Chủ tịch quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân vừa tiến hành một chuyến công du Tây Âu để vận động cho EVFTA (Hiệp định thương mại tự do Châu Âu - Việt Nam). Những quan chức của EU (Liên minh Châu Âu) như Bruno Angelet và Bernd Lange bắt đầu hé lộ ‘có thể sẽ ký và phê chuẩn EVFTA vào mùa hè này’. Nhưng ngay vào lúc này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế…
Liệu EU có quá vồ vập ? - Ảnh minh họa
Quan điểm Bruno Angelet ?
Một trong những quan chức Châu Âu vẫn thường biểu thị sự nôn nóng về EVFTA được ký kết phê chuẩn càng sớm càng tốt, nhưng phát ngôn và hành động của ông lại không mấy quan tâm đến các điều kiện về cải thiện nhân quyền, là ông Bruno Angelet - Trưởng Đại diện Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Việt Nam.
Sau vụ EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn vào tháng 2 năm 2019 và trong bầu không khí toàn bộ giới chóp bu Việt Nam im như thóc, Bruno Angelet đột nhiên xuất hiện trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ (1) với những dự báo đáng chú ý :
"Vào cuối tháng 5/2019, chúng tôi sẽ liên lạc với Hội đồng Châu Âu. Hy vọng là vào cuối tháng 5/2019 hoặc đầu tháng 6/2019, Hội đồng Châu Âu sẽ đưa ra quyết định đồng ý cho bà, Ủy viên Thương mại EU Cecilia Malmström, đến Hà Nội để ký các hiệp định.
Sau đó, trong thời gian từ tháng 5 tới tháng 7/2019, bà Malmström sẽ đến Hà Nội để ký kết. Tiếp đến là đến sự phê chuẩn. Trước mắt hai bên phải ký kết các hiệp định đã, sau đó chúng tôi sẽ đệ trình các hiệp định đã ký kết cho Nghị viện Châu Âu thông qua.
Từ 23-26/5/2019 sẽ có bầu cử Nghị viện Châu Âu. Một Nghị viện mới sẽ được bầu ra và họ sẽ xem xét các hiệp định đó. Hy vọng là sau mùa hè hoặc đầu tháng 10/2019, Nghị viện mới sẽ thông qua các hiệp định. Theo tôi đoán thì Nghị viện mới sẽ xem xét các hiệp định ngay nhưng họ cũng cần thêm ít nhất một tháng trước khi phê chuẩn".
Cũng trong cuộc phỏng vấn này, dù nhận được câu hỏi "EU có cuộc đối thoại thường niên về nhân quyền với Việt Nam. Một số tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Việt Nam muốn EU xem xét vấn đề nhân quyền song song với EVFTA. Hai chủ đề này có gắn kết với nhau hay không ?", nhưng Bruno Angelet đã không trả lời trực tiếp vào vấn đề nhân quyền mà chỉ nói một cách chung chung - một biểu hiện mà cho dù được xem là người nói tiếng Việt khá sõi và am hiểu cả phong tục tập quán văn hóa của người Việt, Bruno Angelet vẫn có thể làm giảm đi giá trị của con người ông khi tìm cách né tránh một chủ đề mà ông biết chắc việc nói ra một cách thẳng thắn hay dù chỉ một nửa sự thật trần trụi sẽ khiến cho mối quan hệ giữa ông và giới quan chức cao cấp ở Hà Nội trở nên bất lợi và mất đi ‘hòa khí’.
Trong thực tế và theo nhiều nhà hoạt động nhân quyền, chẳng cần ngạc nhiên về cách trả lời như trên của Bruno Angelet, bởi thái độ đó lại logic với thói quen của Bruno khi ông rất ít khi gặp gỡ và chia sẻ với giới đấu tranh nhân quyền ở Việt Nam.
Đó là một thực tế đáng buồn nếu đối chiếu với các tiêu chuẩn dân chủ và nhân quyền của những quốc gia đi đầu trong khối EU. EVFTA đang tiếp cận Việt Nam, song trên tất cả là tương lai tung bay của ngọn cờ nhân quyền trong hiệp định này, nhưng dường như Phái đoàn Liên minh Châu Âu tại Hà Nội vẫn chẳng có một bước tiến đáng chú ý nào về những điều kiện nhân quyền cho Việt Nam mà Nghị viện Châu Âu đang ra công đòi hỏi.
Dự báo chủ quan hay Hà Nội lại ‘hứa cuội’ ?
