Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Tại sao những lá đơn, của hàng trăm người dân quận 2 đã không được đề cập trên báo chí ? Tại sao những mất mát xót xa này đến ngày 9/5 mới được thể hiện ?

baochi1

Thủ thiêm im lìm trong một thời gian dài 

Chiều ngày 9/5/2018, với nhiều phóng viên dự buổi tiếp xúc cử tri bị giải tỏa trong dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, câu hỏi lớn nhứt đặt ra mà không biết ai đủ thẩm quyền trả lời : 20 năm qua báo chí đã ở đâu ? Các nhà báo đã ở đâu khi người dân đã mất tất cả, chính quyền cũng đã và đang mất tất cả ? Tại sao những lá đơn, của hàng trăm người dân quận 2 đã không được đề cập trên báo chí. Tại sao những mất mát xót xa này đến chiều 9/5 mới được thể hiện ?

Các nhà báo đã ở đâu vậy ? Trong khi báo chí Sài Gòn - Thành phố Hồ Chí Minh là một trong những nơi đi đầu trong đấu tranh với cái sai ? cái xấu ? Và liệu có bao nhiêu nhà báo được mua suất ưu đãi ở Thủ Thiêm ?

Bà nghị Nguyễn Thị Quyết Tâm có xứng đáng là đại biểu của dân ?

Tổ đại biểu Quốc hội tiếp xúc với cử tri quận 2 gồm có bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - chủ tịch Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, ông Phan Nguyễn Như Khuê - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn Đại biểu quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trịnh Ngọc Thúy - Phó chánh án Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

Cử tri cho rằng bà Tâm đã đứng về phía chính quyền quận 2, bảo vệ việc làm – được cho là sai trái của địa phương này với nhiều hộ dân Thủ Thiêm. Thậm chí nhiều người kêu gọi bà từ chức vì không giải quyết được những kiến nghị của dân.

Bà Tâm thừa nhận rằng, với trách nhiệm của một đại biểu quốc hội, bà đã làm "chưa tròn trịa", rồi bà khẳng định sẽ luôn cố gắng chứ không thoái thác bằng việc từ chức. Bà Tâm nói những ý kiến nóng nảy ngày hôm nay là "do chính quyền chậm giải quyết", do vậy "Cô bác nặng lời cỡ nào mình cũng nghe. Nghe để giải quyết, mình giải quyết chưa thấu đáo thì cô bác nói mình phải nghe".

baochi2

Bà nghị Nguyễn Thị Quyết Tâm trong buổi tiếp xúc cử tri Thủ Thiêm

Nếu căn cứ vào những gì bà Nguyễn Thị Quyết Tâm đã hứa hẹn trong tờ khai "Chương trình hành động" mang tính thủ tục của ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, thì bà Tâm cần tự trọng từ chức, thay cho bãi miễn vì không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân theo quy định tại Điều 7, Điều 88 Hiến pháp và Điều 56 luật Tổ chức Quốc hội.

"2. Dành thời gian thỏa đáng tiếp xúc cử tri, luôn gắn bó lắng nghe, chia sẻ tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của các tầng lớp nhân dân, cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tập hợp đưa đến Quốc hội. 3. Thường xuyên liên hệ, phối hợp với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể nhân dân của địa phương nơi tôi ứng cử để nắm bắt tình hình, trao đổi thông tin, gắn bó trách nhiệm trong giải quyết các vấn đề nhân dân quan tâm" (Chương trình hành động" của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm lúc ứng cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII, đơn vị bầu cử số 7 : quận 2, quận 9, quận Thủ Đức).

Báo chí ở đâu trong hơn 20 năm qua ?

Nếu như bà Nguyễn Thị Quyết Tâm không làm tròn trách nhiệm dân cử, thì trách nhiệm của báo chí ra sao ?

Hàng năm, báo chí tập trung đưa tin liên quan về tiếp xúc cử tri ít nhất 4 bận : trước và sau mỗi kỳ họp Quốc hội. Như vậy, 20 năm qua, có ít nhất đến 80 cuộc tiếp xúc của cử tri Thủ Thiêm với những vị gọi là đại biểu Quốc hội, thế nhưng vì sao các uất ức của người dân Thủ Thiêm không hề được báo chí lên tiếng ?

Người viết còn nhớ trong nhiều lần giao ban báo chí với Ban Tư tưởng Văn hóa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh giai đoạn năm 2001 – 2004, trên cương vị Trưởng ban tư tưởng văn hóa, bà Phạm Phương Thảo luôn chê trách báo chí chỉ chăm chăm viết về những mặt trái, những tiêu cực mà không cổ xúy những gương người tốt việc tốt.

