Luật sư người Nhật có cái tên Việt là Giàng A Thái (Hirota Fushihara) đã nhận xét đầy ‘châm chích’ về giới báo chí Việt Nam. Có ai đó nói : "Không thấy báo Việt Nam nào đăng tin về việc một vị bộ trưởng ăn thịt bò dát vàng siêu đắt tiền. Đó chính là sức mạnh của "Vietnam Journalism"
Những bình phẩm độc miệng…
Có ý kiến, trong việc ông Obama ngồi ăn bún ở Hà Nội, là cả một hệ thống kiểm soát quyền lực, là đa đảng,là đối lập là hiến pháp, là tối cao pháp viện, là báo chí đa chiều, là tư pháp độc lập. Còn phía sau ngài Tô Lâm là thể chế độc đảng, là 95 triệu dân răm rắp tuân lệnh, là Bộ Chính trị đứng trên hiến pháp, là nền báo chí một chiều, là nền tư pháp luật là tao, tao là luật, là một quốc hội có 95% là đảng viên của một đảng chính trị.
Như vậy thì không phải đạo đức Obama cao cả sáng ngời gì khi đặt bên cạnh Tô Lâm. Sự khác nhau giữa 2 người đó là ở hai thể chế chính trị khác nhau : dân chủ và độc tài, pháp trị và vô pháp. Ở đây không thể nói đến khía cạnh đạo đức. Ở đây là một bên quyền lực bị kiểm soát và một bên quyền lực không được kiểm soát. Một bên dân sẵn sàng xuống đường mỗi khi tổng thống làm sai. Một bên dân luôn đổ thừa, ngụy biện về vai trò của mình.
Nhận xét trên đầy chua chát, và thật mỉa mai nếu như gộp luôn cả ý kiến của ông luật sư người Nhật rồi đặt trong bối cảnh môn "Tư tưởng Hồ Chí Minh" đang giảng dạy bắt buộc ở bậc đại học, sẽ thấy quả là giữa nói – làm có khoảng cách còn dài hơn cả ‘sợi dây kinh nghiệm’ mà ông Nguyễn Bá Thanh (1953 – 2015) từng nói ‘rút hoài vẫn không hết’.
Học "Tư tưởng Hồ Chí Minh" nhưng lại không chịu thực hành ?
Trong bản Di chúc viết năm 1965, trước hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói về Đảng trong đó đề cập đến ba vấn đề trọng đại : Một là, vấn đề đoàn kết trong Đảng. Hai là, vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng. Ba là, vấn đề đảng cầm quyền. Đây là ba vấn đề cốt lõi, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.
Vấn đề tự phê bình và phê bình trong Đảng, được Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 – 1969) đặc biệt quan tâm : "Trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình là cách tốt nhất để củng cố và phát triển sự đoàn kết và thống nhất của Đảng" (1).
Giáo sư Tiến sĩ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch thường trực của Hội đồng Lý luận Trung ương nhiệm kỳ 2021/2026, diễn giải như sau (trích) :
"Theo tôi, phê bình và tự phê bình như một người thầy thường xuyên bên cạnh mỗi cán bộ, đảng viên. Nó nhắc nhở, khuyên răn mỗi cán bộ, đảng viên tự học tập, rèn luyện, tự phấn đấu để vươn lên không ngừng về đạo đức, tư cách, năng lực trong công việc của mình, uy tín trong quần chúng nhân dân ; từ đó hoàn thành tốt các nhiệm vụ công tác được giao, xứng đáng với trách nhiệm công việc, vị trí công tác mà Đảng và nhân dân giao phó.
Mặt khác, phê bình và tự phê bình làm con người gắn bó với tổ chức, đơn vị của mình hơn. Mỗi cán bộ, đảng viên được sống trong một tập thể mà mọi người chú ý đến nhau, trung thực, thẳng thắn, đoàn kết, bằng tình cảm của những người đồng chí, đồng đội thì sẽ tạo nên sức mạnh to lớn trong thực hiện nhiệm vụ.
