Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Có hai điểm nổi bật ở một phiên tòa chính trị ở Việt Nam là : lời nói cuối cùng của bị cáo, và những tuyên bố trong quá trình xét xử của chủ tòa.

toa1

Ông Đinh La Thăng và ông Trịnh Xuân Thanh - Ảnh VOA

Án chính trị : án bỏ túi !

Ông Đinh La Thăng sắp sửa hầu tòa vụ án PVN mất 800 tỉ đầu tư vào OceanBank.

Xét cho đến cùng thì đây bản chất là phiên tòa chính trị với phương pháp xét xử và định tội là : án bỏ túi.

Và vì là phiên tòa chính trị với bản chất như thế, nên kết cuộc phiên tỏa xử ông Đinh với những nhà đấu tranh nhân quyền cơ bản là giống nhau.

Tương tự là vụ xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, điều nổi bật trong xét xử là Tòa và phía Viện kiểm soát liên tục áp tội cho ông Thanh, và người duy nhất bảo vệ ông Thanh là luật sư của ông ấy – Luật sư Nguyễn Văn Quynh. Nhưng dù tỏ ra dân chủ đến bao nhiêu đi chăng nữa, thì ngay trong quá trình xét xử, Luật sư Quynh cũng liên tục bị tòa làm khó bằng cách… ngắt lời, đến mức ông luật sư phải bày tỏ sự phản đối : Hội đồng xét xử ngắt lời nên luật sư mất mạch hỏi, giờ không biết hỏi gì. 

Nếu phiên tòa được đẩy đến mức độ cao trào là ‘tranh luận’ – vốn thiếu hụt trong các phiên tòa hình sự, thì sẽ dẫn đến việc ‘chủ tọa phiên tòa mời luật sư ra ngoài’.

Một bạn đọc và là Luật sư Nguyễn Duy Bình đã phê phán cách ứng xử này trong một phản hồi rằng : Quyền tranh luận và đưa ra các tài liệu, chứng cứ để chứng minh phải được Hội đồng xét xử tôn trọng - tuân thủ pháp luật. Tuy nội quy phiên tòa do Hội đồng xét xử quy định nhưng hành vi tố tụng của Hội đồng xét xử cũng phải tuân theo Bộ luật tố tụng, họ không thể muốn làm gì thì làm, muốn cắt thì cắt, muốn đuổi thì đuổi.

Đồng tình với quan điểm đó, bạn đọc Duy Kha của báo PLO đã nhấn mạnh : Lấy quyền Hội đồng xét xử mà đuổi luật sư thì còn gì công lý cho bị cáo nữa. Vai trò của Tòa án phải là vai trò trung tâm trong việc bảo vệ công lý trên cơ sở luật pháp để bảo vệ Pháp luật và bảo vệ quyền lợi của bị cáo tránh oan sai. Thế nhưng Hội đồng xét xử cứ lấn át luật sư bên bị cáo khác gì bênh vực bên công tố ?

Điều đó cho thấy rằng, ngay trong bối cảnh mà tính thượng tôn pháp luật cần được tôn trọng, thì những người cầm cân công lý lại tìm cách xé rào. Họ xé rào bởi đơn giản đó là án bỏ túi, là án chính trị, là án xét xử cho có !

72 năm tòa án thiếu vắng công lý ?

Năm 2017, giới truyền thông đưa tin, Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh áp dụng mô hình xét xử mới theo Thông tư số 01/2017/TT-TANDTC quy định về phòng xử án, theo đó luật sư ngồi ngang hàng với đại diện Viện kiểm sát. Vậy là sau 72 năm – kể từ thời điểm Sắc lệnh số 33C (13.09.2945) thành lập 9 Tòa án nhân dân đầu tiên thuộc thể chế xã hội chủ nghĩa, nguyên tắc bình đẳng giữa bên buộc tội và bên gỡ tội đã được thực hiện về mặt… hình thức (vị trí chỗ ngồi) !

