Hội đồng điều phối vùng đã từng có, nhưng rồi cũng "mạnh ai nấy làm"…
Cảng hàng không và cảng biển quốc tế Đà Nẵng
Từ thời Thủ tướng Phan Văn Khải đến nay, cứ hàng năm chuyện các tỉnh miền Trung liên kết nhau để tạo "đột phá" luôn được nhắc đến, nhưng rồi vẫn cứ "mạnh ai nấy là đầu tàu" đúng như ‘chỉ đạo’ lúc ông Nguyễn Xuân Phúc còn là Thủ tướng.
Cơ chế tạo ra những lãnh chúa vùng ở miền Trung ?
Tháng 4/2018, Đà Nẵng đã làm một buổi lễ nhỏ về việc kỷ niệm tròn 15 năm ngày Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu đoàn lãnh đạo của Chính phủ về làm việc với Đà Nẵng để từ đó định ra một hướng đi mới cho thành phố biển miền Trung này.
"Đầu tư phát triển mạnh du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố ; xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm du lịch lớn của đất nước, là đầu mối trung chuyển, quá cảnh và giao lưu hàng hóa – dịch vụ của miền Trung – Tây Nguyên…" là những ý kiến chỉ đạo khi ấy của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Tháng 8/2004, theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký Quyết định số 148/2004/QĐ-TTg, về phê duyệt Phương hướng chủ yếu phát triển kinh tế – xã hội vùng kinh tế trọng điểm miền Trung đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 thực hiện đối với 5 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, bao gồm : Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định.
Mục đích của kế hoạch này là nhằm phát huy tiềm năng, vị trí địa lý và các lợi thế so sánh của vùng, từng bước phát triển vùng kinh tế trọng điểm miền Trung thành một trong những vùng phát triển năng động của cả nước, bảo đảm vai trò hạt nhân tăng trưởng và thúc đẩy phát triển khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Khi đó, "nhiệm vụ mới có tính đột phá" là cụm từ không chỉ là điểm nhấn của quyết định kể trên, mà giới nhà báo gần như ai cũng hồ hởi khi "rộng tay" sử dụng động từ "đột phá" trong các bài báo tường thuật về những kỳ vọng thay đổi mang tính cải cách trong nền kinh tế. Lúc đó, chưa xuất hiện cụm từ "định hướng xã hội chủ nghĩa" trong kinh tế như dưới thời của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Thế nhưng kể từ đó đến nay, mặc dù về lý thuyết thì các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung hội tụ các yếu tố thế mạnh để "dắt nhau" phát triển, thế nhưng theo ghi nhận chung của giới chuyên gia cũng như ghi nhận của báo chí, thì vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cho đến nay vẫn là khu vực phát triển không xứng với tiềm năng.
"Phải làm gì và thể chế, cơ chế, nguồn lực vận hành ra sao để vùng này ‘lật ngược’ tình thế phát triển ?" là vấn đề vẫn được đem ra mổ xẻ trong các gặp gỡ đầu xuân của nhiều biên tập viên báo chí.
Cùng là Ủy viên Bộ Chính trị nên các lãnh chúa này không ai chịu ai
Xin dẫn một thí dụ về câu chuyện liên quan đến sân bay, minh chứng rõ nhất cho cái khó của miền Trung.
Theo Quyết định 236 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào năm 2018 về phê duyệt quy hoạch phát triển hàng không đến năm 2020, định hướng 2030, thì mật độ phân bổ cảng hàng không tại vùng miền Trung có tỷ lệ cao nhất nước : 10 sân bay/14 tỉnh, cao hơn rất nhiều so với thế giới. Và lợi ích cục bộ nằm ở chỗ, địa phương lấy cảng biển, sân bay để kéo nhà đầu tư về mình mà chưa có sự liên kết phát huy thế mạnh khu vực.
Các địa phương đều có điểm tương đồng từ vị trí địa lý, thách thức biến đổi khí hậu, thiên tai… thì có cái gì vượt lên trên hay cơ hội, hạn chế chắc chắn sẽ có rất nhiều câu hỏi cần trả lời. Chính phủ cho thành lập Hội đồng vùng, điều đó cần thiết, nhưng hơn hết vẫn là cơ chế hoạt động như thế nào, thực quyền ra sao để điều phối, định hướng, chỉ đạo liên kết phát triển chung ?
Từng có văn bản vùng Tây các tỉnh miền Trung được hưởng chính sách như Tây Nguyên, nhưng chưa có thể chế hay cơ chế gì cho ban điều phối, hội đồng vùng thực hiện vai trò kết nối, không thể "can thiệp" vào các chương trình mục tiêu quốc gia, nông thôn mới, xóa đói giảm nghèo khi khu vực này không được thực hiện chính sách như Trung ương đã ban hành.
Nguồn lực lấy ở đâu để đầu tư, liên kết cũng là câu chuyện trăn trở của các địa phương hiện nay. Một khi không xác định được nguồn lực đầu tư, không tiền, không cơ chế, không đưa ra được cái gì cần liên kết thì lấy gì để kết nối đôi bên cùng có lợi và lợi ích cho toàn vùng ?
Hiện tại thì vẫn là câu chuyện muôn thuở của cái gì cũng phải hỏi Trung ương, và điều đó cho thấy sẽ rất khó để 5 địa phương này có thể phát triển dù cho có Hội đồng vùng hay Ban điều phối vùng.
