Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Dường như có một cơn sóng ngầm đến từ sự phẫn nộ của những người nông dân mất đất ở nhiều tỉnh thành Việt Nam, tạo thành mạng lưới để hỗ trợ nhau đấu tranh đòi và giữ đất.

song1

Trịnh Bá Phương cùng người dân Dương Nội trong một cuộc biểu tình đòi chính quyền trả lại đất

Mạng lưới nông dân mất đất

Theo anh Trịnh Bá Phương, một trong những người đại diện cho nhóm Dân oan Dương Nội nói với BBC ngày 17/4 rằng 'dù không thống kê được hết' nhưng tính sơ đã có đến cả trăm nhóm nông dân mất đất được thành lập khắp cả nước như các nhóm Văn Giang, Đồng Tâm, Hải Phòng, Nghệ An.

Nhóm dân oan Dương Nội gồm hơn 1000 nhân khẩu - thành lập tự phát sau vụ hàng nghìn công an tham gia cưỡng chế đất và bắt bảy nông dân 'chống đối' ở Dương Nội, Hà Nội năm 2014.

Các nhóm này liên kết với nhau qua mạng xã hội để 'học hỏi kinh nghiệm đấu tranh và hỗ trợ nhau về pháp lý', theo anh Phương.

Mới đây, nhân kỷ niệm một năm vụ dân Đồng Tâm bắt giữ cảnh sát đến cưỡng chế đất, nông dân mất đất ở các nơi cùng đổ về xã Đồng Tâm để 'chung vui'.

"Cái chúng tôi học được từ Đồng Tâm là nếu trước đó nhiều dân oan mất đất chỉ biết kéo nhau đi khiếu kiện cho đông người thì Đồng Tâm đã biết đứng ra tổ chức quy củ, kết hợp nhiều biện pháp đấu tranh để buộc chính quyền phải nhượng bộ", anh Phương nói.

Anh Phương, cũng từ một nông dân mất đất, nay trở thành người đại diện, hỗ trợ cho nhóm nông dân cùng cảnh ngộ ở Dương Nội.

Anh giúp thu thập ý kiến, soạn thảo và gửi các đơn kiến nghị tới các cơ quan có thẩm quyền để đòi quyền lợi về đất đai.

Ngay sau cuộc họp kỷ niệm một năm sự kiện Đồng Tâm, các nhóm dân oan mất đất cùng đại diện một số nhóm, tổ chức nhân quyền và hoạt động dân chủ người Việt đã ký tên vào một tuyên bố chung về quyền sở hữu đất gồm ba yêu cầu.

song2

Nhiều làng quê Việt Nam xáo trộn sau những vụ chưng thu đất của chính quyền

Thứ nhất, quyền sở hữu tư nhân đối với đất đai cần được sớm công nhận.

Thứ hai, cần chuẩn bị sửa đổi Hiến pháp để công nhận chế độ đa sở hữu đối với đất đai, trong đó có sở hữu nhà nước, sở hữu của các tổ chức và sở hữu tư nhân.

Thứ ba, trong khi chờ đợi thay đổi luật lệ và chính sách, cần sớm công nhận quyền sử dụng đất như một loại quyền tài sản theo nguyên tắc thuận mua vừa bán... Và cần chấm dứt ngay nạn cưỡng bức thu hồi đất mà chính quyền ở các địa phương đang thực hiện.

Trong số những người ký tên có nhiều trí thức tên tuổi như tiến sĩ Nguyễn Quang A, luật sư Lê Công Định, nhà nghiên cứu văn hóa, nguyên Vụ trưởng Ban dân vận trung ương Hà Nội, Nguyễn Khắc Mai, nhà văn Nguyên Ngọc, nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, v.v…

"Chúng tôi sẽ tiếp tục thu thập chữ ký, sau đó sẽ gửi bản tuyên bố này tới chính phủ, Quốc hội Việt Nam, các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước", anh Trịnh Bá Phương cho biết.

