Việt Nam có mạnh miệng khi hứa đến 2050 phát thải sẽ về 0 ?
VOA, 04/11/2021
Lời hứa của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại COP26 rằng Việt Nam sẽ đưa phát thải khí nhà kính về 0 trong vòng 30 năm nữa được thế giới hoan nghênh nhưng có ý kiến bày tỏ nghi ngờ Việt Nam khó lòng đạt được.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đón Thủ tướng Phạm Minh Chính đến dự Hội nghị COP26. (Nguồn : TTXVN)
Trước đó, hôm 1/11, trước các lãnh đạo thế giới tại Hội nghị của các bên về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26 (COP26) đang diễn ra ở Glasgow, Anh, ông Chính đã nêu ra mục tiêu đầy tham vọng này.
"Mặc dù là nước đang phát triển, mới chỉ bắt đầu tiến hành công nghiệp hóa trong hơn ba thập kỷ qua, Việt Nam sẽ xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ hơn nữa bằng nguồn lực của mình, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ, trong đó có thực hiện các cơ chế theo Thỏa thuận Paris, để đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050", ông Chính phát biểu.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Việt Nam cũng kêu gọi các nước phát triển vốn chịu trách nhiệm phần lớn cho lượng khí thải carbon trong quá khứ ‘cần thực hiện đầy đủ các cam cam kết tài chính đã có và khẩn trương đề ra mục tiêu tài chính tham vọng hơn nữa’, theo tường thuật của Tuổi Trẻ.
Mục tiêu phát thải bằng 0 đến năm 2050 của Việt Nam là rất táo bạo, tức là sớm hơn 10 năm so với Ấn Độ và 20 năm so với Trung Quốc, các nước phát thải nhiều thứ ba và nhiều nhất thế giới.
Hoan nghênh nhưng nghi ngờ
Trao đổi với VOA từ Hà Nội, Tiến sỹ Nguyễn Quang A, người từng là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS, cho biết ông ‘hoan nghênh’ mục tiêu này của Việt Nam nhưng bày tỏ nghi ngờ ‘Việt Nam khó lòng làm được’.
"Nếu ông ấy [ông Chính] quyết tâm làm được như thế thì là một điều rất tốt. Tôi chỉ e rằng lời hứa của người ta nhiều khi không được giữ bởi vì hứa là một chuyện còn làm là một chuyện khác", ông A nói.
Ông A dẫn chứng việc Bộ Công thương vừa công bố quy hoạch điện Việt Nam trong đó ưu tiên phát triển điện than – vốn phát thải nhiều carbon – để nói rằng Việt Nam không nghiêm túc trong việc cắt giảm khí gây hiệu ứng nhà kính.
Ông cho rằng ‘chỉ những nước tiên tiến vốn có đủ điều kiện để chuyển đổi sang năng lượng sạch hay năng lượng tái tạo’ thì mới dám hứa mạnh miệng như vậy, trong khi Việt Nam còn là nước đang phát triển vốn cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế trong 30 năm nữa.
Mặc dù khó, nhưng ông cho rằng giảm phát thải về 0 là điều mà Việt Nam cần làm, cho dù có hy sinh tăng trưởng kinh tế.
"Sự phát triển không thể được đánh đổi bằng sức khỏe của người dân", ông A khẳng định và cho rằng Việt Nam ‘không nhất thiết chạy theo tăng trưởng bẩn’.
Phải rất cố gắng
Nhà bất đồng chính kiến này nói để đạt được mục tiêu này, Việt Nam sẽ ‘phải rất cố gắng’.
"Phải cấm hoàn toàn điện than, rồi phải đẩy nhanh phát triển các nguồn năng lượng tái tạo cũng như nhiều biện pháp khác nữa, chẳng hạn như trong sản xuất, chăn nuôi và giao thông vận tải", ông cho biết.
