Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hai sự kiện "chuyến bay giải cứu" và ‘concert Blackpink’ có một hiện tượng giống nhau là khóc nhưng hoàn toàn mang ý nghĩa khác nhau. Các cháu khóc khi nghe Blackpink hát vì đam mê âm nhạc và các cán bộ tham nhũng khóc "xin lỗi đảng" chỉ để nhẹ tội.

nuocmat1

Các cháu khóc khi nghe Blackpink hát vì đam mê âm nhạc và các cán bộ tham nhũng khóc "xin lỗi đảng" chỉ để nhẹ tội.

Khóc khi nghe nhạc là một đáp ứng giao cảm tích cực phát xuất từ khu vực "phần thưởng" (mesolimbic system) của não bộ. Theo Frances Wilson, một nhạc sĩ dương cầm và nhà phê bình âm nhạc trong bài viết Rơi nước mắt (Moved to tears), khoảng 25% người nghe trải qua phản ứng này với âm nhạc.

Do đó, phê bình các cháu nặng lời là không đúng. Tâm hồn của các cháu trong trắng. Các cháu tiếp nhận âm nhạc theo cách của thế hệ các cháu. Họ không tìm một nơi vắng vẻ để thả lòng về quá khứ với những tình khúc tiền chiến mà sống với âm nhạc của thời đại họ bằng hết nhiệt tình và xúc động của tuổi trẻ.

Trong lúc đó, tâm hồn của Nguyễn Anh Tuấn, cựu Phó Giám đốc Công an Hà Nội hay Phạm Trung Kiên, cựu Thư ký Thứ trưởng Y tế và trên 50 cán bộ cộng sản trong vụ án "chuyến bay giải cứu" là những vũng đen đầy tội lỗi.

Không phải nước mắt nào cũng mặn. Nước mắt của những kẻ làm giàu trên nỗi khổ đau của hàng triệu người Việt trong cơn đại dịch vừa qua có mùi thối tha như chính con người họ.

Thật không thể tưởng tượng. Cháu Hồng Hạnh, 25 tuổi ở Bắc Ninh làm chui ở Nhật, bị đuổi khỏi nhà thuê, không tiền để sống phải tá túc trong chùa và nhất là khi đó cháu đang mang thai nhưng vẫn không được cấp vé vì không có đủ 20 triệu đồng để mua vé với giá gấp ba giá bình thường.

Tham nhũng, đặc biệt tại các nước không có hệ thống phân quyền rõ rệt như Việt Nam, hoạt động gần giống với phương pháp thương mại nhiều tầng (Multi-level marketing hay được gọi tắt là MLM), qua đó lợi tức của cấp trên là một phần trích ra từ lợi tức của các cấp dưới. Chức vụ càng cao lợi tức càng nhiều, và nhất là càng ít người biết đến.

Phạm Trung Kiên làm ăn gần như ngang nhiên và thu được 42,6 tỷ đồng tổng cộng 253 lần, trong đó 228 lần bằng chuyển khoản. Dù lòng tham không đáy hay có "gan trời", ông ta cũng không dám và không thể nào ăn hết một mình. Phạm Trung Kiên là một phần của hệ thống thương mại nhiều tầng. Nhưng Phạm Trung Kiên nộp cho ai trong hệ thống thì chỉ ông ta biết. Phạm Trung Kiên không khai và cả Viện kiểm sát có thể cũng không muốn ông khai. Phạm Trung Kiên biết mình chỉ là "dê tế thần" nhưng chấp nhận ngồi tù thay vì mở ra một hộp đầy giòi.

Việt Nam là một đất nước băng hoại, tắc nghẽn, không lối thoát từ đối nội đến đối ngoại nhưng không phải phát xuất từ những mạch nước nhỏ hay những dòng sông nhỏ. Ở tuổi hai mươi, các cháu sinh ra khi ngọn núi lửa đã phun rồi.

Đừng trách các cháu sao không biết nghĩ tới Hoàng Sa của Việt Nam chỉ cách Đà Nẵng 315 km nhưng ngày nay là một thành phố hiện đại của Tàu, đơn giản chỉ vì các cháu không được dạy.

Đừng trách các cháu xả rác vì, theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, từ trung ương đến địa phương đều xả rác chứ không phải riêng thế hệ các cháu.

