Đưa Đồng Tâm thành xã 'Nông thôn mới' để xóa ký ức tội ác ?
RFA, 10/07/2020
Bí thư thành phố Hà Nội, ông Vương Đình Huệ tại Đại hội đảng bộ huyện Mỹ Đức diễn ra vào ngày 9 tháng 7 năm 2020, đã chỉ đạo Xã Đồng Tâm, "điểm nóng" nghiêm trọng của huyện Mỹ Đức, Hà Nội phải trở thành xã ‘Nông thôn mới’ vào năm 2021.
Xã Đồng Tâm nơi diễn ra vụ đụng độ giữa hàng trăm Cảnh sát cơ động và người dân thôn Hoành vào rạng sáng 9/1 khiến cụ Lê Đình Kình thiệt mạng - Hình minh họa
Trả lời Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020, Giáo sư Nguyễn Đình Cống, một đảng viên đã từ bỏ đảng, nói :
"Cái việc mà gọi là phong trào xây dựng nông thôn mới, thì người ta đã phát động mấy chục năm nay, với mười mấy hai mươi tiêu chí, nhiều thứ lắm. Với mục đích phát triển nông thôn theo định ước Xã hội Chủ nghĩa, tôi thấy các nơi làm nhiều lắm và báo cáo thành tích... nhưng thực chất thì không biết thế nào. Còn việc họ muốn biến Đồng Tâm thành một vùng nông thôn mới thì tôi cho rằng, đây là một cách để người ta khống chế. Tại vì để lập nông thôn mới, người ta phải lập ra cơ quan đảng, chính quyền... thanh niên, nông dân phải làm việc này việc kia... Và nhờ những chuyện đó người ta có thể mua chuộc dân, ví dụ người ta có thể đầu tư tiền để là trường học, đường xá... Mưu đồ của cộng sản khó biết lắm, ngoài mồm người ta có thể nói đó là quyền lợi và hạnh phúc của nhân dân Đồng Tâm, nhưng trong bụng họ thì mình không thể biết được thật sự người ta nghĩ như thế nào ?".
Cũng tại Đại hội đảng bộ huyện Mỹ Đức, ông Vương Đình Huệ cho rằng, các cấp ủy Đảng ở địa phương này chưa đạt hiệu quả trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nghị quyết của đảng ; còn không ít đảng viên vi phạm pháp luật nhà nước, bị lợi dụng chuyển hóa thành chống đối, cực đoan khiến xã Đồng Tâm trở thành "điểm nóng" nghiêm trọng. Do đó ông Huệ yêu cầu huyện Mỹ Đức tập trung hoàn thành xây dựng 4 xã ‘Nông thôn mới’ trong đó riêng xã Đồng Tâm phải trở thành xã ‘Nông thôn mới’ vào năm 2021.
Vì sao xã Đồng Tâm phải trở thành xã ‘Nông thôn mới’ một cách gấp rút vào năm tới ? Trong khi nếu xét về mặt ổn định chính trị xã hội, theo tiêu chuẩn của nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam... thì hẳn cần nhiều thời gian hơn. Liệu đây có phải là một cách để xóa đi ký ức tội ác ?
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS đã tự giải thể, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020 cho rằng, chắc chắn chính quyền muốn xóa đi cái ký ức tội ác ở Đồng Tâm. Bởi vì theo ông, ‘Nông thôn mới’ là một kiểu tuyên truyền của nhà nước, tức là những nơi đấy phải theo các quy định của nhà nước và của đảng rất là nghiêm túc. Họ chỉ muốn nói rằng, trước kia Đồng Tâm chưa phải là ‘Nông thôn mới’, chưa đạt tiêu chuẩn... Bây giờ làm như vậy để cho nó ‘ngoan ngoãn’ đi. Ông nói tiếp :
"Tôi nghĩ không bao giờ họ có thể xóa đi cái tội ác đã xảy ra ở Đồng Tâm. Bởi vì đó là cái sự cố chưa từng có trong lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, hay là từ năm 1975 đến nay là của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam… khi mà 3.000 cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí đến tận răng, vào trong làng vào buổi sáng tinh mơ để bắt người, giết người… gây ra chuyện kể cả 3 cảnh sát bị chết… Chuyện cần làm rõ là cụ Kình bị giết như thế nào ? 3 người cảnh sát kia bị chết như thế nào ?".
