Thủ tướng cộng sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc có vẻ đang tính toán "quay đầu là bờ" khi ông bơi một đường vòng trong thời gian chín tháng để trở lại điểm xuất phát nhằm xoa dịu công luận : mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc lẫn phía Nam.
Phi trường Tân Sơn Nhất. (Hình : Thanh Niên)
Lại "mở rộng phi trường cả phía Bắc và phía Nam"
Chủ trì phiên họp chính phủ thường kỳ tháng Ba, 2018, diễn ra hôm 2 tháng Tư, ông Phúc bất ngờ phát ra một "chỉ đạo" có phần đảo chiều tuy vẫn đậm sắc màu nước đôi :
"Tôn trọng ý kiến tư vấn độc lập, ý kiến của bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của Ủy Ban Nhân Dân ở Sài Gòn. Việc mở rộng sẽ được tiến hành cả về phía Nam và phía Bắc, nếu cần thiết thì lấy đất sân golf để làm các công trình phục vụ cho phi trường".
Trước đó chưa đầy một tuần lễ, trong một cuộc họp vào ngày 28 tháng Ba với các ngành liên quan, ông Phúc đã khẳng định kết luận cuối cùng : "Chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam".
Vào tháng Sáu, 2017, trước cảnh nạn phi trường Tân Sơn Nhất kẹt cả dưới đất lẫn trên trời, dư luận xã hội nhốn nháo và phẫn nộ trước cảnh sân golf Tân Sơn Nhất bị Tập Đoàn Him Lam của "đại gia quân đội" Dương Công Minh chiếm dụng diện tích đến 157 hécta trong cả chục năm trời mà đã trở thành một nguyên nhân chính đẩy phi trường Tân Sơn Nhất vào thảm cảnh bế tắc giao thông, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải tổ chức họp và yêu cầu "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam".
"Chỉ đạo" hồi tháng Sáu, 2017, cho thấy rất có thể ông Phúc muốn "đi hàng hai", vừa không mất lòng Bộ quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng "xử lý sân golf trong phi trường" trong lòng công luận.
"Chỉ đạo" trên đã được nhiều tờ báo nhà nước ca ngợi là "quyết định hợp lòng dân" và giúp cho ông Phúc ghi một điểm chính trị quan trọng trên đường tiến tới vương vị tổng bí thư do với các ứng cử viên nặng ký khác.
Tuy nhiên bẵng đi một thời gian và khi dư luận phản đối sân golf Tân Sơn Nhất đã dần lắng xuống, mọi việc lại trở về như cũ theo cách "đánh bùn sang ao". Người ta không thấy một "chỉ đạo" mới nào của Thủ tướng Phúc về giải tỏa sân golf Tân Sơn Nhất và lấy đất của sân golf này để phục vụ cho sân bay dân sự cùng tên, trong khi khi Bộ Giao thông vận tải lại thuê công ty tư vấn ADP-I của Pháp, để kết quả mà công ty tư vấn này cùng Bộ Giao thông vận tải "nhất trí cao" trong đề nghị với chính phủ vào tháng Ba, 2018, là "chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam" mà không có nội dung nào về lấy lại đất sân golf cho phi trường.
0 đồng hay hơn 9 tỷ USD ?
Ngay sau khi Thủ tướng Phúc chấp nhận đề nghị trên và chỉ đạo "chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam" vào tháng Ba, dư luận xã hội một lần nữa phẫn nộ và phản ứng quyết liệt.
Mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất cả phía Bắc lẫn phía Nam ?
Quyết định trên như thể vừa bất chấp vừa thách thức làn sóng phản ứng phẫn nộ của dư luận xã hội và giới chuyên gia phản biện, bất chấp hình ảnh chình ình của sân golf Tân Sơn Nhất là nguồn cơn chính yếu dẫn đến tương lai cùng đường của "con tin phi trường Tân Sơn Nhất".
