Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Năm 1959 Quốc hội Việt Nam ban hành một Nghị quyết về Hợp tác hóa nông nghiệp, đưa toàn bộ nông dân miền Bắc vào canh tác tập thể trong các Hợp tác xã nông nghiệp theo phương thức canh tác chung và chia lợi nhuận cho xã viên.

nong1

Việc chuyển mục đích từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hay chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp xây chuồng trại chăn nuôi và làm nhà đều phải xin phép.

Đây là chính sách cải tạo nông nghiệp theo đường hướng xây dựng kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa.

Đến năm 1988 Bộ chính trị trung ương đảng cộng sản đã ban hành một nghị quyết số 10 về đổi mới quản lý kinh tế trong nông nghiệp, về sau thường được gọi là chính sách khoán 10. Trong đó có ý chính là khôi phục lại kinh tế hộ gia đình, giao khoán sản phẩm nông nghiệp cho hộ nông dân.

Theo đó nhà nước sẽ giao lại đất canh tác cho các hộ và sẽ nhận lại một phần thành quả lao động, phần còn lại các hộ gia đình được sử dụng và bán đổi ra thị trường.

Đến năm 1993 khi đã thấy được hiệu quả canh tác của hộ gia đình, nhà nước đã tiến hành chia toàn bộ ruộng của các hợp tác xã nông nghiệp cho người dân theo đầu nhân khẩu, ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Hồng, bình quân mỗi đầu người được chia từ 1,5 sào đến 2 sào, mỗi sào Bắc Bộ 360 mét vuông.

Các hợp tác xã tuy vẫn còn nhưng không còn kiểu làm chung và chia sản phẩm như trước nữa, hợp tác xã nông nghiệp chuyển sang vai trò cung ứng các vật tư nông nghiệp cho nông dân và bao tiêu sản phẩm.

Thời hạn giao đất nông nghiệp theo Nghị định 64 năm 1993 của Chính phủ chỉ có thời hạn là 20 năm, đến năm 2013 là hết thời hạn, đúng ra người dân phải giao trả lại ruộng cho nhà nước. Nhưng sau khi cân nhắc tính toán, thấy việc thu về để rồi phân chia lại sẽ gây xáo trộn mất ổn định lớn, cho nên Nhà nước quyết định giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và kéo dài thời gian sử dụng cho người dân lên 50 năm. Luật đất đai năm 2013 đã ấn định chính sách này cho cả nước.

Quá trình chia ruộng trước đây, để đảm bảo công bằng cho nên mỗi gia đình được phân chia một khoảnh nhỏ tại mỗi xứ đồng khác nhau theo từng đơn vị thôn xóm, dẫn đến manh mún, nhỏ lẻ không thuận lợi cho việc canh tác.

Từ dăm bảy năm trở lại đây nhiều nơi trên cả nước đã tiến hành dồn điền đổi thửa, dồn ô đổi ruộng, để tập trung ruộng đất mỗi hộ gia đình thành một khoảnh lớn, tạo cơ cấu đồng đất thuận lợi cho việc canh tác.

Bất cập hiện nay

nong2

Nhiều hộ dân canh tác tập thể (hình minh họa)

Chính sách đất đai trong nông nghiệp đã trải qua nhiều biến chuyển, phản ánh sự thay đổi nhận thức qua các thời kỳ. Nhiều việc làm ban đầu bị cho là sai nhưng sau hóa ra lại đúng, quy định chính sách bất cập được sửa đổi, và bây giờ nhìn lại mới thấy các chính sách trước đây thật là không phù hợp.

Đó là một tiền đề tốt để suy xét rằng, vậy liệu các các quy định chính sách hiện nay thì sao ? Liệu đã đúng đắn hợp lý chưa, hay là vẫn còn tồn tại những quy định phi lý sai trái mà tương lai khi nhìn lại thì sẽ thấy quy định hiện tại đầy phi lý mâu thuẫn ?

Tôi cho rằng thực tế đang tồn tại một quy định chính sách quản lý đất đai sai trái, trói buộc sức sản xuất của nông dân, đang âm ỉ đốt lên những ngọn lửa bất đồng phản kháng ở nông thôn. Tôi xin chỉ ra như sau.

Sau hơn 30 năm đất nước đổi mới kinh tế (tính từ năm 1986), đời sống nông thôn đã có những bước cải thiện. Có thể hình dung là người dân đã tích lũy được một số vốn liếng mà theo đó họ sẽ có xu hướng thay đổi cái cơ cấu trồng cấy manh mún kém hiệu quả năng suất xưa nay.

Nhờ những tiến bộ kinh tế nên các trang thiết bị máy móc cơ khí hóa nông nghiệp như máy bơm, máy cày, máy bừa, máy gặt, hệ thống đường điện đã phổ biến khắp nơi.

Các loại máy móc cơ giới, xây dựng như công nông, xe tải nhỏ, máy xúc, máy ủi, máy cắt, máy khoan cũng được phổ biến tạo ra khả năng mới cho người dân, và họ sẽ áp dụng cái khả năng mới đó vào trong canh tác nông nghiệp.

