Ông Nguyễn Phú Trọng đang chơi ngón bài gì với Nhà nước Đức xung quanh vụ "xét xử Trịnh Xuân Thanh" và "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" ? Liệu người Đức có thể tin vào những lời hứa hẹn hoặc cam kết (nếu có) của ông Trọng, trong khi vẫn còn tồn kho quá nhiều bài học chính thể Việt Nam nuốt lời với quốc tế ?
Trịnh Xuân Thanh trên báo Đức, Suedeutsche Zeitung.
Hiếm muộn kết quả đàm phán
Chỉ còn ít ngày nữa sẽ đến tháng Giêng năm 2018 - thời gian mà Tổng bí thư Trọng đã xác quyết sẽ đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa để "làm thịt". Lịch xử có vẻ được cố định khi mới đây theo trang Thoibao.de ở Đức, bà Schlagenhauf - luật sư ở Đức của Trịnh Xuân Thanh - cho biết phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh có lẽ sẽ diễn ra vào ngày 10/01/2018.
Trong bối cảnh ông Trọng dường như không e ngại đưa Trịnh Xuân Thanh ra xử bất chấp phản ứng từ phía Đức hay bất chấp việc ông Trọng có thể đã có một vài cam kết gì đó với Berlin, một thực tế trần trụi là các cuộc đàm phán Đức - Việt về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" - kéo dài suốt từ tháng Tám năm 2017 đến nay - vẫn chỉ đạt được rất ít kết quả.
Kết quả đàm phán quá hiếm muộn như thế đã khiến nảy sinh một loạt kết quả khác mà Hà Nội không hề mong muốn : vào tháng 11/2017, một sự kiện trao đổi chuyên môn giữa Đức với Việt Nam về thông tin, biện pháp phòng thủ đối với các loại vũ khí nguyên tử, sinh học, hóa học (ABC-Abwehr) dự kiến diễn ra ở Đức đã bị hủy bỏ với lý do từ phía Việt Nam là phái đoàn Việt Nam bị chậm trễ trong việc xin visa nhập cảnh vào Đức, nhưng lý do thực chất hơn nhiều là một hậu quả trực tiếp từ biện pháp của Đức hủy bỏ hiệp định giữa hai nước về việc miễn visa cho hộ chiếu ngoại giao Việt Nam do vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh gây ra.
Cũng theo Thoibao.de, kể từ khi Chính phủ Đức tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam vào tháng 9/2017, nhiều cuộc thăm viếng của lãnh đạo cấp cao hai nước liên tục bị hủy bỏ với những ngôn từ rất ngoại giao như "chậm trễ, chờ xác minh…". Thống đốc một bang lớn của Đức cho biết : "Chúng tôi nhận được thông báo từ Chính phủ Liên bang, tạm thời dừng tất cả các chương trình mới với Việt Nam, nên chuyến đi vào tháng 12.2017 tới TP.HCM để gặp gỡ Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân, thăm Ngôi nhà Đức và tìm hiểu cơ hội đầu tư ở một số tỉnh của Việt Nam bị hủy bỏ".
Trong cuộc gặp với một doanh nghiệp lớn của người Việt tại Đức, chuyên tư vấn đầu tư tại Việt Nam trần tình : "Các doanh nghiệp Đức khi bắt đầu dự án đầu tư về Việt Nam thường thông qua Ngân hàng Tái thiết Đức (KFW), để họ xét duyệt và cấp khoản tín dụng cho việc thực hiện bước đầu của dự án, nhưng giờ đây quan hệ hai nước trở nên căng thẳng sau vụ ông Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc ở Berlin. Ngân hàng cũng dừng cấp tín dụng đầu tư mới ở Việt Nam, các dự án đã được chuẩn bị từ lâu giờ đây không thể triển khai, thiệt hại rất lớn"…
Chỉ trả Thanh sau khi xử ?
Có lẽ một kết quả hiếm hoi đạt được trong quá trình đàm phán Đức - Việt là Việt Nam "phá lệ" khi cho đại diện Đức tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh.
Vào ngày 16/12/2017, Thoibao.de đã cho biết theo nguồn tin từ Quốc hội Đức, một vị nghị sĩ của đảng cầm quyền Liên minh dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) sẽ sang Việt Nam vào đầu tháng 1.2018 trong dịp mở phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh, và một nữ nghị sĩ của Đảng Cánh tả (Die Linke) cũng đang cân nhắc cùng đi.
Cần nhắc lại, yêu cầu để đại diện Đức dự phiên tòa xét xử Trịnh Xuân Thanh là một trong những điều kiện mà phía Đức nêu ra trong các cuộc đàm phán song phương Đức - Việt từ tháng Tám năm 2017 đến nay. Tuy nhiên cho đến tháng Mười năm 2017, vẫn không có dấu hiệu gì cho thấy Việt Nam chấp nhận yêu cầu này.
Chỉ đến ngày 25/11/2017, trong một cuộc họp Ban chỉ đạo Phòng chống tham nhũng trung ương, Tổng bí thư Trọng đã bất ngờ thông báo công khai đưa Trịnh Xuân Thanh ra tòa vào tháng Giêng năm 2018. Dường như vào lúc đó, ông Trọng đã nắm được một ý tứ nào đó từ phía Đức, rằng người Đức sẽ không phản ứng đối với quyết định của ông, trên cơ sở người Đức đã có thể tạm hài lòng với những lời hứa hẹn (nếu có) của ông.
Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm "xử lý nội bộ", vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động Châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.
Nếu có thể so sánh, cần chú ý rằng từ trước đến nay chính quyền Việt Nam hầu như không chấp nhận cho đại diện của Hoa Kỳ và Phái đoàn Liên minh Châu Âu tham dự và quan sát những phiên tòa Việt Nam xử án người bất đồng chính kiến và các nhà hoạt động nhân quyền. Trước đây, một số nghị sĩ Đức đã bị Việt Nam từ chối cho tham dự phiên tòa xử blogger Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh. Gần đây nhất, Việt Nam đã từ chối yêu cầu của Phái đoàn Liên minh Châu Âu tham dự phiên tòa xử blogger nhân quyền Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh.
Một khả năng đang dần lộ rõ là nhằm vớt vát thể diện trước người Đức, phục hồi quan hệ đối tác chiến lược với nước này và quan trọng không kém là nhằm vận động quốc hội các nước Châu Âu bỏ phiếu thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu (EVFTA), Tổng bí thư Trọng đã tìm cách "cam kết" với Đức, mà cụ thể ngay trước mắt là đồng ý để Đức cử đại diện tham dự phiên tòa xử Trịnh Xuân Thanh như một biểu hiện của "nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa".
Theo đó, có khả năng Việt Nam sẽ trả Trịnh Xuân Thanh cho Đức sau khi xử án Thanh và sau khi Thanh làm nhân chứng trong vụ xử Đinh La Thăng. Khả năng này ngày càng có cơ sở, song trùng với một khả năng khác là Trịnh Xuân Thanh có thể đã "khai sạch" trong trại giam, có thể đã được cho đối chứng với Đinh La Thăng và nhiều nhân vật khác, và trong thực tế Thanh sắp hết "giá trị sử dụng".
