Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Những căng thẳng gần đây trong quan hệ Việt Nam và Cam Bốt liên quan đến kênh đào Phù Nam Techo gợi ra "chính sách ân huệ", mà Việt Nam áp dụng với Cam Bốt.

RFI xin giới thiệu bài phận tích dịch từ trang The Diplomat, được đăng tải ngày 07/06/2024.

ai1

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và thủ tướng Cam Bốt Hun Manet tại Hà Nội, Việt Nam, ngày 11/12/2023. AP - Hau Dinh

The Diplomat nhắc lại, vào ngày 20/05, ngoại trưởng Cam Bốt Sok Chenda Sophea, đã triệu đại sứ Việt Nam Nguyễn Hữu Tăng lên bộ Ngoại Giao để trao đổi về những chỉ trích trên mạng xã hội nhắm vào Hun Sen, cựu thủ tướng của Cam Bốt và hiện đang giữ chức chủ tịch Thượng Viện, liên quan đến việc xây dựng kênh đào Phù Nam (Funan Techno). Trong cuộc gặp này, ông Sok Chenda Sophea đã yêu cầu phía Việt Nam truy tìm và trừng phạt những bình người đã đăng tải những bình luận gây sốc trên Tiktok, xúc phạm ông Hun Sen, vì kiên quyết tiếp tục dự án kênh đào này.

Phía Cam Bốt coi việc triệu mời này là cách để truyền tải một thông điệp : "Nếu phía Việt Nam quyết định hợp tác tốt với chúng tôi, … thì phía Việt Nam cần tìm hiểu xem thủ phạm là ai, đến từ đâu, mục đích của họ là gì…" Điều này cho thấy Phnompenh sẽ coi bất cứ hành động "lười biếng" nào của Hà Nội là có chủ ý hoặc có ác ý.

Căng thẳng ngoại giao vì một vấn đề "tầm thường" ?

Triệu mời đại sứ lên để đáp lại một vấn đề "tầm thường", như những bình luận xúc phạm trực tuyến, gây khó hiểu, nhưng theo The Diplomat, điều này có thể được coi là "sự trả đũa tinh vi" của Phnompenh đối với những lo ngại về kênh đào Phù Nam, được Hà Nội bày tỏ công khai. Chẳng hạn như yêu cầu của Hà Nội về việc "chia sẻ công bằng thông tin về sự ánh và đánh giá cẩn thận các tác động có thể xảy ra đối với môi trường". Phnompenh gọi dự án này là "vấn đề nội bộ" trong nước và đã công bố kết hoạch bắt đầu xây dựng kênh đào Phù Nam vào tháng 8.

Bất chấp yêu cầu của Phnom Penh, Hà Nội không bỏ nhiều công sức để hạn chế những chỉ trích trực tuyến đối với chính phủ Cam Bốt. Ngoại trưởng Việt Nam chỉ ra tuyên bố chính thức, ba ngày sau vụ triệu mời đại sứ, và thông báo là "cả hai nước đã thực hiện các biện pháp hiệu quả và thiết thực" để nâng cao nhận thức về mối quan hệ hai bên, nhưng lại không nêu ra chi tiết những biện pháp để giải quyết vấn đề. Quan hệ ngoại giao giữa hai nước có thể căng thẳng hơn khi Hun Sen gần đây, đã khẳng định là "Cam Bốt không thua kém Việt Nam" và "biết bảo vệ lợi ích của mình, không cần Việt Nam can thiệp". Con trai ông, thủ tướng Hun Manet, nhân đó, cũng đặt ra câu hỏi về "việc đối xử bất công với Cam Bốt của các thực thể nước ngoài" và đang tìm cách "chất vấn" chính phủ của ông.

Việt Nam – Cam Bốt : Mối quan hệ lịch sử phức tạp

Đằng sau căng thẳng ngoại giao hiện nay là mối quan hệ lịch sử phức tạp và nhiều rạn nứt. Các phát biểu chính thức của phía Việt Nam, cũng như từ phía truyền thông, nhìn chung, xác định quan hệ với Cam Bốt qua các chính sách về lòng biết ơn. Đó là tưởng nhớ những hy sinh của Việt Nam trong cuộc lật đổ Khmer Đỏ vào đầu những năm 1979, đưa đảng cầm quyền hiện nay của đất nước – đảng của Hun Sen, lên nắm quyền. Các thông điệp "Cam Bốt nên biết ơn Việt Nam", được truyền tải rộng rãi vào ngày kỷ niệm ngày 07/01 hàng năm, ngày lật đổ chế độ Khmer Đỏ. Lòng biết ơn này gắn liền với cảm giác "mắc nợ" và phía Việt Nam dường như cũng mong Cam Bốt có hành động tương tự.