"Khi Việt Nam tự chủ được nhiều điện gió, điện mặt trời rồi thì còn phải sản xuất được thiết bị nạp điện, lưu trữ điện để cho người dân xài", ông nói thêm. "Thời hạn 30 năm là rất khó".
Ông nói ông ủng hộ việc đánh thuế xăng dầu đối với các doanh nghiệp sản xuất vì ‘chỉ như vậy mới buộc họ từ bỏ năng lượng hóa thạch, chuyển đổi công nghệ nếu không sẽ bị phá sản’. Tuy nhiên, đối với đại đa số người dân, vốn quen với việc chạy xe máy bằng xăng, ông nói việc chuyển đổi ‘phải từ từ’ và không nên tăng thuế xăng đối với tiêu dùng cá nhân.
"Phải có sự thay thế cho người dân, chẳng hạn như ô tô điện, xe máy điện", ông nói.
Ông A thừa nhận là đặt mục tiêu phát thải về 0 sớm hơn Trung Quốc hay Ấn Độ sẽ khiến cho Việt Nam gặp bất lợi, nhưng ông cũng nói : "30 năm không quá ngắn. Nếu Việt Nam có quyết tâm thật sự để thay đổi công nghệ, thay đổi cách tư duy, cách làm ăn thì đó có thể là cơ hội rất lớn để Việt Nam phát triển lên".
Việc Việt Nam đưa ra cam kết tham vọng như thế, theo ông A, cũng là một cách để gây sức ép buộc các nước phát triển phải giữ đúng cam kết và tăng thêm tài trợ cũng như chuyển giao công nghệ để giúp cho Việt Nam chuyển đổi.
"Trường hợp Việt Nam không đạt được mục tiêu thì có thể đổ lỗi là tại vì ‘quý vị không chịu giúp gì cả hoặc là giúp quá ít", ông A phỏng đoán.
Tổng thống Biden hoan nghênh
Cam kết của ông Chính tại COP26 đã nhận được sự ‘đánh giá cao’ của Tổng thống Mỹ Joe Biden tại cuộc gặp gỡ chào hỏi bên lề giữa hai nhà lãnh đạo, theo tường thuật của báo chí trong nước.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí về việc hợp tác tài chính-công nghệ giữa hai nước để đối phó với các vấn đề khí hậu, và hoan nghênh các công ty Mỹ tham gia vào việc chuyển đổi xanh tại Việt Nam, theo tường thuật của Thanh Niên.
Ông Gareth Ward, đại sứ Anh tại Việt Nam, trả lời báo Tuổi Trẻ rằng mục tiêu mà ông Chính nêu ra tại hội nghị là ‘bước tiến thực sự tham vọng của Việt Nam và ‘đóng góp lớn’ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của thế giới. Ông nói nước Anh sẽ hỗ trợ Việt Nam thực hiện mục tiêu này.
Việt Nam là một trong những nước bị tổn thương nhiều nhất trước tình trạng biến đổi khí hậu và nước biển dâng cũng như là một trong những nước phát thải khí nhà kính nhiều nhất thế giới (xếp thứ 21 thế giới và thứ 2 ASEAN), ông Phạm Văn Tấn, Phó Cục trưởng Cục Biến đổi khí hậu, trưởng đoàn đàm phán về Biến đổi khí hậu của Việt Nam, nói với Trang báo điện tử Chính phủ về mục tiêu của phái đoàn Việt Nam tại COP26 trước khi hội nghị diễn ra.
Hiệp định Paris, được ký kết vào năm 2015, đặt mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ trung bình toàn cầu không quá 1,5°C so với giai đoạn tiền công nghiệp để nhằm tránh những hậu quả khốc liệt của biến đổi khí hậu.