Bước tiến đáng kể

Đã có nhiều bước tiến đáng kể trong quá trình nông dân đấu tranh đòi đất suốt chục năm qua.

"Mới đây ngày 9/4, công an quận Hà Đông tới nhà gặp tôi nói muốn 'đối thoại' với bà con Dương Nội nhằm 'giải quyết hài hòa lợi ích' và tình trạng khiếu kiện kéo dài tại đây", anh Phương nói với BBC.

"Mặc dù họ chưa có hành động gì cụ thể, nhưng điều đó cho thấy chính quyền đã gặp áp lực lớn trước những yêu cầu chính đáng của người dân chúng tôi".

song3

Những người trẻ tuổi như anh Phương giúp cha ông giữ đất bằng pháp lý và tìm kiếm giúp đỡ trong và ngoài nước qua mạng xã hội

Năm 2013, Phó Thủ tướng Chính phủ ra văn bản yêu cầu xem xét việc khiếu nại của dân phường Dương Nội. Sau văn bản này, ba tập thể và bốn cá nhân trong bộ máy hành chính của Dương Nội bị kỷ luật và xử lý hình sự do sai phạm trong thu hồi đất, theo truyền thông Việt Nam.

Dù khiếu kiện vẫn kéo dai dẳng tới nay do nhiều hộ không được đền bù thỏa đáng, không được hỗ trợ tái định cư và tạo công ăn việc làm, annh Phương nói điểm khác biệt là bà con nhận được ủng hộ và hỗ trợ của nhiều tổ chức xã hội dân sự, các tổ chức nhân quyền quốc tế. Đặc biệt anh đã có nhiều dịp được đối thoại với Liên Hiệp Quốc trong vấn đề đất đai và nhân quyền ở Việt Nam.

Sinh ra từ làng, anh Phương trước chỉ quen cấy lúa và chăn đàn trâu bò, nay đọc vanh vách các điều khoản về luật đất đai và các công ước quốc tế liên quan.

"Tôi đã học hỏi được thêm rất nhiều điều. Trước đây từ một nông dân không biết gì, sau khi gia đình mất sạch đất canh tác, mẹ tôi đi tù hai lần vì đấu tranh đòi đất, tôi đã gặp gỡ và biết đến các nhóm nhân quyền trong và ngoài nước, hiểu biết thêm về pháp luật để bảo vệ quyền của mình", anh Phương nói.

Trẻ hóa

Những người tham gia mạng lưới nông dân mất đất giờ có nhiều người trẻ tham gia, dù đa số vẫn là trung niên.

"Có nhiều bạn trẻ từ Hà Nội, Nghệ An, Thanh Hóa tham gia đấu tranh dân chủ và nhân quyền, trong đó có quyền lợi cho nông dân mất đất", anh Phương nói với BBC.

Anh Phương cho hay những người trẻ tuổi, trên dưới 30 như anh, không phải là những người trực tiếp bị mất đất, mà có ông bà, cha mẹ bị mất đất đai cày cấy bao đời nay.

Liên kết qua mạng xã hội và tìm kiếm sự hỗ trợ của các tổ chức nhân quyền trong và ngoài nước là việc mà lớp trẻ như anh Phương làm được giúp cha ông mình.

"Chúng tôi hiện đấu tranh ôn hòa bằng pháp lý. Khi mọi biện pháp ôn hòa đã được áp dụng mà chính quyền vẫn không trả lại đất cho chúng tôi thì chúng tôi sẽ tính đến các biện pháp khác. Chúng tôi sẽ không bao giờ từ bỏ con đường của mình vì đất đai là máu thịt của chúng tôi", anh Phương nói.

Để nuôi sống gia đình, anh Phương mua cua từ Hòa Bình đem bán ở chợ trong xã Văn Khê, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây.

Ngay sau phía sau thúng cua của anh Phương là khu đất trước đây từng là ao của nhà anh, bao quanh bởi rặng bạch đàn.

