Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hiện có tới 40 người dân Việt Nam đang phải oằn vai nuôi 1 "ông/bà" công chức.

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc ngành tổ chức xây dựng Đảng hôm 4/3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế huynh đã biểu dương ngành tổ chức, khẳng định năm 2016, ngành đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Đặc biệt, Ban Tổ chức Trung ương đã tham mưu để Trung ương ban hành Nghị quyết "tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng, những biểu hiện 'tự diễn biến', 'tự chuyển hóa' trong nội bộ".

Tuy nhiên, ngoài những chuyển động mạnh mẽ đáng ghi nhận, chúng ta cũng đã thấy công tác tố chức cán bộ của Đảng hiện đang bộc lộ nhiều bất cập và chẳng thể coi là ấn tượng vui được khi ở nhiều bộ, ngành, địa phương, hiện tượng "quan" nhiều hơn " lính" càng khiến cho người dân sẽ phải oằn vai đóng thuế nuôi bộ máy cồng kềnh.

quan1

Dân oằn vai gánh thuế - tranh minh họa

Tôi nghĩ, cũng không phải tự nhiên mà Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã bày tỏ sự lo lắng thay cho nhiều đảng viên trong đảng cũng như quần chúng nhân dân trước hiện tượng "bộ máy công chức thì nhiều mà hoạt động còn kém hiệu lực, hiệu quả, khiến lòng dân búc xúc, oán thán...".

Trong thực tế, sau cú lộ diện của Sở Lao động Thương binh Xã hội tỉnh Hải Dương có 46 nhân sự thì bộ máy lãnh đạo của họ đã choán đến 44 vị, đã cho thấy lỗ hổng trong công tác tổ chức của chúng ta có rất nhiều vấn đề bởi cái sự không giống ai đến hài hước này.

Thế rồi theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tổ công tác của Chính phủ cũng như bên Quốc hội thành lập đoàn giám sát của QH đã tiến hành kiểm tra thêm ở một số bộ, ngành và địa phương thì mới hay chuyện này đâu phải hy hữu.

Chẳng hạn như Bộ Giao thông Vận tải, tại một số đơn vị của Bộ có số lãnh đạo nhiều hơn, thậm chí gấp đôi số chuyên viên và người lao động. Ví dụ : Thanh tra Bộ có 20 lãnh đạo và 18 chuyên viên, người lao động ; Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông 41 lãnh đạo và 31 nhân viên ; Cục Quản lý xây dựng đường bộ thuộc Tổng cục Đường bộ Việt Nam, 28 lãnh đạo và 15 nhân viên...

Hoặc như ở Bộ Giáo dục và đào tạo, số lượng lãnh đạo chiếm tỉ lệ khá cao. Ví dụ như Cục Khảo thí và kiểm định chất lượng giáo dục có 20 lãnh đạo và 26 nhân viên, rồi ở Vụ Tổ chức cán bộ cũng chẳng chịu thua ai vì đây là cơ quan tham mưu cho bộ về công tác này thì tội gì không vậy, nghe nói số lãnh đạo và chuyên viên cũng tương đương nhau...

Rồi thì ở địa phương, những tưởng câu chuyện kiểu như Hà Nội từng có thời kỳ một sở có đến 12 phó giám đốc là bởi Hà Nội khi ấy sáp nhập với Hà Tây. Đây lại là chuyện của sở có 3 ngành văn hóa, du lịch, thể thao sáp nhập trước nữa nên mới vậy vì cũng cần có thời gian nhất định kiện toàn.

Điều này nghe thì thấy chối nhưng ít nhiều còn hiểu được cái khó của một địa phương khi sáp nhập. Nhưng báo chí năm trước cũng nhắc nhiều đến chuyện ở tỉnh Thanh hóa, tại Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, có đến 8 vị phó giám đốc sở thì khiếp thật !

Tôi cũng đã từng viết trên một tờ báo về sự bất ổn của bộ máy nhà nước chúng ta quá cồng kềnh và thiếu khoa học đến mức đáng buồn. Được biết, nước Mỹ họ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số cũng đông gần gấp 4 lần ta. Mỹ lại còn là cường quốc về mọi mặt, trong đó có kinh tế. Nhưng hãy nhìn xem, đội ngũ công chức của họ chỉ vào khoảng 2,1 triệu. Tính ra, 160 người dân Mỹ chỉ phải nuôi một vị công chức.

