Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Say No To Sexual Abuse Against Children - Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em - là chiến dịch được đưa lên mạng hơn hai tuần qua, vào khi báo chí trong nước liên tục phanh phui những câu chuyện khủng khiếp về tệ nạn lạm dụng cưỡng hiếp trẻ dưới tuổi vị thành niên mà thủ phạm thì gần như không bị trừng trị thích đáng.

dung1

Các bạn trẻ ủng hộ chiến dịch Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em trên mạng. Hình : facebook

Không bị pháp luật xử lý

Phát động chiến dịch Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em là Sandy Ngọc Nguyễn, tác giả cuốn tự truyện Cát Hay Là Ngọc mô tả thân phận tủi nhục của một đứa trẻ bị lạm dụng tình dục mà nếu không dũng cảm cất lên tiếng nói báo động thì mãi mãi không bao giờ cứu được mình cũng như cứu những bạn trẻ có hoàn cảnh giống mình :

Những chuyện này xảy ra từ rất lâu rồi và rất là nhiều nhưng mà chẳng qua là không có ai dám lên tiếng. Ví dụ trường hợp một em bé 10 tuổi ở Vĩnh Long, bị một ông hàng xóm khá lớn tuổi, cô bé đã mang thai gần 5 tuần và cũng vừa đi phá thai. Trường hợp một cô bé 10 tuổi ở Bình Thuận và còn một hai vụ nữa rất là sốc luôn. Sandy nghĩ bây giờ ở Việt Nam báo chí truyền thông bắt đầu thông tin lên. Các bé mà bị xâm hại tình dục thì tâm lý là bị kẻ tội phạm khống chế về tinh thần lẫn thế xác luôn cho nên rất sợ, rất hoang mang và không dám nói ra.

Chính vì thế thông điệp từ chiến dịch Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em trước hết là nhắn với trẻ bị hãm hại rằng :

Tụi mình là những người bị xâm hại, tụi mình không phải người gây ra tội ác đó, thì không có gì phải sợ hãi cũng không có gì phải tự ti với xã hội này hết. Mình phải đứng lên, phải bước ra ánh sáng, phải kể ra sự thật để mà trừng trị trước pháp luật kẻ gây ra tội ác đối với mình. Kể câu chuyện của mình Sandy nghĩ nó là nguồn động viên lớn cho các gia đình có trẻ bị xâm hại. Sandy cũng đi rất nhiều nơi, gặp gỡ, nói chuyện và chia xẻ với nhiều gia đình thì họ cũng có thêm niềm tin và sức mạnh hơn để dám lên tiếng. Một câu chuyện, hai câu chuyện, ba câu chuyện... cho đến nhiều câu chuyện được kể ra như vậy cũng là lúc bắt đầu cho mọi người dũng cảm đứng lên để mà đấu tranh cho quyền con người và quyền trẻ em rồi.

Người mẹ ở Bình Thuận có đứa con gái 11 tuổi bị người thanh niên hàng xóm 18 tuổi xâm hại cho biết :

Tôi về đến nhà là thấy bé đứng khóc, bé lết vô trong cánh cửa và bé khóc. Hỏi một chặp thì bé nói con kể cho mẹ nghe mà mẹ đi mẹ bỏ con ở nhà thì anh Tí giết con. Lúc nào anh Tí cũng cầm dao dọa con, để dao trên cổ con, biểu con nhắm mắt lại rồi một tay nữa là bụm miệng bé lại, biểu con là không được nói chứ mày nói thì tao giết mày...

Hỏi bao nhiêu lần thì bé nói lần thứ tư. Phản ứng đầu tiên là mình kêu Tí qua thì Tí cũng có nhận lỗi là Tí có làm. Những cái đó là mình ghi âm lại hết, có những người ở xóm ra làm chứng luôn, nhưng ngược lại thì gia đình của Tí không quan tâm gì tới bé... rồi thì anh Tí anh giết con. Mình thấy vậy mới đưa đơn cho công an thì công an xã biểu mình là về giải hòa, đừng thưa kiện đi tới đi lui tốn tiền.

Mình về suy nghĩ lý do nào con mình đã bị hại mà tạo sao công an xã lại nói về giải hòa, mình bắt đầu viết thêm một lá đơn nữa đưa xuống cho huyện. Nói chung từ ngày đó tới giờ công an không cho biết rõ sự việc giám định mà cứ hỏi rằng bây giờ muốn gia đình người ta bồi thường bao nhiêu. Tới chừng mình điện cho bên nhà báo Pháp Luật ở Phan Thiết thì nhà báo xuống làm rõ sự việc rồi, luật sư ở Hà Nội vô rồi thì bên Bà Mẹ Trẻ Em ở tỉnh mới vô cho bé được 3 triệu, khuyên gia đình là dứng cho bên nhà báo biết nữa để tổn hại cháu.