Và vì cải thiện được chỗ ngồi, nên câu hỏi đặt ra : trong 72 năm vừa qua, có bao nhiêu vụ án là ‘Xử đúng kẻ phạm tội, xử đúng tội trạng, xử đúng pháp luật, xử đúng lúc’ như lời tổng kết Hội nghị ngành tòa án năm 1979 của ông Thủ tướng Thủ tướng Phạm Văn Đồng ? Và có phải vì tính hình thức của luật sư mới được xác lập, nên đây là nguyên nhân dẫn đến oan sai và bỏ túi ? Làm biến dạng nghiêm trọng cán cân công lý trong ngành tư pháp Việt Nam ?

Chỉ biết, thế kỷ XXI, án chính trị hay những vụ án được chỉ đạo, nó không khác gì phiên bản của tòa án xử nhóm Lộc Vàng vào những năm thuộc thế kỷ XX. Cái tòa án mà theo nhạc sĩ Tô Hải trong Hồi ký một thằng hèn đã bày tỏ, suốt phiên tòa năm ấy, Chánh án chỉ sử dụng cụm câu : ‘Im miệng ! Đồ ngoan cố’ để cắt lời người bị buộc tội. Không hề có ai bào chữa.

Nay thì khác hơn, có người bào chữa, nhưng đối với cựu quan chức thì Hội đồng xét xử ngắt lời, đe dọa đuổi ra ngoài. Còn đối với những nhà bất động chính kiến thì Hội đồng xét xử mang tính tượng trưng, thậm chí nếu luật sư càng bầu chữa thì số án càng tăng nặng. Nguyên do từ đâu ? Lấy ví dụ Điều 258, trong bài viết trên BBC Việt ngữ, Luật sư Đặng Đinh Mạnh thừa nhận, nếu thân chủ bị truy tố với tội danh theo Điều 258, thì chưa luật sư nào bào chữa thành công cả. Không phải Điều 258 nó kỳ diệu đến mức đổi trắng thành đen, hay vì luật sư kém cỏi, mà vì ‘ngành tư pháp xứ sở này vận hành theo cung cách như vậy’.

Do đó, tại phiên tòa chính trị, án là án chết, nghĩa là... cãi kiểu gì cũng chết !

Trong phiên tòa chính trị vì thế chỉ đáng chú ý ở 2 điểm, một là lột tả sự bẻ cong cán cân công lý của Hội đồng xét xử, hai là thể hiện nhân cách và sự bản lĩnh của bị cáo qua lời nói sau cùng của họ.

Nếu Trịnh Xuân Thanh gửi ý ngầm qua Đức rằng mình không phải ‘đầu thú’ qua câu nói tưởng chừng như vô thưởng, vô phạt là ‘sau khi bản án có hiệu lực, bị cáo muốn sang Đức thăm vợ con, nếu có chết thì cũng trong vòng tay vợ con’, thì những nhà đấu tranh dân chủ dõng dạc với lựa chọn con đường mà mình theo, như cách Mẹ Nấm tuyên bố tại tòa : Nếu cho tôi làm lại từ đầu, tôi vẫn đi con đường này.

Ánh Liên

Nguồn : VNTB, 28/02/2018

Published in Diễn đàn

Vừa qua, từ một phiên tòa mà bị cáo là một nhân vật có tiếng trong ngành giải trí Việt Nam, dư luận bàn tán khá nhiều về "quyền im lặng của bị can, bị cáo", một điều luật chính thức có hiệu lực trong Bộ luật tố tụng Hình sự 2015 từ ngày 1 tháng 7 năm 2016.

quyen1

Một phiên tòa chính trị tại Thành phố Hồ Chí Minh trước đây (ảnh minh họa). AFP

Cũng cùng thời điểm đó có phiên tòa chính trị xử blogger Mẹ Nấm - Nguyễn Ngọc Như Quỳnh diễn ra nhanh chóng với bản án 10 năm tù. Từ đó, một vấn đề được đặt ra, "quyền im lặng" được thực hiện như thế nào trong các phiên tòa khác nhau, đặc biệt đối với các phiên tòa chính trị ?

