Thủ tướng Campuchia Hun Sen đòi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam phải xin lỗi ông ta trước sự hiện diện của Đại sứ Trung Quốc ? Một đòi hỏi ngỗ ngược, vô tiền khoáng hậu ! Nhưng trong họp báo hàng tuần ngày 9/12/2021, Bộ Ngoại giao Việt Nam bỏ qua câu chuyện cay đắng ấy. Bà Lê Thị Thu Hằng, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao chắc hẳn đã được trang bị kinh nghiệm xử lý tình huống này, đặc biệt trong quan hệ tay ba Việt Nam – Campuchia – Trung Quốc.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến (ảnh trái) và Thủ tướng Campuchia Hun Sen - Sức khỏe & Đời Sống/ Reuters/ RFA edit
Thủ tướng Hun Sen ngày 6/12 đã công khai yêu cầu tướng ba sao của Quân đội nhân dân Việt Nam Hoàng Xuân Chiến phải xin lỗi ông ta, với sự hiện diện của Đại sứ Trung Quốc tại Campuchia, và phải tái khẳng định, nguồn gốc Covid-19 không lây truyền từ Campuchia sang Việt Nam, mà ngược lại ! Nghĩa là lây truyền từ Việt Nam sang Campuchia (?). Video tường thuật buổi nói chuyện của vị Thủ tướng có gốc gác từ Khmer Đỏ ngày nào – lại nhiều lần tự xưng là "tướng Năm Sao Vàng vĩnh viễn" – trong đó, Hun Sen yêu cầu Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, đương kim Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam, phải xin lỗi theo cách ông ta ra điều kiện, ông ta mới vui (!). Đề cập đến danh tính của vị Thượng tướng Việt Nam, Hun Sen giả vờ quay xuống hỏi "bộ hạ", tướng Việt Nam có phải là Ngô Xuân Chiến không, mấy tên lâu la tâu : "Dạ phải, ông ấy có họ Ngô…" (thực ra tướng Chiến mang họ Hoàng) [1].
Sở dĩ khẳng định Hun Sen giả vờ đóng kịch, vì, theo chính lời ông ta kể : "Tôi đã liên hệ với tướng Chiến và với phía Việt Nam, yêu cầu tướng Chiến phải xin lỗi và đề nghị ‘phía Việt Nam’ cách chức ông ấy". Đã liên hệ mà không biết rõ họ tên chính xác người mình đề nghị kỷ luật, là điều bất khả. Đây chẳng qua Hun Sen muốn tỏ ý trịch thượng, bề trên, rằng, ông ta chẳng thèm nhớ tên một vị tướng quèn làm gì… Nhưng thay vì đáp ứng cái đòi hỏi hỗn hào của Thủ tướng Campuchia, Chính phủ Hà Nội làm ngược lại điều Hun Sen yêu cầu. Việt Nam đã thăng chức cho Trung tướng Chiến, từ hai sao lên ba sao. Và trên thực tế, đấy mới là "giọt nước tràn ly". Hun Sen bực tức với "phía Việt Nam", ở đây có thể là bực Chính phủ, mà cũng có thể là bực Bộ Quốc phòng, vì Hun Sen không nói rõ, ông ta liên hệ cụ thể với cơ quan nào từ "phía Việt Nam". Đã thế ông ta liền quyết định công khai hóa toàn bộ câu chuyện cho bỏ tức, dù nó đã xẩy ra trước đây hơn cả năm trời [2].
Để hiểu bối cảnh câu chuyện, hãy nhìn vào hậu trường chính trị tay ba Việt Nam – Campuchia – Trung Quốc. Đó mới là căn nguyên cơn giận của Samdech Hun Sen. Bằng việc hạ nhục một tướng có tên tuổi của Việt Nam, Hun Sen vừa cho nội bộ Đảng CPP và cả cánh đối lập thấy rằng, ông ta có khả năng chống cự Việt Nam, ông ta không bao giờ là "con rối" của Việt Nam như người ta đồn thổi. Tuy nhiên, chưa có bằng chứng gì cụ thể về việc vị tướng Việt Nam có phát ngôn như Hun Sen tố cáo không, nhưng trước bàn dân thiên hạ chính Hun Sen đã tỏ ra một kẻ chuyên quyền có hạng. Hun Sen đề nghị phía Việt Nam cách chức tướng Chiến, vì theo Thủ tướng Campuchia, tướng Chiến nói rằng, Covid-19 lây từ Campuchia sang Việt Nam. Rồi Hun Sen "đính chính", phải ngược lại ! Nghĩa là Covid-19 từ Việt Nam lây lan sang Campuchia. May thay, hôm ấy, Hun Sen không buột miệng tuyên bố "Covid-19" truyền từ Vũ Hán sang Campuchia [3 ].