Bí thư Thành ủy Hà Nội, ông Vương Đình Huệ tại Đại hội đảng bộ huyện Mỹ Đức diễn ra vào ngày 9 tháng 7 năm 2020. Courtesy chinhphu.vn
Theo Tiến sĩ Nguyễn Quang A, cho dù chính quyền có làm rõ được nguyên nhân những cái chết ở Đồng Tâm, trừng trị những kẻ gây tội ác... thì lúc đó cũng chưa gột sạch được vết nhơ này, và nó sẽ được nhắc lại trong lịch sử cho đến muôn đời sau.
Luật sư Đặng Đình Mạnh khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020 qua tin nhắn cho rằng, việc chính quyền chủ trương đưa các địa phương trở thành xã 'Nông thôn mới', phát triển các mặt trong đời sống xã hội là điều rất đáng ghi nhận, kể cả với xã Đồng Tâm. Tuy nhiên ông nói tiếp :
"Tuy vậy, cho dù chủ trương có thực hiện thành công, thì điều đó cũng không thể xóa đi được ký ức xấu về trận tấn công, xâm nhập nhà dân trong những ngày giáp tết nguyên đán, bắn chết 01 cụ già hơn 80 tuổi, 03 chiến sĩ công an tử thương và đưa vào vòng lao lý đến 29 người dân...
Chúng tôi mong rằng, chính quyền sẽ có những nỗ lực về phương diện pháp lý để trả lại công lý cho những người dân lương thiện. Động thái đưa 29 người dân Đồng Tâm ra xét xử hình sự trong thời gian tới chỉ khoét sâu hơn nỗi đau của họ và khó có thể tranh thủ được đồng tình của người dân".
Thôn Hoành thuộc xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, là nơi đã xảy ra vụ đụng độ giữa hàng trăm cảnh sát và người dân thôn Hoành vào rạng sáng ngày 9/1, khiến cụ Lê Đình Kình và 3 cảnh sát thiệt mạng. Sau đó 29 người dân thôn Hoành bị bắt và đang đối diện với các mức án cao do bị cáo buộc tội "giết người" và "chống người thi hành công vụ". Vụ án này Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội dự kiến đưa ra xét xử trong tháng 8.
Liên quan đến chỉ thị phải đưa Đồng Tâm trở thành xã ‘Nông thôn mới’ vào năm 2021. Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, khi trao đổi với Đài Á Châu Tự Do hôm 10 tháng 7 năm 2020 cho rằng :
"Tôi nghĩ theo hai cách, đầu tiên có lẽ nhà cầm quyền thấy chuyện xử lý ở Đồng Tâm đã vượt qua khỏi tầm của cuộc khủng hoảng bình thường, nó đã ra đến thế giới. Thứ hai, đây cũng có thể là xoa dịu bớt sự phẫn uất của người dân. Tôi nghĩ họ làm như thế thì lại làm người ta chú ý đến Đồng Tâm hơn và vấn đề Đồng Tâm sẽ là một vấn đề rất là lớn".
Thời gian gần đây, chính quyền Việt Nam liên tục gia tăng đàn áp các tiếng nói đối lập, bắt bớ, giam cầm họ với cáo buộc bị cho là chống đối nhà nước... Chỉ riêng vụ việc ở Đồng Tâm, ngoài 29 người dân thôn Hoành bị bắt và đang đối diện với các mức án cao do bị cáo buộc "giết người" và "chống người thi hành công vụ". Thì mới đây, vào ngày 24 tháng 6 năm 2020, chính quyền bất ngờ bắt giữ một số người đưa tin về vụ Đồng Tâm. Trong đó có các dân oan Dương Nội gồm ba mẹ con Cấn Thị Thêu, Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và bà Nguyễn Thị Tâm...