Vừa khai thác triệt để Trịnh Xuân Thanh nhằm "xử lý nội bộ", vừa cù cưa, câu kéo vụ Trịnh Xuân Thanh để vận động Châu Âu sớm thông qua EVFTA có thể đang là chiến thuật được Tổng bí thư Trọng tâm đắc.
Câu hỏi còn lại là nếu có hứa hẹn với Đức, liệu ông Trọng có giữ lời, trong khi còn quá nhiều bài học Việt Nam nuốt lời với quốc tế ?
Tình trạng phía Đức vẫn căng thẳng với Việt Nam cho thấy đàm phán Đức- Việt về vụ "bắt cóc Trịnh Xuân Thanh" còn kéo dài và sẽ tác động mạnh đến việc kéo dài xem xét EVFTA tại Quốc hội Liên minh Châu Âu.
Còn thái độ của Quốc hội Liên minh Châu Âu thì thế nào ?
Cứng rắn hơn hẳn
Chưa đầy nửa tháng sau cuộc đối thoại nhân quyền giữa Liên minh Châu Âu (EU) với Việt Nam vào ngày 1/12/2017 tại Hà Nội, Quốc hội Châu Âu đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn lên với EVFTA và đặt giới chóp bu Việt Nam vào thế ngày càng khó mơ tưởng đến hiệp định này.
Ngày 14/12/2017 - có thể xem là thời điểm ngay sau khi kết thúc Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam với kết quả tồi tệ, Quốc hội Liên minh Châu Âu đã thông qua một nghị quyết khẩn cấp, được thông qua bởi đa số các nghị sĩ trong phiên họp toàn thể nghị viện ở thành phố Strasbourg, lên án chính phủ Việt Nam về các hành động đàn áp tự do thông tin, và yêu cầu Việt Nam phải trả tự do cho toàn bộ các nhà báo công dân. Nghị quyết này cho rằng những hành động sách nhiễu về thể xác và tâm lý cũng như các biện pháp giám sát ngang nhiên và sách nhiễu các luật sư, người thân và người chủ công ty của các bloggers đã vẽ lên một bức tranh đáng lên án ở Việt Nam…
Đáng chú ý, văn bản của Quốc hội EU thể hiện bằng hình thức "nghị quyết khẩn cấp", tức ở cấp độ quan trọng về quyết tâm cho những yêu cầu và đòi hỏi đối với chính quyền Việt Nam. Đây là lần thứ hai trong hai năm liên tiếp, Quốc hội EU ban hành nghị quyết về nhân quyền Việt Nam.
Vào tháng 6/2016, Nghị viện Châu Âu đã tung ra một bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam, mang số hiệu 2016/2755 (RSP). Khác với bản nghị quyết gần nhất về nhân quyền cũng của tổ chức này vào năm 2009 được coi là khá mềm mỏng, bản nghị quyết năm 2016 được một số nhà đấu tranh đánh giá có tính cách như một bản cáo trạng, lời lẽ đanh thép và đề cập đến hầu hết các vấn nạn nhân quyền bị xâm hại ở Việt Nam như tự do tôn giáo, tự do báo chí, tự do biểu tình, tự do hội họp…, và về nhiều người bất đồng bị chính quyền bắt giam.
Cũng từ tháng 6/2016, đã xuất hiện những dấu hiệu cho thấy người Mỹ tập trung "đối tác quân sự" với Việt Nam trên căn bản vấn đề Biển Đông, còn nhân quyền được Mỹ "chuyển giao" cho nghị viện Châu Âu để tiến hành thường xuyên những cuộc đối thoại nhân quyền với chính quyền Việt Nam, và hơn thế nữa là hỗ trợ Xã hội dân sự ở Việt Nam.
Kết quả hầu như là con số 0 của Đối thoại nhân quyền EU - Việt Nam vào tháng 12/2017 cùng bản nghị quyết đầy sắc thái cứng rắn của Quốc hội EU trong cùng tháng đã cho thấy Châu Âu không còn chấp nhận tư thế dễ bị "ăn hiếp" bởi giới chóp bu Việt Nam quá quen mặc cả nhân quyền đổi lấy lợi ích thương mại, đồng thời dựng lên một bức tường đủ cao trước Hà Nội nếu muốn đạt được EVFTA.
Sau khi TPP đổ vỡ lần đầu vào đầu năm 2017 do Mỹ chính thức rút khỏi hiệp định này, chính thể Việt Nam chỉ còn EVFTA là hiệp định thương mại mang lại lợi lộc nhiều nhất ứng với đà xuất siêu của Việt Nam sang Châu Âu lên đến 25 tỷ USD mỗi năm - gần bằng giá trị nhập siêu lên đến 30 tỷ USD hàng năm (chỉ tính theo đường chính ngạch, chưa kể khoảng 20 tỷ USD nhập siêu theo đường tiểu ngạch) của Việt Nam từ Trung Quốc.
EVFTA, mặc dù đã được hoàn tất đàm phán từ cuối năm 2015, nhưng còn phải trải qua thủ tục ký và bỏ phiếu, phê chuẩn ở nghị viện các nước Châu Âu. Có đến 27 nước như vậy, mà chỉ cần một nước không đồng ý thì EVFTA coi như không thành và Việt Nam cũng "mất cả chì lẫn chài".
Ngay trước mắt, Đức là nước đang có nhiều lý do đủ thuyết phục nhất để bỏ phiếu phủ quyết đối với EVFTA.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 21/12/2017
Chỉ mấy ngày sau khi tổng bí thư Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào quý 1 năm 2018, những tờ báo lớn ở Đức và truyền hình Đức ngay lập tức đưa những bài báo và phóng sự truyền hình về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Phim phóng sự của đài truyền hình ARD, Đức, ngày 06/12/20147
Lần này báo chí và truyền hình Đức đưa ra nhiều thông tin mới về hoạt động của đội mật vụ Việt Nam khi bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Đặc biệt họ chỉ rõ trung tướng Đường Minh Hưng, phó tổng cục trưởng Tổng cục an ninh 1, ủy viên ban chỉ đạo phòng chống khủng bố Bộ công an.
Theo những thông tin phía Đức đưa ra, trung tướng Đường Minh Hưng đã bay sang Berlin và ở khách sạn Hotel Berlin, cách khách sạn Sheraton mà Trịnh Xuân Thanh trú có 100 mét. Tại khách sạn Hotel Berlin trung tướng Đường Minh Hưng chuyên ngành chống khủng bố của Việt Nam đã dùng chuyên môn của mình để thực hiện một hành động mà nước Đức gọi là khủng bố khi chỉ đạo bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Nhiều quốc gia trên thế giới đã hợp tác và đào tạo cho bộ công an Việt Nam trong chương trình chống khủng bố, trong chương trình này họ cung cấp cho công an Việt Nam kinh nghiệm, kỹ năng cũng như viện trợ các thiết bị để chống khủng bố.
Bộ công an Việt Nam trong nhiều năm qua, lợi dụng chương trình trên, để sử dụng triệt tiêu những tổ chức, nhóm bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Trung tướng Đường Minh Hưng trước kia giữ chức cục trưởng A67 từ năm 2007 đến năm 2013, một cục khét tiếng đối với những người bất đồng chính kiến ở Việt Nam. Nhờ vào những thành tích bắt nhóm Lê Công Định , Trần Huỳnh Duy Thức và nhóm Câu Lạc Bộ nhà báo tự do Nguyễn Văn Hải, Tạ Phong Tần, vụ thanh niên Công giáo Vinh và nhiều vụ khác... đại tá Đường Minh Hưng được thăng cấp lên thiếu tướng rồi trung tướng và giữ các chức vụ như ngày nay.
