Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Nhìn một cách bao quát những gì đang diễn ra, tôi tin rằng nhiều người có cảm giác giống mình, có vẻ như thiên nhiên đang nổi giận. Trên thực tế, những vấn đề liên quan đến môi trường sống, từ hạn hán ở Đồng bằng sông Cửu Long, lũ lụt ở miễn Trung, lũ quét ở miền núi phía Bắc, vỡ đê ở vùng Bắc Bộ, đến thực trạng nguồn nước ô nhiễm, không khí độc hại... đều có phần nguyên nhân từ bàn tay của những người đang sống.

phattrien1

Rừng đầu nguồn đang bị tàn phá là một trong những nguyên gây ra lũ lụt ở vùng đồng bằng - Ảnh minh họa 

Chúng ta đã có một thời kì dài phát triển trong mông muội về khái niệm giữ gìn bảo vệ môi trường. Và có lẽ đến giờ vẫn còn nhiều nơi đang tạo ra cái gọi là giá trị kinh tế bằng cách ăn cắp cả tương lai.

Nhưng, bây giờ đã là thế kỉ 21 chứ không phải thế kỉ 18. Phát triển công nghiệp không có nghĩa là phải đánh đổi môi trường sống. Về cơ bản, khoa học kĩ thuật có đủ năng lực để xử lý các vấn môi trường đặt ra trong quá trình phát triển.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam phát triển bền vững tổ chức quãng hơn một tuần trước, tôi thấy người ta đặt ra các ví dụ về kinh tế tuần hoàn và chuỗi giá trị khép kín, mà ở đó sự phát triển phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của con người không hẳn đối lập với gìn giữ môi trường sống.

Họ đưa ra ví dụ về trường hợp ở các nhà máy sản xuất bia của Heineken Việt Nam, nơi hiện đang có 4 trong tổng số 6 nhà máy nấu bia sử dụng 100% năng lượng thân thiện với môi trường từ nguồn nguyên liệu sinh khối. Kết quả là năm 2014-2016, họ đã giảm được 50% lượng phát thải CO2 - khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Khí thải sinh học phát sinh trong quá trình vận hành nhà máy xử lý nước thải được giữ lại và sử dụng như một nguồn năng lượng.

Kinh tế tuần hoàn là một khái niệm mới ở Việt Nam nhưng đã được bàn đến như một trong những giải pháp cho xu thế phát triển bền vững. Thông thường, một chu trình sản xuất sẽ bắt đầu bằng nguyên liệu và kết thúc bằng chất thải. Nhưng mô hình kinh tế tuần hoàn mà Heineken áp dụng là một chu trình không có điểm khởi đầu và kết thúc. Nó là một vòng tuần hoàn, quá trình sản xuất tạo ra chất thải và chất thải ấy sẽ quay trở lại phục vụ sản xuất.

Đây chỉ là một trong những ví dụ để thấy, nếu thực sự muốn gìn giữ môi trường thì sẽ luôn có cách. Vấn đề nằm ở trách nhiệm của các nhà hoạch định chiến lược phát triển quốc gia và thái độ của những người thực thi chiến lược ấy.

Mọi sự phát triển chỉ thực sự đem lại giá trị nếu nó hướng đến một tương lai mà con cháu chúng ta không phải trả giá cho những gì chúng ta ăn hôm nay.

Bạch Hoàn

Nguồn : fb.bachhoanvtv24, 19/10/2017

Published in Diễn đàn