ thì không thấy cháy. Thấp thỏm lo âu, mấy ngày đầu gia đình của ông còn chẳng dám đi ruộng. Dù có đem hết đồ bị cháy ra sân cho thoáng thì ngọn lửa vẫn còn chập chờn không hết.
"Nó bắt đầu cháy từ bữa 27 tháng mười một tới giờ, nhà trước nhà sau đều có người canh chứ không là mình ra sau một lúc là đồ đạc trên nhà trước tự cháy khét hết. Tôi mong sớm khắc phục được, chứ gần Tết rồi mà cháy như vậy thiệt hại cho gia đình lắm" – ông Mừng nói trong lo lắng.
Sự việc bắt đầu khi chái bếp sau nhà bị cháy. Lúc này, vợ chồng ông Mừng và cha mẹ đang nằm nghỉ trưa thì nghe tiếng hô hoán của người đi đường. Mọi người tức tốc chạy ra thì thấy gian bếp bốc cháy phừng phừng. Nhờ phát hiện sớm nên đám cháy nhanh chóng được dập tắt.
Tuy nhiên, khi cả nhà chưa kịp "hoàn hồn" thì khoảng 5 phút sau, ông Mừng đi qua phòng của cha mẹ thì thấy ngọn lửa lóe lên từ khe cửa. Ông hốt hoảng mở ra thì thấy nhiều thứ đã bị cháy rụi. Đến khoảng 19 giờ thì đến lượt mùng mền, quần áo trong phòng của vợ chồng ông tự bốc cháy.
Không biết lửa bắt nguồn từ đâu nên gia đình ông rất hoang mang, lo lắng. Một số khoảnh khắc khiến mọi người ngỡ ngàng, chẳng hạn chiếc tủ quần áo lửa bắt cháy từ bên trong. Nhiều chỗ cháy đi cháy lại nhiều lần. "Nào giờ gia đình sống hòa thuận với hàng xóm. Nhà toàn người lớn, không có trẻ con. Tôi kiểm tra điện cũng không thấy bị hư hỏng gì. Vì vậy, càng nghĩ càng rối, khó hiểu" – ông Mừng nói.
Ông Lê Minh Việt, ở gần nhà ông Mừng, kể lại : "Tôi và nhiều người tới xem cũng thấy lửa cháy, đồ bị cháy đen rồi người ta đem ra ngoài để. Thấy vậy, tôi cũng lo cho nhà mình lắm, nhưng tới thời điểm hiện tại thì chỉ có nhà này bị cháy, những nhà xung quanh không sao".
Ông Huỳnh Văn Út, Chủ tịch UBND xã Hiệp Hưng, thông tin với báo chí rằng : "Chúng tôi đã cảnh báo gia đình những cách hạn chế thiệt hại do cháy không rõ nguyên do. Gia đình cần sắp xếp lại đồ đạc, đặt ở những nơi thông thoáng, nhiều gió và tránh chồng lên nhau để lửa không cháy lan nhằm giảm thiệt hại trong lúc đợi cấp trên xác minh tìm rõ nguyên nhân".
Tình cảnh tương tự, từ đầu tháng 2/2022 đến nay, trong nhà ông Nguyễn Văn Hoàng (70 tuổi, ngụ ấp Bàu Mua, xã Thạnh Hưng, thị xã Kiến Tường, tỉnh Long An) đã xảy ra cả chục lần cháy quần, áo, mùng, mền, gối… ; kể cả quần áo vừa giặt đem phơi bên trong căn nhà.
Thời gian cháy không cố định. Có khi đêm, có khi ban ngày bỗng nhiên lửa bùng lên cháy thành ngọn, sau đó mọi người tham gia dập tắt. Theo ông Hoàng, gia đình ông sinh sống vùng đất này gần 20 năm, cuộc sống bình thường bỗng nhiên giờ vật dụng trong nhà mình bị cháy bất thường không rõ nguyên nhân.
Cuối tháng 5/2018, đã có một trường hợp tương tự xảy ra tại thị trấn Thủ Thừa, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An kéo dài nhiều tháng. Ngọn lửa bùng lên chỗ này, chỗ khác và có nhiều người chứng kiến. Ngành chức năng tỉnh vào cuộc vẫn không làm rõ được nguyên nhân. Tình trạng trên kéo dài gần cả năm mới chấm dứt.