Bộ công an Việt Nam lợi dụng chiêu bài chống khủng bố, đã cài đặt được một mạng lưới gián điệp Việt Nam khá rộng ở các nước, mạng lưới này còn có những cá nhân chui sâu trong hàng ngũ các tổ chức đấu tranh người Việt ở nước ngoài. Bởi thế hầu hết những hoạt động của những cá nhân, tổ chức bất đồng chính kiến trong nước nếu có liên quan đến tổ chức bên ngoài đều bị an ninh Việt Nam sớm phát hiện.
Vụ việc bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức do đích thân một lãnh đạo chống khủng bố như trung tướng Đường Minh Hưng thực hiện sẽ là một dấu hỏi lớn cho các nước đã từng hợp tác với Việt Nam trong chương trình chống khủng bố. Liệu từ đây trở đi, chính phủ các nước khi tiếp xúc làm việc với Bộ công an Việt Nam trong chương trình chống khủng bố, họ có cảnh giác nghĩ rằng sẽ có ngày chính những kẻ mình đào tạo, truyền kinh nghiệm chống khủng bố sẽ sử dụng những thứ đó để thực hiện hành vi khủng bố trên đất nước họ.
Đây là một cơ hội để các tổ chức đấu tranh ở hải ngoại soạn những bản kiến nghị, tố cáo công an Việt Nam lợi dụng chiêu bài chống khủng bố để đàn áp những người bất đồng chính kiến, cũng như sử dụng vào những việc bất chính tại các quốc gia khác như buôn lậu, buôn người và hành vi bắt cóc nói trên. Cần phải gửi tới những dân biểu các nước dân chủ phương Tây để họ đòi hỏi chính phủ nước họ phải rà soát, thẩm tra những công an Việt Nam được điều sang nước họ trong chương trình này, hoặc dừng cả chương trình để xem xét lại.
Ngày 22 tháng 12 năm 2015, đại tá Hà Minh Trân, cục phó Cục A67 phát biểu trong một buổi tập huấn về chống khủng bố tại Hà Nội rằng :
"Hoạt động khủng bố ở Việt Nam chưa xảy ra, nhưng đa phần các tổ chức khủng bố người Việt lưu vong ở nước ngoài đã có kế hoạch bắt cóc những cán bộ Việt Nam đi công tác tại nước ngoài nhằm gây áp lực với chính phủ Việt Nam".
Những gì ông đại tá Hà Minh Trân, cục phó cục chống khủng bố nói, chính là những điều mà cấp trên của ông trung tướng Đường Minh Hưng thực hiện.
Không có gì để chối cãi được, chính phủ Việt Nam đang lợi dụng chiêu bài chống khủng bố để thực hiện hành vi khủng bố của họ. Chính trong khi bịa ra giả thiết các tổ chức đấu tranh ở nước ngoài bắt cóc cán bộ cộng sản Việt Nam, họ đã tập tình huống bắt cóc những đối tượng họ muốn bắt ở nước ngoài. Xác định làm được điều này, Nguyễn Phú Trọng mới mạnh mồm tuyên bố Trịnh Xuân Thanh không trốn được đâu, thế nào cũng bắt được. Bởi Nguyễn Phú Trọng chắc chắn biết rằng mạng lưới của Cục A67 có thể bắt Trịnh Xuân Thanh dễ dàng bất cứ lúc nào. Nguyễn Phú Trọng đã đợi khi yêu cầu dẫn độ Trịnh Xuân Thanh do Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đức trong chuyến di G20 không được đáp ứng, lúc ấy mới quyết định bắt cóc Thanh về.
Giá như Việt Nam không đưa Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình đầu thú sớm, họ cứ lặng lẽ giam Trịnh Xuân Thanh một thời gian dài điều tra, ép tội, củng cố chứng cứ và đưa ra tòa, họ có sự chủ động đối phó với phản ứng của Đức hơn. Dường như ý định của những kẻ tổ chức bắt cóc cũng muốn như vậy. Nhưng có lẽ vì nôn nóng muốn tỏ ra cho thiên hạ biết là mình oai phong thế nào, nói và làm thế nào, Nguyễn Phú Trọng đã sai người đưa tin gây áp lực cho những kẻ bắt cóc buộc phải đưa Thanh lên tivi, để dư luận thấy rõ ràng quyền lực rất mạnh của Nguyễn Phú Trọng. Ngay sau tin Trịnh Xuân Thanh đưa lên truyền hình Việt Nam, Nguyễn Phú Trọng dương dương tự đắc phát biểu đầy đắc thắng.
Trọng không ngờ rằng, chính việc áp lực đưa Trịnh Xuân Thanh lên truyền hình sớm như vậy đã khiến cho quan hệ Việt Đức từ đối tác chiến lược trở thành mối quan hệ càng ngày càng tệ hại hơn.
Chẳng một đảng phái chống cộng nào, tổ chức khủng bố nào, chẳng một nhân vật bất đồng chính kiến nào ở Việt Nam và hải ngoại có thể nói một câu vu vơ ngắn gọn về Bắc Hà, khiến nền chứng khoán của cộng sản Việt Nam mất hàng tỷ USD, một câu nói vu vơ về Trịnh Xuân Thanh dẫn đến tan tành quan hệ Việt-Đức, nếu tính tiền của, công sức xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược này ra tiền, hẳn nó gấp hàng chục hay hàng trăm lần số tiền thất thoát ở PVC…
Trong thời buổi đen trắng khó lường, như kẻ chống khủng bố lại chính là kẻ khủng bố. Chuyện ai đó xây dựng nhưng hiệu quả ngược lại, là điều không thể loại trừ. Những hành động, phát ngôn của Trương Huy San, Đường Minh Hưng, Nguyễn Phú Trọng... biết đâu lại là những người có công lao lớn nhất trong việc làm suy yếu thể chế cộng sản này.
Tuy nhiên để hành động của các nhân vật trên được hiệu quả, các tổ chức nhân quyền, các tổ chức đấu tranh đừng quên việc gửi khiếu nại, tố cáo về hành vi lợi dụng chiêu bài chống khủng bố để thực hiện khủng bố của cộng sản Việt Nam qua vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Người Buôn Gió
Nguồn : fb.nguoibiongio1972, 09/12/2017
*********************
Những tiết lộ mới nhất về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Hiếu Bá Linh, 07/12/2017
Tối hôm thứ Năm ngày 06/12/2017 đài ARD, đài truyền hình có tầm vóc liên bang lớn nhất nước Đức đã tường thuật về vụ Trịnh Xuân Thanh trong chương trình Tagesthemen – chương trình thời sự đứng đầu nước Đức. Phim thời sự dài độ 4 phút, trong đó có những tiết lộ mới về vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh hồi 23/07/2017. Ngoài ra, tối cùng ngày trên trang web của đài ARD có đăng một bài viết về vụ Trịnh Xuân Thanh. Sau đây là những tiết lộ mới được tổng hợp từ phim thời sự và bài viết của đài ARD.