Sự thối nát trong xã hội Việt Nam ngày nay là thành quả 93 năm hoạt động của ngành tuyên giáo nhằm xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa cỡ như Tô Anh Dũng, cựu thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Vũ Hồng Nam, cựu Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản, Nguyễn Quang Linh, cựu Trợ lý Phủ Thủ tướng v.v…

Nhân dịp Đảng cộng sản Việt Nam đang tổ chức mừng 93 năm thành lập ngành tuyên giáo tức ngành tẩy não, 1/8/1930 đến 1/8/2023, mời đọc lại bài viết Đừng trách dòng sông không chả,y người viết đăng trên Facebook vài năm trước khi xảy ra vụ án :

Một lần, trong buổi họp báo khi nhậm chức "Chủ tịch quốc hội" ngày 23/7/2016, bà Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu : "Bảo vệ hòa bình không phải hô hào cho thật to, kích động thế này thế khác là có được chủ quyền, không có đâu. Một số tổ chức, cá nhân lên tiếng hô hào thế này thế nọ nhưng những người đó, tổ chức đó làm gì cho đất nước ? Chưa làm gì cả…".

Làm gì cho đất nước là một câu nói quen thuộc được biết là của cố Tổng thống John F. Kennedy : "Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho bạn, mà hãy hỏi bạn đã làm gì cho tổ quốc" (Ask not what your country can do for you, ask what you can do for your country).

Tuy nhiên, theo Chris Matthews trong tác phẩm Jack Kennedy : Elusive Hero, nhóm chữ "đừng hỏi" thật ra phát xuất từ những lời cảnh cáo của ông George St John, hiệu trưởng trường trung học Choate ở Connecticut thường dùng để căn dặn học sinh và nhập tâm vào cậu học trò Kennedy. Nhưng ông hiệu trưởng George St John cũng không phải là người đầu tiên nói câu nói đó mà chính Tổng thống thứ 29 của Mỹ Warren G. Harding trong diễn văn trước đại hội đảng Cộng hòa 1916 đã nói một câu tương tự như câu của Tổng thống Kennedy.

Dù ai nói, vấn đề là làm gì cho tổ quốc, cho đất nước.

Vâng nhưng trong trường hợp Việt Nam, trước hết là tổ quốc nào, là đất nước nào ?

Cho đến nay, đối với đa số các em đang ngồi trong trường học tại Việt Nam, Việt Nam mà các em được dạy là "xứ sở của anh hùng, độc lập, tự do, hạnh phúc, một đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam, đã liên tục đánh gục ba tên đế quốc đầu sỏ Pháp, Nhật và Mỹ".

Ý thức của các em là bản sao của một bài hát tuyên truyền được lặp đi lặp lại suốt hơn bốn chục năm qua, nhiều đến nỗi thấm vào trong các em thành một tính bẩm sinh.

Nền giáo dục nhồi sọ cộng sản có khả năng đầu độc và làm thay đổi toàn bộ ý thức của con người về lịch sử, nhân sinh và vũ trụ.

Việt Nam có trên 600 tờ báo nhưng báo chí Việt Nam chỉ được phép khai thác những ham muốn vật chất, những thú vui sa đọa, trụy lạc thay vì cổ võ cho các giá trị cao đẹp của quyền sống, quyền tự do dân chủ của con người.

19226-008_Saint-Merd-les-Oussines

Hãy làm tất cả những gì làm được để tuổi trẻ thấy rằng Việt Nam là một dân tộc đáng yêu nhưng cũng là đất nước đang cần một cuộc thay đổi toàn diện để hy vọng có thể hội nhập vào dòng tiến hóa của loài người.

Ý thức của các em khi sinh ra giống như một tờ giấy trắng, Đảng cộng sản vẽ lên đó hình gì, sẽ hiện lên hình đó, chế độ độc tài sơn lên màu gì, sẽ hiện ra màu đó.

Một dòng sông không chảy không còn là sông nữa mà chỉ là một ao tù.

Thực trạng Việt Nam đặt ra cho những ai còn nghĩ đến tương lai dân tộc những trách nhiệm lương tâm và đạo đức.

Đừng trách dòng sông sao không chảy mà hãy kiên nhẫn chứng minh và phân tích cho các em thấy đất nước mà các em sống bị cai trị bởi một nhóm người già nua, cực đoan, bảo thủ bám vào chiếc ghế quyền lực ngay cả khi biết mình đang chờ chết.

Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy chứng minh cho các em thấy Việt Nam mà các em biết là một trong năm nước trên thế giới vẫn tiếp tục bám vào chủ nghĩa cộng sản, một ý thức hệ một thời bành trướng nhờ chiến tranh, đấu tố, ám sát, đang lùi xa vào quá khứ.

Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy chỉ ra cho các em thấy Việt Nam mà các em biết là quốc gia có 100 ngàn phụ nữ chỉ vì chén cơm manh áo mà phải bán thân lưu lạc xứ người, bị đánh đập, xô đuổi, ném ra đường phố như những nô lệ tình dục thời Trung Cổ.

Đừng trách dòng sông không chảy mà hãy phân tích cho các em biết Việt Nam là quốc gia có 50 triệu thanh niên nhưng đa số không còn sức sống, không có hoài bão cho tương lai của đời mình và cho đất nước mình.

Thay vì trách dòng sông không chảy, hãy chung tay dời tảng đá độc tài, lạc hậu ra khỏi lòng sông. Các thế hệ cha chú nếu không vượt qua được những hiện tượng tiêu cực rẽ chia, phân hóa nhiều khi rất nhỏ và tập trung sức mạnh tổng hợp của dân tộc để tháo gỡ cơ chế chính trị, kinh tế và văn hóa độc quyền cộng sản thì lời trách cứ kia chẳng qua là tự trách mình.

Thay vì so sánh các em, các cháu sinh dưới chế độ cộng sản với tuổi trẻ Nhật, Mỹ, Nam Hàn, Hong Kong, v.v., hãy làm tất cả những gì làm được để tuổi trẻ thấy rằng Việt Nam là một dân tộc đáng yêu nhưng cũng là đất nước đang cần một cuộc thay đổi toàn diện để hy vọng có thể hội nhập vào dòng tiến hóa của loài người.

May mắn thay, trong các thế hệ sinh ra sau 1975, một số nhờ nhiều các yếu tố tôn giáo, gia đình và nội lực bản thân, đã thoát ra khỏi được nhà tù bao bọc bằng bốn bức tường dày của tuyên truyền cộng sản và dấn thân cho lý tưởng cao cả phục hưng dân tộc. Họ vẫn còn khá ít nhưng là biểu tượng của tương lai.

Các em, dù đang ở trong tù hay ngoài tù cũng đều đang đấu tranh và tiếp tục đấu tranh theo nhiều cách khác nhau.

Hãy gởi cho nhau những bài hay, chuyền cho nhau những tin tức mới, giúp đỡ nhau khi công an trấn áp, nương tựa nhau khi gặp khó khăn, v.v. Tất cả đều cần thiết.

Sự chuyển động của núi rừng bắt đầu từ từng chiếc lá, và nếu cất lên theo cùng một nhịp sẽ trở thành một khải hoàn ca.

Trần Trung Đạo

Nguồn : VNTB, 05/08/2023

Additional Info

  • Author Trần Trung Đạo
Published in Diễn đàn
lundi, 02 janvier 2017 08:45

2017, nước mắt và nụ cười

saigon1

Sài Gòn lật tung đường lên thi công dịp cuối năm

Tết dương lịch 2017 vừa trôi qua, vẫn còn phảng phất không khí, Tết âm lịch, tức Tết Nguyên Đán cũng đang cận kề, khi đã bước qua tháng Chạp, nghĩa là thời gian để đón năm mới chỉ còn đếm ngược, đây cũng là khoảng thời gian mà theo thói quen, tập tục của người Việt là một cuộc đại đoàn tụ gia đình, ở đó, mọi lời điều tốt đẹp, mọi ước mơ được gửi gắm, ký thác qua lời chúc đầu năm và sự nồng ấm người ta dành tặng cho nhau để cùng đón một vận hội mới. Nhưng với tình hình Việt Nam hiện tại, liệu có được một cái Tết cho ra Tết ?

Vì chưa năm nào mà cho đến những ngày thượng nguyên của tháng Chạp, ruộng đồng, bờ bãi của người nông dân vẫn trơ nước với sình như năm nay. Thường niên, cứ đến cuối tháng 11 thì lúa đã bắt đầu lên xanh, đến giữa tháng Chạp thì người nông dân làm cỏ đợt thứ nhất và yên tâm đón Tết. Thế nhưng năm nay mọi chuyện lại khác.

