Thông Luận

Cơ quan ngôn luận của Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên

Hậu Hội nghị G7 mở rộng : Việt-Nhật nên "liên kết nhằm ngăn chặn sự bành trướng" của Bắc Kinh

Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính vừa hoàn thành chuyến công du quan trọng khi dự Hội nghị mở rộng khối bảy quốc gia có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7-mở rộng) tại Hiroshima, theo lời mời của Thủ tướng Fumio Kishida của nước chủ nhà Nhật Bản đăng cai sự kiện.

hoinghi1

Ảnh hai ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng Việt Nam) và Fumio Kishida (Thủ tướng Nhật) chụp hôm 21/5/2023 bên lề Hội nghị G7 - Reuters

Theo báo chí, truyền thông chính thống của Việt Nam, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phái đoàn Việt Nam đã thu được nhiều kết quả tích cực, đáng khích lệ, qua đó nâng cao vị thế và khả năng hợp tác, thu hút đầu tư từ quốc tế, nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, những vấn đề hữu ích, thiết thực, có tầm quan trọng cao đối với Việt Nam tại thời điểm hiện tại và trong tương lai tới đây.

Trước khi bước vào hội đàm vào ngày 21/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Kishida Fumio chứng kiến trao đổi văn bản ký kết 3 dự án hợp tác ODA (Hỗ trợ Phát triển Chính thức) với tổng trị giá 61 tỉ yên (khoảng 500 triệu USD) gồm : chương trình hỗ trợ ngân sách ODA thế hệ mới cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội hậu Covid-19, dự án cải thiện hạ tầng giao thông công cộng tại tỉnh Bình Dương, dự án cải thiện hạ tầng phát triển nông nghiệp tại tỉnh Lâm Đồng.

Nhìn lại sự kiện qua chuyến thăm Nhật Bản này của Thủ tướng Việt Nam tại G7 mở rộng, từ Tokyo, nhà báo, nhà quan sát thời sự, chính trị Đỗ Thông Minh trong dịp này chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do vài điểm nhìn từ quan điểm cá nhân của mình, trong đó đặc biệt liên quan quan hệ song phương Nhật – Việt :

"Việt Nam có thế khá mạnh trong khối ASEAN với 100 triệu dân, chỉ đứng thứ hai sau Indonesia với 274 triệu dân. Việt Nam có mối quan hệ đặc biệt với Trung Quốc, vừa thân thiện (qua quan hệ liên Đảng cộng sản), vừa bị lấn át nên thường xuyên phải cảnh giác. Với vị thế đó và trong lúc Trung Quốc đang bành trướng, hai nước Việt và Nhật tìm đến nhau, liên kết nhằm ngăn chặn sự bành trướng này.

Nhật Bản và Việt Nam có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Nhật Bản hỗ trợ Việt Nam nhiều nhất là viện trợ xây dựng hạ tầng giao thông, cung cấp các tàu tuần duyên. Vì thiếu nhân lực, nay Nhật đã nhận tới 500.000 người Việt để củng cố vấn đề nhân lực bảo đảm cho sự phát triển kinh tế, chỉ đứng thứ hai sau số người Việt ở Hoa Kỳ là khoảng 1,5 triệu. Còn mục tiêu chung song phương hiện nay và qua G7 mở rộng này là tăng cường hợp tác nhiều mặt, phát triển trong ổn định và cùng cảnh giác sự bành trướng của Trung Quốc".

--------------------------

RFA : Theo ông, Nhật Bản nên quan tâm ưu tiên giúp đỡ cụ thể gì cho Việt Nam để được khả thi, hiệu quả, kịp thời trong tình hiện nay và tới đây ?

Đỗ Thông Minh : Nhật giúp Việt Nam củng cố, bảo đảm an ninh hàng hải trên Biển Đông, nơi cũng là đường giao thương chính của Nhật. Họ giúp về tài chính, tàu tuần duyên, hợp tác năng lượng, và hỗ trợ công nghệ, kỹ thuật nói chung như giúp phóng vệ tinh nhỏ của Việt Nam vào không gian... Nhưng một điểm đáng chú ý, bên cạnh các doanh nghiệp Nhật Bản đang được mời gọi tới Việt Nam kinh doanh, đầu tư hiện nay và trong trung hạn tới đây như một làn sóng mới, thì nên chú ý là Nhật đang có ý muốn đổi luật để cho phép cung cấp một số vũ khí cho nước ngoài, như tôi đã có dịp đề cập.

Ngoài ra cũng về mặt hợp tác an ninh, quốc phòng, từ hàng chục năm qua, hầu như năm nào tàu chiến Nhật cũng ghé thăm Việt Nam. Hoàng Tử, rồi Thiên Hoàng Nhật cũng ghé thăm Việt Nam. Hai bên thường trao đổi, học hỏi lẫn nhau trong việc đối phó với Trung Quốc. Dù quá khứ, thời Thế Chiến Thứ II, Nhật đã chiếm đóng Việt Nam, nhưng nay trang sử quá khứ coi như đã lật qua, quan hệ giữa hai nước khá tốt đẹp, và người dân hai nước cũng có thiện cảm với nhau hơn là với Trung Quốc, việc hợp tác trên phương diện này theo tôi sau G7 mở rộng cũng sẽ được hai bên thắt chặt và làm cho sâu sắc thêm.

RFA : Nhân đây, theo ông Nhà nước và Đảng cộng sản Việt Nam hiện nay nên quan tâm học hỏi điều gì từ Nhật Bản để giúp nền quản trị quốc gia dân chủ, văn minh và tiến bộ hơn ?

Đỗ Thông Minh : Tôi chỉ xin nói riêng một điều, đó là "Dân Chủ" là thuật ngữ do chính người Nhật dùng chữ Hán đặt ra (民主), là nước Châu Á có Hiến pháp sớm nhất và thực thi dân chủ kiểu Đại nghị của Anh. Nhật Bản có một đảng lớn là đảng Tự Do Dân Chủ, là kết hợp một số đảng sau Thế Chiến Thứ II, coi như chi phối hầu hết từ hậu chiến tới nay, chỉ có hai lần chính quyền rơi vào tay liên minh đối lập trong thời gian ngắn. Nhật Bản có tất cả khoảng 10 đảng, được tự do chính trị, tôn giáo, ngôn luận, hội họp, biểu tình… Đài truyền thanh và truyền hình NHK, chẳng hạn, từ quốc doanh đổi sang tư doanh nên thông tin độc lập, không đứng theo đảng nào. Nếu quan chức nào can thiệp vào việc truyền thông của đài mà bị lộ ra là mất chức. Dân Chủ luôn là nền tảng để phát huy, người Việt Nam ai cũng biết vậy, nhưng chọn theo chủ nghĩa cộng sản thì đã đang khó khăn, đảng viên cộng sản sợ thay đổi bị mất quyền lợi vì bản thân hơn là vì dân !