Chiếc xe bắt cóc bị nhân chứng chụp ảnh và ghi bảng số xe
Ngày 23 tháng 7 cảnh sát Berlin nhận được nhiều cú điện thoại gọi khẩn cấp, cú đầu tiện gọi vào lúc 10g48 giờ. Các khách bộ hành rất xúc động báo động cho cảnh sát biết, họ đã nhìn thấy tận mắt một người đàn ông và một cô gái trẻ đang bị đánh và kéo vào chiếc xe chuyên chở hiệu Volkswagen (VW) gần đài kỷ niệm Siegessäule. Bốn hoặc năm thủ phạm có vẻ là người Châu Á phóng xe chở nạn nhân đi mất. Đặc biệt, khách bộ hành ghi được bảng số xe và chụp ảnh chiếc xe chiếc VW Multivan.
Chiếc xe thứ nhất trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Multivan VW (Volkswagen) – biển số 2AB-3140
Nghi can Nguyễn Hải Long 46 tuổi ở Praha đã bị bắt tại Cộng hòa Séc và hôm 23/08/2017 bị dẫn độ về Đức, đúng một tháng sau ngày xảy ra vụ bắt cóc, vì chính ông Long đã đứng tên thuê chiếc xe Multivan VW và đích thân lái chiếc xe này đến Berlin. Nhưng trong ngày Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, ngày 23/07/2017, nhiều nhân chứng vẫn thấy ông Long làm việc tại cửa hàng của ông ở Praha thủ đô Cộng hòa Séc, ông Bùi Quang Hiếu chủ cho thuê xe cũng xác nhận điều này.
Chiếc xe thứ hai Limousine BMW X5 trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Ngoài chiếc xe 7 chỗ ngồi, hiệu Volkswagen (VW) của Đức, kiểu xe Multivan màu ánh bạc mà Trịnh Xuân Thanh bị cưỡng bức đẩy lên đó, còn có sự tham gia của một chiếc xe thứ hai là chiếc xe Limousine 5 chỗ ngồi, cũng mang biển số Cộng hòa Séc. Đài đài truyền hình ARD đã đưa tin về chiếc xe thứ hai này, đó là chiếc xe Limousine BMW X5.
Chiếc xe thứ hai tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh : Limousine BMW X5
Như vậy cả hai chiếc xe tham gia vụ bắt cóc đều là xe nhãn hiệu Đức : Volkswagen (VW) và BMW. Cả hai chiếc xe đều mang biển số Cộng hòa Séc và đều là xe thuê mướn.
Điểm đáng chú ý, chiếc xe thứ hai này cũng có gắn hệ thống định vị GPS chống trộm xe, cho nên toàn bộ lộ trình chiếc xe di chuyển đều được lưu trữ lại qua hệ thống định vị GPS. Nhờ vào đó mà các cơ quan điều tra của Đức có thể xác định chính xác địa điểm, ngày giờ đúng từng giây, và hành trình di chuyển của chiếc xe.
Lần đầu tiên vợ của Trịnh Xuân Thanh lên tiếng trước báo chí truyền thông
Vào đầu năm 2016, phe cứng rắn của Đảng cộng sản Việt Nam dành lại quyền lực và loại bỏ nhóm gọi là "những nhà Tư bản" như họ Trịnh. Nhóm lãnh đạo mới buộc tội ông ta tham nhũng. Sau khi họ Trịnh trốn sang Đức xin tị nạn, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tuyên bố "sẽ bắt Trịnh Xuân Thanh cho bằng được".
Khi nguyên thủ các nước dự họp G20 tại Hamburg vào tháng 7 vừa qua, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã ngỏ lời với bà Angela Merkel về việc dẫn độ ông Trịnh Xuân Thanh. Nhưng nước Đức không đồng ý về đề nghị này, không thể dẫn độ một người về một nước mà vẫn còn áp dụng án tử hình.
Ngày hôm nay (06/12/2017) vợ của ông Trịnh Xuân Thanh phát biểu "Chúng tôi nghĩ rằng, ở Berlin chúng tôi rất an toàn", bà nói thêm "Chồng tôi thường nói với tôi, nếu có kẻ nào từ Việt Nam sang đây đe dọa hoặc bức hại chúng tôi, thì họ sẽ bị Đức trừng phạt nghiêm khắc".
Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin là trung tâm chỉ huy của đội đặc vụ bắt cóc đến từ Việt Nam
Chính phủ Cộng hòa liên bang Đức đã tỏ ra phẫn nộ về vụ bắt cóc và gọi đó là "một sự phá hoại pháp luật không thể chấp nhận được". Bộ Ngoại giao Đức đã trục xuất hai nhân viên ngoại giao của Đại sứ quán Việt Nam. Riêng Việt Nam đến hôm nay vẫn phủ nhận có liên quan đến vụ việc. Tuy nhiên, cuộc điều tra của cảnh sát Berlin cho thấy vụ bắt cóc này là do mật vụ Việt Nam và Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tổ chức từ đầu đến cuối – một vụ gián điệp như thời chiến tranh lạnh lại xảy ra giữa Berlin ngày nay.
Theo sưu tra của đài NDR, WDR và nhật báo Süddeutsche Zeitung, thì điều tra của cảnh sát đã cũng cố thêm mối nghi ngờ, Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin là trung tâm chỉ huy của đội đặc vụ bắt cóc đến từ Việt Nam.
Trung tướng Đường Minh Hưng bay sang Berlin trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc
Theo những thông tin của đài NDR, WDR và nhật báo Süddeutscher Zeitung, một tuần trước khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh xảy ra, Trung tướng Đường Minh Hưng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục an ninh, Bộ công an đã đích thân bay sang Berlin cùng với 2 mật vụ ; cả 3 cùng trú ngụ tại khách sạn "Hotel Berlin, Berlin" để chuẩn bị bố trí theo dõi Trịnh Xuân Thanh ở qua đêm với người tình trong khách sạn Sheraton cách đó khoảng 100 mét.
Trung tướng Đường Minh Hưng, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Bộ Công an. Ảnh : internet
Ảnh chụp màn hình phim thời sự của đài truyền hình ARD : Khách sạn "Hotel Berlin, Berlin" nơi Trung tướng Đường Minh Hưng cùng với 2 mật vụ theo dõi Trịnh Xuân Thanh ở khách sạn Sheraton gần đó.
Đại tá tình báo Nguyễn Đức Thoa bị máy quay phim của khách sạn thu hình
Ngay sau đó những nhân viên mật vụ Việt Nam ở Praha - Thủ đô Cộng hòa Séc- đã thuê mướn một chiếc xe VW-Multivan và một chiếc xe BMW X5 để chạy đến Berlin. Đội đặc vụ từ Cộng hòa Séc cũng đóng quân tại khách sạn "Hotel Berlin, Berlin" và khách sạn "Sylter Hof" cách đó không xa.
Qua hình ảnh thu được từ những máy quay phim giám sát của khách sạn thì thấy Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin là đại tá Nguyễn Đức Thoa, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức đã đến khách sạn gặp nhóm đặc vụ bắt cóc.