Bởi trước đó, rất nhiều chuyên gia và người dân đã kiến nghị kế hoạch hợp lý nhất và cũng dễ nhất là thay vì mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 hécta sân golf Tân Sơn Nhất để làm sân bay mà còn không tốn một đồng ngân sách nào. Cơ sở pháp lý chính yếu cho kế hoạch này là vào năm 2017, chính Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã khẳng định rằng hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Còn nếu "chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam", chính quyền sẽ phải "đụng tường" khi đối mặt với một khu vực dân cư khổng lồ và các nhà hàng, khách sạn, chung cư cao cấp… của nhiều đại gia, trong đó không thiếu đại gia quân đội thuộc các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả công viên Gia Định – một trong những lá phổi xanh hiếm hoi cuối cùng của Sài Gòn.
Đất quanh khu vực phi trường Tân Sơn Nhất lại là "đất vàng" với giá trị cao ngất trời.
Vào năm 2017, một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD. Nhưng trong thực tế, kinh phí bồi thường có thể còn cao hơn nhiều so với con số đó.
Một dấu hỏi cực lớn là trong bối cảnh cạn kiệt và hàng năm phải trả nợ nước ngoài hàng chục tỷ đô la, ngân sách sẽ tìm đâu ra số tiền đó để bồi thường ? Hay sẽ giống như quá nhiều tiền lệ "bồi thường thấp, bán giá cao" trước đây mà đã đẩy hàng chục vạn người dân đô thị biến thành dân oan đất đai, chính sách "bồi thường cho có" ở phía Nam phi trường Tân Sơn Nhất trong thời gian tới sẽ biến khu vực này thành một điểm nóng khiếu tố đất đai khổng lồ, trong đó "dân oan" bao gồm cả nhiều gia đình sĩ quan quân đội đang có cơ sở kinh tế ở khu vực này ?
Con tin ?
Cũng như cảnh "tang gia bối rối" khi phải xử lý vấn nạn đã trở thành quốc nạn BOT, Thủ tướng Phúc đang đứng giữa ngã ba đường đối với sân golf Tân Sơn Nhất : không thể giải tỏa phía Bắc vì sẽ đụng nhóm lợi ích giao thông và quân đội – những nhân vật có thể ảnh hưởng lớn đến lá phiếu "tín nhiệm tổng bí thư" của ông Phúc, nhưng cũng không thể giải tỏa phía Nam vì kẹt kinh phí và cả nguy cơ "mất ổn định xã hội". Còn cứ kéo dài tình hình như hiện nay thì phi trường Tân Sơn Nhất sẽ kẹt cứng đến mức khủng hoảng, dẫn đến đánh giá "điều hành yếu kém của chính phủ" trong nội bộ đảng và cũng sẽ đe dọa ngôi vị thủ tướng của ông Phúc.
Có lẽ không quá để nói rằng nếu không cẩn thận, thủ tướng cộng sản Việt Nam còn có thể bị biến thành con tin của các nhóm lợi ích, nhóm tài phiệt và nhóm mafia chính trị.
Ngôi vị thủ tướng của ông Phúc còn luôn bị đe dọa bởi những đối thủ chính trị đã lộ diện và còn chưa lộ diện trong chính trường Việt Nam, đặc biệt trong "tầm ngắm" của chức vụ tổng bí thư tại đại hội 13 vào năm 2021, để bất cứ một sơ sẩy đủ trầm trọng nào của ông Phúc cũng sẽ khiến tương lai thay thế Nguyễn Phú Trọng của ông coi như "cháy".
Từ giữa năm 2017 đến nay, đã có những dấu hiệu và biểu hiện về một chiến dịch chỉ trích Thủ tướng Phúc không chỉ trên mạng xã hội mà có thể cả trên mặt báo nhà nước, liên quan vụ "sân golf trong phi trường".