Nhà tư tưởng duy tân lừng danh của Nhật Bản là ông Fukuzawa Yukichi, tôi xin mở ngoặc là hình in trên tiền giấy mệnh giá cao nhất 10.000 Yen, trên tiền Nhật ngày nay không in hình Thiên hoàng hay Thủ tướng mà in hình người thực sự có công và ảnh hưởng lớn đến sự phát triển đất nước, đã chủ trương "quốc gia muốn độc lập thì mỗi người dân phải có tinh thần độc lập", "muốn độc lập phải theo đuổi khoa học, kỹ thuật". Và ông còn nhấn mạnh "Phải theo đuổi khoa học, kỹ thuật để bảo vệ độc lập".

-------------------------

Người Nhật có tinh thần duy lý, trừu tượng và yêu thiên nhiên, là nước thuộc Châu Á nhưng gần gũi với Châu Âu nhất, nên họ học hỏi Châu Âu rất nhanh, Trung Quốc bắt chước theo Nhật và Việt Nam theo sau cùng, nên tôi nghĩ riêng về vài khía cạnh này có thể có nhiều điều, nhất là về dân chủ và nội lực tự chủ, mà không chỉ chính quyền, nhà nước, mà nói chung là Việt Nam nên quan tâm, tham khảo", nhà báo, nhà biên khảo và nhà quan sát thời sự, chính trị Đỗ Thông Minh chia sẻ trên quan điểm riêng từ Nhật Bản với Đài Á Châu Tự Do, nhân thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính tới Hiroshima tham dự Hội nghị G7 mở rộng (19-21/5/2023).

Thúc đẩy làn sóng đầu tư mới tới Việt Nam

Còn theo truyền thông, báo chí chính thống của Việt Nam, trong chưa đầy ba ngày, Thủ tướng Việt Nam đã chủ trì, tham dự khoảng 40 hoạt động khác nhau, trong đó bên cạnh các cuộc họp chính thức trong nghị trình G7 mở rộng, tham gia và có phát biểu trong các thảo luận chính trị, chiến lược quan trọng có chủ đề mang tính toàn cầu và khu vực, bên cạnh các gặp gỡ song phương, tiếp xúc bên lề với lãnh đạo, người đứng đầu, đại diện nhiều quốc gia, tổ chức, các đoàn, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, thì riêng liên quan quan hệ hợp tác song phương Việt – Nhật, "nhiều cam kết hấp dẫn đã được đưa ra, thúc đẩy làn sóng đầu tư mới của Nhật Bản vào Việt Nam", như báo mạng Vietnamnet thuộc Bộ Thông tin và truyền thông đưa tin cho hay hôm 22/5/2023.

"Ngoài các chương trình nghị sự trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng, Thủ tướng đã có nhiều hoạt động phong phú, hiệu quả, thực chất với lãnh đạo Nhật Bản cũng như lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế... góp phần tiếp tục làm sâu sắc quan hệ với các đối tác. Thủ tướng chính phủ đã có 13 cuộc làm việc, bao gồm hội đàm với Thủ tướng Kishida Fumio ; tiếp Thống đốc, Chủ tịch Hội đồng tỉnh Hiroshima ; tiếp các nghị sĩ Quốc hội có khu vực bầu cử tại Hiroshima ; gặp các Hội hữu nghị với Việt Nam, lãnh đạo các hiệp hội, tập đoàn lớn của Nhật Bản, dự và phát biểu tại Tọa đàm kinh doanh Việt – Nhật... Những cuộc gặp này đều đạt nhiều kết quả quan trọng, trong đó phải kể đến việc hai nhà lãnh đạo đã nhất trí nỗ lực đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam – Nhật Bản vì hòa bình và thịnh vượng ở Châu Á lên tầm cao mới, đặc biệt trong năm 2023 – dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Nhật Bản", vẫn theo Vietnamnet.

Trước đó, bình luận về lý do Việt Nam được nước chủ nhà Nhật Bản mời tham dự kỳ Hội nghị G7 mở rộng lần này, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam, ông Yamada Takio, trả lời báo điện tử của Chính phủ Việt Nam hôm 17/5, nói :

"Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh (G7) mở rộng lần này là do Việt Nam là đối tác quan trọng và cần thiết trong việc thực hiện mục tiêu Khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP) của Nhật Bản, đồng thời Việt Nam có khả năng và quyết tâm đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết các vấn đề trọng tâm của cộng đồng quốc tế dự kiến được đưa ra tại Hội nghị. Trong các nước thành viên ASEAN, chỉ có Indonesia, nước Chủ tịch ASEAN 2023 và Việt Nam là hai quốc gia duy nhất được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này. Ngoài Việt Nam, các quốc gia không phải là nước chủ tịch của một diễn đàn hoặc cơ chế hợp tác trong khu vực và trên thế giới cũng được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 mở rộng lần này còn có Brazil, Hàn Quốc và Australia.

Trên ý nghĩa đó, tôi cho rằng các bạn đã phần nào hiểu được việc Nhật Bản "vô cùng coi trọng" quan hệ hợp tác với Việt Nam. Thêm vào đó, Nhật Bản và Việt Nam đã đồng ý nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược sâu rộng giữa hai nước hiện nay lên một tầm cao mới trong năm nay tại cuộc hội đàm trực tuyến cấp cao giữa Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và Tổng bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng được tổ chức vào tháng 2 vừa qua. Do đó, việc Việt Nam được mời tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 lần này là dấu mốc quan trọng để nâng cấp quan hệ đối tác giữa hai nước lên một tầm cao mới, đồng thời tạo động lực thúc đẩy cho tiến trình này".

Còn khi được đề nghị đưa ra gợi ý ‘giúp Việt Nam’ thu hút thêm nhiều nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Nhật Bản, Đại sứ Nhật Bản, ông Yamada Takio nói :

"Việt Nam là quốc gia rất thành công trong việc thu hút đầu tư từ các quốc gia khác. Đặc biệt, tôi đánh giá cao sự tham gia tích cực của Việt Nam vào các khuôn khổ đối tác kinh tế, trong đó có Hiệp định CPTPP và những nỗ lực của Việt Nam trong việc xóa bỏ các rào cản khi gia nhập. Trong một cuộc khảo sát, các doanh nghiệp Nhật Bản cho biết Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất và được yêu thích trên thế giới đối với doanh nghiệp Nhật Bản, tuy nhiên Việt Nam vẫn còn phải đối mặt với các vấn đề.

Đầu tiên là về cơ sở hạ tầng. Việc hoàn thiện hơn nữa cơ sở hạ tầng giao thông và năng lượng sẽ khiến Việt Nam trở thành một thị trường hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư Nhật Bản. Đặc biệt, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều dư địa để phát triển hạ tầng giao thông như đường cao tốc và đường sắt. Hơn nữa, hy vọng sẽ tiến hành thảo luận chặt chẽ với Việt Nam, một đối tác quan trọng để hiện thực hóa Sáng kiến "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", vẫn theo Báo điện tử của Chính phủ Việt Nam.