Với bằng chứng đó, sau này phía Đức đã trục xuất đại tá Nguyễn Đức Thoa về Việt Nam.
Bí thư thứ nhất của Đại sứ quán Việt Nam Nguyễn Đức Thoa, đại tá tình báo, đại diện của tình báo Việt Nam tại Đức
Khách sạn Sylter Hof là một trong hai khách sạn mà đại tá Nguyễn Đức Thoa bị thu hình.
Cô gái 26 tuổi tên là D. bị sử dụng làm "chim mồi" trong vụ bắt cóc
Tại khách sạn "Hotel Berlin, Berlin" nhóm mật vụ cùng đợi một cô gái tên là D, 26 tuổi, từ Việt Nam qua, cô này đóng vai trò nhử mồi Trịnh Xuân Thanh. Cô là một cựu nhân viên của ông Thanh, nay là người yêu của ông ta và cô ta dường như không biết là đang bị theo dõi và bị sử dụng trong vụ bắt cóc này.
Bốn ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra, cô D. bay từ Việt Nam đến phi trường Tegel tại Berlin ngày 19/07/2017 và đi taxi đến khách sạn Sheraton. Nhờ vàohệ thống định vị GPS gắn trên xe BMW X5 và xe Taxi, cảnh sát điều tra biết được chiếc xe này đã theo sát chiếc Taxi chở cô về khách sạn.
Các nhân viên mật vụ ở khách sạn "Hotel Berlin, Berlin" đã âm thầm theo dõi Trịnh Xuân Thanh và người tình D. trú ngụ trong khách sạn Sheraton gần đó và chờ đợi đến lúc thuận lợi sẽ hành động. Và họ đã ra tay hành động vào buổi sáng chủ nhật khi Trịnh Xuân Thanh và D. từ khách sạn Sheraton đi bộ tới Vườn Thú (Tiergarten).
Ảnh chụp màn hình phim thời sự của đài truyền hình ARD : Quãng đường đi dạo buổi sáng của đôi tình nhân từ khách sạn Sheraton đến Vườn Thú (Tiergarten) và cả 2 đã bị bắt cóc tại đây.
Bản đồ vị trí 3 khách sạn : "Hotel Berlin, Berlin", "Sylber Hof" và "Sheraton" cũng như địa điểm xảy ra vụ bắt cóc và Sở cảnh sát hình sự Berlin LKA 1
Sở cảnh sát hình sự Berlin LKA 1 nằm gần khu vực hiện trường
Đặc biệt trớ trêu là Sở cảnh sát hình sự Berlin LKA 1 nằm gần khu vực hiện trường, chỉ cách khách sạn Sylber Hof vọn vẹn vài chục mét và đây chính là Sở cảnh sát hình sự được giao nhiệm vụ điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh.
Ảnh Sở cảnh sát hình sự Berlin LKA 1, nơi điều tra vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
Trịnh Xuân Thanh bị giam giữ trong Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin
Nhờ hệ thống định vị GPS gắn trên xe VW-Multivan nên cảnh sát điều tra biết được chính xác lộ trình của xe và xác định chính xác hành trình di chuyển đúng từng giây. Theo điều tra của cảnh sát, ngay sau khi bị bắt cóc, chiếc xe đã chở Trịnh Xuân Thanh từ công viên Vườn Thú (Tiergarten) về Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin và chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân suốt 5 tiếng đồng hồ.
Ảnh chụp màn hình phim thời sự của đài truyền hình ARD : Chiếc xe bắt cóc VW-Multivan màu xám bạc đã đổ xe trong sân Đại sứ quán Việt Nam ở Berlin suốt 5 tiếng đồng hồ.
Trong thời gian ở đại sứ quán, lúc đó một cô nhân viên của đại sứ quán đã gọi điện thoại đến một công ty du lịch ở Berlin và đặt mua ba vé máy bay về Việt Nam cho buổi tối cùng ngày 23/07/2017. Trên máy bay ngoài cô D. 26 tuổi còn có hai mật vụ đi kèm theo. Cô bị gẫy tay, nên khi về đến Hà Nội được đưa vào bệnh viện Việt Đức chữa trị dưới sự canh phòng của công an.
Riêng Trịnh Xuân Thanh dường như được đưa về Việt Nam qua ngã Moscow dưới hình thức một bệnh nhân nằm trên cán cứu thương. Ngày 3 tháng 8, mười ngày sau khi bị bắt cóc ở Berlin, Trịnh được đưa trình diện trên truyền hình nhà nước và nói ông đã tự nguyện về nước và ra đầu thú với cơ quan tư pháp. Ông ta có cơ bị tử hình bằng tiêm thuốc độc.
Một điều đáng chú ý, mà đài truyền hình ARD cũng nhấn mạnh "Rất nhiều dấu vết để lại cho nhân viên điều tra". Một trong số những dấu vết để lại là trường hợp 2 chiếc xe bắt cóc. Mặc dù phương án bắt cóc Trịnh Xuân Thanh được mật vụ Việt Nam chuẩn bị rất kỹ lưỡng, cân nhắc và tính toán từng chi tiết một và cử cả Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục an ninh, Trung tướng Đường Minh Hưng, bay sang Berlin trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc. Thế nhưng khi thuê xe thì cả hai xe đều đều trúng vào loại xe có trang bị hệ thống định vị GPS. Đây cũng là điều đáng ngạc nhiên. Do đó một câu hỏi được đặt ra, đội đặc nhiệm vô tình lơ đễnh bị lỗi lầm hoặc cố ý thuê cả 2 chiếc xe đều có gắn hệ thống định vị GPS ? Nếu cố tình thì ý đồ là gì ? Mục đích như thế nào ? Phục vụ cho ai, phe nhóm nào ?
Hiếu Bá Linh (tổng hợp)
____
Nguồn :
- Phim phóng sự của đài truyền hình ARD
- Bài viết về vụ Trịnh Xuân Thanh của đài truyền hình ARD
- Tiết lộ mới : Chiếc xe thứ hai Limousine BMW X5 trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh
- Trung tướng Đường Minh Hưng trực tiếp chỉ huy vụ bắt cóc ông Trịnh Xuân Thanh
Hôm 25/11/2017, truyền thông chính thức từ Việt Nam đưa tin Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã yêu cầu các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án này cùng vụ việc tại Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) liên quan Ngân hàng Đại dương (Ocean Bank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 và đầu quí một năm 2018.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo các cơ quan chức năng của Việt Nam 'tập trung' và 'khẩn trương' đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử.
"Tổng bí thư yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa các vụ án, đặc biệt là vụ án Trịnh Xuân Thanh và vụ góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) vào ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank) ra xét xử lần lượt trong năm 2017 tháng 1/2018 và đầu tháng 2/2018 theo đúng quy định của pháp luật", báo Tiền Phong cho hay.
"Theo đó, vụ án Trịnh Xuân Thanh gồm hai vụ có liên quan :
"Thứ nhất là vụ Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC).
"Thứ hai là vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác".
Bình luận về động thái này, từ Sài Gòn, Tiến sĩ kinh tế Phạm Chí Dũng, Chủ tịch Hội nhà báo Độc lập Việt Nam, nói :
"Với việc công khai công bố việc xử án Trịnh Xuân Thanh, nói theo một số đánh giá trước đây trong nội bộ, dường như ông Nguyễn Phú Trọng chấp nhận trả giá đối ngoại để giải quyết đối nội.