Đội ngũ công chức của Trung Quốc thực ra cũng còn đông, nhưng vẫn ít hơn ta rất nhiều, chỉ chiếm khoảng 2,8% dân số.

Trong khi đó, Việt Nam, một quốc gia vẫn còn nghèo khó, "con thuyền kinh tế" thì đang chòng chành và ọp ẹp vì nợ công đã ngấp nghé vượt trần thì ngược lại. Theo thông tin được báo chí dẫn ra, hiện có tới 40 người dân Việt Nam đang phải oằn vai nuôi 1 "ông/bà" công chức. Chúng ta đều thừa biết, không một quốc gia nào có bộ máy cồng kềnh như nước ta hiện nay. Vậy thì làm sao ngân sách hiện nay có thể cải thiện được đời sống người lao động khi năng suất lao động lại quá thấp, bộ máy hành chính quá cồng kềnh...

Bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế độc lập đã dẫn chứng : "Bộ máy nhà nước Việt Nam hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức, viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước, con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người".

Trong bối cảnh này, tôi nghĩ chúng ta cần sớm tìm hướng ra thông thoáng hơn. Chúng ta từng nói biết bao lần về bộ máy hành chính càng ngày càng phình to nhưng nào đã có mấy bộ, ngành, địa phương dẹp được !

Đâu đó, chúng ta cũng đã thấy có những địa phương như Hà Nội đang tỏ rõ quyết tâm tinh giản biên chế bộ máy quản lý và ít nhiều có khởi sắc trong điều hành công tác. Song vẫn còn quá ít những ví dụ cần có như vậy trên mọi tỉnh, thành và các bộ, ngành trên cả nước.

Đó là chưa kể, tại nhiều bộ, ngành (mà chủ yếu ở các cơ quan trung ương) chứ địa phương thì lại không thường quá dễ dãi bổ nhiệm chức danh "Hàm" cho các vị công chức. Vì lí do gì đó không lên được chức có thực quyền lãnh đạo thì... "cho tí hàm" cho anh em đỡ... thiệt. Chính điều này, cách nhìn này cũng góp phần không nhỏ làm cho hệ thống chức danh bộ máy lãnh đạo vốn cồng kềnh, lại tốn kém mà không hiệu quả. Nhiều khi cũng chỉ vì không tâm phục khẩu phục nhau khiến hiệu suất công tác không cao.

Chỉ một việc tưởng chừng đơn giản như trong ngành cảnh sát giao thông. Nếu trên các tuyến đường cao tốc và quốc lộ được lắp toàn bộ hệ thống giám sát, xử lý vi phạm trật tự, an toàn giao thông thì ngành công an có thể giảm bớt hàng vạn cán bộ chiến sĩ Cảnh sát giao thông đang ngày ngày "bán mặt cho đường, bán lưng cho trời" vô cùng vất vả mà hiệu quả thì không thể cao bằng việc đưa khoa học công nghệ hiện đại phụ giúp. Điều này với các quốc gia, nó được coi là chuyện đương nhiên. Còn chúng ta thì vẫn quá lạc hậu và lãng phí sức người ghê gớm !

Nên chăng, trong công tác cán bộ của Đảng hiện nay, chúng ta nên chủ động nghiên cứu và nhân rộng mô hình nhất thể hóa bộ máy đảng - chính quyền cơ sở rồi dần dần nâng lên cấp tỉnh, thành và trung ương trong những năm tới với một lộ trình thích hợp mà tại hội nghị vừa nêu cũng đã có đại biểu đề xuất.

Nên chăng hãy thử thí điểm khoán quỹ lương cho cấp quận, huyện để tự chủ tuyển dụng và bố trí nhân lực. Nếu làm tốt, biết trọng dụng người tài và có trách nhiệm cao trong công việc sẽ góp phần không nhỏ trong việc tinh giản biên chế mà không bị phình to như hiện nay, thu nhập sẽ từ đó tăng thêm nhờ chính họ đã làm việc bằng hai, bằng ba bình thường.

Phải làm sao để cán bộ công chức, viên chức chúng ta sống được từ chính đồng lương của mình, không cần tham nhũng, không thèm tham nhũng và biết sợ khi tham nhũng.

Quốc Phong

Nguồn : Một Thế Giới, 10/03/2017

Published in Diễn đàn