Một khi định gieo "hạt giống Đỏ" thì cần phải "Đỏ" thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng.
Chuyện "con ông cháu cha" tham gia chính trường để nối nghiệp cha ông mình thực ra không chỉ có ở Việt Nam hay các nước Châu Á khác, mà ngay cả ở các nước phương Tây cũng khá phổ biến. Hãy cứ nhìn vào nước Mỹ chẳng hạn, các gia tộc "hoành tráng" như Kennedy, Bush... nhiều đời nổi tiếng, có khá nhiều chính trị gia đã ghi dấu ấn trên đỉnh cao quyền lực.
Nhưng nên nhớ, những "con ông cháu cha" nói trên, ngoài tài năng, họ còn biết kế thừa truyền thống gia phong trong môi trường hoạt động chính trị rất chuyên nghiệp của gia đình. Hơn thế, họ đều được chọn lựa ra thông qua việc bầu cử dân chủ, công khai, minh bạch...
Nếu nhìn lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, kể từ khi thành lập cho đến Đại hội toàn quốc lần thứ 6, hầu như con cháu các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước không được cơ cấu vào bộ máy quyền lực cấp cao nhất của đất nước. Trường hợp hy hữu và đầu tiên có lẽ là Giáo sư Đặng Xuân Kỳ, trở thành ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành trung ương Đảng khóa VI khi đã ở tuổi 56 và chính thức khóa VII khi đã sang tuổi 60.
Ông Kỳ nguyên là phó Viện trưởng Viện Triết học, từng được huy động tham gia nhóm nghiên cứu đắc lực trợ giúp cho cha mình là Tổng bí thư Trường Chinh, hình thành lên nền tảng lý luận của công cuộc Đổi mới đất nước trước khi tổ chức Đại hội VI. Rồi ông làm Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, làm Viện trưởng Viện khoa học xã hội kiêm Viện trưởng Viện Mác Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh...
Ông là một trường hợp điển hình của câu chuyện "hổ phụ sinh hổ tử" trong đời sống chính trị nước nhà và có thể khẳng định ông hoàn toàn xứng đáng với cương vị đã đảm nhận.
Ông Đặng Xuân Kỳ sau này cũng từng là một trong ba người được Tổng bí thư Đỗ Mười đưa vào" tầm ngắm" kế tục ông ở cương vị cao nhất trong Đảng. Thế nhưng ông Kỳ đã cám ơn và từ chối chỉ vì đơn giản một điều, tự thấy mình tuổi đã cao, quỹ thời gian không còn nhiều nữa... (theo thông báo nhanh của Trưởng ban Tư tưởng văn hóa trung ương Hữu Thọ sau khi kết thúc Đại hội).
Đảng ta sau này cũng đã luôn lưu ý chuyện bồi dưỡng đào tạo người kế tục sự nghiệp từ con em các nhà lãnh đạo hoặc các chí sĩ cách mạng yêu nước, rồi họ trở thành ủy viên Bộ Chính trị của Đảng cũng rất xứng đáng. Chưa từng có trường hợp nào "nhảy cóc" như kể từ Đại hội lần thứ XI.
Tôi nghĩ, chắc Đảng cũng đã thấy trách nhiệm của mình và quyết tâm khắc phục, ngăn chặn. Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, chống lại mọi biểu hiện suy thoái trong Đảng chính là một cảnh báo rất quý báu cho công tác cán bộ.
Ông Nguyễn Xuân Anh (trái) và ông Vũ Quang Hải
Trường hợp một số "hạt giống Đỏ" được đưa vào các cơ quan Đảng, Nhà nước và doanh nghiệp lớn rồi dần dần lộ sáng bởi năng lực, đạo đức, lý tưởng chưa được tự trui rèn đã để lại những bài học đắt giá. Họ đi lên nhanh chóng là nhờ cái bóng cha anh mình, sau đó lại có phần chủ quan, tự cao tự đại, thiếu tu dưỡng bản thân nên phải trả giá.