Bên này mới trả lời là nhờ nhà báo làm rõ sự việc thì mấy anh mới vô tới đây, chứ còn thật sự mà không có nhà báo lên can thiệp và giúp đỡ thì mấy anh cũng không quan tâm tới mà mẹ con tôi thì giờ này cũng không biết như thế nào.

Bây giờ Tí vẫn bình thường ở nhà, nhà mình với nhà Tí sát nhau, bên nhà Tí nói nó đi trị bệnh tâm thần. Gia đình người ta không quan tâm tới con mình thì mình chỉ biết ôm con vào lòng mình khóc thôi.

Nhiều bạn trẻ hưởng ứng

dung2

Các bạn trẻ ủng hộ phong trào. Hình : facebook

Chiến dịch tung lên mạng và đang được nhiều bạn trẻ hưởng ứng, Sandy cho biết tiếp, là công việc được chia làm hai phần :

Thứ nhất là Sandy quay một clip 60 giây, để bàn tay lên phía trước và nói "tôi đồng ý không im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em". Clip được đăng lên trang mạng cũng như các kênh YouTube và các kênh Online.

Thứ hai là vào ngày 1 tháng Sáu 2017, ngày Quốc Tế Thiếu Nhi, Sandy sẽ in một backdrop lớn, mọi người đến đó sẽ in bàn tay của mình lên cái backdrop đó với thông điệp là tôi đồng ý không im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em, có nghĩa là họ đã cam kết bảo vệ quyền lợi trẻ em và bảo vệ trẻ tránh nạn xâm hại. Ngoài ra thì Sandy cũng rất mong có những nhà hảo tâm và những người ủng hộ là mỗi một bàn tay như vậy thì mình sẽ đóng góp vào một quĩ để giúp trẻ bị xâm hại.

Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em được sự hướng ứng và đồng hành của một số bạn trẻ thích những công việc xã hội. Đối với bạn Nguyễn Thị Hồng Oanh, vừa tốt nghiệp Sư Phạm Mầm Non, xâm hại tình dục trẻ em là một tội hình phải bị trừng phạt thật nặng :

Thực sự là em cũng tham gia vào một nhóm bảo vệ quyền trẻ em, thì khi gặp Sandy là em được gặp một nhân chứng sống về nạn xâm hại tình dục. Em cũng được gặp các bạn, các em nạn nhân và em cảm nhận được nỗi đau mà các bé và gia đình các bé phải chịu đựng. Em muốn đồng hành với chị Sandy để bước tiếp để tìm lẽ công bằng cho các nạn nhân.

Đối với em là không có chuyện dĩ hòa vi quí ở đây, một bản án cao nhất đối với em thật sự cũng chưa đủ, hung thủ đã bị trừng phạt rồi nhưng nỗi đau để lại cho nạn nhân vẫn còn hoài còn mãi không bao giờ hết. Trước giờ trong em chưa bao giờ muốn im lặng trước vấn đề xâm hại tình dục trẻ em. Im lặng thì câu chuyện còn kéo dài và không biết sau này sẽ còn bao nhiêu nữa các bé bị như vậy.

Bạn Nguyễn Vũ Thành Tâm, sinh viên ngành Truyền Thông Doanh Nghiệp, đã sốt sắng in bàn tay lên clip 60 Đừng Im Lặng Với Nạn Xâm Hạo Tình Dục Trẻ Em :

Mình không thể nào im lặng được, ở Việt Nam cũng không có nhiều tổ chức và những người dám đứng lên bóc mẽ vấn đề này vì nó quá là nhậy cảm so với xã hội và văn hóa của Việt Nam. Sandy tổ chức một cộng đoàn để giúp những trẻ em như vậy thì rất là tuyệt vời.

Có một thời gian em cũng gặp vấn đề là do hồi xưa em đi hồ bơi thì một người tới kiểu như lợi dụng mình cho nên bây giờ em không muốn thực trạng đấy diễn ra nữa. Em muốn phải có cách bảo vệ trẻ em khỏi vấn nạn xâm hại tình dục. Trẻ em hay người lớn đều có giá trị của riêng mình, xâm hại vào giá trị của người khác thì tất nhiên không thể nào dĩ hòa vi quí được mà phải hành động phải trừng phạt bằng pháp luật.

Đối với bạn Trần Hoài Bảo Thanh, một free lancer trong ngành tiếp thị, đồng ý không im lặng trước nạn xâm hại tình dục trẻ em có nghĩa là từ bỏ thái độ thờ ơ của mình trước vấn nạn này :

Em nghĩ mình phải có hành động thiết thực, ý của em là xã hội phải có tầm nhìn rõ ràng hơn về vấn đề này. Thực sự chuyện xâm hại tình dục trẻ em đã xảy ra rất lâu rồi nhưng do là mọi người cứ thờ ơ với nó cho nên chuyện cứ tiếp tục. Thực sự em muốn những người cưỡng hiếp trẻ em như vậy thì xã hội mình, pháp luật nước mình phải trừng trị xứng đáng những kẻ như vậy. Pháp luật và xã hội cũng phải nhìn nạn nhân và hiểu là họ cần gì họ đang mong muốn cái gì để giúp đỡ họ.

