Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Để tiệm cận với tinh thần dân chủ như Hồng Kông, chúng ta cần phải trở thành một "quốc gia nổi loạn trong một biển của chế độ toàn trị" như cách TIME ví von.

noiloan1

Biểu tình ở Hongkong. Ảnh : Reuters.

G20 đang diễn ra, và Hồng Kông trở thành "điểm áp lực tiềm năng" giữa Trung - Mỹ. Hai triệu người vào ngày 16.06 đã minh chứng cho tinh thần Hồng Kông, bảo vệ giá trị thuộc về người Hồng Kông. Và cảnh tượng người Hồng Kông "từ chối" trở thành một phần của hệ thống chính trị Bắc Kinh đã giáng một đòn nhục nhã vào ông Tập, người ngày càng coi mô hình Bắc Kinh là một sự thay thế khả thi cho nền dân chủ tự do phương Tây. Và cái gọi là "quyền lực mềm" của chính quyền Bắc Kinh cũng bị Hồng Kông cho khai tử.

Sự kiện xuống đường với hàng triệu người là một cuộc nổi loạn của chính người Hồng Kông. Từ phong trào Dù vàng, dường như người Hồng Kông đã ghét sự tuân phục, và họ nhấn mạnh sự xứng đáng để hưởng được tự do và dân chủ, hô vang khẩu hiệu "Tự do cho Hồng Kông".

Giới văn nghệ sĩ Hồng Kông cũng nổi loạn, họ đi xuống đường, đồng hành cùng với người dân, và trong đó có cả ngôi sao điện ảnh từng làm nức lòng không ít thế hệ người Việt - Châu Nhuận Phát.

Cựu Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Newt Gingrich đã ví sự kiện Hồng Kông là chiến trường mới của Mỹ và Trung Quốc, nơi mà sự giằng co quyết liệt giữa một hệ đa số người dân chuộng tự do và dân chủ, ưa nổi loạn với một khuôn khổ ràng buộc, cùng với hệ thống chấm điểm tín dụng công dân. Người Hồng Kông không ưa khuôn khổ, tuổi trẻ Hồng Kông không thích hệ thống chấm điểm tín dụng công dân, và vì vậy họ đã xuống đường để thay đổi nó.

Và những lá cờ thời Hồng Kông còn là thuộc địa Anh Quốc vẫn phất phới trong các cuộc biểu tình.

Dù nổi loạn, nhưng dân chủ sẽ không đến Hồng Kông sớm, bởi sự siết chặt từ Bắc Kinh. Mất Hồng Kông, sẽ chấm dứt vai trò chính trị của chính ĐCSTQ, mở đường cho các khu tự trị khác của Bắc Kinh tìm kiếm quyền tự chủ và độc lập, đưa Đài Loan nhanh trở thành một quốc gia độc lập.Nhưng những phong trào dân chủ ở Hồng Kông sẽ giúp thúc đẩy cảm hứng dân chủ trong vùng đại lục, đưa tinh thần nổi loạn đến người dân Trung Quốc, và đến một lúc, khi một Thiên An Môn mới xuất hiện, làn sóng dân chủ tại Trung Quốc sẽ định hình sớm dân chủ tại Hồng Kông.

Một mối quan hệ tương hỗ.

Đối với Việt Nam, một quốc gia nằm phía nam Trung Quốc, cũng có những lý do để có thể nằm trong quỹ đạo chuyển động dân chủ. Việt Nam dường như hấp thu một phần tinh thần nổi loạn của Hồng Kông trong những năm gần đây, khi những cụm từ từng xuất hiện trong thời kỳ đầu của Đcộng sản Việt Nam như "truyền đơn, biểu tình, lên tiếng, đòi người, bãi khóa" đã liên tục xuất hiện, cùng theo đó số lượng người dân bị lực lượng an ninh bắt giữ ngày càng tăng. Mặt khác, Việt Nam cũng hấp thu một phần của chế độ Bắc Kinh, đó là một chế độ đã từng chứng minh có một hệ thống tự sửa lỗi. Ở một góc độ nào đó, cuộc cách mạng cải cách ruộng đất cho đến cải tạo tư sản, rồi đến đại hội đổi mới cho đến những thành tựu Internet đã cho thấy một kỳ vọng, Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đcộng sản Việt Nam có thể tự thay đổi, và điều này đến từ bên trong gắn với chính sách tái cân bằng theo những hướng mới và tốt hơn.

Việt Nam hiện tại, vẫn tăng trưởng nhanh chóng và có sự ổn định tương đối.

Thế nhưng, như đã đề cập trên, có sự nổi loạn bên trong người dân, dường như sự ổn định tương đối không thể khắc phục được nhu cầu về chống nạn tham nhũng và hệ thống quan liêu. Nhiều người dân Việt Nam lôi cuốn vào các khía cạnh nổi loạn liên quan đến dân chủ, đất đai, chủ quyền quốc gia, và cả lao động. Những cuộc biểu tình, bãi khóa liên tục xuất hiện, những tranh chấp đất đai với quyết tâm dùng cả tính mạng để giữ đất của người nông dân liên tục diễn ra, tại thành thị nhu cầu giữ cây xanh, bảo vệ biển nước trước ô nhiễm nhà máy cũng đã thu hút nhiều người, với nhiều tầng lớp kinh tế, trong đó có cả tầng lớp trung và thượng lưu. Mâu thuẫn giữa nông dân với nhà đầu tư ; người dân với chính quyền địa phương và trung ương tiếp tục tồn tại và diễn biến đầy phức tạp. Trong khi đó, một bộ phận đảng viên Đcộng sản Việt Nam đã xuất hiện quan điểm về đa nguyên chính trị, xã hội dân sự đến mức Đcộng sản Việt Nam buộc phải ban hành Quy định 102-QĐ/TW năm 2017 về việc xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm.

Sự ổn định chính trị tương đối sẽ sớm kết thúc, khi mà kế hoạch kế nhiệm về nhân sự đang gặp vấn đề liên quan đến tham nhũng, và khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, thì nổi loạn sẽ xuất hiện không chỉ ở người dân, mà cả bên trong bộ máy chính trị Việt Nam.

Không còn lựa chọn nào khác, nổi loạn sẽ tất yếu, và khi đó, Việt Nam sẽ là biểu tượng kết hợp, một Hồng Kông nổi loạn trong lòng độc tài Bắc Kinh, hay một Việt Nam nổi loạn trong thể chế độc đảng Hà Nội.

Nguyễn Hiền

Nguồn : VNTB, 01/07/2019

Published in Diễn đàn