Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Thủ tướng Campuchia Hun Manet dù đã thực hiện chính sách ngoại giao thân thiện hơn với phương Tây, nhưng không vì thế mà xa rời Trung Quốc. Quan hệ giữa Phnom Penh và Bắc Kinh nhiều khả năng vẫn duy trì theo chiều hướng này, thậm chí có thể gắn bó hơn.

trungcam1

Ông Hun Manet (thời điểm chưa làm Thủ tướng) bắt tay Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh năm 2020 - Royal Cambodian Army

Thủ tướng Campuchia đương nhiệm Hun Manet là con trai cả của ông Hun Sen (cựu Thủ tướng, nay đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Thượng viện). Năm 1995, ông Hun Manet bắt đầu theo học tại Học viện Lục quân West Point (một trong những cơ sở đào tạo quân sự danh giá nhất của quân đội Mỹ) và tốt nghiệp vào năm 1999. Ông cũng chính là người Campuchia đầu tiên tốt nghiệp Học viện này. Với lý lịch như trên, Thủ tướng Hun Manet được kỳ vọng sẽ giúp Campuchia thực hiện chính sách thân thiện hơn với phương Tây so với thời ông Hun Sen.

Trên thực tế, kể từ khi nhậm chức vào tháng 8/2023 đến nay, ông Hun Manet đã tìm cách tăng cường tương tác với phương Tây, điển hình là chuyến thăm Pháp vào tháng 1/2024. Chuyến đi này đã tạo động lực để Campuchia và Pháp nhất trí nâng cấp quan hệ lên tầm "đối tác chiến lược", mở đường để tăng cường hợp tác và thắt chặt mối quan hệ trong tương lai. Trên cơ sở đó, Phnom Penh đã đạt được thỏa thuận phát triển trị giá 235 triệu USD với Pháp để xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng, nước uống cũng như hỗ trợ đào tạo nghề. 

Cùng với đó, ông Hun Manet cũng nỗ lực hàn gắn quan hệ với Mỹ. Bên lề chuyến đi đến New York để tham dự Phiên họp thứ 78 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào tháng 9/2023, ông Hun Manet đã gặp bà Victoria Nuland - Quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ - để thảo luận về cải thiện hợp tác song phương, đặc biệt là thuyết phục Washington gỡ quyết định tạm dừng chương trình viện trợ trị giá 18 triệu USD của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) cho Campuchia, vì cáo buộc Phnom Penh tổ chức tổng tuyển cử 2023 "không tự do, cũng chẳng công bằng" (neither free nor fair). Kết quả là bà Nuland cam kết Mỹ sẽ nối lại chương trình trên. 

Những động thái trên cho thấy Hun Manet mong muốn thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hơn so với thời cha mình, từ đó giảm thiểu các rủi ro tiềm ẩn nhờ duy trì sự linh hoạt trên trường quốc tế. Tuy nhiên, việc Campuchia nỗ lực "kết thân" với phương Tây không đồng nghĩa Phnom Penh "lơ là" việc xây dựng mối quan hệ "sắt son" (ironclad) cùng Trung Quốc, trái lại, mối quan hệ này còn được củng cố bền chặt hơn, đạt đến "mức độ không thể phá vỡ" (unbreakable level). Không lâu sau khi lên nắm quyền, Thủ tướng Hun Manet đã sang thăm chính thức Trung Quốc (quốc gia đầu tiên mà ông chọn để đến thăm) vào tháng 9/2023. Chỉ một tháng sau, ông lại sang Bắc Kinh để tham dự Diễn đàn Vành đai và Con đường (BRI) lần thứ ba do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì. Hai chuyến đi liên tiếp của ông Hun Manet tới Trung Quốc trong một khoảng thời gian rất ngắn là bằng chứng cho thấy tầm quan trọng đặc biệt của Bắc Kinh đối với Phnom Penh.

