Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tăng gấp đôi mức tiền phạt người mua dâm có chặn được nạn mại dâm ?

Phạt tiền người mua dâm một đến hai triệu và hai đến năm triệu nếu là hai người trở lên là đề xuất của Bộ Công an qua điều 24 trong Dự thảo Nghị Định được báo chí loan trong nước loan tải hôm 25/5. 

dam1

Một người dân ngồi bên cạnh những tấm biển cổ động phòng chống tệ ma tuý và mại dâm ở Sơn La hôm 5/5/2009 - AFP

Đây được coi là mức phạt tăng gấp đôi so với quy định đã có trong Nghị định 167/2013, với tiền phạt hành chính cho người mua dâm từ 500.000 đến một triệu đồng mà thôi.

Nghị Định 167/2013 quy định phạt tối đa 300.000 đồng với hành vi bán dâm, và nếu bán dâm cho nhiều người cùng lúc thì sẽ bị phạt 300.000 đến 500.000 đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Công an còn đề nghị tăng mức phạt đối với một số hành vi khác có liên quan đến hoạt động mua dâm, bán dâm.

Vẫn theo Bộ Công an, dự thảo Nghị định đưa ra hôm 25/5 sẽ thay thế Nghị định 167/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình.

Việc phòng chống mua dâm, bán dâm, hay còn gọi là mại dâm mà Bộ Công an vừa đề ra không mới cũng không chuẩn, gần như là cảm tính từ những người thiếu hiểu biết soạn ra, là ý kiến của cưu phóng viên Tạp Chí Cộng Sản, nay là nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình :

"Cộng ba cái đó lại thì nó cũng như những Nghị Định từng bị phê phán quá và đã phải rút lại. Thí dụ như ‘ngực lép thì không được đi xe máy’, rồi ‘hành vi sàm sỡ phụ nữ bị phạt 200.000 đồng’. Việc mua bán dâm như chúng ta biết là cái nhu cầu tự nhiên của con người, đưa vào điều chỉnh rồi phạt phiếc các thứ là sự cưỡng ép. Quá trình làm việc thì có những người không phân biệt được câu chữ, nội hàm, nội dung …cho nên chỉ ra được cái Nghị Định như vậy thôi"

dam2

Hình chụp hôm 17/9/2014 : một cô gái bán dâm đợi khách trên đường phố Hà Nội. AFP

Với tựa đề "Nâng mức phạt lên 5 triệu…quá bèo…quí ông có sợ", trang mạng báo Tri Thức& Cuộc Sống cũng cho rằng tăng tiền phạt vẫn chưa đủ để làm giảm tình trạng mua dâm hiện nay, vì có những trường hợp người mua dâm là "đại gia", thì phạt tiền không có nghĩa lý, không có tác dụng răn đe và giáo dục lâu dài. Do vậy, việc phạt tiền cần phải nghiên cứu điều chỉnh theo hướng xử phạt cao nhất, thậm chí là phải xử lý hình sự. Nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình nói : 

"Nói đến khung hình phạt bốn triệu, hoặc Nghị định có thể đưa đến vấn đề hình sự thì tôi nói những cái đấy vi phạm quyền con người. Không phải ai cũng có vợ có chồng, không phải ai cũng đầy đủ, cái xã hội từ xưa đến giờ nó vậy rồi, đưa vào điều chỉnh là cưỡng ép và trái với tự nhiên"

"Trong trường hợp các "đại gia" thì rất là khó xử lý. Từ góc độ của việc mua bán dâm cho đến những người có tiền thì đấy là quyền của người ta, có sự thỏa thuận của hai bên chứ không ai cưỡng ép ai. Là nhu cầu tự nhiên rồi thì người có tiền ứng xử khác, người ít tiền ứng xử khác, rất khó nói là đúng sai, hay dở".

Cái nhìn của blogger Tuấn Khanh về dự thảo Nghị Định mới, nâng mức xử phạt gấp đôi nhằm thay thế Nghị Định cũ, không chỉ thuần lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội ; phòng, chống tệ nạn xã hội và bạo lực gia đình như Bộ Công an tuyên truyền mà thực tế đó là một lời nhắc nhở, răn đe :

"Mại dâm và cờ bạc là lằn ranh thách thức đạo đức Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Từng có những dự án như là đem Casino và hợp thức hóa mại dâm như là phép thủ để xem người của Xã Hội Chủ Nghĩa phản ứng như thế nào"

"Cần đặt vấn đề là mức phạt một triệu, hai triệu, thậm chí mai mốt 10 triệu, 30 triệu sẽ nhắm vào ai ? Rõ ràng quan chức cấp cao hay đại gia mà đi mua dâm thì không lộ liễu đến mức để bị phát hiện, thậm chí muốn phạt họ cũng khó nữa. Đây là mức phạt nhắm vào tầng lớp trung lưu thấp, một cách ngấm ngầm để răn đe cái giai cấp bắt đầu bước vào con đường hưởng thụ"

"Trong vòng vài năm trở lại đây, những chuyện cán bộ ăn chơi ở các quán karaoke, rồi các quan chức, kể cả quan chức Bộ Y tế mới vừa rồi dính với phụ nữ ở những tiệm mát xa vân vân…Có thể đây là giai đoạn mà họ đưa ra một giải pháp mang tính tình thế, một cách để nhắc những người trong hệ thống. Người ta đang cố gắng bảo vệ cái đạo đức xã hội chủ nghĩa. Đề nghị này đưa ra là họ nhắm vào nhau, hướng vào nhau như một sự răn đe".