Xả cơn giận đối với Việt Nam, Hun Sen còn muốn mở màn cho năm 2022 là năm Campuchia làm chủ tịch ASEAN. Tổ chức khu vực này đang đứng trước một tình thế khó khăn hơn những năm trước đây rất nhiều. Trước đây, ASEAN chỉ bị sức ép và lực kéo giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ. Năm nay, xuất hiện thêm một "ông Kẹ mới", đó là Liên bang Nga. Nga bắt đầu chính thức ngồi vào bàn cờ Indo-Pacific lẫn Đông Nam Á. Vì vậy, Hun Sen phải ra oai cho nhiệm kỳ luân lưu đầy sóng gió trước mắt. Hun Sen đón và làm việc với Ngoại trưởng Myanmar trong hai ngày 7 – 8/12 để tìm cách khôi phục lại cái ghế cho tập đoàn quân sự Myanmar. Hiện chúng ta chưa biết ASEAN sẽ phản ứng như thế nào đối với quyết định sang năm 2022 Hun Sen sẽ thăm chính thức Myanmar, theo lời mời của Thống tướng Min Aung Hlaing. Thế là cái công thức "ASEAN-X" sẽ đi đời nhà ma.
Ai cũng biết, Hun Sen hiện là một trong số ít các nhà độc tài còn sót lại trên chính trường quốc tế. Giận quá mất khôn, ông xả stress của mình đối với Chính phủ Việt Nam là chủ yếu, chứ không chỉ giận một mình tướng Chiến. Hun Sen tung chưởng "đánh" Việt Nam tại một sự kiện chẳng có dính dáng gì đến quan hệ Campuchia – Việt Nam cả. Nếu bình tâm nghĩ lại, có thể Hun Sen sẽ hành động thông minh hơn. Thì mới trước đấy có bốn ngày, hôm 2/12, chính Hun Sen vừa xoen xoét : "Tôi biết ơn Việt Nam và Lào…" [4]. Thế mà chỉ có mấy hôm sau, Hun Sen đã "xoay trục" mắng mỏ tướng Việt Nam và trách cứ "phía Việt Nam", dầu ông ta không nói rõ là trách Chính phủ của ông Phạm Minh Chính hay trách Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang. Dù trách ai thì Cục 2 thế nào cũng có báo cáo nội bộ cho Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng biết về scandal này. Ông Tổng bí thư thừa thông minh để "rút củi dưới nồi", chỉ thị cho Ban Bí thư nói Bộ Ngoại giao dẹp yên chuyện này. Giữa một "cái xấu" và một "cái xấu hơn", dĩ nhiên Việt Nam buộc phải chọn "cái xấu".
Bởi vì, vấn đề thừa kế ở Campuchia hiện nay rất phức tạp. Chưa có gì bảo đảm để câu chuyện "truyền ngôi" cho con trai của Hun Sen suôn sẻ, ngay cả với nội bộ Đảng Nhân dân Campuchia (Cambodian People's Party). Nên nhớ Trung Quốc cùng lúc "đặt cược" nhiều cửa. Nếu đối lập ngồi vào ghế Thủ tướng, mức độ thân Tàu của phái đối lập có khi còn siêu hơn cả Hun Sen. Chắc chắn, hôm 26/9, khi Tổng Trọng mời cả Hun Sen lẫn Thongloun Sisoulith sang Hà Nội mật đàm tay ba thì ai cũng biết, vấn đề thừa kế "ngai vàng" ở mỗi nước là nỗi lo chia đều ở cả ba "Đảng thủ".
Lãnh đạo ba nước Việt Nam, Lào Campuchia gặp nhau ở Hà Nội hôm 26/9/2021 : (từ trái qua) Thủ tướng Campuchia Hun Sen, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith. Hình : VNA
Khái niệm "an ninh cầm quyền" ông Tập Cận Bình vừa truyền cho ông Trọng hai ngày trước đấy, chắc chắn đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng truyền lại cho hai "thủ hạ" [5]. Hun Sen biết rõ tương quan quyền lực, vì vậy, lời khuyên ở đây là, đừng giận quá mất khôn. Sài Gòn gần Phnom Penh hơn Bắc Kinh, thưa ông Thủ tướng "Năm Sao Vàng" ! Ông có thể gây sự với Mỹ, nhưng không nên "cà khịa" với Việt Nam [6]. "Trai Cò chấp nhau, kẻ thứ ba được hưởng lợi". Bài học ngàn xưa ấy, bao giờ cũng mới !
Trịnh Nguyễn Diệu Anh
Nguồn : RFA, 10/12/2021
Tham khảo :
5. https://www.voatiengviet.com/a/viet-mien-lao-than-thieng-nho-bo-ha/6253283.html