Trong khi đó, dù Hun Sen không còn làm Thủ tướng Campuchia nhưng Bắc Kinh vẫn duy trì kết nối thân thiết với ông, thể hiện qua việc ông Hun Sen được mời tham dự Diễn đàn Châu Á Bác Ngao (diễn đàn thường niên bàn về các vấn đề kinh tế) vào tháng 3 vừa qua. Khi Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sang thăm Campuchia từ ngày 21 đến 23/4, ngoài việc gặp Thủ tướng Hun Manet, ông Vương cũng đã hội kiến với ông Hun Sen. Trọng tâm của chuyến thăm là thảo luận về việc xây dựng kế hoạch phát triển Hành lang Lúa gạo và Cá (Fish and Rice Corridor), cũng như "Hành lang Công nghiệp và Công nghệ" (Industrial and Technological Corridor), từ đó sớm hiện thực hóa các kế hoạch này để giúp Campuchia trở thành một trung tâm công nghiệp, nông nghiệp hiện đại. 

Chính phủ Hun Manet liên tục thúc đẩy quan hệ với Trung Quốc 

Với tính chất "sắt son" của mối quan hệ, chính phủ Campuchia đương nhiệm có nhiều lý do để không muốn/không thể rời xa Trung Quốc, trước hết là về vai trò kinh tế. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2023 đạt 12,26 tỷ USD, tăng 5% so với năm trước đó, đánh dấu năm thứ 12 liên tiếp Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Campuchia. Thêm vào đó, kể từ tháng 1/2022, Hiệp định Thương mại Tự do Trung Quốc–Campuchia có hiệu lực, loại bỏ 90% thuế quan hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Campuchia và 97,53% hàng xuất khẩu ở chiều ngược lại.

Trên nền tảng thương mại thuận lợi, liên tục được duy trì và mở rộng, kết hợp với nhu cầu phát triển kinh tế của Campuchia, Trung Quốc ngày càng đổ thêm tiền đầu tư vào Phnom Penh. Kết quả, những năm qua Bắc Kinh luôn là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất của Campuchia, mang lại nhiều thành tựu nổi bật như xây dựng, cải tạo gần 4.000km đường sá và chín cây cầu lớn. Cụ thể hơn, đó là các dự án cảng tự trị Sihanoukvilleđặc khu kinh tế Sihanoukvilleđường cao tốc Phnom Penh - Sihanoukvillesân bay quốc tế Techosân bay quốc tế Siem Reap–Angkorkênh đào Funan Techo (chuẩn bị khởi công vào tháng 8 năm nay), cùng nhiều công trình khác. 

Những dự án cơ sở hạ tầng trị giá hàng tỷ USD này không chỉ tăng cường khả năng kết nối của Campuchia mà còn mở đường để Trung Quốc đầu tư mạnh mẽ hơn vào ngành sản xuất do việc lưu thông hàng hóa giờ đây đã thuận tiện hơn. Chẳng hạn, các công ty Trung Quốc hiện sở hữu đến 90% các nhà máy may mặc của Campuchia. Đây là ngành trọng điểm của quốc gia Đông Nam Á này, vì chiếm đến 40% GDP cả nước. 

Tuy nhiên, hệ lụy từ sự xuất hiện dày đặc của Trung Quốc ở Campuchia là số nợ khổng lồ mà Phnom Penh đang phải gánh chịu. Tính đến cuối năm 2023, khoản nợ của chính phủ Campuchia hiện là 11,24 tỷ USD, trong đó nợ Trung Quốc 4,1 tỷ USD (chiếm gần 37%). Mặc dù ông Hun Manet nói rằng "Chúng tôi cam kết vay mượn thận trọng, trong giới hạn do luật ngân sách hàng năm đặt ra, đảm bảo chúng tôi không bao giờ rơi vào bẫy nợ" (We are committed to prudent borrowing, well within the limits set by our annual budget laws, ensuring we never reach a debt trap), nhưng với số nợ kể trên, cùng với khoản đầu tư khổng lồ và liên kết thương mại chặt chẽ giữa Campuchia với Trung Quốc, thật khó để chính phủ đương nhiệm đi chệch khỏi quỹ đạo đang diễn ra (kể cả khi muốn làm khác đi).