Nhà báo độc lập Ngô Nhật Đăng, nhận định thêm :
"Theo cá nhân tôi, trong tình hình khó khăn hiện nay, nhà cầm quyền phải tìm mọi cách để đổi mới. Có nhiều cách để lựa chọn như lắng nghe dư luận, lắng nghe ý kiến của người dân... thì nhà cầm quyền lại chọn cách đàn áp. Tôi cho rằng họ không có con mắt viễn kiến, họ có nỗi sợ, họ lo lắng cho tương lai của đảng, họ không đủ dũng cảm đổi mới để đất nước thay đổi, mà họ chọn đàn áp để xã hội sợ hãi, quay trở lại thời đảng và nhà nước nắm hết tất cả như ngày trước. Những việc như vậy có thể ổn định trong ngắn hạn, nhưng nó rất nguy hiểm và rủi ro như cái lò xo bị nén nhiều quá thì sức bật trở lại của nó có thể gây xáo trộn cho xã hội".
Với việc xây dựng Đồng Tâm trở thành xã ‘Nông thôn mới’, Giáo sư Nguyễn Đình Cống cho rằng, mục đích của nhà cầm quyền là để lấy lòng dân, mua chuộc dân, lấy lòng tin của dân.... để làm thế nào có thể cô lập những người phản đối nhà nước... Tuy nhiên theo ông, chuyện nhà nước có mua chuộc được hay không thì phải chờ, chưa chắc như thế, vì lòng dân bên ngoài họ chấp nhận, nhưng bên trong họ có ủng hộ hay không thì lại là chuyện khác.
Nguồn : RFA, 10/07/2020
******************
Hà Nội muốn biến ‘điểm nóng’ Đồng Tâm thành ‘nông thôn mới’
VOA, 10/07/2020
Yêu cầu biến "điểm nóng" Đồng Tâm trở thành "nông thôn mới" được Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đưa ra tại Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Mỹ Đức vào ngày 9/7, ba ngày sau khi Chánh án Tòa án Nhân dân Hà Nội cho báo chí biết sẽ đem vụ án Đồng Tâm ra xét xử vào tháng tới.
Cổng vào Đồng Tâm.
Mặc dù lưu ý với lãnh đạo huyện ngoại thành Hà Nội về "nhiều thiếu sót, khuyết điểm" về an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai, nhưng người đứng đầu thành ủy Hà Nội cho rằng huyện Mỹ Đức cơ bản đã "chủ động phối hợp" và "tham mưu kịp thời" cho trung ương, thành phố nên đã "giải quyết dứt điểm vụ việc phức tạp tại Đồng Tâm", báo Tiền Phong tường thuật.
29 người dân Đồng Tâm đã bị cáo buộc "tấn công nhằm tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ" trong đêm xảy ra vụ bố ráp 9/1 khiến cho ông Lê Đình Kình (người đại diện cho dân làng trong vụ tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân) và 3 công an tử vong. Trong đó, 25 người bị truy tố về tội "Giết người" và 4 người bị truy tố về tội "Chống người thi hành công vụ".
Ông Lê Đình Kình, 84 tuổi, vốn là một cựu Bí thư Đảng ủy xã Đồng Tâm bị Viện Kiểm sát buộc tội là người chủ mưu, thường xuyên "xuyên tạc về nguồn gốc khu đất", kích động, lôi kéo người dân tham gia khiếu kiện. Ông đã bị bắn chết ngay trong phòng ngủ trong đêm diễn ra vụ bố ráp.
Sau khi xảy ra vụ xung đột dẫn đến chết người ở Đồng Tâm, nhiều cơ quan ngoại giao của các nước và các tổ chức nhân quyền quốc tế đã lên tiếng kêu gọi Việt Nam cho phép các cơ quan báo chí và các tổ chức quốc tế được đến Đồng Tâm để tìm hiểu vụ việc, cũng như có một cuộc điều tra độc lập về vụ xung đột. Tuy nhiên, yêu cầu này cho tới nay vẫn chưa được Hà Nội phản hồi.
