Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Người nổi tiếng mà "lệch chuẩn" sẽ bị hạn chế xuất hiện để tránh gây ảnh hưởng tiêu cực tới giới trẻ ; nghệ sĩ "vi phạm pháp luật và vi phạm thuần phong mỹ tục sẽ bị cấm sóng, cấm diễn"… là những yêu cầu của người đứng đầu Bộ Thông tin và truyền thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng.

nghesi1

Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng trong một đêm trình diễn với trang phục và các vật trang trí cài áo

Phong sát nghệ sĩ được hiểu là các nghệ sĩ bị cấm sóng, cấm mạng, cấm diễn nhằm mục đích hạn chế ảnh hưởng của họ trên mạng xã hội. Và Việt Nam được cho là đang có khuynh hướng sao chép cách làm này của Trung Quốc nhưng với một tên gọi khác.

Trong cuộc họp báo cuối năm 2022, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, phàn nàn rằng các chế tài ở thời điểm đó (phạt tiền từ 5 đến 15 triệu) là "chưa đủ sức răn đe" đối với người nổi tiếng.

Chỉ ba tháng sau, tháng 3/2023, Bộ Thông tin và truyền thông ban hành Quyết định số 512, được mô tả là một kế hoạch hành động nhằm thực hiện chiến lược phát triển lĩnh vực phát thanh, truyền hình, và thông tin điện tử trong giai đoạn tới năm 2025.

Trao đổi với báo chí Nhà nước sau đó, vị quan chức với cái tên Tự Do, giải thích rằng tại Việt Nam, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch và Bộ Thông tin và truyền thông thống nhất không dùng từ "phong sát" hay "cấm" mà dùng cụm từ "hạn chế hình ảnh", "hạn chế phát sóng". Theo đó, từ tháng 10 năm 2023, những nghệ sĩ ; người nổi tiếng trên mạng và những người có sức ảnh hưởng (KOLs) có hành vi vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục sẽ bị hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo.

Mục đích của việc ban hành chính sách trên, theo đại diện của Bộ Thông tin và truyền thông, nhằm "răn đe" giới nghệ sĩ.
Báo chí trong nước sau đó đã đồng loạt tuyên truyền hưởng ứng chính sách mới.

Đơn cử, chỉ hơn hai tuần sau khi Quyết định 512 được ban hành, Kênh 14, một trang tin giải trí được đông đảo giới trẻ trong nước theo dõi, đã cho đăng bài "Vụ cấm sóng, cấm diễn với nghệ sĩ vi phạm pháp luật : Lệnh phong sát là đúng".

Ở Trung Quốc, các nghệ sĩ bị quản lý bởi bộ ‘Quy tắc ứng xử dành cho các nghệ sĩ biểu diễn’, do Hiệp hội Biểu diễn Nghệ thuật Trung Quốc (CAPA) ban hành vào tháng 2/2021, có hiệu lực đầu tháng 3 cùng năm.

Quy tắc ứng xử trên quy định 15 hành vi bị cấm, chứa đựng những cụm từ như "gây nguy hiểm cho đoàn kết dân tộc", "làm tổn hại đến danh dự và lợi ích quốc gia", "phá hoại đoàn kết dân tộc", "vi phạm đạo đức, luân lý, trật tự công cộng hoặc thuần phong mỹ tục, gây ra tác động tiêu cực nghiêm trọng đến xã hội".

Có thể thấy từ ngữ được sử dụng trong các văn bản và phát ngôn của phía Trung Quốc và Việt Nam trùng hợp đáng ngạc nhiên.

Văn Bút Hoa Kỳ (PEN America) nhận định, những cụm từ như vậy thường được chính phủ viện dẫn để chống lại những người bất đồng chính kiến hoặc những người chỉ trích khác, bao gồm cả việc hỗ trợ các cáo buộc hình sự chống lại họ.

Theo tác giả Suzanne Cords trong bài viết "Quy tắc ứng xử mới của Trung Quốc dành cho nghệ sĩ" trên tạp chí Deutsche Welle của Đức hôm 8/3/2021, các quy tắc này ảnh hưởng đến toàn bộ ngành công nghiệp giải trí, từ diễn viên, ca sĩ đến ảo thuật gia, diễn viên hài và thậm chí cả nghệ sĩ nhào lộn bởi "phải yêu Đảng và các nguyên tắc của Đảng ; phải phục vụ nhân dân và chủ nghĩa xã hội".

Bài viết dẫn lời Giáo sư Alpermann, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Đại học Julius Maximilian nhận định, không chỉ nghệ sĩ mà cả các doanh nhân, học giả hay những người mà Đảng coi là có khả năng gây nguy hiểm bởi sức ảnh hưởng cũng như lượng fan hâm mộ khổng lồ, đều là mục tiêu của các chiến dịch trừng phạt như thế.

Một nghệ sĩ Trung Quốc bị ‘phong sát’ ngay sau khi văn bản được CAPA ban hành là ngôi sao Ngô Diệc Phàm. Báo chí bắt đầu nói tới vụ bê bối tình dục của nghệ sĩ này và cuối tháng 7/2021, thần tượng của giới trẻ này chính thức bị tạm giam để điều tra, cấm mọi hoạt động nghệ thuật và không được xuất hiện trên các phương tiện truyền thông. Tháng 6/2022 Ngô Diệc Phàm ra hầu tòa nhưng phiên tòa được xử kín. Đến tháng 11, tòa án mới công khai bản án dành cho Ngô Diệc Phàm là 13 năm tù.