Xét lại lịch sử, mối quan hệ "sắt son" như vậy vẫn tiếp diễn kể cả khi xuất hiện các bê bối xoay quanh những dự án của Trung Quốc. Chẳng hạn, vào năm 2021, Bộ Công chính Campuchia phát hiện Tổng công ty Cầu Đường Trung Quốc đã thi công đường Quốc lộ 3 không đạt chất lượng. Đây là con đường nối thủ đô Phnom Penh với tỉnh Kampot, bắt đầu được cải tạo và mở rộng từ năm 2018. Ngoài ra, theo nghiên cứu từ Diễn đàn Tương lai (Future Forum - một tổ chức nghiên cứu độc lập tại Campuchia), trong giai đoạn từ năm 2005-2020, Trung Quốc không áp dụng nguồn Hỗ trợ Phát triển Chính thức (ODA) cho bất kỳ dự án nào trong số 70 dự án tại Campuchia, dù đáng lẽ nước này cần làm điều đó.

Hơn nữa, không phải người dân Campuchia nào cũng chào đón sự xuất hiện của các dự án do Trung Quốc thi công. Dự án tai tiếng bậc nhất liên quan đến việc xây dựng cảng và thành phố nghỉ dưỡng ở tỉnh Koh Kong (phía Tây Nam Campuchia), do tập đoàn phát triển bất động sản Union Development Group (UDG) (thuộc sở hữu nhà nước Trung Quốc) làm chủ thầu, khởi công năm 2008. Sau nhiều năm, dự án vẫn vấp phải sự phản đối từ những cư dân nằm trong diện quy hoạch phải nhường đất xây dự án. Một số người chọn hình thức không rời đi để phản đối, trong khi một số khác từ chối nhận bồi thường từ UDG. Bất chấp áp lực từ người dân, giải pháp của chính quyền Campuchia là tiếp tục tin tưởng vào nhà đầu tư Trung Quốc, sử dụng các biện pháp đe dọa và uy hiếp đối với những cư dân "cứng đầu" không chịu rời khỏi khu vực quy hoạch.

Không chỉ bền chặt về kinh tế, Campuchia và Trung Quốc cũng duy trì sự gắn kết trong lĩnh vực quốc phòng, đặc biệt là từ sau chuyến thăm vào năm 2016 của Chủ tịch Tập Cận Bình đến Phnom Penh. Cũng trong năm đó, hai nước đã lần đầu tổ chức cuộc tập trận chung mang tên "Rồng Vàng" (Golden Dragon), sau đó trở thành hoạt động thường niên. Sự gắn kết càng trở nên sâu sắc hơn khi quan hệ quân sự giữa Campuchia và Mỹ đang ở mức "rất không tốt" do hệ quả từ việc Campuchia hủy tập trận quân sự thường niên song phương vào năm 2017. 

Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng Hun Manet không có lý do gì để làm giảm đi mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc trong lĩnh vực quốc phòng. Trước hết, Campuchia và Trung Quốc không hề có bất kỳ tranh chấp hoặc mâu thuẫn nào liên quan đến địa chính trị. Điều này trái ngược với hai quốc gia láng giềng của Campuchia là Thái Lan và Việt Nam. Giữa Campuchia và Thái Lan có xung đột kéo dài ở khu vực biên giới, xung quanh quần thể đền Preah Vihear. Trong khi đó, Việt Nam và Campuchia mặc dù có quan hệ tốt đẹp, nhưng cũng có những vấn đề cần phải dè chừng như tranh chấp ở khu vực biên giới (cho đến nay chỉ có 84% biên giới được hai nước hoàn tất phân định), hay sự việc nóng hổi hiện nay xoay quanh nguy cơ tổn hại đến môi trường ở Đồng bằng sông Cửu Long từ dự án kênh đào Funan Techo mà Phnom Penh quyết tâm xây dựng, bất chấp các quan ngại và kêu gọi đối thoại lẫn chia sẻ thông tin từ phía Hà Nội. 

Cùng với đó, Trung Quốc hoàn toàn không quan tâm đến vấn đề nhân quyền hoặc dân chủ ở Campuchia. Điều này giúp Phnom Penh cảm thấy an toàn hơn rất nhiều khi xét với các quốc gia phương Tây. Chẳng hạn, Mỹ từng cắt viện trợ cho Campuchia vì cáo buộc nước này thiếu dân chủ (năm 2018), và nghi ngờ tính trung thực của cuộc bầu cử Quốc hội Campuchia khóa VII (năm 2023). 