Tồn tại gián tiếp

Theo cách phân tích của luật sư, cũng là cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân, quyền im lặng vốn đã từng có trong luật tố tụng cũ, nhưng ở một vị trí ông gọi là ‘tiềm ẩn".

"Nó không nêu ra một cách cụ thể nhưng luật tố tụng cũ nói như thế này : đương sự có quyền nhưng không buộc nói về hành vi phạm tội của mình. Tức là trong đó có bao gồm cả quyền im lặng, mình được quyền nói về nó nhưng không buộc phải nói. Trong luật mới, họ đưa ra 1 cái cho dễ hiểu và đơn giản hơn, người ta dùng từ là ‘có quyền im lặng’"

Cụ thể, khoản 3 Điều 309 cho phép tại phiên tòa, trong giai đoạn xét hỏi nếu bị cáo không trả lời các câu hỏi thì Hội đồng xét xử, Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự tiếp tục hỏi những người khác và xem xét vật chứng, tài liệu có liên quan đến vụ án.

Nhớ lại thời điểm khi "quyền im lặng" theo pháp luật Việt Nam chính thức được thực hiện vào 1 tháng 7 năm 2016, dư luận và cộng đồng mạng xã hội từng đưa ra những ý kiến tích cực, trong đó có cả sự hy vọng về các trường hợp bị giam giữ, hoặc các phiên tòa liên quan đến các nhà hoạt động dân chủ, bất đồng chính kiến, có thể áp dụng quyền hạn này.

Thế nhưng, từ đó đến nay, rất nhiều những bản án được tuyên, mà bị cáo trong phiên tòa đó phần lớn bị cáo buộc tội "Lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân" theo điều 258 Bộ luật hình sự Việt Nam, hoặc "Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam", quy định tại điều 88, bộ luật Hình sự… hoàn toàn không thể thực hiện "quyền im lặng" đã qui định trong pháp luật.

Vì không muốn im lặng !

Trả lời câu hỏi này, từ Phú Yên, luật sư Võ An Đôn, người từng bào chữa cho nhiều vụ án dân oan, và gần đây nhất, thân chủ của ông là blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh với bút danh Mẹ Nấm, cho biết.

quyen2

Blogger Mẹ Nấm- Nguyễn Ngọc Như Quỳnh trong phiên xử tại tòa án tỉnh Khánh Hòa vào ngày 29/06/2017. AFP

"Các phiên tòa đều có quyền sử dụng quyền im lặng của mình, nghĩa là người ta không trả lời hội đồng xét xử, có quyền từ chối, nhưng các phiên tòa chính trị thì không bao giờ có trường hợp đó, vì người ta có 1 quan điểm trái ngược với chính quyền, người ta muốn trình bày. Bởi vì chính quyền kết án họ, thì họ phải nói ra chứ không ai im lặng".

Theo luật sư Võ An Đôn, chính vì cáo trạng của người bị cáo buộc phạm tội theo điều 258, hoặc điều 88 bị đưa ra từ quan điểm trái ngược của họ đối với nhà nước, cho nên họ phải trình bày nguyên nhân vì sao. Có những lúc, chính họ là luật sư cho chính mình.

"Người bị kết án trình bày hết tâm tư của họ. Họ nói rất hay, rất ý nghĩa, nhưng không ai được nghe, bên ngoài thì không ai được vào.

Khi xử những vụ án chính trị thì không cho ai lạ vào, ngoài luật sư, hội đồng xét xử, với lực lượng an ninh. Không cho đem máy móc gì vào vì sợ ghi âm những nội dung đó mang ra ngoài thì rất nguy hiểm".

Càng im lặng, càng dễ tuyên án

Khi "quyền im lặng" đã được luật định và trở thành quyền của bất kỳ một bị can bị cáo nào, thì việc sử dụng quyền im lặng có được xem là quyền lợi hoặc một vũ khí nhằm bảo vệ họ trước tòa án hay không ? Câu trả lời của luật sư Lê Quốc Quân là "không", vì theo ông, khi không nói, việc tuyên án càng dễ dàng hơn.