Kẻ "vô ơn" và bên "bành trướng"

Do đó, Cam Bốt thường xuyên bị cáo buộc "vô ơn", khi có những hành động đi ngược lại với mong muốn của Việt Nam. Nhiều người Việt coi việc Cam Bốt kiên quyết xây dựng kênh đào Phù Nam là một hành động "ăn cháo đá bát". Những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan thậm chí còn kêu gọi trừng phạt Cam Bốt vì tội phản bội.

Phải nói rằng mạng xã hội đã góp phần làm gia tăng các căng thẳng này. Kể từ khi dự án xây dựng kênh đào Phù Nam được công bố, công chúng Việt Nam bày tỏ quan điểm đầy hoài nghi, và dần dần phản đối khi có nhiều suy đoán được đưa ra về khả năng Trung Quốc sử dụng kênh đào vào "mục đích quân sự", bao gồm cả lập luận từ Viện nghiên cứu phát triển phương Đông. Suy đoán này được đưa ra dựa trên quan điểm của các chuyên gia quân sự giấu tên, được trích dẫn trong bài viết của viện nghiên cứu nói trên, đã khiến dư luận Việt Nam lo lắng và khiến phía Cam Bốt phẫn nộ.

Một nhà nghiên cứu Cam Bốt đã viết rằng Việt Nam đang tìm kiếm cách để cân bằng ảnh hưởng của Trung Quốc tại Cam Bốt, bằng cách thu hút sự chú ý của Washington trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung gia tăng.

Láng giềng hữu hảo hay kẻ thủ truyền thống ?

Tất cả những điều nêu trên đều không tốt cho quan hệ Việt Nam – Cam Bốt, và những "oán hận lịch sử" có thể xuất hiện trở lại nếu câu hỏi hóc búa này không được giải quyết một cách đúng đắn. Nhiều người Cam Bốt coi Việt Nam là "kẻ thù truyền thống", từ lâu đã âm mưu thâu tóm Cam Bốt. Khái niệm về chủ nghĩa bành trướng của Việt Nam vẫn hiện hữu trong ký ức và văn hóa chính trị ở Cam Bốt, ví dụ như cáo buộc về việc Hà Nội vẫn có kế hoạch hoạt động bí mật ở Phnompenh (secret agenda).

Đây cũng không phải là lần đầu tiên quan hệ hai nước trở nên căng thẳng. Trong một bài đăng trên Facebook, ông Hun Sen nhắc lại việc bị người dùng mạng xã hội Việt Nam bôi nhọ vào năm 2016-2017, liên quan đến những phát biểu của ông về Biển Đông. Cụ thể, vào tháng 06/2016, Hun Sen đã khẳng định sẽ không ủng hộ vụ kiện ở tòa trọng tài quốc tế do Philippines khởi xướng để chống lại yêu sách của Trung Quốc ở vùng biển tranh chấp.

Do đó, việc Hà Nội không hành động để giải quyết các chỉ trích của cư dân mạng đối với Hun Sen, có thể khiến Cam Bốt cho rằng đó là "hành động có tính toán", buộc Cam Bốt phải theo ý muốn của Hà Nội. Trường hợp tương tự đã xảy ra khi một số người Cam Bốt tin rằng Hà Nội đã trì hoãn việc phân định biên giới để đáp lại việc Phnompenh từ chối hỗ trợ Việt Nam về mặt ngoại giao trong vấn đề về Biển Đông.

Đường lối cứng rắn của Cam Bốt đối với Việt Nam

Khi đưa ra những phản ứng mạnh mẽ đối với dự án xây dựng kênh đào Phù Nam, Việt Nam có nguy cơ sẽ thực sự đẩy Cam bốt vào tay Trung Quốc. Chỉ 4 ngày sau khi triệu đại sứ Việt Nam, ngoại trưởng Sok Chenda Sophea đã đi thăm Trung Quốc. Đồng cấp Vương Nghị đã tái khẳng định rằng Bắc Kinh "ủng hộ hệ thống giao thông, hậu cần và thủy lợi của kênh đào Funan Techo, có tầm quan trọng chiến lược, đồng thời, cam kết sẽ làm sâu sắc quan hệ song phương "hợp tác chiến lược toàn diện"".