Với "niềm tin chính trị" (political trust) lớn như vậy (theo lời Thủ tướng Hun Manet), chính phủ Campuchia đang ngày càng mở rộng tương tác quốc phòng với Trung Quốc. Kể từ tháng 12/2023, Trung Quốc đã neo đậu hai tàu hộ tống đổ bộ lớp 071 là Jinggangshan và Qilianshan (mỗi chiếc có lượng giãn nước 25.000 tấn và có thể chở tới 800 quân cũng như 20 xe bọc thép) tại căn cứ hải quân Ream (công trình mà Bắc Kinh đã giúp Campuchia xây dựng và mở rộng). Mặc dù Thủ tướng Hun Manet khẳng định Hiến pháp Campuchia không cho phép nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ nước này, nhưng việc neo đậu lâu dài của hai tàu trên càng làm dấy lên mối nghi ngờ về việc cảng Ream có thể trở thành căn cứ quân sự nước ngoài thứ hai của Trung Quốc (sau Djibouti). 

Mới đây nhất, Campuchia và Trung Quốc vừa hoàn tất cuộc tập trận Rồng Vàng 2024 diễn ra từ ngày 16-27/5. Bên cạnh nội dung tập trận lục quân như mọi năm, sự kiện năm nay đáng chú ý vì lần đầu bao gồm thêm chương trình về hải quân (diễn ra tại khu vực biển gần cảng Sihanoukville). Có tổng cộng 14 tàu hải quân đã tham gia cuộc tập trận năm nay, trong đó Trung Quốc gửi đến ba chiếc (hai tàu hộ tống và một tàu đổ bộ). Với ba chiếc tàu kể trên, kết hợp với hai chiếc neo đậu ở cảng Ream, Trung Quốc đã bố trí cùng lúc năm tàu hải quân xuất hiện ở vùng biển phía Nam Campuchia.  

Bên cạnh sự gắn kết về kinh tế và quốc phòng, lý do quan trọng khác khiến chính phủ Hun Manet không muốn (hoặc không thể) giảm mức độ quan hệ (hay phụ thuộc) với Trung Quốc là vai trò của ông Hun Sen. Trong suốt nhiệm kỳ của mình, ông Hun Sen đã không ngừng củng cố lòng tin chính trị với Trung Quốc, thể hiện rõ ràng nhất qua việc chuyển từ gọi Bắc Kinh là "ác quỷ" (evil) hồi năm 1988 sang "sắt son" kể từ năm 2016. Đến nay, khi không còn là Thủ tướng, ông Hun Sen - với chức vụ Chủ tịch Thượng viện - vẫn có quyền lực gần như là tối cao, có thể tham gia gián tiếp hoặc can thiệp trực tiếp vào việc vận hành đất nước của Thủ tướng Hun Manet. Quyền lực ấy được thể hiện rõ nét qua những phát ngôn liên quan đến kênh đào Funan Techo thời gian gần đây, cho thấy ông Hun Sen mới chính là người đại diện đưa ra quan điểm của Campuchia. Chẳng hạn, ông Hun Sen - hôm 26/4 - khẳng định rằng Phnom Penh sẽ không đàm phán với Việt Nam về dự án trên, đồng thời nhấn mạnh lý do ông công khai vấn đề này là vì lãnh đạo Việt Nam đã không ngăn cản quan chức cấp dưới công kích Campuchia.

Do đó, với ba gọng kìm, bao gồm hợp tác kinh tế, quan hệ quốc phòng, cùng vai trò chi phối của ông Hun Sen, việc chính phủ Hun Manet duy trì và ngày càng củng cố quan hệ "sắt son" đến "mức độ không thể phá vỡ" với Trung Quốc là lẽ dĩ nhiên, không có gì phải bàn cãi.

Campuchia sẽ còn thắt chặt quan hệ với Trung Quốc !