Ngay sau cuộc đối thoại nhân quyền EU – Việt Nam vào tháng 3 năm 2019, một quan chức có trách nhiệm của EU là ông Umberto Gambini đã khẳng định "EVFTA phải chờ nghị viện mới của Châu Âu" sẽ tổ chức bầu lại vào tháng 5 năm 2019.
Khẳng định trên của Umberto Gambini khiến Việt Nam phải nhận thêm một cú sốc điếng người nữa và là dấu chấm hết cho hy vọng của Thủ tướng Phúc, Bộ Chính trị và chính thể độc đảng chỉ muốn ‘ăn sẵn’ khi ‘mong EU linh hoạt ký kết và phê chuẩn EVFTA trong quý 1 năm 2019’.
Tháng Ba năm 2019 - thời điểm mà trước đó được dự kiến Nghị viện Châu Âu sẽ họp xét thông qua hay không EVFTA - đã trôi qua mà chẳng thấy bóng dáng tăm hơi nào về cuộc họp đó. Đến lúc này, hầu như chắc chắn cuộc họp đó sẽ không thể diễn ra, bởi Nghị viện Châu Âu còn đang bận tối mặt mũi cho cuộc bầu cử nghị viện mới vào tháng 5 năm 2019 và cơn khủng hoảng Brexit chưa có lối ra.
Trong khi đó, người đứng đầu Ủy ban Thương mại Quốc tế của Quốc hội EU - một cơ quan tham mưu rất quan trọng về các hiệp định thương mại quốc tế và có vai trò quan trong không kém Hội đồng Châu Âu - là Bernd Lange, tuy được xem là ôn hòa, vào tháng Giêng năm 2019 đã phải phản ứng cứng rắn hiếm thấy : "Nếu không có tiến bộ nào về nhân quyền, và đặc biệt là quyền của người lao động, thì sẽ không có bất cứ hiệp định nào được Quốc Hội Châu Âu thông qua hết", bất chấp thái độ nôn nóng muốn thúc đẩy nhanh thủ tục hiệp định này của một số nghị sĩ và doanh nghiệp Châu Âu, cùng sự vận động ráo riết của giới quan chức Việt Nam.
Tình trạng vi phạm nhân quyền bất chấp trên chính là nguồn cơn vừa sâu xa vừa trực tiếp mà đã khiến vào ngày 15/11/2018, gần một tháng sau khi chính thể độc đảng ở Việt Nam đã tưởng như chắc ăn khi Ủy ban Châu Âu đồng thuận làm tờ trình cho Hội đồng Châu Âu để xem xét việc ký kết EVFTA với Việt Nam (Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Châu Âu), Nghị viện Châu Âu đã bất ngờ tung ra nghị quyết 2018/2925(RSP) về nhân quyền Việt Nam. Bản nghị quyết này còn cứng rắn hơn cả bản nghị quyết về vấn đề nhân quyền Việt Nam mang số hiệu 2016/2755(RSP) công bố vào tháng Sáu năm 2016.
Toàn bộ nội dung của bản nghị quyết 2018/2925(RSP) giống hệt một cáo trạng toàn diện và đanh thép lên án chính thể độc đảng ở Việt Nam về rất nhiều hành vi vi phạm nhân quyền trầm trọng về tự do tôn giáo, tự do biểu đạt, tự do ngôn luận, tự do báo chí, nạn bắt bớ người hoạt động nhân quyền, không chịu ký kết các công ước quốc tế về lao động…
Chưa bao giờ diễn ra mối đồng cảm và sự phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng như hiện nay giữa các tổ chức nhân quyền quốc tế và nhiều nhà nước ở Châu Âu. Hiểu một cách đơn giản, nếu chính thể Việt Nam không chịu thỏa mãn những điều kiện nhân quyền chính yếu của Nghị viện Châu Âu, sẽ chẳng có EVFTA nào hết.
Ứng với bối cảnh trên, người đọc có thể tự hỏi là dựa vào cơ sở nào để ông Bruno Angelet nêu ra những dự báo cụ thể về mốc thời gian cho tiến trình ký kết, phê chuẩn và thông qua EVFTA ? Đó là đánh giá và dự báo riêng của Bruno Angelet hay nhân danh EU ?
Thông thường, những dự báo trên của Bruno Angelet xuất phát từ hai khả năng : hoặc đó chỉ là dự báo chủ quan của Bruno Angelet bởi tâm trạng sốt ruột thường trực của ông về tiến độ EVFTA, hoặc Hà Nội đã tiếp tục hứa hẹn (hay hứa cuội) về ‘sẽ cải thiện nhân quyền’ với EU mà đã khiến Bruno Angelet trở nên lạc quan đến thế.