Đặt mục tiêu phải biến "điểm nóng" Đồng Tâm trở thành "xã nông thôn mới" vào năm 2021, Bí thư Vương Đình Huệ nhấn mạnh tại cuộc họp ngày 9/7 rằng "cả Hà Nội và huyện Mỹ Đức" sẽ phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu này.
"Tôi đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2022, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, về đích trước 1 năm so với mục tiêu của huyện. Riêng đối với Đồng Tâm phấn đấu năm 2021 đưa lên thành xã nông thôn mới", Vietnamnet dẫn lời ông Huệ nói.
Cũng tại cuộc họp, một báo cáo chính trị đã được đưa ra, trong đó đề cập đến những nguyên nhân "khách quan" khiến cho Đồng Tâm trở thành "điểm nóng" như địa hình rộng, có đông đồng bào tôn giáo, dân tộc dẫn đến khó khăn về mặt quản lý, bên cạnh nguyên nhân "chủ quan" là những vi phạm về quản lý đất đai chưa được xử lý nghiêm minh, kịp thời, và một số cán bộ, đảng viên "thoái hóa, biến chất, làm trái chủ trương, đường lối của Đảng" dẫn đến giảm sút uy tín và niềm tin nơi người dân.
Ngoài ra, báo cáo cũng cho biết tỷ lệ kết nạp đảng viên tại địa phương hiện nay "chưa đạt chỉ tiêu nghị quyết đề ra". Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là vì chất lượng sinh hoạt đảng yếu, nội dung "chưa sát thực tiễn", trong khi tỷ lệ xin ra khỏi đảng đang có chiều hướng gia tăng.
Nguồn : VOA, 11/07/2020
Tờ Tuổi Trẻ vừa đăng một bài viết của ông Nguyễn Minh Nhị, cựu Chủ tịch tỉnh An Giang. Trong bài "Để người dân đừng đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp !", ông Nhị - một viên chức cao cấp, tuy đã nghỉ hưu song vẫn trăn trở về tương lai An Giang nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung – kể rằng, trong vài năm gần đây, "đi Bình Dương" trở thành chuyện cửa miệng của nhiều cư dân An Giang.
Tại nhiều làng quê ở miền Tây, chỉ còn lại phần lớn là người già và trẻ em bởi lao động chính đã đi nơi khác kiếm sống - Ảnh : CHÍ QUỐC
Lúc đầu, cư dân An Giang phấn chấn vì "đi Bình Dương" hứa hẹn cơ hội thoát nghèo, thế nhưng sau đó, thực tế cho thấy, "đi Bình Dương" là loại cơ hội tưởng vậy mà không phải vậy, nhiều người "đi Bình Dương", khi có chuyện khẩn cấp, gia đình phải gửi tiền để người "đi Bình Dương" có lộ phí cho chuyện quay về. Tuy nhiên theo lời ông Nhị, cư dân An Giang vẫn lũ lượt bỏ nhà, bỏ ruộng, bỏ cha mẹ già, mồ mả ông bà, vợ chồng con cái dắt díu nhau "đi Bình Dương".