Các nước Châu Âu như Anh, nước chủ nhà COP26, và Pháp, nước bảo trợ cho Thỏa thuận Paris, cũng đặt mục tiêu nền kinh tế phát thải ròng bằng 0 đến năm 2050, tức là giống như cam kết của Việt Nam. Trong khi đó, Tổng thống Joe Biden nói tại Glasgow rằng Mỹ, nước phát thải nhiều thứ hai thế giới, cam kết giảm lượng phát thải từ 50% đến 52% so với mức 2005 cho đến năm 2030.
Nguồn : VOA, 04/11/2021
*******************
Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu : Những mặt tích cực và hạn chế
Huỳnh Long Vân, Thanh Phương, RFI, 01/11/2021
Là một trong 4 quốc gia gánh chịu những tác hại năng nề nhất của biến đổi khí hậu, tại Hội nghị Thượng đỉnh Paris COP 21, Việt Nam đã cam kết sẽ cắt giảm 8% lượng khí nhà kính phát thải vào năm 2030 so với năm 2005 và có thể giảm đến 25% nếu nhận được sự hỗ trợ hiệu quả từ cộng đồng quốc tế.
Ảnh tư liệu chụp ngày 21/09/2009, tại Sài Gòn, Việt Nam, sau một cơn mưa lớn. Do tác động của biến đổi khí hậu, tình trạng ngập lụt ở các thành phố miền nam ngày càng trầm trọng. ASSOCIATED PRESS - Le Quang Nhat
Nhân dịp hội nghị khí hậu COP26 vừa khai mạc ở Glasgow ngày 31/10/2021, chúng ta hãy tìm hiểu xem các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu của Việt Nam có những mặt tích cực và những hạn chế nào ? Mời quý vị nghe ý kiến của tiến sĩ Huỳnh Long Vân, Nhóm Nghiên cứu Văn Hóa Đồng Nai Cửu Long Úc Châu.
RFI : Xin kính chào ông Huỳnh Long Vân. Trước hết xin ông cho biết là phát triển kinh tế của Việt Nam bị biến đổi khí hậu đe dọa như thế nào ?
Huỳnh Long Vân : Phát triển kinh tế của Việt Nam gắn liền với địa hình đặc biệt của một quốc gia trải dài từ Bắc xuống Nam dọc theo bờ biển dài 3200km với 112 cửa sông. Vùng duyên hải, nơi cư ngụ của hơn 74% dân số, là cột sống của nền kinh tế Việt Nam : 80 % sản xuất kỹ nghệ của Việt Nam tập trung trên vùng đất nhỏ hẹp dọc theo duyên hải từ Hải Phòng đến Thành Phố Hồ Chí Minh. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu ở những vùng đất thấp, đóng góp 24% GDP, 30% hàng xuất khẩu. Riêng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long (Đồng bằng sông Cửu Long) đóng góp 45,8% lượng nông phẩm của toàn quốc và 80% lượng gạo xuất khẩu mỗi năm.
Theo những dự đoán của bộ Tài nguyên và môi trường Việt Nam (MONROE), đến năm 2100, mực nước biển dọc theo bờ biển Việt Nam có thể dâng cao 1m. Nước biển dâng cao, phối hợp với giông bão, sẽ là mối đe dọa nghiêm trọng lên các thành phố vùng duyên hải, các hải cảng, các cơ sở hạ tầng. Ngược lại trong trường hợp hạn hán gay gắt, nước mặn xâm nhập sâu hơn vào nội địa, đặc biệt ở vùng châu thổ Đồng bằng sông Cửu Long.
Theo Phúc trình của Ủy Ban Liên Chính Phủ IPCC (Intergovernmental Panel on Climate Change) 2007 về biến đổi khí hậu, cho thấy khi nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 1,5°C mực nước biển ở Biển Đông sẽ dâng cao khoảng 0,51 - 0,66m vào năm 2100 và như thế sẽ gây ra những tác động như sau :
Trung phần Việt Nam có nhiều dòng sông ngắn bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, chảy ra các vùng đồng bằng duyên hải, nên trong tương lai khi mực nước biển dâng cao 0,5-0,6m và trong trường hợp có mưa to trong nhiều ngày, sẽ có những trận lũ lụt khủng khiếp kéo dài hơn so với hiện tại. Một phần của các khu kinh tế ở châu thổ sông Hồng, Đông Bắc phần (Quảng Ninh), Bắc và Nam Trung phần từ Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế, Đà Nẵng, Khánh Hoà đến Bình Định và ở Đông Nam phần sẽ bị ngập nước vào mùa mưa.
Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, do dòng chảy sông Mekong dao động rất mạnh theo mùa, nên hằng năm bị ngập lụt vào mùa mưa và ngập mặn vào mùa khô Khi nước biển dâng cao 0,5-0,6m tình trạng ngập nước và ngập mặn theo mùa sẽ trầm trọng hơn so với hiện nay.
Tóm lại, dù những mục tiêu của Hiệp định Paris 2015 giới hạn nhiệt độ tăng 1,5°C có đạt được, nước biển vẫn tiếp tục dâng cao 0,51-0,66m vào cuối thế kỷ XXI, đủ để gây ra những tổn thất đáng kể đối với những khu kỹ nghệ tập trung ở vùng duyên hải, cũng như trong canh tác nông ngư nghiệp, gây khó khăn cho cuộc sống của người dân toàn quốc nói chung và Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng.
Phúc trình mới nhất của IPCC vào tháng 8/2021 cho thấy viễn ảnh đen tối hơn về những tác động của biến đổi khí hậu, Trái đất đang trên đà bị hâm nóng thêm 1.5°C, và trong vòng 2 thập niên sẽ chạm ngưỡng 1.5°C, nếu khí nhà kính tiếp tục được phát thải như hiện nay.
RFI : Về kế hoạch cắt giảm khí thải như đã cam kết tại hội nghị COP21, Việt Nam hiện đang tiến hành đến đâu ?
Huỳnh Long Vân : Việt Nam đang trên đà phát triển nhanh chóng, nên nhu cầu năng lượng và lượng khí nhà kính phát thải ngày càng gia tăng. Công nghiệp là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất và đóng góp lớn vào nền kinh tế của Việt Nam. Cho nên, lượng phát thải khí CO2 ra môi trường là rất lớn và con số này đang tiếp tục tăng :
Vào năm 2014, Bộ Tài Nguyên và môi Trường đã báo cáo kết quả kiểm kê khí nhà kính, xác định bốn lĩnh vực phát khí thải chính tại Việt Nam : năng lượng ; nông nghiệp ; sử dụng đất, thay đổi sử dụng đất và lâm nghiệp (Land Use, Land use Change and Forestry-LULUCF) và các khu chế xuất và giao thông vận tải. Ước tính công nghiệp Việt Nam sẽ phát thải 300 triệu tấn CO2 tương đương vào năm 2020 và 520 triệu tấn vào năm 2030.
Mặc dù là một quốc gia đang phát triển, không có nghĩa vụ cắt giảm khí nhà kính, nhưng Việt Nam đã tích cực, nhanh chóng phê chuẩn Nghị định thư Kyoto và tự nguyện tham gia vào kế hoạch "Dự kiến quyết tâm đóng góp của từng quốc gia (Intended National Determined Contribution-INDC). Được sự hỗ trợ của các quốc gia Bắc Âu, Đức, Úc... Việt Nam đã thiết lập 24 phương án để cắt giảm khí nhà kính phát thải.
RFI : Riêng về lĩnh vực năng lượng, Việt Nam đang phát triển các năng lượng tái tạo như thế nào để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu ?
Huỳnh Long Vân : Trong bối cảnh tiềm năng thủy điện lớn cơ bản đã khai thác hết, nhiệt điện than khó thu xếp vốn quốc tế do cam kết chống biến đổi khí hậu toàn cầu, nhiệt điện khí hóa lỏng phụ thuộc vào nguồn nhiên liệu thế giới, cho nên việc phát triển năng lượng tái tạo nói chung được Việt Nam chú trọng.