EU có quá vồ vập khi Hà Nội lại ‘hứa cuội’ ?
Mười ngày sau dự báo đáng ngạc nhiên của Bruno Angelet về tiến trình EVFTA trên BBC Việt ngữ, đã xuất hiện một dấu hiệu cho thấy dự báo này không hẳn mang tính chủ quan mà đã được tương tác với phía Việt Nam.
Những ngày cuối tháng 3 năm 2019, Nguyễn Thị Kim Ngân - Chủ tịch Quốc hội Việt Nam - có một chuyến ‘thăm Pháp và Bỉ’ và gặp những nhân vật quan trọng là Chủ tịch Hạ viện Pháp Richard Ferrand và Thủ tướng Pháp Edouard Philippe, Chủ tịch Hạ viện Bỉ Siegfried Bracke…
Nhưng cuộc gặp mang tính tín hiệu rõ nhất về EVFTA là giữa Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch Ủy ban Thương mại Quốc tế Bernd Lange. Thông tin ban đầu mà Bernd Lange cho biết là EVFTA có thể sẽ được ký kết và phê chuẩn vào tháng 6 hoặc tháng 7 năm 2019.
Vậy là đến lúc này, ý đồ ẩn giấu của chính thể Việt Nam đang dần lộ ra : sau khi EVFTA bị Hội đồng Châu Âu hoãn vô thời hạn cùng tương lai cực kỳ bế tắc, Nguyễn Phú Trọng và bộ sậu Bộ Chính trị của ông ta đã phải tìm ra lối thoát. Một lần nữa, trong rất nhiều lần, Hà Nội lại hứa hẹn ‘sẽ cải thiện nhân quyền’, dù đã chẳng có bất kỳ lần nào trước đó lời cam kết này được biến thành hành động, thậm chí giới công an trị Việt Nam còn hành động ngược lại khi gia tăng bắt bớ giới bất đồng chính kiến trong giai đoạn gần nhất từ giữa năm 2016 đến nay. Ngay vào lúc này, không khí đàn áp nhân quyền ở Việt Nam vẫn đặc sệt như một thùng thuốc súng. Chưa có bất kỳ một dấu hiệu nào cho bất kỳ một ‘cải thiện nhân quyền’ nào, dù chỉ mang tính mị dân hoặc để đối phó với cộng đồng quốc tế.
Chuyến đi Châu Âu của Nguyễn Thị Kim Ngân chính là nhằm phát đi những cam kết mà rất có thể vẫn chỉ là lối hứa cuội về nhân quyền. Quan điểm ‘vào trước, bắt sau’ của Hà Nội là rất nhất quán kể từ thời WTO : vào năm 2006, chính thể Việt Nam đã tạm ngưng bắt bớ giới hoạt động dân chủ nhân quyền để đổi lấy điều kiện được Mỹ chấp nhận cho tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới và còn được nhấc khỏi CPC (Danh sách các nước cần đặc biệt quan tâm về tự do tôn giáo) của Mỹ. Nhưng khi đã ung dung trong trong WTO và hưởng lợi lớn từ nhiều ưu đãi của tổ chức này, Việt Nam lại bắt trở lại, và bắt ồ ạt, hung hãn và đầy sắc máu đối với nhiều người hoạt động nhân quyền và bất đồng chính kiến.
Tương lai thời hậu ký và phê chuẩn EVFTA cũng rất có thể sẽ là bản sao của thời hậu WTO.
Bruno Angelet và cả Bernd Lange nữa liệu có quá vồ vập với những lời hứa hẹn/của Hà Nội ?
Bài học gần gũi nhất về thái độ dễ dãi phải trả giá là Đức. Ngày 25/3/2019, TAZ - một nhật báo thuộc loại lớn nhất ở Đức - đã đăng bài "Đức đã quá vội trở lại tình trạng quan hệ bình thường".
Một trong những nguyên nhân chính yếu khiến Việt Nam không chịu ‘trả nguyên trạng Trịnh Xuân Thanh’ cho Đức là do Berlin đã quá vồ vập và vội vã trong việc bày tỏ ý định bình thường hóa quan hệ Đức - Việt, dù chỉ nhận được những lời hứa không mất tiền mua của những quan chức mập ú và bóng nhẫy đến từ Hà Nội.
Phạm Chí Dũng
Nguồn : VOA, 09/04/2019