Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Làm sao để tận dụng các nguồn lực trong xã hội phục vụ cho phát triển ? Từ Hà Nội, luật sư Ngô Ngọc Trai gửi ý kiến cho BBC News Tiếng Việt.

phattrien1

Cờ Việt Nam và cờ búa liềm ở thành phố Nha Trang

Hôm 19/12 tôi có bài viết ‘Việt Nam : Nên giảm số lượng án tử hình về ma túy’, trong đó nêu rằng số lượng án tử hình sẽ là một tiêu chí đánh giá về mức độ nhân văn của nền pháp lý mà từ đó các định chế tài chính và nhà đầu tư quốc tế sẽ cân nhắc trong việc quyết định làm ăn tại Việt Nam.

Việc nằm trong danh mục quốc gia có số lượng án tử hình cao trên thế giới là điều không nên có, làm trở ngại cho những lựa chọn đầu tư nào đấy khiến hạn chế nguồn vốn có thể nhận được.

Sau khi bài viết đăng tải, đến hôm 27/12 thì có thông tin Chủ tịch nước có quyết định ân xá cho 18 án tử hình xuống chung thân. Đây là quyết định ân xá thứ hai của năm 2023, nâng tổng số người được ân xá trong năm lên 28 trường hợp.

Cùng với số lượng được ân xá của năm 2022 là 31 trường hợp, tôi cho rằng đó là những bước tiến tích cực của tiến trình phát triển tư pháp theo hướng thu hẹp, giảm bớt án tử hình.

Khi chứng tỏ được cho thế giới thấy Việt Nam không còn nhiều án tử hình, tôi tin là sẽ có nhiều doanh nghiệp hay tổ chức tài chính vốn coi trọng các giá trị quyền con người sẽ dành nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam.

Khai thông cơ chế

Để đất nước tăng tốc phát triển thì không chỉ cần gia tăng các nguồn lực mà còn cần mở rộng các cơ chế hợp tác để con người làm việc cùng nhau.

Hôm 19 tháng 12, Hiệp hội Khoa học hành chính Việt Nam đã tổ chức một cuộc hội thảo về tổ chức, hoạt động và quản lý hội trong quản trị quốc gia. Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo đã cho rằng cần xây dựng luật về hội.

Về vấn đề này, mấy năm trước khi chứng kiến các hoạt động cứu trợ người dân bị lũ lụt ở miền Trung năm 2020 và các hoạt động hỗ trợ người bị dịch covid 19 những năm sau đó, tôi đã có một số bài viết nêu ý kiến rằng đã đến thời điểm rất cần thiết để có luật về hội.

Tôi cho rằng luật về hội, cũng giống như luật về công ty, sẽ không làm hao mòn gì tới tài sản ngân sách nhà nước, mà chỉ tạo lập cơ chế hành lang pháp lý để con người làm việc chung.

Ngày nay, ít người có thể hình dung về một thời điểm vài chục năm trước, khi chưa có luật về doanh nghiệp. Lúc đấy có rất ít tổ chức tạo cơ chế hoạt động hợp tác của con người để gia tăng giá trị cho xã hội.

Luật về hội, cũng như luật về doanh nghiệp, theo đó sẽ giúp khai phóng tiềm năng con người.

Nếu có luật về hội thì mọi người có thể hình dung là sẽ có thêm hàng ngàn, hàng vạn tổ chức ngày đêm hoạt động để nhân nên các giá trị cho xã hội.

Chắt chiu nguồn lực

Cuối năm 2023, thông tin báo chí đưa tin trong cuộc họp Hội đồng Nhân dân của các tỉnh Bình Thuận và tỉnh Đồng Nai đã có những thảo luận chất vấn về tình trạng giải quyết các vụ án tranh chấp dân sự kéo dài và hối thúc tìm giải pháp tháo gỡ.

Chuyện này làm tôi nghĩ tới vụ án của mình cũng đã kéo dài nhiều năm mà vẫn chưa có được một phiên tòa.

Từ năm 2011, một doanh nghiệp đã ký hợp đồng cung cấp thiết bị ngành điện cho một doanh nghiệp đối tác với giá trị hàng hóa lên tới chục tỷ đồng.