Câu chuyện vi phạm khuyết điểm nghiêm trọng của ông Nguyễn Xuân Anh, ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy Đà Nẵng, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố, làm ảnh hưởng đến uy tín của Đảng trước cán bộ đảng viên và nhân dân chính là một ví dụ khá đủ. Ông Xuân Anh tham gia dự khuyết Trung ương khóa XI khi mới 35 tuổi, trẻ nhất trong Trung ương khóa đó. Tại kỳ họp 18 vừa qua (ngày 29/9), Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban chấp hành trung ương xem xét, thi hành kỷ luật đối với Bí thư thành ủy Đà Nẵng theo thẩm quyền.
Trước đó là chuyện ông Vũ Huy Hoàng, lợi dụng cương vị bộ trưởng Bộ Công thương, Bí thư Ban cán sự Đảng của Bộ, đã đưa con trai Vũ Quang Hải lên đảm nhiệm cương vị Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), với tham vọng sẽ là người đại diện phần vốn nhà nước của một doanh nghiệp có giá 4 tỷ đô la. Đây là một doanh nghiệp có nguồn doanh số khủng của ngành ông phụ trách. Biết bao sai sót về quy trình và sự trục lợi của gia đình ông trong đó đều đã rõ ràng.
Hôm 19/9 mới đây, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đã bày tỏ quan điểm của ủy ban mình trước Ủy ban thường vụ Quốc hội xung quanh công tác phòng chống tham nhũng năm 2017. Ủy ban đề nghị Chính phủ một vấn đề trong đó có cả công tác cán bộ hiện nay ở khía cạnh bổ nhiệm, đề bạt : "Chính phủ cần chỉ đạo tổng kiểm tra về công tác bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước để trả lời cử tri về tình trạng bổ nhiệm cán bộ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý không đúng quy định, bổ nhiệm lãnh đạo nhiều hơn công chức, bố trí người thân vào những vị trí dễ phát sinh tham nhũng".
Tôi cho rằng việc làm trên là rất cần thiết, nhất là vào thời điểm hiện nay, khi các địa phương, các bộ, ngành trên cả nước cũng đang làm công tác quy hoạch, bỏ phiếu thăm dò nguồn cán bộ cho nhiệm kỳ 2020-2025 và 2021-2026. Nếu chúng ta làm nghiêm túc, triệt để, công tâm, tôi tin rằng sẽ là rào cản ngăn chặn từ xa những sai phạm chưa diễn ra nhưng rất có thể tiếp tục tái diễn.
Các cụ dạy rằng, "đạo đức và uy tín của người cha là tài sản lớn nhất của người con". Tiếc thay có những bậc cha mẹ lại "quên" không dạy con mình điều chí lý đó, để rồi đến khi con vấp váp mới thấm thía thì đã quá muộn. Một khi chúng ta định gieo "hạt giống Đỏ" thì cần phải "Đỏ" thật, chỉ có vậy thì cây mới bền, rễ mới chắc và mới có thể trường tồn cùng năm tháng.
Quốc Phong
Nguồn : VietnamNet, TuanVietnam, 02/10/2017
Cờ người khó chơi mà dễ, cờ thật dễ chơi mà khó, dễ hay khó không phụ thuộc vào sự khôn dại mà ở thái độ của người chơi
Dùng người cũng giống như đánh cờ, ván cờ xuất phát như nhau từng vị trí nhưng "điều binh khiển tướng" ra sao để giành thế thượng phong hoàn toàn phụ thuộc vào người chơi.
Trong ván cờ, quân tốt gặp thời có thể phong thành Hậu, quân tướng sa cơ lắm khi bại dưới tay con tốt, vậy mới có câu "lạc nước hai xe đành bỏ phí, gặp thời một tốt cũng thành công".
Trong các tình huống bí cờ có thể thí tốt, nhưng phải "lạc nước" xe mới chết, dĩ nhiên "bí cờ" và "lạc nước" là hai phương diện hoàn toàn khác nhau. Con tốt có thể thí mạng để cứu chủ nhưng khi chủ tự chết thì chẳng ai cứu nổi.