Hồ sơ bạn đọc của người dân mất đất đầy oan ức ở Thủ Thiêm được gửi đến các tòa soạn tại Sài Gòn. Thế nhưng ở giao ban định kỳ hàng tuần của Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam, các đại diện báo chí đến dự luôn được ‘hăm he’ bằng khuyến cáo "phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, phản bác thông tin sai trái, luận điệu xuyên tạc và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch". Đại diện Ban Tuyên giáo còn đọc cụ thể từng bài báo được cho là "dễ bị thế lực xấu lợi dụng" ; bao gồm các bài báo lên tiếng về việc người dân bị cưỡng chế đất đai trái pháp luật.

Không chỉ có gọng kìm của Ban Tư tưởng văn hóa Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, và Ban Tuyên giáo Trung ương phía Nam, mà báo chí ở Sài Gòn còn chịu thêm áp lực thứ ba đến từ cơ quan An ninh bảo vệ chính trị nội bộ (PA83 với báo chí có tòa soạn chính đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh ; A83 nếu tòa soạn chính đặt tại Hà Nội). Cả 3 cơ quan đều cùng luận điểm : "Cảnh giác luận điệu xuyên tạc và âm mưu thâm độc của các thế lực thù địch" (!?).

Vậy là báo chí buộc trở thành nền báo chí nô dịch, loa phát theo cái gọi là định hướng tuyên truyền phục vụ tuyên giáo Đảng. Nói như lời lúc sinh tiền của tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Bá Thành (còn được biết đến là họa sĩ biếm Ớt) mà rất nhiều phóng viên vẫn còn nhớ : "Các anh chị biết tôi đã nói gì với thành ủy không ? Tôi nói : Thời chế độ cũ, báo chí Sài Gòn phần lớn là đối lập. Chính bản thân tôi thường vẽ tranh châm biếm ông Thiệu, và gọi ông ta là Sáu Thẹo mà họ cứ cười. Bây giờ tất cả các báo đều của Đảng. Nhà báo chúng tôi ai cũng theo Đảng, nịnh Đảng muốn chết vậy mà hở một chút là phê bình kiểm điểm. Các anh thật quá đáng !".

Nhiều que diêm đã được bật lên

Dường chừng đang xảy ra cuộc khủng hoảng truyền thông, khi trước gọng kìm từ tuyên giáo và an ninh, cánh phóng viên báo chí đã chọn việc thể hiện qua trang mạng xã hội như Facebook.

Vì sức ép của ‘định hướng tuyên truyền’ nên xét vẻ ngoài thì quan điểm của toà báo và quan điểm của cá nhân nhà báo nhiều khi là không đồng nhất và họ, vì cuộc sống cơm áo gạo tiền, vẫn phải viết những điều mà toà soạn họ muốn đăng – đúng hơn là chỉ được phép đăng như vậy. Nhưng phóng viên đó cũng có nhu cầu bày tỏ quan điểm cá nhân, nên đã đưa lên facebook, blog hoặc web cá nhân những điều họ không được phép đăng ở báo của họ.

Trước khi báo chí ‘nhập cuộc’ ào ạt vụ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm, thì trên trang facebook, nhiều nhà báo đã ‘phanh phui’ những bè phái đang tiếp tục lũng đoạn đất đai của Sài Gòn. Ngay cả chuyện triệt hạ hàng cây trăm tuổi trên con đường Tôn Đức Thắng của dự án Thủ Thiêm, báo chí cũng ngờ vực rằng đây là cú áp phe mượn cớ làm cầu theo quy hoạch...

Xin tạm kết bài viết này bằng câu chuyện do chính nhà báo Từ Kế Tường kể lại :

"Tôi nhớ, một hôm anh Hà Phi Long (quyền tổng biên tập báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh) đi dự họp giao ban định kỳ hàng tuần ở Ban Tuyên giáo Thành ủy, lúc đó anh Ba Sơn, Phó ban Thường trực còn chủ trì họp báo với các tổng biên tập báo. Lúc trở về cơ quan, anh Hà Phi Long liền gọi tôi qua phòng anh, mặt mày đỏ lên, giọng giận dỗi : - Từ thứ sáu tuần sau, ông thay mặt Ban biên tập đi dự họp giao ban, tôi không đi nữa...

Tôi cười : - Sao thế ? Họp giao ban không tổng thì phó, tôi chỉ là thư ký tòa soạn lấy tư cách gì đi họp ?

- Không là không. Tôi bước vô phòng họp ai cũng nhìn tôi như người trên trời rơi xuống, tôi đi họp làm gì cho mất công. Ông cứ đi họp, cho họp thì họp, không cho họp thì về.

Và lần đó cũng là buổi đi họp giao ban đầu tiên cũng là lần cuối cùng của tổng biên tập Hà Phi Long, anh dứt khoát không đi họp nữa".

Với một người với tính cách bỗ bã, ăn nói bạo mồm bạo miệng như Hà Phi Long nên sau đó ông đã bị vạ miệng, buộc phải rời ghế tổng biên tập. Que diêm lẻ loi khi ấy đang được các nhà báo tiếp nối thắp lên ở hôm nay.

Trúc Giang

Nguồn : VNTB, 13/05/2018

Published in Diễn đàn