"Và như vậy không biết mối quan hệ đối với nhà nước Đức của Việt Nam trong thời gian tới sẽ như thế nào? Bởi vì chúng ta biết cho tới nay, thứ nhất vào tháng 10/2017, Đức đã tạm thời đình chỉ đối tác chiến lược với Việt Nam, vào tháng 11, Đức hủy bỏ quyền miễn trừ cán bộ ngoại giao Việt Nam trong việc đi công tác ở Đức.
"Có nghĩa là tất cả cán bộ ngoại giao Việt Nam đều phải xin visa nếu muốn đến Đức, thay vì trước đó không cần phải xin visa. Và cũng có một động thái là Châu Âu trong tháng 11 đã rút thẻ vàng đối với hàng hải sản của Việt Nam xuất khẩu sang Châu Âu và còn có thể còn các vụ việc khác nữa.
"Tôi tự hỏi là với việc công bố vụ án Trịnh Xuân Thanh thì ông Nguyễn Phú Trọng đang suy nghĩ gì ? Và ông có tiếp tục chấp nhận những hậu quả rất có thể xảy ra trong thời gian tới hay không ?
"Và theo những thông tin mà tôi biết được trong thời gian gần đây, thì cho tới nay Việt Nam hoàn toàn vẫn chưa có một động thái nào để thỏa mãn và đáp ứng những điều kiện, những yêu cầu và những đòi hỏi của phía Đức liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh", ông Phạm Chí Dũng nói với Bàn tròn điểm tin tức cuối tuần của BBC Tiếng Việt.
Quan hệ Việt - Đức từng ở mức được cho là 'nồng ấm' trước khi xảy ra vụ 'bắt cóc' Trịnh Xuân Thanh vi phạm nghiêm trọng chủ quyền CHLB Đức cũng như luật pháp Đức và EU.
Chạy đua với Đức và Châu Âu ?
"Thực ra việc ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tuyên bố ngày hôm nay về việc phải đưa vụ án Trịnh Xuân Thanh ra xét xử vào năm 2018, tức là khoảng tháng 2, tôi thấy có lẽ đây là việc mà ông ấy đang cố chạy đua với phía Đức và Châu Âu.
"Phía Đức họ đang truy nã đối tượng, người chủ mưu để đưa vụ việc này ra ánh sáng và càng ngày phía Đức càng có những bằng chứng cụ thể và điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến cộng đồng Việt Nam tại Đức cũng như các doanh nghiệp.
"Ví dụ vừa rồi một số lịch làm việc của các thống đốc của các bang của Đức đã được định trước sẽ về Việt Nam để làm việc về kết nối đầu tư, về hỗ trợ hợp tác phát triển, nhưng tất cả đều bị đình chỉ lại. Tức là họ đã phải từ chối những lịch đó, bởi vì họ phải đợi những quyết định của chính phủ liên bang trong thời gian tới.
"Điểm nữa là những hoạt động của cơ quan đại diện là Đại sứ quán Việt Nam hiện nay ở Đức là rất khó khăn và gần như là bị đóng băng đối với phía Đức vì gần như không một cơ quan nào ở Đức tiếp vị Đại sứ ở đây nữa. Bởi vì họ biết trong quá trình điều tra họ cũng phải tuân thủ pháp luật, tuân thủ cơ quan tổng công tố liên bang của Đức".
Và ông Lê Trung Khoa nói thêm : "Hiện nay quả thực Việt Nam trong hoàn cảnh này đang gặp những khó khăn rất lớn về công tác đối ngoại với Châu Âu và đặc biệt với Đức thông qua việc Viện công tố Liên bang Đức đã nói rằng đây là vụ bắt cóc và họ có đầy đủ bằng chứng, điều này sẽ dẫn đến những hậu quả rất nặng nề đối với kinh tế Việt Nam đặc biệt là hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang rất mong đợi sau khi hiệp định TPP đã bị Mỹ rút ra.
"Ông Nguyễn Phú Trọng trong phần nhiệm kỳ này đã cố gắng làm việc là đưa ông Trịnh Xuân Thanh ra xét xử, nhưng phía Đức vẫn luôn luôn yêu cầu và đòi hỏi là ông Trịnh Xuân Thanh phải được xét xử dưới một định chế pháp luật luật là nhà nước pháp quyền và có sự giám sát, tham dự của các phóng viên cũng như của quan sát quốc tế.
"Điều này thực ra là khó hơn việc trao trả ông Trịnh Xuân Thanh", vị khách mời Bàn tròn điểm tin cuối tuần từ Berlin phát biểu, trên quan điểm riêng.
Hôm 15/11, báo mạng VietnamNet từ Việt Nam cũng tường trình về động thái mới của nhà lãnh đạo đảng của Việt Nam, tờ báo viết :
"Hôm nay, tại Hà Nội, Thường trực Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã họp dưới sự chủ trì của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến về tiến độ, kết quả đạt được và những khó khăn, vướng mắc trong điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án, xác minh một số vụ việc thuộc diện Ban chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo".
Về 'phương hướng sắp tới', tờ báo mạng này cho biết thêm một số chi tiết :
"Thường trực Ban chỉ đạo thống nhất kế hoạch để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử 15 vụ án, 8 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm trong năm 2017 và quý I/2018.
"Trong đó yêu cầu các cơ quan chức năng phải tập trung, khẩn trương để đưa ra xét xử đúng quy định của pháp luật, các vụ án :
- Trịnh Xuân Thanh và đồng phạm phạm tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) ;
- Vụ án "Tham ô tài sản" xảy ra tại Công ty cổ phần Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam (PVP Land) liên quan đến Trịnh Xuân Thanh và một số đối tượng khác ;
- "Vụ án "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản" liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng thương mai cổ phần Đại dương (Oceanbank) (vụ án thuộc giai đoạn II vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm) ;
- Vụ án Phạm Công Danh và đồng phạm phạm tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại 4 Ngân hàng", vẫn theo tường thuật của tờ báo mạng từ Việt Nam
Nguồn : BBC, 25/11/2017
Vụ bắt cóc một người Việt đang tạm cư tại Đức là ông Trịnh Xuân Thanh đã gây ra một cuộc khủng hoảng ngoại giao lớn chưa từng có giữa Việt Nam và Đức.
"Chính phủ Đức đã đình chỉ Hiệp định [Việt – Đức] miễn visa cho tất cả những người mang hộ chiếu ngoại giao". Photo Courtesy : Thoibao.de
Sau khi yêu cầu của phía Đức đưa ra là Việt Nam cần trao trả Trịnh Xuân Thanh về Đức để Đức giải quyết theo đúng trình tự pháp luật, hoặc cho định cư hoặc trục xuất về Việt Nam… không được đáp ứng thì phía Đức đã có những hành động trừng phạt như : trục xuất hai cán bộ ngoại giao của tòa đại sứ Việt Nam tại Đức, đình chỉ quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức và mới đây nhất là việc hủy bỏ hiệp định Đức-Việt Nam về việc miễn trừ visa cho những người mang hộ chiếu ngoại giao Việt Nam vào Đức.