Ngoài Ngô Diệc Phàm, một nam tài tử trẻ của Trung Quốc là Trương Triết Hạn cũng bị phong sát, mất trắng sự nghiệp vì bị khui ra những hình ảnh nhạy cảm liên quan đến lịch sử, chính trị. Nữ nghệ sĩ thì có Triệu Vy. Tên cô bị xóa khỏi danh sách diễn viên những bộ phim cô đóng vai chính, được khán giả Việt Nam biết đến như Hoàn Châu Cách Cách, Tân Dòng sông ly biệt, Mẹ hổ bố mèo.

Nghệ sĩ bị phong sát vì ứng xử lệch chuẩn hay ý thức chính trị kém đã xảy ra ở Trung Quốc, và Việt Nam bị cho là đang bắt chước Trung Quốc với những quyết định do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng ký, dù không chính thức dùng từ ‘phong sát’.

Kể từ đầu tháng 10/2023, Bộ Thông tin và truyền thông và Bộ Văn hóa thể thao và du lịch đã phối hợp với từng địa phương để xây dựng "danh sách trắng" và "danh sách đen" đối với giới nghệ sĩ, người nổi tiếng có hoạt động quảng cáo và phát ngôn trên không gian mạng xã hội.

Ngọc Trinh, người mẫu áo tắm nổi tiếng sở hữu lượng fan lên đến cả triệu người trên mạng xã hội, trở thành nạn nhân đầu tiên của chính sách mới.

Người mẫu này bị bắt tạm giam vào ngày 19/10/2023, dưới cáo buộc "gây rối trật tự công cộng" vì lái xe mô tô phân khối lớn khi chưa có bằng lái. Phía công an giải thích rằng do Ngọc Trinh là người nổi tiếng, có hàng triệu người theo dõi, nên những video mà cô đăng tải trên mạng xã hội đã tạo ra "ảnh hưởng tiêu cực đến nhận thức, lối sống và văn hóa ứng xử của giới trẻ".

Cô này sau đó bị tuyên án một năm tù treo trong một phiên tòa thu hút đông đảo báo giới hồi tháng 2/2024.

Nạn nhân tiếp theo của chính sách mới là ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, ca sĩ này bị xử phạt hành chính số tiền 27,5 triệu đồng và bị cấm biểu diễn trong vòng 9 tháng do mặc đồ gắn huy hiệu bị cáo buộc giống huân chương thời Việt Nam Cộng Hòa trong một đêm diễn trực tiếp. Mặc cho trên thực tế, những biểu tượng đó không hề liên quan đến chế độ cũ.

Quyết định xử phạt do bà Trần Thị Diệu Thúy - Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh ký nêu lý do : "Đàm Vĩnh Hưng biểu diễn nghệ thuật sử dụng trang phục, từ ngữ, âm thanh, hình ảnh, động tác, phương tiện biểu đạt, hình thức biểu diễn hành vi trái với thuần phong, mỹ tục của dân tộc ; tác động tiêu cực đến đạo đức, sức khỏe cộng đồng và tâm lý xã hội".

Có ý kiến cho rằng, một chế độ độc đảng luôn sợ những người có sức ảnh hưởng lớn, có nhiều fan hâm mộ. Nghệ sĩ nổi tiếng là những người có tố chất đó. Hình ảnh, lời nói của những nghệ sĩ nổi tiếng có ảnh hưởng rất mạnh mẽ đối với công chúng, có thể ảnh hưởng đến suy nghĩ và cảm xúc của cộng đồng. Do đó, nếu một nghệ sĩ không "đồng hành cùng dân tộc và sự nghiệp đổi mới của Đảng ; tiếp tục phát huy truyền thống cách mạng vẻ vang" theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra thì sẽ bị ‘phong sát’.

Nhà văn Võ Thị Hảo từng nói với RFA rằng, các nghị quyết và chủ trương của Đảng không có gì ngoài việc hạn chế tự do sáng tác, tự do ngôn luận của văn nghệ sĩ, cũng như của người dân Việt Nam. Theo nhà văn này, điều kiện tiên quyết của một nghệ sĩ là phải có tinh thần khai sáng, lòng tự trọng, chính trực, sự quan tâm đến cộng đồng và đất nước. Việt Nam còn quá ít.

Trong bài viết "Kiểm duyệt và nghệ thuật" được đăng trên tạp chí National Art Education Association, tác giả cho rằng, một số nhà lãnh đạo đang cố gắng kiểm duyệt các tác phẩm nghệ thuật xuất phát từ quan điểm phải làm thế để bảo vệ chế độ và gìn giữ những khuôn phép đạo đức. Và tác hại của chính sách này, theo tác giả, sẽ hạn chế sự đa dạng và bóp nghẹt tự do sáng tạo.

Tại Việt Nam, việc phong sát nghệ sĩ, hay nói cách khác là "hạn chế hình ảnh", "hạn chế phát sóng" các chương trình của họ rất có thể sẽ dẫn đến một thế hệ nghệ sĩ không dám sáng tạo ; một thế hệ nghệ sĩ chỉ biết sáng tác và biểu diễn theo chỉ thị của Đảng. Điều này cũng đi ngược lại với chủ trương của Tổng bí thư Tô Lâm mới đây là dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm".

Diễm Thi

Nguồn : RFA, 31/10/2024

Additional Info

  • Author Diễm Thi
Published in Diễn đàn