Quốc Phương

Nguồn : RFA, 22/05/2023

Published in Diễn đàn

Nếu không có "hệ miễn dịch" cực mạnh chống lại những đại dịch "Hán hóa" thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển rực rỡ đến ngày hôm nay.

Ngày 2/3, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đăng bài viết "Nhà báo Trung Quốc lý giải tại sao người Việt yêu mến Nhật Bản hơn", dịch lại một bài bình luận của nhà báo Trung Quốc, đồng thời có làm rõ những ẩn ý sâu xa đằng sau một bài báo tưởng như bình thường ấy [1].

Cá nhân tôi khi đọc bài viết này có một cảm nhận, đây không chỉ là câu chuyện chính trị hóa, lập trường hóa các vấn đề khoa học lịch sử hay pháp lý.

Trong đó còn những vấn đề mấu chốt hơn có lẽ cần cùng trao đổi để làm sáng tỏ những nguyên nhân được nhà báo Triệu Linh Mẫn (Trung Quốc) nêu ra và nhà báo Hồng Thủy (Việt Nam) đã trao đổi lại một cách thẳng thắn nhân chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu.

Bà Triệu Linh Mẫn đã luận giải tại sao người Việt Nam rất thiện cảm, yêu mến Nhật Bản nhưng lại hoài nghi, ác cảm với Trung Quốc và trích dẫn kết quả khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ năm 2015 làm minh họa. 

Có lẽ đó là một nghịch lý, nếu không muốn nói là một kết quả bất ngờ, chua chát, theo nhận thức của những người Trung Quốc hay Việt Nam có chung một lý tưởng là những người đồng chí, anh em, láng giềng "núi sông liền một dải".

Đã nói thì cũng xin nói rõ đầu đuôi một lần, để tránh những hiểu lầm hay âm mưu reo rắc, bắt đúng bệnh thì mới mong bốc đúng thuốc.

Bởi tình cảm và lòng tin của cả một cộng đồng, quốc gia, dân tộc này với cộng đồng, quốc gia, dân tộc khác không phải chuyện sớm chiều mà có được, càng không thể đổi thay chỉ bởi một vài bài báo tuyên truyền có động cơ chính trị…

Do đó, cá nhân tôi xin góp thêm đôi lời kiến giải về vấn đề bà Triệu Linh Mẫn nêu ra, không phải khoét sâu thêm hận thù - mâu thuẫn.

Tôi mong muốn thông qua việc nhìn thẳng vào những vấn đề bà Mẫn nêu ra để thấy đúng nguyên nhân, ngõ hầu tìm ra giải pháp, góp thêm tiếng nói củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với các nước, trong đó có Trung Quốc.

mau0

Không có người dân nào muốn chiến tranh, vì chiến tranh là máu lửa và chết chóc

Bởi suy cho cùng, không có người dân nào lại muốn chiến tranh, xung đột hay phải luôn luôn sống trong hận thù, chia rẽ, chém giết lẫn nhau.

Tất nhiên vẫn phải loại trừ những băng đảng giang hồ hay một số nhà cầm quyền còn mang nặng tư tưởng bành trướng, coi mình là trung tâm thiên hạ, còn nước khác chỉ là man di, mọi rợ.

Những người này thường tìm cách gây thêm thù hận, tiếp tục xoáy vào những vết thương chưa lành của quá khứ với những hành động hết sức cực đoan để phục vụ cho động cơ chính trị của họ.

Tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược đều phi nghĩa và cần lên án

Nguyên nhân đầu tiên bà Triệu Linh Mẫn đưa ra để giải thích tại sao người Việt Nam thiện cảm với Nhật Bản nhưng lại ác cảm với Trung Quốc là :

Tội ác chiến tranh chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra cho Đông Nam Á nói chung, Việt Nam nói riêng "ít hơn, nhẹ hơn" so với những gì Trung Quốc, Hàn Quốc (bán đảo Triều Tiên) phải gánh chịu.

Điều này tác giả Hồng Thủy cũng đã bác bỏ.

Cá nhân tôi xin nhấn mạnh thêm, tất cả các cuộc chiến tranh xâm lược đã, đang hay có thể sẽ xảy ra, đều là những cuộc chiến phi nghĩa và cần phải lên án, phải khắc cốt ghi xương trong lịch sử nhân loại để đừng lặp lại…

Không thể đơn giản dùng con số thương vong, quy mô hay thời gian cuộc chiến để so sánh nỗi đau của các dân tộc bị ngoại bang xâm lược, áp bức hay đô hộ.

Bởi máu của dân tộc nào cũng đỏ và nước mắt nào cũng mặn như nhau.

Sở dĩ phải nhấn mạnh điều này, vì cho đến nay thế giới vẫn không im tiếng súng, cho dù nhân loại đã bước vào thế kỷ 21 với rất nhiều thành tựu to lớn về khoa học công nghệ.

Nhưng đâu đó trên thế gian này vẫn tồn tại những "gen hiếu chiến, xâm lược, bành trướng", "gen thích làm bá chủ thiên hạ"…

Những "gen trội dị thường" này vẫn còn lẩn khuất đâu đó trong huyết quản của một số người khi nắm được quyền lực lãnh đạo một quốc gia, muốn thâu tóm hay khuất phục quốc gia khác.

Hơn nữa, trong phần lập luận của bà Triệu Linh Mẫn còn một ẩn ý tuy không nói trắng ra, nhưng bạn đọc có thể thấy nhà báo Trung Quốc này dường như còn muốn nói rằng :

Người Việt Nam thiện cảm với Nhật Bản hơn vì ghét phương Tây, ghét Mỹ, vì Pháp và Mỹ cũng từng xâm lược Việt Nam và gây ra tội ác.

Điều đó phản ánh tư duy, nhận thức của một bộ phận không nhỏ trong giới truyền thông, nghiên cứu của một số quốc gia vì lối tuyên truyền áp đặt một chiều, cho rằng Mỹ bao giờ cũng là nguyên do của mọi nguyên do dẫn đến bất ổn trong khu vực và thế giới.

Nhưng rõ ràng đó là những logic mang màu sắc chính trị, quan điểm, lập trường, không phản ánh thái độ khoa học, khách quan và cầu thị trước các vấn đề lịch sử hay pháp lý trong quan hệ bang giao giữa các quốc gia. 

Tôi xin nêu ra đây một vài kiến giải của mình, hy vọng trao đổi thêm với bạn đọc, nhất là các bạn làm công tác nghiên cứu ở Trung Quốc đương đại, ngõ hầu làm sáng tỏ vấn đề, tránh chiến tranh và xung đột, bảo vệ hòa bình và hữu nghị lâu dài.

