Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

mardi, 30 octobre 2018 22:26

Nỗi đau

Anh Chu Hảo vừa bị "kỷ luật" của đảng mà anh là đảng viên. "Kỷ luật" ấy là việc nội bộ chăng ? Dư luận đã trả lời : thực chất, đó là một bản án, không phải riêng gì đối với anh Chu Hảo mà đối với tất cả trí thức. Bởi vậy, ai tự thấy mình là trí thức đều cảm thấy có liên quan. Đã có những thư chung. Đã có những "kiến nghị" viết rất sắc sảo và trí thức. Tôi có thể nói thêm ở đây một nỗi đau tuy rằng ai cũng biết, cũng nói, cũng lo : nỗi đau lạc hậu về văn hóa.

noidau2

Nỗi đau lạc hậu về văn hóa - Ảnh minh họa

Chỉ cần một chữ thôi trong bản án đủ để thấy tất cả những gì là lạc hậu. Anh Chu Hảo bị kết tội là đã "tự chuyển hóa". Có ai mà không biết : "chuyển hóa" là quy luật của tiến hóa, không chuyển hóa thì chỉ làm tôi tớ cho thế giới. Mà xã hội thì không thể nào chuyển hóa được nếu con người không "tự" chuyển hóa từ trong cái đầu. Nếu cái đầu của Galiléo không tự chuyển hóa thì vũ trụ không to gì hơn cái vòm giếng - cái vòm giếng của những thế lực kết tội ông. Nhưng cái đầu của con người luôn luôn muốn vươn đến trăng sao. Trăng sao của vũ trụ cũng như trăng sao của Sự Thật. Trăng sao của Galiléo cũng như trăng sao của Darwin. Ấy là chỉ mới nhắc đến hai quyển sách trong công trình xuất bản của anh Chu Hảo. Chẳng lẽ cái tội của anh Chu Hảo là cái tội đã từng được đem ra để xử hai nhà bác học ấy, cái tội mà bây giờ mang tên là "tự chuyển hóa" ? Xuất bản những sách đã đánh dấu lịch sử những bước đi của tư tưởng thế giới là một cái tội ? Chúng ta sống trong thời đại nào vậy ?

Con người không thể có tư tưởng nếu không biết so sánh những cái khác nhau, nghĩa là không biết tranh luận. Mà tranh luận trước hết là tranh luận với chính mình. Trí thức là người luôn luôn "tự" tranh luận với chính mình, luôn luôn trăn trở. Trăn trở là để lớn lên, như trẻ con biết lật. Bởi vậy, một cái đầu khai sáng là một cái đầu đã từ giã tình trạng vị thành niên, tự mình bước đi, không vịn vào ai để dẫn đi. Thế kỷ 18 của Âu châu đã bước vào Khai Sáng như vậy. Chẳng lẽ anh Chu Hảo phải trở lại tình trạng vị thành niên để bám vào những thế lực của thế kỷ 17, 16, trung cổ mà bước ? Đâu phải anh, cũng như chúng ta, cũng như bao nhiêu thế hệ đã từng đọc những sách mà anh xuất bản, xem những sách ấy là thánh hiền phải vịn vào mới bước được ? Ấy chỉ là tri thức, thế giới đều biết, và ai cũng biết : không có tri thức thì không có tư tưởng. Ai cũng biết : một đất nước suy vong về văn hóa, hạn hán trong tư tưởng, thui chột những cái đầu biết suy nghĩ, phê phán, là một đất nước thiếu văn minh. Không có tư tưởng thì làm nô lệ mà không biết mình là nô lệ.

Nỗi lo lạc hậu không mới mẻ gì, nhưng nỗi đau đến từ một biện pháp mà ai cũng xem như một bước thụt lùi đáng sợ trong chính sách đối với trí thức khiến ai cũng muốn bật lên thành tiếng, không phải tiếng khóc hay tiếng than, mà là tiếng bất bình. Không ai muốn tương lai nặng trĩu những bất bình như thế.