Thế của ván cờ phụ thuộc vào trình độ người chơi, chủ nhân có thể chơi "song xe", "song mã" "song tượng" hoặc "phản công mã", "bình phong mã", "thuận pháo", "nghịch pháo", "pháo điệp"…
Ảnh minh họa
Bất luận thế nào, ván cờ mạnh là ván cờ được phối hợp hài hòa giữa các quân cờ, bởi mỗi quân cờ có mỗi thế mạnh yếu khác nhau, lấy thế mạnh của quân cờ này "vá" lỗ hổng yếu kém của quân cờ kia…
Vậy nên, không có chuyện một quân cờ có thể quán xuyến mọi nhiệm vụ trên bàn cờ. Dùng người cũng vậy, hiếm khi có chuyện cả gia tộc nào đó đều toàn là người tài năng nắm hết các vị trí chủ chốt.
Vậy mà, vẫn có hiện tượng cả đại gia đình nắm giữ các chức danh chủ chốt tại nhiều địa phương, cũng với một lý do mang tên "đúng quy trình".
"Nhân vật" đúng quy trình đã gánh tội lỗi ngập đầu nên thôi không bàn đến nó nữa, coi như để nhân để đức cho hậu thế.
Vấn đề bây giờ là làm sao để hạn chế việc bổ nhiệm "thần tốc", bổ nhiệm "cây nhà lá vườn" ?
Chuyện một địa phương nọ toàn anh em con cháu lãnh đạo nắm giữ các chức danh chủ chốt, lỗi có phải chỉ gói gọn trong địa phương đó ?
Vậy thì chức năng của các cơ quan chuyên trách nhiệm vụ giám sát ở đâu ?
Chẳng nhẽ việc bổ nhiệm một con người có thể lôi ra từ trong túi quần một cách trơ trẽn như nghĩa đen của nó ?
Điểm hay và cũng là điểm yếu của đánh cờ là chủ nhân có thể thoải mái bố trí quân của mình theo ý muốn chủ quan, tất nhiên thua một ván trên bàn cờ không nghiêm trọng như lỗi bố trí sai một con người !
Đánh cờ trên bàn cờ, quân sa cơ sẽ bị loại ngay, không giống như "ván cờ người", nhân sự sa cơ có thể… đem nhập kho đợi trời yên biển lặng rồi đưa ra dùng tiếp.
Bởi thế, có nhiều người, thành tích công tác chẳng có gì ngoài… sai phạm nhưng không biết cách nào lại thăng tiến vùn vụt.
Chuyện tốt phong Hậu không những có thật trên bàn cờ mà còn phổ biến trong thực tế, "cậu ấm" kia, "hot girl" nọ tuổi đời búng ra sữa, mới phủi đít khỏi ghế nhà trường liền "nhảy cóc" liên tục qua các vị trí lãnh đạo.
Khi sự việc đổ bể liền lập tức… nhập kho "tu luyện võ công" chờ ngày tái xuất !
Vì sao càng ngày càng nhiều địa phương bị lộ chuyện cả nhà làm quan, có phải đến bây giờ báo chí mới phát hiện ra hay là công tác nhân sự đến lúc phát tác những "căn bệnh" có nguồn gốc từ trước.
Nói gì thì nói, nhân sự "sâu mọt" có trách nhiệm của những người đặt ngòi bút ký vào quyết định. Đó là : Trách nhiệm sàng lọc, trách nhiệm giám sát, trách nhiệm "chí công vô tư"… và cao hơn hết là trách nhiệm với nhân dân.
Còn khá nhiều sự việc liên quan đến hành vi, ứng xử của cán bộ, công chức một số địa phương, như :
Thanh tra giao thông Hà Nội hành hung nhân viên sân bay ; cán bộ kiểm lâm huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình đánh nhân viên trạm thu phí trên Quốc lộ 6 hay mới đây hai cán bộ lãnh đạo tại Kon Tum gây gổ trên bàn nhậu, thậm chí còn thuê giang hồ đến "xử" tại nhà riêng…
Những việc này khiến dư luận xã hội bất bình, cơ quan quản lý cán bộ, công chức phải xử lý bằng các hình thức kỷ luật tương xứng song cũng có những vụ xử lý nương tay hoặc để "chìm xuồng"…
Có vị lãnh đạo địa phương kia lý luận chắc mẩm rằng, ông ta đi lên… bằng cái đầu chứ không phải dựa vào bố mình.