Những trận lũ do thủy điện xả đập liên tục đã lấy đi mùa màng, niềm hi vọng của người nông dân, thậm chí có gia đình cho đến thời điểm này, không khí tang tóc, đau khổ, tiếc thương vẫn còn hiện hữu mọi nơi chỉ vì xả đập. Để đảm bảo những con đập được hoạt động ổn định, không bị rạn nứt, hàng triệu người dân, hàng triệu số phận bỗng chốc trở nên lạnh lẽo, hiu quạnh và mất mát, tang thương. Thay vì được đón một cái Tết sum vầy thì Tết trở thành quãng thời gian để người ta phải ngồi âm trầm nhớ người thân, im lặng mà hoàn hồn sau một mùa mưa lũ !

Và đâu riêng gì mưa lũ, rừng chết, biển chết, hàng triệu số phận khác của các gia đình ngư dân phải trả giá cho một lần xả độc của Formosa Hà Tĩnh. Rồi Sài Gòn, Tây Ninh, Tây Nam Bộ, các tỉnh Tây Nguyên… Dường như tỉnh nào, nơi nào cũng có sự cố, toàn những sự cố nổi cộm, gây ảnh hưởng đến cả một cộng đồng người và làm hư hại cả một vùng thiên nhiên. Có thể nói chưa bao giờ đất nước lại dập nát và khủng hoảng như hiện tại. Nói như vậy nghe có hơi quá không ? Thì người ta vẫn sống đó thôi, người ta vẫn cứ phải đi làm, ăn uống, sinh con đẻ cái và lại lòng vòng trong cái quĩ đạo ấy cả ngàn năm nay, hà cớ gì chuyện bây giờ ?

Thì nếu hỏi vậy thì nó ra vậy, có gì đâu để bàn ! Vấn đề là sau mọi nỗ lực, sau mọi gìn giữ và xây đắp, mọi thứ bỗng dưng đổ ầm, mọi thứ tiêu tan và biết kẻ gây ra tội lỗi, những kẻ ấy vẫn cứ sờ sờ ra đó, thậm chí phè phỡn, hưởng lạc ngay trong lúc đồng loại của bọn họ phải gồng lưng chịu trận nhưng rồi đâu lại vào đó, người dân khổ vẫn cứ khổ, kẻ phạm tội vẫn cứ nhởn nhơ…

Người ta nói rằng cha nó lú có chú nó khôn. Trong lúc nhân dân cả nước phải oằn vai chịu đau do những nhóm lợi ích, những nhóm tư bản đỏ gây ra và do cả những kẻ ngoại bang mang tới. Trong trạng huống này, nhà nước phải đứng vai trò cha mẹ, đứng ra bảo vệ con dân, bảo vệ những "ông chủ, bà chủ" đã đóng góp từng đồng thuế để nuôi lấy nhà nước.

Và người đứng đầu nhà nước, đại diện tối cao của nhà nước (mặc dù chức vụ ông ta không phải là đứng đầu nhà nước nhưng thực quyền thì không ai mạnh hơn ông ta) Nguyễn Phú Trọng lẽ ra phải đứng ra để đấu tranh, tìm mọi cách, bằng mọi giá bảo vệ nhân dân, giữ sự bình an cho dân tộc, quốc gia… Thì đằng này, ông Trọng ngang nhiên đi bắt tay với giặc. Cái tên Trọng Lú mà người dân dành cho Nguyễn Phú Trọng thực ra cũng là chút tôn trọng cuối cùng mà nhân dân dành cho ông ta, nhân dân vẫn xem ông ta là cha là mẹ, là người đứng mũi chịu sào khi hữu sự. Nhưng vì cách hành xử của ông ta rõ ràng là cách hành xử của một ông "cha nó lú". Trọng Lú là do vậy mà có.

Nhưng ở đây, khi Trọng bị lú thì có thằng "chú khôn" nào không ? Xin thưa là cho đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa thấy ông "chú khôn" nào xuất hiện, chỉ thấy toàn những ông chú nói lời có cánh, nói tít tận trên mây theo kiểu "phải biến Sài Gòn thành một hòn ngọc chiếu sáng viễn đông" hay "phải biến Đà Nẵng thành một thành phố vùa là Singapore vừa là Dubai", hay "nếu thép Cà Ná gây ô nhiễm thì tôi xin từ chức"… Đủ các kiểu nói lời có cánh ! Chưa dừng ở đó, cha lú Nguyễn Phú Trọng lại nện thêm một câu "Nhìn tổng quát, có bao giờ đất nước được như hôm nay ?". Đến nước này thì miễn bàn !