Đến tháng 8/2022, phía Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái (CESE) Thành phố Hồ Chí Minh, đưa ra nghi vấn nguyên nhân vụ cháy là do đất nhà ông Nguyễn Văn Hoàng nằm trên trầm tích đầm lầy. Theo CESE, "có thể trong trầm tích này có chứa nhiều hợp chất khí Phosphor (P) ; Hố gas tự hoại phía nhà sau, cũng có thể hình thành khí gas, mà giả định là khí gas thoát ra bên ngoài tạo thành làn khói trắng ; Các hợp chất Photpho trắng như Phosphine (PH3), Diphosphine (P2H4) sẽ bị oxi hóa tạo ra làn ánh sáng màu vàng và có thể gây cháy các vật liệu như áo quần, các vật dụng dễ cháy khác.
Hiện tượng phát sáng thường xuất hiện trong môi trường ẩm. Điều này phù hợp vì các lần cháy đều xảy ra sau cơn mưa, hoặc mưa lâm râm. Tần suất xuất hiện phát sáng và gây cháy có thể chấm dứt do nguồn khí không còn, hoặc sẽ xuất hiện trở lại khi các hoạt động phân hủy tàn dư thực vật tiếp tục diễn ra, tuy nhiên, mức độ không nhiều…".
Một vụ việc tương tự cũng xảy ra tại gia đình ông Đặng Xuân Nam ở thôn 9, xã Hà Lĩnh, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa, liên tiếp xảy ra cháy bất thường. Ngọn lửa bất ngờ bùng lên làm cháy nhiều đồ đạc trong nhà khiến mọi người lo lắng.
Theo thông tin từ gia đình ông Nam cung cấp, từ tháng 3/2022 đến nay, trong nhà ông liên tiếp xảy ra hiện tượng cháy bất thường, lửa tự cháy khiến nhiều đồ đạc trong nhà bị hư hỏng. Gần đây, tần suất cháy càng nhiều, có ngày tới 14 lần làm mọi người trong gia đình sống bất an.
"Hồi tháng 3/2022, tôi bất ngờ thấy mùi khét kèm khói đen bốc lên trong nhà. Khi kiểm tra, tôi phát hiện quần áo treo trên bờ tường đang bốc cháy liền khống chế được đám cháy nên không gây thiệt hại về người, tài sản" – ông Nam kể lại.
Ông Hoàng Trọng Tuyến – tổ trưởng tổ an ninh xã hội thôn 9, xã Hà Lĩnh – cho biết nhiều lần ông đến nhà ông Nam chơi, nắm bắt tình hình. Trong lúc ngồi uống nước cùng với gia đình thì bỗng dưng trên tường có đồ đạc bốc cháy.
Ông Lưu Văn Tấn – bí thư Đảng ủy xã Hà Lĩnh – cho biết nhiều tháng qua tại gia đình ông Nam xảy ra hiện tượng cháy bất thường, mật độ cháy nhiều hơn vào những ngày gần đây.
"Gia đình anh Nam đang gặp khó khăn. Chính quyền địa phương đã hỗ trợ gia đình anh 5 triệu đồng, người thân gia đình anh hỗ trợ 5 triệu đồng. Tuy nhiên, ngày 4/1/2023 lửa lại bốc cháy hết đồ đạc của gia đình anh Nam. Để an toàn tính mạng cho gia đình anh Nam, xã đã cho gia đình xuống ở tạm tại trường mầm non của xã. Chúng tôi mong cơ quan chức năng của tỉnh sớm tìm nguyên nhân về cháy bất thường tại gia đình anh Nam, để người dân yên tâm sinh sống", ông Tấn cho biết.
Với những vụ việc cụ thể ở trên còn cho thấy là các nhà khoa học của Việt Nam dường như vẫn đang thờ ơ trước những hiện tượng cháy nhưng "không có dấu hiệu hình sự" này. Tại sao họ sẵn sàng làm những luận văn "tiến sĩ cầu lông" – "tiến sĩ lý luận chính trị đảng",… nhưng lại bỏ qua đề tài thiết thực phục vụ dân sinh từ chuyện "tự nhiên bốc cháy" này ?
Hiền Lương
Nguồn : VNTB, 07/01/2023