"Im lặng thì dễ làm cho tòa và viện kiểm sát coi đó là cái đúng đắn, từ xưa giờ vẫn vậy. Nó chưa bao giờ được coi là một chế định tranh tụng trong tòa án ở Việt Nam".

Tranh tụng, theo luật sư Lê Quốc Quân giải thích, là hai bên đáp đi đáp lại. hoặc trong trường hợp im lặng thì bị can bị cáo phải làm sao đó để tòa án hiểu đúng sự việc. Nhưng, cũng theo ông, ở Việt Nam, cáo buộc của Viện kiểm sát gần như là cáo buộc chính thống và tòa án sẽ dựa vào đó để tuyên án, đặc biệt là với những vụ án chính trị.

"Nếu im lặng như thế thì đối với những vụ án chính trị, họ càng tuyên nặng hơn, và mọi người càng cảm thấy những cáo buộc của Viện kiểm sát là hợp lý, là đúng đắn".

Cũng bày tỏ sự đồng thuận với ý kiến này, luật sư Võ An Đôn còn nói thêm không phải chỉ riêng đối với những vụ án chính trị, mà ngay cả những vụ án dân sự cũng không ngoại lệ.

"Im lặng không nói gì, người ta càng kết án mạnh hơn vì người ta nói thay đổi chứng cứ".

Tùy phiên tòa, thẩm phán và Viện kiểm sát

 "Quyền im lặng" mặc dù được qui định trong pháp luật, nhưng quyền đó có được bị cáo sử dụng triệt để và hiệu quả hay không, còn tuỳ thuộc vào Viện kiểm sát, thẩm phán và đặc biệt là thể loại của phiên tòa, đó là nhận định của luật sư Lê Quốc Quân.

Nhắc đến hai phiên tòa cùng diễn ra ngày 29 tháng 6, đó là phiên tòa xử blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và phiên tòa của cô hoa hậu Trương Hồ Phương Nga, với hai kết quả bản án hoàn toàn khác nhau, luật sư Lê Quốc Quân muốn minh chứng cho điều vừa nói.

"Cô ấy (Phương Nga) sử dụng quyền im lặng là im lặng với Viện kiểm sát, tức cô không thèm nói, vì tôi không tin, ông nói gì nói, tôi không trả lời, ông hỏi gì hỏi tôi không trả lời vì tôi không tin. Còn lại cô vẫn trả lời tòa, trả lời luật sư để chứng minh sự vô tội của cô.

Thế còn những vụ chính trị 258, 88, 79 như Mẹ Nấm thì bản thân luật sư nêu ra nhưng Viện kiểm sát không tranh luận. Luật sư Luân đưa ra 5 điểm chứng minh rằng Viện kiểm sát đã sai, truy tố không đúng, nhưng Viện kiểm sát chỉ đứng dậy nói chúng tôi không tranh luận với luật sư, chúng tôi giữ nguyên quan điểm của mình. Cũng giống như vụ án của tôi".

Qua phiên tòa của blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, qua ý kiến của các luật sư, có thể thấy được quyền im lặng tuy hiện hữu trong luật pháp Việt Nam, thế nhưng tác dụng của quyền ấy dường như vẫn còn rất xa trong qui trình tố tụng của Việt Nam. Thêm vào đó, để nhìn và đánh giá vấn đề theo góc độ chuyên môn, luật sư, cựu tù nhân lương tâm Lê Quốc Quân cho rằng vẻ đẹp của tranh tụng ở tại tòa án là hai bên đi kiếm tìm công lý, để tranh luận một vấn đề và để đi tìm sự thật của vụ án thì điều đó không có được ở các vụ án chính trị ở Việt Nam.

Cát Linh, phóng viên RFA

Nguồn : RFA, 03/07/2017

Published in Diễn đàn