Ngoài điện gió, điện mặt trời là nguồn năng lượng tái tạo khác được Việt Nam khai thác. Việt Nam có tiềm năng lớn về năng lượng mặt trời, do ở gần xích đạo và tồn tại những vùng khô nắng nhiều, như vùng biên giới Tây Nam Bộ giáp ranh Cam Bốt và các tỉnh nam Trung Bộ. Vì thế, điện mặt trời cũng đang được nhà nước Việt Nam khuyến khích phát triển khi dừng các dự án điện hạt nhân và giảm bớt các nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
RFI : Theo ông đâu là những mặt tích cực của các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu ở Việt Nam ?
Huỳnh Long Vân : Ngoài những phương án cắt giảm khí nhà kính phát thải và phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam còn có thêm hai dự án :
Thứ nhất là dự án hợp tác giữa Viện Dầu khí Việt Nam và Tập đoàn quốc tế Großmann Ingenieur Consult GmbH (GICON®) ứng dụng các công nghệ mới : sử dụng điện gió - khi không được huy động- để sản xuất khí Hydrogen bằng nước biển ; sử dụng công nghệ sinh học và điện giải nước để chuyển hóa sinh khối (Biomass) thành methane sinh học. Đây là điểm rất khích lệ cho thấy Việt Nam bắt đầu nhận ra giá trị về năng lượng và những ứng dụng hữu ích của của khí Hydrogen. Ước mong những dự án về khí Hydrogen Xanh được triển khai rộng rải như, tồn trữ năng lượng Hydrogen dưới dạng Hydrogen pin và chuyên chở Hydrogen dưới dạng một chất liệu tiền-năng lượng (pro-energy substance) đến các trạm phân phối Hydrogen để đáp ứng nhu cầu năng lượng sạch của Việt Nam trong tương lai.
Thứ hai là dự án "Lúa gạo : Nguồn năng lượng xanh", do GIZ Việt Nam và Sanofi Việt Nam, triển khai phát triển nguồn năng lượng sinh khối, chuyển đổi lò hơi sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang sử dụng sinh khối trấu ở nhà máy Sanofi Việt Nam, nhằm giảm lượng chất thải và không khí ô nhiễm.
Ngoài ra, sản phẩm phụ của quá trình đốt cháy trấu là tro trấu. Tro trấu có hàm lượng cao silica chính là nguồn nguyên liệu phụ gia cho các ngành công nghệ gạch ngói, xây cất, phân bón hữu cơ. Tuy nhiên, hiện tại tro trấu vẫn chưa được khai thác và sử dụng hiệu quả. Thông qua dự án này, nhà máy Sanofi Việt Nam sẽ giảm 40% chi phí hơi nước và đặc biệt sẽ sử dụng 100% nguồn năng lượng sinh khối trấu trong sản xuất, góp phần vào sự phát triển bền vững của kinh tế, xã hội và môi trường tại Việt Nam.
RFI : Nhưng bên cạnh đó, còn những lĩnh vực nào mà theo ông, Việt Nam chưa quan tâm đúng mức ?
Huỳnh Long Vân : Trước nhất là về sản xuất nông nghiệp. Quả địa cầu sẽ bị hâm nóng ít nhất là 1,5°C trong thời gian vài thập niên sắp tới, dù lượng khí nhà kính phát thải có được cắt giảm mạnh mẽ hay không và khi đó nước biển sẽ dâng cao thêm 0,51-0,66m. Như thế, tình trạng ngập lụt trong mùa mưa và ngập mặn trong mùa khô của Đồng bằng sông Cửu Long sẽ trầm trọng hơn so với hiện nay, như đã trình bày bên trên. Để tự cứu mình, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam đã phác họa kế hoạch ứng phó, để có đủ nước ngọt dùng cho sinh hoạt, cũng như thiết kế các công trình ngăn mặn, thoát lũ.