Tư tưởng "ăn trên ngồi trốc" thiên hạ, âm mưu đồng hóa dân tộc khác khiến người ta ác cảm, cảnh giác với Trung Quốc

Cá nhân tôi cho rằng, sở dĩ đa số người dân Việt Nam có thiện cảm với Nhật Bản trong khi lại cảnh giác, không thiện cảm với Trung Quốc (như trích dẫn và nhận xét của bà Triệu Linh Mẫn) thì có nguyên nhân lịch sử sâu xa, chứ không đơn giản vì một vài cuộc chiến gần đây.

Đúng là Trung Quốc, Pháp, Nhật Bản, Hoa Kỳ đã từng tiến hành những cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, cuộc chiến nào cũng đẫm máu, để lại nhiều đau thương mất mát.

Nhưng khách quan mà nói, Pháp, Nhật Bản hay Hoa Kỳ khi mang quân xâm lược Việt Nam, họ không nhằm mục đích đồng hóa, xóa sổ dân tộc, đất nước này khỏi bản đồ thế giới.

Âm mưu và thủ đoạn đồng hóa dân tộc, xóa bỏ quốc gia khác đã có ngay từ những ngày đầu của thời phong kiến, khi các triều đại Trung Hoa xâm lược các nước láng giềng, trong đó có Việt Nam.

Điều này đã được chính sử sách Trung Hoa ghi lại và cũng đã được nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước bàn đến xưa nay, nên xin không đi sâu.

Người viết chỉ muốn lưu ý rằng, chính sách đồng hóa tuy đã có từ thời Tần, Hán, nhưng đỉnh điểm thâm độc phải nhắc đến triều đại nhà Minh.

Bao nhiêu sách vở, thư tịch của người Việt Nam đã bị quân xâm lược đốt sạch hoặc mang về Trung Quốc. Bao nhiêu công trình văn hóa của người Việt đã bị Bắc triều hủy hoại.

Cũng xin lưu ý rằng, suốt thời kỳ phong kiến, Trung Quốc cũng từng bị 2 dân tộc thiểu số thống trị, là triều đại nhà Nguyên và nhà Thanh.

2 triều đại này từng cất quân xâm lược Việt Nam và bị đánh bại, nhưng dấu ấn đồng hóa của họ không rõ rệt như những triều đại phong kiến do người Hán cai trị.

Phải chăng đó là nội hàm của tư tưởng "Đại Hán" đang còn lẫn khuất đâu đó trong xã hội Trung Quốc đương đại ?

Phải chăng chính tư tưởng Đại Hán và những âm mưu, thủ đoạn đồng hóa dân tộc khác mà giai cấp lãnh đạo Trung Hoa qua các triều đại, thời kỳ khác nhau đã thực thi đối với các quốc gia, dân tộc mà họ xâm lược hay thiết lập quan hệ chính trị, ngoại giao đã khiến cho người Việt Nam, cũng như các cộng đồng khác trong khu vực và quốc tế, luôn cảnh giác cao độ, cũng như phải trang bị cho mình những "kỹ năng chống đồng hóa" ?

mau2

Bà Triệu Linh Mẫn, ảnh : Sohu.com.

Nếu không có "hệ miễn dịch" cực mạnh chống lại những đại dịch "Hán hóa" thì dân tộc Việt Nam đã không còn tồn tại và phát triển rực rỡ đến ngày hôm nay.

Người Việt yêu mến Nhật Bản vì tinh thần quân tử Samurai

Có thể nói rằng, văn minh Hoa Hạ đã sản sinh ra nhiều học thuyết chính trị tư tưởng có ảnh hưởng, chi phối đời sống tinh thần của cả Đông Á, đặc biệt là Nho giáo, trong đó tinh thần "quân tử" được thể hiện rõ rệt hơn cả.

Tuy nhiên dưới các triều đại phong kiến Trung Hoa, Nho giáo đã bị biến thành công cụ để củng cố quyền lực thống trị trong nước, đồng hóa và nô dịch các dân tộc khác.

Điều này dẫn đến một nghịch lý, chính con cháu Khổng Tử, Mạnh Tử lại đi ngược lại các giá trị Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà các nhà tư tưởng này suốt đời phấn đấu, hoằng dương nó.

Như đã nói ở trên, Pháp, Nhật Bản và Hoa Kỳ đều đã từng xâm lược Việt Nam, nhưng không giống như Trung Quốc, 3 nước này không có chính sách đồng hóa thâm độc nhằm xóa sổ hẳn một dân tộc.

Ngược lại, chính bà Triệu Linh Mẫn đã thừa nhận rằng trong thời gian chiếm đóng, người Nhật cũng đã "làm được vài việc tốt", hay biết cân bằng giữa khai thác (vơ vét) tài nguyên với phát triển thuộc địa.

Người Pháp và người Mỹ cũng vậy, duy Trung Quốc thì không.

Cá nhân tôi xin lưu ý rằng, đánh giá khách quan công - tội của chủ nghĩa thực dân, đế quốc với các thuộc địa không phải là biện minh cho những cuộc chiến xâm lược.

Nhưng người Trung Quốc như bà Triệu Linh Mẫn còn thấy được chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản vẫn "làm được một số việc tốt" trong khi chiếm đóng Đông Nam Á và Việt Nam, thì không cớ gì chúng ta lại phủ nhận "một số việc tốt" ấy.

Phủ định sạch trơn hay ngụy biện cho hành vi xâm lược đều là 2 thái cực nguy hiểm như nhau, chúng cực đoan và cần tránh.

Với người Nhật, tinh thần "quân tử" đã được phát triển thành đặc trưng riêng có, tinh thần Samurai. 

mau3

Tinh thần quân tử Nhật Bản Samurai làm nên sức mạnh và sức hút cho đất nước Mặt Trời mọc, ảnh minh họa : Strategy.vn.

Vì vậy, cho dù chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đã từng gây tội ác, nhưng họ không có những tính toán lắt léo, mưu mô thâm độc, không "miệng nam mô bụng một bồ dao găm".

Trong hành xử, Nhật Bản xưa nay vẫn rất quân tử, đàng hoàng và khiêm nhường. 

Tinh thần nhân ái, đoàn kết thương yêu, nhường nhịn lẫn nhau để vượt qua các cơn phong ba bão tố, động đất, sóng thần… mà cả thế giới đều đã từng rơi nước mắt khi chứng kiến và ngưỡng mộ.

Người Nhật Bản họ coi trọng danh dự hơn tính mạng. Theo cá nhân tôi, những điều này mới chính là lý do tại sao người Việt Nam yêu mến và ngưỡng mộ dân tộc Nhật Bản. 

Hơn nữa, người Việt Nam không chỉ dừng lại ở sự ngưỡng mộ Nhật Bản, mà còn xem dân tộc, đất nước Mặt Trời mọc là tấm gương sáng để mình noi theo, giúp mình vượt qua những khó khăn, yếu kém trong nhiều mặt của đời sống xã hội sau những cuộc binh đao, chiến tranh khói lửa để vươn lên.