Ngay cả "chỉ đạo" mới nhất của Thủ tướng Phúc về "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam" cũng không còn nhận được lời tung hô của báo nhà nước và sự hoan hỉ một bộ phận dư luận, dù là nhỏ. Tất cả đang nhìn vào ông Phúc với sự nghi ngờ cao độ và tâm thế đầy cảnh giác đối với những quyết định bao giờ cũng là "cuối cùng" nhưng thật khó lường về xác suất đổi màu của ông.
Hy vọng và cũng là lối thoát hầu như duy nhất của ông Phúc và nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất là làm mọi cách để phi trường Long Thành được hoàn thành sớm nhất, đi vào hoạt động và thay thế phi trường Tân Sơn Nhất.
Thế nhưng ngay cả dự án phi trường Long Thành cũng không tránh khỏi nạn kẹt tiền khi không còn nguồn vốn ODA ưu đãi. Còn nếu chính phủ của ông Phúc nhận đầu tư của Trung Quốc theo cái cách mà đại gia Vũ Văn Tiền, tức Tiền "Còi", CEO Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco) đưa đẩy chào mời thì lại quá nguy hiểm cho an ninh quốc gia.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : Người Việt, 08/04/2018
Thế là xong. Việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất ở Sài Gòn đã được "chốt" vào ngày 28/03/2018, khi ông Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng của "chính phủ kiến tạo" đặt bút ký, quyết định cho phi trường Tân Sơn Nhất mở rộng về hướng Nam, ngược lại với sự đánh giá, khuyến nghị và hy vọng của các chuyên gia sau khi nghiên cứu.
Thủ tướng quyết định phương án mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam
Sau khi quyết định được ban hành, có lẽ nhiều đại gia gốc quân đội đã reo lên mừng rỡ, hồ hởi, hân hoan, hớn hở, hả hê mở tiệc ăn mừng, rồi còn cùng vợ con đi chùa cúng bái, lễ lạy, làm thiện nguyện mấy ngày liên tiếp. Không vui mừng, sung sướng sao được khi mà nỗi lo canh cánh bên lòng về nguồn tin phi trường Tân Sơn Nhất sẽ mở rộng về hướng Bắc làm họ mất ăn, mất ngủ bấy lâu nay, đã tan biến?
Không bàn đến những chi tiết kỹ thuật, số lượng hành khách, chuyến bay lên xuống ở phi trường Tân Sơn Nhất, bài viết chỉ phân tích những yếu tố khách quan lẫn chủ quan, vì sao phi trường Tân Sơn Nhất không thể mở rộng về hướng Bắc, gọi tắt là Bắc tiến, mà phải đi về hướng Nam, dù trái ngược với đề nghị, khuyến cáo của các chuyên gia Hàng Không Việt Nam và TPHCM.
Quyết định Nam Tiến Tân Sơn Nhất có (mang tiếng) lọt cái ổ gà như ông Mai Quốc Ấn viết trong bài "Chuyến Xe Cải Cách" thì "chính phủ kiến tạo" cũng chỉ lắc lư, nhồi xóc chút đỉnh, và sẽ vẫn tiếp tục vững như kiềng ba chân. Ông Mai Quốc Ấn chẳng qua thương ông Phúc nên xem quyết định của ông Phúc như lọt ổ gà. Lọt ổ gà không phải là chuyện vô tình bởi đã nằm trong "viễn kiến"của Thủ Phúc khicân nhắc lợi hại, nên tiến về hướng nào cho việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Bởi ngược lại, (liều mạng) chơi bạo lấy tiếng, làm theo khuyến cáo của các chuyên gia hàng không Việt Nam, Bắc Tiến phi trường Tân Sơn Nhất, ông Thủ Phúc sẽ đụng chạm mạnh đến rất nhiều đại gia quân đội, những người đã đầu tư tất cả quyền hạn, chức tước, cấp bậc, lòng tự trọng, danh dự -của một quân nhân, sĩ quan cao cấp của Quân đội nhân dân - vào các ngành nghề, dịch vụ khách sạn, nhà hàng, sân golf…
Miếng ăn là miếng tồi tàn – Mày ăn được, sao không cho tụi tao ăn ? Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về hướng Bắc, cuộc va chạm quyền lợi sẽ bùng nổ lớn, sẽ nẩy lửa mà hậu quả không thể lường trước được, nhưng điều đầu tiên là chiếc ghế thủ tướng chắc chắn nhanh chóng bị đốn ngã.