Theo nhận định của nhà văn, nhà thơ, nhà xã hội học Nguyễn Trọng Thắng, chuyện mua dâm, bán dâm là bản năng thể hiện ở tất cả các nền văn hóa chứ không chỉ riêng Việt Nam.

dam3

Những cô gái hành nghề mại dâm ở khu phố đèn đỏ nổi tiếng tại Phnom Penh, Campuchia hôm 3/9/2001. Reuters

Ở các nơi khác, ông nói, mại dâm được tiến hành một cách công khai, còn ở Việt Nam vì Nhà nước không cho phép thành bắt buộc phải diễn ra trên bình diện ngầm, mà ngầm là mảnh đất cho người không lương thiện khai thác :

"Thứ nhất, Nghị định này của Công An có tác dụng gì không ? Xin thưa là có, không phải là Nghị định vớ vẩn. Thực tế những người đi mua dâm thuộc nhiều đẳng cấp khác nhau. Từ những vùng sâu, vùng xa, vùng có rất nhiều công nhân, chi phí một, hai triệu đối với người đi mua dâm không phải bé đâu. Còn với các "đại gia" thì con số đấy không bỏ bèn gì cả"

Nhưng giá trị của Nghị định mang lại không phải là vật chất mà thực tế nó là sự xoa dịu đối với phụ nữ trong các gia đình mà chồng là người đi mua dâm. Nghị định nhấn mạnh rằng ‘chính quyền sẵn sàng không nương nhẹ đối với hiện tượng này. Đây là sự cố gắng của chính quyền, dù giá trị không nhiều nhưng mà có chút an ủi cho người nữ trong gia đình. Không phải là Nghị định vớ vẩn đâu, và công an hoặc quản lý khu vực sẵn sàng xử lý hiện tượng này".

Phòng chống mua dâm, bán dâm thì có thể, giải trừ tệ nạn này mới là chuyện không thể, vẫn lời ông Nguyễn Trọng Thắng :

"Do cung cầu thị trường chứ không do chính phủ, trừ khi chính phủ này là chính phủ thần quyền như Iran hay những nước Hồi giáo mà người ta có thể chặt đầu người mua dâm. Còn lại, những chế độ thế quyền Nhật Bản, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc …thực tế hiện tượng mua dâm rất phổ biến"

"Ở Việt Nam, ở Trung Quốc, chuyện mua bán dâm không được công khai thành ra phải hoạt động kín. Còn Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản hiện tương đấy là bình thường, là được xã hội cho phép".

Nếu mua dâm, bán dâm là nhu cầu, là bản năng của con người xưa giờ, dẹp chỗ này nó mọc ra chỗ khác thì cách hay nhất là đưa nó vào vòng kiểm soát, là góp ý của nhà báo độc lập Nguyễn Vũ Bình :

"Hợp thức hoa vấn đề mại dâm là chuyện nhiều người nói lâu rồi, người ta cố tình không nghe thôi. Còn thực ra nó là nhu cầu tự nhiên thì phải để tự nhiên và hạn chế theo cái hướng thừa nhận nó. Thừa nhận thì nó sẽ giảm bớt những cái không lành mạnh, còn kiểu cấm đoán thì nó sẽ nảy sinh nhiều vấn đề".

Việt Nam có thể tiến tới hợp thức hóa mãi dâm giống như đã tiến tới việc nhìn nhận cộng đồng LGBT đồng tính và chuyển giới mà trước đó từng bài xích rất dữ. Thế nhưng đưa việc mua bán dâm vào vòng kiểm soát như ở các quốc gia Tây Âu sẽ không xảy ra tại Việt Nam hôm nay, ngày mai, năm tới hoặc cả 5 hay 6 năm nữa, theo nhận định của nhà văn Nguyễn Trọng Thắng :

"Khi thế giới có vẻ nhân nhượng thì Việt Nam bắt buộc phải có sự khoan dung. Dĩ nhiên trong xã hội, trong chính quyền vẫn có sự kỳ thị. Người ta sẽ không đưa lên một sự chấp nhận chính thống bằng văn bản nhưng người ta sẽ không kỳ thị bằng hành vi xã hội nữa".

Hợp thức hóa mãi dâm sẽ là quyết định của thế hệ lãnh đạo trẻ trong bối cảnh nhiều khu kinh tế thương mại tự do rộng mở. Hy vọng khi đó, nhà xã hội Nguyễn Trọng Thắng dự đoán, chính quyền sẽ tính đến phương án thí điểm có lựa chọn, có kiểm soát, đối với các khu vực có thể tiến hành hoạt động mại dâm công khai. 

Thanh Trúc

Nguồn : RFA, 29/05/2021

Additional Info

  • Author Thanh Trúc
Published in Diễn đàn