Có lẽ đó cũng là nguyên nhân và động lực giúp Nhật Bản vươn lên thành một siêu cường Đông Á từ đống tro tàn chiến tranh.

Cũng bằng tinh thần Samurai ấy, người Nhật đã làm nên thương hiệu toàn cầu, nhắc đến Nhật Bản là nhắc tới "chất lượng - uy tín", nếu xét trên góc độ làm ăn kinh tế, thương mại, hợp tác.

Trung Quốc đã rất thành công với chính sách sản xuất hàng giá rẻ và thu về nguồn ngoại tệ vô cùng lớn.

Nhưng mặt trái của nó là họ đã tự định hình trong con mắt cộng đồng khu vực và thế giới về vấn đề chất lượng và độ độc hại trong các sản phẩm, công nghệ của họ.

Còn trong quan hệ bang giao và xử lý những tranh chấp phức tạp với các nước láng giềng, một số nhà lãnh đạo Trung Quốc hầu như vẫn theo tư duy "sức mạnh là lẽ phải". 

Họ tự giải thích luật pháp quốc tế theo ý mình, phục vụ các mục tiêu chính trị và ý đồ chiến lược của mình, không cần biết người khác nghĩ sao.

Lựa chọn, ứng xử của Trung Quốc với vụ kiện trọng tài Biển Đông mà Philippines khởi xướng là một minh chứng.

Phát biểu công khai vỗ mặt "các nước nhỏ" của người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc trong một cuộc họp tại Singapore tháng 7/2010 là ví dụ :

"Trung Quốc là một nước lớn, các nước khác là nước nhỏ. Đó là một thực tế" [2].

Phản ứng của Trung Quốc với các doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Philippines và Việt Nam là ví dụ rõ ràng cho thấy, mọi công cụ kể cả những giao dịch kinh tế - thương mại đơn thuần đều có thể được nước này sử dụng cho các mục đích chính trị mà không cần quan tâm nhiều đến luật pháp, thông lệ quốc tế đương đại…

Cá nhân tôi đưa ra một số kiến giải này do nhận thức được rằng, trong ứng xử, "sự thật" thường "mất lòng", nhưng có điều "thuốc đắng" mới "giã tật".

Người viết chỉ muốn nhắn nhủ với các bạn nghiên cứu Trung Quốc, hay nếu có thể là các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc rằng, cần nhìn thẳng vào quá khứ bằng thái độ hết sức khách quan, cầu thị, bình tĩnh, ôn hòa trên tinh thần thượng tôn pháp luật để rút ra bài học cho tương lai.

Lòng tin không thể có một sớm một chiều, uy tín không thể xây dựng trên nền tảng của những toan tính hai mặt.

"Cộng đồng chung vận mệnh" hay "sáng kiến một vành đai, một con đường" chỉ có thể đi vào thực tiễn nếu nó được xây dựng trên cơ sở hợp tác bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau, cùng có lợi.

Mọi toan tính, âm mưu đằng sau, nếu có, sẽ sớm bị bóc trần, bởi chính những gì Trung Quốc đã từng làm trong quá khứ đã hình thành nên một hệ miễn dịch chống đồng hóa cho dân tộc Việt Nam, và không ít dân tộc khác trên thế giới.

Tiến sĩ Trần Công Trục

Nguồn : GDVN, 04/03/2017

Tài liệu tham khảo :

[1] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Nha-bao-Trung-Quoc-ly-giai-tai-sao-nguoi-Viet-yeu-men-Nhat-Ban-hon-post174754.gd

[2] http://giaoduc.net.vn/Quoc-te/Thai-do-nuoc-lon-se-lam-Trung-Quoc-kho-lon-trong-mai-nha-nhan-loai-van-minh-post170199.gd

*******************

Nhà báo Trung Quốc lý giải tại sao người Việt yêu mến Nhật Bản hơn (GDVN, 02/03/2017)

Sự tồn tại của nhân tố Trung Quốc vừa đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển gần gũi, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho quan hệ này.

Thời báo Hoa Hạ (chinatimes.cc), một tờ báo có tiếng trong làng báo chí Trung Quốc, số lượng phát hành đứng đầu trong các báo chuyên về tài chính - kinh tế Trung Quốc ngày 1/3 đăng bài viết của nhà báo Triệu Linh Mẫn với tựa đề :

"Quan hệ Nhật - Việt 'phi điển hình' sau chuyến thăm Việt Nam của Nhà vua và Hoàng hậu Nhật Bản".

Thông điệp chính từ bài viết của bà Triệu Linh Mẫn được Thời báo Hoa Hạ trích dẫn (chapeau hay sa-pô) viết :

"Tháng 4/2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản.

Con số này cao hơn rất nhiều số người có thiện cảm với Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', nhưng có tranh chấp chủ quyền, với tỉ lệ chỉ đạt 19%".

Nhận thấy bài viết này thể hiện góc nhìn của một nhà báo, nhà quan sát có tiếng tăm trong làng báo Trung Quốc về quan hệ Việt - Nhật, Việt - Trung cũng như vấn đề Biển Đông, xin dịch lại dưới đây và đưa ra mấy lời nhận xét, ngõ hầu giúp bạn đọc có thêm thông tin tham khảo.

Hoạt động thăm viếng cấp cao Việt Nam - Nhật Bản diễn ra liên tục

Ngày 28/2 Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu bắt đầu thăm chính thức Việt Nam cùng Thái Lan 7 ngày 6 đêm (thực tế Nhà vua và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam 6 ngày, trên đường về qua Thái Lan viếng cố Quốc vương mới băng hà).

Đây là lần đầu tiên Nhà vua Nhật Bản thăm chính thức thăm Việt Nam.

mau4

Nhà vua Nhật Bản Akihito và Hoàng hậu thăm chính thức Việt Nam, ảnh : Thời báo Hoa Hạ (chinatimes.cc).

Lịch trình cụ thể bao gồm các cuộc hội kiến với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, gặp mặt một số quả phụ và hậu duệ binh lính Nhật trong chiến tranh.

Trên đường trở về Nhật Bản, Nhà vua và Hoàng hậu sẽ qua Bangkok viếng cố Quốc vương Bhumibol Adulyadej mới băng hà, và hội kiến với tân Quốc vương Vajiralongkorn.

Trước đó hơn một tháng, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe vừa mới thăm chính thức Việt Nam. Trong chuyến thăm này, ông Shinzo Abe cam kết sẽ cung cấp vốn vay phát triển và 6 tàu tuần tra cho Việt Nam, tiếp tục giúp Việt Nam tăng cường năng lực "bảo đảm an ninh trên biển".