Sau đó xảy ra tranh chấp do đối tác chậm trễ thanh toán, năm 2015, vụ án được khởi kiện ra tòa. Thân chủ của tôi đã đưa ra yêu cầu của mình nhưng tới nay đã 8 năm vẫn chưa được tòa án đưa ra xét xử.

Tôi đã gửi nhiều văn bản kiến nghị tới tòa án quận Bình Thạnh và gửi đơn thư phản ánh tình trạng giải quyết vụ án kéo dài tới nhiều cơ quan nhưng vụ kiện vẫn dậm chân tại chỗ.

Vài tháng trước, báo chí cũng đưa tin về vụ kiện tranh chấp đòi tài sản của một đại gia là Đức An với một người mẫu là Ngọc Thúy.

Vụ án thu hút sự quan tâm của báo chí và dư luận xã hội, trong đó giá trị tài sản tranh chấp gồm nhiều bất động sản khác nhau với tổng giá trị lên tới hơn 200 tỷ đồng.

Điều tôi thấy đáng chú ý trong thông tin về vụ án là vụ tranh chấp cũng đã kéo dài 13 năm, mới đây mới được tòa án Thành phố Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm.

Từ dăm năm trước, tôi đã có nhiều bài báo phản ánh về tình trạng giải quyết án kéo dài không chỉ gây mất thời gian cho đương sự mà còn đưa tới những hệ lụy đối với nền kinh tế.

Tôi phân tích chỉ ra rằng mỗi năm xảy ra không biết bao nhiêu vụ kiện tranh chấp về tài sản, tổng khối tài sản có tranh chấp có thể lên tới hàng tỷ đô la.

phattrien2

Áp phích tuyên truyền trước cổng một trường trung học ở Tây Nguyên nhằm kêu gọi công dân tuân theo pháp luật

Những khối tài sản nếu được giải quyết một cách nhanh chóng sẽ sớm phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, sớm được đưa trở lại vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Sau đó, vì thấy được tính chất quan trọng của vấn đề, tôi đã tập hợp các bài báo lại và triển khai thêm các ý, trở thành nội dung chính của cuốn sách Người bắc cầu Ô Thước, trong đó chỉ ra mối quan hệ giữa nền tư pháp và nền kinh tế.

Nền tư pháp có thể đưa đến giải pháp và cung cấp nguồn lực cho phát triển kinh tế bằng cách giải quyết khẩn trương có hiệu quả các tranh chấp về tài sản.

Đến nay thông tin về cuộc họp tại Hội đồng Nhân dân các tỉnh Bình Thuận, Đồng Nai đã cho thấy những nội dung bàn luận trúng và đúng với các vấn đề thực tế đang xảy ra.

Có thể hình dung là tình trạng này còn tồn tại ở nhiều tỉnh thành khác trên cả nước. Rất nhiều vụ án bị giải quyết với quãng thời gian vượt quá quy định về thời hạn của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Cũng có nghĩa là rất nhiều khối tài sản bị ghim giữ trong hoàn cảnh có tranh chấp thay vì được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.

Trong khi nhà nước hằng ngày nỗ lực đi tìm kiếm từng đồng vốn đầu tư nước ngoài thì một lượng lớn của cải trong nước có thể trở thành vốn đầu tư lại đang bị lãng phí.

Tựu trung, trong một đất nước đang phát triển thì cũng khó tránh khỏi tồn tại vấn đề về năng lực hiệu quả hoạt động của bộ máy.

Nhưng để đất nước phát triển tăng tốc thì mỗi ngành lĩnh vực đều cần có sự điều chỉnh để khai thông và chắt chiu các nguồn lực.

Để mỗi nơi tăng thêm một chút hiệu quả, khi cộng dồn lại sẽ đưa tới những bước tiến phát triển mau chóng cho kinh tế-xã hội.

Ngô Ngọc Trai

Nguồn : BBC, 20/01/2024

Published in Diễn đàn
mardi, 09 juillet 2019 21:55

Việt Nam có phát triển hay không ?

Đây là câu hỏi rất cũ cho đến lúc này và đương nhiên trả lời nó cũng không mang lại điều gì mới mẻ. Nhưng, vấn đề nằm ở chỗ, giả sử nhìn theo góc độ phát triển thì phát triển ra sao và ngược lại. Bởi hơn bao giờ hết, cũng chưa bao giờ thế hệ trẻ Việt nam lại phải sống trong "tuổi trẻ hoang mang" như bây giờ.

phattrien0

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định : Việt Nam đang có sự chuyển dịch về mô hình tăng trưởng lên các nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị.