Một cái Tết đang đền gần, rất gần với bộn bề lo toan của người dân, mùa màng vẫn còn dang dở, trời miền Bắc giá rét, trâu bò, heo gà sống không qua mùa Đông, người già lạnh không có chăn, miền Nam thì Sài Gòn lụt lội, Tây Nam Bộ khô hạn, nhiễm mặn, miền Trung co cụm trong nạn biển, nạn rừng, nạn thủy điện… Chẳng nơi nào bình yên. Một cái Tết ảm đạm, cho dù người ta có gượng cười, có cố gắng nhoẻn môi thì cũng chẳng thể nào vui !

Một cái Tết mà người nông dân chỉ biết trông đợi vào con cái đang làm công nhân ở xa mang một chút hơi ấm về để cho không khí vui lên, đỡ ảm đạm. Nhưng đời sống của công nhân hiện nay ra sao ? Liệu họ cói đủ tiền để cuối năm về quê ăn Tết cùng gia đình ? Lại là một câu chuyện đau lòng xâu chuỗi, có tính liên tục dưới sự quản lý, lãnh đạo "thiên tài" của đảng Cộng sản Việt Nam.

Tết đến mà sao chỉ toàn thấy chuyện buồn, lẽ nào không có chuyện vui để mà nói ? Xin thưa là có đấy, bởi trong đau khổ đã chứa mầm hạnh phúc, trong sự ảm đạm đã mang ánh sáng của sự sống và trong cơn đại họa từ Bắc chí Nam, trong cảnh nhân dân bị nhà nước chơi trò đem con bỏ chợ, trong bối cảnh mà thông tin thế giới phẵng đã phơi bày mọi thứ, khoảng cách không còn là trở ngại… Người dân, đại bộ phận nhân dân, kể cả các đảng viên Cộng sản cao cấp, các trí thức Cộng sản đã nhận chân được vấn đề, đã nhìn thấy sự khốn cùng của chế độ cũng như đã nhìn thấy sự thối nát không thể bao che của chế độ, chắc chắn rằng người ta hiểu mình nên làm gì và nên chọn thái độ như thế nào cho phù hợp với tương lai, với sự tồn vong dân tộc.

Cũng may mắn rằng mọi thứ cặn bã của lịch sử Việt Nam đã thực sự phơi bày, lột trần một cách rốt ráo trong nhiều nằm và đỉnh điểm vào năm 2016. Điều này giống như một trận lũ, nó làm tan nát mùa màng quen thuộc nhưng nó lại mang những hạt mầm dân chủ vốn co cụm, ẩn mình ở đâu đó để lan tỏa khắp mọi nơi. Vấn đề ý thức về thân phận cá nhân cũng như thân phận dân tộc được nhiều người quan tâm hơn bao giờ hết mặc dù chỉ mới dừng ở quan tâm trong đại bộ phận nhân dân.

Và câu chuyện lịch sử dân tộc có thể được thay đổi nếu như hạt mầm dân chủ tiếp tục cựa mình và phát triển, ý thức dân chủ được chuyển hóa thành những hành động cụ thể cho mục tiêu con người, mục tiêu dân tộc. Vấn đề này không dễ mà không khó đối với Việt Nam.

Không dễ bởi dân tộc Việt Nam đã ngủ quên đến vài thế hệ trong nền độc tài Cộng sản và đánh thức dân tộc là một câu chuyện nan giải. Nhưng dễ bởi khi người ta ngủ quên trong một cái chăn có quá nhiều rệp, tự những con rệp gây ngứa sẽ buộc người ta phải thức dậy và giũ cái chăn cho sạch sẽ, tự làm vệ sinh cho bản thân.

Năm 2017, Việt Nam trở nên lớn mạnh hay yếu hèn, chết vùi trong cơn mê ngủ, trở nên mạnh mẽ, tràn trề sinh khí mùa xuân hay ủ rũ mùa Đông ? Câu trả lời này thuộc về ý thức tự làm chủ của mỗi người dân. Dù sao, tôi cũng xin chúc một năm mới an lành và thành công ! Bởi tôi tin mùa xuân dân tộc đang đến rất gần !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 01/01/2017 (VietTuSaiGon's blog)

Additional Info

  • Author Viết từ Sài Gòn
Published in Diễn đàn