Trong chuyến thăm này, ông Shinzo Abe liên tục nhắc đến Biển Đông. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc khi đó đã tỏ ý trách móc cách làm này của Nhật Bản là "động cơ không trong sáng, thiếu lành mạnh".

Trên thực tế kể từ khi ông Shinzo Abe trở lại ghế Thủ tướng Nhật Bản lần thứ 2 vào năm 2012, hoạt động thăm viếng lẫn nhau giữa lãnh đạo cấp cao Việt Nam và Nhật Bản vô cùng mật thiết.

Tháng 1/2013 Thủ tướng Shinzo Abe chọn Việt Nam làm quốc gia đầu tiên ông đi thăm.

Tháng 3/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Nhật Bản, quan hệ song phương được nâng cấp thành đối tác chiến lược rộng rãi, cùng nỗ lực vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.

Tháng 7/2015 Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thăm Nhật Bản ; tháng 8 cùng năm Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân thăm Nhật Bản ; tháng 9 cùng năm, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Nhật Bản.

Tuyên bố chung Việt Nam - Nhật Bản trong chuyến thăm của Tổng bí thư tiếp tục nhấn mạnh, hai bên nỗ lực xây dựng quan hệ đối tác chiến lược rộng rãi, cùng nỗ lực vì hòa bình và phồn vinh ở Châu Á.

Tần suất thăm viếng lẫn nhau dày đặc của lãnh đạo cấp cao hai nước cho thấy, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản đã phát triển đến mức độ chưa từng có. Sở dĩ như vậy là vì mấy nguyên nhân chủ yếu dưới đây.

Đầu tiên, Nhật Bản và Việt Nam không có những vấn đề lịch sử dây dưa kéo dài.

Những năm gần đây, quan hệ Nhật - Trung, Nhật - Hàn ngày càng xấu đi, nguyên nhân căn bản là vì những vấn đề lịch sử xâm lược trong Chiến tranh Thế giới II.

Trung Quốc và Hàn Quốc nhận thấy, thái độ nhận tội của Nhật bản không thành khẩn. Trong khi giữa Việt Nam và Nhật Bản không có vấn đề này.

Trong Chiến tranh Thế giới II, mặc dù Nhật Bản cũng đã từng xâm lược các nước Đông Nam Á bao gồm Việt Nam, cũng gây ra những tổn thất về sinh mạng và tài sản, nhưng những quốc gia trong khu vực cơ bản không thù địch Nhật Bản.

Với các vấn đề lịch sử, họ cho rằng chuyện gì đã qua hãy để nó qua đi. 

Trên thực tế, nhà lập quốc Singapore Lý Quang Diệu hay tướng Aung San, cha đẻ của bà Aung San Suu Kyi, được người dân Myanmar tôn làm Quốc phụ trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng đều đã từng hợp tác với Nhật.

Nhưng không vì thế mà người dân hai nước cho rằng "đạo đức của họ có vấn đề", chứ đừng nói tới chuyện họ có thể bị ám toán sau những chuyện này.

Đó là vì thời gian Nhật Bản thống trị các nước này tương đối ngắn, chỉ khoảng 3 năm, tội ác gây ra cũng có hạn.

Hơn nữa, các nước này đã trải qua một thời gian dài bị thực dân phương Tây đô hộ, cướp bóc, trong khi Nhật Bản biết cân đối giữa khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế ở thuộc địa.

Chính vì thế trong thời gian Chiến tranh Thế giới II, kinh tế thực dân ở các nước Đông Nam Á cũng có những phát triển nhất định.

Hai là, các quốc gia Đông Nam Á phần lớn khi đó đều là thuộc địa của thực dân phương Tây. Tầng lớp tinh hoa trong xã hội phổ biến ác cảm, căm thù chủ nghĩa thực dân phương Tây.

Sự xuất hiện của quân Nhật được các tầng lớp tinh hoa này tận dụng để chống lại thực dân phương Tây.

Sau khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc vào tháng 3/1945, Nhật Bản thay thế thực dân Pháp cai trị Đông Dương và tuyên bố Việt Nam, Lào, Campuchia độc lập.

Tất nhiên "độc lập" ấy chỉ là giả hiệu, nhưng quả thực Nhật Bản cũng đã mở rộng phạm vi tham gia chính trị cho tầng lớp tinh hoa bản địa.

Bởi vậy, so với tội ác gây ra với Trung Quốc và Hàn Quốc, hành động xâm lược của Nhật Bản với Đông Nam Á trong đó có Việt Nam là có kiểm soát, có tiết chế. Đồng thời khách quan mà nói, Nhật cũng đã làm được một số việc tốt.

Đây là lý do chủ yếu giải thích tại sao người dân khu vực này không ghét Nhật Bản. 

Tháng 4/2015, Trung tâm Nghiên cứu Pew, Hoa Kỳ công bố kết quả một cuộc điều tra cho thấy, có tới 82% người Việt Nam được hỏi có tình cảm tốt đẹp với Nhật Bản.

Con số này cao hơn rất nhiều số người có thiện cảm với Trung Quốc 'vừa là đồng chí, vừa là anh em', nhưng có tranh chấp chủ quyền, với tỉ lệ chỉ đạt 19%".

Hợp tác cùng có lợi về kinh tế thương mại, lãnh hải

Trong quan hệ kinh tế thương mại, tính tương trợ bổ sung cho nhau giữa Việt Nam và Nhật Bản rất mạnh. 

Việt Nam xem Nhật Bản là đối tác hợp tác kinh tế thương mại có giá trị nhất. Hiện nay, Nhật Bản là nước đầu tư viện trợ lớn thứ 2, đối tác du lịch lớn thứ 3, đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Năm 1992, Nhật Bản bắt đầu cấp vốn vay phát triển ODA cho Việt Nam. Hiện tại, Việt Nam là nước nhận được ODA lớn nhất từ Nhật Bản, chiếm tới 30% tổng số vốn ODA Việt Nam nhận được.

Theo số liệu từ phía Việt Nam, trong 20 năm qua, Nhật Bản đã cam kết cung cấp cho Việt Nam tới 90 tỉ USD vốn ODA dưới nhiều hình thức, hợp đồng ký kết thực tế đạt được 73,68 tỉ USD, bình quân mỗi năm 3,5 tỉ USD.

Đại đa số các công trình hạ tầng trọng điểm của Việt Nam do Nhật Bản xây dựng.

Năm 2014, hai tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa 2 nước đạt 27,6 tỉ USD, trong đó Việt Nam xuất sang Nhật Bản hàng hóa tổng trị giá 14,7 tỉ USD, tổng trị giá nhập khẩu từ Nhật Bản 12,9 tỉ USD.

mau5

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe - Ảnh : VGP/Quang Hiếu.

Về mặt chủ quyền lãnh hải, Việt Nam và Nhật Bản không có mâu thuẫn hay xung đột, trong khi đều có tranh chấp với Trung Quốc (Bắc Kinh nhảy vào tranh chấp).