Trong tình thế xấu hơn, đám quân đội có thể liên kết với nhau đảo chánh thì ông Phúc sẽ bị thanh toán trước nhất mà Tổng Trọng cũng không thể an vị. Một giả thiết khác cũng có thể xẩy ra là Thủ tướng Phúc đang khỏe mạnh, đột nhiên phải bay qua Mỹ chữa bệnh như Nguyễn Bá Thanh bởi tình nghĩa "đồng chí" cộng sản vốn thắm thiết, keo sơn.
Dù là tể tướng, một trong tứ trụ triều đình nhưng Thủ Phúc chỉ giỏi tuyên bố tào lao, ba phải, từng được gọi là thủ tướng "đầu tàu" vì cái tật đi kinh lý, thăm viếng các tỉnh, thành phố… luôn mong muốn tất cả những nơi mình đến trở thành đầu tàu, kéo cả nước đi đâu thì chính Thủ Phúc cũng đếch biết.
Nếu mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về hướng Bắc, cuộc va chạm quyền lợi sẽ bùng nổ lớn, sẽ nẩy lửa mà hậu quả không thể lường trước được
Thủ tướng Phúc không nắm quân đội, không có lực lượng công an trong tay, từ các bộ trưởng trong nội các, bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND thành phố..., nói chung là cấp dưới không mấy ai nghe. Ăn nói lạng quạng, họp hành với lãnh đạo quốc tế thì ngủ gục, mặt mày nhăn nhó, hậm hực trong lúc nguyên thủ các nước khác tươi cười, vui vẻ hàn huyên với nhau.
Đã bất tài lại vô tướng, Phúc biết thân phận nên chẳng khi nào dám làm liều, chơi bạo lấy tiếng (ngu) như Tổng Trọng, bởi Tổng Trọng dù chẳng tài giỏi gì hơn Phúc nhưng cũng còn cái gốc "người Bắc, biết lý luận" nên còn chiêu dụ được những đảng viên kỳ cựu, đầu óc lúc nào cũng chỉ nghĩ đến cuốn sổ hưu và những lợi quyền đã qua tay mình sau "trận đấu tranh cuối cùng với nhân dân".
Thủ tướng Phúc dốt chữ nghĩa, thiếu kiến thức khoa học, kiến thức tổng quát, không biết lịch sự, văn minh trong hành xử, ngoại giao nhưng không dốt mưu mô thâm độc, không thiếu thủ đoạn gian ác, tàn nhẫn và cũng thừa khôn ngoan, biết mình biết người, "đáp án" Nam Tiến của sân bay Tân Sơn Nhất, do đó là giải pháp tối ưu để ông Phúc và các đại gia quân đội vui vẻ cả làng. Úm ba la chúng ta cùng thắng, tiếng Anh gọi là Win-Win.
Tuy nhiên, sau khi ký quyết định Nam Tiến cho phi trường Tân Sơn Nhất, bị dư luận xôn xao dè bỉu, chỉ trích... Thủ tướng Phúc lại vội vã trấn an dân bằng một liều thuốc cảm Tylenol, cho Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng chính phủ tuyên bố : "Nếu cần, vẫn lấy đất sân golf để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất". Nếu cần có nghĩa là hiện tại... chưa cần, bao giờ cần sẽ…tính sau. Trước mắt, ta cứ nhẹ nhàng, thanh thản mở rộng về hướng Nam đi. Vài năm nữa, hết nhiệm kỳ hạ cánh an toàn, chuyện sân bay có tiến về hướng Bắc hay tiến lên trời, sẽ có thủ tướng khác lo. Ai nói ông Phúc không biết nghĩ xa ? Ông khôn hơn rận.