Đức là đầu tàu của Liên Minh Châu Âu (EU) vì thế khủng hoảng Việt Nam-Đức sẽ kéo theo cả EU. Mới đây EU đã rút thẻ vàng đối với ngành hải sản Việt Nam. Trong 6 tháng nếu Việt Nam không khắc phục và giám sát được việc khai thác hải sản trái phép thì EU có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt như cấm nhập khẩu các mặt hàng hải sản từ Việt Nam. Hiệp định thương mại Việt Nam-EU cũng đang đứng trước nguy cơ đổ bể nếu quốc hội Đức không phê chuẩn.
Thị trường Mỹ, EU và Nhật là những thị trường tiềm năng không chỉ Việt Nam mong muốn được xâm nhập mà còn là mong muốn của tất cả các quốc gia khác trên thế giới. Trong việc trao đổi, mua bán hàng hóa thì người mua bao giờ cũng quan trọng và có ảnh hưởng hơn là người bán. Với một tổng thống Mỹ khó lường là Donald Trump thì ngay cả Trung Quốc cũng phải lo lắng vì sợ Mỹ hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc để cân bằng cán cân mậu dịch giữa hai nước. Tập Cận Bình đã đón tiếp Trump vô cùng hoành tráng tại Bắc Kinh cộng với một đơn dài đặt mua hàng Mỹ lên tới hơn 250 tỉ USD trong chuyến viếng thăm của Trump đến Trung Quốc trước khi sang Việt Nam dự APEC 2017… là cũng vì thế.
Việt Nam xuất siêu vào Mỹ hơn 30 tỉ USD mỗi năm, tuy chỉ bằng chưa đến 1/10 của Trung Quốc nhưng vẫn bị Trump đưa vào danh sách 16 nước xuất siêu vào Mỹ và cần có biện pháp chế tài. Trong 16 nước đó hầu hết là đồng minh của Mỹ, chỉ có mỗi hai nước không là đồng minh đó là Trung Quốc và Việt Nam. Trung Quốc có thị trường khổng lồ hơn 1,5 tỉ dân và một "nghệ thuật đàm phán" nhiều chiêu trò nên Trump khó lòng ra tay nhưng Việt Nam thì không có lợi thế gì ngoài vị trí địa chính trị.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó thì Hiệp định thương mại Việt Nam-EU (mà Việt Nam đã trông chờ nhiều năm qua) có thể là một lối thoát hiểm cho nền kinh tế đang bế tắc của Việt Nam. Vụ Trịnh Xuân Thanh đã giáng một đòn mạnh vào Hiệp định này nhưng sự việc không dừng lại ở đó. Một vụ việc khác, không kém nghiêm trọng đã xảy ra ngay trước phiên Đối thoại Nhân quyền thường niên giữa EU và Việt Nam. Ba nhà hoạt động xã hội dân sự Việt Nam là ông Nguyễn Quang A, bà Bùi Thị Minh Hằng và Phạm Đoan Trang đã bị công an Việt nam bắt giữ và câu lưu nhiều tiếng đồng hồ. Họ là những người vừa rời cuộc họp với đại diện của EU với mục đích tham vấn về các nhà hoạt động và các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam.
Ngay sau khi ba nhà hoạt động được trả tự do (dù nhiều tài sản cá nhân như điện thoại và máy vi tính vẫn còn bị công an thu giữ trái phép) thì các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam đã ra thông báo "cực lực lên án việc an ninh Việt Nam bắt cóc và câu lưu các nhà hoạt động Phạm Đoan Trang, Nguyễn Quang A, và Bùi Thị Minh Hằng ngày 16/11/2017 vừa qua" (1).
Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên hoàn toàn ủng hộ bản tuyên bố của các tổ chức xã hội dân sự Việt Nam. Chúng tôi đồng ý với nhận định của bản tuyên bố rằng :
"Những hành động này hoàn toàn trái pháp luật hiện hành của Việt Nam, trái với các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam đã phê chuẩn, và trái với các cam kết quốc tế khác về nhân quyền của Việt Nam".
Vụ câu lưu ba nhà hoạt động xã hội dân sự trên cho chúng ta thấy được ít nhất hai điều.
1. Đảng cộng sản Việt Nam đã phân rã và chia rẽ gay gắt. Ban lãnh đạo đảng không còn là một khối thống nhất để có thể đưa ra các quyết định quan trọng cho mọi chính sách, từ đối nội đến đối ngoại. Vụ Trịnh Xuân Thanh nghiêm trọng là thế nhưng không một ai trong ban lãnh đạo đảng đứng ra nhận trách nhiệm, hay chỉ đạo khắc phục hậu quả. Rồi vụ bắt giữ các nhà hoạt động dân sự lại tiếp tục như là một sự khiêu khích và thách thức đối với EU và thế giới tự do.
2. Sự lộng hành ngày càng quá đáng của Bộ công an. Trong khi ông Nguyễn Xuân Phúc ra sức chèo kéo và cố gây ảnh hưởng lên các cường quốc (nhiều lúc quá lố như các hành động thân mật quá trớn với lãnh đạo các nước Mỹ, Nhật, Canada... giữa rừng ống kính của các phóng viên trong tuần lễ APEC vừa qua tại Việt Nam) thì Bộ công an lại chặn bắt các nhà hoạt động là khách mời của EU. Hay việc mới đây khi chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc bảo sẽ bỏ hộ khẩu thì ngay ngày hôm sau Bộ công an bảo không, phải chờ đến năm 2020. Ông Nguyễn Xuân Phúc lo mất ăn mất ngủ nếu chính quyền Trump chế tài việc xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ thì Bộ công an yêu cầu "cấm cửa" các công ty của Mỹ như Facebook, Google, Viber... nếu họ không chịu đặt máy chủ tại Việt Nam.
Bức tranh nền kinh tế Việt Nam đang vô cùng ảm đạm. Hội nghị APEC đã kết thúc mà không có bất cứ một cam kết hỗ trợ, giúp đỡ hay cấp vốn ưu đãi nào dành cho Việt Nam. Mỗi năm Việt Nam phải cần tới từ 10 đến 12 tỉ USD để trả nợ nước ngoài. Số nợ thật sự của Việt Nam hiện nay đã đạt đến 431 tỉ USD, gấp hơn 2 lần GDP của Việt Nam chứ không phải 63% như chính quyền thông báo. Bộ máy tam trùng (đảng, chính phủ và mặt trận tổ quốc) với 11 triệu người ăn lương đang đối mặt với tình trạng hết tiền trả lương.
Thời gian dành cho Đảng cộng sản Việt Nam đã hết mà họ thì không muốn thay đổi. Đã đến lúc người dân Việt Nam và trí thức Việt Nam cần đi tìm và ủng hộ cho một giải pháp khác ngoài "giải pháp cộng sản". Ngay cả một nước nghèo khổ và lạc hậu ở Châu Phi là Zimbabwe cũng đã phế truất tổng thống tổng đương nhiệm để tìm một giải pháp mới cho đất nước họ. Chẳng lẽ người Việt Nam không bằng họ ?
Xin gửi đến độc giả những trích đoạn nói về xã hội dân sự dưới sự nhìn nhận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên trong Dự án chính trị Khai Sáng Kỷ Nguyên Thứ Hai.