Trên thực tế, tỉnh thành nào cũng muốn địa phương mình phát triển nên sẵn sàng "đấu tranh" để xin nguồn lực, cơ chế, thu hút đầu tư… Thực tế thì một Hội đồng điều phối vùng đã từng có, nhưng rồi cũng "mạnh ai nấy làm"…
Thay lời kết
Ngày 5/2/2023, tại Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và xúc tiến đầu tư vùng.
Trong Hội nghị có một nội dung được đưa ra bàn thảo với chủ đề "Liên kết – Phát triển nhanh và bền vững – Đột phá từ biển".
Hy vọng lần này "đột phá" không dừng lại là một "phấn đấu" của tư duy nhiệm kỳ đối với các cấp lãnh đạo.
Thới Bình
Nguồn : VNTB, 07/02/2023
Địa phương nào cũng có lúc sóng gió, không yên bình nhưng đừng để sự yêu thương, ghét bỏ ảnh hưởng đến doanh nghiệp, người ta làm đúng thì anh phải ủng hộ.
Đó là chia sẻ của Bí thư thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh tại buổi đối thoại doanh nghiệp năm 2017 do Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức. Tham dự buổi đối thoại lần này có hơn 400 doanh nghiệp, cùng các tổ chức hiệp hội trên địa bàn.
Doanh nghiệp phải có niềm tin vào lãnh đạo thành phố
Phát biểu mở đầu buổi đối thoại, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh nhận định, hiện kinh tế tư nhân đang ngày càng có vai trò quan trọng trong xã hội, có đóng góp rất lớn cho GDP và tăng trưởng của cả nước.
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp đầu tư, phát triển. Ảnh : TT
Mặc dù đã có những nỗ lực rất lớn nhưng việc tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp chưa thực sự đạt yêu cầu đặt ra. Trong đó, có nhiều lý do nhưng chủ yếu là lý do chủ quan.
Ông Xuân Anh cho rằng, mục đích buổi đối thoại lần này là làm sao mang lại niềm tin cho doanh nghiệp, đưa ra cam kết của lãnh đạo thành phố cho cộng động doanh nghiệp.
"Khi chúng ta có niềm tin thì làm được tất cả, đặc biệt là niềm tin doanh nghiệp vào cơ chế chính sách và lãnh đạo thành phố.
Nếu chúng ta tin tưởng vào sự ủng hộ của lãnh đạo thành phố thì các vướng mắc sẽ được tháo gỡ và đạt kết quả như mong muốn" ông Xuân Anh nói.
Tại buổi đối thoại, các doanh nghiệp đã nêu lên những khó khăn, vướng mắc, đề nghị thành phố sớm tháo gỡ, giải quyết.
Trong đó, có nhiều ý kiến cho rằng hiện thủ tục hành chính vẫn còn rườm rà, một số cán bộ chính quyền còn cứng nhắc trong giải quyết thủ tục hành chính.
Có trường hợp doanh nghiệp phải đón nhiều đoàn kiểm tra, thanh tra chỉ trong một thời gian ngắn khiến họ không còn thời gian lo chuyện làm ăn.
Ông Phan Hải – Chủ tịch Hội doanh nhân trẻ thành phố Đà Nẵng kiến nghị, các đề án, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nên rút ngắn thời gian triển khai, thủ tục, lộ trình, thẩm định hồ sơ để doanh nghiệp tiếp cận những chương trình này một cách nhanh chóng, thuận lợi hơn.
"Lãnh đạo thành phố cũng nên tổ chức các chương trình cà phê hàng tháng để trực tiếp gặp gỡ doanh nghiệp. Qua đó, tạo sự kết nối thân thiện, gần gũi, cùng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc" ông Hải nói.
Đừng để sự yêu ghét ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Sau khi lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của cộng đồng doanh nghiệp, Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh cũng đã có những chia sẻ.
"Vừa qua, dư luận như thế nào các đồng chí cũng biết, tôi hiểu doanh nghiệp đang suy nghĩ Bí thư và Chủ tịch mỗi ông nói một kiểu thì làm ăn thế nào ?
Giá đất có lên nhưng hình như đang xuống thì phải, tôi cảm giác một số doanh nghiệp có tâm trạng âu lo, niềm tin hơi lung lay. Tôi cũng có thông tin hơi hơi thôi rằng một số nhà đầu tư lớn đầu tư đang cân nhắc.
Nhưng Đà Nẵng đang phát triển, Trung ương vừa qua cho rất nhiều lời khen ngợi, du lịch vừa rồi đón 320.000 khách. Thành phố chúng ta phát triển, các chỉ số đảm bảo, thu ngân sách đạt 40%, môi trường đầu tư dẫn đầu PCI…".
Ông Xuân Anh nói tiếp, đối với doanh nghiệp, chính sách của lãnh đạo thành phố là nhất quán, suyên suốt dành sự ủng hộ tối đa cho doanh nghiệp.
Trong cuộc sống việc có thể trái nhau về phương pháp, quan điểm nhưng đó không thành vấn đề. Địa phương nào cũng thế, có lúc sóng gió không yên bình nhưng đừng để sự yêu thương, ghét bỏ ảnh hưởng đến cộng đồng doanh nghiệp.
Không có chuyện yêu ghét ở đây, nếu người ta làm đúng thì anh phải ủng hộ. Chính sách đối xử với doanh nghiệp phải bình đẳng và công bằng - Bí thư Đà Nẵng khẳng định.
Về chính sách có cái đá nhau, trái nhau, nhưng tinh thần có lợi cho doanh nghiệp thì áp dụng điều đó, chứ không phải lý do mà bắt bẻ.
Cơ hội đến một lần, nếu vận dụng được cho doanh nghiệp thì làm, thế mới tạo ra đổi mới thể chế, chính sách pháp luật.
Tấn Tài