Thật ra, chuyện xẻ thịt sân bay Tân Sơn Nhất đã xẩy ra ngay sau khi cướp được miền Nam hồi tháng 04/1975. Đám tướng, tá trong quân chủng Phòng không – Không quân ồ ạt kéo vào Sài Gòn, thấy thành phố sung túc, giàu sang quá, nhanh chóng nhận ra nguồn lợi không lồ là khu đất rộng mênh mông của phi trường nên chia lô, phân ranh giới, mở đường, xây dựng tư gia, dinh thự, nhà cửa... rồi đem bán, sang lại cho dân từ miền Bắc đổ vào.
Đất sử dụng cho phi trường Tân Sơn Nhất đến năm 2.000 đã co rút lại đến độ, ngồi trên phi cơ đang lăn bánh trên đường băng có thể trông thấy cánh máy bay như sắp đụng vào hàng rào ngăn cách với khu dân cư.
Sân bay Tân Sơn Nhất đã trở thành một thành phố trong lòng thành phố Sài Gòn với đầy đủ khách sạn, nhà hàng, sân Golf…, là con bò sữa của các đại gia quân đội. có được mở rộng về bất cứ hướng nào, Nam, Bắc hay Đông, Tây thì số phận của dân tộc Việt Nam cũng không hề thay đổi, chỉ càng ngày càng bi thảm, khốn nạn hơn, bởi "chuyến xe cải cách" mà ông Mai Quốc Ấn hồ hởi, hân hoan ca tụng là đi đúng hướng, được nhiều người dân ủng hộ, chỉ là những màn trình diễn, mị dân của một chế độ độc tài, gian manh, quỷ quyệt trong giai đoạn cuối cầm quyền.
Tài nguyên cạn kiệt, nợ công vượt trần, cái bánh làm bằng máu dân càng ngày càng nhỏ, lũ chuột trong bình sinh sôi nẩy nở, càng lúc càng đông. Phân chia, sắp xếp lại cách nào rồi cũng sẽ bị loạn vì giành giật đưa tới hãm hại, thanh trừng hay ấu đã, bắn giết lẫn nhau, bình sẽ tự động vỡ. Mong muốn chế độ cộng sản cải cách để trở nên tốt đẹp hơn chỉ là điều hoang tưởng.
Thạch Đạt Lang
(05/04/2018)
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam".
"Phía Nam" có gì ? Ảnh : Zing.vn
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn "đi hàng hai", vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng "xử lý sân golf trong phi trường ".
Nhưng 8 tháng sau, vào tháng Ba năm 2018, ông Phúc đã "trở cờ" khi chỉ đạo "chỉ mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam" theo đề xuất của Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) và Bộ Giao thông và Vận tải.
Quyết định trên của Thủ tướng Phúc đã lộ ra ít nhất hai bất hợp lý – nghi vấn rất lớn :
Nghi vấn lớn nhất là vì sao ông Phúc lại chấp nhận 16 ha đất phi trường ở phía Nam do Bộ Quốc phòng "trả lại" để xây dựng nhà ga T3 công suất 20 triệu hành khách/năm theo đề xuất của Công ty tư vấn ADP-I (Pháp) – do Bộ Giao thông và Vận tải thuê, trong khi sân golf Tân Sơn Nhất lại một lần nữa được giới chức chính phủ cho lủi tránh khỏi sự phẫn nộ đã gần như bùng nổ của dư luận xã hội, không những thế vẫn ung dung ngự trị đến tận năm 2025 ?
Sân golf Tân Sơn Nhất, nằm ở phía Bắc, từ nhiều năm nay đã chiếm dụng một diện tích 157 ha – gấp 10 lần con số 16 ha được "bồi thường" – nằm trong khu vực phi trường Tân Sơn Nhất, chính là nguyên nhân chính khiến cho phi trường Tân Sơn Nhất rơi vào tình trạng kẹt cứng cả dưới đất lẫn trên trời.