Trong bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc lần thứ 78 vào ngày 22/9/2023, Thủ tướng Hun Manet khẳng định Campuchia phấn đấu "chuyển đổi từ vị thế quốc gia kém phát triển sang quốc gia đang phát triển vào năm 2027 (transitioning from Least Developed to Developing Country status in 2027), hướng tới mục tiêu "trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành quốc gia có thu nhập cao với sức bật tốt, năng động và thịnh vượng vào năm 2050" (becoming an upper-middle-income country by 2030 and a resilient, vibrant and prosperous high-income country by 2050). Với tầm nhìn dài hạn kể trên, "Campuchia còn rất nhiều việc phải làm" (theo lời ông Hun Manet) để đạt được các cột mốc đề ra. Đây chính là dư địa tiềm năng để mối quan hệ kinh tế giữa Campuchia và Trung Quốc ngày càng được mở rộng, trước hết là trong lĩnh vực công nghiệp và nông nghiệp. 

Cùng với đó, theo yêu cầu từ phía Campuchia, Trung Quốc đã cho phép Phnom Penh đặt tên một con đường vành đai tại thủ đô là "Đại lộ Tập Cận Bình" kể từ ngày 28/5 vừa qua. Đây là con đường dài 48km, trị giá 273 triệu USD, do Tập đoàn Xây dựng Thượng Hải phụ trách, khởi công vào tháng 1/2019 và hoàn thành hồi tháng 8/2023. Theo ông Hun Manet, quyết định đặt tên đường nhằm cảm ơn ông Tập vì "đóng góp mang tính lịch sử" (historic contribution) của ông cho sự phát triển của Campuchia. Hơn nữa, vị Thủ tướng khẳng định "Mối quan hệ giữa Campuchia và Trung Quốc có lịch sử lâu dài và phát triển đến mức không thể tách rời. Mối quan hệ này xứng đáng với những giá trị của sự tin cậy lẫn nhau, đặc biệt là niềm tin chính trị" (The relationship between Cambodia and China has a long history and has grown to an inseparable level. This relationship is worthy of the values of mutual trust, especially political trust). Động thái mang tính biểu tượng đặc biệt kể trên, cùng với những phát biểu của ông Hun Manet báo hiệu sự gắn kết giữa Bắc Kinh và Phnom Penh sẽ còn tiếp tục.

Không chỉ ở cấp chính phủ, vai trò và sự hiện diện của Trung Quốc dường như đã ăn sâu vào suy nghĩ của người dân và giới tinh hoa Campuchia. Điều này được phản ánh qua khảo sát năm 2024  của Viện ISEAS-Yusof Ishak (có trụ sở tại Singapore) về quan điểm từ người dân các quốc gia ASEAN đối với một số quốc gia trong khu vực. Với câu hỏi đâu là quốc gia/tổ chức có sức ảnh hưởng kinh tế lớn nhất ở khu vực Đông Nam Á (Q1), có đến 59,8% người dân Campuchia chọn Trung Quốc, trong khi lựa chọn lớn thứ hai là Mỹ chỉ chiếm 20,1% (khoảng 1/3 so với Trung Quốc). Cũng tương tự với câu hỏi Q1 nhưng bàn về ảnh hưởng chiến lược và chính trị, vẫn có rất đông người dân Campuchia chọn Trung Quốc (53,4%), và Mỹ tiếp tục đứng thứ hai với 20,1%. Kết quả của khảo sát này mang lại nhiều hàm ý về sự "bám rễ" của Trung Quốc ở Campuchia, từ sức ảnh hưởng chính trị - ngoại giao cho đến sự hiện diện của các dự án kinh tế.

Như vậy, sự đồng lòng về "góc nhìn" đối với Trung Quốc của cả chính phủ và người dân Campuchia càng củng cố niềm tin về sự tiến xa hơn nữa của quan hệ Bắc Kinh - Phnom Penh. Cùng với đó, các yếu tố khác như kinh tế, quốc phòng cũng như vai trò và ảnh hưởng của ông Hun Sen càng làm bệ phóng để chính phủ Hun Manet không ngừng gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc. Thế mới thấy, câu nói  "Nếu không dựa vào Trung Quốc thì tôi sẽ dựa vào ai ?" (If I don’t rely on China, who will I rely on) của ông Hun Sen từ năm 2021 vẫn còn nguyên giá trị.

Vũ Bằng

Nguồn : Vietnam Strategic Forrum, 05/06/2024

Additional Info

  • Author Vũ Bằng
Published in Diễn đàn