"Tôi vẫn nhớ thời nhà tôi còn đất ruộng. Ngày ngày tôi cày cấy cùng gia đình, rồi thả cá, trăn đàn trâu bò, vẫn đi qua rặng bạch đàn ấy. Bình yên lắm", anh Phương nói với BBC qua điện thoại trong lúc đang đứng bán cua cho khách.

Em trai anh Phương học ngành thể thao, nhưng vì gia đình tham gia vào các vụ khiếu kiện đất đai kéo dài nên khi ra trường không thể xin được việc, nay cũng về làm nông dân và tham gia đấu tranh đòi đất cùng dân Dương Nội và các nhóm nông dân mất đất khác.

"Là người nông dân, chúng tôi chả có gì ngoài đất đai. Gia đình tôi mất đất nhưng may mắn còn đất ở Hòa Bình nên cả nhà lên đó cày cấy. Nhiều gia đình khác mà tôi biết lang bạt khắp nơi, ai thuê gì làm nấy, hoặc dạt sang xã lân cận thuê đất ruộng để được tiếp tục làm nông, đời sống rất bấp bênh. Nên chúng tôi sẽ đấu tranh đến cùng để giữ đất".

Đất đai là 'vấn đề chính trị lớn' của Việt Nam

song4

Công an Việt Nam căng lều chuẩn bị cho cuộc cưỡng chế đất ngày 25/10/2016 tại Dương Nội

Từ vụ nông dân Đoàn Văn Vươn nổ súng giữ đất ở Tiên Lãng năm 2012 tới vụ dân Đồng Tâm lập 'chiến lũy', bắt giữ công an và cảnh sát năm 2017, dường như cục diện các cuộc tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân ít nhiều thay đổi.

Tờ The Economist ngày 15/6/2017 có bình luận rằng đất đai là vấn đề chính trị lớn ở Việt Nam, nơi mà chính phủ cho phép dân sử dụng đất nhưng lại khẳng định đất đai thuộc về nhà nước.

"Bồi thường cho các vụ thu hồi đất thấp hơn nhiều so với giá thị trường. Các cuộc tham vấn có thể chỉ hời hợt, và tòa án hiếm khi giải quyết khiếu nại. Những người dân bị mất đất đôi khi khiếu nại về sự thông đồng giữa các quan chức địa phương và các nhà phát triển".

"Những điểm yếu này làm méo mó sự phát triển của Việt Nam".

"Đáng lo ngại hơn cho Đảng cộng sản Việt Nam là cơn giận giữ nội tại có thể bùng phát từ việc cưỡng chế di dời đất và quyền lợi yếu ớt [của người dân] đối với đất đai".

"Các số liệu chính thức cho thấy tranh chấp đất đai thuộc cách này hay cách khác chiếm hơn hai phần ba tổng số khiếu nại được gửi tới giới chức. Sự bất bình của người dân làm suy yếu sự ủng hộ đối với Đảng cộng sản".

"Chính quyền thường xuyên viện đến vũ lực trong các vụ cưỡng chế đất ngay cả khi việc phản kháng là ôn hòa".

"Facebook đã trở thành một kênh để giải tỏa cơn giận giữ đối với mọi loại bất công...".

Phó giáo sư tiến sĩ Hoàng Ngọc Giao, Giám đốc Viện Chính sách Pháp luật và Phát triển từng nói với BBC trong một cuộc trao đổi bàn tròn trực tuyến rằng 'đất đai là thiêng liêng với nông dân'.

Ông Giao cho rằng vấn đề đất đai ở Việt Nam 'mang tính chất thể chế' và 'có ảnh hưởng đến sự tồn vong".

"Quốc gia thì có đất đai, quốc gia có lãnh thổ, và lãnh thổ là thiêng liêng, là bất khả xâm phạm thì đối với người dân, đất đai với họ cũng là thiêng liêng, và người ta sẵn sàng sống chết vì mảnh đất đó", Phó giáo sư Hoàng Ngọc Giao nói.

Nguồn : BBC tiếng Việt, 18/04/2018

Published in Diễn đàn