Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Sẽ có phố Phạm Toàn, trường Đại học Hoàng Tụy và đường Nguyễn Thanh Giang

Phạm Đình Trọng, 19/07/2019

Liền hai tháng giữa năm 2019 đất nước ta, nhân dân ta mất đi ba nhà văn hóa tên tuổi, ba tâm hồn lớn. Cuối tháng sáu, ngày 26, mất nhà văn, nhà khoa học giáo dục Phạm Toàn. Giữa tháng bảy, ngày 14, mất nhà toán học Hoàng Tụy. Cuối tháng bảy, ngày 28, mất nhà khoa học địa chất, nhà khoa học chính trị và nhà thơ Nguyễn Thanh Giang.

ntg0

Nguyễn Thanh Giang, một tên tuổi đi vào ký ức tập thể

Là nhà văn hóa, nhà khoa học đích thực nên Phạm Toàn, Hoàng Tụy, Nguyễn Thanh Giang cùng những trí tuệ lớn, những tâm hồn đẹp của tinh hoa Việt Nam như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Hoàng Minh Chính, Hà Sỹ Phu, Nguyễn Gia Kiểng,... còn là những nhà tư tưởng khai sáng cho nhân dân trong tăm tối của thống trị cộng sản.

Đã có nhiều bài viết chân thực, xúc động của nhiều trí thức, nhiều tên tuổi về tài năng, trí tuệ và nhân cách Phạm Toàn, Hoàng Tụy. Không tiếp cận được đầy đủ trí tuệ và những đóng góp to lớn của nhà văn hóa Phạm Toàn đã mang lại triết lí giáo dục đúng đắn và sức sống mới cho nền giáo dục nước nhà đang suy vi, tôi cũng có hai bài viết về con người nghệ sĩ Phạm Toàn.

Mười lăm năm trước, lí tưởng dân chủ đưa tôi đến gặp Tổng biên tập tờ đặc san Tổ Quốc Nguyễn Thanh Giang. Từ đó tôi có nhiều kỉ niệm, có thêm hiểu biết về một tài năng quí, một nhân cách đẹp để tôi càng gần gũi, yêu quí Nguyễn Thanh Giang như một người anh. Tôi không thể không viết về người anh thân yêu đó. Nhưng tôi không thể dứt ra khỏi mạch tư duy của một bài viết đang dang dở.

Để món nợ bài viết về anh Nguyễn Thanh Giang trong tim nhưng tôi phải thưa ngay rằng trên đất nước thân yêu của chúng ta, nhiều công trình, cơ sở văn hóa, nhiều vùng đất, nhiều đường phố đang phải mang những cái tên đen tối, những cái tên đọc lên phải rùng mình ghê sợ. Trong khi chúng ta có nhiều tên tuổi sáng đẹp lại không được người đời ghi nhớ.

Những người mang thảm họa cộng sản về tàn phá đất nước, li tán dân tộc, giết hại người dân Việt Nam đã trở thành những nhà lãnh đạo đất nước độc tài gây nên một thời đẫm máu bạo lực chuyên chính vô sản. Những kẻ cuồng tín giáo điều, hôn mê hận thù giai cấp, say máu chuyên chính vô sản đã mang thuốc nổ gài vào giữa cuộc sống bình yên của thành phố nhộn nhịp đông vui đã được nhà nước chuyên chính vô sản tôn phong là những anh hùng. Tên những nhà lãnh đạo độc tài và tên những anh hùng khủng bố đã trở thành tên gọi nhiều nơi chốn trên đất nước Việt Nam hôm nay. Những cái tên mang nợ máu với dân, là tội đồ của lịch sử Việt Nam sẽ được lịch sử công bằng và nghiêm khắc phán xét, sẽ bị đời đời lên án phải bị loại bỏ khỏi đời sống văn hóa đất nước để thay bằng những tên tuổi là niềm tự hào của tâm hồn, trí tuệ và khí phách Việt Nam như Trần Độ, Nguyễn Kiến Giang, Nguyễn Hộ, Trần Lâm, Lê Hiếu Đằng, Hạ Đình Nguyên...