Có thể nói sự thực thi chiến lược xoay trục sang Châu Á dưới thời Barack Obama hay những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông vài năm gần đây là một chất xúc tác quan trọng làm quan hệ Nhật - Việt phát triển nóng.

Giữa Việt Nam và Trung Quốc có tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Việt Nam cũng có những tâm tình không thể nói trong một thời gian dài bị Trung Quốc đô hộ suốt thời phong kiến.

Từ khi ông Shinzo Abe trở lại chính trường, vì thái độ "ỡm ờ" với lịch sử nên quan hệ với Trung Quốc ngày càng căng thẳng, lại thêm việc cố ý làm con tốt cho Hoa Kỳ, thay Mỹ bao vây Trung Quốc.

Cứ như thế, hai bên (Việt Nam, Nhật Bản) phố hợp nhịp nhàng, bên này hô hào bên kia hưởng ứng, không nói thành lời mà ngày càng gần gũi.

Năm 2012 Ngoại trưởng Nhật Bản thăm Việt Nam, phía Việt Nam đã đề nghị Nhật Bản giúp mình huấn luyện lực lượng Cảnh sát biển, tăng cường năng lực bảo đảm phòng thủ ven bờ.

Năm 2013 khi Thủ tướng Shinzo Abe thăm Việt nam, ông công khai kêu gọi Việt Nam - Nhật Bản cùng hợp tác, đối phó với các hành động ngày càng leo thang của Trung Quốc trong khu vực.

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng khi đó kêu gọi tăng cường hợp tác với các nước trên Biển Đông, bao gồm Nhật Bản. 

Tại Đối thoại An ninh Shangri-la năm 2014, ông Shinzo Abe tuyên bố, Nhật Bản ủng hộ Việt Nam giải quyết vấn đè Biển Đông thông qua đối thoại, đồng thời cam kết cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam.

Đương nhiên, sự tồn tại của nhân tố Trung Quốc vừa đóng vai trò thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển gần gũi, đồng thời cũng tạo ra giới hạn cho quan hệ này.

Trong quan hệ với Nhật Bản, Việt Nam chủ yếu quan tâm đến việc, một mặt cần phải có Nhật Bản để làm đối trọng trong quan hệ với Trung Quốc, mặt khác vẫn phải dựa vào Trung Quốc về chính trị, kinh tế.

Do đó, Việt Nam vừa phải thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển để cân bằng với Trung Quốc, mặt khác phải giữ cho mọi thứ không đi quá đà.

Nhật Bản cũng như vậy, vừa muốn lôi kéo Việt Nam, thúc đẩy quan hệ Việt - Nhật phát triển, nhưng vẫn tự biết rằng, so với quan hệ Việt - Nhật, quan hệ Trung - Nhật quan trọng hơn.

Cái nhìn thiên lệch do chính trị hóa các vấn đề lịch sử, pháp lý

Cá nhân người viết cho rằng, những đánh giá, nhìn nhận của nhà báo Triệu Linh Mẫn trong bài viết này cũng phản ánh nhận thức phổ biến của giới nghiên cứu, quan sát Trung Quốc đương đại.

Góc nhìn của họ bị hạn chế và chi phối không nhỏ bởi "nhãn quan chính trị", "lập trường chính trị" của giai cấp lãnh đạo đương thời, nên ở mức độ nhất định, khó thấy được bản chất vấn đề.

Người viết không bàn tới chuyện tại sao người Việt Nam cũng như Đông Nam Á không thù hận Nhật Bản, cũng như luận giải của tác giả Triệu Linh Mẫn về điều này.

Chỉ xin lưu ý rằng, đổ lỗi và một chiều không phải là cách tiếp cận các vấn đề lịch sử một cách khoa học, khách quan và cầu thị. 

Tác giả Triệu Linh Mẫn cho rằng, xã hội Trung Quốc hay Hàn Quốc thù hận Nhật Bản vì Tokyo "chưa chân thành nhận tội", hay những gì chủ nghĩa quân phiệt Nhật gây ra cho Đông Nam Á và Việt Nam "nhẹ hơn, ít hơn" so với Trung Quốc, Hàn Quốc (bán đảo Triều Tiên).

Có lẽ là do bà thường xuyên được tiếp xúc (hoặc bị tuyên truyền, giáo dục bởi) các tài liệu tuyên truyền chống Nhật trên báo chí, truyền hình, điện ảnh chiếu ra rả trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc từ năm này qua năm khác, từ tháng này qua tháng khác.

Không biết vì lý do gì, nhưng tình cảm và tâm lý chống Nhật Bản đã được chính quyền Trung Quốc sử dụng cho các mục đích chính trị. Điển hình là những vụ biểu tình chống Nhật trên khắp Trung Quốc năm 2009, đập phá bất cứ thứ gì liên quan đến Nhật Bản.

Hàn Quốc - Nhật Bản cũng có tranh chấp lãnh thổ, cũng có những vấn đề do lịch sử để lại, nhưng người dân xứ sở kim chi không có những hành động quá khích, đập phá bất cứ thứ gì liên quan đến Nhật Bản như thế.

Đã là chiến tranh, thì chỉ có máu và nước mắt, hận thù là điều khó tránh.

Nhưng trong quan hệ giữa các quốc gia, dân tộc láng giềng, thời gian chiến tranh có lẽ chỉ chiếm 5%, 95% còn lại là chung sống hòa bình. Liệu hòa bình có thể đơm hoa nếu như thù hận vẫn ngày ngày được tưới tẩm bằng những tác phẩm tuyên truyền có chủ đích ?

Khi đòi một dân tộc khác phải "chân thành nhận tội" vì những gì cha ông họ gây ra cho mình trong một cuộc chiến xâm lược, liệu có khi nào bà Triệu Linh Mẫn và các học giả Trung Quốc có nhìn lại cách hành xử của cha ông mình với các nước nhỏ ngày trước, cũng như các hành vi bành trướng hiện nay mà Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông ?

Bà Triệu Linh Mẫn nhận định rằng Việt Nam phát triển quan hệ với Nhật Bản để cân bằng với Trung Quốc, vậy có bao giờ bà tự hỏi mình bằng cách đặt ngược vấn đề, tại sao Việt Nam phải làm như vậy ?

Ở đời không có lửa làm sao có khói.

Tham vọng bành trướng và hành động leo thang bất chấp luật pháp quốc tế cũng như công luận mà Trung Quốc theo đuổi trên Biển Đông buộc các nước nhỏ phải hợp tác bảo vệ cho được hòa bình, ổn định và trật tự khu vực dựa trên luật lệ.

Nhân loại mỗi ngày một văn minh, hợp tác cùng phát triển hòa bình, thịnh vượng, phồn vinh còn chưa làm hết, hơi đâu các nước nhỏ đi làm chuyện "bao đồng", mua dây buộc mình như người ta vẫn tuyên truyền : theo Mỹ chống Trung Quốc.