Cứ tin ông ta có năng lực thực sự, nhưng toàn bộ con cháu, anh em của ông ta gần chục người cũng toàn tài năng để nắm giữ các vị trí chủ chốt ?
Nói vậy phải chăng, cả trăm nghìn dân địa phương này không còn ai tài năng hơn, không còn ai xứng đáng hơn ? Còn nữa, nếu tài năng sao không "tỏa hương" muôn nẻo mà tập trung về nơi… có lợi thế cạnh tranh ?
Có vị còn đi nước cờ siêu đẳng hơn, có thể gọi là "dùng vô chiêu thắng hữu chiêu", đó là trường hợp một Sở nọ, ông Giám đốc bổ nhiệm con trai mình làm Phó trưởng phòng.
Chuyện sau đó bị khui ra và vị này phán câu xanh rờn :
"Sơ suất là do anh em cấp dưới trình lên nên tôi không xem xét kỹ, thứ hai là : nguyện vọng của anh Kháng (người được bổ nhiệm) muốn chuyển công tác lên Thành phố Hải Dương là để tiện chăm sóc cho con vừa mới thi đỗ một trường chuyên trên thành phố".
Vậy là, nếu sự vụ không đổ bể thì sẽ có một vị bỗng nhiên thăng chức vì "sếp"… không xem xét kỹ !
Nguyện vọng làm lãnh đạo ai mà chẳng có và chẳng muốn, vì sao không giải quyết cho người khác mà "nhầm" vào ngay chính người nhà mình…
Khi đánh cờ tàn mọi lý lẽ đều có thể khiến mọi chuyện trở nên bi hài.
Chuyện hổ phụ sinh hổ tử là có thật, nhưng "phụ" phải là hổ thật chứ không phải hổ giấy và "sinh" theo cách nào đó hợp lý, đúng người đúng việc chứ không phải bạ đâu "sinh" đó.
Không ai phàn nàn chuyện người có thực tài được thăng tiến, bất kể "đồng chí này là con đồng chí nào".
Nhưng một bên là uy tín danh dự của cơ quan nhà nước, một bên là quyền lợi của cá nhân nên chọn bên nào để có lợi cho đại cục ?
Đã đến chức vụ đó không thể nào không biết đến tư tưởng Bác Hồ về "công" "tư".
Cái tầm của người lãnh đạo không phải là quyền lực bao trùm, hô phong hoán vũ mà là biết kiềm chế dục vọng cá nhân khi có quyền lực trong tay. Biết đặt quyền lợi của tập thể lên trên quyền lợi cá nhân.
Một định nghĩa trên từ điển mở Wikipedia : "Lãnh đạo" - Đó là một quá trình ảnh hưởng mang tính xã hội, trong đó lãnh đạo tìm kiếm sự tham gia tự nguyện của cấp dưới nhằm đạt mục tiêu của tổ chức.
Lãnh đạo là quá trình gây ảnh hưởng và dẫn đắt hành vi của cá nhân hay nhóm người nhằm hướng tới mục tiêu của tổ chức.
Bản thân khái niệm này chỉ rõ mục tiêu cuối cùng của lãnh đạo cũng là "mục tiêu của tổ chức" chứ không phải mục tiêu của cá nhân.
Cho nên, mọi lý luận có ý phủ bóng cá nhân đều vi phạm bản chất công việc lãnh đạo.
Ván cờ trên bàn cờ có thể chơi cá nhân nhưng "ván cờ người" nhất quyết phải được chơi bởi nhiều người. "Sa cơ", "lạc nước" "gặp thời"… chỉ nên tồn tại trên bàn cờ thật chứ không thể áp dụng với "ván cờ người".
Thua một "ván cờ người" phải trả giá rất đắt, khiến chủ nhân ván cờ thân bại danh liệt, tiếng dơ muôn đời.
Cờ người khó chơi mà dễ, cờ thật dễ chơi mà khó, dễ hay khó không phụ thuộc vào sự khôn dại mà ở thái độ của người chơi. Tâm lành sinh tướng tốt, tâm ác sinh tướng dị là ở chỗ đó.
Trương Khắc Trà