Vì vậy sẽ có phố Phạm Toàn, trường đại học Hoàng Tụy và đường Nguyễn Thanh Giang. Và đường Nguyễn Thanh Giang chính là đường Trung Văn thuộc Từ Liêm, Hà Nội hiện nay, nơi có nhà số sáu khu tập thể Địa Vật Lý, nơi nhà khoa học Nguyễn Thanh Giang đã sống những năm tháng sôi động đầy ý nghiã và đã viết để lại cho mai sau những tác phẩm mang dấu ấn tài năng của tâm hồn và trí tuệ Nguyễn Thanh Giang : Nhân quyền và Dân chủ ở Việt Nam, Suy tư và ước vọng, Giữa Đông Và Tây, Sứ mệnh Công dân, Những mẫu quặng dọc đường, Đêm dày lấp lánh, Người đội số phận.

Phạm Đình Trọng

(29/07/2019)

*******************

Nén hương trầm cho sự ra đi của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang

An Viên, VNTB, 29/07/2019

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang hãy yên nghỉ ! Ông đã cống hiến hết sức mình cho dân tộc Việt Nam !

Đó là nỗi buồn lớn khi biết được tin, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tạ thế vào lúc 4 giờ sáng, Chủ Nhật, 28/07/2019, thọ 84 tuổi.

ntg1

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang tạ thế vào lúc 4 giờ sáng, Chủ Nhật, 28/07/2019, thọ 84 tuổi.

Thật vậy, ông là một nhà địa vật lý tài giỏi, một người trung thành với công lý và nhân phẩm, người kiên trì chống lại bất công và sự độc tài, người đi đầu trong phong trào đấu tranh dân chủ, người bảo vệ nhân quyền không mệt mỏi.

Người viết đã từng cảm thấy rất vui và vinh dự khi được gặp riêng ông, và lắng nghe những quan điểm sâu sắc của ông về lịch sử kinh tế - chính trị Việt Nam, cũng như xu hướng dân chủ và độc tài. Bởi theo ông, bất chấp sự hỗn loạn và độc tài sau năm 1975, và những siết chặt với xã hội dân, ông vẫn lạc quan và vững tin rằng, một ngày nào đó, Việt Nam sẽ trở nên dân chủ. Đó không phải là tiến trình 1 năm hay 10 năm, mà nó có thể kéo dài hơn thế. Nhưng dù sao, Việt Nam cũng sẽ dân chủ như một sự tất yếu của quy luật phát triển.

Ông là một trong số ít những nhà trí thức tại Việt Nam thức tỉnh từ sớm, từ thời điểm những tưởng đất nước sẽ "cởi mở tư tưởng" sau những tuyên bố của Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, và ông đã có chuyến đi vận động dân chủ trong lần đi dự hội thảo khoa học quốc tế về khoa địa chất do Viện địa chất Mỹ tổ chức. Tác phẩm "Đông hay Tây" cũng đặt ra quan điểm công khai, rõ ràng liên quan đến rời Trung Quốc và tiến thân với Mỹ.

"Muốn bảo vệ độc lập thì tay phải phải nắm lấy Hoa Kỳ, chỉ khi đó trong tay trái mới có bàn tay của Trung Quốc yên bình được".

Quan điểm "thân Mỹ" để yên bình với Trung Quốc ngày càng chứng minh được tính xác đáng mang tính tầm nhìn dài hạn của ông, trong bối cảnh Biển Đông ngày càng dậy sóng dữ.

Trong nhiều năm, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã làm việc chăm chỉ để thúc đẩy dân chủ, đấu tranh cho nhân quyền. Ông là nguồn cảm hứng cho nhiều người, ông đã mở ra những cánh cửa cho những người có nền tảng khác nhau làm việc cùng nhau.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang cũng là người đồng hành với trang tin điện tử "lề phải" đầu tiên, với tên gọi Tổ Quốc (sau này ông tiếp tục tham gia Hội nhà báo độc lập Việt Nam với tư cách là Hội viên). Và cùng với Trung tướng Trần Độ, giáo sư Đoàn Viết Hoạt, bác sĩ Nguyễn Đan Quế, Linh mục Nguyễn Văn Lý,… Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã trở thành một trong những viên gạch lót đường, cổ vũ và thúc đẩy dân chủ tại Việt Nam, sau năm 1975.

Chính nhờ phẩm giá và nhận thức dân chủ hóa của những người như vậy, mà Việt Nam vẫn còn tồn tại nhân phẩm. Chính những người như Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang đã trao lại cho thế hệ sau hy vọng, khả năng suy nghĩ độc lập, và sự dấn thân không mệt mỏi. Và bằng cách "chiến đấu" cho quá trình dân chủ hóa, ông cùng những người đồng chí hướng đã mở cánh cửa tương lai cho thế hệ về sau này, trong bối cảnh, Hà Nội vẫn tìm mọi cách hạn chế các quyền tự do với hy vọng duy trì quyền lực bằng cách sử dụng các phương pháp độc tài.

Công bình và nhân phẩm cho người dân là một tiến trình khó khăn, nhưng quy luật sẽ đi lên. Hai bước về phía trước, một bước lùi. Đôi khi một bước trước và hai bước lùi. Công bình và nhân phẩm, hay nhân quyền và dân chủ không phải là loại công việc được thực hiện trong một bối cảnh thuận lợi, mà nơi đó luôn tồn tại mọi sự đe dọa từ lời nói, hành vi cho đến cả sự sống. Thế nhưng, phong trào sẽ vẫn mở rộng, với những nhà hoạt động không lùi bước. Những người đã tiếp nối thế hệ của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, chiến đấu, hoặc ít nhất là để giữ ngọn đuốc chiến đấu dân chủ trong mình.

"Rất buồn trước tin bác Giang qua đời. Chúng ta đã đánh mất một người cổ súy dân chủ kiên định. Xin cầu mong hương hồn ông được yên nghỉ !", Facebooker Lâm Chi bày tỏ.

"Dân chủ, nhân quyền và phong trào chống lại áp bức đã mất một người lính vĩ đại- Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang. Đó là sự mất mát của mọi người". N.K, một nhà hoạt động xã hội cho hay.

"Ông ấy là nhà hoạt động vì quyền con người và dân chủ cho nhân dân không sợ hãi, người đã truyền cảm hứng cho nhiều người trong và ngoài nước", N.K nói tiếp.

Quan điểm và những tác phẩm của Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang, bằng cách này hay cách khác, được định sẵn để sống mãi mãi, bởi vì, ông là một người yêu nước thực sự, một nhà trí thức thực sự của Việt Nam, và ông đã làm việc vì một tương lai tốt đẹp hơn của đất nước mình trong cả hiện tại lẫn tương lai. Hay, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang có thể vẫn sẽ ở lại với chúng ta, với phong trào dân chủ, và tồn tại trong tâm thức của hàng dài con người, bởi sự sắc sảo, lạc quan không ngừng của ông, và là một người yêu nước thực tâm.

Đôi khi người viết tự hỏi, liệu Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang và những người đồng chí hướng với ông có phải là những nhân vật trong truyện tranh anh hùng ? Không, bởi chính ông, lẫn những người "đồng chí" của ông là những anh hùng đời thực, họ là những người có gia đình và có những nỗi sợ hãi. Nhưng họ đã đặt lại sự sợ hãi sau lưng, tiếp tục tiến về phía trước, để giành quyền tự do phổ quát nhân loại.

Tiến sĩ Nguyễn Thanh Giang là ngọn lửa. Và ông sẽ tiếp tục thắp sáng phong trào dân chủ khi chúng ta nhớ ông ấy. Và di sản của ông không chỉ là một giấc mơ cho những người thân quen, mà dành cho những ai khao khát dân chủ hiện diện.

An Viên

Nguồn : VNTB, 29/07/2019

Published in Diễn đàn