Ông Nhị nhận định, dù cuộc sống của những người chọn con đường "đi Bình Dương" cực nhọc, bấp bênh nhưng xét cho đến cùng thì vẫn tốt hơn ở lại quê nhà. Ông Nhị cay đắng lập lại điều mà nhiều chuyên gia đã đề cập từ lâu, đó là dù luôn góp phần đáng kể cho kinh tế Việt Nam nhưng đầu tư cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức thấp nhất. Giờ, khi không thể sống nhờ ruộng vườn, cư dân An Giang nói riêng và cư dân đồng bằng sông Cửu Long lũ lượt bỏ xứ, tha phương cầu thực…
Hồi trung tuần tháng này, tờ Tuổi Trẻ giới thiệu một nghiên cứu của Alex Chapman – Đại học Southampton (Anh) và Văn Phạm Đăng Trí (Đại học Cần Thơ), theo đó, đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 18 triệu dân nhưng trong mười năm vừa qua đã có khoảng 1,7 triệu người ở đó bỏ xứ ra đi. Alex và Trí dẫn một nghiên cứu khác của Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường thuộc Đại học Văn Lang, cho biết, gần đây, đã có 14,5% cư dân đồng bằng sông Cửu Long "di cư". Lê Thị Kim Oanh và Lê Minh Trường cho rằng, mỗi năm, "biến đổi khí hậu" (hạn hán, nước mặn xâm nhập sâu vào sông hồ, kênh rạch, ruộng đồng, sạt lở trên diện rộng,…) đẩy khoảng 24.000 cư dân đồng bằng sông Cửu Long tha phương cầu thực. Alex Chapman và Văn Phạm Đăng Trí nhấn mạnh, khát vọng thoát nghèo là nguyên nhân chính dẫn tới hiện tượng ồ ạt bỏ xứ tha phương cầu thực, do mối liên hệ càng ngày càng phức tạp giữa nghèo đói với biến đổi khí hậu, tỉ lệ 14,5% có thể là "chưa đủ".
***
Theo một thống kê được công bố hồi cuối năm ngoái, trong năm năm từ 2010 đến 2015, Việt Nam đã chi 850 tỉ để thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới". Tính đến cuối năm 2016, tại Việt Nam có 2.016 xã (23% tổng số xã) đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới". Cũng theo thống kê vừa kể thì song song với con số 2.016 xã tại Việt Nam đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới" là 53/63 tỉnh, thành phố đang nợ 15.277 tỉ đồng do "xây dựng nông thôn mới" và hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương chưa biết xoay tiền từ đâu ra để trả.
Tại một cuộc họp của Quốc hội khóa 14 (2016 – 2021) diễn ra hồi cuối năm ngoái, ông Nguyễn Ngọc Phương một đại biểu của tỉnh Quảng Bình bảo rằng, nhiều tiêu chí đã được đề ra để xem xét – công nhận đạt "tiêu chuẩn nông thôn mới" không hợp lý nên chương trình "xây dựng nông thôn mới" trở thành lãng phí vì không hiệu quả. Ví dụ như tiêu chí về chợ, về bưu điện trung tâm. Nhiều chợ xây theo "tiêu chuẩn nông thôn mới" đang bị bỏ hoang và vì đã hết tiền nên không thể xây dựng các cơ sở thiết yếu như trường học, trạm y tế. Ở cuộc họp vừa kể, những đại biểu khác nói thêm rằng để đạt thành tích thực hiện thành công chương trình "xây dựng nông thôn mới", chính quyền nhiều xã đã ép dân đóng góp quá mức, kể cả ép các gia đình nghèo, người già, trẻ con.
Chưa kể đóng góp của dân chúng, chỉ tính số mà công quỹ đã chi và những khoản nợ dứt khoát phải trả, chương trình "xây dựng nông thôn mới" đã nuốt của công khố 16.127 tỉ. Dẫu di họa của chương trình "xây dựng nông thôn mới" (do Bộ Chính trị của Đảng cộng sản Việt Nam đề ra, Quốc hội Việt Nam phê chuẩn, chính phủ Việt Nam thực hiện) đã rất rõ ràng : Nông dân oán thán vì bị vắt kiệt. Nợ nần của hệ thống công quyền tăng vọt. Chính quyền nhiều địa phương phá sản, không còn tiền để chi cho các khoản thiết yếu. Nhiều doanh nghiệp phá sản vì cung cấp vật tư, nguyên liệu, nhận thầu các công trình trong chương trình "xây dựng nông thôn mới" nhưng không được thanh toán, song cuối năm 2015, trước khi mãn nhiệm kỳ 2011 – 2016, 436/437 đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa 13 vẫn tán thành việc chi 193 ngàn tỉ đồng trong giai đoạn từ 2016 đến 2020 để… tiếp tục thực hiện chương trình "xây dựng nông thôn mới". Trong 193 ngàn tỉ đồng đó, chính quyền trung ương sẽ chi 63.155 tỉ, chính quyền các địa phương sẽ chi 130.000 tỉ và tất nhiên từ trẻ sơ sinh đến người già chưa kịp thở hơi cuối cùng trên toàn quốc sẽ cùng nhau gánh vác khoản tiền khổng lồ này.