Phần nói về năm đặc tính của một thể chế dân chủ đa nguyên, (phần ba) nói về xã hội dân sự như sau :
"Dân chủ đa nguyên đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Bên cạnh các chính đảng, các cộng đồng sắc tộc, địa phương và tôn giáo, các hiệp hội công dân tổ chức theo ngành nghề, quyền lợi, nhân sinh quan, sở nguyện, ưu tư, v.v. được hoạt động độc lập với chính quyền, được nhìn nhận một chỗ đứng trọng yếu, được có tiếng nói và ảnh hưởng trong sinh hoạt cũng như trong sự tiến hóa của xã hội. Nhà nước tự coi mình là có sứ mạng phục vụ xã hội dân sự chứ không khống chế xã hội dân sự, không định đoạt sinh hoạt thường ngày thay cho xã hội dân sự. Về mặt kinh tế, điều này có nghĩa là nền kinh tế quốc gia phải đặt nền tảng trên các xí nghiệp tư, khu vực quốc doanh phải được giới hạn ở mức tối thiểu và nếu không có thì càng hay. Một xã hội dân sự mạnh và đa dạng là bảo đảm nhất chắc chắn cho sự chuyển hóa thường trực, tự nhiên và liên tục của xã hội, tránh những xáo trộn đột ngột và đầy đổ vỡ của các cuộc cách mạng".
Phần V : Những định hướng lớn của mô thức Việt Nam viết :
"Tôn trọng và phát huy xã hội dân sự
Mọi quốc gia văn minh đều phải đặt nền tảng trên xã hội dân sự. Một trong những lý do chính khiến chúng ta tụt hậu bi đát so với các nước khác là sự thiếu vắng một xã hội dân sự đúng nghĩa. Xã hội dân sự là toàn thể các giáo hội, hiệp hội, câu lạc bộ, các tổ chức thiện nguyện, các nghiệp đoàn, hợp tác xã, công ty, doanh nghiệp. Nói chung, đó là tất cả các kết hợp của người dân, được thành lập ngoài chính quyền để cùng theo đuổi một số mục đích chung và không nhắm tranh giành quyền lực chính trị.
Ý niệm xã hội dân sự đã xuất hiện cùng một lúc với các xã hội văn minh; trong nhiều ngôn ngữ phương Tây cụm từ xã hội dân sự cũng có nghĩa là xã hội văn minh. Đó là những sợi dây chằng chịt gắn bó những con người với nhau và gắn bó con người với xã hội. Những sợi dây nối kết đan xen đó tạo ra sự phong phú và bền chắc của quốc gia. Các kết hợp công dân tạo thành xã hội dân sự cũng là những cái nôi cho ý kiến, sáng kiến và tiến bộ. Một xã hội dân sự mạnh bảo đảm các ý kiến mới được nảy sinh nhanh chóng, các mâu thuẫn được phát hiện và giải quyết kịp thời, xã hội không ngừng tiến hóa trong hòa bình và trật tự. Quan trọng hơn, một xã hội dân sự lành mạnh còn đem lại điều mà ta có thể gọi là phép mầu của sự kết hợp. Đó là hiệu ứng vượt trội, nghĩa là hiện tượng một kết hợp có thể làm nẩy sinh những đặc tính và khả năng hoàn toàn mới không hề có trong các thành tố cấu tạo. Thí dụ như sự kết hợp của các hạt cơ bản trong những điều kiện đặc biệt khác nhau đã tạo ra các nguyên tử; đến lượt các nguyên tử kết hợp với nhau tạo ra các phân tử, rồi các phân tử kết hợp với nhau làm nẩy sinh sự sống. Hay sự chuyển động phối hợp của các nơ-ron tạo ra tình cảm và ý kiến. Các chế độ độc tài, nhất là độc tài cộng sản, trong khi bóp nghẹt xã hội dân sự đã làm mất đi của các dân tộc khả năng vượt trội này. Có thể đây là lý do giải thích sự hơn hẳn của các xã hội dân chủ so với các chế độ độc tài.
Trong mô hình xã hội của dự án chính trị này, xã hội dân sự sẽ được trân trọng và khuyến khích, hơn thế nữa còn được giao phó một vai trò quan trọng là thực hiện liên đới xã hội, giúp đỡ và bênh vực những người yếu kém và thiếu may mắn.
Mọi kết hợp đều tạo ra sức mạnh. Sức mạnh của xã hội dân sự là sức mạnh tổng hợp, nhưng không bao giờ thống nhất, của các kết hợp công dân có khi cùng hướng với nhau, có khi biệt lập với nhau và cũng có khi đối chọi với nhau. Sức mạnh của xã hội dân sự từng lúc và từng cơ hội hòa nhập với nhà nước hay đối lập với nhà nước, nhưng lúc nào cũng ảnh hưởng trên nhà nước và không bao giờ có tham vọng tranh quyền với nhà nước bởi vì nó không có và không thể có tham vọng chính trị.
Xã hội dân sự đảm bảo sự năng động của xã hội và đồng thời cũng bảo đảm tự do, dân chủ, nhân quyền, ngăn chặn mọi ý đồ độc tài chuyên chính. Mọi chế độ độc tài bạo ngược đều nhắm trước hết tiêu diệt xã hội dân sự. Bản chất của các chế độ độc tài là dựa trên một thiểu số để khống chế một xã hội phân hóa. Các bạo quyền không cần dân chúng tin yêu mình mà chỉ cần người dân đừng gắn bó với nhau để không có sức đề kháng. Không gì thỏa mãn các tập đoàn độc tài hơn là sự thờ ơ và vô cảm của một quần chúng bất lực vì chia rẽ.
Triết lý của một chế độ dân chủ, trái lại, coi xã hội dân sự là thành tố áp đảo và nền tảng của quốc gia; vì thế vai trò của nhà nước là làm cho các kết hợp công dân ngày càng đông đảo, không ngừng tiến lên và mạnh lên để đóng góp tích cực cho sự phồn vinh của xã hội. Nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là công cụ của xã hội dân sự với sứ mệnh bảo đảm hoạt động lành mạnh của xã hội dân sự, để xã hội dân sự tạo hạnh phúc cho các công dân. Đó không phải là một sự từ nhiệm mà là một triết lý chính trị mới của một chính quyền đủ tự tin để đặt lòng tin vào các công dân. Trong quan hệ với xã hội dân sự, nhà nước dân chủ đa nguyên tự coi mình là người trọng tài, phối hợp và thể hiện những nguyện vọng của xã hội dân sự. Nhà nước phục vụ chứ không khống chế xã hội dân sự.
Sẽ không thể có một cản trở nào cho sự thành lập và phát triển của các kết hợp công dân. Đặc biệt các hiệp hội không có mục đích lợi nhuận sẽ chỉ cần khai báo sự thành lập chứ không cần giấy phép hoạt động. Các hiệp hội có mục đích văn hóa, xã hội còn có quyền đòi hỏi nhà nước giúp đỡ".
Việt Hoàng
(21/11/2017)
(1) https://thongluan2016.blogspot.com/2017/11/tuyen-bo-cua-cac-to-chuc-xhds-ve-viec.html