Bởi vì, bản chất của phê bình và tự phê bình trong sinh hoạt Đảng là sự phê bình và tự phê bình xuất phát từ tình đồng chí, đồng đội, để giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, để cùng nhau chung lòng, góp sức, góp trí, thực hiện thành công các nhiệm vụ cách mạng. Đó không thể là thứ phê bình để dìm nhau, hạ nhau.
Nếu chúng ta thực hành phê bình và tự phê bình đúng đắn, sẽ giúp cho mỗi người trong một tập thể, trong tổ chức dễ nhận ra những điều tốt đẹp để noi theo, phấn đấu, dễ nhận ra những khuyết điểm để sửa chữa, để tiến bộ. Đấy chính là điều kiện để làm cho sức mạnh của mỗi cá nhân nâng lên, đồng thời nâng lên sức mạnh tập thể, nâng lên sự đoàn kết gắn bó, đồng thời giúp cho các thành viên chia sẻ, cảm thông với nhau, gắn bó với nhau chặt chẽ hơn". (dừng trích).
Câu hỏi đặt ra theo đúng cách đặt vấn đề của công tác xây dựng Đảng : làm thế nào để biết đảng viên đó đã không "thực hành phê bình và tự phê bình đúng đắn" ?
Câu trả lời cũng đơn giản lắm : hãy làm theo di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tư nhân được quyền làm báo sẽ giúp Đảng vững mạnh hơn
Sinh tiền, Hồ Chí Minh đã mạnh mẽ tố cáo chế độ thực dân Pháp ngăn cấm quyền tự do báo chí : "Chúng tôi không có quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận… chúng tôi phải sống trong cảnh ngu dốt và tối tăm vì chúng tôi không có quyền tự do học tập".
Trong tác phẩm Đông Dương, Hồ Chí Minh viết : "Sự thật là người Đông Dương không có một phương tiện hành động và học tập nào hết. Báo chí, hội họp, lập hội, đi lại đều bị cấm… Việc có những báo hoặc tạp chí mang tư tưởng tiến bộ một chút hoặc có một tờ báo của giai cấp công nhân Pháp là một tội nặng".
Trong một bài báo khác, bài "Báo chí", Hồ Chí Minh viết : "Giữa thế kỷ XX này, ở một nước có đến 20 triệu dân mà không có lấy một tờ báo. Các bạn có thể tưởng tượng được như thế không ? Không có lấy một tờ báo bằng tiếng mẹ đẻ của chúng tôi" (2).
Như vậy, nếu tư nhân được quyền thành lập tòa soạn, quyền làm báo, quyền phát hành báo, quyền có tiếng nói đa chiều trong khuôn khổ tuân thủ Hiến pháp và luật pháp, thì ắt hẳn đây sẽ là một kênh truyền thông hữu ích cho Đảng.
Bởi khi báo chí tư nhân vì không phải phụ thuộc vào mệnh lệnh hành chánh của cơ quan chủ quản nào hết, nên họ luôn hiểu người dân cần biết ai đang là sâu dân – mọt nước, nên báo chí tư nhân sẵn sàng ‘điểm mặt’, bất chấp đảng viên ấy ‘gốc gác’ ra sao khi đã không "thực hành phê bình và tự phê bình đúng đắn", qua đó giúp Đảng luôn biết ‘dọn mình’, ‘giữ mình’ để Đảng luôn là niềm tin cậy của dân chúng.
Trường Sơn
Nguồn : VNTB, 09/11/2021
(1) Hồ Chí Minh : Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội 2011, tập 15
(2) Trích từ bài "Xã hội Việt Nam đầu thế kỷ XX và sự ra đời của báo chí cách mạng Việt Nam", Phan Quang, Tuyển tập mười năm 1998/2008, Nhà xuất bản Văn học, 2008