Chỉ vì ai đó muốn ăn trên ngồi trốc thiên hạ, muốn biến Biển Đông - tuyến hàng hải huyết mạch quốc tế thành ao nhà, muốn biến lãnh thổ hợp pháp của nước khác thành của mình thì toan tính ấy, hành động ấy không thể không chống lại.

Chữ "lãnh hải" hay "tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" mà tác giả Triệu Linh Mẫn sử dụng trong bài viết cũng phản ánh nhận thức rất hạn chế về luật pháp quốc tế của bản thân bà và giới truyền thông Trung Quốc.

"Lãnh hải" là một khái niệm pháp lý được Công ước Liên Hợp Quốc 1982 quy định cụ thể, và Việt Nam, Nhật Bản không thể có tranh chấp, cũng không thể có "tương đồng, bổ khuyết cho nhau", đơn giản vì khoảng cách địa lý xa xôi.

"Tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông" là cách đánh đồng tất cả những tranh chấp Trung Quốc cố tình tạo ra, trong đó có vấn đề ứng dụng giải thích UNCLOS 1982.

Điển hình là đường lưỡi bò hay cái gọi là "quyền lịch sử" mà Phán quyết Trọng tài 12/7/2016 do Tòa Trọng tài thành lập theo Phụ lục VII, UNCLOS 1982 đã bác bỏ.

Hay ví dụ như vụ Trung Quốc cắm giàn khoan 981 bất hợp pháp vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa hợp pháp và không có tranh chấp của Việt Nam với âm mưu tạo ra tranh chấp năm 2014.

Đó là những "tranh chấp" do Trung Quốc cố tình gây ra ở những khu vực không có tranh chấp, và đó là việc ứng dụng và giải thích UNCLOS 1982 chứ không phải "tranh chấp chủ quyền".

Còn hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Nhật Bản sở dĩ phát triển mạnh và đóng vai trò to lớn trong quan hệ song phương, không chỉ đơn giản là vì Nhật Bản là nước cho vay ODA lớn nhất của Việt Nam.

Đặc biệt là trong bối cảnh Trung Quốc khá "rủng rỉnh" tiền mặt sau mấy chục năm bán hàng giá rẻ trên toàn cầu, và đang cổ súy cho ý tưởng "một vành đai, một con đường" với nhiều dự án, siêu dự án xây dựng cơ sở hạ tầng chào hàng với các nước.

Nhưng rất nhiều nước vẫn khát vốn mà không mấy mặn mà với nguồn vốn từ Trung Quốc, bởi lẽ nước này muốn xuất khẩu các công nghệ / doanh nghiệp lạc hậu gây ô nhiễm ra ngoài lãnh thổ thông qua các nguồn vốn giá rẻ đi kèm điều kiện sử dụng công nghệ / nhà thầu / lao động phổ thông của họ.

Trong khi đó, từ lâu không riêng gì Việt Nam, mà dư luận khu vực, thế giới đều đánh giá cao công nghệ và chất lượng sản phẩm Nhật Bản. Điều đó đã làm lên thương hiệu và uy tín cho đất nước Mặt Trời mọc.

Người viết nhận thấy, những bình luận của nhà báo Triệu Linh Mẫn rõ ràng lời lẽ ôn hòa hơn, ít màu sắc cảm xúc, tuyên truyền như vẫn thấy trên một số phương tiện truyền thông và học giả Trung Quốc trước đây.

Nhưng có lẽ tàn dư của tư tưởng cá lớn nuốt cá bé, thói quen chính trị hóa các vấn đề lịch sử và pháp lý dường như vẫn ăn sâu vào tiềm thức, chi phối tư duy và suy nghĩ của không ít học giả Trung Quốc hiện đại, dẫn đến những quan điểm, nhận thức không đúng với thực tế.

Hồng Thủy

Tài liệu tham khảo :

http://www.chinatimes.cc/article/64953.html

 

Published in Diễn đàn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn Nhật đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam (RFA, 18/01/2017)

vietnhat1

Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc (phải) phát biểu tại diễn đàn kinh doanh Việt - Nhật với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Hà Nội ngày 17 tháng 1 năm 2017. AFP photo

Việt Nam muốn Nhật Bản trở thành nhà đầu tư hàng đầu vào Việt Nam trong tương lai. Đó là phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vào ngày hôm nay nhân chuyến thăm của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến Việt Nam lần này.

Phát biểu tại buổi tọa đàm các doanh nghiệp hàng đầu diễn ra ở Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết Nhật Bản hiện là quốc gia tài trợ vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu cho Việt nam và đứng thứ hai về số doanh nghiệp đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Nhật bản cũng là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Việt Nam.

Các công ty Nhật Bản hiện đang thực hiện khoảng hơn 3.000 dự án trị giá khoảng 42 tỷ đô la Mỹ tại Việt Nam, chủ yếu là trong lĩnh vực chế tạo.

Phát biểu tại diễn đàn, Thủ tướng Nhật cũng kêu gọi Việt Nam tiếp tục hỗ trợ các công ty Nhật bản và lắng nghe những kinh nghiệm của các công ty Nhật trong lĩnh vực công nghệ cao. Thủ tướng Nhật cũng cho biết các khoản đầu tư sắp tới từ Nhật vào Việt Nam sẽ tập rung vào các dự án nâng cấp hạ tầng cơ sở chất lượng cao. Tuy nhiên lãnh đạo hai nước không đưa ra cụ thể những khu vực đầu tư chính là gì.

Trước đó giới chức hai nước cũng đã nói đến việc Nhật Bản quan tâm đến các dự án đường sắt cao tốc và sân bay.

*************************

Việt Nam đặt mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghiệp khí (RFA, 18/01/2017)

vietnhat2

Ảnh minh họa những ngọn lửa bốc lên do đốt các khí tự nhiên dư thừa. Ảnh chụp hôm 12/1/2017 tại Iraq. AFP photo

Việt Nam đặt mục tiêu khai thác 17 tỷ mét khối khí tự nhiên mỗi năm trong 10 năm sắp tới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển ngành công nghiệp khí Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến 2035.

Theo đó, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển lĩnh vực công nghiệp khí hoàn chỉnh, đồng bộ từ khai thác, thu gom, vận chuyển, chế biến, dự trữ phân phối khí và xuất nhập khẩu sản phẩm khí trên toàn quốc.

Quy hoạch cũng nêu rõ vấn đề phải thu gom 100% sản lượng khí của các lô và mỏ mà Tập đoàn dầu khí Việt Nam và các nhà thầu dầu khí khai thác tại Việt Nam. Trong giai đoạn từ 2026 tới 2035, Việt Nam đặt mục tiêu khai thác từ 17 tới 21 tỷ m3 khí mỗi năm.

Published in Châu Á