Vậy, nếu gọi là phát triển thì Việt Nam phát triển như thế nào ? Có thể nói rõ ràng, dù nhìn nhận trên bất kì góc độ nào, Việt Nam vẫn là nước phát triển rất mạnh trong thập niên 2010. Mặc dù ẩn chứa bên trong của sự phát triển này là nợ công, bất công, tham nhũng, nạn dốt, độc tài, mất tự do… Nhưng, thử đi bất kì con đường nào trên đất nước, sự phát triển của các cung đường từ thôn quê cho đến thành thị, sự mọc lên ngày càng nhiều các khu nhà cao cấp, tòa nhà chọc trời hay khu phức hợp thương mại cao cấp… Tất cả cũng đủ trả lời cho vẻ bề ngoài phát triển.

Chưa dừng ở đó, sự phát triển còn biểu hiện qua chủ nghĩa tiêu dùng và khả năng mua của người Việt. Có thể nhìn thấy ở các vùng quê, bất kì nhà nào, gia đình nào cũng trang bị được quạt điện, ti vi, tủ lạnh và các phương tiện điện tử. Ngay cả những vùng núi hẻo lánh, việc có ti vi không còn là chuyện khó khăn hay lạ lẫm của các gia đình tộc người thiểu số. Đương nhiên, nói về khả năng kinh tế của các tộc người thiểu số còn quá nhiều điều để bàn, nhưng thử làm một cuộc khảo sát, họ vẫn vô tư nói rằng đời sống bây giờ khá hơn trước rất nhiều. Khả năng mua sắm, đi siêu thị của người vùng nông thôn đồng bằng cũng cao hơn trước… Nhìn chung, chủ nghĩa tiêu dùng đã xuất hiện tại Việt Nam. Vấn đề nó xuất hiện như thế nào và nguồn sản phẩm trong chuỗi tiêu dùng đó từ đâu chưa bàn. Dù sao, nó cũng là một nấc trên thang biểu kế kinh tế, nó cho thấy có sự phát triển.

Nhưng, khi cái nhà, cái xe, mặt tiền, sợi dây chuyền, mặt ngọc, thẻ vip, thương hiệu đeo trên người trở thành hay thay thế cho các giá trị đạo đức, thay thế cho các chuẩn mực về thẩm mỹ, lòng trắc ẩn, danh dự… Thì mọi chuyện không những xấu đi mà có nguy cơ kéo tuột mọi thứ trở về thời đồ đá. Điều đáng nói là Việt Nam đang ở tình trạng này !

Thanh niên sẵn sàng xếp hàng rồng rắn cả ngàn người dưới cái nắng oi bức mùa hè, chen chúc nhau hàng vài giờ đồng hồ để được ăn miễn phí một món sushi hay một chén chè, một ổ bánh mì của tiệm mới khai trương bởi thương hiệu của nó quá nổi tiếng. Nhưng thanh niên không bao giờ chịu đựng được quá hai phút chờ đèn đỏ, thậm chí nửa phút, chưa đầy 30s, đèn chưa kịp xanh thì thanh niên đã nhấn số, vặn ga mà vọt lẹ. Thanh niên chọn bóng mát dưới những gốc cây ở các ngã tư để chờ đèn đỏ và chẳng dại gì đứng đúng vạch khi đèn đỏ. Có thể nói rằng, con số rất đông, vô cùng đông người trẻ thực dụng, sống vô cảm, sống vội vàng, hời hợt và nông cạn. Đáng sợ hơn nữa là họ định giá con người bằng những gì đeo bám chung quanh. Một kẻ giang hồ, đâm thuê chém mướn, cho vay nặng lãi, buôn ma túy… vẫn có thể được coi trọng hơn một trí thức vì y/thị đeo nhiều vàng, có thế lực và đi xe khủng, có nhiều nhà đất.

Chưa dừng ở đó, tình làng nghĩa xóm trôi tuột chỉ sau một đêm, chiều hôm qua còn chén tạc chén thù tình anh em xóm làng, sáng hôm nay cò đất kéo tới, giá đất thổi tăng vùn vụt từng giờ, vậy là cái bờ rào giữa hai nhà vốn hiền hòa, thân thiện, tắt lửa tối đèn có nhau bỗng dưng trở thành công sự của hai gia đình. Người ta chỉ vì xê xích một vài tấc đất, thậm chí vài phân đất giữa hai vườn do cái bờ rào uốn ẹo mà vác dao, vác rựa, thậm chí vác cả mã tấu ra nói chuyện với nhau.