Nghi vấn thứ hai là trong nội dung quyết định cuối cùng của Thủ tướng Phúc về mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất, phương án mở rộng phi trường về phía Nam đã chỉ đề cập đến việc xây nhà ga T3 trên diện tích 16 ha của Bộ Quốc phòng, nhưng lại không, hoặc dường như cố ý mập mờ về việc có giải tỏa các khu dân cư hay không, và nếu giải tỏa thì diện tích giải tỏa là bao nhiêu.
Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh bị xem là thủ phạm chiếm dụng 157 ha đất của phi trường dân sự Tân Sơn Nhất làm sân golf, nhà hàng, khách sạn, chung cư từ hàng chục năm qua. Dự án sân golf Tân Sơn Nhất cũng do tập đoàn này làm chủ đầu tư.
Đến năm 2017, đường vào phi trường Tân Sơn Nhất đang trở nên nỗi kinh hoàng với tất cả hành khách. Rất nhiều lần tuyến chính dẫn vào phi trường là đường Trường Sơn cùng các đường nhánh bị kẹt suốt 3-4 tiếng đồng hồ, khiến nhiều hành khách phải bỏ xe hơi, ôm hành lý chạy vội vào nhà ga phi trường để khỏi lỡ chuyến bay.
Từ tháng 7/2017 khi bị dư luận phản ứng dữ dội về thực tồn sân golf Tân Sơn Nhất gây ra nạn kẹt cứng ở phi trường dân sự cùng tên, có những dấu hiệu rõ ràng cho thấy vai trò "bảo kê" cho sân golf Tân Sơn Nhất đã cấp tập được chuyển từ một số quan chức Bộ Quốc phòng sang một số quan chức Bộ Giao thông vận tải.
Với cả một cụm sân golf – nhà hàng – khách sạn – chung cư… đã được xây dựng quy mô và còn hứa hẹn sẽ phát triển thêm, số kinh phí dùng để "bồi thường giải tỏa" cho cụm này, nếu thu hồi sân golf Tân Sơn Nhất – là quá lớn – lên đến ít nhất 3.000 tỷ đồng như chính một chủ đầu tư của sân golf này nêu công khai trên báo chí như một cách mặc cả với ngân sách quốc gia cùng tiền đóng thuế của dân.
Trong khi đó, chính Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất là vô hiệu. Mà hợp đồng đã vô hiệu thì chỉ có giải tỏa trắng chứ không bồi thường gì cả.
Đầu năm 2018, tân bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể đã kế thừa nhiệm vụ "thuê tư vấn ngoại" của cựu Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa, tức thuê Công ty tư vấn ADP-I của Pháp.
Vào đầu tháng Ba năm 2018, ADP-I đã công bố đánh giá "mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía Nam". Nhưng ngay lập tức, công bố này bị dư luận xã hội phản ứng và nghi ngờ là tổ chức tư vấn này "đi đêm" với Bộ Giao thông vận tải.
Vậy "phía Nam" đó là gì ?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổi xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó ?
Trước phương án của ADP-I đưa ra, Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của Tiến sĩ Dương Như Hùng – ĐH Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng kết quả báo cáo không đáng tin cậy. Bởi tư vấn không dự báo nhu cầu mà chỉ dự báo khả năng cung ứng của Tân Sơn Nhất ; dự báo không tham khảo các phương pháp dự báo tăng trưởng hàng không của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nghiên cứu của Boeing.
Tiến sĩ Dương Như Hùng cũng cho rằng dự báo của ADP-I thiếu cơ sở khoa học khi dự báo lưu lượng Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm…
Nhưng giờ đây, không hiểu vì lý do "nhạy cảm" hay "tế nhị" gì, ông Phúc đã quyết định "chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam", cho dù phương án dễ nhất là thay vì mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm phi trường mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 29/03/2018
Tư vấn Pháp có ‘đi đêm’ với Bộ Giao thông vận tải ?