Gần một nửa thủ phạm là người thân

dung3

Cô Sandy Ngọc Nguyễn, người phát động chiến dịch Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em. Hình : facebook

Chiến dịch Đừng im lặng với nạn xâm hại tình dục trẻ em giúp mọi người nhìn thấy khuôn mặt tồi tệ đáng sợ của nạn xâm hại tình dục thiếu nhi, là nhận định của chị Nguyễn Thủy Châu, cán bộ truyền thông đối ngoại của CWD Trung Tâm Phụ Nữ Và Phát Triển trực thuộc Hội Liên Hiệp Phụ Nữ Việt Nam ở Hà Nội, nơi có 2 Nhà Bình Yên cho phụ nữ và trẻ em bị bạo lực gia đình cũng như bị xâm hại tình dục.

Việt Nam vẫn chưa có những hỗ trợ cấp thiết trong chuyện xâm hại tình dục như thế này. Ở Việt Nam cứ 4 trẻ gái thì có 1 em bị xâm hại tình dục, cứ 6 trẻ trai thì có 1 em bị xâm hại tình dục. Xâm hại tình dục trẻ em thường là người quen, người thân,và 47% là người thân trong gia đình.

Phải hiểu trẻ bị xâm hại tình dục thì nó rất đau khổ, nó phá hủy cả một tương lai của trẻ. Khi mà Châu nhìn thấy Sandy, cô bé Việt Nam cũng bị xâm hại tình dục, Châu cảm thấy khâm phục Sandy, Châu đã gọi cho Sandy để xem có cần Châu hỗ trợ gì hay không, Châu rất muốn giúp đỡ Sandy, đôi lúc nhìn Sandy cười nhưng mà nó vẫn đâu đó còn những nỗi đau. Châu mong có thể giúp đỡ Sandy một phần để Sandy giúp đỡ

Người thứ hai, rất đồng tình với việc làm của Sandy, là chị Đỗ Thị Trang, cán bộ giám sát và đào tạo nâng cao năng lực trong Trung Tâm Phụ Nữ Và Phát Triển CWD :

Dưới góc độ một chuyên gia lâu năm trong vấn đề xâm hại và chúng tôi đã làm rất nhiều giúp rất nhiều nhưng chỉ âm thầm, thì nay tôi rất ủng hộ cô Sandy Nguyễn và chiến dịch phá vỡ sự im lặng, hãy lên tiếng. Bởi vì đến thời điểm này thì với vai trò của cô ấy, với chiến dịch của cô ấy thì tôi nghĩ tôi sẽ theo vì mấu chốt là nếu không lên tiếng thì vấn đề không bao giờ được xem xét một cách toàn diện. Những người trong cơ quan nhà nước dám lên tiếng thì mới thay đổi được cái hệ thống pháp luật và mới hỗ trợ nạn nhân được. Nếu im lặng nghĩa là đồng tình nghĩa là vẫn chấp nhận và không thay đổi gì được.

Thực trạng trẻ em ở Việt Nam bị xâm hại tình dục đã đến mức báo động, cô Đỗ Thị Trang khẳng định, trung bình cứ 8 tiếng trôi qua thì có một thiếu nhi trở thành nạn nhân :

Thực tế có 2 số liệu tôi muốn cung cấp, một là Quĩ Dân Số Liên Hiệp Quốc thống kê 93% thủ phạm xâm hại là người thân. Trong 93% ấy thì 47% tại Việt Nam người xâm hại tình dục là người nhà, là cha là mẹ mà vụ gần đây nhất là bố ruột và ông nội trực tiếp xâm hại đứa trẻ.

Số liệu thứ hai là số liệu thống kê tại Nhà Bình Yên thì cứ 15 đến 17 em gái trong đây thì có một em bị xâm hại tình dục, kể cả số liệu trung bình là thành thị hay nông thôn.

Phải đẩy mạnh phong trào Đừng Im Lặng Trước Nạn Xâm Hại Tình Dục Trẻ Em là khẳng định của Sandy Ngọc Nguyễn. Nếu không thành công thì thành nhân, cô quả quyết, bởi nếu thất bại thì sẽ có những người trẻ với ý thức đứng ra gánh vác việc này để một là bảo vệ những tương lai tuổi thơ, hai là lành nạnh hóa một xã hội vốn còn đầy dẫy sự thờ ơ vô cảm, Sandy và nhóm bạn đồng hành tin tưởng như vậy.

Thanh Trúc, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 04/05/2017

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn