Chính sách đối ngoại mới của Việt Nam qua một bộ phim tài liệu
Nguyễn Anh Tuấn, RFA, 13/08/2020
Trong một diễn biến bất ngờ, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) vừa tung ra phim tài liệu dài kỳ có tên ‘Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử’ [1] trong đó ngay từ những tập đầu tiên đã nhắc đến chiến tranh Tây Nam với Cambodia năm 1978 và chiến tranh biên giới với Trung Quốc năm 1979.
Cuộc chiến ngắn ngày song đẫm máu giữa hai nước cộng sản cuối thập niên 70s vốn là chủ đề cấm kị trong nhiều thập kỷ sau khi Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ năm 1990.
Vài năm trở lại đây, khi lòng tin chiến lược giữa Việt Nam và Trung Quốc suy giảm theo những diễn biến trên Biển Đông và đứng trước áp lực từ chủ nghĩa dân tộc dâng cao trong nước, báo chí Việt Nam bắt đầu được phép viết về chủ đề này, dù vẫn bị giới hạn về phạm vi, cường độ cũng như thời điểm.
Tuy nhiên, phim tài liệu lần này của VTV có vẻ đi ra ngòa i khuôn khổ trên. Thứ nhất, phim được công chiếu không phải vào bất kỳ dịp kỉ niệm nào. Tiếp đến, phim đã không ngần ngại chỉ mặt đặt tên Trung Quốc và lãnh đạo của họ bấy giờ là Đặng Tiểu Bình từng ngông nghênh tuyên bố ‘dạy cho Việt Nam một bài học’ chứ không chỉ phê phán nhà cầm quyền Bắc Kinh chung chung nữa.
Càng đặc biệt hơn khi bộ phim được thông báo là do Ban Tuyên giáo Trung ương, mà cụ thể là Trưởng ban - Uỷ viên Bộ Chính trị Võ Văn Thưởng trực tiếp chỉ đạo. Chủ trương của Ban Tuyên giáo tức là chủ trương chính thống của Đảng cộng sản Việt Nam.
Bên cạnh Trung Quốc, bộ phim còn gợi ý cách nhìn về hai siêu cường khác : Nga và Mỹ.
Với Nga bộ phim giữ cách tiếp cận truyền thống, ca ngợi sự ủng hộ nhiệt tình của Liên Xô trong giai đoạn chiến tranh. Điều này không có gì bất ngờ khi mà Nga vẫn là một trong những đối tác chiến lược quan trọng nhất trong mắt của đảng cầm quyền. Hơn thế nữa VTV lâu nay vẫn nổi tiếng là thân Nga với đội ngũ lãnh đạo có lý lịch học hành ở Liên Xô trước đây.
Thú vị nhất là về Mỹ. Nếu như trước đây khi đề cập chiến tranh Tây Nam 1978 và Biên giới 1979 truyền thông Việt Nam hay nhắc đến vai trò của Mỹ một cách tiêu cực. Mỹ cầm đầu nhiều nước cấm vận trừng phạt Việt Nam vì đưa quân vào Cambodia. Mỹ bật đèn xanh để Trung Quốc tiến đánh Việt Nam. Tuy nhiên bộ phim lần này lại ‘lơ’ Mỹ. Không một lời trách cứ. Mỹ chỉ xuất hiện mờ nhạt trong bức ảnh Đặng Tiểu Bình khúm núm bắt tay với Jimmi Carter - một hình ảnh trưng ra để mô tả Đặng nhiều hơn là nói gì về Mỹ.
Hệ thống chính trị Việt Nam quả là vẫn giữ được sự thống nhất trong chính sách đối ngoại và đối nội mà bộ phim tài liệu này là một ví dụ điển hình khi cùng lúc thể hiện cho người dân chủ trương đối ngoại mới của đảng cầm quyền : chống Tàu, thân Nga, gần Mỹ.
Nguyễn Anh Tuấn
Nguồn : RFA, 13/08/2020
---
[1] Phim tài liệu dài kỳ có tên ‘Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử’
Tín hiệu gì khi VTV chiếu phim về cuộc chiến tranh biên giới năm 1979 ?
Diễm Thi, RFA, 12/08/2020
Ý đảng lòng dân hội tụ ?
Tối 11/08/2020, VTV1 chiếu bộ phim "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình : Năm 1979". Phim do Báo Nhân dân sản xuất hoàn thành năm 2020.
Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 17/02/1979. Ảnh chụp ngày 1/02/2016. Reuters
Đứng đầu Ban chỉ đạo là Phó Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Lê Mạnh Hùng. Chỉ đạo nội dung là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư trung ương đảng, Trưởng ban Tuyên giáo trung ương Võ Văn Thưởng và Chủ tịch Hội nhà báo Việt Nam Thuận Hữu.
Chuyện một đài truyền hình quốc gia chiếu một bộ phim nhắc lại việc tuyên bố của Chủ tịch Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rằng, "Dạy cho Việt Nam một bài học" khiến các nhà nghiên cứu nhận ra có một sự thay đổi trong cách đưa tin của ban tuyên giáo.
Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc cho biết, ông dường như không coi phim trên VTV bao giờ, nhưng không hiểu sao ông lại mở VTV vào tối 11/08/2020 và sững sờ với những gì diễn ra trước mắt mình. Ông chia sẻ :
"Khi VTV1 bắt đầu phát bộ phim "Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh - Biên niên sử truyền hình : Năm 1979" thì tôi vẫn nghĩ đây là một bộ phim tuyên truyền. Nhưng khi xem, tất cả những thước phim tư liệu, tất cả những hình ảnh nó không mới nhưng tất cả những lời bình nó quá đanh thép. Nó làm cho chúng tôi khóc. Thời điểm 1979 chúng tôi là những người lính, những người bộ đội trực tiếp chiến đấu trên biên giới Tây Nam. Nó nhắc lại tất cả những cái khốn nạn của đất nước mình là do sự sắp xếp của các cường quốc trên thế giới và Trung Quốc lợi dụng để ép Việt Nam vào con đường phục vụ cho Trung Quốc".
Theo ông Đinh Kim Phúc, bộ phim cho thấy tiếng nói của đảng cộng sản Việt Nam, tiếng nói của chính phủ Việt Nam đang nói cho tiếng nói của nhân dân từ năm 1979 tới nay. Cái quyền lợi của đảng phái, của dân tộc, của đất nước hình như đang hội tụ vào trong thời điểm này. Cái thời điểm mà chúng ta phải giữ hòa bình nhưng cũng phải chuẩn bị chiến tranh dù Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình.
Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam của Trung Quốc vào năm 1979 dường như bị chính quyền Việt Nam cố tình quên lãng khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1990. Việc gọi tên Trung Quốc là kẻ xâm lược cũng không thấy xuất hiện trên mặt báo hay bất cứ chương trình truyền hình nào. Người dân tổ chức tưởng nhớ ngày 17/02/1979 thì bị chính quyền ngăn cản, thậm chí đàn áp, đánh đập…
Tại sao chính phủ Việt Nam bất ngờ "chỉ mặt đặt tên" Trung Quốc trong bộ phim truyền hình được sản xuất năm 2020 này ?
Chuyên gia nghiên cứu độc lập Hà Hoàng Hợp nhận định :
"Cái chốt của vấn đề là từ trước đến nay thì các hế hệ lãnh đạo trong đảng cộng sản Việt Nam vẫn nhìn rõ bản chất của đảng cộng sản Trung Quốc. Tức là người ta không bao giờ đánh giá ngược lại chuyện đã xảy ra năm 1979 cả mà người ta chỉ nói nhẹ đi thôi.
Bây giờ đang lúc có nguy cơ Trung Quốc có thể gây chiến tranh ở đâu đó và có thể tấn công Việt Nam. Phim này người ta làm ra rất nhanh và công khai hóa để nói cho người dân cũng như nói cho Trung Quốc và các nước khác thấy được cái thái độ của đảng cộng sản Việt Nam đối với việc đảng cộng sản Trung Quốc đang làm gì, và để nói lên bản chất quan hệ hai nước bây giờ".
Ông Hợp nói thêm rằng, chính quyền luôn dựa vào dân và họ dựa theo nhiều kiểu. Có kiểu mang tính chất áp đặt và áp bức. Nhưng rõ ràng nếu không có sự ủng hộ của người dân thì chính quyền không thể làm được gì nên phải làm điều thuận lòng dân trong tình hình hiện nay.
Thông điệp cho Trung Quốc
Bộ phim nêu chi tiết, ngày 17/02/1979, 60 vạn quân Trung Quốc với chín quân đoàn chủ lực cùng 2.559 khẩu pháo, 500 xe tăng và thiết giáp đồng loạt vượt biên giới tiến vào sáu tỉnh của Việt Nam gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Tuyên, Hoàng Liên Sơn, Lai Châu.
Người dân Hà Nội tưởng niệm chiến tranh biên giới ngày 16/02/1979. Ảnh chụp ngày 17/02/2014. Reuters.
Ngày 18/02/1979, trang nhất báo Nhân Dân đăng toàn văn tuyên bố của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về cuộc chiến tranh xâm lươc Việt Nam của những người cầm quyền Trung Quốc và nêu cao quyết tâm bảo vệ tổ quốc.
Bộ phim này được truyền hình báo Nhân Dân sản xuất năm 2020 nhưng tất cả những tư liệu sử dụng đều là những tư liệu trên 40 năm qua.
Là một người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu chống quân xâm lược Trung Quốc, bảo vệ tổ quốc vào tháng Hai năm 1979, ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm của ông :
"Việt Nam luôn luôn muốn hòa bình. Dù còn một phút để đàm phán hòa bình, giữ vững sự ổn định để phát triển thì Việt Nam vẫn làm. Nhưng nếu kẻ thù buộc Việt Nam phải ôm súng thì Việt Nam vẫn chứng tỏ được truyền thống 4000 năm của dân tộc.
Ai cũng muốn hòa bình, không ai muốn chiến tranh nhưng nếu Bắc Kinh muốn xé toạc tất cả các công pháp quốc tế, xóa Luật biển Liên Hiệp Quốc 1982, xé toạc tình hữu nghị Việt Trung và tất cả các quan hệ đồng chí, anh em thì Việt Nam phải có tiếng nói chính thức đối với cộng đồng quốc tế".
Nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp đưa ra một đánh giá chung về quan hệ Việt Nam và Trung Quốc hiện nay, cũng như cách hành xử của chính phủ Việt Nam :
"Cái này mình thấy là nó có hai cái đường đi song song với nhau. Một đường là quan hệ hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc. Một đường là quan hệ hai đảng cộng sản cầm quyền. Cả phía Việt Nam và Trung Quốc đều xử lý rất rõ rằng, lợi ích quốc gia đặt lên trên lợi ích đảng cầm quyền. Không thể có chuyện quan hệ giữa hai đảng mà làm hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc. Đặc biệt là từ phía Trung Quốc xâm hại lợi ích quốc gia Việt Nam như chiếm đất hay xâm lược hay phá hoại. Đó là điều họ nói với nhau từ rất lâu rồi".
Ông cho biết, vừa rồi khi soạn thảo dự thảo báo cáo chính trị cho đại hội 13 của đảng cộng sản Việt Nam, người ta cũng nói đến một điểm chắc chắn là hiện nay vấn đề Biển Đông với quan hệ Trung Quốc là vấn đề khó khăn nhất và rủi ro nhất đối với Việt Nam, và còn kéo dài. Nhưng không ai đả động đến chuyện ‘hữu nghị’ hay ‘đại cục’ như trước nữa.
Ông Hợp dẫn lại câu nói của bậc tiền bối mà người dân Việt Nam thường xuyên nhắc lại, là câu nói của nhà chính trị Nguyễn Trãi : "phúc chu thủy tín dân do thủy", tức "lật thuyền cũng do dân mà nâng thuyền cũng do dân".
Phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam - Phỏng vấn Đạo diễn Lynn Novick
Ken Burns and Lynn Novick
Hơn 42 năm sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, nhiều người vẫn bị giằng xé vì cuộc chiến không dứt gây tranh cãi này. Nhiều người bình thường thuộc tất cả các bên tham chiến, bị hoàn cảnh đẩy đưa vào cuộc chiến, vẫn bị dằn vặt bởi những dấu hỏi lớn về những nguyên do dẫn tới chiến tranh và kết cuộc bi thảm của nó, với hàng triệu người chết, nhiều triệu người khác mang thương tật hoặc chấn động tâm lý vĩnh viễn. Ngoảnh nhìn quá khứ, họ tự hỏi liệu cái giá mà tất cả các bên – kể cả bên thắng cuộc, phải trả, có quá đắt ? Liệu có hay không một giải pháp không đổ máu cũng có cơ may mang lại hòa bình, độc lập, tự quyết cho Việt Nam ? Và, nên rút ra bài học nào để tránh lặp lại lịch sử ?
Đạo diễn Ken Burns, bên trái, Trent Reznor, Atticus Ross và đạo diễn Lynn Novick, bên phải, nói về phim tài liệu "Chiến tranh Việt Nam" trên đài PBS trước Hội các nhà phê bình phim truyền hình ở Pasadena, California. Ảnh chụp ngày 15/1/2017.
Phim tài liệu 10 tập, dài 18 tiếng "The Vietnam War, Chiến tranh Việt Nam" của đạo diễn Ken Burns và Lynn Novick sắp ra mắt khán giả trên kênh truyền hình PBS, khởi sự từ ngày 17/9/2017. Đạo diễn Lynn Novick đã dành cho VOA-Việt ngữ một cuộc phỏng vấn sau khi trở về từ Việt Nam, nơi nhiều trích đoạn của tập phim tài liệu được trình chiếu trước một số cử tọa chọn lọc, kể cả một số người xuất hiện trong phim. Mời quý vị theo dõi cuộc trao đổi giữa Hoài Hương và đạo diễn Lynn Novick sau đây.
*****************
VOA : Tập phim tài liệu này đã mất tới 10 năm mới hoàn tất. Đây là một câu chuyện bi tráng đòi hỏi một nỗ lực làm việc phi thường. Xin bà cho biết kết quả của những nỗ lực đó, bộ phim tài liệu này đã có những đóng góp nào mới để kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam ?
Lynn Novick : Đạo diễn Ken Burns và tôi tin rằng chúng tôi đã kể lại câu chuyện về chiến tranh Việt Nam theo cách chưa từng được kể trước dây, bởi vì phim tài liệu của chúng tôi trình bày quan điểm của những chứng nhân đã trải qua cuộc chiến từ cả 3 bên tham gia : người Mỹ, và người Việt, thuộc cả bên thắng cuộc lẫn bên thua cuộc. Cho tới nay, chưa ai làm điều đó. Về phương diện đó, chúng tôi đã đưa ra những góc nhìn mới về chiến tranh Việt Nam, một câu chuyện cực kỳ phức tạp và bi tráng.
VOA : Thưa như bà nói, phim tài liệu này kể lại chiến tranh Việt Nam theo một cách mới khác với các phim tài liệu trước đây. Bà so sánh như thế nào phim tài liệu này với phim tài liệu "Vietnam : A Television History" của Stanley Karnow ?
Lynn Novick : Tôi nghĩ rằng chúng tôi không ở trong vị thế để nêu lên những khác biệt hay tương đồng giữa hai phim tài liệu đó. Tôi chỉ có thể nói rằng nhiều năm đã trôi qua từ khi bộ phim tài liệu có tính dấu mốc của Karnow ra đời tiếp theo sau cuộc chiến. Thời ấy, bộ phim của Karnow đã đẩy xa biên cương của truyền thông báo chí, nhưng những nhà làm phim không thể có cái nhìn lịch sử như chúng ta bây giờ khi ngoái nhìn lại quá khứ. Nhiều năm đã trôi qua, bao nhiêu điều đã xảy ra, và đối với những người sống qua cuộc chiến, cái nhìn của họ đã biến đổi, lịch sử Hoa Kỳ và lịch sử Việt Nam cũng có những chuyển biến, quan hệ hai nước đã đổi cũng như trải nghiệm của những người Mỹ gốc Việt, mố tương quan giữa họ với Việt Nam bây giờ và Việt Nam ngày trước cũng khác đi nhiều. Bây giờ chúng ta được tiếp cận nhiều nguồn tài liệu hơn nhờ những trao đổi học thuật giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Một khác biệt nữa là phim của Karnow phần lớn nhìn lại lịch sử theo cách nhìn từ trên xuống, nghĩa là qua quan điểm của những nhân vật đã từng làm những quyết định quan trọng về cuộc chiến. Ngược lại, phim tài liệu của chúng tôi nhìn lịch sử từ dưới lên, qua lăng kính của những người bình thường đã trải qua cuộc chiến, mang ra đối chiếu với những gì diễn ra trong Tòa Bạch Ốc, trong Bộ Chính trị Đảng cộng sản Việt Nam, và trong Dinh Tổng thống ở Sài Gòn.
Ảnh tư liệu.
VOA : Về mặt tài liệu, trong quá trình nghiên cứu, các nhà làm phim lần này có được tạo điều kiện để tra cứu những hồ sơ, tài liệu đặc biệt mà trước đây chưa hề được phổ biến ?
Lynn Novick : Tôi có thể nói là lần này, chúng tôi được tiếp cận nhiều tài liệu từ các kho lưu trữ tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Các trung tâm lưu trữ trên khắp thế giới đều mở cửa cho phép chúng tôi tiếp cận các tài liệu trên mạng của họ, trong đó có các hãng tin đã gửi các đoàn quay phim sang Việt Nam để tường trình về cuộc chiến. Chúng tôi đã lục lọi kho lưu trữ của họ để tìm ra những thước phim bị lãng quên từ lâu, chúng tôi cũng được nhiều cá nhân cho phép sử dụng hình ảnh, âm thanh và video riêng tư của gia đình họ. Mạng internet cho phép chúng tôi tìm tài liệu hữu hiệu, thế cho nên chúng tôi có thể tìm ra những tài liệu mà thế hệ đi trước không sao tìm được, vì chưa có internet. Quan trọng hơn, chúng tôi có thể tra cứu các băng ghi âm các mẫu đối thoại mà nhiều Tổng thống Mỹ cho ghi lại, từ Tổng thống Kennedy, Tổng thống Johnson, nhất là Tổng thống Nixon. Chúng ta được nghe các nhà lãnh đạo này thảo luận những gì diễn ra ở Việt Nam thời đó, và nghe họ cân nhắc nên làm gì. Trong khi một số tài liệu đó đã được công bố trong độ 10, 15 năm trở lại đây, rất khó khai thác để gạn lọc thông tin và tìm ra một khoảnh khắc thực sự gây ấn tượng, một khoảnh khắc mà khi xem qua, khán giả không thể nào quên được. Chúng tôi có sự hướng dẫn của các chuyên gia để làm việc này.