Một tổ chức tư vấn Pháp – Công ty tư vấn ADPi Engineering – được Bộ Giao thông vận tải thuê nghiên cứu việc mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất vừa công bố đánh giá "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam" mà đang bị dư luận xã hội nghi ngờ là tổ chức này "đi đêm" với Bộ Giao thông vận tải.
Có gì ở "phía Bắc" và "phía Nam" của sân bay Tân Sơn Nhất ?
Vào giữa năm 2017 khi diễn ra kỳ họp quốc hội và cùng lúc dư luận xã hội lẫn nhiều đại biểu quốc hội dậy sóng và phản ứng dữ dội với tình trạng phi trường Tân Sơn Nhất kẹt cả trên trời lẫn dưới đất cùng vụ Tập đoàn Him Lam chiếm dụng nhiều năm 157 ha của phi trường này để làm sân golf, Bộ Giao thông vận tải – cơ quan chịu trách nhiệm về quản lý phi trường và cũng là "chủ quản" của sân golf Tân Sơn Nhất – đã buộc phải tính đến phương án nghiên cứu nhằm mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.
Tuy nhiên từ giữa năm 2017 đến nay, thời gian đã trôi qua đến 2/3 năm mà tình trạng sân golf Tân Sơn Nhất vẫn y nguyên, phi trường Tân Sơn Nhất vẫn tiếp tục kẹt cứng vào nhiều lúc cao điểm, còn phương án "mở rộng sân baty Tân Sơn Nhất" vẫn hầu như giẫm chân tại chỗ.
Một trong những nguồn cơn sân xa của tình trạng chậm xử lý sân golf Tân Sơn Nhất đã được chính chủ đầu tư của sân golf này tiết lộ : chủ đầu tư đã dùng đến 3.000 tỷ đồng để đầu tư sân golf, còn nếu nhà nước muốn lấy lại đất của sân golf này để phục vụ cho phi trường dân dụng thì phải trả lại chủ đầu tư con số 3.000 tỷ đồng ấy.
Hoàn toàn có thể hiểu là nhóm lợi ích sân golf Tân Sơn Nhất – được "bảo kê" bởi Bộ Giao thông vận tải và có thể cả một bộ phận lãnh đạo Bộ Quốc phòng – đã bắt phi trường Tân Sơn Nhất làm "con tin".
Vào giữa năm 2017, trước áp lực lớn của dư luận, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về cả phía Bắc và phía Nam".
Chỉ đạo trên cho thấy rất nhiều khả năng ông Phúc muốn "đi hàng hai", vừa không mất lòng Bộ Quốc phòng và Quân ủy trung ương mà ông Nguyễn Phú Trọng là bí thư, cũng không đụng chạm đến nhóm lợi ích giao thông, vừa được tiếng "xử lý sân golf trong sân bay".
Bản thông báo về chỉ đạo trên đã không hề đề cập đến bức xúc quá lớn của công luận về việc nhóm lợi ích quân đội đã chiếm dụng đến 157 ha của phi trường – một diện tích đủ để xây cả một phi trường nhỏ. Cũng không đề cập đến trách nhiệm của Bộ Quốc phòng và một số bộ ngành, địa phương khi duyệt thông qua quy hoạch "sân golf trong phi trường" – điều mà rất nhiều cử tri và công luận đã bức xúc kiến nghị phải làm rõ.
Chỉ vài ngày trước khi bản thông báo trên ra đời, chính một quan chức là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên đã cho rằng không thể giải thích theo cách của Bộ Quốc phòng.
"Vấn đề này phải quay lại quy định của Hiến pháp. Đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Khu vực sân bay Tân Sơn Nhất, sau giải phóng, nhà nước giao cho quân đội quản lý, sử dụng vào mục đích quốc phòng. Việc quân đội không sử dụng hết giao cho nhà đầu tư bên ngoài khai thác làm sai mục đích sử dụng đất là Bộ Quốc phòng đã vi phạm Luật Đất đai", ông Nguyễn Đức Kiên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng xét về Luật Đất đai, các đơn vị ký hợp đồng sử dụng đất quốc phòng làm sân golf đều sai Luật. Bộ Quốc phòng đã ký kết hợp đồng xây dựng sân golf Tân Sơn Nhất sai thẩm quyền. Một hợp đồng kinh tế giữa Bộ Quốc phòng và đơn vị đầu tư ký sai thẩm quyền thì theo quy định pháp luật, hợp đồng này vô hiệu.