Tuy nhiên, Đồng bằng sông Cửu Long không chỉ bị tác động bởi biến đổi khí hậu, mà còn đứng trước những thử thách khác do chính các kế hoạch sản xuất nông ngư nghiệp tạo ra :
Thứ nhất, trong khi nước biển dâng mỗi năm chỉ khoảng 2-3mm, việc khai thác nước ngầm thiếu kiểm soát khiến cho Đồng bằng sông Cửu Long bị sụt lún gấp nhiều lần so với nước biển dâng cao. Thứ hai là việc tiếp tục canh tác lúa vụ 3. Thứ ba là việc chuyển tải nước sông Hậu xuống vùng duyên hải để trồng lúa và nuôi trồng thủy sản nước ngọt/lợ làm trầm trọng thêm tình trạng xâm nhập mặn vào mùa khô.
Những sinh hoạt vừa kể của người dân là do chủ trương thiếu nhất quán của các địa phương, khiến chúng ta không khỏi hoài nghi về hiệu quả của kế hoạch ứng phó ảnh hưởng của nước biển dâng cao do tác động của biến đổi khí hậu mà Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam vạch ra cho Đồng bằng sông Cửu Long.
Rừng đước, ngoài chức năng bảo vệ bờ biển chống sạt lở và giông bão, còn có chức năng hấp thụ khí nhà kính, nhờ phản ứng sinh học quang hợp và tồn trữ carbon dưới dạng than bùn. Đốn rừng đước để lấy đất đào ao nuôi tôm không chỉ làm mất đi 3 chức năng thiên nhiên quý báu đó, mà còn biến các ao nuôi tôm thành các trũng phát thải khí methane.
Không giống như những bãi rác và các đống cỏ mụt rơm rạ, các ao nuôi tôm nằm rải rác khắp nơi, nên việc thu gom khí methane phát thải từ các ao này không thể thực hiện được. Methane phóng thích tồn tại trong bầu khí quyển 100 năm và gây ra hiệu ứng khí nhà kính gấp 28-34 lần so với khí carbonic. Những tác động tiêu cực này phải được nhận thấy, không nên vì cái lợi trước mắt của nuôi trồng loại thủy sản này mà cho phép các quận huyện vùng duyên hải tiếp tục đua nhau gia tăng diện tích ao đầm nuôi tôm.
Còn về việc cắt giảm và thu gom khí nhà kính phát thải, tuy Việt Nam tỏ ra rất tích cực, nhưng vẫn còn một vài lãnh vực chưa được quan tâm đến trong kế hoạch cắt giảm khí nhà kính, như khu công nghệ lọc dầu, sản xuất xi măng, gạch ngói, doanh nghiệp sản xuất ô tô, xe máy, vật liệu xây cất, chế xuất thực phẩm, ở các chung cư, cao ốc, bến cảng, cảng hàng không, v.v.
Ngoài các nhà máy điện than, các nhà máy điện sử dụng dầu cặn, sinh khối và trấu, khí đốt thiên nhiên cũng đều phát khí thải, vì thế Việt Nam cần nghiên cứu phát triển "Công nghệ Thu gom khí nhà kính" có hiệu quả cao. Đây là lãnh vực chưa hề được Việt Nam quan tâm đến.
Có được công nghệ thu gom khí nhà kính phát thải không chỉ đáp ứng mục tiêu net-zero phát thải, nhưng quan trọng hơn nữa là tạo ra điều kiện để tổng hợp sản xuất Methane sinh học (CO2 thu gom + H2 xanh tạo ra từ nguồn điện gió hay điện mặt trời). Nguồn Methane sinh học này sẽ là nhiên liệu cho các nhà máy điện khí của Việt Nam và Việt Nam có được một "Chu Trình Kín" sản xuất điện năng với net-zero phát thải.
Thanh Phương
Nguồn : RFI, 01/11/2021