Cũng chưa bao giờ có chuyện làng xóm vì chuyện phân heo của nhà này bốc ra hôi thối, nhà kia nhắc nhở, không những nhà này không khắc phục mà còn mướn giang hồ về đánh nhà kia để dằn mặt. Đánh nhau chưa đủ, sát hại nhau đến mức mất mạng kia mới vừa lòng. Có vẻ như chuyện này chỉ mới xuất hiện trong thời giá đất tăng vọt, xuất hiện trong thời mà mọi thứ giá trị được định vị trên chiếc xe, cái nhà và bộ áo quần hay chiếc điện thoại thông minh. Lạ ở chỗ, người ta càng xài đồ thông minh thì bản thân con người lại càng trở nên u mê ám chướng và tàn độc.

Tất cả những biểu hiện trên cho thấy rằng về mặt kinh tế, Việt Nam có phát triển. Nhưng rất tiếc đây là một sự phát triển có trả giá, không đồng hướng với đạo đức và văn hóa. Tại sao lại có hiện tượng kì quặc này ? Bởi vì với bất kì quốc gia nào, phát triển kinh tế là cái nền tốt nhất để phát triển các giá trị tinh thần, ngay cả chủ nghĩa Cộng sản cũng từng nói "con người, phải ăn, mặc, ở đầy đủ rồi mới đến phát triển văn chương, nghệ thuật, các giá trị tinh thần…" (Tư Bản Luận – K. Marx). Sự ngược chiều giữa đạo đức và kinh tế này do đâu mà có ?

Xin bỏ qua giai đoạn kinh tế hợp tác xã, tập trung bao cấp, cái giai đoạn mà miếng ăn đã cướp mất linh hồn và cốt tủy của dân tộc, nỗi sợ hãi đã đè bẹp khí chất quốc gia. Ở đây, tôi muốn nói đến giai đoạn bây giờ, con người còn manh động gấp triệu lần giai đoạn kinh tế tập thể. Vì đâu ? Vì hầu hết cái vệt nối tệ hại của thời bao cấp chưa chịu dừng mà chúng càng nở rộ. Thử nhìn trong một quốc gia mà tỉ lệ tốt nghiệp đại học, du học xong về nước thất nghiệp quá cao, trong khi hầu hết các chân quyền lực từ địa phương tới cấp tỉnh đều là những kẻ dốt đặc cán mai. Nói nghiêm túc là dốt đặc cán mai, vì lẽ, những năm 1986 trở về sau, hầu hết những kẻ chen chân vào hệ thống hành chính xã đều là dân thất nghiệp, học dốt, chịu làm sai nha. Từ chân một anh xã đội trưởng ăn cục nói hòn, chữ bẻ đôi cũng còn vết mẻ lại bu bám mãi cho đến Phó chủ tịch xã rồi chủ tịch xã, chưa dừng, lên tới cấp huyện. Sau đó, chính vào thời ông Nguyễn Tấn Dũng làm Thủ tướng, cách quản lý hành chính thay đổi đáng kể từ trục dọc sang trục ngang. Từ chỗ Chủ tịch xã, Chủ tịch huyện chỉ quản lý về lkinh tế, văn hóa và y tế chuyển sang quản lý luôn ngành giáo dục. Và họ được tạo điều kiện để hợp thức hóa bằng cử nhân, trên đại học. Vì có như vậy họ mới đủ "tư cách" sai bảo hiệu trưởng các trường trong địa hạt quản lý của họ.

Hậu quả là hàng chục triệu tấm bằng từ tốt nghiệp trung học phổ thông cho đến đại học, trên đại học được ra lò để đảm bảo chỗ ngồi cho các lãnh đạo địa phương. Và khi có đủ quyền bính trong tay, họ tha hồ tác oai tác quái, họ liên kết với xã hội đen, bảo kê cho các quán, các dịch vụ trong khu vực quản lý và hình thành hẳn một tầng lớp xã hội đỏ, về mặt quyền lực đứng trên xã hội đen một bậc, về mặt hung hăng thì các nhóm xã hội đen sẽ làm tay sai ủy nhiệm của xã hội đỏ. Người dân từ chỗ chưa kịp hoàn hồn sau cái đói đã phải chuyển sang trạng thái luôn luôn đối phó với hai cái tròng trên cổ và chẳng còn đủ thời gian để kiếm ăn thì lấy đâu ra thời gian để suy tư, để bồi bổ nhân tính, để hoàn thiện đạo đức !