Do đó, biết hợp đồng được ký kết sai thẩm quyền nhưng các bên liên quan vẫn tiến hành, cả Bộ Quốc phòng và nhà đầu tư đều sai. Theo Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Đức Kiên, ai là người kí kết hợp đồng sân golf người đó phải chịu trách nhiệm. Khi hai bên đều sai, nếu sân golf bị thu hồi, rủi ro kinh tế xảy ra cả hai bên đều phải chịu.
Mối nghi ngờ về lợi ích nhóm thuộc về Bộ Giao thông vận tải và bộ Quốc phòng ngày càng nổi cộm khi Công ty tư vấn ADPi Engineering của Pháp đưa ra đánh giá khu vực phía Bắc phi trường Tân Sơn Nhất (tức khu vực sân golf hiện nay) sử dụng cho phát triển giai đoạn sau năm 2025 với các công trình được đề xuất là nhà ga hàng hóa, dịch vụ logistics và sửa chữa, bảo dưỡng máy bay, tức hiện thời chưa cần thiết phải giải tỏa ; trong khi chỉ "mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam".
Vậy "phía Nam" đó là gì ?
Đó là toàn bộ các khu dân cư của các quận Gò Vấp, Phú Nhuận, Tân Bình và cả Công viên Gia Định – một trong hiếm hoi lá phổ xanh cuối cùng của Sài Gòn.
Một con số ước tính của giới chuyên gia cho biết nếu mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, kinh phí giải tỏa đền bù các khu dân cư sẽ lên đến hơn 9 tỷ USD, tương đương hơn 200 ngàn tỷ đồng. Ngân sách đang cạn kiệt sẽ tìm đâu ra con số đó ?
Rõ ràng, phương án dễ nhất là thay vì mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam, Chính phủ hoàn toàn có thể lấy lại 157 ha sân golf Tân Sơn Nhất để làm phi trường mà còn không tốn một đồng ngân sách nào.
Nhưng nếu làm theo phương án trên, ai sẽ đền bù cho nhóm lợi ích quân đội về tất cả chi phí nổi lẫn "ngầm" mà nhóm này đã bỏ ra ?
Trước phương án của ADPi đưa ra, Báo Tuổi Trẻ dẫn ý kiến của Tiến sĩ Dương Như Hùng – Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh – cho rằng kết quả báo cáo không đáng tin cậy. Bởi vì tư vấn không dự báo nhu cầu mà chỉ dự báo khả năng cung ứng của Tân Sơn Nhất ; dự báo không tham khảo các phương pháp dự báo tăng trưởng hàng không của Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA), nghiên cứu của Boeing.
Tiến sĩ Dương Như Hùng cũng cho rằng dự báo của ADPi thiếu cơ sở khoa học khi dự báo lưu lượng Tân Sơn Nhất tăng 44 triệu khách năm 2020 lên 51 triệu khách vào năm 2025, ứng với mức tăng trưởng 2,87% mỗi năm, sau đó tăng 1,5% mỗi năm…
Sau "nghiên cứu" của ADPi, Bộ Giao thông vận tải sẽ trình đề xuất này lên Chính phủ. Liệu Thủ ướng Phúc sẽ "nhắm mắt" chấp thuận ý đồ "chỉ mở rộng phi trường Tân Sơn Nhất về phía Nam" hay sẽ tiếp tục "đi hàng hai" ?
Trong khi đó, phi trường Tân Sơn Nhất vẫn ngày đêm kẹt cả dưới đất lẫn trên trời…
Thiền Lâm
Nguồn : CaliToday, 01/03/2018