VOA : Thưa bà, trong chiến tranh những hành động tàn bạo thường xảy ra, và cả hai bên đều phạm những tội ác. Truyền thông quốc tế tốn rất nhiều giấy mực để nói về vụ thảm sát ở Mỹ Lai do một đơn vị quân đội Mỹ thực hiện, nhưng dường như giới truyền thông về phần lớn, đã bỏ qua, hoặc tường trình qua loa và một cách không trung thực về vụ thảm sát Tết Mậu Thân năm 1968 do người cộng sản miền Bắc thực hiện. Phim tài liệu của bà và đạo diễn Ken Burns nhắc đến vụ thảm sát ở Huế, mà có người tố cáo là một hành động diệt chủng. Mặc dù Hà nội chưa bao giờ công nhận vụ thảm sát này, trong phim tài liệu này, lần đầu tiên có người bên thắng cuộc thừa nhận vụ thảm sát khi hàng ngàn người, cả thường dân vô tội, bị hành quyết và chôn tập thể. Theo một số nguồn tin, một số người có thể đã bị chôn sống. Xin bà cho biết bà và đạo diễn Burns đã cân nhắc như thế nào và quyết định đưa vụ thảm sát ở Huế vào bộ phim tài liệu này ?
Lynn Novick : Vâng, chiến tranh là một hoạt động đáng ghê sợ, đã xảy ra từ khi có loài người. Và trong chiến tranh, có khả năng xảy ra những hành động nhân bản cũng như phi nhân bản. Không một bên nào trong bất kỳ cuộc chiến tranh nào giữ độc quyền về tội ác. Điều đó cũng đúng ở Việt Nam như trong Đệ nhị, Đệ nhất Thế chiến, hay bất cứ cuộc chiến tranh nào khác. Chúng tôi muốn làm một phim tài liệu nói lên sự thật, tường trình một cách trung thực những gì đã xảy ra. Thật không đúng nếu chúng ta chỉ đề cập đến hành động tội ác của một bên, trong khi bỏ qua hành động tội ác của phía bên kia trong cuộc chiến. Chúng tôi muốn tìm hiểu chiến tranh và những tình huống trong đó những hành động tội ác xảy ra, có thể xảy ra, và đã xảy ra. Đó là lý do vì sao chúng tôi không thể nhắm mắt làm ngơ trước những gì đã xảy ra ở Huế, cũng như không thể làm ngơ những gì đã xảy ra ở Mỹ Lai. Chúng tôi không so sánh hành động nào ác độc hơn hành động nào, mà chỉ muốn khán giả xem phim hiểu rõ những gì đã thật sự xảy ra và vì sao.
Ảnh tư liệu.
VOA : Bà vừa sang Việt Nam để trình chiếu và thảo luận về phim tài liệu Chiến tranh Việt Nam cho một số cử tọa. Xin được hỏi nói chung bộ phim đã được đón nhận ra sao ?
Lynn Novick : Vâng, tôi vừa trở về cách đây vài ngày, ở Việt Nam chúng tôi trình chiếu một số đoạn đáng chú ý nhất cho những người đã xuất hiện trong phim, khoảng 20 nhân chứng đã chia sẻ quan điểm với chúng tôi. Chúng tôi cũng có 7 buổi chiếu phim cho công chúng, và ngoài ra tổ chức một số buổi chiếu phim riêng dành cho các nhà văn, các sử gia và giới quan tâm. Có thể nói, phản ứng của mọi người nói chung hết sức tích cực, bộ phim gây rất nhiều chú ý, nhất là họ muốn biết chúng tôi kể lại chiến tranh Việt Nam như thế nào.
VOA : Vâng, đối với những người đã sống qua chiến tranh, chứng kiến những gì xảy ra trong chiến tranh, họ có những nhận xét gì ?