Nói cho cùng, đạo đức người Việt trở nên suy đồi và mục ruỗng như ngày hôm nay là do hai thế lực vừa dốt, vừa hung ác có tên xã hội đen và xã hội đỏ này gây ra. Người dân phải chụp giật miếng ăn trước hai con quái thú ham ăn này, sẽ chẳng bao giờ có cơ hội mà yêu thương hay nghĩ về lòng nhân. Và, nếu không tiêu diệt hai con quái thú này, đến một lúc nào đó, chúng sẽ tự cắn nhau, người dân lại nổi dậy để tiêu diệt chúng… Và đáng buồn thay, lúc đó, chẳng ai có cơ hội lành lặn để đi tiếp trên con đường tiến bộ của nhân loại. Lại phải lùi về thuở ban đầu trong thú đau thương của một người vừa được cởi tròng vá trả giá không nhỏ cho việc đó. Có thể nói rằng, chưa bao giờ muộn nếu chúng ta kịp suy nghĩ và làm đúng cách !

Viết từ Sài Gòn

Nguồn : RFA, 09/07/2019 (VietTuSaiGon's blog)

Published in Diễn đàn

Thế giới hiện nay đang phẳng hóa rất nhanh khi những cách biệt về địa lý, vốn, máy móc… đang tiến tới bị xóa nhòa thì sự cạnh tranh để phát triển tất yếu phải dựa vào nguồn lực tri thức và sáng tạo. Đào tạo những con người sáng tạo phải là mục tiêu của nền giáo dục quốc gia.

sangtao1

Chia sẻ của cô giáo Trần Thị Mỹ Hà về quyết định trên

Do đó, "triết lý giáo dục cần phải chuyển sang hướng đào tạo con người tự do, để họ có thể tư duy độc lập, tư duy sáng tạo, thay vì đào tạo con người công cụ như mục đích của hệ thống hiện thời" (Giáp Văn Dương, Thời báo Kinh tế Sài Gòn, 8/5/2017).

Triết lý đó phản ánh nhu cầu phát triển đặt ra với nền giáo dục, và nếu không đáp ứng được, khoảng cách tụt hậu của nước ta so với trung bình thế giới chắc chắn sẽ ngày càng nhanh chóng xa hơn !

Có nhiều biểu hiện cho thấy nền giáo dục nước nhà, buồn thay, đang quay lưng hay chống lại các đòi hỏi từ nhu cầu mới của đất nước.

Cách đây không lâu, một học sinh lớp 12, vì viết trên Facebook của mình những dòng chê thái độ phục vụ của Bệnh viện đa khoa khu vực Đồng Tháp Mười, đã bị Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Kiến Tường mời lên làm việc về nội dung trên. Cũng trong ngày 6/3, T. đã xóa nội dung này trên trang Facebook cá nhân. Tiếp đó, ngày 16.3, Ban giám hiệu nhà trường ra quyết định kỷ luật T. với hình thức khiển trách, lý do là vi phạm điều 41 Thông tư số 12/2011/TT-BGD&ĐT ngày 28/3/2011 của Bộ GD&ĐT về ban hành Điều lệ trường Trung học phổ thông (Tuổi Trẻ Online, ngày 1/6/2017).

Cách đây một năm, cô giáo Trần Thị Mỹ Hà - Tổ trưởng tổ Văn trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông, vì đăng một status trên trang Facebook của cô không đồng tình với một đề nghị của thành phố Hà Nội, bị chi bộ trường Trần Nhân Tông phạt cảnh cáo.