Nuốt hết 16.127 tỉ, "nông thôn mới" đẩy 20% cư dân các tỉnh phía Bắc miền Trung, 20% cư dân các tỉnh duyên hải miền Trung, 18,4% cư dân đồng bằng sông Củu Long tha phương cầu thực. Trong hai thập niên vừa qua, khu vực đồng bằng sông Cửu Long không những không tăng trưởng về dân số mà tỉ lệ này còn âm (-0,13%). Nếu nuốt thêm 193.000 tỉ đồng nữa, "nông thôn mới" sẽ đẩy thêm bao nhiêu triệu nông dân đến chỗ khốn cùng để phải chọn kiếp tha phương cầu thực ?
***
Trong bài "Để người dân đừng đi Bình Dương, hãy làm như Đồng Tháp !", ông Nhị đề nghị phải bắt đầu từ giáo dục để nông dân có kiến thức, kỹ năng cơ bản trong chuyện làm ruộng, làm vườn, để dân chúng tự do tổ chức tiêu thụ nông sản, để việc chuyển dịch lao động trong nông nghiệp diễn ra một cách tự nhiên. Ông Nhị dẫn Đồng Tháp như một ví dụ mà chính quyền các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long nên tham khảo để cư dân đồng bằng sông Cửu Long thôi phải tính đến việc "đi Bình Dương" : Đào tạo nguồn nhân lực, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, thu hút giới đầu tư ngoại quốc vào các khu công nghiệp… Ông Nhị kể thêm về những nông dân thành đạt bởi được giáo dục tốt, có đủ kiến thức, kỹ năng làm chủ ruộng vườn và lưu ý chi tiết, tất cả đều được đào tạo "trước 1975".
Chẳng ai nghi ngờ thành tâm và thiện ý của ông Nhị nhưng sau 1975, tình hình trên toàn Việt Nam đã khác. Với một hệ thống chiêu nạp, dung dưỡng các viên chức luôn tìm đủ mọi cách biến tất cả những mục tiêu tốt đẹp thành cơ hội kiếm tiền, bỏ túi riêng thì không thể hi vọng nông dân thôi dắt díu nhau "đi Bình Dương".
Năm 2010, hệ thống công quyền Việt Nam bắt đầu "triển khai Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn". Năm 2017, tại một hội nghị về việc thực hiện chương trình này, các viên chức hữu trách thú nhận, những nông dân đã được "đào tạo" không thể sống được với "nghề" mà hệ thống công quyền từ trung ương đến địa phương dạy cho họ. Phó Chủ tịch tỉnh Hà Giang thú thật, năm 2016, "Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" ngốn hết 3,7 tỉ nhưng nông dân Hà Giang vẫn lũ lượt dắt díu nhau sang Trung Quốc làm thuê. Mỗi năm, Hà Giang có 20.000 người sang Trung Quốc tìm việc làm. Cũng ở hội nghị vừa kể, dù thừa nhận, "Chương trình Đào tạo nghề cho lao động nông thôn" bị lạm dụng (có xã, có tới 600 người học… thiến heo) nhưng hệ thống công quyền Việt Nam "nhất trí" sẽ chi 2.000 tỉ đồng nữa để "đào tạo nghề" cho 1,4 triệu nông dân từ 2016 đến 2020.
Tương tự, năm ngoái, Việt Nam công bố một thống kê, theo đó, sau khi thi nhau thu hồi ruộng, vườn của nông dân để xây dựng 324 khu công nghiệp, chỉ có 15% trong số92.000 héc ta đất dành cho các khu công nghiệp được sử dụng.
Chẳng lẽ đã đến lúc, thay vì đặt một dấu hỏi sau "tương lai nông dân", người ta phải dùng dấu chấm than ?