Lynn Novick : Tôi có ghi lại ý kiến của một số người trên máy tính. Xem nào, để tôi coi lại vì muốn dẫn lời họ một cách thật chính xác. Họ nói họ chưa bao giờ được xem một bộ phim nào trình bày cuộc chiến như phim tài liệu của chúng tôi. Chúng tôi nhận được rất nhiều lời khen về sức mạnh của bộ phim, cách biên tập, tính trung thực và sự thành thực, sẵn sàng và thẳng thắn trình bày chiến tranh nó tàn bạo đến mức nào, với bạo lực và những tàn phá, những đau thương và gian khổ của con người ở mọi bên cuộc chiến. Họ nói được lắng nghe quan điểm của tất cả các bên là một điều mới. Nhiều người bình luận rằng đây không phải là cách mà chiến tranh Việt Nam được kể lại ở Việt Nam, họ nói chiến tranh thường được kể như một cái gì trừu tượng, và cái giá phải trả không được đề cập. Chính vì vậy mà một số cảnh trong phim đã gây sốc và bất an cho nhiều người. Một số người tiếp xúc với chúng tôi, nói rằng rất quan trọng là người Việt Nam ở trong nước phải xem những gì thực sự xảy ra. Một điều mà tôi cảm nhận một cách là sâu sắc là khi được nghe nhiều người nói câu chuyện của chúng tôi đã giúp bên thắng cuộc hiểu hơn về những gì xảy ra ở bên thua cuộc, và nhận ra kích thước nội chiến của chiến tranh Việt Nam. Nhiều gia đình đã bị chia rẽ vì chiến tranh, họ hiểu được qua trải nghiệm của chính mình, rằng còn phải làm rất nhiều mới có thể đi đến hòa giải, và có thể phim tài liệu của chúng tôi có thể đóng góp phần nào khi trình bày cho cả hai bên phía bên kia đã gian khổ đau thương như thế nào.
VOA : Câu hỏi cuối, 10 năm để thực hiện phim là một thời gian khá dài trong đời. So sánh chính mình khi khởi sự dự án, và Lynn Novick của 10 năm sau ? Nói cách khác, dự án này đã thay đổi bà như thế nào ?
Lynn Novick : Ken và tôi bàn luận với nhau rất nhiều về điều này, bởi vì cả hai chúng tôi đều cảm nhận những thay đổi sâu sắc nơi chính mình sau trải nghiệm này, một phần là do phải làm việc những tài liệu đen tối, phải đối diện với những đau đớn tột cùng của con người, với sự dã man và tàn bạo của chiến tranh, và tính phi nhân của một số hành động xảy ra trong chiến tranh, nhưng điều mà tất cả những ai cộng tác với chúng tôi thực hiện phim tài liệu này đều chia sẻ, là sự cảm kích đối với những người đã sẵn lòng chia sẻ câu chuyện của họ với chúng tôi. Thấu hiểu trải nghiệm của họ một cách sâu sắc, biết họ đã trải qua những gì, và chứng kiến sức chịu đựng của họ trước một thảm họa ở tầm mức này, mà vẫn phấn đấu để tiếp tục sống và đóng góp, thật đáng ngưỡng mộ, không có lời để diễn tả cho hết.
*****************
The Vietnam War, Chiến tranh Việt Nam sẽ được trình chiếu lần đầu tiên vào ngày 17/9/2017 trên kênh truyền hình PBS. Bộ phim hoàn tất sau 10 năm dài là phần kết của bộ ba phim tài liệu của đạo diễn Ken Burns về các cuộc chiến tranh mang tính dấu mốc trong lịch sử Hoa Kỳ, thứ nhất là phim tài liệu về cuộc nội chiến Mỹ, thứ hai là phim tài liệu về Đệ nhị Thế Chiến, và thứ 3 là Phim Chiến tranh Việt Nam. Hai bộ phim sau có sự cộng tác của đạo diễn Lynn Novick.
Hoài Hương thực hiện
Nguồn : VOA, 06/09/2017