Trong cả hai sự kiện, nhiều người không hiểu tại sao lại có sự can thiệp của nhà trường. Bài viết trên Facebook, dù có phổ biến trên mạng, được coi là bài viết riêng trên trang nhà cá nhân. Bài viết lại nêu quan điểm rất rõ ràng, trình bày công khai và minh bạch trước công chúng, không vi phạm thuần phong mỹ tục, tại sao trường lại chen vô ? Không thích thì không xem, không đồng ý thì tranh luận công khai. Nếu bài viết xúc phạm hay vu khồng cá nhân hay tổ chức nào đó, thì cá nhân hay tổ chức đó kiện người viết. Trường lấy tư cách gì mà chen vào ?

Một câu hỏi khác nữa là : Ban Giám hiệu trường Trung học phổ thông Trần Nhân Tông có quyền "mời cô Hà lên làm việc" vì status của cô không ? Ban giám hiệu trường Trung học phổ thông Kiến Tường có quyền mời học sinh T. lên làm việc về nội dung status của em và sau đó ra quyết định kỷ luật hay không ? Ở một xứ như Pháp hay Mỹ chẳng hạn, cô giáo có quyền không đi dự buổi làm việc đó vì "chuyện của cá nhân tôi, không ăn thua gì các ông". Hoặc giả, cô đi dự và khi nhận quyết định cảnh cáo, cô có quyền kiện nhà trường về quyết định đó. (Học sinh T. cũng có quyền như vậy). 

Câu hỏi thứ ba, theo tôi, quan trọng hơn nhiều : Hai sự việc xảy ra cách nhau một năm, tại hai đầu đất nước, nói lên điều gì ? Giữa hai sự việc đó là một chuỗi các sự việc, độc lập nhau nhưng hòa cùng tiết tấu, cho thấy hình như có một sợi dây xuyên suốt các sự việc. Ở một môi trường khai phóng và tôn trọng con người, cách hành xử như vậy không được chấp nhận và gây một làn sóng phản ứng mạnh mẽ. Tại sao ở Việt Nam những sự việc đó được lặp đi lặp lại ? Phải chăng cách tổ chức xã hội của Việt Nam nếu không ủng hộ thì cũng dung dưỡng cách hành xử như thế ?

Các sự việc cho thấy trong môi trường giáo dục Việt Nam, thầy cô và học sinh rất nhỏ bé trước cơ quan, tổ chức, ban giám hiệu. Cô giáo và bạn học sinh lớp 12 kia đều quá tuổi làm chứng minh nhân dân, quá tuổi đi bầu. Cô giáo là một người trưởng thành, có nghề nghiệp đàng hoàng, có vai trò truyền thụ kiến thức và tác phong sống cho học sinh, mà cứ bị xem như, và bị "xử" như một đứa con nít, mỗi lời nói, hành vi là bị nạt nộ, trừng mắt, hăm he hay vuốt đầu khen thưởng ! Làm sao cô giáo thành người lớn cho nổi ? Làm sao cô giáo thành một người tự do như Giáp Văn Dương mong muốn được ?

Trở lại câu nói của Giáp Văn Dương được trích bên trên, tôi không biết mục đích của hệ thống giáo dục hiện thời có phải là "đào tạo con người công cụ" hay không, nhưng với cách hành xử như thế thì nhiều sản phẩm của nền giáo dục sẽ là con người công cụ. Khi trong trường học, thầy cô và học sinh có nhiều tính cách công cụ và tuân phục thì xã hội có ít tính sáng tạo và độc lập, quốc gia thiếu năng lực phát triển.

Có phải các sự việc như trên chỉ xảy ra trong lãnh vực giáo dục ? Không, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch qua cách đối xử gần đây với các ca khúc, cách hành xử trước các tiếng nói phản biện trong vụ bán đảo Sơn Trà… cho thấy bộ này có cùng lối tư duy và cung cách hành xử.

Có phải tất cả các sự việc đó cho người ta cảm giác rằng trong hệ thống này thì các cơ quan chức năng có nhiều tính công cụ và lệ thuộc mà kém tính sáng tạo và đột phá ? Khi cơ quan là cơ quan công cụ thì hệ thống không thể là hệ thống "kiến tạo" và tôi e rằng các quan chức quản lý cấp cao còn rất nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu chính phủ kiến tạo.

Muốn có kiến tạo, phải chăng một trong các việc căn bản đầu tiên cần làm là xác định tinh thần độc lập, tự do tư duy và sáng tạo như là một trong các giá trị cốt lõi ?

Lê Học Lãnh Vân 

Nguồn : Một Thế Giới, 02/07/2017

Published in Diễn đàn