Cao Huy Thuần

Nguồn : vietstudies, 30/10/2018

Published in Diễn đàn
samedi, 27 octobre 2018 20:16

Khi nỗi đau đủ lớn

Xem tin tức trên facebook, các bạn có bao giờ cảm thấy khó chịu, bực bội, chán nản, thậm chí chả còn thiết làm gì nữa khi quan tâm đến các chủ đề chính trị - xã hội không ? Nay thì chết trong đồn công an, mai thì cướp vàng của dân, kia thì lại ô nhiễm môi trường, giáo dục xuống cấp, y tế quá tải, tham nhũng tràn lan... nói chung là bạn sẽ gặp đủ cả những thông tin rất nhức nhối trong xã hội ngày nay. Tôi biết và hiểu tình trạng này không hay ho gì cho sức khoẻ tinh thần của mỗi chúng ta.

bieudo1

Biểu đồ Trì hoãn - Hành động (The Procrastination-Action Line)

Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe Tâm thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%. Và không chỉ về mặt tinh thần, các trạng thái stress, rối loạn tâm lý được các bác sĩ chỉ ra là nguyên nhân rất lớn gây ra các bệnh về tim mạch, mất ngủ, mất trí nhớ, béo phì... thậm chí cả những bệnh như ung thư, tiểu đường.

Vậy làm thế nào để thoát khỏi tình trạng sống như thế này ? Thờ ơ bỏ qua ư ? Tìm vui trong các hoạt động khác ư ? Chạy ra nước ngoài sinh sống ư ? Tôi nghĩ có lẽ chúng ta cần phải nói thẳng với nhau rằng, đó là những giải pháp ngu ngốc, tệ hại nhất nếu bạn chọn nó. Những gì bạn đang phải chứng kiến, đang phải chịu đựng là hệ quả tất yếu khi đất nước được dẫn dắt bởi một chủ thuyết sai lầm gần một thế kỷ qua.

Dù bạn có cố sống theo kiểu mũ ni che tai, bỏ mặc sự đời, hay vào chùa đi tu... thì những vấn nạn xã hội vẫn tác động đến tất cả chúng ta bằng giá xăng dầu, bằng thực phẩm bẩn, bằng ô nhiễm môi trường, bằng khói bụi chúng ta phải hít vào hàng ngày. Giả sử bạn có may mắn, có tiền bạc để thoát ra được nước ngoài để sống, hãy nhìn đời sống của người Việt hải ngoại mà xem. Cho dù đã được hưởng những điều kiện sống tốt đẹp nhất, nhưng họ vẫn đau đớn vật vã khi nhìn về quê hương, vì dù đi đâu đến đâu ta cũng chỉ như là công dân hạng hai. Không có cách nào khác, chỉ có một con đường duy nhất, đấy là Việt Nam phải thay đổi, người Việt chúng ta phải thay đổi, thay đổi tất cả ngay chính trên mảnh đất này. 

Nói về việc thay đổi, tôi biết là rất khó. Ngay trong đời sống hàng ngày, những thói quen xấu bình thường đã rất khó bỏ, chưa nói gì đến việc thay đổi thái độ chính trị hay làm một việc gì khác ngoài xã hội để thúc đẩy sự tiến bộ. Chúng ta không thay đổi được vì chúng ta trì hoãn. Trong các môn nghiên cứu về tâm lý và tư duy con người có một biểu đồ gọi là biểu đồ Trì hoãn - Hành động (The Procrastination-Action Line).

Nhìn vào biểu đồ, chúng ta có thể thấy con người chỉ có thể hành động (action) khi nỗi đau (pain) đủ lớn. Chưa đủ nỗi đau, chúng ta chưa hành động. Điều đó có thể lý giải rất rõ hiện tượng những người đã từng bị oan sai, bị cướp đất trong xã hội Việt Nam lại dễ dàng trở thành những nhà hoạt động xã hội, những người đấu tranh nhiệt thành cho tiến bộ xã hội. Càng nhiều bất công thì sẽ có càng nhiều người đấu tranh. Và khi số lượng đủ lớn, xã hội này ắt sẽ phải thay đổi.

Chính vì thế, cho dù tình trạng Việt Nam đang ở một thời khắc vô cùng tăm tối, nhưng tôi luôn lạc quan tin tưởng một điều rằng, con đường tôi đang đi sẽ dẫn tới một tương lai rạng rỡ cho đất nước này. Trước mặt tôi đã có một ít người đi trước mở đường, sau lưng tôi đã nhiều người nối gót, và sau nữa sẽ có hàng triệu triệu người khao khát tự do. Xin hãy nén nỗi đau lại, chờ những người đi sau, vì không chỉ có mỗi mình bạn cảm thấy đau đâu.

Xin được chép lại ở đây một lời bài hát của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang mà tôi vô cùng yêu thích để kết thúc bài viết này :

...Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang 

Trên bàn chông hát cười đùa vang vang 

Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khối kiêu hùng...

Nguyễn Lân Thắng

Nguồn : RFA, 26/10/2018 (nguyenlanthang's blog)

Published in Diễn đàn