Kinh tế thị trường cũng giúp tạo ra thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng nông sản, lúa gạo không còn là cây lương thực tạo ra giá trị kinh tế chủ đạo nữa, nhiều nơi trồng hoa màu, rau củ các loại hoặc cây ăn quả, chăn nuôi thả các loại gia cầm, gia súc, cá tôm lại cho hiệu quả kinh tế tính theo diện tích cao hơn cấy lúa.

Những điều đó phát triển như một sự tất yếu khách quan. Tất nhiên cũng không phải mọi vùng nông thôn với hàng chục triệu nông dân đều có được môi trường tích tụ các yếu tố tương thích đồng thời nảy sinh như trên.

Nhưng có lẽ là hàng trăm nghìn hộ gia đình đâu đó trên cả nước đã ở vào cái bối cảnh trạng thái của sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi trong nông nghiệp.

Cấm chuyển đổi mục đích sử dụng đất

nong3

Người dân Đồng Tâm có thực sự tin chính quyền ?

Sự phát triển theo chiều hướng tất yếu mở ra cơ hội khả năng mới cho hàng trăm nghìn hộ gia đình, nhưng họ đang vấp phải một chướng ngại lớn, đó là người dân không được tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp.

Việc chuyển mục đích từ trồng lúa sang trồng cây ăn quả, hay chuyển đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp xây chuồng trại chăn nuôi và làm nhà đều phải xin phép. Nhưng sự cho phép lại phụ thuộc vào các vấn đề quy hoạch quan liêu, thiếu hợp lý khoa học nên đang là một rào cản, khiến người dân khó thể làm đúng pháp luật mà đạt được mục đích của mình.

Do những thôi thúc kinh tế nên người dân nhiều nơi đã vượt rào, tự gỡ mình thoát ra khỏi những trói buộc pháp luật bất cập, họ đã trồng cây ăn quả trên đất lúa và làm chuồng trại chăn nuôi, làm nhà ở trên đất nông nghiệp.

Họ đã vượt rào giống như sự vượt rào đã xảy ra trước đây trong công cuộc chuyển đổi mô hình canh tác theo hợp tác xã kém năng suất chuyển sang mô hình kinh tế hộ gia đình, làm tiền đề cho chính sách khoán 10.

Giống như trước đây, nhận thức của cơ quan quản lý trong trường hợp này đã không theo kịp với sự biến chuyển từ thực tiễn đời sống. Chính quyền nhiều nơi lên kế hoạch xử lý vì cho rằng người dân chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Sự mẫn cán của các địa phương trong trường hợp này lại mang đến hệ quả xấu, tạo ra tình thế chống đối, gây xáo trộn đổ vỡ sự bình yên ở nông thôn.

Những nhận thức quan liêu cứng nhắc và sự lười biếng trong quản lý đất đai, khiến cho người ta không nhận ra cái lẽ tất yếu rằng, đất thuộc quyền sử dụng của các hộ dân, bắt họ phải sử dụng vào mục đích mà họ không muốn thì hiệu quả sẽ ra sao ?

Việc cưỡng chế với ý muốn khôi phục lại hiện trạng như trước kia, nhưng thực tế cũng chỉ làm được cái việc có tính chất phá phách là phá dỡ mà chẳng làm được gì hơn. Vậy thì thực chất nhà nước đem lại lợi ích gì trong hoạt động công vụ này ?

Việc xử lý xây dựng trái phép thường được cho là để giữ nghiêm kỷ cương, giữ nghiêm pháp luật. Nhưng thử hỏi rằng vì sao mà người dân xây dựng, có phải họ rỗi rãi làm điều xằng bậy đâu.

Người dân tích cóp bao năm mới có được chút tiền làm cái nhà, xây được cái chuồng chăn nuôi. Để tiến tới quyết định làm việc này họ đã bao đêm trằn trọc suy nghĩ tính toán. Người dân đâu có xằng bậy làm càn ?

Để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật mà dân phải sống trong khốn khó nghèo nàn thì pháp luật có ý nghĩa gì ? Chính người dân họ biết sử dụng đất vào việc gì để mảnh đất có giá trị nhất với họ, gia tăng giá trị cho họ cũng là gia tăng giá trị cho xã hội. Đất của mỗi gia đình, họ tự biết cách trân trọng để tạo ra hiệu quả kinh tế, không bao giờ có việc người dân vô trách nhiệm đối với tài sản của chính mình.

Cho nên cái quan điểm "kiên quyết phá bỏ những công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp" ở nhiều địa phương là hệ quả của nhận thức ấu trĩ, lầm lạc, phản ánh tư duy dễ dãi giản đơn, cẩu thả trong quản lý đất đai, coi thường tính phức tạp của thực tiễn, vô trách nhiệm trước sự phát triển mà thôi.

Việc ngăn cấm người dân chuyển đổi mục đích sử đụng đất đang là bất cập lớn nhất trong chính sách quản lý đất đai hiện nay, và đây đang là rào cản lớn trói buộc kìm hãm sức sản xuất trong nông nghiệp.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 02/09/2017

Luật sư Ngô Ngọc Trai hiện sinh sống tại Hà Nội.

Published in Diễn đàn