Hiện nay, Việt Nam có rất ít lựa chọn, vì Hun Manet, không giống như cha mình, không còn cảm thấy gánh nặng lịch sử về việc Việt Nam đã giúp giải phóng Phnompenh năm 1979. Vị tân thủ tướng dường như có cam kết làm giảm sức ảnh hưởng của Việt Nam ở nước mình.

Vào ngày 30/05, Hun Manet thông báo dự án xây dựng kênh đào này sẽ bắt đầu vào tháng 8, vì trì hoãn chỉ tạo ra thêm nhiều "suy đoán". Ông khẳng định "chúng tôi sẽ không để mặc những người phản đối nói rằng dự án này không khả thi". Qua đó, Hun Manet đang tìm cách tận dụng chủ nghĩa dân tộc ở Cam Bốt để củng cố tính chính danh của chính phủ mới. Trong lúc mà tâm lý chống Việt Nam đang gia tăng ở nước này, lãnh đạo Cam Bốt có xu hướng áp dụng đường lối cứng rắn hơn đối với Việt Nam.

Xin nhắc lại rằng khi Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) mất đi sự ủng hộ của công chúng tại cuộc bầu cử năm 2013, chính phủ của Hun Sen lúc đó, đã thúc giục Hà Nội chấm dứt việc "xâm phạm" đất Cam Bốt, và hợp tác với đảng đối lập - Đảng Cứu nguy Dân tộc Cam Bốt, trong khi đảng này, đã chỉ trích CPP vì cúi đầu trước ảnh hưởng của Việt Nam.

Chính sách ngoại giao mơ hồ

Với chủ nghĩa dân tộc đang lan rộng trên mạng xã hội ở Việt Nam, Hà Nội có nguy cơ xa lánh "tình hữu nghị truyền thống" với Phnompenh. Đối với công chúng, chính sách ngoại giao của Hà Nội vẫn khá mơ hồ. Khi hai nước láng giềng xung đột lợi ích, cách duy nhất để đạt được đồng thuận chung là phải chân thành và bày tỏ cam kết trong hành vi của mình.

Thế nhưng mọi thứ có vẻ ảm đạm. Người dân Việt Nam hầu hết không biết rằng Cam Bốt là "ưu tiên hàng đầu", đối với các nhà hoạch định chính sách đối ngoại của Việt Nam. Thêm vào đó, trong khi khoa Việt Nam học được thành lập tại đại học hoàng gia Phnompenh năm 2022, hiện vẫn chưa có một khoa Nghiên cứu về Cam Bốt tương tự, được thành lập tại bất cứ trường đại học nào ở Việt Nam.

Điều đáng lo ngại là việc thiếu các sáng kiến thiết thực để giáo dục những người trẻ về các mối liên hệ văn hoá, lịch sử, định hình quan hệ song phương.

Các tác giả của The Diplomat cho rằng "khoảng trống Cam Bốt" trong các diễn ngôn của Việt Nam và giới học thuật phụ thuộc vào việc liệu Việt Nam có giáo dục công chúng về mục đích rõ ràng và cụ thể trong chính sách ngoại giao của đất nước hay không. Thay vì dựa vào những khẩu hiệu như "láng giềng tốt, tình hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, lâu dài, bền vững", Hà Nội nên tìm cách giảm sự phẫn nộ không đáng có của người dân, thông qua một chiến lược được cân nhắc kỹ lưỡng : ưu tiên mối quan hệ mật thiết với Phnompenh. Điều này đòi hỏi các quan chức, doanh nghiệp và công dân của cả hai nước, cùng tham gia đối thoại, về ngôn ngữ, văn hóa, cũng như học thuật, để nâng cao sự hiểu biết cũng cảm thông cho nhau.

Huỳnh Tâm Sáng & Mai Vũ Thảo My

Nguyên tác : How the 'Politics of Gratitude' Inflames Cambodia-Vietnam, The Diplomat, 07/06/2024

Chi Phương lược dịch

Nguồn : RFI, 10/06/2024

Published in Diễn đàn